Chủ đề đặc biệt: Trận Gạc Ma 1988

15 Tháng Ba 201611:12 CH(Xem: 9312)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  TƯ  16  MAR  2016

Chủ đề tổng hợp

 

Hải chiến Trường Sa 1988

 image071

(Theo An Ninh) - Cách đây 28 năm – ngày 14/03/1988, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa hàng chục tàu chiến tiến vào vùng biển Trường Sa để tấn công, đánh chiếm một số đảo chìm của Việt Nam. Cuộc hải chiến Trường Sa đã diễn ra vô cùng ác liệt, các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu, cùng nắm chặt tay nhau tạo thành “vòng tròn bất tử” ở Gạc Ma, quyết không lùi bước dù có hy sinh để đất mẹ mãi trường tồn./

(Theo Pháp Luật) - Ngày 14/3/1988, Trung Quốc tấn công đá Cô Lin, đá Len Đao và đá Gạc Ma. Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ các đảo đá. Trung úy Trần Văn Phương quyết giữ lá cờ trên đá Gạc Ma và để lại câu nói trước khi hy sinh: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo”.

Gạc Ma là bãi đá ngầm với diện tích khoảng 7,2km2. Gạc Ma có vị trí địa chiến lược rất quan trọng ở Trường Sa. Bãi đá ngầm này là nút thắt của cụm đảo Sinh Tồn và Song Tử; nằm ngay trên tuyến đường từ đất liền tới quần đảo Trường Sa, đặc biệt gần với bờ biển miền Trung Việt Nam, nơi có nhiều cơ sở kinh tế, quốc phòng và an ninh quan trọng./

+++++++++++++++++++++++++++++++++++++

Hải chiến Trường Sa 1988


[Infographic] Toàn cảnh trận hải chiến Gạc Ma tháng 3/1988

Thứ hai, 14/03/2016

(An Ninh Quốc Phòng) - Trận chiến Gạc Ma hay còn gọi là hải chiến Trường Sa 1988 nổ ra vào ngày 14/3/1988. Trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc này, Việt Nam đã mất 3 tàu vận tải của Hải quân Việt Nam, 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, quyết tử để bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên vùng biển đảo quê hương.

image073

(Theo Năng Lượng Mới)

Cuộc chiến đấu bảo vệ Trường Sa 1988

11/03/2014  

Trung Quốc tấn công chiếm Gạc Ma và Len Đao


(PetroTimes) - Sáng sớm ngày 14/3, từ tàu HQ 604 đang thả neo tại Gạc Ma, Trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 Hải quân phát hiện thấy 4 chiếc tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại gần.

Tổ 3 người gồm thiếu uý Trần Văn Phương và hai chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh được cử lên đá bảo vệ lá cờ Việt Nam đang cắm trên bãi.

Phía Trung Quốc cho hai xuồng chở 8 lính có vũ khí lao thẳng về phía đá. Chỉ huy Trần Đức Thông ra lệnh cho các thủy thủ từ tàu 604 tiến về bảo vệ bãi để hình thành tuyến phòng thủ, không cho đối phương tiến lên.

6h sáng, Hải quân Trung Quốc thả ba thuyền nhôm và bốn mươi quân đổ bộ lên đá giật cờ Việt Nam. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị lính Trung Quốc dùng lê đâm và bắn bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn tử thương. Trước khi chết, anh Phương đã hô: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo!".

image075

Vùng biển Cô Lin - Gạc Ma - Len Đao

Do Hải quân Việt Nam không chịu rút khỏi đá, lúc 7h30, Trung Quốc dùng hai chiến hạm bắn pháo 100 mm vào tàu 604, làm tàu bị hỏng nặng. Hải quân Trung Quốc cho quân xông về phía tàu Việt Nam. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội trên tàu sử dụng các loại súng AK47, RPD, B-40, B-41 đánh trả quyết liệt, buộc đối phương phải nhảy xuống biển bơi trở về tàu.

Hải quân Việt Nam vừa chiến đấu, vừa tổ chức băng bó, cứu chữa thương binh và hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ cờ. Trung Quốc tiếp tục nã pháo, tàu 604 của Việt Nam bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Lữ đoàn phó Trần Đức Thông, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ cùng một số thủy thủ trên tàu đã hy sinh cùng tàu 604 ở khu vực đá Gạc Ma.

Tại đá Cô Lin, 6 giờ, tàu HQ-505 của Việt Nam đã cắm hai lá cờ trên đá. Khi thấy tàu HQ-604 của Việt Nam bị chìm, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ- 505 ra lệnh nhổ neo cho tàu mở hết tốc lực lao lên bãi đá. Phát hiện tàu HQ-505 đang lên bãi thì 2 tàu của Trung Quốc quay sang tấn công. Khi tàu HQ-505 trườn được hai phần ba thân tàu lên đá thì bốc cháy.

