Giải thưởng Văn học Pháp : Goncourt và Renaudot 2016

03 Tháng Mười Một 20166:35 CH(Xem: 5980)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  SÁU  04  OCT  2016


Giải thưởng Văn học Pháp : Goncourt và Renaudot 2016


image049

Nữ văn sĩ Leila SlimaniREUTERS/Jacky Naegelen


Trưa ngày 03/11/2016, ban giám khảo giải thưởng Goncourt thông báo, trao giải cho cuốn tiểu thuyết « Chanson douce - Bản nhạc dịu êm » nhà xuất bản Gallimard, của nhà văn Pháp gốc Maroc, Leïla Slimani. Gần như cùng lúc, giải thưởng Renaudot về tay Yasmina Reza, nhà văn người Pháp gốc Iran nhờ tác phẩm nói về thành cổ « Babylone », nhà xuất bản Flammarion.


« Bản nhạc dịu êm » là cuốn tiểu thuyết thứ nhì của Leïla Slimani, 35 tuổi. Ngay ở vòng bỏ phiếu đầu tiên, Leïla Slimani đã được 6 trên tổng số 10 thành viên ban giám khảo Goncourt bình chọn. Cuốn tiểu thuyết này mở đầu bằng câu : « Đứa nhỏ chết rồi ». Chị của của nó trong tình trạng thập tử nhất sinh. « Chanson douce » là câu chuyện của hai chị em bị Louise, một bà vú dịu hiền và tận tụy, sát hại. Tác phẩm này có thể đọc như một dạng tiểu thuyết trinh thám, độc giả đôi lúc gần như ngạt thở vì những tình tiết éo le.


Về phía Yasmina Reza, 57 tuổi, bà là một cây bút nữ đã thành danh trên văn đàn quốc tế, là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết, kịch bản cho điện ảnh và nhất là những vở kịch nổi tiếng như « Art – Nghệ thuật » hay « Conversations après l’enterrement - Mẩu thoại sau đám tang ». Những tác phẩm của Reza đã được dịch sang 35 thứ tiếng. Bà cũng đã đoạt nhiều giải thưởng văn học, và sân khấu. Cuốn sách nói về thành cổ « Babylone » nói về tội ác của một người đàn ông giết vợ chỉ vì một hiểu nhầm. Như chính tác giả giải thích, với bà, « Babylone » là biểu tượng của một « thế giới không còn nữa, nơi mà con người đã mất hết những cảm xúc, như thể tính nhân bản đã thuộc về quá khứ ».


Sáu giải thưởng Goncourt khó quên


Trong 113 năm qua, 6 giải thưởng Goncourt được chú ý đến nhiều nhất gồm : Marcel Proust năm 1919, với « A l’ombre des jeunes filles en fleurs - Dưới bóng những cô gái tuổi hoa » ; André Malraux năm 1933 được vinh danh nhờ « La Condition humaine - Thân Phận Con Người ». Năm 1951, nhà văn Julien Gracq đoạt giải nhờ "Le Rivage des Syrtes ». Ba năm sau, Simone de Beauvoir bước vào câu lạc bộ còn khép kín với nữ giới qua tác phẩm « Les Mandarins - Những kẻ trí thức ».


36 năm trước khi được trao tặng giải Nobel Văn học, Patrick Modiano chinh phục ban giám khảo giải thưởng Goncourt với cuốn tiểu thuyết nói về thân phân người Do Thái : « Rue des Boutiques-Obscures - Phố những cửa hiệu u tối » trong đó ông kể lại hành trình đi tìm quá khứ của Guy, một nhà thám tử mất trí, phải « điều tra về thân thế mình ». Một trong số những cây bút lớn khác để lại dấu ấn sâu đậm tại nhà hàng Drouant, nơi ban giám khảo Goncourt luôn có truyền thống công bố bảng vàng, chính là Marguerite Duras : năm 1984 bà đoạt giải thưởng cao quý nhất của làng Văn học Pháp với cuốn tiểu thuyết « Người Tình - L’Amant »./Thanh Hà  03-11-2016)

26 Tháng Ba 2023(Xem: 1030)