"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ SÁU 19 FEB 2016
ChemChina mua lại Syngenta với giá 43 tỷ USD để làm gì?
Ngọc Việt 18/02/16
Bài 1:
Vui mừng và cay đắng
(GDVN) - Hình như Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn cả tiền và hàng cho Việt Nam tham gia TPP. Nước láng giềng phương Bắc đã nhanh chân "chuẩn bị giúp" hành trang...
Ném đá giấu tay Khi hổ về rừng Cốc mò, cò xơi
Reuters ngày 12/2 đưa tin, Tập đoàn hóa chất Trung Quốc (ChemChina) đã bỏ ra 43 tỷ USD để sở hữu công ty Syngenta AG (Syngenta) của Thụy Sĩ. Syngenta AG là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cung cấp các sản phầm, dịch vụ bảo vệ thực vật và cung cấp hạt giống cây trồng.
Syngenta cung cấp hóa chất bảo vệ thực vật, trong đó bao gồm thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm và phương pháp điều trị hạt giống để kiểm soát cỏ dại, côn trùng và dịch bệnh ở cây trồng.
Trong hoạt động cung cấp hạt giống cây trồng, Syngenta cung cấp các loại hạt giống bao gồm ngô, hạt có dầu, ngũ cốc, củ cải đường và các loại rau.
Việc ChemChina mua lại Syngenta với giá 43 tỷ USD là thương vụ mua bán lớn nhất ở nước ngoài của một công ty Trung Quốc. Động thái trên đánh dấu một sự nâng tầm mạnh mẽ trong khả năng sản xuất cây trồng của Trung Quốc - nước sản xuất ngũ cốc lớn nhất thế giới, và cũng là quốc gia có sản lượng lớn về rau quả, hạt có dầu, bông và đường
“Việc ChemChina thỏa thuận mua lại Syngenta sẽ mở đường cho việc chấp nhận công nghệ sinh học từ người tiêu dùng Trung Quốc. Cũng qua đó mà có thể loại bỏ những nghi ngờ xung quanh cây trồng biến đổi gen và cuối cùng dẫn đến sự chấp nhận nhanh hơn việc sử dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thực phẩm ở Trung Quốc”, Giám đốc điều hành của Syngenta Davor Pisk nói với Reuters.
ChemChina mua Syngenta – một kế hoạch mang tính chiến lược của Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Có thể thấy rằng, thương vụ ChemChina sở hữu Syngenta AG đã tạo ra một bước ngoặt trong hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Trung Quốc, đó là việc ứng dụng công nghệ sinh học và hợp pháp hóa việc biến đổi gen trong lĩnh vực trồng trọt. Cũng cần lưu ý, biến đổi gen trong trồng trọt vẫn còn là bất hợp pháp ở Trung Quốc.
"Sự kiện này đã cho thấy dấu hiệu chính phủ Trung Quốc muốn tiến tới áp dụng nhiều công nghệ GM, dù thực hiện những bước đi thận trọng. Điều này cuối cùng thực sự trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và an toàn hơn của Trung Quốc", ông Davor Pisk chia sẻ.
Theo người viết, thương vụ “ChemChina – Syngenta” là một sự kiện cực kỳ quan trọng. Nó không chỉ liên quan tới người tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp Trung Quốc ở quốc gia này, mà còn ảnh hưởng tới tất cả những người tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Trung Quốc trên toàn thế giới – trong đó có người dân Việt Nam.
Thương vụ này sẽ gây ra nhiều hiệu ứng khác nhau cho người tiêu dùng ở các quốc gia là bạn hàng của Trung Quốc về sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là Việt Nam. Trong chuyện này, có cả sự mừng vui lẫn nỗi niềm cay đắng.
Vui mừng được ăn rau quả sạch
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2014, các doanh nghiệp trong nước đã chi 337 triệu USD để nhập hàng rau quả từ Trung Quốc, mặc dù đây là mặt hàng Việt Nam sản xuất được, thậm chí dư thừa. Có thể liệt kê một số loại rau quả, trái cây Trung Quốc được nhập vào Việt Nam như khoai tây, bắp cải, lựu, hồng giòn, lê, táo, quýt…
Đặc biệt, theo ông Phạm Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương thì, Việt Nam chỉ ghi nhận con số nhập hàng rau quả từ Trung Quốc năm 2014 là 500 triệu USD; trong khi Trung Quốc lại công bố giá trị hàng rau quả xuất sang Việt Nam là 2,1 tỷ USD. Chỉ riêng nhóm hàng này chênh lệch lên tới 1,6 tỷ USD.
