Dương Thu Hương: Giải ảo là thứ quả chín muộn

08 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 8817)

JuicePlus+
tquy.TowerGarden.com

Posted on October 18, 2013 by editor
Dương thu Hương
 
Giải ảo là thứ quả chín muộn

Dương thu Hương

Sự thất vọng của con người thường được biểu đạt bằng hai danh từ: Giải ảo và Vỡ mộng.

Các dịch giả Việt Nam dùng hai danh từ này tuỳ theo ngữ cảnh của nhóm từ Pháp: désillusionné, désenchanté, désabusé, déçu.

Tôi chọn hai từ désenchanté và désabusé để làm bệ đỡ cho sự Giải ảo và Vỡ mộng của người Việt Nam sau cuộc chiến.

Xét trên phương diện tâm lý, cuộc chiến tranh Việt-Mỹ có thể ví như một cơn nhập đồng tập thể. Một cá nhân, trong trạng thái nhập đồng, có thể làm được những điều mà bình thường họ không thể nào làm nổi. Khi trạng thái nhập đồng chấm dứt, con người cũng đánh mất khả năng ấy.

Ngô Thị Tuyển, nữ dân quân tham gia
chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng (1965) –
Nguồn ảnh: Phạm Kỉnh

Ví dụ rõ ràng nhất là trường hợp anh hùng Ngô thị Tuyển.Trong một cuộc máy bay Mỹ oanh tạc, để tiếp đạn cho các pháo thủ, Ngô thị Tuyển đã vác những hòm đạn nặng hơn trọng lượng thân thể của chị nhiều. Bởi vì cuộc chiến đấu kéo dài, hành động anh hùng của Ngô thị Tuyển diễn ra trước mắt tất cả mọi người, từ dân chúng, đồng đội đến các chiến sỹ pháo binh. Thế nhưng, khi các nhà báo Hà Nội yêu cầu chị diễn lại để quay phim, chị Tuyển không làm được nữa. Trước hết, cần phải nói rằng các nhà báo lúc ấy hoặc ấu trĩ hoặc hồ đồ vì không hiểu điều này: Cốt lõi hành động của Ngô thị Tuyển là lòng yêu nước cộng với bản năng tồn sinh. Vào lúc bom đạn tơi bời như thế, máy bay giặc quần thảo trên trời, tiếng rú rít của máy bay, tiếng nổ của đạn pháo, tiếng kêu thét của những người chết và bị thương tạo thành một bối cảnh tột độ căng thẳng, tình thế ấy đòi hỏi con người phải có những nỗ lực bất thường để vượt qua những nguy hiểm bất thường. Khi phải đối mặt với cái chết, không những của bản thân mà của đồng bào, đồng đội, mà phía sau những cái chết cụ thể ấy, là một cái chết vô hình hơn, cái chết của tổ quốc, những người dân yêu nước đều có khả năng làm một điều gì đó: lớn hơn bản thân họ, mạnh hơn sức lực của họ, vượt lên trên những toan tính thông thường của đời họ. Đó chính là những giây phút tạo ra các anh hùng.
Đó là sự siêu tuyệt thuần tuý (Une pure transcendance).

Khi trạng thái hưng phấn cao độ, sự siêu tuyệt qua đi, con người trở lại với chính bản thân họ, với các khả năng hữu hạn của họ mà yêu cầu họ “diễn lại như thật” các hành vi lúc nhập đồng thì hoàn toàn là điều ngu ngốc, thậm chí điên rồ. Thử hỏi các đạo diễn điện ảnh xem, nếu các diễn viên của họ phải vác một cái chuỳ thật sự nặng ba chục cân chứ không phải chuỳ bằng nhựa, liệu họ còn sức diễn nữa hay không? Những nhà báo này cũng thiếu kiến thức và sự từng trải để hiểu con người: Phàm đã là người đứng đắn, không ai đủ trơ trẽn để “diễn một màn tự khoe mình”; chỉ có những kẻ vô liêm sỉ và cơ hội mới làm điều đó. Nhìn ảnh thì biết Ngô thị Tuyển là một thôn nữ thật thà, chất phác, chị ấy từ chối diễn cũng không có gì là lạ. Lúc đó, để biểu diễn những màn “chiến thắng” nhằm tuyên truyền với báo chí trong và ngoài nước đã sẵn có cô Nguyễn Thị Hằng, người nhờ nhan sắc, nhờ ôm ấp kỹ ông Quang, chỉ huy quân khu tả ngạn, được đưa lên thủ đô. Ở thủ đô, sau khi trở thành bồ non của ông Lê Đức Thọ, cô lại được ông Lê khả Phiêu tổng bí thư đảng bổ nhiệm vào chức Bộ trưởng bộ thương binh xã hội. Dân Thanh hoá có câu: “Cô Tuyển vác đạn, con đĩ Hằng lên ngôi ”

Trong cuộc chiến tranh Việt-Mỹ, có vô số Ngô thị Tuyển. Cả dân tộc sống trong trạng thái Nhập đồng. Làm sao có thể khác được khi phải đối mặt với một địch thủ mạnh hơn mình cả ngàn lần? Hoặc là chết một cách bị động, hoặc phải chịu đựng sự thách thức của lịch sử bằng những nỗ lực vượt lên bản thân và phải biết chấp nhận cái chết một cách chủ động. Có lẽ, nghịch lý này cũng có tính phổ biến nếu ta đọc lại các cuộc chiến tranh từ thời thượng cổ đến ngày nay. Dân tộc Việt Nam không phải dân tộc duy nhất có khả năng tiến hành những cuộc chiến tranh không cân sức, và lòng yêu nước cũng không phải đặc tính riêng biệt của những người cộng sản Việt Nam như ông Tố Hữu tự nhận. Thói tự khoe khoang là biểu hiện của sự vô văn hoá hoặc tính mù quáng. Đáng tiếc thay, trong một thời gian dài, cả xã hội Việt Nam đã tiêm nhiễm thói tự ngạo mù quáng này. Đóng góp đáng kể nhất để tạo nên cái tâm lý ấy là những bài viết của lớp “nhà báo tinh hoa của Đảng” kiểu như ông Thép Mới, và đặc biệt là các câu thơ đầy tính hào nhoáng của ông Tố Hữu:

“Ta đang đứng trên đỉnh cao thời đại”
“Lương tâm nhân loại kí thác vào ta”
“Sứ mệnh của ta là thức tỉnh lương tâm nhân loại”…

Những câu thơ kêu như cả đội kèn nhà binh thổi to hết cỡ, đầy ngập những tính từ như hùng tráng, chói lọi, cao cả… Tôi vốn không thích thơ Tố Hữu nhưng ít nhất, tôi cũng ngỡ những điều ông ta nói có đôi ba phần sự thật. Ai có thể ngờ được khả năng phét lác của “nhà thơ Lớn”, một trong số các rường cột quốc gia? Cuối hè năm 1984, tôi đến Mạc Tư Khoa, thủ đô Liên bang Xô viết, trong phái đoàn gọi là điện ảnh trẻ nhưng trên thực tế toàn những người xấp xỉ sáu mươi, tôi được coi như trẻ nhất cũng sắp 40 rồi. Đó là lần đầu tiên tôi đặt chân đến một xứ sở khác. Đứng trong khách sạn, nhìn xuống đường, gặp đúng lúc một đoàn Việt Nam khoảng ba, bốn chục người đi thành hàng ba bên vỉa hè đối diện. Chắc chắn đó là một đoàn cán bộ được đảng và nhà nước cho phép đi tham quan. Lần đầu tiên tôi bắt gặp hình ảnh thật của đồng bào mình: đó là những con người nhếch nhác, gầy guộc, ngơ ngác, rúm ró trong những bộ complet đen của bộ tài chính cho mượn. Vì phải mặc những thứ quần áo không phải của chính mình, trông họ khổ sở và ngượng nghịu. Vì bước tới một nơi xa lạ, lại không biết tiếng, họ có bộ mặt hoảng hốt, thất thần. Người đi sau phải níu vạt áo người đi trước vì sợ lạc, những người ở hàng trên cùng thì bám sát gót một người Nga, hẳn là người hướng dẫn và cũng là phiên dịch.

Vừa nhìn đám đồng bào khốn khổ của mình, tôi vừa tự nhủ:

“Đây là những người ở rừng ra, những người bị rút kiệt máu sau một cuộc chiến tranh lâu dài và cam khổ. Những người không biết đến sự sống mà chỉ quen đối mặt với cái chết. Giờ đây, giữa ban ngày, giữa đô thị, ở một phương trời khác, họ hiện hình như các bóng ma đi ra từ những miền u tối. Họ là sự cụ thể hoá bộ mặt tàn bạo của chiến tranh. Hình ảnh của họ là hình ảnh tượng trưng cho dân tộc chúng ta, một dân tộc chưa bao giờ được sống thực sự. Một dân tộc sống sót. Một dân tộc kiên trì mơ ước sống, chuẩn bị sống, nhưng cuộc sống với đúng nghĩa của nó chưa đi tới. ”

Và tôi nhớ lại những câu thơ của ông Tố Hữu. Lúc này, những câu thơ ấy vang trong óc tôi như tiếng rít ghê tai của bánh xe lửa nghiến trên đường ray. Lẽ ra, thay vì khoe khoang hão, nhà nước Việt Nam phải chú ý đến đời sống các chiến binh của họ, ít ra lo cho họ được đôi giầy vừa cỡ, được tấm áo vừa lưng, trước khi đưa họ lên tầu. Như thế, không chỉ riêng ông Lê Duẩn mà ông Tố Hữu và rất nhiều lãnh tụ cộng sản Việt Nam khác cũng mắc bệnh vĩ cuồng, họ ngửa mặt nhìn lên mặt trăng, tưởng mình đang đứng trên mặt trăng trong khi công dân của họ diễu hành trên các hè phố Mạc Tư Khoa như một đám ăn mày. Tôi ngồi chết dí trong khách sạn, khóc. Ông Tô Hoàng, một sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường điện ảnh VGIC đến thăm, liền bảo:

“Con mụ này, người ta đi Liên xô thì cười tươi như hoa, mụ thì khóc như bị đi đầy ở Nghệ Tĩnh. Đúng là rồ.”

