Trung - Nga muốn thành lập tòa án quốc tế riêng sau vụ kiện Biển Đông? / Nga ở Cam Ranh

09 Tháng Tám 20167:57 CH(Xem: 10299)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA"  THỨ  TƯ 10  AUGUST 2016


Trung - Nga muốn thành lập tòa án quốc tế riêng sau vụ kiện Biển Đông?


(GDVN) - Nếu "sáng kiến" thành lập tòa án quốc tế Á - Âu kia là có thật và lại xuất phát từ phía Moscow thì có lẽ đó là một tính toán thất sách.


Tờ Tin tức Tham khảo, một phụ san của Tân Hoa Xã ngày 6/8 đưa tin, trong hội nghị thượng đỉnh Trung - Nga bên lề G-20 tại Hàng Châu đầu tháng Chín tới sẽ có "tin mừng", Bắc Kinh và Moscow có thể thành lập một tòa án quốc tế cho khu vực Âu - Á.


Ngày 5/8, tờ Sputnik News của Nga dẫn lời Quế Tòng Nhân, Vụ trưởng Vụ Châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Putin đề xuất ý tưởng xây dựng "quan hệ đối tác đại Âu - Á".


Đây sẽ là cuộc hội nghị thượng đỉnh Nga - Trung bao trùm mọi lĩnh vực. Tập trận chung Nga - Trung tiến hành ở Biển Đông đang căng thẳng vì tranh chấp leo thang cũng sẽ diễn ra trong tháng Chín.


image037

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, ảnh: Time.com


Quế Tòng Nhân nói rằng, Trung Quốc và Nga là hai nước lớn ở 2 châu lục Á - Âu, hai nước láng giềng và hai nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên có vai trò đặc biệt trong đảm bảo chiến lược an ninh và phát triển cân bằng trong phạm vi toàn cầu.


Đáp lại sự ủng hộ của Bắc Kinh về mặt kinh tế, Moscow đã có những cử chỉ đáp lễ, bao gồm cuộc tập trận chung ở Biển Đông.


Mặc dù Nga không công khai ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng vì Hội đồng Trọng tài (thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982) hủy bỏ đường lưỡi bò hôm 12/7, Trung Quốc và Nga có thể sẽ đưa ra đề xuất thành lập một "tòa án quốc tế cho khu vực Á - Âu, độc lập với phương Tây".


Theo Sputnik News, mặc dù hợp tác với Trung Quốc phải hết sức cẩn thận, nhưng nếu không hợp tác với Trung Quốc thì tổn thất của Nga càng lớn. Xây dựng không gian kinh tế lục địa Á - Âu không thể thiếu Trung Quốc mà cũng không thể thiếu Nga. [1]


Cá nhân người viết cho rằng rất ít khả năng Nga - Trung Quốc có thể hợp tác với nhau xây dựng một tòa án quốc tế mới độc lập với hệ thống tư pháp quốc tế hiện hành, bởi cả Nga và Trung Quốc đều đang hưởng lợi rất lớn từ trật tự quốc tế mới sau Chiến tranh Thế giới II.


Nếu vì đường lưỡi bò phi lý bị bác bỏ bởi phán quyết của một Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 mà Trung Quốc là một thành viên, Trung Quốc quay lưng với hệ thống tư pháp, luật pháp quốc tế chính nước này cũng đã góp phần xây dựng nên, thì tính chính danh đâu còn, ai theo?


Bởi vậy, thiết nghĩ ý tưởng này nếu có cũng chỉ là một con bài chính trị mà Moscow và Bắc Kinh định lợi dụng để mặc cả với Washington mà thôi, không có ý nghĩa nhiều trong thực tế. Tuy nhiên nếu "sáng kiến" này có thật thì nó cho thấy sự lệ thuộc ở mức độ nào đó của Điện Kremlin vào Trung Nam Hải.


Quan sát hợp tác Nga - Trung trong lĩnh vực kinh tế những năm gần đây có thể thấy tình trạng dậm chân tại chỗ và Bắc Kinh không phải lựa chọn tốt nhất cho Moscow thoát vòng vây cấm vận của Mỹ và phương Tây vì vụ "sáp nhập" Crimea.


Không phải cứ có quan hệ chính trị nồng ấm với Trung Nam Hải là nhân dân tệ sẽ đổ đầy vào nền kinh tế Nga, bởi kinh tế có quy luật của riêng nó, cho dù chính trị có tác động nhất định. [2]


Người viết cho là hy vọng của Moscow rằng, Bắc Kinh sẽ ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ bạn bè trong lúc khó khăn hoạn nạn bằng cách phát biểu dăm ba câu chống lưng cho Trung Quốc trước phán quyết trọng tài, đồng ý tập trận chung ở Biển Đông sau 12/7 và nhấn mạnh quan hệ chính trị "tốt đẹp chưa từng có" có lẽ chỉ là một mong muốn đơn phương.


