Trần Công Trục: Việt - Trung phân chia Vịnh Bắc Bộ như thế nào?

18 Tháng Năm 201512:02 SA(Xem: 15403)
"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ HAI 18 MAY 2015
Việt - Trung phân chia trong Vịnh Bắc Bộ như thế nào

Việc phân chia bên trong Vịnh Bắc Bộ được Việt Nam và Trung Quốc thực hiện qua các giai đoạn phức tạp do đặc thù của yếu tố lịch sử, nhưng hai nước đã đạt được thỏa thuận nhờ tôn trọng các nguyên tắc chung của quốc tế.
blank
Ông Trần Công Trục. Ảnh: VA

Tại hội thảo ngày 11/5 về hợp tác Việt - Trung trên Vịnh Bắc Bộ, các chuyên gia đánh giá rằng các thỏa thuận ký năm 2000 đã tạo khung pháp lý vững chắc để hai bên phát triển kinh tế ổn định và bền vững. Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ, kể với VnExpress về quá trình phân chia Vịnh, tạo dựng nền tảng pháp lý này.

- Vịnh Bắc Bộ có vai trò như thế nào với Việt Nam và Trung Quốc, thưa ông?

Vịnh Bắc Bộ có diện tích gần 130.000 km2. Chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310 km, nơi hẹp nhất ở cửa vịnh rộng 207 km.

Bờ Vịnh Bắc bộ phía Việt Nam dài 800 km, phía Trung Quốc gần 700 km. Phần vịnh phía Việt Nam có khoảng 2.300 đảo, đá ven bờ. Phía Trung Quốc có một số ít đảo nhỏ ở phía đông bắc vịnh như đảo Vị Châu, Tà Dương.

- Vịnh Bắc Bộ có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả Việt Nam và Trung Quốc, về kinh tế lẫn quốc phòng, an ninh. Vịnh là nơi chứa đựng nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là hải sản và dầu khí. Trong vịnh có nhiều ngư trường lớn, cung cấp nguồn hải sản quan trọng cho đời sống của người dân hai nước.

Đáy biển và lòng đất dưới đáy của vịnh được cho là có tiềm năng lớn về dầu mỏ và khí đốt. Vịnh này là cửa ngõ giao lưu từ lâu đời của Việt Nam ra thế giới, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, thương mại quốc tế cũng như quốc phòng an ninh của nước ta. Đối với khu vực phía nam Trung Quốc, vịnh cũng có vị trí quan trọng. Vì vậy, cả hai nước đều rất coi trọng việc quản lý, sử dụng và khai thác vịnh.

- Quá trình xây dựng Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra như thế nào?

- Vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ, cụ thể là phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh giữa Việt Nam và Trung Quốc, chỉ được đặt ra sau khi có sự phát triển tiến bộ của Luật biển quốc tế từ giữa những năm 1950 trở lại đây.

Từ năm 1974, việc đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ bắt đầu diễn ra trong ba đợt: năm 1974, giai đoạn 1977-1978, và từ 1992 đến 2000. Hai đợt đàm phán đầu tiên không có kết quả. Mãi đến sau khi bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, năm 1991, đàm phán phân định mới đi vào thực chất và có được những đồng thuận để tiến tới ký kết Hiệp định phân định.

Trong thời gian 10 năm, từ 1991 đến 2000, đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc trải qua 7 vòng đàm phán cấp Chính phủ, 3 cuộc gặp không chính thức của Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ, 18 vòng đàm phán cấp chuyên viên Nhóm công tác liên hợp, 10 vòng họp Tổ chuyên gia đo vẽ kỹ thuật phân định và xây dựng tổng đồ vịnh Bắc Bộ, 6 vòng đàm phán về hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ.

Ngày 25/12/2000, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ được ký kết.

Trong ngày 30/6/2004, Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc bộ giữa hai nước có hiệu lực thi hành, cùng ngày diễn ra lễ trao đổi văn kiện thư phê chuẩn Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ.

