"Hổ xám" Phạm Châu Tài: An Lộc, chiến trường đi không hẹn

21 Tháng Năm 201711:10 CH(Xem: 11775)

VĂN HÓA ONLINE - TRANG CỦA LÍNH  THỨ HAI 21  MAY 2017


An Lộc, chiến trường đi không hẹn


"Hổ Xám" Phạm Châu Tài


(Viết cho những chiến hữu của tôi đã một thời vào sanh ra tử trên khắp chiến trường sôi bỏng để bảo vệ đất nước).


image066
Tác Giả, Cựu Thiếu Tá Hổ Xám Phạm Châu Tài, cùng 2 cựu Sĩ Quan Võ Bị Dalat. Hình từ trái qua phải: Cựu Thiếu Tá Phạm Châu Tài, cựu Đại Tá Phan Văn Huấn (Khóa 10 VB, nguyên Liên Đoàn Trưởng LĐ 81 Biệt Cách Dù) và thi văn sĩ Quốc Nam (Khóa 22 VB, Chủ Tịch HĐQT An-Lộc Foundation, Tác giả 21 tác phẩm đã xuất bản trước & sau năm 1975, trong số này có 2 thi tập Tình Ca Lính Alpha Đỏ xb 1968 & Bản Thánh Ca Alpha Đỏ xb 2012). Photo by Việt Long.


Mùa hè năm 1972 đi qua như cơn ác mộng mà khi tỉnh dậy người ta vẫn còn bàng hoàng như đang mê sảng.


Mùa hè đến với những cơn lốc bạo tàn, với những trận cuồng phong kinh hãi, sẵn sàng huỷ hoại tất cả những gì gọi là sự sống của con người, mà những tiếng kêu thương, bi ai thống khổ nhất vẫn còn âm vang cho đến ngàn sau.


Mùa hè đến với bão lửa ngụt trời, bão lửa cuồn cuộn vút lên như hoả diệm sơn bao trùm khắp bầu trời Miền Nam Việt Nam, bão lửa hừng hực thiêu đốt muôn vạn sinh linh đang sống an lành, tự do phía Nam vĩ tuyến 17.


Đau đớn thay, ác mộng kinh hoàng ấy, cuồng phong và bão lửa ấy lại do chính con người gây nên, con người mang nhãn hiệu Cộng Sản, lãnh đạo bởi một lũ người cuồng tín đã bán linh hồn cho quỷ đỏ đang ngự trị tại Hà Nội.


Người ta được biết, sau khi tiếp nhận sự chi viện khổng lồ không giới hạn về các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh tối tân nhất từ phía Cộng Sản Nga - Tàu, Hà Nội điên cuồng tung vào Miền Nam ba cuộc tấn công vũ bão vào Tỉnh Quảng Trị của vùng giới tuyến, vào Tỉnh Kontum của Tây Nguyên và vào Tỉnh Bình Long thuộc miền Đông Nam Phần.


Cuộc chiến bùng nổ khốc liệt chưa từng xẩy ra từ ngày Cộng Sản phát động cuộc chiến tranh gọi là giải phóng vào thập niên 60. Lửa, máu, nước mắt hoà với bom đạn đã cầy xới và tràn lan khắp quê hương Miền Nam tự do, tuy nhiên Cộng Sản miền Bắc phải trả một giá rất đắt về hành động điên cuồng, dã man của chúng để nhận sự thất bại đắng cay: Quảng Trị vẫn đứng vững, Kontum vẫn kiêu hùng quật khởi và Bình Long vẫn anh dũng hiên ngang phất cao ngọn cờ chính nghĩa.


Trong chiến tranh, tấn công xâm chiếm mà không lấy được mục tiêu, bị thiệt hại nặng nề là thất bại hoàn toàn. Trái lại, phòng thủ quyết tâm chống trả, dù phải chấp nhận ít nhiều tổn thất hy sinh mà vẫn giữ vững phần đất quê hương thì được gọi là chiến thắng.


Với lý lẽ căn bản nêu trên, ba cuộc tấn công của Cộng Sản Bắc Việt vào mùa hè năm 1972 trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà thì Cộng Sản Việt Nam là kẻ chiến bại, và Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà là người chiến thắng.


Phát động tấn công xâm chiếm vào đầu tháng 04 năm 1972, tính đến tháng 09 năm 1972, thiệt hại nhân mạng của Cộng Sản Bắc Việt được ước lượng khoảng 100 ngàn người!


100 ngàn vong linh của những người “sinh Bắc tử Nam” trở thành lũ âm binh lạc loài, vất vưởng tha hương mà gia đình họ không bao giờ biết được.


Giành lấy chiến thắng một cách kinh hoàng và oai hùng nhất trong ba cuộc tấn công của Cộng Sản Bắc Việt vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà có thể nói là chiến thắng Bình Long, mà trận chiến vô cùng khốc liệt đã bùng nổ tại Thị Xã An Lộc. Một tài liệu chính thức của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà được ấn hành sau mùa hè năm 1972 đã công bố: “Tại mặt trận An Lộc cuộc tấn công đầu tiên của quân Cộng Sản khởi đầu vào ngày 13-04-1972 bằng toàn bộ của các Sư Đoàn 5, 7, 9 và Sư Đoàn Bình Long với tổng số vào khoảng 50 ngàn người”. Cộng Sản ước tính sẽ đánh chiếm An Lộc từ 5 đến 10 ngày và dự trù ngày 20-04-1972 sẽ ra mắt chính phủ “Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam” tại thành phố An Lộc.


Thật vậy, lực lượng Cộng Sản Bắc Việt tại Bình Long, ngoài 4 Sư Đoàn với quân số mỗi Sư Đoàn là 10,400 người, còn có một Trung Đoàn Đặc Công, 2 Trung Đoàn Pháo Binh và Phòng Không và hai Trung Đoàn xe tăng. Hơn nữa, sự bổ sung quân số dễ dàng từ Mimot, Snoul bên kia biên giới Miên là nguồn nhân lực chính mà người ta khó ước tính được con số chính xác.


