VĂN HÓA ONLINE - HOÀNG SA - THỨ TƯ 19 JULY 2017
Hội đàm Việt - Nga: Mở rộng thăm dò, khai thác dầu khí
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) hội đàm với Tổng thống Nga Putin - Ảnh: Reuters.
Chiều 29/6, tại điện Kremlin ở Thủ đô Moscow, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc gặp hẹp và hội đàm.
Ông Trần Đại Quang cũng đã có cuộc hội kiến Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Nga Valentina Matvienko, Chủ tịch Duma quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Volodin.
Nhân dịp này, hai bên đã ra tuyên bố chung về kết quả chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Mở rộng hợp tác về dầu khí, điện
Tuyên bố chung nhấn mạnh, nguyên thủ hai nước chia sẻ mong muốn phát triển mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Nga dựa trên truyền thống hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau đã có từ nhiều năm, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cùng nỗ lực mở rộng quan hệ trong các lĩnh vực thương mại-đầu tư, khoa học-công nghệ và nhân văn.
Hai bên nhất trí duy trì đối thoại chính trị thường xuyên và thực chất ở tất cả các cấp, tiếp xúc hiệu quả theo đường Đảng, Quốc hội, bộ, ngành, địa phương và các tổ chức xã hội.
Hai bên nhất trí năm 2019 sẽ tổ chức Năm Nga tại Việt Nam và Năm Việt Nam tại Nga với nhiều hoạt động phong phú trên lãnh thổ hai nước nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, văn hóa, giáo dục và các lĩnh vực khác.
Nguyên thủ hai nước nhấn mạnh sự cần thiết tìm những “động lực tăng trưởng” mới nhằm bảo đảm sự phát triển năng động của hợp tác kinh tế-thương mại, tính cấp thiết của các nhiệm vụ nâng kim ngạch thương mại hai chiều cũng như hoàn thiện cơ cấu thương mại song phương. Vì vậy, hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do giữa một bên là Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) cùng các nước thành viên ký ngày 29/5/2015 và các văn kiện kèm theo.
Hai bên đánh giá cao vai trò điều phối của Ủy ban liên Chính phủ Việt-Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, các tiểu ban cũng như các tổ công tác của ủy ban trong việc tăng cường hợp tác kinh tế, khẳng định cần có sự kiểm tra chặt chẽ của ủy ban đối với việc thực hiện các thỏa thuận đạt được.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Vladimir Putin nhất trí hai bên sẽ tiếp tục hợp tác xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam, ủng hộ việc thực hiện nhất quán chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Nga trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình ký ngày 23/5/2017 tại Hà Nội.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hoạt động hiệu quả của Tổ Công tác cấp cao Việt Nam-Nga về các dự án đầu tư ưu tiên, bao gồm bảo đảm kiểm tra việc triển khai danh mục các dự án đầu tư ưu tiên đã được thống nhất nhằm mục tiêu thúc đẩy dòng đầu tư giữa hai nước, trước hết trong các lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, chế tạo máy, nhiên liệu-năng lượng, nông nghiệp và mở rộng sang các lĩnh vực mới như xây dựng hạ tầng giao thông, viễn thông.
Hai bên đánh giá tích cực việc triển khai các dự án chung trong lĩnh vực dầu khí; khẳng định tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam và Nga trong lĩnh vực này (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Gazprom, Công ty Zarubezhneft, Tập đoàn Rosneft) trên lãnh thổ hai nước; phát triển hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, trong đó có lĩnh vực lọc dầu và hóa dầu, cung cấp cho Việt Nam khí thiên nhiên hóa lỏng, sản xuất và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhiên liệu cho động cơ chạy bằng khí đốt.
Đáng chú ý, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác và mở rộng khu vực thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng thềm lục địa Việt Nam, phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982.
Hai bên cho rằng các tranh chấp biên giới, lãnh thổ và các tranh chấp khác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần được các bên liên quan giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực.
Việt Nam và Nga ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông năm 2002 và sớm đạt được Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên tại biển Đông./