8h15, thủy thủ tàu HQ-505 triển khai lực lượng dập lửa cứu tàu, bảo vệ đá và đưa xuồng đến cứu thủy thủ tàu HQ-604 bị chìm ở phía bãi Gạc Ma ngay gần đó (Cô Lin cách Gạc Ma khoảng 3,5 hải lí) 6.5 km

Ở hướng đá Len Đao, 8h20 ngày 14/3, Hải quân Trung Quốc bắn xối xả vào tàu HQ-605 của Hải quân Việt Nam. Tàu HQ-605 bị bốc cháy và chìm. Đến 6 giờ ngày 15/3, thủy thủ đoàn của tàu bơi về đảo Sinh Tồn.

Thượng uý Nguyễn Văn Chương và trung uý Nguyễn Sĩ Minh tổ chức đưa thương binh và chiến sĩ về tàu HQ-505 (sau khi bị bắn cháy nằm trên đá Cô Lin). Thi hài các chiến sĩ Trần Văn Phương, Nguyễn Văn Tư cùng các thương binh nặng được đặt trên xuồng. Số người còn sức, một tay bám thành xuồng, một tay làm mái chèo đưa xuồng về đến đá Cô Lin.

Trận chiến đấu ngày 14/3/1988, thiệt hại của Việt Nam bao gồm ba tàu bị bắn cháy và chìm, ba người hy sinh, mười một người khác bị thương, bảy mươi người bị mất tích. Sau này Trung Quốc đã trao trả cho phía Việt Nam 9 người bị bắt, còn 64 người vẫn mất tích và được xác định là đã hy sinh.

Trong trận Hải chiến Trường Sa, Học viện Hải quân Việt Nam có hai học viên (Kiều Hồng Lập và Nguyễn Bá Cường) hi sinh trong lúc tham gia thực tập và chiến đấu trên tàu HQ- 604, hiện nay vẫn còn lưu giữ hình ảnh tại nhà truyền thống của Học viện.

Nhờ hành động dũng cảm của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và tập thể tàu HQ-505, tàu Việt Nam nằm trên đá Cô Lin và giữ được bãi đá ngầm này. Trung Quốc chiếm đá Gạc Ma từ ngày 16/3/1988 cho đến nay.

Khoảng một tháng sau trận hải chiến tại Gạc Ma, hải quân Việt Nam đưa 35 chiến sĩ công binh và 7 chiến sĩ hải quân cùng vật liệu xây dựng lên đá Len Đao, xây nhà đánh dấu chủ quyền. Lặp lại kịch bản Gạc Ma, trong ngày 16/3, Trung Quốc đưa 7 tàu chiến và nhiều xuồng nhỏ bao vây uy hiếp số quân Việt Nam trên đá. Tuy nhiên, lần này Việt Nam cho 7 máy bay chiến đấu từ đất liền bay ra phía đá hỗ trợ nên số tàu chiến của Trung Quốc bỏ đi, đụng độ không nổ ra, phía Việt Nam giữ được đá và hoàn thành việc xây dựng nhà trên đá./

(Còn tiếp)

Đức Toàn (tổng hợp)

image071

Hình ảnh công trường phi pháp của Trung Quốc ở đá Huy Gơ (Tư Nghĩa)

25/05/2015

- Phóng viên đã ra Trường Sa tận mắt ghi lại hình ảnh các công trình trái phép TQ xây dựng ở Gạc Ma, Huy Gơ.

Theo chân đoàn công tác số 9 do Bộ TT&TT chủ trì đến cụm đảo Sinh Tồn trong hành trình “Đến với Trường Sa thân yêu 2015″, phóng viên đã tận mắt chứng kiến các công trình TQ đang gấp rút xây dựng trái phép tại các bãi đá Huy Gơ và Gạc Ma.

Nằm trong cụm đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, VN), đá Huy Gơ còn được gọi với tên khác là đá Tư Nghĩa, cách Gạc Ma khoảng 15 hải lý theo hướng Đông Bắc, bị TQ chiếm giữ trái phép từ ngày 28/2/1988.

Ban đầu, đá Huy Gơ là một bãi san hô chìm, chỉ nổi lên một phần rất nhỏ khi thủy triều xuống. Sau khi chiếm giữ trái phép năm 1988, TQ đã xây dựng đá Huy Gơ thành một đảo chìm nhỏ với cấu trúc 1 nhà 2 tầng kiên cố.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2014, sau khi xây dựng mở rộng các đảo Gạc Ma, Xu Bi, Vành Khăn… TQ tiếp tục huy động một lượng lớn tàu vận tải và thiết bị xây dựng hiện đại để mở rộng bãi đá Huy Gơ (Tư Nghĩa) ra tới hơn 6 héc ta.

