Nỗi niềm cô đơn

27 Tháng Mười 20207:08 SA(Xem: 5592)

VĂN HÓA ONLINE - VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THỨ BA 27 OCT 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Nỗi niềm cô đơn 

image007

Thanh Thương Hoàng


      Một buổi chiều mùa đông cuối năm, trời lạnh lắm, sương mù phủ dầy đặc đường phố. Nằm nhà từ sáng tới giờ bức bối quá, nhất là cái buồn không tên thật nhức nhối, tôi rời nhà lấy xe phóng tới phòng mạch ông bác sĩ bạn với mục đích tán dóc cho đỡ buồn. Phòng mạch vắng tanh, cô thư ký ngồi đọc báo, còn ông bác sĩ đang coi một tập tài liệu về chuyên khoa. Có điều lạ là năm nào cũng vậy, vào những dịp lễ lạc, nhất là trước và sau những ngày tết Việt Nam, tại phòng mạch các bác sĩ vắng hẳn bệnh nhân người Việt với lý do thật giản dị: họ quên hết bệnh về Việt Nam ăn tết.


Thấy tôi ông bác sĩ mừng lắm, nói: “Tôi tưởng ông về Việt Nam ăn Tết rồi. Bà con ta năm nay kéo về nước nhiều quá”. “Bọn nhỏ nhà tôi gửi email sang cứ dọa book vé bay bắt bố về ăn tết. Mười mấy năm xa cách quê hương, xa cách con cháu, xa cách bạn bè rồi”. “Sao ông không về một chuyến cho chúng vui? Với tuổi ông thời gian đâu còn nhiều mà chần chờ?”. Tôi cố nén tiếng thở dài: “Tôi muốn về lắm nhưng…À mà tại sao ông cũng không về? Hình như ông đến Mỹ trước tôi cả chục năm?” . Ông bác sĩ cười gượng: “Thì…chắc tôi cũng như ông vậy thôi”. “Nghĩa là…” Ông bác sĩ nói nhanh: “Vì quê hương trải qua mấy chục năm vẫn cứ là …chùm khế chua”.  “Với tôi đấy là chùm khế chua khế chát”. “Ông có thể cho tôi biết chua chát đến độ nào ?”. “Tốt thôi. Vậy xin ông chịu khó nghe tôi giãi bầy nỗi lòng của mình nhé! Dài lắm nhưng tôi cố tóm tắt. Như ông biết đấy, khi tôi tù về nhà cửa mất tiêu gia đình tan nát. Các con nheo nhóc đói rách học hành dở dang. Chắc ông cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên khi tôi nói có nhiều ngày gia đình tôi chỉ sống cầm hơi bằng nước cháo loãng.Tội nghiệp nhất là đứa cháu ngoại mới sinh mấy tháng, ăn nước cháo loãng mãi da thịt xanh xao và thân thể ẻo lả quắt queo như tầu lá chuối héo. Nếu không nhờ một số bạn bè và các tổ chức hiệp hội nhân quyền, văn bút quốc tế, báo chí Việt ở nước ngoài hà hơi tiếp sức để sống cầm hơi thì có lẽ chúng tôi đã chết vì đói từ lâu. Nhưng cái sự đói khổ còn có thể chịu đựng được, nhưng cái sự hành hạ khủng bố tinh thần như lưỡi gươm treo bên cổ mới ghê gớm khủng khiếp ngoài sức tưởng tượng. Biết bao nạn nhân không làm chủ được mình, sợ quá đã phát điên hoặc tự tử. Tôi được tha tù về với mảnh giấy nhỏ đề là “Giấy tạm tha”, mỗi tuần phải trình diện chính quyền địa phương một lần trong một năm, nhưng lại diễn ra trong 5 năm. Đấy là chưa kể cứ ít ngày công an khu vực (tuổi nhỏ hơn con út tôi) gửi giấy mời “anh” lên trụ sở công an phường “làm việc”. Cái trò “làm việc” này có khi kéo dài cả buổi với những câu hỏi lăng nhăng lít nhít chẳng đâu vào đâu. Và sau chót là viết bản tự kiểm trong tuần đã làm gì và đã tiếp những ai, nói chuyện gì. Sau thời hạn một năm trình diện tại địa phương như trong giấy tạm tha ghi, tôi lại bị lên công an Thành phố (tên gọi Sở An Ninh Nội Chính - Nha Cảnh Sát Đô Thành cũ) trình diện hàng tuần vào ngày thứ năm vì một “sự cố” vô tình ngoài ý muốn. Sáng hôm đó không hiểu trời xui đất khiến làm sao, chẳng biết làm gì buồn tình tôi đạp xe đạp vào Thành phố thăm một ông bạn lớn tuổi, cựu chủ nhiệm nhật báo về tù trước tôi mấy năm. Tôi đến lại nhằm đúng vào lúc công an Thành phố đang khám xét nhà và bắt ông ta về tội gì đó. Họ tra vấn tôi đủ thứ về sự quan hệ với “khổ chủ”. Sau khi bị giam lỏng hơn mười tiếng đồng hồ tại chỗ, tra hỏi xong, thấy tôi vô tội họ thả cho về. Nhưng từ đó họ bắt tôi phải trình diện hàng tuần trong 4 năm liền. (Vì tôi bị cộng sản liệt vào “tội” văn nghệ sĩ, báo chi phản động, bắt tù 10 năm. Khi tha về họ vẫn  “đề cao cảnh giác” nghi tôi “móc ngoặc hoạt động ngầm” tuyên truyền phản động theo lệnh các tổ chức phản động ở ngoại quốc). Mỗi lần trình diện tôi phải làm một bản tự khai những việc làm và báo cáo những điều tai nghe mắt thấy. Tôi bị quản chế tại gia theo như giấy tạm tha có được đi đâu và tiếp xúc với ai mà báo cáo!


