Ts Trần Văn Khê, cây đại thụ Văn hóa Việt qua đời

25 Tháng Sáu 201511:44 CH(Xem: 8882)
"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ SÁU 26 JUNE 2015

Giáo sư Trần Văn Khê qua đời

Thanh Phương
blank
 Giáo sư Trần Văn Khê từ trần tại Sài Gòn, hưởng thọ 94 tuổi - DR

Nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc lỗi lạc của Việt Nam, Giáo sư Trần Văn Khê vừa từ trần sáng sớm hôm nay (24/06/2015) tại bệnh viện Nhân dân Gia Định, Sài Gòn, thọ 94 tuổi, sau khi nhập viện từ ngày 27/05 do trở bệnh nặng. Theo tin từ báo chí trong nước, tang lễ sẽ được tổ chức tư gia ở quận Bình Thạnh ngày 29/06 và linh cữu Giáo sư Trần Văn Khê sẽ được đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Hoa Viên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Giáo sư Trần Quang Hải, con trai trưởng Giáo sư Trần Văn Khê, sẽ làm chủ tang.

Theo tiểu sử đăng trên trang web cá nhân Giáo sư Trần Quang Hải ( cũng là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam danh tiếng ), giáo sư Trần Văn Khê sinh ngày 24/07/1921 trong gia đình có bốn đời là nhạc sĩ truyền thống tại Mỹ Tho. Cụ cố Trần Quang Thọ trước kia là nhạc công Triều đình Huế. Ông nội là Trần Quang Diệm, tục danh là Ông Năm Diệm, biết đàn kìm, đàn tranh, nhưng chuyên đàn tỳ bà theo phong cách Thần kinh.

Cha là Trần Quang Triều, mà giới tài tử trong Nam thường gọi là Ông Bảy Triều, biết đàn nhiều cây, mà đặc biệt nhất là đờn độc huyền (đàn bầu), và đờn kìm (đàn nguyệt). Người cô thứ ba Bà Trần Ngọc Viện, tục gọi là Cô Ba Viện, nguời sáng lập gánh hát Đồng Nữ Ban, toàn diễn viên con gái, con của nông dân vùng Vĩnh Kim, Đông Hòa, Long Hưng. Do ba mẹ Trần Văn Khê mất sớm, Cô Ba Viện đã nuôi ba anh em Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch và Trần Ngọc Sương cho đến ngày khôn lớn.

Nhờ có dòng máu nhạc sĩ từ mấy đời như vậy, nên ngay từ năm 6 tuổi, cậu bé Trần Văn Khê đã biết đàn kìm, đàn cò, đàn tranh. Với năng khiếu âm nhạc bẩm sinh, Trần Văn Khê tham gia rất nhiều sinh hoạt văn nghệ trong thời gian học trung học và đại học. Khi tham gia kháng chiến từ năm 1945 đến năm 1948, Trần Văn Khê chủ yếu cũng dùng âm nhạc làm vũ khí chiến đấu, chứ không cầm súng.

Trần Văn Khê sang Pháp du học từ năm 1949. Hè năm 1951, ông thi đậu vào trường Chính trị Khoa giao dịch quốc tế, nhưng chưa kịp nhận nhiệm sở thì bị bệnh nặng, phải nằm bệnh viện liên tục trong suốt mấy năm. Chính trong thời gian bị « giam lỏng » trong nhà thương mà Trần Văn Khê đã có thời giờ tìm đọc nhiều sách tại các thư viện và từ đó sự nghiệp của ông rẻ sang một ngõ khác, vì sau khi khỏi bệnh, Trần Văn Khê quyết định theo học khoa nhạc học và đậu Tiến sĩ Văn khoa (môn Nhạc học) của Đại học Sorbonne năm 1958.

Năm 1960, giáo sư Trần Văn Khê được bổ nhiệm vào Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Pháp CNRS, nơi mà ông làm Giám đốc nghiên cứu. Từ năm 1963, ông dạy trong Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương, dưới sự bảo trợ của Viện Nhạc học Paris (Institut de Musicologie de Paris).

Giáo sư Trần Văn Khê là thành viên của Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm châu Âu về Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế. Ông là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện quốc tế nghiên cứu âm nhạc bằng phương pháp đối chiếu của Đức. Có 43 nước trên thế giới đã mời Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê thuyết trình và biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Những hoạt động giảng dạy, diễn thuyết không ngừng nghỉ của ông suốt hơn 50 năm đã giúp quảng bá rộng rãi âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới. Cho đến khi quay về Việt Nam sống, ở tuổi hơn 90, ông vẫn miệt mài tiếp tục công việc này cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.


Theo thống kê của giáo sư Trần Quang Hải, 27 năm làm việc, giáo sư Trần Văn Khê đã đăng gần 200 bài, đa số viết bằng tiếng Pháp, một số nhỏ bằng tiếng Anh, có một số bài được dịch ra tiếng Đức, tiếng Trung Quốc, tiếng Ả Rập và những bài đăng trong tạp chí Le Courrier de l'Unesco được dịch ra hơn 15 thứ tiếng.

Ông đã được các nước mời hay được Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp và UNESCO phái đi dự gần 200 hội nghị quốc tế trên 67 nước trên thế giới.

Giáo sư Trần Văn Khê cũng đã tự ghi âm trên 600 giờ âm nhạc và trao đổi với nghệ nhân, nghệ sĩ Việt Nam, trên 300 giờ âm nhạc Châu Á, châu Phi, chụp hơn 8.000 tấm ảnh, dương bản, ảnh màu hoặc đen trắng về sinh hoạt âm nhạc tại Việt Nam và tại nhiều nước đã đi qua, thu thập được gần 500 dĩa hát của các nước trên thế giới, thực hiện được hơn 15 dĩa hát về âm nhạc truyền thống Việt Nam, 4 dĩa nhạc được 5 giải thưởng lớn của Hàn lâm viện dĩa hát Pháp, năm 1960, 1970, dĩa hát Đức quốc năm 1969, Diapason d'or của tạp chí chuyên về giới thiệu và phê bình dĩa hát tại Pháp, và Giải các nhà phê bình dĩa hát tại Đức quốc năm 1994./

RFI 24-06-2015
blank
Vĩnh biệt thầy GS.TS Trần Văn Khê - người truyền lửa

25/06/2015

TT - Tiễn biệt GS.TS Trần Văn Khê -  nhà nghiên cứu văn hóa, chuyên gia hàng đầu về âm nhạc Việt Nam, Tuổi Trẻ trân trọng giới thiệu bài viết của một trong những học trò gắn bó nhất với ông - nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng.
blank
GS.TS Trần Văn Khê và học trò - thạc sĩ Hải Phượng - Ảnh: Nguyễn Á

Thầy ơi,

Dẫu biết cuộc đời thật vô thường, ai rồi cũng sẽ đến một ngày trở về với cát bụi, nhưng chúng con - những người học trò vẫn cảm thấy một sự hụt hẫng, mất mát không gì bù đắp nổi khi người Thầy yêu dấu đã mãi mãi rời xa.

