Vụ công an đánh chết dân: Án không đủ sức răn đe?

16 Tháng Tư 201511:39 CH(Xem: 8490)
"NHẬT BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ SÁU 17 APRIL 2015
Vụ công an đánh chết dân: Án không đủ sức răn đe?
blank
Luật sư Võ An Đôn trong phiên xử vụ công an đánh chết nghi phạm Ngô Thanh Kiều.

VOA Tiếng Việt

15.04.2015

Sau nhiều ngày xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên hôm 15/4 đã kết án 6 công an với mức án từ 9 tháng tới 8 năm tù giam trong vụ đánh chết ông Ngô Thanh Kiều.

Ông Lê Đức Hoàn, nguyên Phó công an thành phố Tuy Hòa phải nhận mức án 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với thời gian thử thách 18 tháng.

Trong phiên xử sơ thẩm lần hai, 5 cấp dưới của ông Hoàn bị tòa tuyên phạt mức án từ một cho tới 8 năm tù giam về tội Dùng nhục hình.

Ngoài ra, tòa án đã bác đề nghị chuyển tội danh từ Dùng nhục hình sang Giết người của ông Võ An Đôn, luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình ông Kiều.

Sau phiên tòa, luật sư Đôn nói với VOA Việt Ngữ rằng bản án “quá nhẹ và bỏ lọt nhiều tội”.

Ông nói: “Các bị cáo dùng dùi cui, thay nhau đánh từ 8 giờ sáng tới 2 giờ chiều, đánh chết anh Kiều, với 72 vết thương, trong đó có 12 vết thương ở phần đầu, và toàn bộ nội tạng bị đánh dập nát hết. Hành vi này đã cấu thành tội giết người, nhưng mà xử tội dùng nhục hình là không đúng. Sau khi tòa tuyên án, thấy mức án quá thấp, chị Tuyết, chị anh Ngô Thanh Kiều, đã la lên và làm cho hội đồng náo loạn”.

Luật sư đại diện cho gia đình nạn nhân cho biết, an ninh tại phiên tòa đã được tăng cường rất “nghiêm ngặt” vì “sợ người dân, người dự phiên tòa phẫn nộ vì mức án nhẹ”.

Ông cũng nói “chưa biết được ý của gia đình người bị hại như thế nào” vì “họ đang có xích mích”.

“Nhưng mà nếu có kháng cáo thì tôi sẽ giúp tới cùng,” ông Đôn nói.

Ông Đôn là người đã tình nguyện tham gia bào chữa miễn phí cho gia đình ông Kiều vì muốn làm sáng tỏ vụ việc mà theo ông còn nhiều khuất tất.

'Tác dụng ngược'

5 công an thành phố Tuy Hòa năm ngoái tuyên phạt các mức án từ một năm tù treo đến 5 năm tù giam vì đã dùng nhục hình dẫn tới cái chết của ông Kiều cách đây 3 năm.

Ông Kiều bị giải về đồn lúc 3 giờ sáng năm 2012 dù không có lệnh bắt vì bị nghi tham gia vào một vụ trộm cắp. 14 giờ đồng hồ sau đó, gia đình ông đã được yêu cầu tới bệnh viện nhận thi thể thân nhân với  nhiều vết thương trên người.

Sau khi gây ra nhiều phản ứng trong dư luận, bản án này sau đó bị hủy để điều tra lại, và ông Hoàn đã bị khởi tố bị can về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong phiên xử mới nhất, tòa cho rằng “mức án với từng bị cáo đã đủ sức răn đe, giáo dục”. Tuy nhiên, luật sư Đôn không nghĩ vậy.

Còn nếu xử không nghiêm, xử nhẹ, thì người ta không có sợ. Tình trạng dùng nhục hình ở Việt Nam rất là phổ biến, và chuyện chết trong nhà tạm giữ, tạm giam là hậu quả của dùng nhục hình, và số lượng thì cũng nhiều. Trình độ thấp nên người ta phải dùng nhục hình, đánh đập để lấy lời khai. Việc đó xảy ra tràn lan, gây nhức nhối trong xã hội.

Luật sư Võ An Đôn nói.

Ông nói với VOA Việt Ngữ: “Mức án nhẹ như thế không đủ sức để răn đe tội dùng nhục hình bởi vì thấy mức án nhẹ thì người ta tiếp tục đánh thôi, người ta không sợ. Nó có tác dụng ngược. Nếu mà nhà nước muốn tình trạng bạo hành giảm trong ngành công an, đặc biệt là việc dùng nhục hình đối với người bị cầm giữ, bị can, bị cáo, thì phải xử nghiêm".

Luật sư này nói thêm: "Còn nếu xử không nghiêm, xử nhẹ, thì người ta không có sợ. Tình trạng dùng nhục hình ở Việt Nam rất là phổ biến, và chuyện chết trong nhà tạm giữ, tạm giam là hậu quả của dùng nhục hình, và số lượng thì cũng nhiều. Trình độ thấp nên người ta phải dùng nhục hình, đánh đập để lấy lời khai. Việc đó xảy ra tràn lan, gây nhức nhối trong xã hội”.

Thời gian qua, báo chí trong nước đã đăng tải nhiều vụ việc công an sử dụng “nhục hình” để lấy cung. Mới nhất, đầu tháng này, cơ quan điều tra VKSND Tối cao vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án 2 nguyên cán bộ Công an tỉnh Sóc Trăng dùng nhục hình.

Theo kết luận, những người vừa kể đã “dùng nhục hình với nhiều người, ép buộc những người không phạm tội phải khai nhận đã có hành vi phạm tội giết người là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Báo cáo của Bộ Công an công bố tháng trước cho thấy, từ ngày 10/1/2011 tới ngày 30/9/2014, có 226 đối tượng chết trong nhà tạm giữ, trại tạm giam.

Theo báo chí trong nước, trong khoảng thời gian đó, cơ quan điều tra các cấp đã tiếp nhận và giải quyết 46 đơn tố cáo điều tra viên và cán bộ điều tra có hành vi bức cung, dùng nhục hình, và có 40 cán bộ điều tra bị khởi tố vì hành vi này./
01 Tháng Tư 2022(Xem: 4357)
13 Tháng Năm 2016(Xem: 18451)
18 Tháng Tư 2016(Xem: 9196)