Mệt nhất là vào những ngày nhận được chút tiền do bạn bè hoặc hội Văn Bút quốc tế, Văn Bút Việt Nam hải ngoại gửi về. Lẽ ra có tiền (như từ trên trời rơi xuống) thì phải “ hồ hởi phấn khởi” mới đúng, trái lại với tôi, tuy vui mừng thật nhưng liền đó là cả một sự lo âu phập phòng. Suốt đêm trằn trọc thao thức không tài nào nhắm mắt ngủ nổi vì suy nghĩ kiếm cách trả lời với công an sao đây khi họ hỏi việc này. Vì tôi (và cả nhiều anh em tù cải tạo về) luôn nghĩ rằng việc gì của mình cũng đều bị công an và nhân dân theo dõi, biết hết (bọn cai tù trong trại tù nói thế). Cái sự ám ảnh này đã đeo đuổi và hành hạ chúng tôi chuỗi thời gian dài, từ trong nhà tù mang theo về ngoài đời. Có thể nói cuộc sống của tôi những ngày tháng này hoàn toàn bất an, hoàn toàn sống trong hoang mang sợ hãi. Thấy người lạ qua lại nhà mình một hai lần là hồi hộp chột dạ. Nửa đêm nghe tiếng chó sủa đầu đường cũng giật mình thảng thốt, vùng dậy lắng tai nghe ngóng, tim đập thình thịch. Đã thế dăm mười ngày, khoảng gần nửa đêm, sắp đi vào giấc ngủ thì nghe tiếng đập cửa ầm ầm và tiếng “đồng chí công an khu vực” yêu cầu mở cửa. Rồi có đến 6,7 người quần áo vàng, súng ngắn súng dài lích kích ùa vào nhà nói là công an trên huyện về kiểm tra. Họ hỏi giấy tờ tôi (lần nào cũng vậy). Tôi làm gì có giấy tờ nào ngoài tờ giấy ra trại.“Đồng chí trưởng công an huyện” nói như ra lệnh:“Theo chính sách, anh không được quyền ở đây. Vậy tôi cho anh 10 ngày để tìm nơi cư trú”. Tôi chẳng hiểu chính sách nào cấm tôi ở nhà tôi và tôi biết tìm đâu ra chỗ chứa mình: một tên tù cải tạo can tội phản động mới được tha về! Thế là hết đường tôi đành phải giở bài liều bài lỳ vậy”. “Nghĩa là ông xâm mình cưỡng lại lệnh của các “đồng chí công an” mà khi đó người dân trong nước sợ họ hơn sợ cọp?”. Ông bác sĩ nói. Tôi đáp: “Thì đến nước cùng rồi chẳng liều chơi nước lỳ thì ra ngoài đường nằm sao? Mà ra ngoài đường nằm lại bị liệt vào thành phần xấu, du thử du thực, vô gia cư vô nghề nghiệp và bị tóm cổ tống vào trại giam hình sự lần nữa thì chết”. “Rồi họ bỏ qua cho cái sự lỳ của ông?”. “Chưa.