Hiệp định gồm có 11 điều khoản, trong đó Việt - Trung khẳng định nguyên tắc chỉ đạo việc phân định là tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, cùng tồn tại hoà bình. Hai nước cũng nhất trí thông cảm, nhân nhượng lẫn nhau, hiệp thương hữu nghị, giải quyết một cách công bằng hợp lý.

Trên cơ sở đó, Việt Nam và Trung Quốc xác định phạm vi phân định và xác định đường phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ đi qua 21 điểm có tọa độ địa lý xác định, nối các đoạn thẳng với nhau. Việt Nam được 53,23% diện tích vịnh, Trung Quốc được 46,77% diện tích vịnh. Sơ đồ đường phân định Vịnh Bắc Bộ theo Hiệp định 25/12/2000. Đường này là tập hợp những đoạn thẳng tuần tự nối liền 21 điểm phân định.
blank
Lễ trao văn kiện phê chuẩn Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Có những người nêu ý kiến cho rằng chúng ta đã "bán đất bán biển" cho Trung Quốc. Ông có giải thích gì về vấn đề này?

- Hiện nay trong dư luận vẫn tồn tại những nhận xét, đánh giá khác nhau về kết quả của việc phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trước hết, chúng ta nên trả lời câu hỏi trong Vịnh Bắc Bộ đã có đường phân định do lịch sử để lại không? Nếu có thì tại sao chúng ta lại từ bỏ nó?

Theo Công ước Pháp - Thanh ký năm 1887, "các đảo phía đông kinh tuyến Paris 105°43', kinh độ đông, tức là đường bắc - nam đi qua điểm cực đông của đảo Tch'a Kou hay Ouan-chan (Trà Cổ) và làm thành biên giới cũng được cho là của Trung Hoa. Các đảo Go- tho và các đảo khác phía tây kinh tuyến này thuộc về An Nam. Những người Trung Hoa phạm pháp hoặc bị cáo buộc phạm pháp tìm nơi trú ẩn tại các đảo này, sẽ bị, theo quy định của điều 27 của Hiệp định ngày 25/4/1886, tìm kiếm, bắt giữ và dẫn độ bởi Chính quyền Pháp".

Có một số học giả Việt Nam và quốc tế cho rằng Công ước không nói rằng kinh tuyến 105°43’ Paris, tức là kinh tuyến 108°3’13’’ Greenwich, là ranh giới phân định biển cho toàn bộ Vịnh Bắc Bộ. Bản đồ đính kèm Công ước vẽ ranh giới dọc theo kinh tuyến 105°43’ Paris từ cực đông đảo Trà Cổ ra biển và ngừng cách đảo khoảng 5 hải lý, tức là chỉ cho một phần rất nhỏ của Vịnh.

Từ những điều trên, một số nhà nghiên cứu cho rằng vào năm 1887, trong Vịnh Bắc Bộ, Pháp không cho rằng họ có chủ quyền hay quyền chủ quyền trong vùng biển cách bờ hơn 12 hải lý. Cũng không có chứng cớ là vào thời điểm đó Trung Quốc nói họ có chủ quyền hay quyền chủ quyền trong vùng biển này. Kinh tuyến 105°43’ Paris trong Công ước chỉ phân chia đảo và phân chia lãnh hải ven bờ. Như vậy, công ước Pháp - Thanh chưa phân định phần lớn Vịnh Bắc Bộ.

Các nhận xét này rất chuẩn xác, trong quá trình chuẩn bị các phương án đàm phán, các thành viên đoàn Việt Nam cũng có chung nhận định như vậy. Trên tinh thần khách quan, cầu  thị, đoàn mạnh dạn đề nghị từ bỏ chủ trương  khẳng định rằng trong vịnh đã có biên giới theo Công ước Pháp Thanh 1887. Thay vào đó, khi đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam đã thỏa thuận theo nguyên tắc của Công ước của Liên Hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Đó là nguyên tắc thỏa thuận, có tính đến mọi hoàn cảnh liên quan, để phân định Vịnh Bắc Bộ đảm bảo tính công bằng mà hai bên có thể chấp nhận được.

- "Đường trung tuyến" trên bản đồ kèm theo Hiệp định được vạch ra dựa trên căn cứ nào?

