Pháp: Hội thảo về UNCLOS 1982 và Phán quyết PCA La Haye

03 Tháng Ba 20208:07 SA(Xem: 6131)

VĂN HÓA ONLINE - HOÀNG SA TRƯỜNG SA - THỨ BA 03 MAR 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  vaamacali@gmail.com (VănHóa Online-California)


Pháp: Hội thảo về UNCLOS 1982 và Phán quyết PCA La Haye


02/03/2020 12:05


TGVN. Ngày 27/2, Hội thảo quốc tế về Biển Đông đã diễn ra với sự bảo trợ của Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp - Việt tại trụ sở Quốc hội và Thượng viện Pháp. Lần đầu tiên, một Hội thảo quốc tế được tổ chức cùng ngày tại 2 trụ sở này


image005

Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế về Quốc tế Đông Nam Á.


Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Pháp. Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 200 đại biểu, là các nghị sĩ, nhà báo, các nhà nghiên cứu luật pháp quốc tế, lịch sử, văn hoá của các học viện và cơ quan nhà nước Pháp. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp là khách mời danh dự và đồng khai mạc Hội thảo.


Sáng 27/2/2020, tại trụ sở Quốc hội, các đại biểu đã lắng nghe tham luận của nhà luật pháp quốc tế GS. Monique Chemilier Gendreau và ông Nguyễn Hồng Thao, Phó Chủ tịch Uỷ ban luật quốc tế của Liên hợp quốc.


Hai tham  luận viên trình bày về quy định của luật quốc tế, đặc biệt Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) để xác định chủ quyền quốc gia đối với vùng biển, đảo, phân định biên giới trên biển giữa các quốc gia cũng như ranh giới các vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, trong đó có phán quyết của Toà án Trọng tài Quốc tế La Haye 2016.


GS. Gendreau cho rằng, đây là những điều kiện tiên quyết không thể bỏ qua khi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.


image006

GS. J.M Crouzatier cho rằng, nguồn tài liệu lịch sử phong phú tại châu Âu có thể đóng góp hiệu quả vào việc giải quyết tranh chấp Biển Đông.


Còn GS. J.M Crouzatier đã đề cập nguồn tài liệu lịch sử phong phú tại châu Âu, có thể đóng góp hiệu quả vào việc giải quyết tranh chấp Biển Đông, bao gồm các văn thư ngoại giao, hành chính, thư từ, bản đồ, nhật ký các chuyến đi hàng hải và truyền giáo của các nước này tới châu Á, hiện vẫn còn lưu trữ tại Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Toà thánh Vatican.


Đáng chú ý, theo GS. Crouzatier, nhiều tư liệu quan trọng như các văn thư của nhà Nguyễn (Việt Nam) dù bị phá hủy trong chiến tranh vẫn có thể tìm thấy trong kho lưu trữ của chính quyền thuộc địa Pháp nhờ các bản sao lưu trữ ở Pháp.


Các đại biểu cũng quan tâm đến các phân tích toàn diện của nhà nghiên cứu Benoit Treglode, GS. Pierre Journoud về tác động trong lĩnh vực luật pháp, chính trị và địa chính trị đối với khu vực Đông Nam Á cũng như thế giới do nguyên trạng Biển Đông đã bị thay đổi đáng kể trong 3-4 năm gần đây, khiến cho nhiều nước khu vực và có lợi ích ở khu vực lo ngại về hoà bình ổn định ở Đông Nam Á, nhất là quyền tự do đi lại ở Biển Đông.


image007


Theo GS. Pierre Journoud, nguyên trạng Biển Đông đã bị thay đổi đáng kể trong 3-4 năm gần đây, khiến cho nhiều nước khu vực và có lợi ích ở khu vực lo ngại về hoà bình ổn định ở Đông Nam Á.


Các nghiên cứu, phân tích đều cho thấy, do vị trí đặc biệt quan trọng về nhiều mặt của Biển Đông khiến cho nó trở thành nơi biểu hiện rõ rệt của sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các cường quốc ở khu vực, thể hiện sự thay đổi phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế. Điều này đòi hỏi sự tăng cường đối thoại, trao đổi, hợp tác, ủng hộ lẫn nhau giữa các nước khu vực với các nước có lợi ích gắn bó với khu vực như EU trong đó có Pháp.


Theo TS. Nguyễn Hùng Sơn, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, tình hình Biển Đông không chỉ liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ mà còn có tác động, là phép thử đối với việc bảo vệ các nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế, vốn đã được thiết lập vững chắc và làm cơ sở cho quan hệ giữa các quốc gia từ sau Thế chiến II.


Các đại biểu thabày tỏ đồng tình với lời kêu gọi Pháp cũng như các nước EU lên tiếng ủng hộ việc bảo vệ các nguyên tắc và luật lệ của luật pháp quốc tế, cơ sở cho việc giải quyết hoà bình và thông qua đối thoại tình hình tranh chấp ở Biển Đông.


image008

Hội thảo quốc tế về Biển Đông của sự tham gia của gần 200 đại biểu.


Chiều 27/2, tại Thượng viện, Hội thảo tập trung vào các khía cạnh văn hoá, lịch sử và môi trường của cuộc tranh chấp ở Biển Đông.


Các tham luận của GS P.Journoud, nhà khoa học Marie Hermann, Francois Nicolas, M.A Tang dựa trên kết quả các nghiên cứu khoa học đã phân tích các tác động đối với môi trường biển, đời sống kinh tế quốc gia, kể cả của ngư dân... của các hoạt động khai thác tài nguyên biển, nhất là các công trình nhân tạo ở Biển Đông đối với môi trường sinh thái biển và đề xuất các hướng hợp tác mới giữa Pháp, các nước EU với Việt Nam trong lĩnh vực này.


Các đại biểu đã kiến nghị tập hợp và xuất bản các kỷ yếu tham luận thành sách để làm cơ sở cho các dự án sau này về Biển Đông tại Pháp cũng như tại Việt Nam.


Trước đó, tháng 4/2019, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã tổ chức một phiên thảo luận về “Báo cáo thông tin về những vấn đề chiến lược tại Biển Đông” mà Quốc hội Pháp đã giao cho hai nghị sĩ xây dựng trong suốt nửa đầu 2019.


Tháng 7/2019, Bộ Quốc phòng Pháp đã ban hành “Chiến lược quốc phòng của Pháp tại Ấn Độ-Thái Bình Dương”; tháng 8/2019, Bộ Ngoại giao Pháp công bố tài liệu “Chiến lược của Pháp trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì một không gian bao trùm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.


Trong các tài liệu trên, Pháp khẳng định sự gắn bó với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với tư cách là một nước có lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế quan trọng ở khu vực, cam kết gắn bó với hoà bình ổn định, đảm bảo quyền tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, ủng hộ việc tôn trọng luật pháp quốc tế, tăng cường chủ nghĩa đa phương và ngày càng tăng cường sự hiện diện ở đây.
10 Tháng Ba 2019(Xem: 8958)
10 tàu Trung Quốc hiện diện gần đảo Thị Tứ và không ngăn cản hoạt động của ngư dân Philippines, Manila đang giám sát chặt chẽ động tĩnh các tàu này.