Vị Xuyên: "Giải mã một cuộc chiến bị bỏ quên"

27 Tháng Bảy 201612:57 SA(Xem: 11629)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  TƯ 27  JULY 2016


Giải mã một cuộc chiến bị bỏ quên


Trương Nhân Tuấn Gửi cho BBC từ Pháp


image070

Image copyright tuoitre.vn Image caption Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên


"Mặt trận Vị Xuyên" là tên do phía Việt Nam đặt, nhưng do Trung Quốc khởi động từ tháng 4 năm 1984, chấm dứt vào tháng 4 năm 1989, kéo dài đúng 5 năm.


Địa bàn chiến dịch tổng cộng không quá 20 cây số chiều dài đường biên giới và độ sâu không quá 2,5 cây số vào trong lãnh thổ Việt Nam, tương ứng với chiều dài suối Thanh Thủy (vẽ màu xanh trên bản đồ 1) với đường biên giới (là đường phân thủy, màu nâu đen trên bản đồ, hai đường cách nhau khoảng 2,5km, xem bản đồ 1), theo các bản đồ tỉ lệ 1/100.000 của Sở Địa Dư Đông dương (Pháp) ấn hành cũng như các bản đồ 1/50.000 của Mỹ.


Trung Quốc đã huy động tổng cộng khoảng nửa triệu quân lính thuộc tám đại quân khu để thực hiện chiến dịch này. Phía Việt Nam đã có 9 sư đoàn chủ lực tham chiến. Trận chiến khốc liệt ngày 12/7/1984, theo tài liệu phía Việt Nam vừa công bố, Sư đoàn 356 đã bị thiệt hại đến 600 người.


Mục đích của Trung Quốc trong chiến dịch này là gì?


Các sử gia thế giới gộp chung cuộc chiến này với cuộc chiến tháng hai năm 1979 làm một, gọi chung là "cuộc chiến biên giới" bởi vì địa bàn cuộc chiến đã được "qui ước" trước, "khoanh vùng" trước trên biên giới.


Phía Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình - kiến trúc sư của cuộc chiến, gọi cuộc chiến tháng Hai năm 1979 là "cuộc chiến dạy cho Việt Nam một bài học", địa bàn giới hạn ở các tỉnh biên giới.


Còn cuộc chiến 1984-1989 là cuộc chiến "phản công tự vệ", mục đích lấy lại khoảng 50km² đất mà Trung Quốc cho là Việt Nam đã chiếm trước kia. Nhìn trên bản đồ 1, ta thấy vùng đó tương ứng với phần gạch chéo màu đỏ.


image071

Image copyright Truong Nhan Tuan Image caption Bản đồ 1


Lập luận của TQ, đường biên giới khu vực này là con suối Thanh Thủy (đường màu xanh). Phía TQ cho rằng yêu sách này phù hợp với nội dung Biên bản bế mạc Công trình Phân định Biên giới (còn gọi là Công ước Pháp-Thanh 1887) cũng như nội dung Công ước Bổ túc về Biên giới 1895.


Vấn đề là các bản đồ do Sở Địa dư Đông dương (SGI) xuất bản sau này thì vẽ đường biên giới (đường màu nâu đen) cách suối Thanh Thủy khoảng 2,5 đến 3 km về phía bắc.


Một số tài liệu nước ngoài về cuộc chiến biên giới Việt-Trung có dẫn tài liệu của CIA, cho rằng Việt Nam chiếm của Trung Quốc khoảng 50km² đất. Diện tích đất này khá phù hợp với "địa bàn" của chiến dịch Vị Xuyên, vùng gạch chéo màu đỏ trong bản đồ.


Việt Nam hay Trung Quốc, phía nào đúng, phía nào sai trong cuộc chiến này? Dữ kiện của CIA đưa ra, rằng Việt Nam chiếm khoảng 50km đất của Trung Quốc có thật sự đúng hay không ?


Điều quan trọng hơn cả là ngày nay lịch sử Việt Nam đã xóa trắng, không có dòng nào nhắc đến cuộc chiến này. Các vết tích chiến tranh như nghĩa trang bộ đội, bia ghi dấu tích chiến tranh... thảy đều phá bỏ.