Chúng con chẳng còn cơ hội làm vui lòng Thầy bằng tiếng nhạc, lời ca; chẳng còn lúc cười đùa vui vẻ khi nghe Thầy kể chuyện; không còn dõi mắt say sưa nghe Thầy giảng những bài học về tình yêu âm nhạc bao la.

Hơn nửa đời người sống và làm việc tại nước ngoài, biết bao lần Thầy đứng trên bục giảng của nhiều đại học trên thế giới, viết hàng trăm bài nghiên cứu về âm nhạc cổ truyền Việt Nam và các nước... nhưng Thầy vẫn trăn trở nỗi niềm làm sao cho giới trẻ Việt Nam yêu mến âm nhạc Việt Nam. Sao cho lớp trẻ có thể trả lời câu hỏi: âm nhạc Việt Nam có cái gì? Âm nhạc Việt Nam hay chỗ nào?

Ngọn lửa yêu thương âm nhạc dân tộc mà Thầy đã dùng cả cuộc đời mình để nhen lên và trao truyền cho nhiều thế hệ sẽ còn cháy mãi trong trái tim của những người còn nặng lòng với đất nước

Hành trang trở về

Thầy đã trở về, mang theo hành trang là tất cả những tư liệu góp nhặt trong nhiều năm và khối kiến thức uyên bác mà Thầy sẵn sàng chia sẻ cho những ai cần đến. Cũng vì mong muốn truyền bá âm nhạc dân tộc nên dẫu cho đôi chân không thể dễ dàng di chuyển, Thầy vẫn chẳng ngại ngần đi diễn thuyết ở bất cứ nơi đâu. Khi sức khỏe không cho phép, Thầy vẫn gọi chúng con lại hòa đàn, vẫn góp ý những đề án để bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc, vẫn tổ chức những buổi giao lưu, giới thiệu văn hóa Việt tại tư gia. Thầy vẫn là "người truyền lửa", người đứng phía sau, hỗ trợ và khuyến khích những người học trò có năng lực, có tâm huyết đi theo con đường vinh danh văn hóa Việt. Những lúc đó, chúng con thấy Thầy vẫn tràn đầy nội lực. Sự uyên thâm về kiến thức; sự điêu luyện ở cách diễn giải; sự hào hứng, sôi nổi toát ra từ nét mặt, giọng nói vẫn ngự trị trong tâm hồn và thể xác của một "lão sư" trên 90 tuổi.

Thầy từng nói lên tâm nguyện của mình là căn nhà sau này sẽ được giữ lại để làm "nhà lưu niệm, nhà bảo tàng" để những ai yêu quý âm nhạc Việt Nam, yêu quý Thầy có thể đến thăm. Thầy ước mong rằng tro cốt của Thầy sẽ được để ở nơi đây, để mỗi lần ngôi nhà sáng ánh đèn của các cuộc đàn ca tài tử thì Thầy vẫn có thể cùng vui với mọi người. Thầy thường cười lớn khi nhắc nhở rằng: Thầy là một người nghệ sĩ, Thầy muốn các con nhớ đến Thầy với hình ảnh một ông già ngồi xe lăn nhưng vẫn lạc quan yêu đời, một người nghệ sĩ tuổi đã cao nhưng trái tim yêu nhạc dân tộc mãi còn trẻ trung.

Tiếng đàn tri âm...

Là một nhà nghiên cứu, Thầy đã sắp xếp công việc cũng như cho cuộc hành trình ra đi mãi mãi của đời mình một cách chu đáo. Thầy căn dặn gia đình đừng báo tin cho nhiều người biết trong lần vào bệnh viện mới đây.

Thầy không muốn mọi người lo lắng, còn chúng con thì vẫn tin rằng Thầy chỉ vào ít bữa rồi lại ra như bao lần trước. Rồi Thầy lại có thể ngồi trên chiếc xe lăn quen thuộc đi từng nơi, giới thiệu những cái hay cái đẹp trong âm nhạc Việt Nam, truyền ngọn lửa cháy bỏng từ trái tim mình đến bao thế hệ tiếp nối.

Ngay trong căn phòng bệnh viện, Thầy vẫn dành những giây phút hiếm hoi còn lại để chia sẻ những nỗi niềm suy tư trăn trở về văn hóa dân tộc, vẫn lên kế hoạch cho những chương trình kế tiếp, vẫn khuyến khích những người học trò của mình tiếp nối con đường vinh danh văn hóa Việt Nam mà Thầy theo đuổi trong suốt cuộc đời.

Nằm trên giường bệnh, bao quanh mình là hàng loạt máy móc khiến Thầy không thể tự do cử động, nhưng khi vừa tỉnh lại Thầy đã ra dấu cho biết muốn nghe tiếng đàn của nhạc sư Vĩnh Bảo. Mọi người vội tìm lại các CD lưu những bản hai Thầy từng đàn với nhau, đồng thời liên lạc với nhạc sư. Khi được báo tin, nhạc sư đã lập tức ngồi lên đàn, thu thanh hai bản và chuyển sang. Khi tiếng đàn còn thoảng bên tai Thầy thì nhạc sư đã lại ngồi thu âm và gửi sang nhiều khúc nhạc nữa.

Chúng con đã thật xúc động khi được nghe tâm sự của nhạc sư: "Ngày hôm nay, 10-6-2015, vào lúc 16g58 phút giờ Sài Gòn..."; "Hôm nay, ngày 11-6-2015, lúc 9g rưỡi sáng giờ Sài Gòn...". "Nam xuân, Vĩnh Bảo đàn. Tặng cho GS.TS Trần Văn Khê đang bệnh. Mong rằng tiếng đàn Nam xuân này, xuất phát từ cái tâm, có thể có mãnh lực phi thường do ơn trên ban, để cho GS.TS Trần Văn Khê sớm bình phục, trở lại cuộc sống bình thường".

Lời chúc thân thương và tiếng đàn mạnh mẽ của vị lão sư 98 tuổi như muốn truyền sang niềm tin yêu, động viên tiếp sức cho người bạn tri âm tri kỷ của mình. Chúng con đã mong muốn rằng phép lạ sẽ xảy ra như mọi lần để hai Thầy có thể thực hiện được lời hứa năm nào: "Dù cho vật đổi sao dời, chúng mình trăm tuổi vẫn ngồi bên nhau".

Vậy mà...

Con xin kính cẩn thắp một nén hương cầu chúc cho Thầy ra đi thanh thản. Rồi đây căn nhà lưu niệm Trần Văn Khê - một địa chỉ thân quen cho những chương trình vinh danh văn hóa Việt - sẽ vắng bóng một con người uyên bác, tài hoa. Những cây đàn treo trên tường, kỷ niệm của nhiều chuyến đi, kỷ niệm của nhiều con người Thầy đã từng gặp gỡ, giờ đây nằm im lìm chịu sự phủ bụi của thời gian.

Nhưng Thầy ơi, ngọn lửa yêu thương âm nhạc dân tộc mà Thầy đã dùng cả cuộc đời mình để nhen lên và trao truyền cho nhiều thế hệ sẽ còn cháy mãi trong trái tim của những người còn nặng lòng với đất nước. Gia tài văn hóa Việt Nam sẽ mãi mãi ghi thêm vào đó tên một người con đã hiến dâng trọn cuộc đời mình vì sự nghiệp âm nhạc nước nhà.