Việc chênh lệch về số liệu thì các cơ quan chức năng còn xem xét và tìm ra nguyên nhân của sự khác biệt. Song điều không cần phải bàn cãi ở đây là, người Việt Nam sử dụng rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của Trung Quốc. Việt Nam trở thành một thị trưởng béo bở về sản phẩm nông nghiệp – nhất là rau củ quả - cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Người tiêu dùng thế giới trong đó có Việt Nam, hy vọng được dùng hoa quả sạch của Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Việc sản phẩm nông nghiệp Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam chủ yếu là do giá rẻ. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Trung Quốc đang ngày càng là nỗi lo, thậm chí là nỗi sợ hãi của người tiêu dùng Việt Nam.
Do vậy, đã có một số loại rau quả, trái cây Trung Quốc do bị người tiêu dùng nghi ngại nên người bán thường gắn nhãn mác hàng Việt Nam để có thể tiếp cận với khách hàng.
Người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý tẩy chay sử dụng sản phẩm nông nghiệp của Trung Quốc chủ yếu là do chất lượng sản phẩm, mà theo dư luận khuyến cáo là có thể có chất độc hại làm phát sinh những bệnh lý nguy hại như ung thư, vô sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Cũng cần nhắc lại rằng, người Trung Quốc không sử dụng sản phẩm nông nghiệp có biến đổi gen, chính phủ Trung Quốc hạn chế áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng Trung Quốc.
Nhưng trong số lượng sản phẩm nông nghiệp Trung Quốc xuất khẩu sang các nước khác bao gồm Việt Nam, lại có sản phẩm của biến đổi gen. Và đây cũng chính là lý do khiến người tiêu dùng nghi ngại.
Tuy nhiên, sản phẩm nông nghiệp do biến đổi gen sẽ không gây hại cho người tiêu dùng nếu nó được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật từ cấy ghép, lai tạo đến việc gieo trồng và sử dụng chất bảo vệ thực vật. Nghĩa là cơ quan quản lý nông nghiệp của nhà nước phải đảm bảo điều ấy cho người tiêu dùng đối với những sản phẩm biến đổi gen được phép nuôi trồng.
Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ này. Do chính phủ Trung Quốc không cho phép ứng dụng công nghệ sinh học biển đổi gen trong sản xuất nông nghiệp nên sẽ không có quy trình kỹ thuật để hướng dẫn người dân và doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực này. Nghĩa cơ quan quản lý nông nghiệp của nhà nước Trung Quốc không chịu trách nhiệm về sản phẩm “chui” này.
Bên cạnh đó, người Trung Quốc không sử dụng loại sản phẩm này nên người ta trồng chủ yếu là xuất khẩu kiếm lời – người Trung Quốc trồng cho người nước ngoài ăn. Vì vậy, người Trung Quốc không thể kiểm chứng được độ an toàn của sản phẩm theo phương châm “tiền chủ, hậu khách”.
Như thế là từ người sản xuất nông nghiệp đến cơ quan quản lý nông nghiệp Trung Quốc đều “vô can” trong sản phẩm nông nghiệp có biến đổi gen, có áp dụng công nghệ sinh học – với xuất xứ từ Trung Quốc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Sức khỏe, thậm chí cả sinh mạng của người tiêu dùng trên thế giới bị thả nổi bởi sự “vô can có chủ ý” ấy của Trung Quốc.
Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Trung Quốc (ChemChina) hưng phấn với kế hoạch thâu tóm Sygenta, ảnh: Nysepost.com. |
Nhưng ngày nay với sự kiện “ChemChina – Syngenta”, người tiêu dùng sản phẩm Trung Quốc có thể yên tâm hơn vào chất lượng của sản phẩm, bởi hai lẽ.
Thứ nhất, quy trình ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp tại Trung Quốc và việc cho ra những sản phẩm nông nghiệp có biến đổi gen được thực hiện theo quy trình chuẩn của Châu Âu – Thụy Sĩ.
Thứ hai, khi chính phủ Trung Quốc cho phép, nghĩa là họ đã có quy trình kỹ thuật kiểm tra, kiểm định chất lượng sản phẩm, cùng với đó là họ sẽ có những văn bản quy phạm pháp luật quy định về lĩnh vực này với việc kiểm tra, giám sát người sản xuất và doanh nghiệp Trung Quốc.