Bài viết này, với những dữ kiện góp nhặt được từ Trung tâm Văn khố Hải ngoại của Pháp (CAOM, Aix-en-Provence), hy vọng thiết lập lại một sự thật lịch sử.


1/ Đường biên giới theo các công ước 1887 và 1895:


Công ước Pháp-Thanh về phân định biên giới 1887 phân chia đường biên giới hai nước Việt-Trung thành 3 vùng biên giới: Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam. Vị Xuyên, nơi phát xuất chiến dịch của Trung Quốc, thuộc về khu vực tỉnh Vân Nam.


image072

Image copyright Truong Nhan Tuan Image caption Bản đồ 2


Theo Công ước phân định biên giới 1887, vùng biên giới liên quan (với Vị Xuyên) thuộc về đoạn S-T, theo như bản đồ số 2. Nội dung Công ước 1887 (tạm dẫn phần có liên quan):


"Từ điểm S (Mường Tung hạ thôn hay Mãnh Cang hạ thôn), đường biên-giới là trung tuyến sông Thanh Thủy cho tới hợp lưu của nó là điểm T với sông Rivière Claire (tức sông Lô, chú thích của tác giả)".


Đường biên giới ở đây (theo công ước 1887) là trung tuyến sông Thanh Thủy.


Công ước 1895, nội dung lấy lại vùng đất hữu ngạn sông Đà (vùng đất thuộc gia đình đầu lĩnh người Thái tên Đèo Văn Trị) về cho Việt Nam, đồng thời nhượng cho Trung Quốc một phần đất thuộc tổng Phương Độ. Phần đất nhượng cho Trung Quốc thuộc về đoạn R-S, tức đoạn liền kề sông Thanh Thủy. Sông này vẫn là đường biên giới:


Như vậy, nếu chiếu theo các công ước phân định biên giới 1887 và 1895, sông Thanh Thủy là đường biên giới.


Dầu vậy, việc phân định biên giới không kết thúc đúng như nội dung hai công ước 1887 và 1895. Công trình phân giới và cắm mốc các năm 1895-1897 đã làm thay đổi nội dung của công ước. Có lẽ là phía Trung Quốc đã không nghiên cứu trọn vẹn công trình phân định biên giới. Họ chỉ ngừng ở hai công ước 1887 và 1895, cho rằng Việt Nam chiếm đất của Trung Quốc, bất chấp những ký kết khác giữa Pháp và nhà Thanh đã làm thay đổi nội dung hai công ước này.


2/ Đường biên giới theo công trình phân giới 1895-1897:


Công trình phân giới và cắm mốc (vùng biên giới Vân Nam), liên quan đến địa bàn Vị Xuyên, tùy thuộc vào Biên bản phân giới số 3 ký ngày 13 tháng 6 năm 1897 : "Từ Qua Sách Hà (戈索河) đến Cao Mã Bạch (膏 馬 白) thuộc Bắc Kỳ và Tân Nhai (新崖) thuộc Vân Nam".


Cao Mã Bạch nay gọi là Cao Mã Pờ trên bản đồ do Việt Nam xuất bản.


Theo nội dung văn bản, "Đoạn biên giới này không thể áp dụng theo đồ tuyến đường biên giới của Ủy Ban Phân Định (1885-1887) trên thực địa".


Một đồ tuyến mới được thiết lập, "phù hợp với địa lý làm thành biên giới tự nhiên cũng như sự toàn vẹn các đơn vị hành chánh của địa phương".


Văn bản công nhận rằng "đồ tuyến của đoạn biên giới thứ 2 từ nay về sau trong những liên hệ giữa hai nước Pháp-Trung, sẽ là đồ tuyến vẽ trên địa đồ kèm theo biên bản này."


Theo đó đường biên giới là "đường sống núi (phân thủy), phân chia hai lãnh vực Thanh thủy (thuộc Việt Nam) và Mường Tung (Mãnh Cang, thuộc Trung Quốc)".


Các làng xã thuộc lưu vực sông Thanh Thủy, cũng như toàn bộ chiều dài con sông này, thuộc về Việt Nam. Trong khi toàn bộ xã Mường Tung thuộc tổng Phương Độ, vốn thuộc Việt Nam trước kia, thì nhượng cho Trung Quốc.