Lý do thì có nhiều, nhưng quan trọng nhất là 2 hổ không thể sống chung một núi, tư tưởng Đại Hán và Đại Nga khó dung nhau. Lịch sử quan hệ hai nước đã cho thấy rõ điều này, ngay cả lúc đương tuần trăng mật cũng không thoát khỏi những nghi kỵ soán ngôi, đoạt vị của nhau trên vũ đài chính trị quốc tế. [3]


Mặt khác, dù có nói gì và làm gì thì phán quyết của Hội đồng Trọng tài theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 đã được tuyên và không ai có thể thay đổi được. Càng tìm cách chống lại, uy tín và hình ảnh của Trung Quốc càng xấu đi trong mắt dư luận khu vực cũng như quốc tế.


Cho nên nếu "sáng kiến" thành lập tòa án quốc tế Á - Âu kia là có thật và lại xuất phát từ phía Moscow thì có lẽ đó là một tính toán thất sách, bắt đầu một thời kỳ lệ thuộc vào Trung Quốc của xứ sở Bạch Dương.


Tài liệu tham khảo:


[1]http://www.cankaoxiaoxi.com/china/20160806/1259009.shtml


[2]http://vneconomy.vn/the-gioi/hop-tac-kinh-te-ngatrung-chua-kip-am-da-lanh-20150907114824763.htm


[3]http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Hai-ho-kho-song-chung-mot-nui-post168990.gd


Hồng Thủy 09/08/16


++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Nga ở Cam Ranh


‘Vấn đề khôi phục căn cứ hải quân Nga tại Cam Ranh đang được nghiên cứu’


19/05/2016


Spuntik dẫn lời Thượng nghị sỹ Nga cho rằng ‘vấn đề khôi phục căn cứ hải quân Nga tại Cam Ranh đang được nghiên cứu’.


 “Vấn đề khôi phục căn cứ hải quân Nga ở Vịnh Cam Ranh của Việt Nam được đề ra và phía Việt Nam có sự hiểu biết và thông cảm về vấn đề này”, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga, Viktor Ozerov nói với Sputnik.


image039

Ảnh minh họa Trước đó, Đại sứ Việt Nam tại Nga Nguyễn Thanh Sơn nói với Sputnik rằng, Việt Nam không phản đối Nga trở lại căn cứ quân sự Cam Ranh.


“Vấn đề được vạch ra và thảo luận trong chuyến thăm Việt Nam lần trước của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga”, thượng nghị sĩ Nga cho biết.


Ông Ozerov nhấn mạnh rằng vấn đề đang được thảo luận ở cấp Bộ Quốc phòng.


“Việc khôi phục lại căn cứ của chúng tôi ở Cam Ranh đang được đặt ra. Vấn đề hiện nay là tìm con đường và phương pháp để chuyển chủ đề từ lý thuyết vào thực tế”, ông Ozerov cho biết thêm.


(Theo VTC)


Tướng Nga: Cam Ranh như họng súng chĩa vào Biển Đông


25/07/2016


Trên Tạp chí công nghiệp-quân sự Nga hôm 20/7/2016, Trung tướng Viktor Fedorovich Aistov tuyên bố Cam Ranh “như họng súng chĩa vào đầu đối phương” tại Biển Đông.


Yết hầu với Biển Đông


Theo Trung tướng Viktor Fedorovich Aistov, thời chiến tranh Việt Nam người Mỹ đã xây dựng hoàn chỉnh Cam Ranh với 2 đường băng (dài 3,5 km, đủ cho máy bay ném bom chiến lược đáp), cùng các khu nhà của phi công, kho hàng, bệnh viện, xưởng sửa chữa tàu… Lối vào vịnh còn có các đơn vị pháo binh bố trí trên núi cao.


Sau năm 1975, Liên Xô đã quan tâm đến căn cứ Cam Ranh. Phó đô đốc Hải quân Liên Xô là Valentin Kozlov đã đến khảo sát tỉ mỉ quân cảng này theo chỉ đạo của tư lệnh hải quân Liên Xô lúc đó là ông Sergei Gorshkov.


Sau đó ông Kozlov làm bản báo cáo đề xuất sử dụng Cam Ranh làm điểm cung ứng dịch vụ hậu cần cho tàu thuyền Liên Xô hoạt động ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ông ấn tượng với các cơ sở dịch vụ của Mỹ xây dựng trước đó ở Cam Ranh kéo dài cả 100 km.


Đến ngày 2/5/1979, chính phủ Việt Nam và Liên Xô ký hiệp ước sử dụng chung căn cứ Cam Ranh trong vòng 25 năm.


image040

Chiến hạm Nga thăm Cam Ranh năm 2014.


Ban đầu đơn vị hậu cần 922 của Hải quân Liên Xô đến Cam Ranh, thiết lập nơi đây là điểm cung cấp từ thực phẩm, quân trang quân dụng, nhiên liệu, rồi bệnh viện, cứu hoả, và cả ngân hàng. Liên Xô xây trạm điện diesel và turbin khí ở đây để tự chủ về năng lượng.


Lính thuỷ Liên Xô ở Cam Ranh được hưởng các dịch vụ tiện nghi trên bờ, có cả bãi tắm, nhà hát… Tuy nhiên việc xây dựng căn cứ chỉ thực sự diễn ra từ năm 1982 với binh đoàn tác chiến chiến dịch số 17 (hạm đội Thái Bình Dương) đảm nhận tái thiết Cam Ranh.