Thầy ơi...
blank
GS Trần Văn Khê trong một buổi sinh hoạt chuyên đề tại tư gia - Ảnh: Gia Tiến.

Giáo sư Trần Văn Khê từ trần

Sau gần một tháng bệnh nặng, mặc dù đã được bệnh viện và gia đình tận tình cứu chữa, chăm sóc nhưng do tuổi cao sức yếu, GS-TS Trần Văn Khê đã qua đời vào 2g55 sáng 24-6 (nhằm ngày mùng 9 tháng 5 năm Ất Mùi) tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP.HCM, hưởng thọ 94 tuổi.

Tang lễ của GS Trần Văn Khê được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình cùng tổ chức.

Theo đúng di nguyện của giáo sư, linh cữu của ông sẽ được quàn tại nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, P.24, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Lễ viếng sẽ bắt đầu từ 12g trưa ngày 26-6-2015.

Lễ động quan được bắt đầu vào lúc 6g sáng ngày 29-6-2015.

Ngay sau lễ động quan, linh cữu sẽ được đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Hoa Viên Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Tro cốt sẽ được đem về tư gia để mọi người thăm viếng.

GS-TS Trần Văn Khê sinh ngày 24-7-1921 tại làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) trong một gia đình bốn đời là nhạc sĩ.

Sau khi hoàn thành xuất sắc chương trình tú tài vào năm 1941 tại Sài Gòn, Trần Văn Khê nhận học bổng của chính phủ thuộc địa ra Hà Nội học đại học y khoa (1941-1944). Từ năm 1944-1949, Trần Văn Khê vừa làm giáo sư tư thục tại Sài Gòn và Cần Thơ, vừa làm ký giả báo Thần Chung và Việt Báo.

Năm 1949, Trần Văn Khê sang Pháp với nhiệm vụ phóng viên, từ đó bắt đầu quá trình học tập và làm việc lâu dài tại Pháp. Ông đã tốt nghiệp Trường Chính trị Paris, khoa quan hệ quốc tế vào năm 1951. Tháng 6-1958, Trần Văn Khê trở thành người Việt Nam đầu tiên đậu bằng tiến sĩ nghệ thuật âm nhạc tại Đại học Sorbonne hạng tối ưu với lời khen ngợi của hội đồng chấm thi cho luận án Âm nhạc truyền thống Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến âm nhạc cung đình Huế và âm nhạc tài tử miền Nam.

Từ sau khi đậu bằng tiến sĩ về âm nhạc học, Trần Văn Khê đã liên tục hoạt động và có nhiều cống hiến trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá âm nhạc dân tộc tại Pháp và hơn 20 trường đại học của các quốc gia trên thế giới. Ông đã có trên 200 bài viết về âm nhạc Việt Nam và âm nhạc châu Á. Ông cũng đã thực hiện 25 đĩa hát 33 vòng và CD về âm nhạc Việt Nam và vài nước châu Á để phổ biến trên thế giới. Ông cũng chính là cố vấn đặc biệt cho Ủy ban thành lập hồ sơ về đờn ca tài tử để gửi UNESCO.

Từ năm 2006, GS-TS Trần Văn Khê về ở hẳn trong nước. Chính quyền TP.HCM đã bố trí căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh để ông sống, làm việc trong những năm cuối đời.

Nơi ở của ông gần 10 năm qua đã thật sự trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc, thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người trong và ngoài nước với hàng trăm buổi biểu diễn, nói chuyện, giao lưu với công chúng về âm nhạc dân tộc Việt Nam với nhiều loại hình đặc trưng cho các vùng miền, như: Ngẫu hứng trong âm nhạc truyền thống Việt Nam (Rao & đàn), Nghệ thuật ngâm thơ trong truyền thống Việt Nam, Nét đa dạng của đàn tranh Việt Nam, Âm nhạc cung đình Huế, Nhạc khí phương Tây trong đờn ca tài tử: làm giàu cho vốn cổ, Nghệ thuật đờn ca tài tử trong không gian văn hóa Nam bộ, Các loại đàn môi Việt Nam so sánh với đàn môi trên thế giới...

GS-TS Trần Văn Khê đã được tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng của thế giới và Việt Nam.

Q.N.

Học trò NGUYỄN THỊ HẢI PHƯỢNG  
blank
Giáo sư Trần Văn Khê qua đời: Một cuộc đời viên mãn...

24/06/2015

TTO - Dẫu biết sinh tử là lẽ thường nhưng khi nghe tin giáo sư Trần Văn Khê qua đời sáng 24-6, nhiều người yêu kính giáo sư vẫn không khỏi bàng hoàng, tiếc nhớ.
blank
Giáo sư Trần Văn Khê về thăm quê nhà tại Vĩnh Kim, Tiền Giang năm 2009 - Ảnh: Duy Anh.

* Một cuộc đời viên mãn...

Gần gũi, thâm trầm, nghiên cứu uyên thâm, mang âm nhạc dân tộc ra phổ biến với bạn bè thế giới, GS Trần Văn Khê khiến ta thêm yêu âm nhạc Việt Nam và lịch sử Việt Nam. Ông đã sống một cuộc đời viên mãn, ít gây tranh luận hơn nhưng cũng đầy thăng trầm, nhiều hoài bão.
Ông chạm tay vào những đỉnh cao nhất của cuộc đời nghiên cứu, đã để lại hậu thế một di sản đồ sộ, đã nếm trải nỗi cô đơn tận cùng của một vĩ nhân. Xin thành kính phân ưu cùng gia quyến và mong thầy yên nghỉ.

(Nhà báo Trần Minh, báo Bóng Đá)

* Giúp ta tin hơn vào vẻ đẹp của văn hóa Việt

Hơn 2 giờ sáng đêm qua, Sài Gòn đổ một cơn mưa lớn. Mình tỉnh dậy đóng cửa sổ, cảm thấy mát dịu và thư thái. Sáng ra mới đọc tin GS Trần Văn Khê vừa qua đời vào khoảng thời gian đó ở Sài Gòn...

Trong bài điểm sách Những câu chuyện từ trái tim của giáo sư Trần Văn Khê, tôi đã chia sẻ rằng: “Ông làm cho ta tin hơn vào vẻ đẹp của văn hóa Việt, từ những chi tiết ứng xử rất nhỏ, như khi ông từ chối lời mời ăn của ông thủy sư đề đốc Pháp muốn chuộc cái lỗi đã dám coi thường âm nhạc Việt: "Người Việt Nam chúng tôi không phải ai mời ăn cơm cũng ăn, bởi chúng tôi chỉ ăn với những người mình thương yêu, tâm đầu ý hiệp".

 Về tình yêu, ông quan niệm rõ người đàn bà của mình phải như thế nào, "tôi không đặt cái đẹp lên hết thảy, nhưng ít nhất phải dễ coi.Tôi thích cái duyên hơn cái đẹp. Cái duyên làm cho mình mến, mình muốn gần...".