Tôi không trả lời. Ông Tô Hoàng cũng đã từng đi lính nhưng rất nhanh đã được quay về hậu phương và được chọn ra nước ngoài học. So với thân phận hàng triệu thanh niên thời ấy, ông là kẻ may mắn. Ông chưa từng chứng kiến cảnh những bầy kiền kiền no nê xác lính đến mức không bay lên nổi. Ông cũng không chứng kiến cảnh dân thường chết dưới bom B52 Mỹ. Ông cảm thấy sung sướng khi ở nước Nga là dễ hiểu. Nước mắt của tôi là điều bất khả tri đối với ông.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi thuộc số những người vỡ mộng sớm nhất. Nhưng chỉ vài năm sau, con số những kẻ vỡ mộng tăng lên một cách không ngừng. Đầu những năm 80 sự đói khổ về vật chất là con quỷ hiện hình cả ngày lẫn đêm trên toàn cõi. Đói khổ là món quà chia đều cho toàn dân, trừ một số người nắm quyền. Sự giàu có và xa hoa của một thiểu số cộng sản giống như vòi nước lạnh hắt vào mặt dân chúng. Hiển nhiên là trong dân chúng, có vô số kẻ từ chiến trường cởi áo lính trở về. Như cuốn “Bên thắng cuộc” của ông Huy Đức đã nêu, những người anh hùng lái xe tăng 390 “cắm lá cờ lên dinh độc lập” sau khi giải ngũ, một anh đánh giậm, một anh cắt tóc, một anh lái xe lam, một anh gác đầm cá, sống trong cảnh lam lũ. Tuy nhiên, họ còn cơ may được nhà báo và nhiếp ảnh Pháp Françoise De Mulder trả lại lẽ công bằng vào năm 2003. Nhưng họ chỉ là bốn người, một tuyệt đại thiểu số. Còn hàng triệu người lính khác, khi trở về cuộc sống của dân thường, đối mặt với nỗi đói khổ và sự áp bức của hệ thống cường hào địa phương, lúc đó họ nghĩ gì?

“Chúng ta đổ máu để cho ai?”

Khi ra đi, ai cũng nghĩ là chiến đấu cho độc lập dân tộc nhưng dần dà, mọi người đều ngờ ngợ rằng mình lầm. Người Mỹ không đến chiếm đất đai, không thu hải sản, không bắt dân mò ngọc trai, nộp đá quý. Tóm lại, hoàn toàn không giống cái sơ đồ quen thuộc mà họ đã hình dung về quân Minh, quân Nguyên và quân Thanh. Khi ra trận, ai cũng có ý định ngầm ẩn là thích vào trán hai từ “Sát Thát”. Bây giờ nghĩ lại, cảm thấy có gì đó bất ổn và danh từ “quân xâm lược Envahisseurs” có vẻ như không thích hợp trong trường hợp này.

“Vậy ta chiến đấu để làm gì?”

Để cho chủ nghĩa cộng sản chiến thắng và cụ thể hơn, để mấy ông lớn cộng sản cầm quyền, đó là điều hiển nhiên ai cũng thấy.

Các ông lớn cộng sản giờ nắm trong tay tất thảy chiến lợi phẩm mà xương máu hàng chục triệu người đổi lấy: Trước hết họ nắm trong tay mười sáu tấn vàng của kho Long Thành. Họ nắm trong tay toàn bộ số vàng, kim cương cũng như ngoại tệ của dân miền Nam kẹt trong các nhà băng. Nhưng sau rốt, nguồn tài sản sau đây mới là quan trọng: Họ biển thủ toàn bộ số vàng mà lính áp tải về sau cuộc giải phóng Căm-pu-chia, số lính này quá đông nên họ không thể xử lý biện pháp quen thuộc của vua chúa xưa kia là chôn sống. Những người lính này sau khi giải ngũ đã cất tiếng thở dài:

“Biết thế hồi đó thủ một nắm cho vào túi thì giờ đây đỡ khổ!”
“Bây giờ mới biết mình ngu. Lẽ ra hồi ấy…”

Biết thế! Lẽ ra! Nếu như … Toàn những lời than thở muộn màng.

Tiếng Pháp có một thành ngữ khá hay: Après coup! Người ta chỉ hiểu được sự thật khi mọi sự đã lỡ làng.

Năm 1991, những vụ hoá giá biệt thự xảy ra và khá nhiều người biết đám quan lại như Lê Hãn (con trai trưởng Lê Duẩn), Trần Bạch Đằng, Trần Văn Giàu, Dương Quang Đông… cùng nhiều ông lớn khác bán mỗi biệt thự trên hai ngàn cây vàng bỏ túi. Lúc đó, bà Ngô Bá Thành, đại biểu quốc hội đã kêu lên:

“Thành phố tham nhũng tập thể, cướp công trình của cả dân tộc, chia chác xương máu của cả nước”.

Nhưng bà Ngô Bá Thành cũng như đa phần dân chúng còn không biết đến những nguồn vàng to lớn hơn, quan trọng hơn, mà kẻ cầm quyền đã chia chác trong bóng đêm.

Nỗi đau khổ chiến tranh, toàn dân phải gánh chịu, nhưng bộ phận chịu đựng sự mất mát lớn nhất vẫn là những người cầm súng và gia đình họ. Vào khoảng 2004, 2005, một tờ báo công nhận con số mất tích trong chiến tranh là trên 900.000, có nghĩa là ngót nghét một triệu. Nhà cầm quyền có thể công bố con số giả về sự tử vong nhưng con số mất tích thì khó bôi xoá vì sau chiến tranh hai, ba chục năm, những gia đình có con em mất tích vẫn tiếp tục khiếu kiện và đi tìm thân nhân của họ. Trong lúc đó, khoảng cách giữa các ông lớn cầm quyền với dân chúng càng ngày càng xa, giống như bờ đất lở.

Từ xưa đã có câu: “Tình đời thay trắng đổi đen.”

Không có gì cũ hơn và cũng chẳng có gì mới hơn là sự bội phản của người với người.

Lúc cần làm cuộc chiến tranh, ban tuyên huấn trung ương đảng tìm được cả một đội quân tuyên truyền để ngợi ca người lính. Thêm vào đó, không kể những người ăn lương để làm “tâm lý chiến” còn vô số người sáng tác theo chính cảm hứng và nhận thức của mình. Ý chí chống ngoại xâm vốn là nguồn cảm hứng cỗi rễ của một dân tộc không ngừng tranh đấu để giành quyền tự chủ như dân Việt Nam. Cố nhà văn Nguyễn Minh Châu viết cuốn “Dấu chân người lính”, cuốn sách thuộc loại best-seller đầu bảng lúc ra lò. Nhạc sĩ Vũ trọng Hối viết ca khúc tuyệt đẹp:

“Ta vượt trên triền núi cao Trường sơn.
Núi mòn mà đôi gót không mòn…”

Nguyễn Minh Châu, Vũ Trọng Hối không phải bị cưỡng chế mà viết, họ viết với tất cả sự chân thành và niềm cảm hứng. Cũng như những người lính khác bước vào chiến đấu, họ sáng tác trong trạng thái Nhập đồng, hoặc nói văn vẻ hơn, trạng thái Siêu tuyệt (Transcendance). Lúc đó, chưa ai có đủ từng trải lẫn thông tin để hiểu sự thật.

Hơn một thập kỷ sau, vào năm 1985, Nguyễn Minh Châu (sinh năm 1930) hẳn đã vỡ mộng nên đã nói với tôi trên trại sáng tác Đại Lải của Hội nhà văn:

“Mình xui con người ta đi vào chỗ chết. Biết đâu sự thể nó lại ra thế này?…”

Rồi anh thở dài và im lặng. Nguyễn Minh Châu vốn là người kín đáo, thường tự nhận một cách công khai trước đồng nghiệp:

“Tôi nhát lắm, tôi sợ chết lắm. Vua chúa châu Á vốn coi nhà văn ngang với bọn ăn mày. Chúng ta phải biết thân biết phận.”