NHẬN DIỆN CHIẾN TRƯỜNG


An Lộc là quận châu thành Tỉnh Bình Long, cách thủ đô Sài Gòn khoảng 100 cây số về hướng Tây Bắc, với diện tích bề dài 1,800 thước và bề ngang đo được 900 thước, một Thị Xã nhỏ bé đìu hiu, chung quanh là rừng cao su ngút ngàn đến tận biên giới. Bình Long có ba quận hành chánh, cực Nam là quận Chơn Thành và cực Bắc là quận Lộc Ninh.


Quốc lộ 13, con đường huyết mạch nối liền từ Lai Khê của Tỉnh Bình Dương đi qua các quận lỵ, xã ấp của Tỉnh Bình Long. Cách An Lộc 18 cây số về hướng Bắc là Lộc Ninh và cách An Lộc 30 cây số về hướng Nam là Chơn Thành.


Từ Chơn Thành xuôi quốc lộ 13 về hướng Nam khoảng 30 cây số là Lai Khê, nơi đặt bản doanh của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà.


Cơ sở hành chánh và quân sự Tỉnh Bình Long đặt ngay trong quận châu thành An Lộc dưới sự điều hành của viên Tỉnh Trưởng là Đại Tá Trần Văn Nhựt.


Trước khi trận chiến bùng nổ, quận Lộc Ninh được tăng cường với Trung Đoàn 9 thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, một khẩu đội pháo binh đặt tại căn cứ yểm trợ hoả lực Alpha cách Lộc Ninh khoảng 8 cây số về hướng Bắc và một Chi Đoàn Thiết Giáp thuộc Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh Việt Nam Cộng Hoà. Tại An Lộc, ngoài một số Địa Phươhg Quân, Cảnh Sát, và các cơ sở hành chánh Tỉnh mà nhân số không quá 200 tay súng, còn có pháo đội 105 ly, Chi Đoàn Thiết Giáp, Trung Đoàn 7 thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, và Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân. Để đánh chiếm Bình Long, Cộng quân cắt đứt quốc lộ 13 từ Lai Khê đi Lộc Ninh, đồng thời phong toả bầu trời Bình Long bằng một hệ thống phòng không để ngăn chặn sự can thiệp của Không Quân Việt Nam Cộng Hoà.


TRẬN CHIẾN BÙNG NỔ


Ba giờ sáng ngày 05 tháng 04 năm 1972 Trung Đoàn Pháo có bí danh E.6 bắn phủ đầu vào các cứ điểm phòng ngự của Trung Đoàn 9 Bộ Binh do Đại Tá Trần Công Vĩnh chỉ huy bằng hàng ngàn quả đạn pháo đủ loại, sau đó Cộng quân tung Sư Đoàn 5 Cộng Sản Bắc Việt có xe tăng yểm trợ bắt đầu tấn công. Mặt khác, Cộng quân sử dụng Trung Đoàn 272 thuộc Sư Đoàn 9 Cộng Sản Bắc Việt phục kích quốc lộ 13 từ An Lộc đi Lộc Ninh để tiêu diệt đường rút lui của quân trú phòng.


Mặc dù có sự can thiệp hữu hiệu của Không Quân, căn cứ yểm trợ hoả lực Alpha, phi trường Lộc Ninh và cứ điểm quân sự của Trung Đoàn 9 Bộ Binh bị tràn ngập sau hơn hai ngày chống trả mãnh liệt. Lộc Ninh được ghi nhận hoàn toàn mất liên lạc lúc 19 gìờ ngày 07-04-1972.


Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh kịp thời nhảy vào An Lộc với hai Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 8, tăng cường cho mặt phòng thủ phía Bắc Thị Xã ngày 06-04-1972 và tuyên bố tử thủ An Lộc.


Hai tiếng tử thủ lần đầu tiên được nhắc nhở nhiều lần trong chiến tranh Việt Nam qua lời tuyên bố của vị Tướng Tư Lệnh chiến trường, biểu lộ ý chí sắt đá của người chiến binh Việt Nam Cộng Hoà, quyết tâm chiến đấu để bảo vệ, gìn giữ mảnh đất quê hương.


Hai tiếng tử thủ như lời thề cùng sông núi, lời hứa hẹn với tiền nhân đã ra công dựng nước và giữ nước.


Hai tiếng tử thủ đã làm rung động con tim nhân dân miền Nam và cả nước hướng về An Lộc !


Chiếm xong Lộc Ninh, Cộng quân tiến về phía Nam và bắt đầu tấn kích An Lộc rạng sáng ngày 13-04-1972. Thực ra kể từ ngày 08-04-1972, Cộng Sản Bắc Việt đã dùng pháo binh rót vào An Lộc, Chơn Thành và Lai Khê để cầm chân sự tiếp viện của Việt Nam Cộng Hoà.


LỰC LƯỢNG TĂNG VIỆN CỦA QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ


Lực lương đầu tiên được tăng viện đến Lai Khê ngày 05-04-1972 là Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù do Đại Tá Lê Quang Lưỡng chỉ huy gồm ba Tiểu Đoàn và Pháo Đội Nhảy Dù.


Lực lượng tăng viện thứ hai là Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù do Trung Tá Phan Văn Huấn chỉ huy gồm 4 Đại Đội xung kích và 4 toán thám sát.


Ngoài ra, Bộ Tổng Tham Mưu Việt Nam Cộng Hoà quyết định sử dụng toàn bộ Sư Đoàn 21 Bộ Binh từ vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng cường cho mặt trận Bình Long, giải toả quốc lộ 13.


