Nhìn lại Trịnh Công Sơn sau 15 năm Trịnh về với cát bụi

03 Tháng Tư 201611:57 CH(Xem: 8211)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  HAI 04 APRIL 2016

Ly rượu mừng dành cho Trịnh Công Sơn

Hồ Tấn Nguyên Minh

01/04/16 11:35

 (GDVN) - Âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã trở thành một giá trị xuyên cả không gian và thời gian, lan tỏa sâu rộng trong hồn dân tộc Việt.

LTS: Hôm nay, 1/4/2016, đúng 15 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Người yêu mến ông ở những bầu trời khác nhau đều nhớ về người nhạc sĩ tài ba này, tình chưa bao giờ dứt.

Cuộc đời ông nếm trải bao phong ba bão tố, cuối cùng khép lại vẫn là chút hoài niệm về yêu đương chưa trọn vẹn. 

Bài viết này, tác giả Hồ Tấn Nguyên Minh như muốn gửi một ly rượu mừng cho anh linh người nhạc sĩ tài hoa trên chín tầng trời. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Nếu Nguyễn Du - thi hào vĩ đại của dân tộc - từng có lần khắc khoải ngóng về tương lai mù mịt mà cất lên một câu hỏi buồn da diết “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?” (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?) thì Trịnh Công Sơn – người nhạc sĩ tài hoa của nền tân nhạc Việt Nam thế kỉ XX - trong cõi nhạc của mình cũng không ít lần mang nỗi ngậm ngùi như thế “Và lá rụng ngoài song/ Nghe tên mình vào quên lãng” (Nhìn những mùa thu đi), “Này em có nhớ gì tôi?” (Này em có nhớ?).

Vậy mà trong suốt 15 năm ông rời cõi tạm, 15 năm đường xa vạn dặm, “về nơi cuối trời làm mây trôi” (Phôi pha) – và có lẽ không chỉ 15 năm ấy mà mãi mãi ngàn sau – tên tuổi Trịnh Công Sơn chẳng những không bị lãng quên mà trái lại sẽ trở nên bất tử. 

image044

Trịnh Công Sơn - người nhạc sĩ tài ba (Ảnh: vnexpress.net)

Người đời trân trọng nhắc đến tên ông như là một nghệ sĩ thánh thiện đem cái đẹp và yêu thương đi khắp mọi miền, hóa giải mọi hận thù, đau khổ. 

Từ Đà Lạt mộng mơ đến Sài Gòn hoa lệ; từ Hà thành trang nhã, lịch lãm đến cố đô Huế trầm mặc, linh thiêng; từ những bản làng heo hút, xa xôi cho đến Paris, Luân Đôn, Tokyo…. – bất cứ nơi nào có người Việt Nam ở đó - nhạc của ông được cất lên trong một niềm say mê, náo nức nhiều khi lên đến mức sùng kính. 

Trong cõi nhạc Trịnh Công Sơn,  người ta nghe được những giai điệu, những ca từ lúc trong sáng hồn nhiên như “nỗi niềm cổ tích”; lúc êm ái, dịu dàng như tiếng đàn rơi trên tay người thiếu nữ; lúc lại ma mị, khói sương như vọng về từ  huyền sử xa xăm. 

Nhạc Trịnh là tiếng nức nở phận người trong sự bủa vây của lạc lõng, cô đơn, tuyệt vọng; là tiếng ca say đắm về tình yêu - phép màu xoa dịu mọi niềm đau; là tấm lòng luôn luôn tha thiết với trời xanh “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” (Mưa hồng). 

Những câu hát bình dị, sáng trong như suối tự nguồn ấy đã có một sức lay động mãnh liệt trong tâm hồn người, khơi gợi những niềm đồng cảm sâu xa. 

Vượt qua tất cả mọi định kiến, giới hạn; người nghe tìm thấy trong những câu hát tuyệt diệu của ông như “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” (Để gió cuốn đi), “Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau” (Hạ trắng), “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (Diễm xưa)… điệu hồn của chính họ để rồi nức nở,  đắm đuối, say mê. 

Hơn 40 năm trước, sau sự kiện ngày 30/4/1975, trong khi nhiều nghệ sĩ miền Nam cùng thời với Trịnh Công Sơn – trong đó có nhiều người là bạn bè thân thiết của ông – vì nhiều lý do khác nhau đã bỏ nước ra đi thì Trịnh Công Sơn đã quyết định ở lại để được hát trên đất nước mình. 

image042

Trịnh Công Sơn nguyện làm người du ca phiêu lãng trên khắp nước đất nước mình (Ảnh: motthegioi.vn)

Trịnh Công Sơn muốn được “Cùng với anh em tìm đến mọi người/ Cùng nhau ca hát/ Để thấy tiếng cười rộn rã bay” (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui); để được ngắm chiều về trên quê hương với “một trời mưa bay”, “đồi thông nắng đầy”, “bờ xa sương khói” (Chiều trên quê hương tôi). 

Những người ở lại như Trịnh Công Sơn phải hứng chịu không ít bi kịch khi mà thể chế mới, dù liên tài đến đâu vẫn không tránh khỏi ít nhiều dè dặt trước những nghệ sĩ cũ; và những bạn bè của ông bên kia đại dương, dù yêu quý ông vẫn không tránh khỏi sự hờn trách, thậm chí còn có những suy nghĩ tiêu cực về ông. 

Thế nhưng vượt lên trên tất cả, Trịnh Công Sơn vẫn ở lại với quê hương mình để thực hiện khát vọng mà ông ấp ủ ngay trong những ngày khói lửa “Chờ lúa thơm lên dưới những bàn tay dân mình/ Chờ lòng yêu thương đất nước quyết đi xây thanh bình” (Chờ nhìn quê hương sáng chói),  “Khi đất nước tôi thanh bình,/ tôi sẽ đi không ngừng/ Sài gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam/ tôi đi chung cuộc mừng/ và mong sẽ quên chuyện non nước mình” (Tôi sẽ đi thăm). 

Trịnh Công Sơn ở lại có lẽ vì một trái tim Việt Nam bỏng cháy, một tâm hồn Việt Nam thuần khiết như ông sẽ không thể sống ở đâu khác ngoài mảnh đất này. 

Trịnh Công Sơn nguyện làm người du ca phiêu lãng trên khắp nước đất nước mình, đem tấm lòng và những khúc hát yêu thương mà xoa dịu mọi đau thương, buồn tủi. 

Tấm lòng Trịnh Công Sơn dành cho cuộc đời đã được cuộc đời này đáp đền xứng đáng khi mà sự trân trọng của người đời dành cho ông là vô tận. Hình ảnh ông gần gũi, thân thiết  biết bao trong tim mọi người.  

Âm nhạc của ông đã trở thành một giá trị xuyên cả không gian và thời gian, lan tỏa sâu rộng trong hồn dân tộc Việt.

Còn gì vui hơn đối với một người nghệ sĩ khi những tình cảm nhân văn mà mình khát khao vun đắp đang từng ngày, từng giờ được cuộc đời gìn giữ, nâng niu. Xin dành những lời này như một ly rượu mừng cho anh linh người nhạc sĩ tài hoa trên chín tầng trời.

Hồ Tấn Nguyên Minh

18 Tháng Hai 2016(Xem: 7257)