- Một số học giả cũng những băn khoăn về cách vạch “đường trung tuyến” đã được thể hiện trên bản đồ kèm theo Hiệp định này, cho rằng trong phần lớn vùng biển hữu quan trong vịnh Bắc Bộ, bờ biển Việt Nam và Trung Quốc đối diện nhau. Vì vậy, theo luật quốc tế thì đường trung tuyến có điều chỉnh là nguyên tắc phân định công bằng nhất.

Qua một số bản án của Tòa án Trọng tài quốc tế, nhất là vụ xét xử việc phân định biển Manche giữa Pháp và Anh, các thẩm phán bình luận rằng "trung tuyến là phương pháp thường được sử dụng trong phân định,  nhưng không phải lúc nào phương pháp này cũng đảm bảo được nguyên tắc công bằng".

Nguyên nhân là trung tuyến sẽ được xác định tính từ các điểm cơ sở nhất định mà những điểm này thì hoàn toàn phụ thuộc vào sự hiện hữu của các vị trị địa lý được thống nhất lựa chọn, nằm dọc theo bờ biển của mỗi bên để tính toán xác định. Thông thường đường trung tuyến phải điều chỉnh do phải tính đến các hoàn cảnh, điều kiện có liên quan.

Vì vậy khó có thể có một “trung tuyến” duy nhất và đích thực là trung tuyến theo đúng định nghĩa khoa học. Trong một khu vực biển có thể có nhiều trung tuyến có điều chỉnh thích hợp, phụ thuộc vào phương pháp tính toán xác định của các chuyên gia kỹ thuật. Luật sư Brice Clagett, Mỹ, một chuyên gia trong lĩnh vực phân định biên giới trên biển, từng nhận xét "việc vạch ranh giới phải dựa trên cơ sở địa lý, nguyên tắc tỷ lệ chiều dài bờ biển chỉ là một thước đo phỏng chừng cho sự công bằng".

Dù tỷ lệ diện tích bằng tỷ lệ chiều dài bờ biển, vẫn có thể tồn tại những sự bất công mà nguyên tắc tỷ lệ chiều dài bờ biển không phát hiện được. Vì vậy cần phải xét đến các khía cạnh địa lý, quan trọng nhất là đường trung tuyến được vạch giữa những điểm nào và ảnh hưởng của các đảo của Việt Nam và Trung Quốc trong việc vạch và điều chỉnh đường trung tuyến.

Do đó, kết quả phân định cho thấy ranh giới trong Vịnh Bắc Bộ là một đường trung tuyến có điều chỉnh. Đảo Cồn Cỏ được 50% hiệu lực, đảo Bạch Long Vĩ được khoảng 25% hiệu lực. Tỷ lệ diện tích Việt Nam, Trung Quốc đạt được là 1.135:1, gần bằng tỷ lệ chiều dài bờ biển Việt Nam, Trung Quốc 1.1:1. Do đó Hiệp định Vịnh Bắc Bộ đã được phân định phù hợp với  nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế, hợp tình hợp lý, vì nó đảm bảo được sự công bằng mà hai bên chấp nhận được.

- Từ Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ chúng ta có thể rút ra bài học gì trong giải quyết tranh chấp biển đảo hiện nay?

- Việc ký kết Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ hai nước. Lần đầu tiên Việt - Trung Quốc có một đường biên giới trên biển rõ ràng, bao gồm biên giới lãnh hải, ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc Bộ có giá trị quốc tế. Hai bên cùng thoả thuận dựa theo nguyên tắc do Công ước Luật Biển của LHQ năm 1982 quy định (UNCLOS).

Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc xác định rõ phạm vi, tạo ra khuôn khổ pháp lý quốc tế rõ ràng, thuận lợi cho mỗi nước tiến hành bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển bền vững vịnh Bắc Bộ, duy trì ổn định, tăng cường tin cậy và phát triển quan hệ chung giữa hai nước.