Ngoài quân bộ chiến nêu trên, Sư Đoàn 5 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà đã yểm trợ cho chiến trường từ những ngày đầu chiến sự bùng nổ tại Lộc Ninh với những phi vụ tấn công và yểm trợ xuất phát từ căn cứ không quân Biên Hoà và Tân Sơn Nhất. Hai đơn vị Không Quân của Không Lực Hoa Kỳ có mặt tại Quân Khu III Việt Nam Cộng Hoà là Lữ Đoàn 7 Kỵ Binh Không Vận và Lữ Đoàn 1 Không Vận cũng góp phần vào việc yểm trợ cho chiến trường Bình Long một cách đắc lực và hữu hiệu.


Với nhiệm vụ cắt đứt quốc lộ 13 ngăn cản sự tiếp viện của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà từ Lai Khê, Sư Đoàn 7 Cộng Sản Bắc Việt được tăng cường pháo binh và phòng không tổ chức chằng chịt các vị trí phục kích, chốt chặn, chốt kiềng, giật sập cầu, phá đường mong biến quốc lộ 13 thành một sạn đạo, có đi mà không đường trở lại.


Ngày 12-04-1972, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù mới đặt chân đến quận Chơn Thành sau 7 ngày chạm trán với Cộng quân để giải toả một khoảng đường không quá 30 cây số.


MỞ MÀN TRẬN CHIẾN TẠI AN LỘC


“Tiền pháo hậu xung” là một chiến pháp dùng để tấn kích một căn cứ quân sự, một đồn binh hay một trại lính có pháo đài, có công sự chiến đấu, có nhiều lớp rào kẽm gai làm chướng ngại vật và hệ thống mìn bẫy giăng mắc chung quanh.


An Lộc không phải là một căn cứ quân sự. An Lộc chỉ đơn thuần là một Thị Xã nhỏ bé, có nhà, trường học, bệnh viện và đường phố tấp nập người đi. An Lộc là một phố thị mà dân cư nhiều hơn lính chiến.


Áp dụng chiến thuật “tiền pháo hậu xung” để đánh chiếm An Lộc, Cộng Sản Bắc Việt đã hiện nguyên hình là loài quỷ đỏ điên cuồng bắn hàng ngàn quả đạn pháo 130 ly, 155 ly, súng cối 120 và hoả tiễn 122 ly vào phố thị đông người để sát hại dân lành vô tội.


Pháo! Loại đạn vòng cầu có tầm phá hủy kinh khủng nhất đã rót liên tục vào Thị Xã, ngày cũng như đêm, pháo từng hồi, từng phút, từng giờ biến An Lộc bỗng chốc trở thành hoả ngục. Nhà cửa, nhà thờ, chùa chiền, cao ốc, bệnh viện tất cả đều thay hình đổi dạng, sụp đổ hoang tàn.


Trú ẩn trong nhà cũng bị thương vong, chạy ra đường cũng chết. Sự chết đau thương và đến bất chợt theo tiếng ầm vang của pháo, theo tiếng gió rít của tầm đạn đi. Sự chết hãi hùng, chết không kịp nhắm mắt, chết không toàn thây, chết vô thừa nhận đầy dẫy khắp nơi trên đường phố. Ngay khi mưa pháo thưa dần và chấm dứt, Cộng quân tung vào trận địa Sư Đoàn 9 và Sư Đoàn Bình Long với sự yểm trợ của chiến xa T54.


Tuyến phòng thủ phía Tây Thị Xã do Trung Đoàn 7 Bộ Binh đảm nhiệm và phía Đông do Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân án ngữ, chống trả mãnh liệt, khi thì dãn ra, lúc co cụm lại, nhưng vẫn đứng vững, trong khi tuyến phòng thủ phía Bắc do hai Tiểu Đoàn thuộc Trung Đoàn 8 vừa đến tăng cường đã bị chọc thủng. Đặc công, xe tăng và quân bộ chiến Cộng Sản Bắc Việt tuôn vào thành phố như nước vỡ bờ. Ác chiến diễn ra trên thành phố, đạn bay súng nổ, thây người gục ngã, dân lành bồng bế, dìu dắt nhau bỏ chạy, chạy đi đâu để tránh thương vong… Nỗi khổ, nỗi lo và niềm hy vọng mong manh để được sống đã đến với người dân An Lộc sao quá bi thương, sao lắm đọa đầy!


Xe tăng Cộng quân rú gầm nhiều nơi trong thành phố, chạy ngang chạy dọc, tiếng xích sắt ken két nghiến trên đường tráng nhựa hoà lẫn với tiếng nổ ì ầm bắn ra từ đại bác 100 ly trên pháo tháp nhắm vào các cao ốc, và những bức tường nhà hiển hiện trên hướng tiến của chúng.


Trên bầu trời Thị Xã, Không Quân, bất chấp hiểm nguy, nhào lộn và len lỏi qua mạng lưới phòng không, tung ra những tràng đại liên và những quả bom chính xác vào vị trí giặc thù. Bom nổ làm rung chuyển thành phố như cơn địa chấn, từng cột khói đen bốc lên cao cuồn cuộn.