Tàu trọng tải trên 30 ngàn tấn và hệ thống băng chuyền đưa vật liệu xây dựng từ tàu lên bờ cũng được TQ sử dụng.

image076

Hải trình của đoàn công tác số 9 đi giữa cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, VN), ngang qua các bãi đá Huy Gơ và Gạc Ma đang bị TQ chiếm đóng trái phép.

image077

Đứng từ đảo Sinh Tồn Đông, có thể nhìn thấy Huy Gơ ở khoảng cách rất gần.

Ngay khi tàu Trường Sa 571 đưa đoàn công tác số 9 đi ngang qua bãi đá Huy Gơ, phía TQ lập tức phát tín hiệu bộ đàm xua đuổi, đồng thời bắn pháo sáng cảnh cáo.

image078

Từ khoảng cách vài hải lý vẫn có thể nhìn rõ các công trình xây dựng trái phép của TQ trên đá Huy Gơ đang được thi công ngày đêm, huy động tới 6 cần cẩu cùng hoạt động. Tất cả các công trình đều được sơn màu trắng nổi bật. Tàu vận tải hàng chục ngàn tấn được sử dụng để chở vật liệu ra đảo.

image079

Ở phía cuối bên phải bãi đá, tháp quan sát không lưu đang được quây giàn giáo thi công và các đơn nguyên đã hoàn thiện, được trang bị các thiết bị radar, viễn thông trên nóc.

image080

Tòa nhà trung tâm được xây theo cấu trúc đa giác với 5 tầng nổi, có cầu dẫn từ mặt đất lên tầng 2 để vận chuyển trang thiết bị hạng nặng. Mỗi góc tòa nhà là một hệ thống tháp chiến đấu, bố trí các lỗ châu mai ra tất cả các hướng xung quanh.
image081

Các đơn nguyên liền kề vẫn đang được dựng giàn giáo để thi công. Vật liệu xây dựng liên tục được tầu vận tải chuyển lên bờ. TQ sử dụng công nghệ phụ gia bê tông đặc biệt để dùng nước biển trong quá trình trộn bê tông nên có thể thi công liên tục ngay cả trong mùa khô hạn ở Trường Sa.

image082

Đầu còn lại của bãi đá, các khối bê tông đúc sẵn và nguyên vật liệu được sử dụng để tiếp tục tôn cao nền đá san hô, mở rộng đảo nhân tạo. Sau khi ngang quá bãi đá Huy Gơ, tàu Trường Sa 571 của đoàn công tác số 9 tiếp tục hành trình khoảng 15 hải lý theo hướng Tây Nam đến đảo Cô Lin, ngang qua bãi đá Gạc Ma đang bị TQ chiếm đóng trái phép và xây dựng mở rộng.

image083

Toàn cảnh các công trình xây dựng trái phép của TQ trên đảo Gạc Ma, bao gồm tòa nhà trung tâm cao 6 tầng, các tháp quan sát không lưu cùng các hệ thống cần cẩu, tầu vận tải hoạt động liên tục. 

image084

Tòa nhà 6 tầng được thiết kế với các tháp chiến đấu ở mỗi góc, bố trí lỗ châu mai phong tỏa khu vực xung quanh. Các đống vật liệu ngổn ngang cho thấy công việc xây dựng vẫn đang được tiến hành.

image085

Đường dẫn đưa thiết bị trọng tải lớn lên tầng 2 khu nhà trung tâm cũng đã được hoàn thiện.

image086

Phía trái đảo Gạc Ma, các tầu vận tải đang cập mạn để chuyển vật liệu lên bờ. Các cần cẩu, máy xúc, máy ủi liên tục hoạt động.

image087

Hệ thống tháp trộn bê tông nằm giữa các đơn nguyên nhà độc lập, sử dụng công nghệ trộn bê tông bằng nước biển.  

image088

Nhìn bằng mắt thường từ đảo Cô Lin từ khoảng cách 3 hải lý, có thể thấy rõ các công trình xây dựng mở rộng trái phép của TQ trên đảo Gạc Ma.