Các hiệp định này cũng là đóng góp rất có giá trị cho luật pháp và thực tiễn trong việc phân định ranh giới biển nói chung và ranh giới biển trong vịnh nói riêng, phù hợp với nguyên tắc phân định ranh giới các vùng biển, thềm lục địa chồng lấn giữa các quốc gia ven biển nằm đối diện hoặc kế cận mà UNCLOS đã quy định.

Đây thực sự là một bài học quý giá cho việc đàm phán giải quyết các tranh chấp về biên giới lãnh thổ, nhất là những tranh chấp trên các vùng biển và hải đảo. Nếu dựa trên tinh thần thật sự cầu thị, tôn trọng các quy định của UNCLOS, có thiện chí để hợp tác giải quyết những tranh chấp trên biển như đã từng có trong đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc cần loại bỏ ngay yêu sách đường lưỡi bò phi lý. Bắc Kinh cần đưa ra yêu sách hoàn toàn dựa vào các quy định của UNCLOS đang có hiệu lực trên phạm vi toàn thế giới./
blank
Đường trung tuyến phân chia ranh giới trong cửa Vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ảnh: NVCC

Việt Anh
VNexpress | 14/5/2015 |
25 Tháng Tám 2014(Xem: 15190)
Ông Lê Khởi, một chủ tàu từ đảo Lý Sơn, cho biết hơn 10 thuyền viên trên thuyền đánh cá của ông đã bị tàu của Trung Quốc ‘tấn công’ hôm 15/8 khi đang đánh bắt thủy sản tại đảo Cây Dừa thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đây là lần thứ ba tàu cá của ông Khởi bị ‘lực lượng của Trung Quốc tấn công’ kể từ năm 2007. Ông kể với VOA Việt Ngữ:
21 Tháng Tám 2014(Xem: 12985)
Thuyền trưởng một tàu cá Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nói tàu của ông bị tàu Trung Quốc tấn công, đập phá và cướp tài sản.
19 Tháng Tám 2014(Xem: 13606)
(Dân trí) - Philippines ngày 18/8 tuyên bố sẽ gửi công hàm phản đối các cuộc tuần tra tăng cường của tàu Trung Quốc tại một khu vực tranh chấp ở Biển Đông và gọi hành động này là một phần nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng khu vực.
15 Tháng Tám 2014(Xem: 12960)
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (T) đón tiếp Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida (P) tại Jakarta ngày 12/08/2014.
10 Tháng Tám 2014(Xem: 13482)
Thêm một động thái cho thấy dã tâm của Bắc Kinh tìm mọi cách khẳng định chủ quyền lãnh thổ tại các vùng tranh chấp : Theo Trung Quốc Tân Văn Xã, chính quyền Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng năm ngọn hải đăng trong vùng quần đảo Hoàng Sa.
07 Tháng Tám 2014(Xem: 12072)
Sau “Hội thảo Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử tại Đà Nẵng từ 19-21/6” vừa qua, nơi có rất nhiều ý kiến đóng góp về mặt pháp lý cũng như lịch sử có giá trị cho cuộc đấu tranh, giải quyết căng thẳng hiện nay với Trung Quốc, Tiến sỹ Trần Công Trục, một trong hàng chục học giả tham dự hội thảo, đã có cuộc chia sẻ với phóng viên Dân Trí về khía cạnh pháp lý, vận dụng của Công ước Liên hợp quốc về luật biển đối với căng thẳng Biển Đông.
03 Tháng Tám 2014(Xem: 14515)
Theo thông tin từ Văn phòng Hàng hải Quốc tế ngày 03/08/2014, Hải quân Malaysia vừa thành công trong việc đẩy lùi một cuộc tấn công của hải tặc nhắm vào một chiếc tàu chở dầu. Vụ việc xảy ra ngày 02/08 ngoài khơi bờ biển phái Đông Malaysia, trên Biển Đông.
31 Tháng Bảy 2014(Xem: 13489)