Tuy sợ chết, anh vẫn không tránh được cái chết. Chừng vài năm sau ngày gặp tôi trên trại viết văn Đại Lải, anh chết vì ung thư máu, do nhiễm chất độc màu da cam trong chiến trường Quảng trị. Đó là một nhà văn quân đội, đã từng sống khá lâu với lính Trường sơn. Tuy nhiên, anh chết sớm còn là may, nếu sống thêm một vài năm nữa, anh sẽ phải chứng kiến sự phản bội tàn độc của những kẻ cầm quyền đối với binh lính, và con tim nhút nhát của anh sẽ phải dày vò quằn quại một cách dữ dội hơn nếu anh thấy những người anh hùng năm xưa “Xẻ dọc trường sơn đi đánh Mỹ” đã biến thành “Những thằng tù không số, bị giết dần trong các nhà giam”.

Đó là sự kiện xẩy ra cuối thập kỷ 80, gần như cùng lúc với vụ Thiên An Môn ở Trung quốc.

Tôi tạm gọi là Thiên An Môn Việt Nam.

Vì sao lại là Thiên An Môn?

Vì bản chất sự việc cũng là một cuộc tàn sát dân chúng để bảo vệ nền chuyên chính và số lượng người thiệt mạng cũng ngang ngửa với vụ Thiên An Môn xẩy ra ở Tầu.

Thời đại của chúng ta là thời đại truyền thông.

Thiên An Môn Trung quốc có cơ may được biết đến vì nó xảy ra giữa ban ngày, tại Bắc kinh, nơi báo chí thế giới làm việc. Nhà cầm quyền Trung quốc vốn cứng rắn, không thèm đếm xỉa tới dư luận nước ngoài nên họ không che giấu hoặc nguỵ trang cuộc tàn sát dân chúng. Như thế, nhân loại biết được sự kiện này nhờ thói ngạo mạn của ông vua Đặng tiểu Bình.

Ngược lại trăm phần trăm, Thiên An Môn Việt Nam xẩy ra trong bóng đêm, tại các tỉnh, trước hết là Thái Bình, nơi các phóng viên báo chí thế giới bị ngăn cấm đi tới. Nhà cầm quyền Việt Nam không dám ngỗ ngược thách thức dư luận thế giới như các bậc đàn anh Trung Hoa, họ chọn con đường mềm dẻo hơn, khôn ngoan hơn và hiệu quả hơn. Số người bị chết trong cuộc tàn sát này là khoảng giữa một ngàn với hai ngàn, có nghĩa là bằng số người bị bắn chết trên quảng trường Thiên An Môn nhưng sự giết chóc diễn ra từ từ, lặng lẽ, trong các trại giam khác nhau, không một tiếng kêu nào lọt được ra ngoài, không một ống kính thu hình nào ghi lại được. Nhà cầm quyền Việt Nam, hành động theo truyền thống du kích, có nghĩa là ẩn mình trong bóng tối, nói cách khác, họ thực thi các biện pháp độc ác một cách uyển chuyển của loài rắn rết (à la façon reptilienne). Họ thành công tuyệt đối. An toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng vì không thể giết hết gia đình của các cựu chiến binh nên những người như chúng tôi mới có thể điều tra về cuộc tàn sát này.

Tôi xin kể vắn tắt:

Thời gian ấy, tôi vẫn thường gặp gỡ các ông Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Kiến Giang. Một bữa, ông Độ bảo:

- Mấy hôm nay họ tăng cường số công an gác cửa nhà tôi. Họ nghi cô với tôi chỉ đạo cuộc nổi dậy của các cựu chiến binh ở Thái Bình.

- Vì sao? Tôi hỏi.

Ông Trần Độ trả lời:

- Tại vì cô là dân Duyên hà còn tôi là dân Tiền hải. Chúng ta đều có gốc ở tỉnh Thái lọ. Thêm nữa, tôi là tướng còn cô cũng là dân từ Quảng bình khói lửa trở về. Họ cho rằng chúng ta xúi giục cựu chiến binh.

Tôi nói:

- Tôi có biết gì đâu. Đã gần một tháng nay tôi ngồi viết, không tiếp xúc với ai, không rời khỏi nhà quá một trăm mét. Hành trình của tôi chỉ bao gồm từ tầng ba khu chung cư xuống mặt đường rồi lại leo lên. Vài ngày một lần tôi xuống đường mua thực phẩm. Tuy nhiên, nếu họ đã ngờ vực tôi xúi giục cuộc khởi dậy này, tôi sẽ điều tra sự thật về nó, như thế, để khỏi phụ lòng bộ nội vụ Việt Nam.

Ông Độ bảo:

- Nhưng cô cũng bị theo rõi mà.

Tôi đáp:

- Đương nhiên. Nhưng bọn công an không thể theo rõi tôi 24 trên 24, buổi tối chúng nó phải về chăm con và ngủ với vợ. Vả chăng, trước kia Việt minh hoạt động du kích ra sao thì bây giờ tôi cũng hoạt động du kích đúng như vậy. Thêm nữa, tôi không phải một mình cho dù các nhà báo Pháp đặt cho tôi biệt danh “Con sói cái đơn độc”. Không ai có thể chiến đấu một mình trừ các vị thánh. Tôi không phải là thánh, tôi là người.

Phong trào đấu tranh của các cựu chiến binh tỉnh Thái Bình khởi dậy ở Quỳnh Lưu, một trong các xã nghèo nhất tỉnh. Ở đây, chính các cựu chiến binh là những người đầu tiên phát hiện ra các vụ “thu thuế đểu” của bọn hào lý. Họ phát động dân chúng lên thành phố biểu tình, yêu cầu tỉnh uỷ trả lại dân các món tiền thu khống. Dường như ở tất cả các xã, cựu chiến binh đều là lực lượng đầu tầu hướng dẫn dân chúng đấu tranh. Phong trào nhanh chóng lan sang các huyện khác. Rồi từ tỉnh Thái Bình, cuộc biến động lan sang Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định và một phần Quảng Ninh. Lúc đó, có khá nhiều nhà báo nước ngoài đòi xuống các tỉnh để xem xét tình hình. Công an Hà Nội trả lời một cách mềm mỏng:

“Xin các vị chờ một vài ngày để chúng tôi sắp xếp phương tiện đi lại. Nếu các vị đi bây giờ e rằng mất an toàn.”

Họ khất lần như vậy. Ngày nọ qua ngày kia, đám nhà báo mất kiên nhẫn. Việt Nam đã bị lãng quên, chẳng có gì đáng làm một cuộc đầu tư lớn, kể cả thời gian lẫn tiền bạc. Các điểm nóng của hành tinh đã chuyển sang vùng đất khác. Vậy là, các phóng viên nước ngoài, sau một hồi chờ đợi mỏi mệt, người nọ theo người kia lần lượt leo lên thang máy bay. Một khi, không còn ống kính báo chí nào ở Hà Nội, chính quyền lập tức tổ chức một cuộc bắt bớ rầm rộ ở khắp các địa phương. Đương nhiên, số lượng người bị bắt nhiều nhất vẫn là ở Thái Bình.

Nửa đêm, xe hòm thép của công an ập vào từng làng, dưới sự dẫn đường của cán bộ xã, lôi những “kẻ đầu sỏ” các cuộc biểu tình lên xe, trước tiếng kêu la gào thét của thân nhân lẫn láng giềng. Không cần tuyên bố, cũng chẳng có cáo trạng, các cuộc bắt bớ này diễn ra giống hệt các cuộc vây ráp, khủng bố của thực dân Pháp trước đây nếu không muốn nói là còn tàn bạo hơn. Sau đêm ấy, gia đình các cựu chiến binh không có cách nào liên lạc được với thân nhân của họ. Những ông bố, bà mẹ, những người vợ hội họp nhau để đi kêu cứu. Nếu ai sống ở Hà Nội vào thời gian đó, sẽ nhớ rằng có những ngày đột nhiên con phố Trần Bình Trọng bị bít kín hai đầu, ngăn xe qua lại. Ấy là vì thân nhân các cựu chiến binh biểu tình ở cổng bộ nội vụ (số 15 Trần bình Trọng), đòi trả lời về những người bị bắt. Không ai đánh đập họ nhưng cũng không ai tiếp họ. Đám dân khốn khổ ngồi giãi nắng qua trưa, được các quan lớn phát một chiếc bánh mì rồi tống lên xe tải chở về Thái Bình. Nhưng đến nửa đường, lái xe dừng lại (đương nhiên là theo lệnh bề trên), đuổi đám dân quê xuống, bắt buộc họ phải đi bộ bốn năm chục cây số mới về đến làng. Tình trạng giao thông ở Việt Nam thời ấy vô cùng tồi tệ và khoảng cách là một trở ngại mà con người, trước hết là các nông dân, không đủ phương tiện, không có tiền nong, khó có thể vượt qua. Như thế, qua vài lượt, những người dân quê cạn kiệt hơi sức, cũng chẳng còn tiền mua vé xe lên Hà Nội tranh đấu nữa. Họ đành phải câm lặng chịu đựng. Chịu đựng, vốn là thói quen cố hữu của dân Việt Nam.