(Theo Vietnamnet)

 

image089

Chiến hạm Trung Quốc tàn sát 64 sĩ quan thủy thủ Việt Nam ở đá Gạc Ma năm 1988. Ảnh tư liệu

 image090

Tàu vận tải HQ-604 do Thuyền trưởng Vũ Huy Trừ chỉ huy đi tiếp tế, cắm cờ chủ quyền trên đá Gạc Ma tháng 3/1988. Ảnh tư liệu Lữ đoàn 125 

 image091

Tàu HQ-505 do Thuyển Trưởng Vũ Hữu Lễ chỉ huy đã lao lên bãi ngầm ở đảo Cô Lin cắm cờ khẳng định chủ quyền VN vào ngày 14/3/1988. Ảnh tư liệu Lữ đoàn 125 

 

 image092

Đảo Sinh Tồn Cô Lin, đá Len Đao khoảng 8 - 12 hải lý do Việt Nam đóng giữ. Sau ngày 14/3/1988, Trung cộng chiếm Gạc Ma biến đá này thành căn cứ quân sự trung chuyển giữa đá Chữ Thập và đá Vành Khăn.Từ Chữ Thập tới Vành Khăn khoảng 300km. (VH)

Vì sao từ đảo Sinh Tồn chiến sĩ không bắn tàu Trung Quốc hỗ trợ Gạc Ma?

14/03/2016

 

- Đại tá Nguyễn Văn Dân khẳng định, do khoảng cách quá xa nên trong ngày 14/3/1988 từ Sinh Tồn các chiến sĩ ta đã không thể nổ súng bắn tàu Trung Quốc hỗ trợ cho anh em ở Gạc Ma.

image094

Đại tá Nguyễn Văn Dân và con tàu vận tải HQ-604 bị tàu chiến Trung Quốc nã pháo, bắn cháy, đang chìm xuống biển ngày 14/3/1988

Không có lệnh nào không cho nổ súng.

Đại tá Nguyễn Văn Dân (nguyên Phó tham mưu trưởng vùng 4 Hải quân) là người chỉ huy cụm 2 Trường Sa (cụm Sinh Tồn, bao gồm Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin) trong CQ88, khi được hỏi, tại sao từ đảo Sinh Tồn, chúng ta không nổ súng bắn tàu TQ để hỗ trợ Gạc Ma?

Đại tá Dân cho hay, do khoảng cách quá xa và trang bị phương tiện của chúng ta lúc đó cũ nên không thể bắn sang hỗ trợ được.

“Không hề có chuyện mình thả lỏng hay dễ dàng để Trung Quốc chiếm đảo, nhưng lúc đó khoảng cách từ đảo Sinh Tồn tới đảo Gạc Ma là hơn 12 hải lý nên phương tiện, vũ khí của mình không thể bắn tới được hỗ trợ cho anh em”, Đại tá Dân nói.

Chưa kể, lúc đó, các tàu của ta đưa ra chủ yếu là các phương tiện vận tải, anh em công binh ra giữ chủ quyền, chứ không đưa tàu chiến ra để đối đầu, nổ súng.

Trong khi đó, Trung Quốc huy động các phương tiện rất lớn, đầy đủ, có tàu chở người, tàu chiến, thậm chí tàu tuần dương, chưa kể tên lửa phóng từ xa…

Nguyên phó tham mưu trưởng vùng 4 hải quân cũng lên tiếng mạnh mẽ bác bỏ những thông tin cho rằng, đã có lệnh từ cấp trên không cho phép nổ súng vào ngày 14/3/1988.

“Vào thời điểm đó, nhiệm vụ của bộ đội ta khi lên đảo Gạc Ma là xây dựng đảo và khi đó, cùng với lá cờ tổ quốc thì có 2 khẩu súng AK 47 cũng được bộ đội đem theo để bảo vệ cờ.

Khi lính Trung Quốc với vũ khí đầy mình tiến lên đảo, nổ súng tấn công, nhiều anh em đã ngã xuống nhưng vẫn cương quyết bảo vệ bằng được lá cờ. Trong trận chiến không cân sức đó thì 64 anh em chiến sỹ ta đã mãi mãi ra đi.

Còn ở đây, khi đó, tôi là chỉ huy chung của các tàu nhưng cũng không hề có mệnh lệnh nào là không cho anh em chiến sỹ nổ súng cả.

Nếu có, đó chỉ là mệnh lệnh không được nổ súng trước mà thôi, bởi lẽ, quan điểm nhất quán của chúng ta luôn muốn hòa bình, kiềm chế, không bao giờ khiêu khích trước cả”, Đại tá Dân nêu rõ.

Cũng theo Đại tá Dân, là một người chỉ huy, không bao giờ có chuyện ông lại để cho kẻ địch bắn vào cán bộ, chiến sỹ của mình mà lại không có hành động tự vệ, nổ súng trở lại.

“Tôi không biết thông tin này từ đâu nhưng khi đi chiến đấu thì phải có súng, tuy nhiên, sử dụng súng như thế nào thì phải phụ thuộc vào hoàn cảnh và không có người chỉ huy nào lại để anh em của mình làm bia đỡ đạn của quân thù cả.