Trung tướng Viktor Fedorovich Aistov nhận định, với địa thế quan trọng trên Biển Đông, Cam Ranh như họng súng chĩa vào đầu đối phương. Đây là nơi rất thuận lợi để có thể triển khai phản ứng nhanh trước các động thái của đối phương.


Lúc đó đối diện Cam Ranh là 2 căn cứ của Mỹ ở Philippines: Subic (hải quân) và Clark (không quân). Số lượng máy bay, tàu chiến Mỹ ở 2 căn cứ này nhiều hơn Liên Xô ở Cam Ranh, nhưng Liên Xô chú trọng chất lượng hơn là số lượng.


Nga muốn trở lại Cam Ranh


Nhận thấy Cam Ranh có vị trí chiến lược đối với cả khu vực và mối quan hệ hợp tác giữa Moskva và Hà Nội, các quan chức Nga đang tỏ rõ ý định muốn quay trở lại cảng Cam Ranh.


Ngày 19/5, một Thượng nghị sĩ Nga, đồng thời là quan chức cao cấp của Hội đồng Liên bang (thượng viện Nga) tuyên bố rằng, vấn đề khôi phục căn cứ hải quân Nga tại Cam Ranh đang được các quan chức quốc phòng nước này nghiên cứu, đưa ra các biện pháp thực hiện.


Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga Viktor Ozerov tuyên bố trước truyền thông nước này là vấn đề về sự khôi phục căn cứ hải quân Nga ở Vịnh Cam Ranh đã được đề ra và phía Việt Nam có những tín hiệu tích cực về vấn đề này.


Vị quan chức cao cấp của Thượng viện Nga cho biết, vấn đề này đã được vạch ra từ lâu chứ không phải là vấn đề mới phát sinh.


Điều này đã được thảo luận trong chuyến thăm Việt Nam lần trước của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga.


Khi đó, đại diện phía Nga đã nêu vấn đề này với Việt Nam và nhận được những tín hiệu tích cực từ phía Hà Nội. Ông Ozerov còn nhấn mạnh rằng, hiện vấn đề này đang được hai bên thảo luận ở cấp Bộ Quốc phòng.


Vị chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Thượng viện Nga khẳng định, việc khôi phục lại căn cứ của nước này ở Cam Ranh không còn là trong ý tưởng mà hiện hai bên đang xúc tiến tìm con đường và phương pháp biến những ý định thành hiện thực.


Việc mở cửa đối với hải quân các nước đến cảng Cam Ranh nằm trong chủ trương chung của Việt Nam. Việt Nam nhiều lần khẳng định, cảng Cam Ranh là cơ sở dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tất cả các nước trên thế giới trên tinh thần bình đẳng.


Trước đó, Nga cũng đã đề xuất với Việt Nam cung cấp cho các tàu chiến nước này một gói ưu đãi khi ghé vào cảng Cam Ranh tiếp tế nhiên liệu, bổ sung nhu, yếu phẩm và sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật.


Vào tháng 3 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố họ dự định ký thỏa thuận với các cơ quan quân sự của Việt Nam và nhà nước Đông Phi Djibouti về việc ưu đãi đơn giản hóa thủ tục khi các tàu chiến của Nga hoạt động ở các đại dương ghé vào cảng của những nước này.


Tại thời điểm đó, các cơ quan chức năng của Nga đã soạn thảo xong các tài liệu có liên quan. Theo dự kiến, thỏa thuận này có thể được ký kết nội trong năm nay.


(Theo Đất Việt)


Hạm đội Thái Bình Dương của Nga thăm Đà Nẵng


06/01/2016


image042

Chiều (6/01), đội tàu (gồm 03 chiếc: tàu khu trục “Bystryi”, tàu chở dầu cỡ lớn “Boris Butoma” và tàu lai dắt cứu hộ “Altau”) thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Liên bang Nga đã cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng


Đội tàu do Chuẩn Đô đốc Yuldashev Aleksandr Yurevich làm Trưởng đoàn bắt đầu chuyến thăm thành phố Đà Nẵng từ ngày 06 đến ngày 09/01/2016.


image044

Đón tàu tại cảng Tiên Sa có đại diện Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân, Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng), Bộ tư lệnh Quân khu 5, Bộ chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng, Bộ CHQS TP Đà Nẵng, Sở Ngoại vụ TP Đà Nẵng, Tùy viên quân sự Nga tại Việt Nam, Đại sứ quán Nga tại Việt Nam. Chuyến thăm của đội tàu nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng song phương, ttrong đó có hợp tác Hải quân giữa hai nước; bổ sung hậu cần và tạo điều kiện cho thủy thủ đoàn nghỉ ngơi.


image046

Đại diện lãnh đạo Hải quân Nga và TP.Đà Nẵng, Bộ Quốc phòng chào đón hữu nghị tại cảng Tiên Sa

 


image048

 


image049

Đội tàu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Liên bang Nga cập Cảng Tiên Sa.


Tin,ảnh Hồng Pha