Trong lúc ấy, số phận những cựu chiến binh ra sao?
image001-content
Vỡ mộng. Nguồn: Orangeya’s photostream

Họ bị phân bố vào các nhà tù khác nhau nằm rải rác trên toàn quốc, người nọ không còn liên lạc được với người kia. Sau vài tuần, họ bị chuyển đến sống trong các trại giam dành cho bọn tội phạm đặc biệt, những kẻ mang án chung thân hoặc ít nhất hai mươi lăm năm tù, những kẻ hung hãn, giết người không ghê tay. Ở đó, họ được thanh toán một cách dần dà bởi chính đám tù này. Giết một cựu chiến binh, án được giảm hai năm. Giết hai, án được giảm bốn năm. Tỷ lệ cứ theo thế mà nhân lên, càng giết được nhiều, càng nhanh được giải phóng. Vì thế, cuộc tàn sát trở thành một “sự nghiệp quan trọng” một cuộc “đua tranh” của bọn tội đồ. Chúng giết họ theo nhiều kiểu khác nhau. Nhưng cách được xử dụng nhiều nhất là “cắm đũa”. Vì trong trại giam, những vật được coi là vũ khí đều bị cấm nên đám quản giáo chỉ thị ngầm cho bọn phạm là chỉ sử dụng các vũ khí đặc biệt “tiện lợi, nhẹ gọn”. Phương tiện hữu hiệu nhất là đũa tre. Những chiếc đũa được vót bằng tre đực già, cứng như sắt, một đầu được mài nhọn như kim, đầu kia để tù kiểu như đầu một que đan. Khi đã có được thứ “kiếm tre” này, bọn tội phạm rình lúc các cựu chiến binh ngủ say, ấn đầu đũa nhọn vào lỗ tai họ đồng thời dùng mu bàn tay hoặc một hòn đá quả xoài thay cho chiếc búa, đóng thật mạnh vào đầu tù của chiếc đũa cho nó xuyên từ tai nọ sang tai kia. Người bị hại chết ngay tức khắc, chết không một tiếng kêu. Kiểu chết này là thứ sáng tạo vô cùng độc đáo của công an Việt Nam đáng được ghi vào sử sách. Những người cựu chiến binh, đám anh hùng Trường Sơn năm xưa, những chàng trai “vừa ca hát vừa đi vào chiến trường” đã được Đảng thân yêu của họ xử lý theo cách đó.

Trong nhóm đấu tranh của tôi có một người cũng là cựu chiến binh, trong chiến tranh Việt-Mỹ đã hai lần được đề bạt là anh hùng và cả hai lần đều trượt vì mắc tội chửi cấp trên là: “Lũ chó, chúng mày ham thành tích, chúng mày giết lính”.

Lúc xảy ra vụ Thiên An Môn Việt Nam, anh rất lo cho số phận một người đồng đội cũ nên đến Quảng Ninh tìm. Anh bạn Quảng Ninh nổi tiếng là một tay thiện xạ trong chiến tranh, ngực treo đầy huân chương, may mắn không bị bắt vì suốt thời gian xảy ra cuộc biến động phải ở trong bệnh viện nuôi đứa con bị bệnh nặng. Nhưng hai người bạn thân nhất của anh đã chết trong tù. Người cựu chiến binh này đã để nước mắt rơi lã chã và nghiến răng nói:

“Những viên đạn của tôi bay lạc. Đáng lẽ chúng phải găm vào đầu những thằng khác.”

Đáng lẽ!…

Đây là sự vỡ mộng của một người lính bị phản bội. Sự vỡ mộng ấy kèm theo ước muốn trả thù, nó bạo liệt hơn hơn tất thảy các trạng thái vỡ mộng thông thường, chỉ bộc lộ bằng những tiếng thở dài ảo não.

*****

Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ là cuộc chiến tranh mà truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam đã bị lạm dụng ở mức tối đa.
Xương máu của lính và dân đổ xuống đã xây nên bức tường thành theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa thực.
Bức tường thành đồ sộ ấy có thể là khải hoàn môn cho người này và là cổng vào địa ngục cho người kia, tuỳ theo cách nhìn của họ.
Đối với tôi, đó là bằng chứng kinh khủng nhất cho sự nhầm lẫn của con người.
Paris ngày 11 tháng 2 năm 2013.
Nguồn: DCVOnline

Quốc Phương BBC

Phỏng vấn nhà văn Dương Thu Hương

"Từ khi tôi rời khỏi đất nước, tôi chẳng có xuân với Tết gì hết," nhà văn Dương Thu Hương, tác giả cuốn tiểu thuyết 'Đỉnh cao chói lọi' đang gây nhiều dư luận trong và ngoài nước, cho BBC hay về việc đón Tết nguyên đán mới đây trong một phỏng vấn dài đầu năm.

"Tôi ở đây có một mình và tôi cũng ít tiếp xúc với mọi người. Tôi hay khép kín mình ở trong phòng làm việc suốt trừ những khi phải đi các tỉnh gặp gỡ độc giả, hoặc tham gia những hội chợ, các conference quốc tế," nhà văn nói về cuộc sống riêng của mình.

"Cảm ơn những lời chúc mừng của mọi người, sách cũng mới phát hành thôi nên tôi hiện chưa biết được kết quả ra sao. Chỉ biết là dù sao cũng trả được một món nợ với những người đã mất," bà Hương nói.

Trung tuần tháng này, chương trình văn hoá bằng tiếng Anh 'Strand', thuộc Thế giới vụ Đài BBC sẽ phát sóng một phần cuộc trao đổi giữa nhà văn nữ bất đồng chính kiến với BBC Việt ngữ, mà nội dung chính mời quý vị theo dõi sau đây.
image002
 Con chuột trong hang

Tôi vẫn sống cuộc sống của một người như con chuột trong hang thôi, chỉ có một mình, mà Xuân phải đông đủ gia đình thì mới gọi là xuân được. Tết này tôi cũng được nhiều bạn bè mời đến nhà ăn tết nhưng tôi cũng ngại. Thành ra đối với tôi, xuân với hè cũng như nhau.

Tôi vẫn nhận được nhiều thư từ, điện thoại từ bạn bè. Tuy được nhà nước Việt Nam coi là kẻ thù, nhưng tôi lại có nhiều bạn, kể cả các bạn quốc tế.

Con cái tôi cũng có gọi điện. Đặc biệt những nhân vật quan trọng nhất của tôi là các cháu cũng gọi điện 'chúc bà thêm một tuổi'. Nhưng làm bà thì cũng 'đau đớn' lắm vì thêm một tuổi thì lưng thêm còng, gánh thêm nặng. Nhưng như thế thì cũng vui.

Bà Hương ngại Internet chiếm mất nhiều thời gian

image003Tôi có đủ cả một cỗ hai cháu nội, hai cháu ngoại, nhưng các cháu đại xá cho vì bà ở xa quá không gửi mừng tuổi về được. Năm vừa rồi, vào tháng Chín, con gái tôi có qua chơi, nhưng việc xin visa bây giờ hình như là càng ngày càng khó lên.

Về lại Việt Nam ư, từ lâu nay, tôi sống ngày nào biết ngày ấy. Tôi không có kế hoạch lâu dài. Vả chăng tôi còn một chương trình làm việc dự định ở một nước khác, tôi cũng đã 60 tuổi rồi.

Internet, tiếng Pháp và cơm Việt

Tôi không có Internet và kiên quyết không có Internet vì vào Internet chắc chắn là nhiều thông tin, rồi lại đến thư từ, thành ra tôi không có thì giờ mà phải tập trung làm việc.

Tin tức ở Việt Nam thì tôi cũng có mấy nhóm thân cận bên này. Thỉnh thoảng có tin tức gì quan trọng, các cháu hay bạn bè lại in ra cho tôi đọc. Thành ra tôi vẫn cập nhật được tình hình chung bên nhà.

Với các báo đài, truyền thông, tôi cũng ít có thời gian theo dõi. Tôi cũng lớn tuổi rồi và không hề có ảo vọng về sức khoẻ của mình. Một điều nữa là phải hình dung được một người ở tuổi 50, 60 nay đi học một thứ ngoại ngữ vất vả như thế nào.
 
Hồ Chí Minh từ lâu đã biến thành một hình nộm bị dùng bởi hai thế lực lịch sử

Dương Thu Hương

Tôi từ khi sang đây, ngoài lúc làm việc ra, phải tập trung vào học ngoại ngữ để có thể tiếp xúc, giao tiếp với mọi người. Vì chẳng lẽ lúc nào cũng phải thông qua phiên dịch. Những người trẻ sán lạn không thể nào hiểu được những người già 'tăm tối' khi họ phải học một món ngoại ngữ ở tuổi 50.

Về Tết thì thực ra tôi quanh năm đều có đồ châu Á. Ở Paris đặc biệt không thiếu đồ châu Á , lại có nhiều nhà hàng Á nữa. Chỉ có thiếu thời gian để nấu thôi vì tôi ở một mình, không thể nấu cơm Việt được.

Nói vậy nhưng nấu cơm Việt Nam vô cùng phức tạp. Phải từ 2-3 người trở lên mới bõ. Không bao giờ làm cơm Việt Nam một mình, vì nó phải đủ món.

Tôi là người 'răng đen mắt toét' nên những món tôi ưa thích như canh cua, bánh đúc không có được. Thành ra để thay thế, thỉnh thoảng tôi đi ăn phở hoặc đành vuốt bụng thôi. Không làm thế nào được.