Giây phút nao núng ban đầu khi thấy xe tăng Cộng Sản xuất hiện tan biến nhanh chóng trong lòng những người lính tử thủ. Bây giờ đã đến lúc vùng lên bắn hạ những con quái vật đó, phải biến chúng thành những khối sắt bất động, không còn tác yêu tác quái nữa. Một đoàn 4 chiếc tăng T54 từ hướng Bắc theo đường Nguyễn Trung Trực nối đuôi nhau tiến vào phía sau khu Chợ Mới. Một anh lao công đào binh tạo được công đầu bằng một quả lựu đạn tung vào thùng xăng phụ đèo sau đuôi xe tăng T54. Lựu đạn nổ, xe tăng bốc cháy! Việt Cộng từ trong xe tăng mở nắp pháo tháp chạy thoát ra ngoài bị thanh toán ngay tại chỗ, thây nằm vất vưởng bên thành xe. Chiếc thứ hai xuất hiện sát Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5. Đại Tá Lê Nguyên Vỹ Tư Lệnh Phó liền bắn một quả M.72 vào chiến xa T54. Vì bắn quá sát nên đạn M.72 không nổ, chiếc T54 bỏ chạy liền bị một chiếc trực thăng Cobra từ trời cao lao mình xuống phóng liền hai trái hoả tiễn trúng chiêc tăng đi đầu nổ tung. Ba chiếc tăng còn lại lúng túng, rú gầm trên khoảng đường bề ngang quá hẹp không xoay sở được, dễ dàng biến thành mục tiêu của hoả tiễn cầm tay M.72 được phóng ra từ quân trú phòng. Bây giờ người ta mới biết sức công phá mãnh liệt của loại hoả tiễn cầm tay M.72, một loại vũ khí chống tăng lợi hại mà bấy lâu nay bị người ta coi thường. Những chiếc tăng T54 đầu tiên bị bắn hạ tạo nên sự phấn khởi dây chuyền trong hàng ngũ quân trú phòng, họ xông vào xe tăng địch như một đợt thi đua lập chiến công. Hai khẩu pháo 105 ly của Thị Xã đặt tại sân vận động cạnh đại lộ Trần Hưng Đạo hạ nòng bắn trực xạ vào xe tăng Cộng Sản, bắn lật tung pháo tháp xuống đất, bắn đứt xích, gẫy nòng và biến chúng thành những con cua rang muối, hừng hực đỏ lửa. Đây là hai khẩu pháo cuối cùng của An Lộc đã bắn hết đạn trước khi tắt thở. Và bắt đầu từ đó, sự yểm trợ của hoả lực cơ hữu vào Thị Xã hoàn toàn bất khiển dụng.


Trận đánh khởi đầu từ mờ sáng đến xế chiều dưới ánh nắng chói chan của mùa hè vùng nhiệt đới, dưới sức tàn phá kinh hoàng của đạn bom, mà mỗi giờ mỗi phút đi qua đều mang theo hình ảnh của sự huỷ diệt.


Sự can thiệp của Không Quân gây ít nhiều thiệt hại cho Cộng quân, nhiều chiếc xe tăng T54 bốc cháy ven rừng trước khi vào thành phố.


Ngoài ra, sự xuất hiện của pháo đài bay B.52 được coi như khắc tinh của chiến thuật biển người, đã gây nhiều nỗi khiếp đảm và làm tổn thất nặng nề cho 4 Sư Đoàn Cộng quân đang bủa vây An Lộc.


Pháo đài bay B.52, một vũ khí chiến lược của Không Lực Hoa Kỳ phát xuất từ Thái Lan và đảo Guam đã can thiệp vào chiến trường Bình Long theo yêu cầu của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà thực hiện 17 phi vụ đánh bom, mỗi phi vụ gồm 3 phi cơ bay trên thượng tầng khí quyển mà mắt thường ít khi nhìn thấy, chỉ nghe tiếng ù ù xa xăm của động cơ mà không biết bom sẽ nổ nơi nào. Mỗi phi vụ mang 42 quả bom nặng 500 ký và 24 quả bom nặng 250 ký đồng loạt rơi xuống chính xác mục tiêu đã ấn định. Vài giây đồng hồ trước khi bom nổ, người ta phát hiện tiếng gió rít ghê rợn của hàng loạt bom đang rơi, tiếng rít gió ào ào như trận cuồng phong, như tiếng kêu của tử thần. Bom chạm mục tiêu, nổ hàng loạt, nổ từng chuỗi dài, tiếng nổ làm rung chuyển mặt đất, lửa và khói đen bốc cao, từng luồng khí nóng hừng hực toả ra với vận tốc cực nhanh, 500 thuớc bề ngang và 1,000 thước bề dài trong tầm sát hại của bom rơi, tất cả đều biến thành bình địa.


Trong trận chiến An Lộc, B.52 đã đánh bom, có khi chỉ cách tuyến phòng thủ 900 thước, theo tin tức tình báo được kiểm nhận, có cả một Trung Đoàn Cộng quân bị biến mất trong lúc bao vây thành phố.


Sau ba ngày đêm chống trả dữ dội, khu vực phía Bắc thành phố, kể cả đồi Đồng Long, một cao điểm chiến thuật quan trọng đã lọt vào tay giặc. Từ đồi Đồng Long, Cộng quân quan sát và nhìn rõ mọi hoạt động trong thành phố, hơn nữa nơi dây là cao điểm lý tưởng để tổ chức các vị trí súng phòng không 12 ly 8, đại bác 23, 37 ly và hoả tiễn địa không SA-7 đã khống chế và làm giới hạn sự can thiệp của Không Quân. Tuyến phòng thủ An Lộc càng lúc càng thu hẹp dưới sức ép của pháo binh và tấn công liên tục của Cộng Sản.


Quốc lộ 13 chưa được giải toả, do đó sự tiếp viện bằng đường bộ hoàn toàn bị tê liệt. Sự yểm trợ bằng Không Quân cũng gặp khó khăn. Hơn 80% đồ tiếp liệu như đạn dược, thuốc men và thực phẩm được thực hiện bằng phương tiện thả dù đã rơi vào vùng địch kiểm soát. Những đơn vị cơ giới và pháo binh của An Lộc hoàn toàn bất khiển dụng, phân nửa lực lượng phòng thủ bị loại ra khỏi vòng chiến.


An Lộc đang hấp hối, nhưng chưa tắt thở. Trong tình trạng chiến đấu tử thủ hôn mê đó, An Lộc vẫn củng cố niềm tin vào kế hoạch giải vây sẽ được bùng nổ vào giờ thứ 25. Không, An Lộc không thể chết tức tưởi như Lộc Ninh. An Lộc cần phải được mở một nút thoát hơi để thở. Các nhà lãnh đạo quân sự Việt Nam Cộng Hoà đã khẳng định điều đó và đã dự trù một kế hoạch để đối phó trong tình huống xấu nhất xảy ra để cứu nguy An Lộc!


