40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Không thể quên!

14 Tháng Hai 201910:15 CH(Xem: 5843)

VĂN HÓA ONLINE - TRANG CỦA LÍNH - THỨ SÁU 15 FEB 2019


image007

Ảnh tư liệu TTXVN


40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (17.2.1979-17.2.2019)


Hồi ức của vị tướng chỉ huy mặt trận Vị Xuyên


LĐO | 13/02/2019


image044


Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (thứ hai từ trái sang) thăm lại chiến trường xưa ở Hà Giang năm 2013. Ảnh: VIỆT VĂN


Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy sinh năm 1931, nguyên Quyền Tư lệnh Quân khu 2, đã trải qua ba cuộc chiến tranh: Chống Pháp, chống Mỹ và chống quân xâm lược phương Bắc. Đã xấp xỉ tuổi 90, nhưng tướng Huy vẫn cực kỳ minh mẫn, giọng nói sang sảng và ký ức của ông vẫn ghi dấu mốc những sự kiện, con số rõ mồn một của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 40 năm về trước…


Cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ nhất


Ông kể lại: Sau chiến thắng 30.4.1975, chưa kịp khắc phục hậu quả hơn 30 năm chiến tranh để lại, chúng ta đã phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược của bọn “Khmer Đỏ” dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của thế lực bên ngoài, tấn công 2 tỉnh Kiên Giang và An Giang, giết hại hàng vạn đồng bào ta. Để trừng trị quân xâm lược và thể theo nguyện vọng của lực lượng cách mạng yêu nước chân chính Campuchia, quân tình nguyện VN đã cùng với lực lượng cách mạng yêu nước chân chính Campuchia đã tiêu diệt, làm tan rã toàn bộ Khmer Đỏ, cứu nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng.


Để cứu Khmer Đỏ đang bị tiêu diệt và tan rã, ngày 17.2.1979, Trung Quốc thực hiện cuộc tiến công quy mô lớn tại các tỉnh biên giới phía Bắc.


Theo tướng Huy, cuộc chiến 17.2.1979 chúng ta đã biết trước sẽ xảy ra, nhưng không biết chính xác ngày nào, chỉ đến khi xe tăng Trung Quốc tràn sang… Cuộc chiến tranh xâm lược nổ ra với trên 60 vạn quân, hàng nghìn xe tăng, pháo binh, hàng vạn dân binh Trung Quốc đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Cao điểm là 3 thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai.


Để chống quân xâm lược, cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã ra lệnh Tổng động viên cả nước đứng lên cầm súng tiêu diệt quân thù. Theo tướng Huy: Đây có thể coi là Hịch non sông đất nước “thời đại Hồ Chí Minh”. Và chỉ trong hơn 20 ngày, quân dân VN đã tiêu diệt hơn 15 nghìn quân bành trướng, diệt hàng nghìn xe tăng, pháo, xe ôtô các loại… khiến chúng phải rút quân về bên kia biên giới.


Từ tháng 4.1979 cho đến tháng 4.1984, mặt trận vẫn không im tiếng súng nhưng chỉ rải rác các trận đánh nhỏ, cho đến ngày 28.4.1984, Trung Quốc lại mở cuộc tấn công xâm lược lần thứ hai vào biên giới VN với hơn 50 vạn quân, hơn 400 pháo lớn các loại, hàng nghìn xe cơ giới, tập trung vào biên giới Vị Xuyên - Hà Tuyên (nay là Hà Giang) với mục đích: Tiếp tục phá hoại công cuộc tái thiết kinh tế của VN, đồng thời lấn chiếm một phần đất của ta tới bắc suối Thanh Thủy, sâu vào đất ta 5km.


“Lò vôi thế kỷ” và cuộc chiến kỳ lạ nhất


Tướng Huy lúc đó là Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên, nhớ lại: Cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai này có 3 cái nhất.


Quy mô nhất (sau 30.4.1975): Địch huy động hơn 50 vạn quân, hơn 20 sư đoàn, hơn 177 trung đoàn bộ binh, 4 sư đoàn pháo binh… VN cũng huy động hàng chục sư đoàn, trung đoàn chủ lực, địa phương, hàng vạn dân quân du kích, dân công phục vụ cuộc chiến.


Ác liệt nhất: Hàng ngày địch bắn vào đất VN từ 3 vạn đến 5 vạn viên đạn pháo lớn, có đợt 3 ngày liên tục, chúng bắn tới 15 vạn viên pháo. Tổng kết 5 năm địch đã bắn hơn 1 triệu 800.000 viên đạn pháo lớn vào ra, những ngọn núi đá trong khu vực tác chiến vỡ trắng như miệng các lò vôi, nên quân ta gọi là “lò vôi thế kỷ”.


image045image046image047

Tuyên bố của Chính phủ Nước CHXHCNVN trên Báo Nhân Dân số ra ngày 18.2.1979; Tuyên bố của Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của những người cầm quyền Trung Quốc trên trang 2 Báo Lao Động số ra ngày 22.2.1979; Lệnh Tổng động viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng trên Báo Hà Nội Mới ra ngày 6.3.1979. Ảnh chụp tư liệu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.


Theo con số từ Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tính từ 17.2 đến 13.8.1979, quân và dân ta đã gây tổn thất cho 9 quân đoàn chủ lực, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn...


Đây cũng là cuộc chiến kỳ lạ nhất vì ta và địch xen kẽ nhau, bám lấy nhau mà đánh có ngày tới 2 - 3 trận. Và suốt 5 năm, địch không lấn nổi vào đất liền 2km. Cách đánh của bộ đội ta cũng rất linh hoạt, lúc đánh công khai, lúc đánh bí mật và nhiều trận dùng pháo nghi binh. Công tác chuẩn bị cho từng trận đánh rất chu đáo, có những trận mà các chỉ huy từ tham mưu trưởng đến tư lệnh mặt trận trực tiếp xuống hướng dẫn, huấn luyện anh em từ cách bám núi đá leo trèo để không lộ bí mật đến cách sử dụng pháo cho mặt trận...


