Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ưu tiên hợp tác biển

14 Tháng Mười Một 20178:31 CH(Xem: 8314)

VĂN HÓA ONLINE - HOÀNG SA  - THỨ  TƯ 15  NOV  2017


14/11/2017


Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ưu tiên hợp tác biển


Các lãnh đạo Hội nghị thượng đỉnh Đông Á xác định hợp tác trên biển trở thành ưu tiên mới nhằm đối phó với các thách thức an ninh. 


image024

Các lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 12 ở Philippines. Ảnh: Reuters.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 13/11/17 dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 12 tại Manila, Philippines, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31. Sự kiện có sự tham gia của ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Mỹ và Nga.


Tại hội nghị, các lãnh đạo nhất trí bổ sung "hợp tác biển" trở thành lĩnh vực ưu tiên mới với mục tiêu tăng cường hợp tác trong chia sẻ thông tin, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trên biển. Những thách thức này bao gồm nạn cướp biển, cướp có vũ trang, tội phạm xuyên quốc gia, ô nhiễm biển, tại nạn hàng hải.


Các nước cũng trao đổi sâu về tình hình quốc tế và khu vực, bày tỏ quan ngại về diễn biến trên bán đảo Triều Tiên, ở Biển Đông và tình hình ở bang Rakhine của Myanmar trong thời gian gần đây. 


Các nhà lãnh đạo thông qua 4 Tuyên bố EAS về "chống rửa tiền và chống tài trợ chủ nghĩa khủng bố", "chống lan truyền tư tưởng khủng bố", "vũ khí hoá học" và "hợp tác giảm nghèo", thể hiện cam kết cao của từng quốc gia thành viên nhằm kịp thời xử lý các thách thức nổi lên ở khu vực và trên toàn cầu.


Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ASEAN cũng như các nước khác trong khu vực và trên thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan, vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân, an ninh mạng và an ninh biển...


Thủ tướng cũng chia sẻ quan ngại về tình hình bán đảo Triều Tiên, nhất là các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân vừa qua, đe dọa môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh các định hướng hợp tác EAS thời gian tới. Đó là tăng cường đối thoại và hợp tác thực chất; xây dựng cấu trúc khu vực mở, cân bằng, minh bạch, dựa trên luật lệ; tăng cường vai trò của EAS trong xử lý các thách thức khu vực; hoan nghênh việc EAS đưa hợp tác biển trở thành lĩnh vực ưu tiên mới.


Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng khẳng định lại lập trường đã được ASEAN thống nhất, trong đó có các nguyên tắc được nêu tại Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 50 hồi tháng 8. 


Thủ tướng hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc thông qua khung Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) vào tháng 8, cho rằng cần thúc đẩy đàm phán một COC mang tính khả thi, ràng buộc pháp lý và phù hợp với luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Trọng Giáp