THEO CHÂN ĐOÀN QUÂN MA


Theo kế hoạch giải vây, hai đơn vị thiện chiến được sử dụng đến là Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù.


Cả hai đơn vị này đều nhảy thẳng vào An Lộc với hai nhiệm vụ khác nhau, một phía trong và một phía ngoài Thị Xã.


Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù sẽ quét sạch hành lang vây khốn bên ngoài chu vi phòng thủ và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù mở đường máu đánh thẳng vào An Lộc tiếp tay với quân trú phòng bên trong, chiếm lại phân nửa thành phố đã mất.


Người ta nghĩ kế hoạch này là một ván cờ liều, một kế hoạch đánh xã láng, “thí chốt để tiến xe” và những đơn vị thi hành sẽ là những con thiêu thân bay vào ánh lửa.


Đúng vậy, họ là những con chốt của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, những con chốt đã sang sông và đã nhập cung, trở thành một pháo đài sừng sững trước mặt quân thù.


Ngày 14-04-1972, từ Chơn Thành, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù và một pháo đội được trực thăng vận vào một địa điểm cách An Lộc bốn cây số về hướng Đông Nam.


Từ ấp Shrok Ton Cui, Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù chiếm lĩnh cao điểm 176 còn được gọi là Đồi Gió, đặt 6 khẩu 105 ly dễ yểm trợ cho Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn cùng Tiểu Đoàn 5 và 8 Nhảy Dù tiến về hướng An Lộc.


Linh động và bất ngờ là hai yếu tố quan trọng trong binh pháp được Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù khai thắc triệt để trong cuộc hành quân này.


Cộng quân đang bao vây An Lộc bị cú bất ngờ khi thấy lính Nhảy Dù xuất hiện phía sau. Yếu tố bất ngờ đã làm địch quân hốt hoảng, trận đánh đẫm máu nổ ra và Nhảy Dù đã chiếm ưu thế, mở được một khoảng trống trong vòng vây kín mít từ phía Đông Nam hướng về An Lộc.


Cùng ngày 14-04-1972, trong khi Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù được trực thăng vận vào An Lộc, thì từ những khu rừng già vùng Tây Nam Xa Mát dọc theo biên giớì Miên Việt, Liên Đoàn 81 đang hành quân được triệt xuất để trở về Trảng Lớn thuộc Tỉnh Tây Ninh.


Sáng ngày 16-04-1972, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù được vận chuyển qua Lai Khê bằng trực thăng Chinook CH-46, 12 giờ trưa cùng ngày, khi kho đạn Lai Khê bị đặc công Cộng Sản phá hoại nổ tung là lúc toàn bộ 550 quân cảm tử của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù sẵn sàng tại phi trường để được trực thăng vận vào An Lộc.


Nắng hè chói chan oi bức, ánh nắng lung linh theo cánh quạt của trực thăng tiễn đưa đoàn quân ma đi vào vùng đất cấm. Địa điểm đổ quân là những đám ruộng khô cằn nứt nẻ phía Tây Tỉnh lộ 245, chung quanh là những cánh rừng thưa trải dài theo hướng Tây Bắc, khoảng cách một cây số để đi đến Đồi Gió.


Phải cần một hợp đoàn 45 chiếc trực thăng đa dụng HU1D với hai đợt đổ quân mới thực hiện xong cuộc chuyển quân, và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù đã vào vùng hành quân lúc 4 giờ chiều ngày 16-04-1972.


Mở tần số liên lạc với Tướng Lê Văn Hưng trong An Lộc, liên lạc với Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù để biết vị trí quân bạn và nhanh chóng khai triển đội hình chiến đấu, di chuyển về hướng Tây, len lỏi theo đường thông thuỷ giữa hai ngọn đồi Gió và đồi 169. Âm thầm và ngậm tăm mà đi.


Một sự kiện bất ngờ không may xảy đến khi đoàn quân đang di chuyển: một quả bom của Không Quân đánh vào vị trí của Cộng quân lại rơi ngay vào đội hình di chuyển của Biệt Cách Dù, gây thương vong cho một vài binh sĩ, trong đó có Thiếu Uý Lê Đình Chiếu Thiện. Lập tức trái khói vàng được bốc cao giữa đoàn quân để phi công nhận diện phìa dưới là quân bạn.


Phải mất một thời gian ngắn cho việc tản thương. Hai cố vấn Mỹ, Đại Úy Huggins và Thượng Sĩ Yearta nhanh chóng liên lạc với Lữ Đoàn 17 Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ yêu cầu trực thăng cấp cứu và được thoả mãn. Đây là hai cố vấn thuộc Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ vẫn còn chiến đấu bên cạnh Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù khi quân bộ chiến Mỹ đã rút lui khỏi chiến trường Việt Nam theo kế hoạch “Việt Nam hoá chiến tranh” được thi hành vào năm 1970.


Sự kiện thứ hai xảy đến là sự xuất hiện của 47 quân nhân thuộc Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân từ đồi 169 chạy tuôn xuống, mặt mày hốc hác vì mệt mỏi và thiếu ăn, bị thất lạc và phải trốn trong rừng. Họ đi theo Biệt Cách Dù để trở lại đơn vị gốc trong An Lộc.


Vài tràng súng AK ròn rã nổ ở hướng Đông, có lẽ địch bắn báo động. Tiếp tục di chuyển, rẽ về hướng Tây Bắc để vào rừng cao su Phú Hoà. Tiếng súng nổ liên hồi, đứt khoảng phía trước. Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù đang chạm địch. Gặp Tiểu Đoàn Trưởng Nhảy Dù, Trung Tá Hiếu cười méo miệng, nói như phân trần: “Tụi nó đông như kiến và bám sát tụi “moi” như bày đỉa đói”.