'Đỉnh cao chói lọi'

Để tìm hiểu lịch sử và nhìn lại chân lý là một việc nan giải và không dễ dàng gì để tiếp nhận. Bởi vì con người ta luôn luôn là nô lệ cho một hệ thống giả định. Những hệ thống ý tưởng giả định đó khi đã cắm sâu vào đầu con người thì rất khó bứt ra.
image004
Nhà văn Dương Thu Hương hiện sống tại Paris

Thật ra con người nói chung là một con vật rất lười suy nghĩ. Thành ra không phải dễ dàng gì tìm ra chân lý. Hồ Chí Minh từ lâu đã biến thành một hình nộm bị dùng bởi hai thế lực lịch sử.

Đối với những người cầm quyền trong nước, ông ta biến thành một ông Thánh, một con người toàn bích. Không có một nhược điểm nào, xin lỗi, chắc là không có cả đi vệ sinh và không làm tình. Để trở thành một thành luỹ che chắn cho chế độ.

Còn đối với những người vượt biên, hay những người là nạn nhân của chế độ cộng sản, buộc phải rời Tổ quốc ra đi trong một nỗi đau khổ khôn cùng, trong một lòng thù hận khôn nguôi, thì chỉ có Hồ Chí Minh là cái đích, cái biểu tượng dễ nhất để mà khạc nhổ, để mà đánh đấm.

Hồ Chí Minh đối với những người căm thù cộng sản trở thành hố rác để người ta trút tất cả những sự phẫn nộ, thù hận và sự khinh bỉ vân vân và vân vân.

Và khi đã có một mục đích như vậy thì không thể nào mà tiếp cận được chân lý. Bởi vì tất cả những người đã bị điều khiển bởi một mục đích thì không thể nào có được một cái nhìn khách quan.

'Có chủ thuyết riêng'
 
Muốn hay không, thì Hồ Chí Minh cũng là người lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng 8 và đã xoá bỏ chuỗi ngày dài nô lệ

Dương Thu Hương

Vì vậy từ lâu nay, dù là người tranh đấu cho dân chủ, nhưng tôi kiên quyết không bao giờ vào một đảng phái nào. Mặc dù cách đây mấy năm, tôi có ghi tên vào khối '8406', nói thẳng là tôi ghi tên để cùng đấu tranh với anh em, nhưng tôi là tôi.

Tôi luôn luôn là người đơn độc và tôi luôn có chủ thuyết của riêng tôi, tôi không bao giờ phụ thuộc vào bất kỳ hệ thống ý tưởng của ai khác. Thời anh Chính (Hoàng Minh Chính) còn sống, tôi rất kính trọng anh Chính, nhưng tôi cũng nói với anh là chúng ta liên đới để đấu tranh. Tôi không phải là đệ tử của anh ấy.

Thực ra từ lâu tôi đã nhìn thấy rằng sự đồng lòng nhất trí trong một tập đoàn đưa đến một cái nhìn mù quáng và nhiều khi xuyên tạc lịch sử. Khi đã có một mục tiêu, người ta phải giả mạo lịch sử, người ta phải biến báo tất cả các sự kiện đi để đạt được mục tiêu ấy.

Ví dụ như trong khối '8406' bây giờ có mục tiêu cương quyết đạp đổ thần tượng Hồ Chí Minh, phá bỏ huyền thoại, và vì thế tìm đủ mọi cách để có thể hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh bằng mọi giá.

Còn những người bảo vệ Hồ Chí Minh thì cũng không phải vì Hồ Chí Minh mà vì họ bảo vệ quyền lợi của họ. Bởi vì dù sao ông Hồ trong lịch sử vẫn còn để lại một hình ảnh tốt đẹp trong dân chúng.

'Hình ảnh sáng giá'

Sau 100 năm sống dưới chế độ đô hộ của thực dân Pháp, muốn hay không, thì Hồ Chí Minh cũng là người lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng 8 và đã xoá bỏ chuỗi ngày dài nô lệ.

Bà Hương cho rằng biểu tượng Hồ Chí Minh bị cả hai phía tận dụng

Người ta không quên được những cuộc khởi nghĩa bị đàn áp. Bản thân tôi cũng không quên được những hình ảnh đã từng xem như là Đề Thám và nghĩa quân các cuộc khởi nghĩa thất bại bị chặt đầu, rồi đầu họ bị cho vào những chiếc rọ.

Tất cả những hình ảnh đó cắm sâu vào tiềm thức của dân tộc và vì vậy mà Hồ Chí Minh vẫn là sáng giá để bảo vệ cho một chế độ mà người ta đã ngán đến tận tai và người ta đã thấy đầy rẫy những tội lỗi.

Những người làm chính trị là những người có mục đích. Vì vậy, tôi nói tôi chỉ làm giặc chứ không làm chính trị gia. Vì làm chính trị gia khó tránh khỏi phải thoả hiệp, trong đó bao gồm sự gian dối và đạo đức giả...

Tôi không bao giờ lệ thuộc vào bất cứ hệ thống chính trị nào và do đó trong chuyện này, nhà văn tự do hơn chính trị gia nhiều.

Tiểu thuyết hay chính trị

Trong đoạn tự thoại của nhân vật Chủ tịch ở cuốn tiểu thuyết của tôi, nhân vật mặc bộ complê trắng ngà chính là lương tâm của ông ta tự vấn. Ông không phải chỉ là nạn nhân đâu, bản thân ông cũng tham dự một phần của kẻ đao phủ.
 
Tôi đã nhắc lại cả nghìn lần rằng tôi không bao giờ tham dự vào bữa tiệc của những người dân chủ khi họ mừng ngày thắng lợi

Dương Thu Hương

Trong con người ông có một góc hình thành con người tên đao thủ, vì ánh sáng của quyền lực, ảo vọng của vinh quang v.v... và vai trò của Cha già dân tộc đã khiến cho ông rơi vào một tình trạng tê liệt và hèn nhát.

Và cái đó chính ông cũng nghiệm thấy là bản thân ông tham dự vào cái chết của vợ ông ấy.

Không một cuốn sách nào chỉ có một thông điệp không thôi cả, nếu không thì người ta không nên mất công viết làm gì, nhất là lại tra tấn người đọc đến gần 800 trang với chỉ một thông điệp không. Đấy là điều thứ nhất, quy luật chung của văn chương.

Điều thứ hai, người ta hỏi tôi đây là cuốn sách văn học hay chính trị? Tôi bảo tôi không biết, vì cái này tuỳ người đọc người ta lựa chọn và định giá. Tôi chỉ cho đây là một cuốn tiểu thuyết.

Nhưng vì nhân vật là một chính trị gia, nên nó nhuốm mầu sắc chính trị. Trên con đường tìm kiếm nguyên nhân cái chết của vợ chồng Lưu Quang Vũ và tìm hiểu lịch sử, tôi đã bắt gặp câu chuyện này.

Tôi bắt gặp nhân vật vốn là một chính trị gia vĩ đại này, nhưng đồng thời cũng là một con người khốn khổ. Và tôi mô tả ông ta đúng như điều tôi nhìn thấy dưới ánh sáng của văn chương, chứ không phải dưới chủ đích của chính trị.
 
Ông Vũ Kỳ là thư ký riêng của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bởi tôi đã nhắc lại cả nghìn lần rằng tôi không bao giờ tham dự vào bữa tiệc của những người dân chủ khi họ mừng ngày thắng lợi. Tôi là người tự do và đừng hòng ai có thể điều khiến tôi trong bất cứ mục tiêu nào cả.

' Bằng đôi chân của mình'


Đừng bao giờ kết tội tôi gây khó khăn cho những người viết sau, khi họ muốn sử dụng những cứ liệu, huyền thoại về nhân vật lịch sử mà tôi đã sử dụng này. Mỗi người tự đi bằng đôi chân của mình.

Mỗi người phải tự tìm con đường của mình, phải can đảm đối diện với lịch sử. Và như vậy phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Về bằng chứng ư, bản thân tôi, 20 năm ấy, nếu không có người em trai tôi, làm sao tôi tiếp cận được nhân vật ấy.

Họ phải thủ tiêu tôi tức khắc ấy chứ. Bởi vì họ đã bố trí hai lần để kẹp chết tôi nhưng vì người em tôi cứu tôi, và vì tôi đã viết những bài như 'Thế nào là Chủ nghĩa Xã hội', hay 'Đảng phải biết ơn nhân dân' thay vì đảng dạy nhân dân biết ơn đảng.
 
Khi gặp lịch sử về người phụ nữ miền núi này, chính bản thân tôi cũng xúc động

Dương Thu Hương

Tôi đã phân tích những cái đạo đức giả cũng như những cái corruption - tham nhũng rất lớn của nhà nước. Những cái đó nhẹ hơn nhiều nếu như họ biết tôi tìm để viết đích thực về chuyện ông Hồ và hai nhân vật là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ.

Nếu họ biết thì không phải là lần thứ ba hay thứ tư mà cả lần thứ ba mươi, họ cũng tìm cách để thịt chết tôi. Những thế hệ sau có con đường của họ. Họ phải đổ mồ hôi để tìm hiểu lịch sử và phải lao động.

'Xúc động thực sự'

Ông Hồ là một người đàn ông khoẻ mạnh, khá đẹp trai. Tôi nghĩ điều Xuân Quỳnh trước đây nói với tôi là nếu Quỳnh gặp ông ấy ngày trước, có thể Quỳnh cũng phải lòng, cũng có thể là thật.