Những tuần sau họ liên tiếp tới nhà vào nửa đêm và cứ giở trò uy hiếp khủng bố tinh thần, đòi trục xuất tôi ra khỏi nhà “theo chính sách Nhà nước”. Mới đầu tôi còn ra phòng khách tiếp họ nhưng riết rồi tôi chịu không nổi . Ít ra mình cũng còn chút máu nóng. Khi họ đập cửa, tôi dặn trước con tôi ra mở và nói tôi bệnh không dậy tiếp họ được. Thế là họ xông ngay vào phòng ngủ, rọi đèn pin qua mùng chiếu thẳng vào mặt tôi, bắt tôi trở dậy trình diện. Nhưng rồi nhờ trời mọi sự cũng được “thông qua” ông ạ”. “Tức là ông không bị trục xuất khỏi nhà?”. “Vâng. Dân gian miền Bắc sống với cộng sản lâu năm nên có nhiều kinh nghiệm đối phó. Họ áp dụng câu “nhất lý nhì lì”. Cùng quá hóa lỳ hóa liều thế mà lại được việc! “Các đồng chí” đuổi mãi không xong cũng đành đánh bài phe lờ. Nhưng sau đó họ áp dụng chính sách “bế quan tỏa cảng”, nghĩa là không cho tôi nhập hộ khẩu, tức vẫn là kẻ sống bất hợp pháp. Ôi, câu chuyện còn nhiều lâm ly bi đát lắm, thời gian nào kể cho hết. Chỉ biết rằng mảnh đất quê hương yêu quý của mình giờ đây không còn là nơi chốn an tòan để dung thân nữa, đã trở thành địa ngục, đã trở thành mảnh đất “đêm giữa ban ngày” hay “mặt trời lên mọc giữa rừng gươm” thì đành phải đau lòng đứt ruột từ bỏ đi ra nước ngoài thôi. Sống sao nổi. Ngày xưa người ta giết nhau bằng cái u sầu, đã thâm hiểm. Nhưng thời nay người ta độc ác hơn, giết nhau bằng cái sự khủng bố tinh thần. Suốt ngày sống trong hồi hộp lo âu sợ hãi, nghi kỵ đe dọa thì đến tượng đá cũng toát mồ hôi lạnh và vỡ vụn ra, huống chi con người vốn yếu đuối như cây sậy và nhút nhát, hèn. Nhất là lại mới từ cõi bị chôn sống nơi ngục tù trở về và bị người ta đối xử tàn nhẫn tệ hại nhục nhã hơn cả chó…”.  Câu chuyện của chúng tôi tới đây tạm ngưng vì ông bác sĩ có bệnh nhân tới khám. Tôi ra về.


Sau khi vắng mặt mấy tuần đi New York thăm ông bạn già “độc thân khó tính” (có lẽ vì bị bà vợ ôm cầm sang thuyền khác, đau quá sinh khó tính?) đồng nghiệp cũ của tôi, trở về San Jose, tôi lại tới thăm ông bạn bác sĩ xin ít thuốc trị bệnh cao máu và thuốc ngủ. Thấy tôi ông bác sĩ hỏi liền: “Tôi nghe nói ông vừa trả lời cuộc phỏng vấn của một nhà báo Mỹ ở New York với những lời lẽ u uất nặng nề về cộng đồng ta lắm?”. Tôi gật đầu: “Ông nhà báo Mỹ này là chỗ quen biết tôi từ ngày ở Việt Nam, ông ta làm phóng viên chiến trường cho một tờ nhật báo lớn. Khi tôi mới tới Hoa Kỳ hồi năm 1999, ông biết tin, bay từ New York xuống Sacramento gặp tôi mở cuộc phỏng vấn, không phải để đăng báo mà là viết sách. Ông được một nhà xuất bản Mỹ cấp “phân” một năm đi khắp đó đây tìm hiểu, kiếm tài liệu, phỏng vấn để viết về chân dung người tỵ nạn Việt Nam. Tôi không hiểu sao ông ta hỏi tôi hơi nhiều, có lúc như vặn hỏi về ông bố tôi. Ông bố tôi cũng như những người Việt Nam yêu nước thời đó, đã hết mình phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhưng khi nhìn thấy bộ mặt thật của cộng sản, nhất là sau vụ đấu tố xử bắn bà tư sản Cát Thành Long, ông đã bỏ về Hà Nội sống cuộc đời bình thường dân dã.