“Tụi nó đông như kiến” đã nói lên thực trạng chênh lệch lực lượng quân sự đôi bên mà phần ưu thế về phía Việt Cộng! Nhưng đã là Nhảy Dù thì phải “cố gắng”, cố gắng cho đến lúc tàn hơi. Đã là Biệt Cách Dù thì phải chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh cho màu cờ sắc áo của đơn vị.



Hoàng hôn phủ xuống thật nhanh, bóng tối lần lần bao trùm cảnh vật chung quanh. Súng vẫn nổ rải rác từng đợt, từng hồi trong rừng thẳm. Biệt Cách Dù tiến chiếm ấp Sóc Gòn trong im lặng và an toàn vì địch vừa rút ra khỏi đây. Lục soát, bố trí và dừng quân chung quanh ấp trong những công sự chiến đấu đã có sẵn của Việt Cộng. Bóng đêm dày đặc, im vắng, xa xa về hướng An Lộc, đạn pháo ì ầm nổ như tiếng trống cầm canh.


Sự đổ quân ồ ạt của Việt Nam Cộng Hoà về phía Đông Nam cách An Lộc 4 cây số đồng nhịp với các phi vụ đánh bom B.52 tàn khốc về phía Tây Nam của thành phố đã làm cho Cộng quân hoang mang, hốt hoảng. Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù là lực đối kháng vòng ngoài để thu hút địch quân, đồng thời tạo một lỗ hổng để Biệt Cách Dù xâm nhập vào thành phố sáng ngày 17-04-1972, cùng một thời điểm của Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù tiếp cận ngoại vi tuyến phòng thủ của Thị Xã về phía Nam cạnh quốc lộ 13.


Cộng quân không ngờ Biệt Cách Dù đã lọt vào Thị Xã tiếp hơi cho quân tử thủ và mở cuộc tấn kích ngay đêm đó vào các khu phố mặt Bắc. Với kỹ thuật đánh đêm điêu luyện, thần tốc, khi phân tán, khi hội tụ, Biệt Cách Dù đã giáng lên đầu Cộng quân những đòn sấm sét, đánh không có sự yểm trợ của pháo binh hay bất cứ một loại vũ khí vòng cầu nào, đánh bằng súng cá nhân, bằng lựu đạn, đánh cận chiến bằng lưỡi lê. Đánh nhau từng căn nhà, từng cao ốc đổ vỡ, chiếm lại từng con đường, từng khu phố trong đêm dài dường như bất tận.


Sáng ngày 18-04-1972, Biệt Cách Dù đã có mặt hầu hết trong các khu phố phía Bắc Thị Xã và giải thoát gần 100 gia đình cư dân còn kẹt lại trong vùng kiểm soát của Cộng Sản.


Từ các căn nhà sụp đổ bên vệ đường, từng toán Việt Cộng tuôn ra tháo chạy thục mạng về hướng Bắc, vì chúng bị đánh phủ đầu ban đêm, sáng ra nhìn chung quanh nơi nào cũng thấy “lính rằn ri”, loại lính đã hơn một lần chặn đánh chúng trên đường Trường Sơn heo hút mưa bay.


Mặc dù đã chiếm lại toàn bộ khu vực phía Bắc, nhưng vẫn còn một ổ kháng cự mà Cộng quân vẫn cố thủ bên trong, đó là đồn Cảnh Sát Dã Chiến. Biệt Cách Dù tấn công nhiều đợt nhưng vẫn chưa vào được. Hơn nữa, từ đồi Đồng Long, Việt Cộng dùng đại bác 57 ly, sơn pháo 75 ly và súng không giật 82 ly bắn trực xạ vào Biệt Cách Dù để yêm trợ cho bọn chúng cố thủ bên trong đồn. Cố vấn Huggins của Biệt Cách Dù vào ngay tần số của Lữ Đoàn 1 Không Quân Hoa Kỳ xin yểm trợ hoả lực. Hai chiếc phi cơ AC.130 Spector bay lượn trên vùng trời An Lộc với cao độ ngoài tầm sát hại của cao xạ và hoả tiễn địa không SA7, bắn từng quả đạn 105 ly hoặc từng loạt 3 quả đạn 40 ly vào mục tiêu yêu cầu được điều chỉnh từ dưới dất. Cuối cùng đồn Cảnh Sát lọt vào tay Biệt Cách Dù vào lúc 4 giờ chiều. Phần nửa thành phố phía Bắc được chiếm lại sau gần 24 tiếng đồng hồ chiến đấu liên tục. Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù yêu cầu Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh điều động quân bạn hai bên cạnh sườn cùng tiến lên ngang hàng với quân Biệt Cách Dù. Sự yêu cầu không được đáp ứng, vì quân số của quân trú phòng đã hao hụt và bất khiển dụng quá nhiều, do đó cạnh sườn của Biệt Cách Dù bị bỏ trống. Lợi dụng sơ hở này, Cộng quân phản công mãnh liệt bằng hai mũi tấn công, mũi thứ nhất đánh trực diện từ hướng đồi Đồng Long có sự yểm trợ của cối 61 ly, cối 82 ly và sơn pháo 75 ly, mũi thứ hai từ phía Tây đánh thốc vào ngang sườn với quân số khá đông. Trước tình huống phải đối đầu phía trước mặt và phía ngang hông, Biệt Cách Dù phải rút quân về phía khu chợ Mới, tuy nhiên vẫn còn để lại một Đại Đội cố thủ trong đồn cảnh sát.


Đồn cảnh sát đương nhiên trở thành một tiền đồn án ngữ lẻ loi phía Bắc Thị Xã, một tiền đồn bất đắc dĩ mà không thể nào bỏ trống được, và nơi đây là một cái gai mà Cộng quân bằng mọi cách phải nhổ đi, do đó muốn duy trì vị trí chiến thuật quan trọng đó, phải đổ máu rất nhiều. Biệt Cách Dù chấp nhận sự lựa chọn này để giữ vững tiền đồn suốt một thời gian dài.