Điều đặc biệt ở chỗ từ làng Ping lên chốt đánh khoảng 5km nhưng từ làng Ping về thị xã Hà Giang lại là cuộc sống bình yên không tiếng súng. Chợ búa buôn bán, quán càphê, quán phở ở thị xã vẫn hoạt động bình thường. Duy có 1 cửa hàng phục vụ tuyến lửa 24/24 để phục vụ bộ đội từ chốt về ăn uống và các nhu yếu phẩm thông dụng nhất.


Anh em chiến đấu xong có khi về Thanh Thủy tắm rửa, nghỉ ngơi rồi lại vác súng đi chiến đấu. Nhưng tuyệt nhiên không có ai bỏ về.


Tình cảm quân dân của bộ đội với đồng bào Hà Giang rất đậm đà. Dân thường xuyên tiếp tế cho bộ đội và nhiều anh lính kết thúc chiến tranh đã ở lại thành rể Hà Giang.


Có dịp đi cùng tướng Huy và một số tướng lĩnh quân đội vào năm 2013, phóng viên Báo Lao Động đã chứng kiến nhiều cảnh bùi ngùi tay bắt mặt mừng của tướng Huy với đồng bào ở thị xã. Kể cả cô chủ cửa hàng tuyến lửa xưa kia nay là chủ quán càphê Cây táo còn cửa hàng thì nay trở thành nhà khách.


Nhưng với tôi, hình ảnh xúc động nhất là tướng Huy đi thắp hương ở nghĩa trang Vị Xuyên.


Trong buổi chiều chạng vạng hôm đó, ông lang thang đi khắp các ngôi mộ, dò tìm tên các liệt sĩ, thắp hương cho anh em. Và ông đứng trước các ngôi mộ trào nước mắt…


“Tình đồng đội trong chiến tranh là điều cao quý nhất”. Tướng Huy từng nói với tôi như thế.


Gần 3.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy


Khi được hỏi điều gì khiến ông day dứt nhất hay ám ảnh nhất về cuộc chiến ở Vị Xuyên?


Tướng Huy im lặng một lúc rồi bùi ngùi, giọng trầm hẳn xuống: Đó là việc chúng ta có gần 5.000 liệt sĩ hy sinh nhưng vẫn còn gần 3.000 hài cốt chưa được tìm thấy. “Đau xót lắm. Vì thế chúng tôi quyết tâm thành lập Ban liên lạc cựu chiến binh măt trận Vị Xuyên để tạo điều kiện giúp đỡ các đồng chí đã chiến đấu ở biên giới phía Bắc và cũng để báo cáo lên Đảng và Nhà nước cùng tri ân các liệt sĩ. Đã có nhiều đội quy tập đi tìm hài cốt liệt sĩ và đến nay đã tìm được nhiều hài cốt liệt sĩ nữa đưa về”.


Là một vị tướng có nhiều đóng góp nổi bật trong ba cuộc chiến tranh, hơn ai hết tướng Huy hiểu cái giá của cuộc chiến. Tướng Huy nhấn mạnh: Ta rất trân trọng tình hữu nghị, ta không kích động hằn thù dân tộc. Nhưng chúng ta quyết không sợ bất cứ một thế lực thù địch nào muốn xâm chiếm chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.


Mong ước của tướng Huy là phải làm cho nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc này. Hà Giang cần được xây dựng khu chiến tích, một tượng đài “Chiến thắng Vị Xuyên” để giáo dục cho thế hệ con cháu tự hào và nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.VIỆT VĂN
01 Tháng Ba 2015(Xem: 7921)
Anh từng ghé lại Câu Lạc Bộ, anh nói chuyện cùng anh em với tất cả hào khí của người lính. Anh khẳng định: Sống là chiến đấu, là chấp nhận thử thách. Đôi khi đời không yêu ta, ta cũng phải há mồm cắn vào nó, ghì chặc nó, như xích của tank cạp lấy mặt đường, bùn lầy, đá núi tiến về phía trước, tiến về mục tiêu qui định.
26 Tháng Hai 2015(Xem: 8179)
Viết về Cố Hải-Quân Trung Tá Hồ Quang Minh, tôi xin được viết về một HỒ QUANG Minh với những nét hào hùng, đức tính gan dạ, cũng như lòng thương Lính của một sĩ quan chỉ huy.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 37141)
BÀI VIẾT CỦA NGUYỄN BẢO TUẤN CON ÚT CỐ ĐẠI TÁ NGUYỄN ĐÌNH BẢO Trên FB tôi thấy đại đa số thường chọn hình mình hoặc hình con mình để làm avatar, ít hơn một chút thì lấy hình của người yêu, vợ hoặc chồng, hoặc một hình gì đó mà mình yêu thích. Riêng tôi thì tôi lại chọn một đối tượng khác mà hình như tôi thấy chưa một ai chọn giống như tôi: một người mà đã không giữ lời hứa với mẹ tôi.
30 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 7177)
Con ghi lại bài này thay cho nén hương lòng để thành tâm tưởng nhớ đến Bố Mẹ nhân ngày giỗ Bố lần thứ 8 và giỗ Mẹ lần thứ 7 (Đào Nam Hòa.) Tôi không biết bắt đầu câu chuyện từ lúc nào, nhưng có lẽ ấn tượng nhất và rõ nét nhất mà hầu hết người dân miền Nam Việt Nam nhớ mãi là ngày 30/4/1975.