Chúng ta đã kiềm chế và không nổ súng trước nhưng sau khi địch nổ súng, sát hại anh em, chúng ta đã chống trả lại nhưng đúng là tương quan lúc đó, họ hơn chúng ta rất nhiều và mọi chuyện đã diễn ra như lịch sử.

Chúng tôi cũng chỉ mong là, mọi người khi đưa thông tin hãy đưa trung thực, khách quan, bởi những gì không đúng, đang làm tổn thương đến anh linh của anh em và những người còn sống”, Đại tá Dân nhấn mạnh.

image096

Dưới họng súng của Trung Quốc, chiến sỹ hải quân Việt Nam đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho chủ quyền của Tổ quốc.

Cùng với đó, cựu chiến binh Lê Văn Thoa, 1 trong 9 người bị Trung Quốc bắt giữ sau trận hải chiến 14/3/1988 ở Gạc Ma cũng khẳng định, không hề có lệnh nào không cho nổ súng chống lại kẻ thù lúc đó.

“Ở đây chỉ là không được nổ súng trước còn nếu không nổ súng thì sao có chuyện chúng ta chống trả lại, khiến nhiều lính Trung Quốc bị thương vong, phải bỏ xuồng nhảy xuống biển bơi về tàu.

Chúng tôi, những người còn lại sau cuộc chiến mong rằng, mọi người hãy đưa thông tin chính xác, đừng để ảnh hưởng đến các anh em đã ngã xuống”, cựu binh Thoa bày tỏ.

Mong mỏi đưa hài cốt các anh trở về

Đại tá Dân kể lại, đêm 13/3/1988 ông được lệnh lên tàu HQ 614, chỉ huy lực lượng hành quân ngay lên phía đảo Sinh Tồn.

Khi đi ở khoảng giữa Châu Viên và Phan Vinh thì có hai tàu Trung Quốc đến kèm, phá sóng. Tàu của ông bị mất liên lạc với đất liền.

Cũng do bị tàu Trung Quốc chặn đường, nên đến chiều ngày 14/3, tàu của ông mới đến được đảo Sinh Tồn, lúc đó, HQ 604, HQ 605 đã bị bắn chìm, HQ 505 đã lao lên Cô Lin.

Ngay khi nghe tin anh em chiến sĩ bị quân đội Trung Quốc thảm sát, bắn chìm tàu, ông Dân đã chỉ huy tàu từ đảo Đá Đông lao nhanh đến đảo Gạc Ma tìm kiếm thương binh, tử sĩ, nhưng tàu chiến Trung Quốc liên tục ngăn cản và đe dọa.

Đêm 14, tàu của ông mới đưa được anh em bị thương lên đảo Sinh Tồn để cứu chữa và anh em hy sinh về an táng. Đến ngày 15/3, ông cùng anh em tiếp tục ra khu vực tàu HQ 605 và HQ 604 để tìm kiếm, xác định vị trí tìm.

image098

Bức tranh miêu tả cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma 14-3-1988 (đang được treo tại Phòng Truyền thống của Vùng 4 Hải quân)

Tại đảo Gạc Ma lúc đó, Trung Quốc đã lập chòi nhỏ và tàu HQ 604 thì không còn thấy dấu vết gì. Sau đó, khi lực lượng ta tập trung tìm kiếm thì bị tàu Trung Quốc ngăn cản, không cho vào khu vực Gạc Ma.

Sau đó, các lực lượng cũng xác định, do tàu thả neo ở Tây Nam Gạc Ma nên khi bị tàu Trung Quốc bắn thì chìm rất sâu, không còn thấy dấu.

Riêng tàu HQ 605 thì xác định được vị trí chìm cạnh Len Đao nên đã thả neo đánh dấu. Tuy nhiên, sau đó, dù cố tìm kiếm nhưng, anh em cũng không tìm được xác của một đồng chí hy sinh cùng tàu.

Những ngày tìm kiếm các tàu và chiến sĩ ta hy sinh sau đó, theo ông Dân là những ngày vô cùng căng thẳng và khắc nghiệt, có thời điểm hết cả lương thực, nước uống, thậm chí có cả tin đồn ông hy sinh vì tàu bị mất liên lạc tưởng bị Trung Quốc bắn chìm…

“Những gì đã xảy ra ở Gạc Ma ngày 14/3/1988 và sau đó vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của tôi. Anh em, chiến sĩ, đồng đội của chúng tôi đã chiến đấu hết sức anh dũng, ngoan cường đến những giờ phút cuối cùng để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.

Sự hy sinh anh dũng của các anh em đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc và chúng ta không bao giờ được lãng quên điều đó.

Nhưng điều mong mỏi lớn nhất lúc này, chính là làm sao có thể đưa được hài cốt của các anh em trở về, đó không chỉ là ước nguyện của người thân mà còn của các thế hệ”, Đại tá Dân nói.