Ngót 10 năm trôi qua tôi mất liên lạc với ông nhà báo Mỹ này. Hôm lên chơi với ông bạn già “độc thân khó tính” được ông cho biết vẫn thường xuyên thư từ, phone với ông bạn Mỹ cựu phóng viên của tôi. Bây giờ lớn tuổi ông ta thiên về viết sách nhiều hơn viết báo, chỉ thỉnh thoảng viết một, hai bài cho vui. Tôi thật bất ngờ khi gặp lại ông bạn nhà báo Mỹ. Mới khỏang 10 năm không gặp nhau, ông thay đổi nhiều quá. Người phát phì béo sệ, râu ria tua tủa như râu Trương Phi, đi đứng nặng nề chậm chạp. Ông đãi tôi và ông bạn già “độc thân khó tính” một bữa ăn tại nhà hàng Trung Hoa khá sang. Tôi hỏi đùa: “Bạn đã trở thành văn hào nước Mỹ chưa?”. Ông cười nhạt: “Vẫn thuộc hàng“văn xu”. Nếu lọt được vào cửa “văn hào” thì tôi đã trở thành triệu phú rồi. Ở nước Mỹ này muốn trở thành nhà văn “bét seo lơ” khó cũng chẳng khác gì trò chơi leo cột mỡ nước bạn. Nếu có là thiên tài thực sự đi nữa, nhưng là  người nước nhỏ như các bạn, mà không có các tay tổ biên tập, phê bình cất nhắc thì còn khó hơn con Lạc đà chui qua lỗ kim. Nếu may mắn được một tay tổ cất nhắc giới thiệu với nhà xuất bản là bạn trúng số độc đắc rồi đó ”. “Rồi tiếp tới là ông ta phỏng vấn lại ông?”. Ông bác sĩ hỏi. “Tất nhiên. Nghề nghiệp của chàng mà! Nhưng sao ông biết tôi “ bị”  phỏng vấn?”. “Tôi có người bà con trên đó tình cờ đọc bài báo phỏng vấn một “gã mít Việt”, xin lỗi ông nhé, vì người này không biết ông. Tò mò người này đọc hết bài báo rồi phôn hỏi tôi có biết ông không mà trả lời báo Mỹ “u uất nặng nề” vậy. Ông có thể cho tôi biết thêm về cái sự “u uất nặng nề” này không?”. “ Nhưng vắn tắt nhé. Vì cuộc phỏng vấn kéo dài cả giờ.


Ông nhà báo Mỹ hỏi tôi rất nhiều chuyện thuộc phạm vi sinh hoạt của cộng đồng người Việt chúng ta trên khắp nước Mỹ. Tôi sao biết hết được nên chỉ trả lời những việc tai nghe mắt thấy và đọc trên báo Việt cùng với những nhận xét riêng tư của cá nhân thôi. Tôi bảo ông ta tôi rất buồn và cả đau lòng nữa khi phải nói về đồng hương tôi, đó là một tập thể bừng bừng chính khí về lòng yêu nước và nhân nghĩa nhưng đồng thời cũng là một đống rác vĩ đại. Cái đống rác vĩ đại này mang từ Việt Nam sang đây và nhân lên nhiều lần. Ông nhà báo Mỹ không ngạc nhiên về nhận xét của tôi nhưng ông lại muốn biết một cách cụ thể rành mạch”. “Và ông đã không ngần ngại phát ngôn tuốt luốt?”. “Giờ tôi chỉ xin vắn tắt đề cập tới những điểm chính - mà ông gọi là u uất nặng nề - thôi nhé. Vì những điều kia khác thì thường thôi, chắc ông cũng đã biết từ lâu rồi.