 Ông dành nhiều trang để kể về cuộc tình một đêm với một cô vũ nữ, hay mối tình ngắn ngủi với một người bạn gái, chỉ để nói rằng ông cũng biết mở lòng ra để tận hưởng tình yêu, nhưng không bao giờ để tình yêu vượt qua lý trí.

Ông thuật lại cách đối xử sao cho trọn vẹn với người bạn gái, cô vũ nữ và ngay cả với người vợ cũ (mà ông gọi là mẹ của các con tôi), vì thế họ vẫn giữ được tình cảm và quan hệ tốt đẹp với ông.

Ông chia sẻ rằng "hạnh phúc tuy không phải bao giờ cũng hoàn toàn nhưng vẫn là hạnh phúc". Tuy ông và vợ đã chia tay, nhưng hai người vẫn quý trọng nhau, các con ông đều trưởng thành và thành đạt.

Phải chăng cuộc sống quanh ta đầy rẫy số phận, những hoàn cảnh tương tự, những cái rất không trọn vẹn nhưng vẫn đẹp và đáng trân trọng. Những bí mật như vậy thật đáng tìm hiểu, chứ đâu phải là những mảng tối khác của đời sống mà không ít lần ta trà dư tửu hậu để chuyện phiếm với bạn bè.

Những câu chuyện từ trái tim vượt qua tầm của một cuốn tự truyện để trở thành một tác phẩm văn học có giá trị, khi ta mở bất cứ trang nào cũng thấy những chi tiết thấm đậm tình người.

Tôi vẫn tin rằng duyên may trong cuộc sống không phải bao giờ cũng tới và nếu tới chưa chắc đã trọn vẹn, nhưng trái tim vẫn đập hằng ngày. Lắng nghe nhịp đập của trái tim sẽ khiến ta sống khoan dung, bình an và có hi vọng.

Chị Lã Hoa - TP.HCM)
blank
Giáo sư Trần Văn Khê cùng NSND Kim Cương hát cùng bạn bè thân thuộc và cháu thiếu nhi - Ảnh: Duy Anh.

* Người thầy tận tình...

Giáo sư Trần Văn Khê qua đời rồi, mong thầy yên nghỉ và bình yên trên đường về cõi thiên thu. Mình cũng có may mắn được làm việc với thầy nhiều lần, lâu nhất chắc là hồi làm CD thầy trích đọc hồi ký nhân dịp tái bản.

Không phải lúc nào cũng ở trạng thái vui vẻ, nhưng công việc là vậy mà, đọng lại sau tất cả là sự trân trọng và quý mến. Dù chẳng phải thấy người sang bắt quàng nhưng nếu gọi điện nói dạ con là... thì thầy nhớ ra và rất tận tình giúp đỡ nếu cần.

Gần đây nhất là buổi nói chuyện về bài Tình ca (Phạm Duy) rất cảm động. Điều mình mong là giờ đây các công trình nghiên cứu của thầy, cả sách lẫn âm nhạc, có thể được xuất bản vì chúng là vô giá.

Hồi ký của thầy cũng hay nhưng những người chấp bút quá lệ thuộc vào nhật ký của thầy nên trừ phần thời thơ ấu, còn lại hầu hết đều sơ sài, phải nói là tiếc vô cùng. Sự tiếc ấy nên được bù đắp bằng những gì thầy đã viết ra, về âm nhạc - sự nghiệp và lẽ sống của thầy.

(M.C Minh Đức - TP.HCM)

* Nói chuyện gì cũng duyên...

Tôi đã dõi theo ông và chụp ông cùng NS Hải Phượng hơn 20 năm qua, nghe ông về Việt Nam tôi lại lên, ông về thăm quê Vĩnh Kim tôi lại đến, ông có tài hùng biện nói chuyện gì cũng duyên...

(Nhà nhiếp ảnh Duy Anh)

CÁT KHUÊ (tổng hợp)

Nhà Trần Văn Khê ở Sài Gòn

11/02/2013

TTXuân - Tết 2006 là một cột mốc thời gian đáng nhớ trong cuộc đời giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê. Lần đầu tiên được ăn Tết tại “nhà của mình” trên chính đất nước mình, cảm giác trong ông xao xuyến, bồi hồi rất lạ.

Lúc khai đàn đầu xuân, tập quán mà ông giữ được bao năm qua, cuốn phim ký ức bỗng đưa ông về những năm đầu thập niên năm mươi ở nước Pháp, khi ông vừa theo học ở khoa giao dịch quốc tế Trường Chính trị Paris vừa đi đánh đàn thuê ở tiệm ăn La Paillote do ông Từ Bá Hòa làm chủ. Đánh đàn để kiếm sống, nhưng ông chỉ sử dụng các nhạc cụ truyền thống Việt Nam và chơi các bản nhạc truyền thống Việt Nam, vậy mà thực khách ưa thích.
blank
Buổi sinh hoạt âm nhạc định kỳ tại nhà giáo sư Trần Văn Khê - Ảnh: Nguyễn Á
blank
Giáo sư Trần Văn Khê và ca nương Phạm Thị Huệ- Ảnh: T.T.D.

Từ đó đến nay đã hơn nửa thế kỷ mà ông vẫn đeo đuổi chỉ một công việc: nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá giá trị đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam và góp phần vinh danh giá trị đó ở khắp nơi trên thế giới. 15 đại học ở nước ngoài, 200 hội nghị quốc tế về âm nhạc tại 67 quốc gia, 20 liên hoan âm nhạc thế giới… ở bất cứ nơi đâu ông có mặt, âm nhạc Việt Nam lại đĩnh đạc vang lên.

Tháng 8-2006, tại một nhà hát ở Torino (Ý) trong tuần lễ “Di sản âm nhạc Việt Nam” do các bạn Ý tổ chức, mỗi khi các nghệ sĩ Hải Phượng, Huỳnh Khải, Nhứt Dũng biểu diễn dứt một tiết mục nhạc tài tử và nhạc lễ Nam bộ, giáo sư Trần Văn Khê lại lên sân khấu giới thiệu bằng tiếng Pháp và tiếng Anh về ý nghĩa, về những điểm chung và riêng của các loại hình âm nhạc này.

Rồi, thật là bất ngờ, ông cầm lấy cái trống bồng đánh lên để khán giả có thể nhận ra những âm thanh khác biệt của nó với các loại trống khác. Tay trống của ông mềm mại và dứt khoát, tiếng trống lúc nhặt lúc khoan, không ai còn nhớ ra người chơi trống đã tám mươi lăm tuổi…

Tiếng vỗ tay dành cho ông rền vang khán phòng. Khoảnh khắc xúc động ấy người viết bài này may mắn được chứng kiến… Chả trách, các đồng nghiệp quốc tế của Trần Văn Khê vẫn gọi ông là người đa tài: giỏi nghiên cứu, giỏi truyền giảng, giỏi ngoại ngữ và giỏi kỹ năng biểu diễn. Họ thành tâm thú nhận đã bị mê hoặc vì sự tài tình và vẻ say sưa của ông khi truyền đến họ nét đặc sắc của một nền âm nhạc mà ông đã đắm mình từ tấm bé...

