Bày trò "nghi binh" Cá Voi Xanh?: TQ gần hoàn tất ba căn cứ hỏa lực ở Trường Sa

02 Tháng Bảy 20177:39 CH(Xem: 9882)

VĂN HÓA ONLINE - HOÀNG SA - THỨ  HAI 03 JULY  20172017


Trung Quốc gần hoàn tất ba tiền đồn quân sự tại Trường Sa


image051Hạ tầng cơ sở quân sự của Trung Quốc trên đá Chữ Thập. Ảnh vệ tinh 16/06/2017.Reuters/CSIS/AMTI DigitalGlobe


Trung Quốc gần hoàn tất việc xây dựng các hạ tầng cơ sở quân sự trên ba đảo nhân tạo tại Trường Sa, sẵn sàng cho việc triển khai tên lửa. Trên đây là thông tin do Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu (AMTI), có trụ sở tại Washington, cung cấp hôm qua, 29/06/2017.


Theo AMTI, phân tích các ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đã xây tổng cộng 12 điểm đặt bệ phóng tên lửa với mái che, tại đá Chữ Thập (Fiery Cross), tức nhiều hơn bốn điểm so với hồi tháng 2/2017. Trên đá Chữ Thập và hai đảo nhân tạo khác, đá Subi, đá Vành Khăn (Mischief), Trung Quốc cũng mới mở rộng hệ thống ra-đa và mạng lưới thông tin liên lạc.


Trên mỗi đảo nhân tạo nói trên, Trung Quốc đã cho xây dựng thêm bốn công trình ngầm trong lòng đất “quy mô rất lớn” để sẵn sàng tiếp nhận đạn dược, các thiết bị quân sự và nhu yếu phẩm.


AMTI theo dõi sát việc bồi đắp và xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông từ gần hai năm nay. Theo Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu, với các cơ sở hàng hải, hàng không, ra-đa, hệ thống phòng ngự hiện có, Bắc Kinh hoàn toàn có đủ khả năng triển khai các phương tiện chiến tranh tại quần đảo Trường Sa bất cứ lúc nào, kể cả các phi cơ chiến đấu và bệ phóng tên lửa di động.


AMTI nhấn mạnh, với bốn tiền đồn bao gồm nhóm ba đảo ở Trường Sa thường được gọi là “Big 3” và đảo Phú Lâm (Woody Island) ở Hoàng Sa, các máy bay quân sự của Trung Quốc có thể tác chiến trên gần như toàn bộ Biển Đông. Chỉ riêng tại nhóm đảo "Big 3", Bắc Kinh có thể triển khai tổng cộng 72 phi cơ chiến đấu.


Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, với đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, bất chấp sự phản đối của các quốc gia láng giềng. Tháng 7/2016, một tòa án quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách này. Cộng đồng quốc tế lo ngại đà quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông, đe dọa hòa bình và an toàn hàng hải, hàng không khu vực. Hoa Kỳ thường xuyên phản đối nỗ lực quân sự hóa của Trung Quốc./( Trọng Thành 30-06-2017)