Điều này đồng nghĩa với việc đã có người chịu trách nhiệm về những sản phẩm nông nghiệp của Trung Quốc trước đây gây “sợ hãi” cho người tiêu dùng.
"Thương vụ này rõ ràng là phù hợp với các mục đích chiến lược của chính phủ Trung Quốc là tìm cách để hiện đại hóa nền nông nghiệp của mình. Với động thái của ChemChina sẽ bổ sung thêm khả năng đầu tư bền vững hơn trong hoạt động nông nghiệp của Trung Quốc", Reuters bình luận.
Đây là niềm vui của người tiêu dùng trên thế giới – trong đó có Việt Nam. Hy vọng người tiêu dùng sẽ có thể được sử dụng sản phẩm giá rẻ nhưng an toàn của Trung Quốc – thực phẩm sạch.
Bài 2:
T – P – P nghĩa là gì?
Cay đắng "phận làm thuê"
Chỉ có điều, việc chính phủ Trung Quốc cho phép thực hiện thương vụ “ChemChina – Syngenta” không chỉ đơn thuần hướng tới người tiêu dùng Trung Quốc, mà họ còn hướng tới người tiêu dùng tại các nước là bạn hàng tiêu thụ sản phẩm của Trung Quốc. Điều đó tưởng chừng như hết sức bình thường và cần thiết trong thế giới hội nhập hiện nay.
Tuy nhiên, sự việc không chỉ đơn giản như vậy. Mục đích việc “trồng rau sạch” của Trung Quốc còn lớn hơn rất nhiều. Đó là Trung Quốc đang hướng tới những thị trường mà chưa là “bạn” của họ, thậm chí họ không thể kết “bạn” được.
Nói cách khác, Trung Quốc chỉ là “khách” nên không thể được hưởng ưu đãi như những người “bạn” của các thị trường này. Và có thể xem đây mới là điều thể hiện ý nghĩa của thương vụ “ChemChina – Syngenta”.
Cũng xin nhắc lại rằng, với mục đích chuyển hướng trong chiến lược quan hệ đối ngoại của Mỹ sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Tổng thống Barack Obama đã tham gia và khởi động TPP – Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Việt Nam may mắn được tham gia vào định chế kinh tế này, theo BBC ngày 5/10/2015.
Sau nhiều vòng đàm phán cả song phương và đa phương, TPP đã chính thức được Mỹ và 11 quốc gia còn lại thống nhất kết thúc đám phán và chính thức ký kết vào ngày 4/2 vừa qua tại Auckland, New Zealand.
Nội dung cùa TPP thì nhiều, nhưng mục đích chủ yếu của nó là tạo điều kiện để các nước khai thác tối đa lợi thế của mình và hưởng lợi theo cơ chế đối tác của định chế này.
Tham gia TPP sẽ mang lại cơ hội lớn cho nông sản, nông nghiệp, nông dân Việt Nam. Nhưng nếu không có chiến lược và chuẩn bị bài bản, chúng ta có thể sẽ thua ngay trên sân nhà, trong khi nước khác lại trục lợi trên lưng chúng ta, bằng thương hiệu, xuất xứ Việt Nam. Ảnh: VTV. |
Với Việt Nam, lợi thế lớn nhất khi tham gia TPP là sản phẩm nông nghiệp và đó cũng là mục đích lớn nhất mà người Việt Nam muốn tham gia TPP để khai thác ưu thế và hưởng lợi thế.
Tham gia TPP có thể xem là chương trình kinh tế lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 21. Vì vậy, tất cả hệ thống chính trị, hệ thống doanh nghiệp, doanh nhân và người dân Việt Nam đang chờ đợi TPP vận hành.
Song hiện nay cả tài chính công và tài chính doanh nghiệp của Việt Nam đều không mạnh và cần có nguồn vốn trợ giúp. Còn về hàng hóa – nhất là sản phẩm nông nghiệp thì Việt Nam đa dạng về chủng loại, nhiều về số lượng, nhưng chất lượng lại chưa đáp ứng được yêu cầu của những khách hàng khó tính.
