Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN lần đầu tiên được tổ chức tại Tòa Bạch Ốc

12 Tháng Năm 202211:00 CH(Xem: 2849)

VĂN HÓA ONLINE – TỪ LITTLE SAIGON - THỨ NĂM 12 MAY 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN lần đầu tiên được tổ chức tại Tòa Bạch Ốc


RFI 12/05/2022


image058Ảnh tư liệu : Tổng thống Mỹ Joe Biden họp thượng đỉnh ASEAN trực tuyến từ Tòa Bạch Ốc, Washington DC, Hoa Kỳ ngày 26/10/2021. REUTERS - JONATHAN ERNST


Trọng Nghĩa


Theo lời mời của tổng thống Mỹ Joe Biden, Hoa Kỳ và khối các nước Đông Nam Á (ASEAN) họp hội nghị thượng đỉnh đặc biệt trong hai ngày, hôm nay 12/05/2022 và ngày mai. Đây là lần đầu tiên Tòa Bạch Ốc được chọn làm nơi tổ chức thượng đỉnh, một dấu hiệu nhằm cho thấy Washington vẫn đặt trọng tâm vào khu vực Thái Bình Dương, ngay cả khi phải đối phó với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina.


Theo chương trình dự kiến, tổng thống Mỹ bắt đầu các cuộc hội đàm với các lãnh đạo Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á ngay từ tối nay tại Nhà Trắng nhân một buổi dạ tiệc. Các cuộc tiếp xúc chính thức hơn sẽ diễn ra vào ngày mai, 13/05 tại trụ sở bộ Ngoại Giao Mỹ ở Washington. 


Trong số 10 thành viên ASEAN, chỉ có lãnh đạo 8 nước đến Hoa Kỳ tham dự thượng đỉnh Mỹ ASEAN lần này, bao gồm Brunei, Cam Bốt, Indonesia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Chính quyền quân sự Miến Điện không được mời, trong lúc tổng thống Philippines mãn nhiệm Rodrigo Duterte không đến được vì lý do thay đổi lãnh đạo ở Manila. Đại diện Việt Nam là thủ tướng Phạm Minh Chính. 


Về ý nghĩa của Thượng Đỉnh Mỹ-ASEAN lần này, ông Kurt Campbell, điều phối viên phụ trách Ấn Độ-Thái Bình Dương thuộc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ cho biết là chính quyền Mỹ luôn luôn quyết tâm thúc đẩy quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á để giải quyết các vấn đề ​​về khí hậu, kinh tế và giáo dục. 


Tại một cuộc hội thảo do Viện Hòa Bình Hoa Kỳ tổ chức hôm qua, ông Campbell thừa nhận rằng các chính quyền Mỹ trước đây đã tạo ra cảm giác kém tập trung vào vùng Đông Á hoặc Ấn Độ-Thái Bình Dương và để bị cuốn hút vào những thách thức cấp bách khác. Đối với với ông, tình trạng đó sẽ “không thể tái diễn”. 


Theo hãng tin Mỹ AP, ngoài các hồ sơ hợp tác, tổng thống Mỹ Biden cũng dự kiến ​​thảo luận với các nhà lãnh đạo ASEAN về cách giải quyết tình hình Miến Điện, cũng như về Trung Quốc và cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina. 


Theo ông Campbell cho biết là chính quyền Mỹ hy vọng là các cuộc đàm phán sẽ "trực tiếp, lịch sự, nhưng đôi khi cũng có thể hơi khó chịu” vì Hoa Kỳ và các thành viên ASEAN không cùng quan điểm trên mọi vấn đề. 


Một ví dụ là tổng thống Biden đã kêu gọi loại Nga khỏi hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 dự kiến ​​vào tháng 11 tới đây, nhưng điều này đã bị thành viên ASEAN là Indonesia, nước giữ chức chủ tịch luân phiên G20 phản đối. 


Tại một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo ASEAN vào năm ngoái, ông Biden từng cho biết Washington sẽ bắt đầu đàm phán với các quốc gia Thái Bình Dương về việc phát triển một khuôn khổ kinh tế khu vực. Theo ông Campbell, Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ được thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh năm nay, mặc dù vẫn chưa rõ kết quả cụ thể ra sao. 


Tại một cuộc hội thảo khác ở Washington vào đầu tuần này, đại sứ Nhật Bản tại Washington cho biết là khuôn khổ đó có thể được khởi động trong chuyến thăm Tokyo sắp tới của tổng thống Biden. 


Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt tại Washington diễn ra trước khi Biden bắt đầu vào tuần tới một chuyến thăm đến Hàn Quốc và Nhật Bản - chuyến thăm Châu Á đầu tiên của ông trên cương vị tổng thống. Theo kế hoạch, tổng thống Mỹ cũng sẽ gặp các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ QUAD bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. 


Trong thời gian đầu của nhiệm kỳ, ông Biden đã tìm cách tập trung nhiều hơn vào Bộ Tứ và cải thiện quan hệ với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương để đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy và bị xem là đối thủ kinh tế và an ninh quốc gia đáng ngại nhất của Mỹ.

06 Tháng Mười Một 2022(Xem: 1787)