Vì thế trong cuộc đời của ông ta không thể nào chỉ có một người phụ nữ được. Cái huyền thoại một mối tình từ 16 tuổi tới 79 tuổi là ngớ ngẩn, chẳng ai tin vào thời buổi này.

Ông ta có nhiều người đàn bà trên con đường phiêu dạt của ông ấy. Nhưng vì ông ấy là người cách mạng, ông ấy không thể sống một cuộc đời bình thường được.
 
Bà Hương nhấn mạnh 'Đỉnh cao chói lọi' chỉ là một tiểu thuyết

Nhưng qua tìm hiểu của tôi, đặc biệt khi tìm hiểu cô Xuân, tôi hiểu rằng đây là mối tình lớn nhất của ông. Đây cũng là mối tình đau khổ mà người ta gọi là mối tình định mệnh đối với người đàn ông này.

Và tôi nghĩ rằng người phụ nữ này cũng là người phụ nữ xấu số. Bà là một người có đầy đủ các khả năng để trở thành một người đàn bà sung sướng. Vừa có nhan sắc, vừa có từ tâm, vừa hồn nhiên.

Tóm lại đó là một con người không hề có một mục đích tăm tối nào trong cuộc đời của mình, thế mà lại phải chịu một số phận oan nghiệt.

Nói chung, khi gặp lịch sử về người phụ nữ miền núi này, chính bản thân tôi cũng xúc động.

Vũ Kỳ và Trần Độ

Có thể là có lý khi cho rằng giữa ông Vũ Kỳ và ông Trần Độ có một điểm nào đó giống nhau. Đó là khi cuối đời họ nhận ra rằng trong con đường mà họ cho là lý tưởng, có một cái gì đó là một sai lầm lớn.

Nhưng riêng với ông Trần Độ, những năm cuối đời của ông, ông đã thay đổi hẳn. Cùng với anh Kiên Giang, tôi đã có nhiều dịp tiếp xúc với anh Trần Độ.
 
Ông Vũ Kỳ thì tôi không thể gặp được vì tôi mà xán vào ông ấy, thì người ta sẽ giết tôi luôn

Dương Thu Hương

Anh Trần Độ đã đứng hẳn về phe chúng tôi, tôi biết chắc rằng cuối đời sự chuyển hướng của anh là mạnh mẽ và dứt khoát.

Với ông Vũ Kỳ thì tôi không thể gặp được vì tôi mà xán vào ông ấy, thì người ta sẽ giết tôi luôn. Nên thay vì tôi, người khác phải tìm cách gặp và phỏng vấn ông ấy, dĩ nhiên với những hình thức khác nhau chứ không phải như cách nhà báo BBC phỏng vấn tôi bây giờ.

Vì chuyện ấy sẽ có thể trở thành một thứ chướng tai gai mắt trong xã hội lúc bấy giờ và người ta sẽ cho anh đi chơi với hà bá luôn.

Thế nhưng, như tôi đã nói, nếu không có người em trai tôi thì tôi không thể làm được việc gì. Vì những sự thật cốt lõi, phải là người em tôi làm. Anh ta đã phỏng vấn và tìm hiểu các vấn đề vì nếu tôi chường cái mặt tôi ra thì tôi không còn được sống tới bây giờ.

Với độc giả trẻ

Đừng hỏi tôi về việc những độc giả trẻ trong tương lai suy nghĩ gì khi đọc cuốn chuyện của tôi. Cái đó phải hỏi họ. Nhưng tôi có một phương châm là trong cuộc sống của mình tôi làm hết mình những gì tôi thấy cần phải làm.
image008
Tôi có một phương châm là trong cuộc sống của mình tôi làm hết mình những gì tôi thấy cần phải làm

Dương Thu Hương

Để góp phần gì đó cho sự nghiệp phát triển của dân tộc, hoặc là để cho họ nhìn thấy một chân lý, hoặc là để cho họ tiếp cận được với nền dân chủ, hoặc là làm được một điều dù bé nhỏ nhưng giúp dân mình thay đổi được số phận, tôi làm hết mình.

Nhưng mà để rình mò xem cuốn này người ta có thích không, bao nhiêu người thích, bao nhiêu người ghét, rồi phải gia giảm chi tiết này, bớt chi tiết kia, thi xin lỗi, ngay với độc giả Tây vốn là độc giả chính của tôi bây giờ, tôi không tính đến chuyện ấy đâu.

Bởi vì tôi không phải là người làm hàng, bán hàng mà tôi phải tính tới nhu cầu thương mại.

Sau gần 800 trang sách, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc liệu còn điều gì lấn cấn và chưa hài lòng. Đó là một câu hỏi phức tạp. Nói thực là tôi viết xong cuốn nào là thôi, là tôi quên luôn, tôi nghĩ sang chuyện khác.

Tôi không phải là nhà văn chuyên nghiệp như các nhà văn Pháp ở đây. Họ rất kỹ lưỡng về nghề nghiệp. Họ dò la độc giả, rồi dò la các nhà sách và họ rất quan tâm tới chủ các nhà xuất bản.

Tôi không làm chuyện đó và không quan tâm tới chuyện đó. Tôi làm đến đâu hay đến đấy. Tính tôi từ xưa tới nay là như vậy, tôi tự gọi mình là 'sans foutisme' - bất cần - là thế.
________________________________________
Anh Ba, Tokyo
Tôi không biết có dân tộc nào như dân tộc mình không. Có vị nói: "Chính quyền Việt nam cần gì phải cấm đoán bà trở lại đất nước này, người dân thường cũng biết phải chào đón bà như thế nào, nếu bà còn đủ gan trở lại." Những người con của dân tộc này khi bước ra khỏi nhà thường để lại những tiếng xua đuổi. Ngay cả mấy ca sĩ như Bằng Kiều và Thu Phương trước đây cũng thế. Không hiểu chúng ta lấy quyền gì mà xua đuổi họ. Cha ông chúng ta cũng đã dạy, đánh kẻ chạy đi chứ sao nỡ đánh người chạy lại.

Vậy mà trước khi họ có ý định quay trở lại thì đã đầy những lời đe dọa. Các bạn thử hỏi lại chính mình liệu các bạn có dành tình cảm của mình cho dân tộc cho đất nước được như họ. Nếu bạn thực sự quý trong dân tộc mình thì bạn cũng sẽ hiểu người khác cũng quý trọng nó. Và bạn sẽ không có ý định lấy đi cái quý báu đó của họ. Nếu bạn là người sống xa tổ quốc có lẽ bạn sẽ hiểu phần nào nỗi đau của họ khi trước những lời xua đuổi của dân tộc mình. Dù nó có dành cho mình hay cho người khác.

Hà Văn
Một chế độ độc đảng luôn luôn che dấu những góc khuất của lịch sử để phục vụ cho ý đồ chính trị của nó. Ông Hồ đã đẻ ra đảng Cộng sản Việt Nam thì dĩ nhiên đảng phải tôn ông ấy thành thánh thần. Chỉ có người kém hiểu biết và bị bưng bít sự thật mới bị lừa phỉnh mà thôi. Hãy nhìn vào thực trạng xã hội việt nam hiện nay để mà đánh giá những đảng viên cộng sản VN trong đó có ông Hồ là người thế nào và để phán xét Dương Thu Hương viết đúng hay sai. Cảm ơn DTH đã cung cấp những thông tin bổ ích. Chúc chị sống lâu.

C, Hà Nội

Không riêng bà Hương, bất cứ người tự do nào cũng có chủ thuyết riêng của mình, nên không cuốn sách nào chỉ mang một thông điệp, giá trị thật sự của cuốn sách phụ thuộc nhiều ở trình độ tự do tư tưởng của mỗi người đọc. Vậy khác với Bà, tôi sẽ "tham dự vào bữa tiệc của những người Dân chủ khi họ mừng ngày thắng lợi", để quan sát, để góp phần kịp thời vạch mặt chỉ kẻ độc tài, để chúng họ không tước đoạt thành quả xương máu của Nhân dân, để những người như bà Hương bỏ hẳn đi tâm trạng "chim sợ cành cong" mà mở rộng hơn nữa sự tự do của mình trong một xã hội Dân sự và Nhà nước pháp quyền.

Ẩn Danh
Quả thật bà Dương Thu Hương nói đúng về tiểu thuyết của bà" Khởi sự không có tính văn chương" Tôi đã đọc một số cuốn tác phẩm của bà. Tôi đã gặp rất nhiều hình ảnh những người phụ nữ có tính cách mạnh mẽ nhưng số phận lại cô độc.Và đến giờ tôi có cảm giác những nhân vật đó chính là hiện thân của bà. Tôi đã tin bà là một người có tài và dũng cảm qua những tác phẩm của bà.

Nhưng với tác phẩm Đỉnh cao chói lọi tôi nghĩ bã đã sai lầm khi viết nó. Một tác phảm được viết bởi một người cầm bút với động cơ trả thù thì liệu tác phẩm ấy có thật sự là một tác phẩm văn học hay không có mang tính nhân văn hay không. Điều nữa khi bà viết về Hồ Chủ Tịch nghĩa là bà đang viết về dân tộc Việt Nam vì người đã gắn số phận của người với số phận của dân tộc này.