Trong khi đó, Trung Quốc bị gạt khỏi TPP nên họ đã âm thầm chuẩn bị mọi công cụ để có thể khai thác nguồn lợi của định chế này.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã cho thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) để có thể cung cấp vốn cho những thành viên yếu về tiềm lực trong “ngôi nhà cung TPP” – trong đó có Việt Nam, theo The New York Times ngày 4/12/2015.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã từng chia sẻ về lợi ích khi tham gia AIIB. Theo đó Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình nên không dễ vay tiền của WB, ADP nữa. Bởi vậy khi tham gia AIIB, Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận vốn của định chế tài chính này do cơ chế cho vay thoáng hơn, theo TTXVN ngày 6/7/2015.
Nghĩa là Việt Nam đã có được nguồn vốn vay từ AIIB mà Trung Quốc đóng vai trò chi phối. Nay với thương vụ “ChemChina – Syngenta”, có thể thấy trong thời gian sắp tới khi TPP vận hành, sản phẩm nông nghiệp của Trung Quốc sẽ đáp ứng được yêu cầu khắt khe của những khách hàng khó tính bởi kỹ thuật “trồng rau sạch” nước này đã được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn Châu Âu.
Người viết lo ngại rằng, khi TPP vận hành thì sản phẩm nông nghiệp của Trung Quốc “mượn” xuất xứ Việt Nam sẽ tham gia vào thị trường của các đối tác của Việt Nam trong TPP – người Trung Quốc kiếm lời ngay trên lưng chúng ta, bằng cách tận dụng lợi thế của Việt Nam trong TPP.
Điều đó không khác gì hiện tượng thép giá rẻ Trung Quốc “mượn” xuất xứ Việt Nam lũng đoạn thị trường thép thế giới vừa qua.
Có thế thấy rằng, đại đa số người dân việt Nam chưa hiểu được 3 chữ T – P – P nghĩa là gì. Hầu hết doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam chưa hiểu hết được lợi thế của mình khi tham gia TPP.
Các cơ quan quản lý hoạch định chính sách của ta hiểu về cơ chế vận hành của TPP đến đâu để hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất trong nước vẫn còn là dấu hỏi. Nói cách khác, TPP vẫn còn khá lạ lẫm với đất nước Việt Nam.
Tuy nhiên, hình như Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn cả tiền và hàng cho Việt Nam tham gia TPP. Nước láng giềng phương Bắc đã nhanh chân "chuẩn bị giúp" hành trang cho chúng ta tham gia một định chế kinh tế quan trọng, mà kết quả của nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả người dân Việt Nam.
Trái cam sành Hà Giang, ảnh: Hoài Anh/Nông thôn ngày nay. |
Việt Nam là “người trong cuộc” của TPP nhưng hình như lại chưa chuẩn bị tâm thế của người trong cuộc. Cứ xem cách thức người Việt Nam hướng về thị trường thế giới qua vụ việc trái cam sành ở Hà Giang mà VTV1 đã đưa trong chương thình thời sự dịp Tết Bình Thân này mới thấy, người sản xuất và doanh nghiệp Việt Nam dường như đang “cố tình” nhường sân chơi cho người nước ngoài.
Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, nhất là cây ăn trái, đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VIET GAP, nhưng có lẽ chúng ta thực hiện theo kiểu “VIỆT GẤP” thì đúng hơn.
Chúng ta đã quá gấp gáp trong việc triển khai mô hình mà chưa hoàn toàn chuẩn bị tinh thần cho người Việt Nam tham gia vào thị trường thế giới, mà khi TPP vận hành thì có thể thua ngay trên “vườn nhà mình”.
Khi thấy truyền thông thế giới đưa tin về việc Trung Quốc đang hướng tới việc “trồng rau sạch” theo tiêu chuẩn Châu Âu và nhà nước Trung Quốc sẽ giám sát việc này, dư luận đã vui mừng cho người tiêu dùng thế giới – nhất là người dân Việt Nam.
Song khi ngẫm nghĩ về cơ chế vận hành của TPP thì lại cảm thấy xót xa cho người sản xuất nông nghiệp Việt Nam, cho doanh nghiệp Việt Nam.
Mong rằng dự đoán của người viết sẽ không đúng, nhưng thực tế nguy cơ điều ấy trở thành hiện thực là rất lớn. Do vậy, cứ nghĩ đến việc người Việt Nam bán hàng hóa mang nhãn mác Việt Nam cho các đối tác trong TPP, nhưng thực ra là đang bán hàng thuê cho Trung Quốc thì lại đau lòng và tự hỏi, còn gì cay đắng hơn?
Ngọc Việt