(Theo Trí Thức Trẻ)

 

Phỏng vấn Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm

Người trẻ không biết Gạc Ma là 'đáng buồn'

image100

Image copyright AP Image caption Bãi đá Gạc Ma được Trung Quốc bồi đắp

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói việc người trẻ không biết gì về trận Gạc Ma là “một sự buồn” và ông gọi đây là một cuộc “thảm sát”.

Ông Lê Kế Lâm là cựu Chuẩn Đô đốc hải quân Việt Nam, Nguyên giám đốc Học viện Hải quân. Ông cũng là tham mưu phó phụ trách tác chiến của hải quân, nắm được rõ mọi diễn biến ở Trường Sa trong thời điểm xảy ra Hải chiến Gạc Ma 1988.

Trả lời BBC Tiếng Việt, ông Lâm nói: Trước hết phải nói cuộc thảm sát 64 chiến sĩ hải quân tại Gạc Ma, đó là một sự đau thương của hải quân chúng tôi. Chúng tôi, sự thật lúc đó là căm thù. Đến bây giờ chúng tôi vẫn xem đấy là nợ máu. Còn đòi nợ máu đấy như thế nào thì dân tộc Việt Nam có cách giải quyết phù hợp với tình hình.

  • Nhưng tại Việt Nam, mãi đến gần đây trận hải chiến mới được nhắc đến. Với ông và những người trực tiếp ở trong cuộc chiến đó, đó có phải sự tổn thương không?

Vì sao ít nhắc đến, nói thật là chúng tôi vẫn không biết lý do thế nào. Nhưng tôi nghĩ đó là một sự thật lịch sử, không thể quên được và xóa nhòa nó đi được. Chúng ta có thể gác lại quá khứ, đau thương tiến về phía trước. Hai dân tộc Việt Nam- Trung Quốc vẫn đoàn kết với nhau và tiến về phía trước. Nhưng sự kiện do một số sĩ quan và hải quân Trung Quốc manh động gây ra cuộc thảm sát 14/3/1988 với hải quân Việt Nam. Tôi nghĩ đấy là tội ác, và phải lên án.

  • Khi ông gặp những người trẻ không biết gì hết về cuộc chiến này, đó có phải một sự thiếu hụt của lịch sử không?

Đó là sự thiếu hụt của lịch sử. Trách nhiệm đấy, thế hệ chúng tôi cũng phải chịu một phần. Vì chúng tôi chứng kiến sự thật lịch sử đó nhưng chưa làm cho lớp trẻ thấy một cách đầy đủ và hiểu đúng tại sao lại có cuộc thảm sát đó. Đấy là trách nhiệm của chúng tôi. Từ nay trở đi có lẽ phải khắc phục thiếu sót đó.

  • Thân nhân của những người đã hi sinh và cả những người ở thời đó như ông và người dân, liệu có cảm thấy thất vọng vì sự lãng quên?

Rõ ràng với những người hi sinh ở đó ở bãi đá ngầm Gạc Ma, đó là một sự buồn và cảm thấy không được tôn vinh một cách thỏa đáng.

Họ hi sinh xương máu, hi sinh tấm thân của mình trong một cuộc đụng độ vô tiền khoáng hậu như thế. Rõ ràng họ có suy nghĩ. Chúng tôi những người sống trong giai đoạn đó cũng có những suy nghĩ.

Và chúng tôi những người sống trong giai đoạn đó thấy không nhắc đến những sự hi sinh đó là một sai lầm. Sai lầm đó phải sửa.

image102

Image copyright AFP

  • Quay lại câu hỏi về Hải chiến Gạc Ma, ông gọi đó là một vụ thảm sát, vì sao vậy?

Vì tôi biết rằng phía hải quân Việt Nam không hề bắn một phát súng nào sang hải quân Trung Quốc. Mà giữa hai lực lượng công binh của chúng tôi lên đảo Gạc ma, và lính hải quân Trung Quốc cũng lên đảo Gạc Ma. Nhưng thời gian không cùng một lúc.

Xảy ra hiện tượng lính Trung Quốc đến nhổ cờ đỏ sao vàng của chúng tôi xuống. Anh em bảo vệ cái cờ đó phải phản ứng lại.

Trong quá trình vừa phản ứng lại đó, Trung Quốc dùng các loại súng, súng máy và các loại súng có trong tay bắn về phía chúng tôi và tàn sát 48 anh em cán bộ chiến sỹ trên đảo Gạc Ma.