Đó là một điều vĩ đại vì vậy một người đã quen viết về số phận của những con người bình dị khó mà đủ tài năng và tâm huyết để viết về một con người vĩ đại. Lời cuối cừng tôi muốn nói với Dương Thu Hương: Bà đã sai lầm khi viết cuốn tiểu thuyết chỉ có giá trị khơi dâỵ tính tò mò của con người.

Ẩn Danh
Đọc bài trả lời phỏng vấn của Bà Dương Thu Hương Với BBC mà tôi thấy ghê quá, bà là một nhà văn thuộc tầng lớp trí thức cơ mà, sao bà lại dùng những từ ngữ chợ búa như vậy để nhận xét một người khác. Bà không sống ở Việt Nam bà đang sống tại trung tâm Paris kinh đô của nền văn hoá thế giới. Bà hằn học ai hằn học cái gì. Hay bà hằn học chính cuộc đời của Bà? Một người phụ nữ có học sao lại tuôn từ mồm ra những ngôn từ kém văn hoá như vậy? Tôi nghĩ rằng chỉ có những người có tâm hồn khô cằn như bà mới chấp nhận bà thôi.

Chính vì vậy bà phải sống cô độc nơi đất khách quê người, muốn thèm ăn một bữa cơm Việt canh cua đồng vời cà pháo mà chẳng có.

Quoc Viet, Hà Nội
Độc giả cần bà Hương nói rõ hơn về căn cứ để bà viết nên "đỉnh cao chói lọi". Nếu coi những chứng cứ đó là sự thật thì việc bà dùng ngôn ngữ xấc xược trong bài phỏng vấn để nói về Hồ Chủ Tịch, cộng với cách trả lời không dứt khoát nó là tiểu thuyết hay lịch sử, tất cả chứng tỏ một dã tâm rõ ràng của một tâm hồn bệnh hoạn!

Lịch sử luôn tôn vinh những con người "vì dân, vì nuớc", không phân biệt họ ở đảng phái, tôn giáo nào. Dẫu biết "không ai là toàn vẹn" nhưng việc vì mục đích nào đó mà bôi nhọ lãnh tụ của đảng phái đối lập không phải là một việc làm thông minh, điều đó cho thấy một tầm nhìn hạn chế. Những người yêu nuớc thực thụ người ta sẽ hiểu ngay bà là một kẻ tư lợi, một tay sai không hơn không kém!

Quang, Hà Nội Có hai điều tôi muốn chia sẻ với mọi người: Thứ nhất lịch sử phải là sự thật, đừng bóp méo sự thật lịch sử vì lợi ích bản thân cũng như sự thù hằn vị kỉ. Về điểm này, tôi rất tôn trọng Phùng Quán khi ông viết hồi ký rất trung thực và chính xác. Thứ hai, có bao giờ ai đó tự hỏi, nếu ngày 7-5-54 ko có chiến thắng Điện Biên, người VN sẽ đi tới đâu? Nếu các bạn đọc các phóng sự của Vũ Trọng Phụng, phần nào các bạn cũng tìm được câu trả lời.

Có một điều không thể phủ nhận, độc lập dân tộc là thành quả của Đảng cs và HCM. Và nếu không có độc lập dân tộc đó, chẳng có nổi bà DTH ngồi viết cuốn chuyện này. Và giờ này, trên thế giờ chẳng còn cái tên Vietnam mà chỉ còn cái tên Indochina.

Sự thật
Đảng và Nhà nước hiện đang ca ngợi chủ tịch Hồ Chí Minh hơi quá mức, tuy nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng là một nhân vật vĩ đại, có công lớn trong công cuộc dành độc lập và xây dựng đất nước. Cũng là một con người nên không thể không có sai lầm. Là một người có chí khí, có trí tuệ lớn thì nhiều người, trong đó có chị em phụ nữ, ngưỡng mộ là điều đương nhiên.

Khi phán xét con người lịch sử thì cần phải có chứng cớ khoa học, có nhân chứng và vật chứng. Tiểu thuyết này không thể coi là một câu chuyện có thực, vì người viết không phải là người nghiên cứu lịch sử, viết sách trong tâm trạng thù oán cá nhân. Những sự kiện có thật mà được xen kẽ với những chi tiết hư cấu của nhà văn chỉ khiến người ta hiểu nhầm về lịch sử thôi.

Thăng, Hà Nội
Chắc chị cũng chẳng còn nhớ tới tôi là ai nhưng tôi đã từng được tiếp chuyện chị cùng Nhà thơ Thu bồn tại quán nhỏ ở LNĐ với bia và nem chua. Tại thời điểm đó rất buồn là tôi chưa biết nhiều về chị nên không thể tặng chị rất rất nhiều những tư liệu mà trên đó có dấu tuyệt mật để ngày nay chị có thể dùng nó để chứng minh cho những gì chị viết. Rất tiếc những tài liệu đó hiện nay đã không còn và đọc tiểu thuyết của chị tôi cũng chỉ thấy được một phần sự thật chứ chưa phải tất cả.

Nghiêm túc mà nói tác phẩm của chị chỉ là tiểu thuyết không hợn không kém không thể đưa ra làm tài liệu lịch sử được. Đúng như chị nói đã là tiểu thuyết thì có phóng tác nên nhiều sự kiện không phản ánh đúng sự thật, nhiều sự thật chưa đi được tới đích của sự thật. Một lần nữa cám ơn chị.

VNN
Ý kiến của Bà Hương cũng chỉ là ý kiến của 1 cá nhân thôi, bởi Ông Hồ đối với người dân VN là một người ch vĩ đại, lịch sử đất nước cũng không có được nhiều người như vậy. Nếu Ông Hồ có những khuyết điểm nhỏ thì đó cũng là điều bình thường của con người. Là người dân bình thường tôi vô cùng kính trọng Ông Hồ đã đem văn mình và sự bình đẳng bác ái đến cho người dân VN. Tuy nhiên Ông Hồ cũng phải chịu nhiều thế lực khác trong cuộc đời chính trị của ông nên không thể thực hiện được ý tưởng của mình.

Kim
Là người chống chế độ chuyên chế này nhưng khi những người dân chủ ăn mừng có lẽ tôi sẽ quay sang bảo vệ những người cộng sản. Trong bài phỏng vấn này có nhắc tới ông Vũ Kỳ, nhân vật có thể được xem là nhân chứng của lịch sử. Lâu nay tôi vẫn thắc mắc về nhân vật này, ông hầu như không viết hồi ký hay để lại bút tích có liên quan đến ông HCM, không thấy người ta mời ông Vũ Kỳ tham gia các phong trào về tấm gương hay hoc tập theo HCM...

Có cảm giác như người ta đang giam lỏng ông cho tới khi ông mang hết chuyện "thâm cung bí sử" xuống mồ mới thôi. Lịch sử và văn học nước nhà mấy chục năm nay tối lù mù thì trách sao được điểm văn, sử của học sinh bây giờ rất kém.

Thuy NT, Đà Nẵng
Đọc và nghe bà Dương Thu Hương mà buồn cho vận nước. Nhìn rộng ra tôi thấy nước Việt Nam mình lạc hậu kém phát triển nguyên nhân chủ yếu là do chính bản thân chúng ta: hẹp hòi, ích kỷ, tầm nhìn thiển cận.

Không nêu tên
Sự thật quả là cần thiết cho nhiều người, nhất là số nhiều sống trong một xã hội mà thông tin chỉ mang tính một phía thôi. Rất vui khi được biết thêm về một vấn đề mà tôi chưa hề nghe ai nói. Nhưng độ tin cậy của thông tin này là điều mà tôi vẫn còn hơi gợn gợn, hoài nghi.

N.D.Vang
Tôi nghĩ bà Dương Thu Hương chưa đủ trình độ để phán xét một nhân cách lớn như Cụ Hồ. Tôi không phủ nhận tài năng của bà cũng như không nghĩ rằng Bác Hồ là người toàn vẹn hết sức như sách báo và lịch sử trong nước ghi lại. Nhưng theo tôi, ông như vậy đã là quá tuyệt vời và có thể sống mãi trong lòng dân tộc.

PPT, Việt Nam
Nhà Văn chỉ nói "với độc giả trẻ" mà quên mấy ông già này rồi. Thực ra tôi rất lấn cấn về những suy tư, những biểu đạt của Dương Thu Hương. Trong con người của chị còn những tâm tư tình cảm. Đó là lẽ sống của chị, một Nhà Văn, và không ai nên trách móc về việc đó, mặc dầu có đồng cảm hay không với những nhân vật của tác phẩm.

Cái khắc khoải của Nhà Văn có lẽ là con đường chính trị. Vâng, con đường này không được định nghĩa "dân chủ" hay "độc tài", mà là "Đất nước và Con người Việt Nam". Tôi nghĩ chúng ta đề cao những người vì dân vì nước cho dù họ thuộc thành phần hay đảng phái nào. Và chúng ta chống lại bất kỳ ai, kể cả với những "lãnh tụ tôn kính" nhất, nếu họ phản dân phản nước.

Cái khác nhau của các nhóm dân chủ đã được hình thành riêng lẻ trước đây với phong trào chấn hưng đất nước hiện nay là chỗ đó, mặc dầu có những khác biệt lịch sử, nhưng tương hỗ thể hiện trong cách gọi chung của dân chúng là một "công cuộc" hay phong trào công chúng (public movement). Chúng ta không làm được gì cho đất nước nếu không có mục đích chung, tiếng nói chung.