Điều này đã được thể hiện trên các tập bản đồ tỉ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản, thập niên 30, 40, 50... hay các bản đồ 1/50.000 của Mỹ phát hành sau này.


Vì vậy, lý do phát động chiến tranh 4 năm "phản công tự vệ" của Đặng Tiểu Bình là sai. Cũng như dữ kiện của phía CIA đưa ra, cho rằng Việt Nam lấn 50km² đất của Trung Quốc, là không có căn cứ. Điều này quan trọng, vì họ Đặng đã lừa gạt dư luận trong nước, và cả thế giới.


Phía Trung Quốc đã gây sự chiến tranh bằng những bằng chứng sai, hay ít nhất, là không đủ. Lãnh đạo Trung Quốc đã lừa gạt máu xương của các tầng lớp thanh niên Trung Quốc nhằm phục vụ lợi ích cá nhân. Cuộc chiến "phản công tự vệ" của họ là cuộc chiến phi nghĩa.


Lịch sử lặp lại?


image074

Image copyright AP Image caption Đặng Tiểu Bình là người phát động cuộc chiến biên giới với Việt Nam


Sắp tới, liệu lãnh đạo Trung Quốc có thể mù quáng lặp lại sai lầm cũ, là đem máu xương của thanh niên Trung Quốc để "phản công tự vệ", thiết lập lại "chủ quyền lịch sử" các đảo của Trung Quốc theo đường 9 đoạn ở Biển Đông hay không?


Tập Cận Bình cũng có thể vịn cớ "vì quyền lợi dân tộc", phát động một chiến dịch điên cuồng, mà thực chất là để củng cố ngôi vị của ông ta đang bị lung lay ở Bắc Kinh.)


Trung Quốc đã thất bại trong chiến dịch, vì không làm thay đổi đường biên giới. Trên bản đồ 1 hai ngôi sao chỉ cho hai trận địa kinh hồn: Lão Sơn và Giả Âm Sơn. Quân đội Việt Nam không thua nhưng hai vùng đất này đã bị nhượng cho Trung Quốc theo Hiệp ước Phân định Biên giới trên đất liền tháng 12/1999.


Ngọn Lão Sơn nhượng vì lý do "có nghĩa trang của lính Trung Quốc trên đó". Còn Giả Âm Sơn, tức ngọn đồi phía bắc, kế cận hợp lưu sông Thanh Thủy và sông Lô, thì nhượng không rõ lý do.


Vấn đề là những chiến binh hy sinh trong chiến dịch Vị Xuyên đã bị nhà cầm quyền bỏ quên. Tương tự như những chiến binh bị thảm sát ở Gạc Ma năm 1988.


Vài năm trở lại đây, biến cố Gạc Ma đã được nhắc tới, những chiến sĩ hy sinh đã được đồng đội và những nhân sĩ yêu nước mỗi năm làm lễ truy điệu. Lịch sử đã được thiết lập lại: họ là những chiến sĩ hy sinh để bảo vệ Tổ quốc (chứ không phải bảo vệ hòa bình cho khu vực như nhà nước CSVN đã khắc trên mộ bia của họ).


Những chiến binh ngã xuống ở chiến trường Vị Xuyên cũng vậy. Xương máu của hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn, chiến binh Việt Nam đổ xuống là để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ tổ quốc. Những người lính này đã chết trận vinh quang với cây súng trên tay. Họ phải được Tổ quốc ghi nhớ công ơn.


Gần đây những đồng đội cũ đã lập nơi tế tự (tư nhân), gom góp hài cốt về chôn cất tử tế. Việc này dĩ nhiên không thể gọi là đủ. Và lịch sử cũng vậy, như bài viết này, việc thiết lập lại sự thật cũng mới chỉ là một công việc của lương tâm.


Còn lãnh đạo Việt Nam, nhìn lại cuộc chiến Vị Xuyên, quí vị nghĩ gì?