Trở về Việt Nam sau chặng đường bôn ba hơn nửa thế kỷ ở xứ người, giáo sư Trần Văn Khê đã mang theo về 435 kiện sách và hiện vật âm nhạc quý giá mà ông thu thập, gìn giữ trong suốt những năm dài nghiên cứu, giảng dạy và nay tặng lại Nhà nước Việt Nam để phục vụ cộng đồng. Nhưng, có lẽ biệt tài giới thiệu âm nhạc dân tộc của ông mới chính là thứ tài sản quý giá hơn cả mà cộng đồng được ông trao tặng.

Với sự giúp sức của các cơ quan nhà nước và bạn bè thân hữu, ngôi nhà ông ở những năm cuối đời tại đường Huỳnh Đình Hai (Bình Thạnh, TP.HCM) thực sự trở thành một địa chỉ văn hóa sống động. Tại ngôi nhà này, từ tuổi tám mươi lăm đến nay, Trần Văn Khê vẫn kết nối các mối quan hệ âm nhạc trong và ngoài nước, vẫn trực tiếp tham gia giảng dạy và giới thiệu âm nhạc dân tộc, đặc biệt nhất là vẫn tham gia biểu diễn trong các buổi sinh hoạt định kỳ và ngoại kỳ.

Một đêm tháng 2-2007, khi ca nương Phạm Thị Huệ chuyển từ đàn đáy phụ họa với nhóm ca trù TP.HCM sang phần độc tấu đàn tì bà theo phong cách Huế, Trần Văn Khê đã bất ngờ nhập cuộc, kéo Phạm Thị Huệ ứng tác ứng tấu với ông một đoạn chỉ có trống và tì bà. Tiếng tì bà của Phạm Thị Huệ đi theo tiết tấu trống của Trần Văn Khê say sưa và thần tình một cách lạ lùng.

Đoạn nhạc hòa tấu đầy ngẫu hứng và hào hứng sáng tạo đó khó gặp ở thời nay đã lay động hết thảy những người tham dự chương trình sinh hoạt định kỳ hôm ấy. Ngoài vẻ say sưa, không ai còn nhận thấy nét già nua, đau ốm nào trên gương mặt Trần Văn Khê. Ông đã luôn cháy lên như thế mỗi khi đắm mình với nghệ thuật dân tộc, bằng lời và bằng nhạc.

Đến thăm giáo sư Trần Văn Khê một ngày cuối năm 2012, câu chuyện giữa chủ khách đã theo các sổ ghi chép và hình ảnh mà lần trở lại những kỷ niệm xa gần liên quan đến sự nghiệp của ông. Ông lướt qua rất nhanh, thậm chí bỏ qua những gì ông cho là không còn quan trọng nữa. Tỉ như những giải thưởng, những danh hiệu của các chính phủ, các tổ chức quốc tế và cả Chính phủ Việt Nam đã trao cho ông trong hơn nửa thế kỷ qua. Chúng rất nhiều và không phải không có ý nghĩa.

Nhưng giờ đây, với tư cách là nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, quan trọng nhất với ông vẫn là những ngày cuối đời này làm sao góp phần nhiều hơn nữa vào việc nghiên cứu, giảng dạy và quảng bá để âm nhạc dân tộc thực sự làm rung động và đi vào tâm cảm của người đương thời, nhất là người trẻ. Ông sợ cách làm cẩu thả, chiếu lệ, thiếu cảm xúc và thiếu cả kỹ năng sẽ làm cho âm nhạc dân tộc mất đi khả năng lay động khán giả đương thời, cho dù di sản ấy thực sự quý giá và đặc sắc.

Ông muốn những Thúy Hoan, Đỗ Lộc, Trần Quang Hải, Phạm Thị Huệ, Huỳnh Khải, Hải Phượng, Đức Dũng, Anh Tấn, Nhứt Dũng, Văn Môn, Lê Tứ, Đinh Linh, Tuyết Mai… và những điểm sáng khác được nhân ra nhanh hơn, nhiều hơn thay vì còn ít như hiện nay.

Và trong khi mọi sự chưa phải đã được như mong muốn, Trần Văn Khê vẫn tự mình tham gia các chương trình giảng dạy và giới thiệu âm nhạc dân tộc cho người trẻ. Thực hiện dự án “Dạy âm nhạc dân tộc trong bậc tiểu học” ở Trường tiểu học Trần Hưng Đạo. Lên truyền hình biểu diễn các bài dân ca Bắc, Trung, Nam cùng các cháu bé ở Nhà Thiếu nhi quận 1. Nhìn ông mặc áo dài khăn đóng, mái tóc bạc phơ say sưa hát tung hứng với các diễn viên nhí, ai mà biết được mắt ông đã mờ đi nhiều lắm và đi lại đã rất khó khăn.

Gần đây nhất, ngày 22-11-2012 ông nhận lời làm diễn giả trong chương trình “Đi tìm tiếng nói thế hệ” do PACE tổ chức. Với đề tài “Người trẻ và âm nhạc dân tộc”, ông không nói với hơn 600 bạn trẻ về khả năng dâng hiến, về khát vọng thành công, về tính độc lập trong tư duy. Đó là phần luận bàn của các chuyên gia khác. Ông đi xe lăn đến diễn đàn này để trò chuyện với những người trẻ về cảm xúc mà mỗi con người cần phải có, phải giữ để làm nên độ mặn nhạt trong lối sống của mình. Nguồn cội văn hóa sẽ cho người ta một phần rất quan trọng của cảm xúc đó.

Ông giải thích một cách giản dị cho cử tọa trẻ nghe về sự khác biệt của ca trù, ca Huế, chầu văn, nhã nhạc, nhạc tài tử…, về sự tinh tế của dòng nhạc dân gian và sự thâm trầm của dòng nhạc bác học trong âm nhạc dân tộc. Và, bằng chất giọng còn rất trầm ấm nhưng hơi lực chẳng còn như ý, ông đã cất tiếng hát cho các bạn trẻ nghe những điệu ru của miền Nam, miền Trung và miền Bắc.

“Ví dầu con cá nấu canh/Bỏ tiêu cho ngọt bỏ hành cho thơm”. Nỗ lực ngân nga của ông, nét biểu cảm của bài ru trên gương mặt của một người đã đi qua chín mươi hai năm cuộc đời đã làm xúc động thế hệ 7X, 8X, 9X. Tiếng vỗ tay nhiều lần và kéo dài trong khán phòng như thay cho sự chia sẻ và lời tri ân dành cho ông - người mà cả đời tự gánh lấy trách nhiệm giữ gìn và truyền đến mọi người ngọn lửa tình yêu với âm nhạc dân tộc. Vượt qua sự thông thường, câu chuyện về âm nhạc truyền thống Việt Nam có phần nỗ lực minh họa sống động của ông trở thành bức thông điệp về một giá trị văn hóa đặc sắc mà cha ông để lại cho con cháu.