Trả lời câu hỏi sau hơn 10 năm sống trên đất Mỹ tôi có nhận xét gì về nước Mỹ. Tôi trả lời đó là thiên đàng của trái đất, đó là ước mơ của triệu triệu con người khắp bốn phương trời. Chiến tranh, đói rét, dịch bệnh chỉ có thể xẩy ra ở các nước châu Á châu Phi. Sức mấy mà động tới, dù là một cái…lông chân người Mỹ. Nhưng từ khi xẩy ra vụ 9.11, như bạn đã biết, thì đất nước vốn mệnh danh là thành trì bất khả xâm phạm của trái đất giờ đây đã bắt đầu bước vào…“tầng đầu địa ngục”. Quanh năm ngày tháng lúc nào bọn cuồng tín, bọn kỳ thị, bọn mất trí, bọn khủng bố cũng lăm le đe dọa phá hoại, đe dọa tấn công. Nào bom thối,  bom vi trùng, bom người, bom nguyên tử đang rình rập cơ hội là cho nổ liền như đã diễn ra thường ngày với bom người ở Trung Đông. Rồi bọn di dân mặt người dạ thú, ăn cơm Mỹ lại trả ơn nước Mỹ bằng cách ôm bom cầm súng giết hại người Mỹ, phá hoại đất nước Mỹ. Người dân Mỹ lo âu sống trong tình trạng bất an. Cái chết luôn lởn vởn bay lượn trên đầu mọi người. Như vậy trái đất này đâu còn chỗ nào có thể coi là an toàn, an ninh để chúng ta sống an thân?”. Ông bạn Mỹ cười: “Ông có vẻ bi quan thái quá đấy!”. “Vì chúng tôi đã bị chết đi sống lại nhiều lần nên bây giờ thấy làn gió nhẹ cũng tưởng là trận bão. Có lẽ rồi đây con cháu chúng tôi phải di tản lên mặt trăng may ra mới an tâm sống. Chúng tôi đã cùng đường rồi ông bạn ạ”. Ông bạn nhà báo Mỹ chắc không muốn nghe chuyện “lo bò trắng răng” của tôi nữa nên chuyển sang vấn đề khác. “Ông nghĩ gì về đồng hương của ông đánh nhau với cộng sản Việt Nam trên đất Mỹ?”. Tôi không phải người hoạt động chính trị, cũng không có tham vọng về quyền hành địa vị nên tôi từ chối trả lời câu hỏi này. Nhưng ông bạn nhà báo Mỹ ép quá tôi đành phải trả lời: “Phải đau lòng  nói rằng chúng tôi đánh kẻ thù một đánh bạn mười. Khi sống trong nước người ta ghét nhau chụp cho nhau cái mũ CIA, tay sai đế quốc Mỹ. Biết bao người bị tù oan về cái sự chụp mũ này. Sang Mỹ sống, ghen ghét nhau, không cùng quan điểm, người ta cũng lại chụp cho nhau cái mũ cộng sản. May mà ông FBI biết rõ nên không có người nào bị chụp mũ đi tù. Đó là chưa kể họ “đánh nhau” trên báo, trên mạng với những lời lẽ bẩn thỉu nhớp nhúa vô văn hóa.  Họ rất rộng lượng về tiền bạc nhưng chỉ với người trong nước. Còn đối với đồng hương ngoài này thì ngay việc nho nhỏ, bỏ ra 25 cent mua một tờ báo cũng không chịu. Lúc còn trong nước thiếu và thèm khát từng  chút tự do. Khi chạy sang nước Mỹ sống thì lại thừa mứa tự do. Tự do đến độ vô chính phủ nên bị lạm dụng, bị sử dụng bừa bãi vào cả những việc cá nhân bẩn thỉu, chửi bới bôi nhọ lẫn nhau với những lời lẽ vô văn hóa trên báo chí, sách vở, đài phát thanh…Còn tình người thì tràn đầy nhưng chỉ tràn đầy với người trong nước.


Trái lại ở đây thì lạnh lùng thờ ơ lạnh nhạt, sống chết mặc bay,  tình đồng hương nhẹ hơn sợi tóc. Hàng xóm láng giềng, nhà sát bên nhau mà cả chục năm trời không có lấy một cái gật đầu hay câu chào hỏi như người Mỹ thường làm. Họ kỳ thị giầu nghèo ra mặt. Họ phân chia đẳng cấp. Họ đã quên những ngày tháng cũ với tù đầy nhục nhã, với đói rách khốn khổ do cộng sản gây nên. Một số còn vô liêm sỉ lạy lục nịnh bợ xin cộng sản ban phát ân huệ cho về nước làm ăn đóng vai Việt kiều yêu nước, nhất là bọn “xướng ca bất tri vong quốc hận”. Đó là chưa kể tới số đông (mà người ta quen gọi là đa số thầm lặng) chuyên ngậm miệng nín thinh, phớt lờ mọi sự đời.