Còn 16 người trên hai tàu vận tải HQ604 và HQ605. Hai tàu vận tải này mỗi chiếc 400 tấn thôi, và không có vũ khí, chỉ có những khẩu AK, tiểu liên. Họ ở cách xa chúng tôi hàng mấy km là chúng tôi không hề có khả năng bắn về họ.

Nhưng họ dùng pháo trên chiến hạm bắn chìm hai tàu HQ604 và HQ605 của chúng tôi làm 16 cán bộ chiến sỹ hi sinh. Còn một số sống sót phải dùng mọi phương tiện có thể bám để nổi được, trôi nổi trên biển.

Chúng tôi phải cho màu mang cờ Chữ Thập Đỏ đến cứu, vớt số anh em đó lên. Đấy, vì thế cho nên tôi gọi là thảm sát. Vì chúng tôi không hề có đọ súng với Trung Quốc, kể cả súng nhỏ và súng lớn.

Chúng tôi chưa có một khẩu súng lớn nào để đối diện, gọi là bắn lại tàu hay lính của người Trung Quốc. Tôi biết sự thật của Gạc Ma 1988 là vậy.

image104

Image copyright AFP

  • Vậy liệu nỗ lực dành lại đảo của Việt Nam có cơ hội nào không?

Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam và bao đời được người Việt Nam quản lý và khai thác. Luôn luôn có bao nhiêu sinh mạng sống chết vì hai quần đảo đó.

Còn lại Gạc Ma, nó là một bãi đá ngầm. Sau khi đụng độ, Trung Quốc chiếm và chúng tôi không để xảy ra một cuộc đụng độ lớn hơn. Vì vậy lãnh đạo chúng tôi lúc đó để lính Trung Quốc đóng ở Gạc Ma.

Cùng với việc họ đóng ở bãi đá Gạc Ma, họ chiếm luôn Bãi Chữ Thập. Đến năm 1995, họ chiếm luôn bãi đá ngầm Vành Khăn, gần Philippines hơn.

Như thế họ đã có dã tâm nối dài bãi đá ngầm Chữ Thập, với bãi đá ngầm Gạc Ma, kéo dài sang đến bãi đá ngầm Vành Khăn. Ba bãi đá ngầm đó tạo thành một tuyến dài 300km trên một vĩ tuyến. Vĩ tuyến đó khoảng 9 độ 5" đến 9 độ 35".

Như thế rõ ràng nằm trong âm mưu của Trung Quốc. Họ muốn chiếm quyền kiểm soát và độc chiếm Biển Đông.

Cho nên từ 1988, họ đã đóng ở ba bãi đá ngầm đó, cộng với một số bãi đá ngầm khác như Cô Lin, Len Đao. Tất cả nằm trong âm mưu của họ.

Nhưng tôi nghĩ rằng nhà nước chúng tôi đã đưa ra tranh chấp bất kỳ tranh chấp gì phải cố gắng giải quyết bằng hòa bình, thương lượng, dựa vào luật pháp quốc tế, hiến chương Liên Hiệp Quốc để bàn cãi với nhau.

Đó là con đường mà chúng tôi theo đuổi./

BBC 14/3/16

image106image108

Phỏng vấn Đại tá Vũ Hữu Lễ, Thuyền trưởng tàu 505 dự trận Gạcma 1988

image110

Nhà báo Lý Kiến Trúc đang phỏng vấn Đại tá Vũ Hữu Lễ trên Vận tải hạm HQ-571 Trường

Sa. Ảnh Văn Hóa Magazine

image111

Vận tải hạm HQ-571 Trường Sa.

image113

Cầu nguyện Mẹ Biển Đông trước khi ra khơi hải hành chuyến “Hải trình 3”. Ảnh Văn Hóa Magazine.

Lời Tòa Soạn:

Trong một buổi “giao lưu văn hóa văn nghệ” trên boong chiến hạm HQ 571, chúng tôi thấy hai người ngồi bên cạnh ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn. Hình ảnh hấp dẫn đến nỗi các phóng viên ‘nhào” tới chụp lia lịa. Hóa ra sau khi nghe lời giới thiệu mới biết hai người đó là bà quả phụ Ngụy Văn Thà và Đại tá Vũ Hữu Lễ, Thuyền trưởng tàu 505, con tàu đã cấp cứu tàu 604 đang bị chiến hạm Trung cộng bắn giết ở khu vực đảo Gạcma. Tàu 604 chỉ huy bởi Thuyền trưởng Vũ Huy Trừ bị bắn chìm, còn tàu 505 của Đại tá Vũ Huy Lễ bị bắn trọng thương nhưng vẫn cố ‘lết” đâm vào bãi đá Côlin và bám trụ tại đó.

image114

Ngồi từ trái: Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn (áo pull sọc trắng đỏ), bà quả phụ Ngụy Văn Thà, cựu Đại tá Vũ Hữu Lễ. Ảnh Văn Hóa Magazine.