Đến nhà Trần Văn Khê ở Sài Gòn, nếu may mắn gặp chủ nhà, khách có thể sẽ được nghe nhiều câu chuyện thú vị. Như là câu chuyện sau đây mà nếu muốn, khách có thể lục lọi trong Thư viện Trần Văn Khê (đặt tại nhà ông hiện nay) để biết. Đó là chuyện ông - với tư cách là người Việt Nam đầu tiên được Đại học Sorbonne Paris trao bằng tiến sĩ âm nhạc học với đề tài “Âm nhạc truyền thống Việt Nam” (La Musique Vietnammienne (traditionnelle) - đã may mắn có cơ hội được giao soạn thảo chín trang về lịch sử âm nhạc Việt Nam trong Encyclopedie de la Pleiade vào cuối năm 1958. Đó là lần đầu tiên âm nhạc Việt Nam được góp mặt vào hệ thống công cụ tra cứu tri thức thế giới.

Đó cũng là một điểm tựa tinh thần, “danh chính ngôn thuận” để Trần Văn Khê thêm tự tin dấn thân vào sự nghiệp quảng bá miệt mài các giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam ở Pháp, ở Hội đồng quốc tế âm nhạc Unesco và nhiều trung tâm nghiên cứu quan trọng khác. Nhờ đó và cùng với sự góp sức từ nhiều bạn bè, đồng nghiệp của Trần Văn Khê mà nhiều năm sau nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên, ca trù… được Unesco vinh danh là kiệt tác di sản truyền khẩu phi vật thể của nhân loại.

Cũng có thể khách sẽ được nghe câu chuyện ca trù nhiều năm bị quên lãng ở miền Bắc Việt Nam đã “sống lại” như thế nào. Đó là năm 1976, giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê lần đầu về thăm đất nước theo lời mời của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhiều cơ quan ở Hà Nội đã mời ông đến nói chuyện: Hội nhạc sĩ Việt Nam, Trường Âm nhạc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Đài Tiếng nói Việt Nam…

Ở đâu ông cũng nói về giá trị đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam và tầm quan trọng của việc giảng dạy, quảng bá, khai thác đúng nguyên tắc để bảo tồn và phát huy vốn cổ. Sau đó ít lâu, thính giả rất ngạc nhiên nghe trên sóng phát thanh quốc gia tiếng tom chát của ca trù, cả tiếng giới thiệu vang vang của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Với lần xuất hiện đó, ca trù đã đàng hoàng góp mặt vào đời sống âm nhạc đương đại. Nguyễn Xuân Khoát đã viết cho Trần Văn Khê bức thư vẻn vẹn một dòng “Sự kiện anh về nước đã động viên tôi rất nhiều. Cảm ơn anh”. Lời cảm ơn ấy không mảy may xã giao mà từ đáy lòng một người hằng thiết tha với nghệ thuật ca trù.

Khê nghĩa là suối. Trần Văn Khê một đời qua ví như dòng suối chảy ra biển cả rồi lại ngược về nguồn, đã đậm đà vị mặn nhưng không hề bớt trong mát. Những điều ích lợi mà ông đã làm cho dân tộc mình theo cách riêng của ông đã được quê hương xứ sở ghi nhận sau những năm dài. Tết Quý Tỵ năm nay, theo cách tính của ông bà, Trần Văn Khê bước vào tuổi 93. Trong lời kết cuốn sách sắp xuất bản dịp đầu năm tới ông viết về Phạm Duy - người bạn sinh cùng tuổi con gà, tình thân quyện chặt với nhau già nửa thế kỷ, mỗi câu đều thấm đẫm tâm sự của một người đã nghiền ngẫu trải nghiệm tri hành nghề nghiệp cùng thời cuộc:

“Chúng ta đã đến, đã đi và đã về, đã làm và đã sống, đã yêu và đã mơ, đã thăng và đã trầm, đã cười và đã khóc… qua hai thế kỷ nay. Nhưng Duy ơi, một kiếp nhân sinh với bao năm tháng trôi chảy không ngừng nghỉ, có lúc này cũng có lúc khác, những câu chuyện cứ tiếp nối nhau không dứt, thì Khê cũng như Duy, Duy cũng như Khê, đều mỉm cười và mong rằng:

Nhưng cuối bước đi trăm năm một lần
Đầu cành khô bỗng hoa nở tràn”

(Người tình già trên đầu non).

GS.TS Trần Văn Khê: ra biển lớn, hãy có Việt Nam trong máu thịt

07/11/2011   
blank
Giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê - Ảnh: Minh Đức

TTO - Để khép lại diễn đàn Đi học nước ngoài làm sao giữ chất Việt?, Tuổi Trẻ Online có cuộc trò chuyện với GS.TS Trần Văn Khê - cây đại thụ của âm nhạc dân tộc - người một đời nặng lòng với những giá trị truyền thống và có 55 năm sống nơi xứ người.

* Trong thời gian diễn ra diễn đàn, khá nhiều khía cạnh đã được bạn đọc - trong đó có không ít du học sinh - nêu ra như: những yếu tố nào sẽ giúp neo giữ du học sinh với cội nguồn, lòng tự trọng khi ra nước ngoài, mỗi du học sinh có phải là một sứ giả văn hóa… Đi học nước ngoài làm sao giữ chất Việt? quả là câu hỏi lớn. Giáo sư vui lòng chia sẻ những trải nghiệm của giáo sư về vấn đề này khi học và sinh sống tại Pháp?

- Tôi sang Pháp học tập năm 28 tuổi. Ở độ tuổi ấy, tôi đã thấm nhuần nền văn hóa dân tộc, đặc biệt là âm nhạc dân tộc vì tôi may mắn được sanh trưởng trong một gia đình hai bên nội ngoại đều là những người trong giới nhạc truyền thống. Những giá trị ấy vốn đã dính liền với máu thịt thì việc giữ chất Việt khi đi học nước ngoài không có gì khó khăn với tôi.

Những người bôn ba nơi xứ người khi nhớ Việt Nam thường tìm đến các món ăn, riêng tôi, tôi thường lên dây đờn, gảy lên vài khúc và luôn cảm thấy “đờn reo đất nước thấy thêm gần”.

Tôi giữ được chất Việt khi sống thời gian dài ở xứ người còn là nhờ đọc báo Việt thường xuyên, tham gia các hoạt động của Hội những người Việt Nam ở Pháp… Nhờ vậy tôi thấy Việt Nam tuy xa trong không gian nhưng luôn luôn gần trong tâm trí.

"Việc học tập, làm việc phải sử dụng thường xuyên tiếng nước ngoài không phải là cái cớ để quên tiếng Việt hay chen tiếng nước ngoài vào khi đang nói chuyện bằng tiếng Việt.

