Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử: Trên bàn ngoại giao và thực địa

16 Tháng Bảy 20221:35 SA(Xem: 2891)

VĂN HÓA ONLINE – HOÀNG SA – TRƯỜNG SA - THỨ SÁU 15 JULY 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử: Trên bàn ngoại giao và thực địa


Võ Hà


Nguyễn An Nam


11/03/2022 Thanh Niên


Phía Trung Quốc, những chiến dịch tuyên truyền về chủ quyền Tây Sa và Nam Sa trong nước đã cho thấy một sự dàn xếp cho kế hoạch bành trướng trên thực địa.


Với Việt nam thời điểm những năm sau chiến tranh, kinh tế và tổ chức xã hội còn nhiều khó khăn, việc đảm bảo giữ vững lập trường chủ quyền biển đảo bằng truyền thông, nghiên cứu và ngoại giao nhất quán với thực địa là một nhiệm vụ lớn lao.


image087Bộ đội đặc công hải quân Đoàn 126 tiếp quản đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa, ngày 28.4.1975. TL


Sách trắng “gọi đúng bản chất”


Trước những tuyên truyền thiếu căn cứ của Trung Quốc năm 1979, Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt nam ra cuốn Sách trắng Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nêu rõ: “Việt Nam đã làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đời khi mà các quần đảo đó chưa hề thuộc chủ quyền một quốc gia nào. Từ đó đến nay, Việt Nam liên tục thực hiện chủ quyền của mình đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”.


Tháng 1.1982, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam tiếp tục công bố cuốn Sách trắng Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa - Lãnh thổ Việt Nam, bổ sung các tài liệu nghiên cứu giá trị khoa học về mặt lịch sử, pháp lý.


Tháng 3.1982, NXB Sự thật xuất bản tập sách Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa - Bộ phận lãnh thổ của Việt Nam. Tập sách ngoài việc giới thiệu một số nét khái quát về địa lý, cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên của quần đảo Hoàng Sa và các chứng cứ lịch sử (tài liệu trong nước và phương Tây), còn nhấn mạnh thời kỳ 1954 - 1975 khi quần đảo Hoàng Sa đặt dưới sự quản lý trực tiếp của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.


Sau khi trích lại các tuyên bố của chính quyền Việt Nam Cộng hòa phản bác các tuyên bố của chính quyền Trung Quốc khi đưa quân xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa tháng 1.1974, tập sách Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa - Bộ phận lãnh thổ của Việt Nam chỉ ra: “Sau khi miền Nam được giải phóng đồng thời cũng từ đó, âm mưu thôn tính, bành trướng của Bắc Kinh đối với Việt Nam bộc lộ trắng trợn, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã nhiều lần thông qua các hoạt động đối ngoại của mình, khẳng định dứt khoát vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (tr.22, 23).


Đồng thời, cuốn sách nói trên cũng khẳng định lại cả một tiến trình lợi dụng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc: “Cũng cần phải nói rằng, trong thời kỳ Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền, phía Trung Quốc đã lợi dụng tình hình đó để lấn chiếm và thôn tính từng phần lãnh thổ của Việt Nam. Ngay từ năm 1956, Bắc Kinh đã đưa quân ra chiếm đóng đảo Phú Lâm rồi mở rộng việc chiếm đóng ra các đảo phía đông trong quần đảo Hoàng Sa. Hành động này của Bắc Kinh chẳng những là một hành động xâm lược mà còn tệ hại ở chỗ họ đã phản bội nhân dân Việt Nam, những người mà họ thường lớn tiếng gọi là “bạn bè, anh em” (tr.27, 28).


Năm 1984, đúng dịp 10 năm Trung Quốc chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (1974 - 1984), Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam và NXB Khoa học xã hội đã hợp tác tái bản có bổ sung cuốn Sách trắng năm 1982.


Trong lần tái bản này, cuốn Sách trắng đã được bổ sung nhiều sử liệu chứng minh chủ quyền hợp pháp của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt, các học giả Việt Nam cũng cho in lại hai bản đồ thời nhà Thanh (mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố ngày 30.1.1980), chứng minh bản đồ thời nhà Thanh đã được chính phủ Trung Quốc “bóp méo” để thể hiện tham vọng độc chiếm “Tây Sa” và “Nam Sa” như thế nào. Vấn đề chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam không chỉ là trên bàn ngoại giao, trong sách sử hay truyền thông, mà còn được nhất quán trên thực tế.