Bắc Kinh đã quyết định di dời giàn khoan này sớm hơn thời hạn một tháng, phần nào giải tỏa căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thế nhưng theo một số nhà quan sát, như Tiến sỹ Zachary Abuza - chuyên gia về chính trị học Đông Nam Á, sự kiện giàn khoan cho thấy nguy cơ chia rẽ to lớn trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.
25 Tháng Bảy 2014(Xem: 13562)
Năm 1898, quan kinh lược Quảng Đông, Trung Quốc tuyên bố Hoàng Sa là đất hoang, không thuộc về Trung Hoa, không liên quan với chính quyền huyện Hải Nam nên không chịu bồi thường cho chủ 2 tàu buôn của Hà Lan vì tội hôi của.
21 Tháng Bảy 2014(Xem: 15863)
Khi chồng ra đi, bà Sinh mới 26 tuổi. Suốt 40 năm qua, bà nuôi 3 con gái trong căn hộ nhỏ mà vợ chồng bà đã sống từ năm 1973. Năm 2009, chung cư bị giải tỏa để xây cao ốc mới, bà Sinh phải đi thuê nhà để ở tạm. Vì thế, căn hộ 3 phòng, rộng 60 m2 nằm trong tòa cao ốc (quận 10, TP HCM), do chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa mua tặng là ngôi nhà đầu tiên bà Sinh có riêng cho mình.
15 Tháng Bảy 2014(Xem: 13529)
Hội thảo Biển Đông thường niên thứ tư do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức vừa kết thúc hôm thứ Sáu 11 tháng 7 tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ.
13 Tháng Bảy 2014(Xem: 17035)
Mỹ đang đề ra những chiến thuật quân sự mới để răn đe âm mưu của Trung Quốc nhằm chiếm trọn Biển Đông. Những chiến thuật mới gồm sử dụng máy bay trinh thám và điều tàu hải quân tới gần các vùng biển có tranh chấp.
10 Tháng Bảy 2014(Xem: 13922)
PV: Thưa anh Nguyễn Sỹ Tuyen, Tôi biết đây là Đoàn Việt kiều thứ 3 ra thăm Quần đảo Trường Sa. Cảm nhận của anh, với tư cách là một Việt kiều, đến vùng biển đảo xa xôi ấy như thế nào? Nguyễn Sỹ Tuyên: Trước đây, tôi bao nhiêu năm ao uớc được đặt chân đến quần đảo Trường Sa của Tổ quốc. Tôi hiểu không phải muốn là được bởi ngoài chuyện tốn phí, còn là sự xa xôi, và những yêu cầu đặc biệt vì vị trí đặc biệt của Trường sa.
06 Tháng Bảy 2014(Xem: 13124)
Trung Quốc, với lực lượng mạnh hơn, đang tăng sức ép ở Hoàng Sa nhằm thử quyết tâm của Việt Nam, nhưng Bắc Kinh cũng có hai điểm yếu mà Hà Nội nên tận dụng, một chuyên gia an ninh châu Á Thái Bình Dương nhận xét.
03 Tháng Bảy 2014(Xem: 13760)
Trong một buổi “giao lưu văn hóa văn nghệ” trên boong chiến hạm HQ 571, chúng tôi thấy hai người ngồi bên cạnh ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn.
01 Tháng Bảy 2014(Xem: 17881)
Đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng và theo tên quốc tế là Woody Island, với những bãi cát dài và các hàng cọ, đang trở thành biểu tượng trong kế hoạch thực hiện tham vọng biển đảo của Trung Quốc ở Biển Đông.
22 Tháng Sáu 2014(Xem: 39544)
Gần đây, sau khi Trung cộng ồ ạt kéo giàn khoan xâm chiếm thềm lục địa VN và dân Việt khắp nơi trên thế giới biểu tình đòi lại quần đảo Hoàng Sa. Hầu như phần lớn cộng đồng Việt chỉ biết đến trận hải chiến Hoàng Sa diễn ra vào tháng 1/1974 giữa Hải Quân VNCH và hải quân Trung Cộng, nhưng ít ai biết là 15 năm trước đó, tháng 1/1959, đã có một trận đụng độ giữa Thủy Quân Lục Chiến VNCH và quân Trung Cộng (giả dạng là ngư dân) ở Hoàng Sa.