Và mục đích của "công cuộc" từ nam chí bắc, trong nước và hải ngoại, theo tôi phải là đoàn kết mọi người trong cùng một mục tiêu phục hồi niềm tự hào ông cha ngày trước vốn đã bị chiến tranh tàn phá, ngoại bang xâm lấn và bị đảng cộng sản hiện nay cản trở.

Lang Tu, Melbourne
Hình như sự mù quáng , sùng bái, thiếu logic làm con người nhìn vấn đề cực đoan. Cực đoan, sùng bái là nguyên nhân chính làm xã hội, nền chính trị và con người Việt Nam thụt lùi so với các quốc gia khác.
Conan, Sài Gòn

Tôi rất thích nhà văn DTH ở tính thẳng thắng của bà bởi vì ở xã hội Việt Nam bây giờ tìm được một người dám nói thẳng, nói thật thì quá khó. Tôi cũng đồng ý với bà Dương Thu Hương là Đảng Cộng sản VN ca ngợi ông Hồ là nhằm mục đích củng cố sự cai trị của họ chứ không phải vì họ biết ơn ông Hồ./
17 Tháng Ba 2014(Xem: 6379)
Theo đề nghị của phía Hoa Kỳ, ngày 14/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Denis McDonough, Chánh Văn phòng Nhà Trắng theo ủy quyền của Tổng thống Barack Obama.
23 Tháng Hai 2014(Xem: 7937)
Nếu mâu thuẫn chính xuyên suốt gần như toàn bộ thế kỷ 20 vừa qua là mâu thuẫn ý thức hệ mà hình ảnh tiêu biểu nhất là cuộc Chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản chủ nghĩa – đứng đầu là Mỹ - và khối xã hội chủ nghĩa – đứng đầu là Liên Xô – với hai điểm nóng bùng nổ ở Triều Tiên trong ba năm 1950-53 và ở Việt Nam trong hai mươi năm 1954-1975 thì mâu thuẫn chính trong thế kỷ 21 này là gì?
20 Tháng Hai 2014(Xem: 6428)
Như một điểm tương hòa tao ngộ, một tuần trước phiên xử Lê Quốc Quân đã xuất hiện Quỹ Yểm trợ - kết nghĩa với tù nhân lương tâm Việt Nam, do những người vận động cho dân chủ và nhân quyền như tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng sáng lập ở Hoa Kỳ.
13 Tháng Hai 2014(Xem: 18775)
Theo hãng tin Pháp AFP hôm nay 03/02/2014, trả lời trong chương trình « Le grand Genève à chaud » của đài truyền hình Léman Bleu tối qua, cựu lãnh sự Việt Nam tại Genève, ông Đặng Xương Hùng cho biết đã nộp đơn xin tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ.
05 Tháng Mười Một 2013(Xem: 74731)
Gần ba mươi nhà văn, nhà báo quân đội chia làm năm nhóm, mỗi nhóm hoàn thành một tập bản thảo. Tôi và nhà văn Đào Thắng được bổ xung về Ban ở giai đoạn cuối và làm tập năm do nhà văn, thượng tá Nam Hà làm trưởng nhóm. Gặp gỡ các tướng lĩnh, những người hoạch định các chiến dịch, những người chỉ huy những trận đánh. Đọc hồi ký của các tướng lĩnh quân đội miền Bắc, quân đội miền Nam, quân đội Mỹ. Sục vào các kho hồ sơ lưu trữ...
01 Tháng Mười Một 2013(Xem: 8539)
Thành viên Mạng lưới blogger Việt Nam vừa trao Tuyên bố 258 về nghĩa vụ nhân quyền của Việt Nam cho Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR). Chiều thứ Tư 31/7, sáu blogger Việt Nam đã có cuộc gặp với bà Maria Isabel Sanz Garrido, thuộc Văn phòng Đông Nam Á của Cao ủy Nhân quyền LHQ, tại Bangkok, Thái Lan.
24 Tháng Mười 2013(Xem: 7123)
Liệu có phải bước chân của dòng người trầm lắng và khoan thai lặng lẽ trên đường Điện Biên Phủ vòng về đường Hoàng Diệu để đến được ngôi nhà số 30, nơi con người huyền thoại ấy từng dồn nén suy tư về ngổn ngang việc nước cũng đang vẽ nên một bước đi của lịch sử?
21 Tháng Mười 2013(Xem: 8684)
Chúng ta cũng cảnh cáo trước: những tổ chức xã hội dân sự quốc doanh trong Mặt trận Tổ quốc, hoặc bất cứ hình thức nào dù chìm hay ‘lơ lửng nổi’ nhằm giúp Hà nội thực hiện dân chủ bịp bợm, đều là phản động và sẽ lụn bại vì ‘hồn Trương Ba da hàng thịt’
07 Tháng Mười 2013(Xem: 7335)
Từ trong tù, Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ vừa gửi kiến nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 dài 20 trang tới Quốc hội Việt Nam.
01 Tháng Mười 2013(Xem: 8664)
ản tin của hãng thông tấn AP ngày 9.5.2013 liên quan đến một “vụ án nón cối” trong cộng đồng ngưới Việt ở tiểu bang Washington đã được các báo Mỹ đăng lại dưới những đầu đề khác nhau, chẳng hạn như “Các Thẩm Phán TCPV phục hồi lại số tiền thưởng cho người bị cho là cộng sản” (Justices reinstate award for alleged communist) hay “Tòa án cao cấp Washington đã phục hồi số tiền $310.000 do bồi thẩm đoàn ban cho người đã kiện 5 người gọi ông ta là cộng sản” (Washington high court reinstates $310,000 jury award to man who sued five for calling him communist), v.v.
24 Tháng Chín 2013(Xem: 8253)
Như quý vị đã biết, San Jose đang có dự án thực hiện một bức tường tưởng niệm tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong chiến tranh.
23 Tháng Chín 2013(Xem: 6332)
Sơ lược Lý tưởng đấu tranh, y cứ trên ý chỉ của Tổ Tiên thời lập quốc qua vài Di Thuyết: Tiên Rồng; Gậy Thần Sách Ước; Bánh Chưng-Bánh Dầy;Phù Đổng Thiên Vương; Tiên Dong-Chử Đồng Tử..; chứng tỏ tư tưởng Việt đã cao, đẹp gần với đích Chân-Thiện-Mỹ; Và tràn dầy tính chất Nhân Bản-Dân Tộc-Xã Hội; - Vượt trội hơn chủ thưyết Kark Marx rất xa; Chưa nói đến tinh hoa văn hóa tích lũy trong suốt hơn 4000 năm lịch sử, trong đó có các tư tưởng của Duy Dân, Nhân Vị, Sinh Tồn...
18 Tháng Chín 2013(Xem: 8453)
Để tưởng niệm vị vĩ nhân tranh đấu cho nhân quyền và dân quyền Martin Luther King, Jr. vào 50 năm trước, tôi mạn phép viết lời giới thiệu và cố gắng chuyển ngữ bài diễn văn lịch sử "Tôi Có Một Giấc Mơ" để mời quý vị thưởng lãm dưới đây. (Ngô Kỷ)
28 Tháng Tám 2013(Xem: 19377)
Khi tuổi trẻ không còn hy vọng, tham vọng tương lai hay cơ hội trong đời sống và lũ cầm quyền cố ý làm ngơ hay ngầm khuyến khích thì chúng chui đầu vào SEX hay DRUGS và như vậy là thoái hóa, băng hoại và tiêu hủy cả một thế hệ VN
28 Tháng Tám 2013(Xem: 19967)
Có cô bé mới 15 tuổi mà một ngày ba lần vào nhà nghỉ với ba cậu bồ khác nhau. Mang đồng phục học sinh mà “thành tích” như thế, chúng tôi thấy sợ…”, anh Hải - nhân viên nhà nghỉ ở đường Trần Duy Hưng, Hà Nội nói.
11 Tháng Tám 2013(Xem: 7620)
Trận ĐBP có thể được lãnh đạo khác hơn như thế không? Người ta phải tăng viện, như đã làm, cho đồn lũy và kéo dài cuộc kháng cự gần như tuyệt vọng hay không? Hay đúng hơn có thể phải di tản sớm hơn? Có thể giải cứu từ bên ngoài hay không? Có nhiều câu hỏi cần giải đáp.
26 Tháng Sáu 2013(Xem: 11348)
Bài này trích dịch trong cuốn Agonie de l’Indochine của Đại tướng Navarre, Tư lệnh quân Viễn chinh Pháp tại Đông Dương từ đầu tháng 5-1953 cho tới đầu tháng 6-1954. Ông được triệu hồi về Pháp sau khi Điện Biên Phủ thất thủ 7-5-1954.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 10954)
Chiến tranh toàn quốc kháng chiến bùng nổ ngày 19-12-1946, những năm 1947, 1948 Việt Minh (VM) nói chung yếu, họ rút vào những chiến khu tiêu thổ kháng chiến.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 7940)
Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất 1946-1954 kết thúc sau khi Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ 7-5-1954 và ký Hiệp định Genève 20-7-1954.