Nhất quán với quản lý thực địa


Tháng 4.1975, các lực lượng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã tiếp quản các đảo có quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ, triển khai lực lượng đóng giữ các đảo, một số vị trí khác trong quần đảo Trường Sa.


Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, nhà nước CHXHCN Việt Nam đã tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa và Hoàng Sa bằng nhiều hoạt động, vừa đảm bảo đầy đủ và đúng thủ tục trên phương diện đấu tranh pháp lý, vừa đảm bảo củng cố và duy trì sự hiện diện của quân và dân trên các thực thể địa lý hiện đang đặt dưới sự quản lý của nhà nước Việt Nam.


Trong năm 1982, để tăng cường thực thi và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, ngày 9.12.1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 194-HĐBT về việc thành lập H.Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – D8a2 nẵng, nêu rõ: “Thành lập H.Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng bao gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trước đây thuộc H.Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng”.


Lần đầu tiên trong lịch sử quản lý hành chính quần đảo Hoàng Sa, Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam xác lập một mô hình quản lý mới: Nâng quần đảo Hoàng Sa lên cấp huyện, là “H.Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng”.


Cũng năm 1982, Việt Nam đã thành lập Huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Huyện Trường Sa gồm có 3 đơn vị hành chính cấp xã: TT.Trường Sa (bao gồm đảo Trường Sa lớn và phụ cận), xã Song Tử (đảo Song Tử Tây và phụ cận) và xã Sinh Tồn (đảo Sinh Tồn và phụ cận). (còn tiếp)


(Lược trích: Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử, tác giả Võ Hà, Phanbook & NXB Đà Nẵng, 2021)

21 Tháng Mười 2018(Xem: 7756)
Hai máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã tiến gần các điểm đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông hôm 16/10/18, CNN dẫn thông báo từ Lực lượng Không quân Thái Bình Dương.
11 Tháng Mười 2018(Xem: 8380)
Hôm thứ Ba (02/10/2018), quân đội Úc đã bắt đầu một cuộc diễn tập quân sự đa phương kéo dài hai tuần trên Biển Đông cùng với các đối tác đến từ Singapore, Malaysia, New Zealand và Anh quốc.
18 Tháng Chín 2018(Xem: 7749)
Theo thông báo của Hải Quân Nhật, ngày 13/09 vừa qua, tàu ngầm Kuroshio trên đường đến thăm Việt Nam, đã tham gia tập trận ở Biển Đông cùng với 5 phi cơ và 3 khu trục hạm
12 Tháng Tám 2018(Xem: 8169)
"Chúng tôi là máy bay hải quân Hoa Kỳ, tiến hành các hoạt động hợp pháp bên ngoài không phận của bất kỳ quốc gia ven biển nào. Trong việc thực hiện các quyền được luật pháp quốc tế bảo vệ, chúng tôi đang hoạt động phù hợp với quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia."
02 Tháng Tám 2018(Xem: 8672)
Tài liệu của CIA ghi nhận Bắc Kinh và Sài Gòn đều đòi chủ quyền Hoàng Sa, và có sự hiện diện quân sự tại đây từ giữa thập niên 1950. Trung Quốc chiếm Nhóm Tuyên Đức ở phía bắc, còn Nam Việt Nam chiếm Nhóm Nguyệt Thiềm ở phía nam.
08 Tháng Bảy 2018(Xem: 9846)
Trung Quốc đang lặng lẽ thử nghiệm các thiết bị tác chiến điện tử mới được lắp đặt tại các tiền đồ ở Biển Đông, theo kênh CNBC của Hoa Kỳ. Một nguồn tin tình báo xin được giấu tên cho CNBC biết đây là lần đầu tiên Trung Quốc thử nghiệm tác chiến điện tử kể từ khi đem các thiết bị này ra các tiền đồn ở quần đảo Trường Sa.
07 Tháng Sáu 2018(Xem: 9568)
Sau khi lớn tiếng đả kích Mỹ « xâm phạm chủ quyền và chuyển vũ khí tấn công » vào Biển Đông, Trung Quốc dường như đã đem hệ thống tên lửa bố trí trên đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa, đi nơi khác hoặc cất giấu, theo bản tin CNN ngày 06/06/2018.