Trốn chạy sang được tới nước Mỹ họ quên luôn đất nước dân tộc mình, chỉ lo kiếm tiền hưởng thụ giầu sang phú quý. Ai xuống đường tranh đấu, ai lao tâm tổn trí ngày đêm, ai khốn đốn vật vả chạy vạy và bị bắt bớ tù đầy cũng mặc, không thèm lý tới. Có nhiều kẻ mang danh trí thức (người đời bảo là tinh hoa dân tộc) điển hình như một số ông bà bác sĩ, đã tìm đủ mọi cách, qua bệnh nhân, bòn rút công quỹ xã hội làm giầu. Bọn khác, nhờ làm ăn khấm khá có bạc triệu, khi no cơm ấm cật rững mỡ tìm cách mua danh áo gấm về làng, hoặc vì lòng tham vô đáy đi đánh đu với tinh cộng sản. Đem những đồng tiền mồ hôi công sức về nước đầu tư, để bọn này “chơi” cho những vố đau điếng sống dở chết dở, ôm đầu máu trở về Mỹ. Rồi lại còn những bọn làm trò hề chính trị lập đảng, lập chính phủ ra tuyên ngôn tuyên cáo này nọ.  Chính mắt tôi chứng kiến trên đài truyền hình, chỉ là chủ tịch một tổ chức cộng đồng của thành phố nhỏ, không chút quyền hành - thực chất là một hội đồng hương tương tế - vậy mà cũng bầy đặt tổ chức hội hè lễ lạc duyệt binh, đứng trên sân khấu gỗ vẫy vẫy tay khi đoàn diễn hành với đầy đủ trang phục các binh chủng quân lực Việt Nam Cộng Hòa cũ bước tới. Cứ làm như mình là vị nguyên thủ quốc gia. Có hơn triệu người mà mọc ra những mấy trăm đoàn thể hiệp hội rồi đấm đá nhau, tranh dành chức tước bong bóng. Cứ với tình trạng này cộng với sự chống cộng bằng mồm, bằng tiệc tùng ra tuyên ngôn tuyên cáo thì một trăm năm nữa cộng sản Việt Nam vẫn sống nhăn răng và lại sống hùng sống mạnh hơn, vì hàng năm có hàng chục tỷ đô từ khúc ruột ngàn dậm bên Mỹ gửi về. Trước đây nền đệ nhị cộng hòa chúng tôi chỉ bị Mỹ cúp mấy trăm triệu đô mà mất nước. Giờ đây cộng sản Việt Nam mỗi năm có hàng chục tỷ đô như từ trên trời rớt xuống thì dù có bị trời đánh chúng cũng không chết. Đã vậy lại còn được các ngài tổng thống Mỹ hoan hô ủng hộ thăm viếng thì hỡi ôi, đúng là “cộng sản muôn năm trường trị”. Chống cộng, muốn cộng chết mà hàng năm lại tự nguyện “viện trợ” tiền tỷ cho cộng, tôi hỏi ông có phải cực kỳ mâu thuẫn không? Thật là tủi hổ khi nghĩ tới gương phục quốc của người Do Thái. Một thời gian nữa người cộng sản Việt Nam sẽ đầy rẫy khắp nước Mỹ và bọn cỏ đuôi chồn ngoài này (nhiều lắm) sẽ chạy theo tung hô ủng hộ, nịnh bợ. Khi đó còn lại một thiểu số người quốc gia thực sự chống cộng, thực sự yêu quê hương đất nước, quyết tâm tranh đấu cho tự do dân chủ nhân quyền, sẽ trở thành những kẻ cô đơn cô thế, chỉ còn biết ôm nhau  khóc. Liệu họ có thể yên ổn sống một khi kẻ cắp bà già cặp kè bên nhau?


Ông nhà báo Mỹ im lặng nghe tôi tả oán và không hỏi thêm gì nữa. Hình như những việc tôi nói ông ta đều biết hết rồi. Đấy, ông bác sĩ, câu chuyện phỏng vấn phỏng viếc với ông nhà báo Mỹ đại khái là thế. Nếu tôi nói nhiều và nói hết những điều muốn nói, còn chứa đầy trong lòng, e rằng tôi sẽ khó mà sống an thân với những gã chính khách ba xu, những chuyên viên chống cộng bằng mồm, bọn cỏ đuôi chồn. Thôi nhé, câu chuyện đến đây là chấm dứt “chương trình tùng lâm” ông bạn bác sĩ nhé!”. Ông bác sĩ nghe tôi nói vậy vẫn còn cố hỏi: “Thế ông nhà báo Mỹ không tỏ thái độ gì sau cuộc phỏng vấn?”. Tôi đáp: “Ông ta nhún vai và nói “Đó là tấn kịch bi đát của những người Việt cô đơn sống lưu vong trên đất nước Hoa Kỳ”./                                                                                                                       THANH THƯƠNG HOÀNG
19 Tháng Chín 2017(Xem: 10626)
22 Tháng Năm 2017(Xem: 9278)