Sự tham chiến của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù đã làm cho An Lộc hồi sinh sau cơn mê dài hấp hối, và sự có mặt của Biệt Cách Dù đã mở màn cho những trận đánh ác liệt xảy ra trong lòng Thị Xã.


Đêm 19-04-1972 Cộng quân sử dụng Trung Đoàn 141 và Trung Đoàn 275 có xe tăng yểm trợ tấn công Đồi Gió sau khi rót vào vị trí này hàng ngàn quả đạn pháo, tiêu diệt 6 khẩu pháo 105 duy nhất của pháo đội Nhảy Dù và tràn ngập Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù của Trung Tá Đĩnh đang án ngữ tại đây, đồng thời pháo kích dữ dội vào An Lộc để chuẩn bị cho hai mũi tấn công từ hướng Tây và hướng Bắc thành phố. Trận đánh kéo dài suốt đêm, tuyến phòng thủ vẫn đứng vững trước chiến thuật biển người của Cộng Sản. Riêng khu Bắc Thị Xã, Biệt Cách Dù và Cộng quân giao tranh ác liệt, có khi chỉ cách nhau một con đường bề ngang 4 thước trong tầm ném tay của lựu đạn.


Mất đồi Gió, một cao điểm quan trọng nằm bên ngoài phạm vi phòng thủ với 6 khẩu pháo 105 ly còn lại duy nhất để yểm trợ, An Lộc càng lúc càng thấy cô đơn trong mênh mông bão lửa. Môt số quân của Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù do Trung Tá Đĩnh chỉ huy chạy thoát về sông Bé hướng Đông, và được trực thăng cứu cấp bốc về Lai Khê tái huấn luyện và bồ sung quân số chờ ngày phục hận.


Cuộc chiến giảm dần cường độ vì sự thiệt hại của hai bên công - thủ.


Bên ngoài phạm vi phòng thủ, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù đã là một thành đồng vững chắc án ngữ mặt Đông Nam, bên trong thành phố, Biệt Cách Dù mở cuộc tấn công đêm liên tục, đánh phá những vị trí Cộng quân chiếm giữ, làm cho chúng ăn không ngon, ngủ không yên. Ngoài ra sự oanh tạc của B.52 gần An Lộc đã gây tổn thất rất nhiều cho địch quân, tuy nhiên mức độ pháo kích của Cộng quân vẫn đều đặn rót vào An Lộc khoảng 2,000 quả đạn mỗi ngày.


Bên phố chợ, người dân ngậm ngùi nhìn thấy những nấm mồ của tử sĩ Biệt Cách Dù mỗi ngày một nhiều hơn. Họ đánh nhau hằng đêm và hì hục chôn xác bạn bè hằng đêm trong mưa pháo tuôn rơi, khi mặt trời chưa thức giấc. Sống, chiến đấu bên nhau trong cuộc hành trình gian khổ để tiêu diệt quân thù trên khắp nẻo đường đất nước, lòng thuỷ chung và tinh chiến hữu keo sơn chan hoà thắm thiết khi có người nằm xuống, vĩnh viễn ra đi. Hình ảnh nghĩa trang Biệt Cách Dù đã nói lên điều đó.


AN LỘC, CHIẾN TRƯỜNG ĐI KHÔNG HẸN


Theo lời cung khai và thú nhận của tù hàng binh Cộng Sản mà Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bắt được, có ba thứ mà cán binh Cộng Sản lo sợ khi vượt Trường Sơn để xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà. Thứ nhất là B.52, thứ nhì là Biệt Kích số 81, và thứ ba là chạm súng với quân Nhảy Dù. Cả ba thứ đó đều hiện hữu và có mặt tại chiến trường An Lộc.


Liên Đoàn Biệt Cách Nhảy Dù, dân Miền Nam thường gọi tắt là Biệt Cách Dù, Việt Cộng gọi là Biệt Kích số 81, thực ra là đơn vị Tổng Trừ Bị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, với quân số khiêm nhường trên bảng cấp số là 916 người, được đào tạo và huấn luyện thuần thục về chiến thuật phản du kích trong chiến tranh ngoại lệ, nhảy toán, thám sát, đột kích, bắt cóc tù binh, đánh phá vào các cơ sở hậu cần của địch. Nhảy vào lòng đất địch để chiến dấu bằng phương tiện nhảy dù, nhưng phần lớn bằng trực thăng vận, âm thầm hoạt động trong vùng khu chiến, cách biệt xa tầm yểm trợ của pháo binh. Bước chân của người chiến binh Biệt Cách Dù đã lần lượt đi qua các chiến trường sôi động một thời vang danh quân sử.


Từ Làng Vei, A Sao, A Lưới, Tà Bạt, Khe Sanh, Lao Bảo quanh năm sương mờ bao phủ của vùng biên giới Việt Lào, vượt lên phương Bắc hoả tuyến với Mai Lộc, Cam Lộ, Đông Hà, Quảng Trị và xuôi về vùng núi rừng cận duyên của Tam Quan, Bình Định, Bồng Sơn, An Lão. Đi miệt mài, hành quân không ngơi nghỉ để về Tây Nguyên với Boloven hùng vĩ, đổ xuống Tam Biên, đi Tân Cảnh, Diên Bình và tạm dừng chân, nâng chén quan hà bên bờ sông Dakbla nước chảy ngược dòng của chiến trường Kontum mịt mờ bụi đỏ. Tây Ninh nắng cháy nung người không làm nao lòng chiến sĩ, Bình Giả, Đồng Xoài nặc nồng mùi tử khí. Khi chiến trường im tiếng xung phong thì bước chân của người chiến binh Biệt Cách Dù vẫn còn dong ruổi trong cuộc hành trình vô định.