55 năm sống ở Pháp nhưng khi nói chuyện bằng tiếng Việt thì hết sức tự nhiên, tôi không bao giờ chen tiếng Tây vào. Khi một số báo chí khen tôi về điều đó thì tôi thấy buồn vì tôi nghĩ đó là chuyện hiển nhiên. Vậy mà với một số người nó lại là chuyện khó làm!" - giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê

* Giáo sư nghĩ gì về việc đặt tên Tây, nói tiếng Việt xen lẫn tiếng Tây của một số du học sinh?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc lấy tên Tây, dầu với lý do để tiện làm việc với người nước ngoài. Và bao nhiêu năm nay cũng không ai gợi ý với tôi việc ấy. Không ít khi người nước ngoài phát âm sai tên tôi nhưng tôi không lấy đó làm phiền, vì thực ra chúng ta đôi khi vẫn phát âm sai tên người nước ngoài.

Mỗi khi nghe tên mình được xướng lên bởi những người bạn quốc tế, tôi rất hãnh diện. Nếu họ gọi tên tôi bằng tiếng nước ngoài có lẽ tôi sẽ cảm thấy lạc lõng lắm.

Tôi cảm thấy rất thú vị và yêu tiếng nói của dân tộc mình. 55 năm sống ở Pháp, đi qua nhiều nước và vùng lãnh thổ để giới thiệu âm nhạc Việt Nam, tôi có dịp thưởng thức cái hay của tiếng nước ngoài song vẫn luôn yêu mến cái thân thuộc, gần gũi của tiếng Việt.

Đọc một bài thơ Pháp, tôi cảm nhận được cái hay nhưng vẫn không cảm xúc bằng khi đọc một câu Kiều, một bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan… Vậy nên, nói và viết đúng tiếng Việt là chuyện hết sức tự nhiên. Khi con trai tôi (Trần Quang Hải) sang Pháp sinh sống, hai cha con hằng ngày nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt.

Tôi cũng nhận thấy hiện tượng nhiều bạn trẻ nói tiếng Việt chen tiếng Tây. Thực ra, việc ấy thì ở thế hệ tôi cũng có rất nhiều và những người nói như thế hay bị trêu là “đầm quốc ngữ”. Có lần, một cậu học trò ở Pháp nói với tôi rằng: “Thưa thầy, con rất muốn thu âm phần trò chuyện của thầy. Con xin phép về nhà wipe cái tape của con rồi tối nay con sẽ record thầy”.

Tôi nhẹ nhàng góp ý ngay: “Tiếng Việt mình đâu có thiếu chữ đâu con. Sao con không nói: con xin phép về nhà xóa cái băng để tối nay con thâu âm lời thầy?”. Cậu học trò cười: “Ở bên này nói vậy riết rồi con quen! Nói tiếng Anh vậy cho nhanh, khỏi suy nghĩ mắc công”.

Việc nói tiếng Việt chen tiếng Tây sẽ thể hiện ba điều sau: một là người đó yếu tiếng Việt, hai là lười tư duy - tức chỉ muốn nói sao cho mau, cho tiện và thứ ba là cố gắng tỏ ra ta đây “hiện đại”.

Nếu chỉ 1-2 cá nhân nói theo kiểu đó thì không có gì nghiêm trọng, nhưng nếu số đông nói thế thì nguy cho tiếng Việt. Người nước ngoài họ nghe thấy lại nghĩ tiếng Việt mình không đủ từ.

Thực ra, khi gặp người nói chuyện lẫn lộn tiếng ta tiếng Tây, tôi không trách mà chỉ buồn khi môi trường sống lại ảnh hưởng đến ngôn ngữ như thế. Tôi cũng không nghĩ đó là biểu hiện của sự “mất gốc” như cách nói, cách nghĩ của một số người. Nếu còn yêu thương Việt Nam, còn mang trái tim Việt Nam thì mỗi người khi ra nước ngoài sẽ càng biết trân trọng tiếng nói Việt Nam hơn.
blank
Giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê tại sân bay Orly, Paris, Pháp năm 1951 - Ảnh: nhân vật cung cấp

* Có một du học sinh ở Pháp trăn trở: “Ngoại trừ những buổi lễ do người Việt tổ chức, còn trong đời thường hay khi đến trường, chưa từng thấy nữ sinh Việt Nam mặc áo dài. Còn với các nam sinh, chưa bao giờ thấy họ mặc áo dài khăn đóng dù trong các buổi lễ lớn”. Liệu băn khoăn ấy có dễ đồng cảm không, thưa giáo sư?

- Tôi nghĩ bạn trẻ ấy cũng không cần quá trăn trở như vậy, vì việc các nữ sinh Việt Nam ở nước ngoài đi học mặc áo dài thì sẽ trở nên khác biệt và cũng không tiện lắm khi đi xe đạp, xe buýt. Còn việc các nam sinh Việt Nam ít khi mặc áo dài khăn đóng thì việc này trong nước còn hiếm huống hồ ở xứ người.

Riêng tôi, từ trước đến nay, khi biểu diễn đờn dân tộc, khi nói về âm nhạc dân tộc Việt Nam, tôi luôn mặc áo dài khăn đóng. Đặc biệt, trong những dịp giao lưu âm nhạc dân tộc các nước, tôi nghĩ tôi sẽ xấu hổ lắm nếu không mặc trang phục truyền thống của dân tộc.

Tôi cũng đọc được các ý kiến buồn về việc các du học sinh khi về nước ăn mặc cũng “tây hóa”. Vấn đề này thuộc về văn hóa trang phục, tôi không quá khắt khe trong việc ăn mặc nhưng quan trọng là phải biết nên mặc sao cho trang trọng, phù hợp với hoàn cảnh, để tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình.
blank
Giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê - Ảnh: nhân vật cung cấp

* Có một du học sinh nói rằng đôi khi thấy xấu hổ khi giới thiệu mình là người Việt Nam vì người Việt Nam có nhiều cư xử không đẹp khi ở nước ngoài như không xếp hàng, ồn ào nơi công cộng… Sự tự ti này có thể được thấu hiểu không, thưa giáo sư?

- Tôi nghĩ sự xấu hổ này là biểu hiện của sự thiển cận, không có tầm nhìn xa khi chỉ nhìn thấy những biểu hiện chưa tốt của một thiểu số mà không biết nhìn thấy cái hay cái đẹp của cả dân tộc. Người Việt ra nước ngoài cũng có rất nhiều người được kính trọng, được đánh giá cao. Khi tham gia các sự kiện và nói về văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế, tôi không hề tự ti vì tôi nắm vững Việt Nam mình có gì hay. Quan trọng là cách nhìn, cách ứng xử và tầm nhìn của mỗi người.
blank
Giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê (bìa trái) trong một chương trình sinh hoạt định kỳ về hát bội diễn ra tại tư gia ở TP.HCM - Ảnh: nhân vật cung cấp

* Có ý kiến cho rằng mỗi du học sinh Việt là một sứ giả văn hóa, điều này liệu có quá to tát, nặng nề?

- Theo tôi, điều này không có gì to tát mà đó là lẽ thông thường, không chỉ với du học sinh mà với bất cứ ai đi nước ngoài đều phải là sứ giả văn hóa, để người nước ngoài nhìn vào đó mà có ấn tượng về đất nước, con người Việt Nam.