BBC 26 tháng 7 2016


Bài phản ánh văn phong và quan điểm của tác giả, nhà nghiên cứu hiện sống ở Pháp.
15 Tháng Chín 2014(Xem: 7367)
Vào thế kỷ thứ 13 bên Ý có lâu đài danh tiếng giữa cánh đồng trồng nho làm rượu. Bẩy thế kỷ sau, có ông tỷ phú NAPA lấy mẫu lâu đài Amarosa đem về xây cất tại Hoa Kỳ. Công trình bàn thảo 30 năm và mất 15 năm xây cất. Lâu đài 8 tầng với 5 tháp canh vĩ đại theo kiểu thành trì thời trung cổ Âu châu. Vật liệu đem từ Ý qua, các chi tiết mô phỏng theo đúng nguyên bản tại Ý với các hầm rượu, các gian hầm giam giữ tù nhân, các đường hầm và những khu tiếp tân trong lòng đất. Hiện nay đây là điểm thu hút du khách Hoa Kỳ tại vùng NAPA.
14 Tháng Chín 2014(Xem: 12078)
Ở Nam Cali tôi được gặp mấy nhóm thân hữu, toàn những người có tấm lòng son sắt với quê hương và dân tộc. Tôi còn nhớ một chị thổ lộ rằng nghe Trung Cộng kéo giàn khoan vào Biển Đông mà lòng đau quặn, có đi chơi cũng không thấy vui, có đi ăn cũng chẳng thấy ngon.
02 Tháng Chín 2014(Xem: 14983)
* Vừa qua có ý kiến so sánh sự phát triển của ta với Hàn Quốc. Cụ thể là “cách đây bốn, năm mươi năm, Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, rà lại tư liệu thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại Việt Nam và Việt Nam cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, làm quản lý, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc chủ yếu làm thuê”. Ông nghĩ sao về sự so sánh này?
21 Tháng Tám 2014(Xem: 17016)
Văn Hóa Magazine Online nhận được E-mail từ bạn đọc và từ Viet Art Center vietartcenter@aol.com, một thư ngỏ của Ô. Phan Kỳ Nhơn, Chủ tịch Liên Ủy Ban Chống CS & Tay Sai, một của Đức Cha Dominic Mai Thanh Lương, Giám mục Phụ tá Giáo phận Orange và một của Giáo sư John Tsuchida. Để rộng đường dư luận, tòa soạn Văn Hóa đăng nguyên văn ba Thư ngỏ dưới đây:
13 Tháng Tám 2014(Xem: 16162)
“It’s so sad, it’s so sad”(Thật là buồn, thật là buồn), tôi nghe thấy Pat lẩm bẩm nói bâng quơ... Không ai nói năng gì nữa. Cũng chẳng còn hạt nước mắt nào để mà khóc. Tôi ngả đầu vào lưng ghế và nhắm mắt lại,” Tổng thống (TT) Richard Nixon viết để kết thúc cuốn Hồi Ký đài 1,120 trang.
22 Tháng Bảy 2014(Xem: 12030)
Ông Phạm Quang Vinh là nhà ngoại giao chuyên nghiệp với thâm niên hoạt động trên 30 năm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa bổ nhiệm ông Phạm Quang Vinh làm đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, thay ông Nguyễn Quốc Cường sắp hết nhiệm kỳ.
10 Tháng Bảy 2014(Xem: 19354)
Tôi là Huỳnh Tấn Mẫm, không mang một danh phận nào trong guồng máy công quyền hay một địa vị xã hội, tôi chỉ là một thanh niên – nếu các bạn cho tội dùng từ này – một thanh niên nhiều tuổi, và hơn thế, là một công dân có ý thức trách nhiệm về tình hình đất nước hiện nay. Tôi tiếc là không còn nhiều thời gian và sinh lực như các bạn, để có thể cống hiến một cách xứng đáng và trọn vẹn cho một vận hội mới đang đến với dân tộc.
03 Tháng Bảy 2014(Xem: 12666)
Lần đầu tiên trong lịch sử 236 năm của hải quân Hoa Kỳ, một phụ nữ được đề cử vào vị trí cao thứ 2 trong lực lượng này. Thông tín viên VOA Zlatica Hoke tường thuật rằng bà Michelle Howard được thăng chức hôm thứ ba lên làm đô đốc 4-sao và nhận trọng trách mới là phó trưởng lực lượng hải quân. Bà Howard đã làm nên lịch sử qua sự nghiệp quân đội của mình.
01 Tháng Bảy 2014(Xem: 11656)
Hơn 50 năm sưu tầm, ông Huệ đang sở hữu nhiều tem quý, trong đó có bộ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.