Vào An Lộc, chiến trường nặng độ với trung bình mỗi ngày hơn hai ngàn đạn pháo, chiến trường cô đơn khi tổn thất của quân tử thủ mỗi lúc một gia tăng, đánh đêm đánh ngày, dằng dai khi công, khi thủ ròng rã kéo dài suốt tháng.


Cứ mỗi lần Cộng quân gia tăng cường độ pháo kích vào thành phố là để chuẩn bị cho cuộc tấn công bằng bộ binh ngay sau đó.


Đêm 04-05-1972, Cộng quân ồ ạt tấn công vào phòng tuyến phía của Biệt Cách Dù.


Ở thế công thì dù sao cũng có ít nhiều sơ hở nhưng khi Biệt Cách Dù ở vào thế thủ thì một con kiến cũng khó lọt qua. Lựu đạn, mìn thi nhau nổ, AK, súng máy rít vang trời. Trận đánh kéo dài đến sáng tỏ trời. Xác địch nằm la liệt, ngổn ngang bên ngoài phòng tuyến. Lần đầu tiên trong trận địa chiến, Biệt Cách Dù tịch thu được 2 khẩu súng phun lửa do Trung Cộng sàn xuất. Trong túi áo của mỗi xác chết đề có mang theo một mảnh giấy nhỏ bề ngang 5 phân, bề dài 20 phân với câu viết ngắn gọn :”Quyết tâm bắt sống Sư Trưởng Sư Đoàn 5, dựng cờ chiến thắng”. Thì ra bọn này có học tập trước khi lao mình vào tử địa.
15 Tháng Chín 2014(Xem: 7369)
Vào thế kỷ thứ 13 bên Ý có lâu đài danh tiếng giữa cánh đồng trồng nho làm rượu. Bẩy thế kỷ sau, có ông tỷ phú NAPA lấy mẫu lâu đài Amarosa đem về xây cất tại Hoa Kỳ. Công trình bàn thảo 30 năm và mất 15 năm xây cất. Lâu đài 8 tầng với 5 tháp canh vĩ đại theo kiểu thành trì thời trung cổ Âu châu. Vật liệu đem từ Ý qua, các chi tiết mô phỏng theo đúng nguyên bản tại Ý với các hầm rượu, các gian hầm giam giữ tù nhân, các đường hầm và những khu tiếp tân trong lòng đất. Hiện nay đây là điểm thu hút du khách Hoa Kỳ tại vùng NAPA.
14 Tháng Chín 2014(Xem: 12080)
Ở Nam Cali tôi được gặp mấy nhóm thân hữu, toàn những người có tấm lòng son sắt với quê hương và dân tộc. Tôi còn nhớ một chị thổ lộ rằng nghe Trung Cộng kéo giàn khoan vào Biển Đông mà lòng đau quặn, có đi chơi cũng không thấy vui, có đi ăn cũng chẳng thấy ngon.
02 Tháng Chín 2014(Xem: 14988)
* Vừa qua có ý kiến so sánh sự phát triển của ta với Hàn Quốc. Cụ thể là “cách đây bốn, năm mươi năm, Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, rà lại tư liệu thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại Việt Nam và Việt Nam cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, làm quản lý, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc chủ yếu làm thuê”. Ông nghĩ sao về sự so sánh này?
21 Tháng Tám 2014(Xem: 17016)
Văn Hóa Magazine Online nhận được E-mail từ bạn đọc và từ Viet Art Center vietartcenter@aol.com, một thư ngỏ của Ô. Phan Kỳ Nhơn, Chủ tịch Liên Ủy Ban Chống CS & Tay Sai, một của Đức Cha Dominic Mai Thanh Lương, Giám mục Phụ tá Giáo phận Orange và một của Giáo sư John Tsuchida. Để rộng đường dư luận, tòa soạn Văn Hóa đăng nguyên văn ba Thư ngỏ dưới đây:
13 Tháng Tám 2014(Xem: 16165)
“It’s so sad, it’s so sad”(Thật là buồn, thật là buồn), tôi nghe thấy Pat lẩm bẩm nói bâng quơ... Không ai nói năng gì nữa. Cũng chẳng còn hạt nước mắt nào để mà khóc. Tôi ngả đầu vào lưng ghế và nhắm mắt lại,” Tổng thống (TT) Richard Nixon viết để kết thúc cuốn Hồi Ký đài 1,120 trang.
22 Tháng Bảy 2014(Xem: 12030)
Ông Phạm Quang Vinh là nhà ngoại giao chuyên nghiệp với thâm niên hoạt động trên 30 năm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa bổ nhiệm ông Phạm Quang Vinh làm đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, thay ông Nguyễn Quốc Cường sắp hết nhiệm kỳ.
10 Tháng Bảy 2014(Xem: 19355)
Tôi là Huỳnh Tấn Mẫm, không mang một danh phận nào trong guồng máy công quyền hay một địa vị xã hội, tôi chỉ là một thanh niên – nếu các bạn cho tội dùng từ này – một thanh niên nhiều tuổi, và hơn thế, là một công dân có ý thức trách nhiệm về tình hình đất nước hiện nay. Tôi tiếc là không còn nhiều thời gian và sinh lực như các bạn, để có thể cống hiến một cách xứng đáng và trọn vẹn cho một vận hội mới đang đến với dân tộc.
03 Tháng Bảy 2014(Xem: 12666)
Lần đầu tiên trong lịch sử 236 năm của hải quân Hoa Kỳ, một phụ nữ được đề cử vào vị trí cao thứ 2 trong lực lượng này. Thông tín viên VOA Zlatica Hoke tường thuật rằng bà Michelle Howard được thăng chức hôm thứ ba lên làm đô đốc 4-sao và nhận trọng trách mới là phó trưởng lực lượng hải quân. Bà Howard đã làm nên lịch sử qua sự nghiệp quân đội của mình.
01 Tháng Bảy 2014(Xem: 11658)
Hơn 50 năm sưu tầm, ông Huệ đang sở hữu nhiều tem quý, trong đó có bộ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.