Lãnh cảm truyền thông

01 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 7670)

VnEpress Thứ hai, 30/6/2014 | 09:03 GMT+7

Lãnh cảm truyền thông
image025 

Nguyễn Khắc Giang

Thuật ngữ ‘compassion fatigue’ (suy giảm lòng thương) được dùng trước tiên trong ngành y tế nói đến việc các y tá và bác sĩ bị trơ lỳ cảm xúc khi phải tiếp xúc với quá nhiều bệnh nhân với cường độ cao.

Cho đến một thời điểm nào đó lòng trắc ẩn của họ sẽ không còn, kiểu như nàng Mị trong chuyện Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, sống trong cái khổ quen rồi thì cũng không biết thế nào là khổ nữa.

Hiện tượng này dễ thấy ở mọi ngóc ngách cuộc sống: từ quyên góp tiền ủng hộ lũ lụt cho đến giúp người bị nạn trên đường. Người ta có thể hành động rất hào hiệp trong lần đầu tiên, nhưng đến lần thứ hai, thứ ba và mọi việc vẫn như cũ, lòng tốt ban đầu sẽ khó được giữ nguyên.

Compassion fatigue trở nên phổ biến hơn với truyền thông. Nó đi kèm với thời đại công chúng bị ngập lụt bởi thông tin: độc giả đón nhận các vấn đề xã hội qua báo chí quá nhiều sẽ trở nên lãnh cảm với nó. Người ta có thể rất bất bình với tin tức đầu tiên từ các vụ hiếp dâm ở Ấn Độ, nhưng qua nhiều lần, cảm xúc đó sẽ biến mất và thay vào bởi suy nghĩ ‘lại Ấn Độ’.

Đó là mặt trái của tuyên truyền: sự tiếp cận quá mức sẽ khiến công chúng trở nên lãnh cảm.

Ví dụ gần đây nhất có lẽ là câu chuyện căng thẳng trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc. Sau khi thông tin về sự việc được khởi phát ở truyền thông trong nước, nhà nhà nói về giàn khoan, người người nói về giàn khoan.

Nhưng sau gần hai tháng trôi qua và không có nhiều biến chuyển, có cảm giác là chúng ta đã dần thích nghi với chuyện này. Vài ba hôm lại có chuyện tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam trên biển, lại hết sức quan ngại, nhưng cuối cùng vẫn không có đột phá nào diễn ra.

Chúng ta lại trở về với giá xăng, với an toàn thực phẩm, mùa hè nóng, và mảnh yếm đầm sen.

Trong nước còn như vậy, nói gì đến ‘công chúng quốc tế’ mà chúng ta muốn dựa vào để thực thi công lý với Trung Quốc? Có thể thấy các bài báo về tranh chấp vùng biển nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan đang giảm dần đều trên các tờ báo lớn quốc tế, bị che phủ bởi các sự kiện khác.

Compassion fatigue đưa ra một bài học rất đáng giá: không có sự hưng phấn, mối quan tâm nào tồn tại mãi mãi. Rồi sẽ đến lượt nó sẽ phải rời sân khấu, nhường vị trí cho các sự kiện khác. Diễn giải theo góc nhìn kinh tế học, đó là lợi ích cận biên giảm dần: ăn mãi một món dù có ngon đến đâu cũng sẽ thấy ngán.

Vì vậy, không tận dụng được đỉnh cao ‘hưng phấn’ để làm một điều gì đó, compassion fatigue sẽ tầm thường hóa mọi chuyện và rồi chính chúng ta sẽ chấp nhận ‘thực trạng’ (status quo) mới được tạo ra. Điều đáng ngại nhất không phải là hoàn cảnh khó khăn đến mức nào mà là mất đi tinh thần và tâm lý chiến đấu.

Xem phim Hunger Games, điều làm tôi nhớ nhất là câu nói của vị độc tài, đại loại là vũ khí mạnh nhất của sự phản kháng là niềm hy vọng. Một khi hy vọng không còn, việc thống trị trở nên quá dễ dàng. Đến khi sự thờ ơ ngự trị, đừng mong có gì thay đổi.

Nguyễn Khắc Giang