Tôi tự xem mình có phận sự là một sứ giả văn hóa lưu động để thông qua tôi, bạn bè năm châu thêm yêu mến dân tộc Việt Nam. Không có gì mâu thuẫn giữa việc hòa nhập với môi trường sống với việc làm sứ giả văn hóa.

Hòa nhập có nghĩa là học lấy cái tốt của người khác để sống cùng họ cho phải lẽ, đúng mực chứ không phải biến mình thành người khác.

Muốn làm tốt vai trò sứ giả văn hóa, bạn trẻ Việt cần phải biết cái hay, cái tính tốt của dân tộc mình, đó chính là sự lễ độ, khẳng khái. Phải hiểu rằng lễ độ khác với nhu nhược, khẳng khái khác với ngang tàng.

Các bạn trẻ cũng cần có kiến thức chung về văn hóa, lịch sử để trong mắt bạn bè quốc tế, mình không dốt nát về văn hóa Việt. Lẽ dĩ nhiên, trong vấn đề này, gia đình, nhà trường, xã hội và bản thân người trẻ phải có ý thức trau dồi mỗi ngày.

* Trân trọng cảm ơn giáo sư vì cuộc trò chuyện này.

TRUNG UYÊN thực hiện
05 Tháng Tư 2015(Xem: 9509)
Nữ trí thức trẻ ấy có gương mặt xinh đẹp, thanh tú rất Pháp và cái tên cũng hoàn toàn Pháp: Amandine Dabat, sinh năm 1987 ở Paris, tốt nghiệp cử nhân Việt Nam học tại Pháp năm 2012. Vẻ đẹp rạng rỡ, phong cách ứng xử tinh tế và diễn ngôn lưu loát của cô làm dịu đi cái nắng xuân oi bức Sài Gòn tháng 3.2015.
08 Tháng Ba 2015(Xem: 7960)
Lãnh đạo Cộng Hòa Thượng Viện Bob Huff, Thượng Nghị Sĩ Pat Bates, Dân Biểu Matt Harper, và Dân Biểu Don Wagner cùng tham gia với Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn trong công việc này
01 Tháng Ba 2015(Xem: 8128)
Trong khi mọi người đang đua nhau đi hành hương, đi trẩy hội, đi du xuân trong những ngày đầu năm Tết Ất Mùi, một thanh niên từ phía Bắc đơn độc khởi hành chuyến đi bộ xuyên Việt để quyên sách tặng người nghèo.
26 Tháng Hai 2015(Xem: 9039)
Bất chấp những lời kêu gọi lẫn phản đối, lễ hội chém lợn truyền thống hằng năm vẫn được tổ chức đúng ngày mùng 6 Tết ở làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, với tham dự của hàng ngàn người.
24 Tháng Hai 2015(Xem: 7652)
- Đối với nông dân miền Trung, từ Phú Yên đến Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, dường như Tết Ất Mùi là một cái Tết rất buồn bởi ngoại trừ giá xăng và giá gas giảm, mọi thứ vẫn tăng vùn vụt kể cả tiền điện sinh hoạt hằng ngày. Trong khi đó, giá nông sản miền Trung như rau hành, cải, hẹ, dưa leo, đậu tây lại có giá thấp lè tè, thấp đến mức không thể tưởng tượng được người nông dân lấy gì để sắm Tết.
27 Tháng Giêng 2015(Xem: 10588)
Mùa đông rét nhưng ngày cũng như đêm, người, xe máy, thức ăn, hàng họ … tràn ngập, chen chúc từ ngoài đường vào các ngõ, ngách, không thấy đâu là chủ nghĩa xã hội trừ vài khẩu hiệu cũ kỹ treo hoặc viết lạc lõng đâu đó Giới trẻ Hà Nội và Tây Ba lô ngồi la liệt ở phố Tạ Hiện ăn uống đủ kiểu về đêm
22 Tháng Giêng 2015(Xem: 9182)
Đoạn băng ghi lại cảnh ân ái của một vị được cho là tăng nhân đang tu hành tại một ngôi chùa ở tỉnh Khánh Hòa bị tố cáo là ‘đã bị cắt ghép’ để đưa hình ảnh vị tăng nhân này vào, vị luật sư thụ lý vụ việc nói với BBC.
18 Tháng Giêng 2015(Xem: 8382)
Bị thầy cô công khai xúc phạm danh dự, áp đảo tinh thần, và thậm chí còn bị quy là ‘xích động phản động’ vì dám lên Facebook chia sẻ những ghi nhận và suy nghĩ về cái chết oan khuất của một bạn cùng trường sau trận đòn của cô giáo. Đó là câu chuyện của một số học sinh trường trung học cơ sở Phan Bội Châu (phường Tân Phú, TPHCM) mà Tạp chí Thanh Niên đài VOA mang đến các bạn trong chương trình hôm nay.
16 Tháng Giêng 2015(Xem: 8543)
Hà Nội có cây cầu mới. Phải nói là đẹp và hoành tráng nhất từ trước đến nay. Năm trụ cầu vươn lên sừng sững giữa trời tượng trưng cho năm cửa ô hay năm cánh hoa đào của làng đào Nhật Tân ngay dưới chân cầu.
13 Tháng Giêng 2015(Xem: 10485)
- Hòa thượng Thích Không Tánh đã kiến nghị đến ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Nguyễn Hoài Nam, phó Chủ tịch UBND quận 2, yêu cầu nhà cầm quyền tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân và phải bảo vệ các Cơ sở Thờ tự tại bán đảo Thủ Thiêm.
11 Tháng Giêng 2015(Xem: 9172)
Một học sinh cấp hai ở TP HCM thiệt mạng sau khi bị cô giáo đánh đòn hôm 6/1. Em Lê Thị Phước Hải 11 tuổi học lớp 6/7 trường trung học Phan Bội Châu, quận Tân Phú, đã tử vong sau khi bị cô giáo dạy môn Công nghệ cặp những chiếc thước học sinh lại đánh vào mông. Báo Tuổi Trẻ ngày 9/1 nói em bị cô giáo tên Vy phạt là vì không thuộc bài, nhưng bạn bè cùng lớp cho gia đình em biết Hải bị phạt vì nói chuyện trong giờ học.
08 Tháng Giêng 2015(Xem: 9542)
Sáng 6-1, ông Phan Thanh Vân, chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB&XH tỉnh Tiền Giang) cho biết thanh tra sở vừa triển khai quyết định xử phạt vi phạm hành chính về phòng chống tệ nạn xã hội đối với bà Lê Thị Kim Huyền (44 tuổi, ngụ P.11, Q.3, TP.HCM) chủ quán Karaoke Mai Vàng tại TP. Mỹ Tho, Tiền Giang.
01 Tháng Giêng 2015(Xem: 10211)
Am Dược (còn có tên là am Thuốc) ở trên sườn dãy núi Thanh Long phía đông chùa Hoa Yên, được vua Trần Nhân Tông dựng lên trước khi về Yên Tử. Dựa vào kết cấu kiến trúc và các loại hình vật liệu, di vật đồ gốm sứ, am được xác định có niên đại từ thời Lê Trung Hưng và kéo dài đến thời Nguyễn.