LKT: Hôm nay là ngày 19-4, chúng tôi là đại diện cho tờ VanhoaMagazine tại California có dịp được phỏng vấn 1 sĩ quan cao cấp của Hải quân Việt Nam. Ngồi trên chiếc tàu Trường Sa 571 đang trên đường đi ra thăm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, rất may mắn được gặp vị sĩ quan này. Đó là ông Vũ Huy Lễ, Hải quân Đại tá của Quân chủng Hải quân Việt Nam. Ông là một nhân vật lịch sử trong trận Gạcma năm 1988, ông là một nhân chứng cao nhất trong trận chiến Gạcma. Xin kính chào đại tá.

- VŨ HUY LỄ: Vâng, xin chào ông.

- LKT: Thưa ông, xin ông có thể nói cho đọc giả của chúng tôi tại Mỹ sơ lược vài tiểu sử về quá trình hoạt động của ông trong hải quân hay không ?

- VHL: Vâng, tôi cũng sẵn sàng nếu như các anh có đề nghị, tôi tên là Vũ Huy Lễ, đã học xong ở trường phổ thông, tức là học cấp 3, cái đấy là học cấp 3, 10/10 ấy, học xong phổ thông thì tôi vào đại học. Khi vào trường đại học được 9 tháng tức là học dự khóa thì diễn ra cái sự kiện năm 64, mùng 5-8 năm 64. Sự kiện đó thì chắc là ông cũng đã biết, tức là ngày mùng 5-8 năm 1964 ở Vịnh Bắc Bộ, gọi là sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Ma-đốc, sau đó rồi thì Mỹ cũng thường cho máy bay đến bắn phá miền Bắc; vào những ngày đó chúng tôi học thì đúng là ngồi học không yên vì cứ thỉnh thoảng một ngày 2-3 lần máy bay của Mỹ thường đến bắn phá Hải Phòng và miền Bắc.

- LKT: Xin lỗi, tạm thời ngắt lời đại tá.

- VHL: Vâng!

- LKT: Ông có cho rằng cái sự kiện Maddox năm 64 đó là sự kiện dàn dựng của Mỹ hay là sự kiện ..., không phải là một sự kiện thật?

- VHL: Thực tế thì thời đó thì tôi cũng là một sinh viên cho nên là am hiểu về cái việc này thì nó cũng chưa thật là sâu sắc lắm , thế nhưng đây là một cái sự việc thật mà Mỹ đã cho tàu đến để gây ra cái sự kiện Vịnh Bắc Bộ.

- LKT: Thưa ông ngoài sự kiện đó ra thì ấn tượng nào lớn nhất trong cuộc đời hải quân của ông đối với bờ biển VN?

- VHL: Tôi thì tính đến nay là 34 năm trong quân đội, phục vụ trong quân chủng hải quân, trong quá trình phục vụ trong quân chủng hải quân, tôi cũng được làm thuyền trưởng của nhiều loại tàu của quân chủng hải quân. Nhưng mà những kỷ niệm sâu sắc nhất trong tôi mà chúng tôi không thể quên được đó là năm 1988 vào ngày 14-3 năm 1988, khi tàu tôi đang neo đậu và hoạt động bình thường ở trên đảo Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa. Thì sáng sớm hôm ấy “nước ngoài” cho tàu chiến đến bắn phá chúng tôi, đánh chúng tôi, trong quá trình đánh phá như vậy thì bên đảo Gạc Ma, tức là 2 cái đảo của chúng tôi gần nhau, tôi thì ở khoảng cách 4 hải lý, tàu tôi 505 được lệnh giữ đảo Cô Lin, còn tàu 604 thì được lệnh giữ đảo Gạc Ma, sáng hôm đó đối phương cho 2 tàu chiến đến bắn phá tàu 604.

- LKT: Vâng thưa ông, xin được ngắt lời ông là bên nào nổ súng trước?

- VHL: Bên đối phương họ có súng lớn thì họ nổ súng trước, lúc đấy chúng tôi nghe thấy ở bên đảo Gạc Ma có tiếng lục bục tiếng súng nổ, và nhìn nòng súng của 2 tàu chiến đối phương lửa cứ lóe lên thì tôi hiểu là bên đấy là họ đang bắn chúng tôi. Cho nên là chỉ 5-6 phút sau là tàu 604 của chúng tôi bị chìm.

- LKT: Vâng, tàu 604 là tàu chiến hạm hay là tàu bình thường?

- VHL: Tàu 604 là tàu vận tải bình thường mà chúng tôi vẫn hoạt động ra ngoài Trường Sa để thăm đảo, rồi đưa tiếp tế cho nhân dân, quân và dân trên đảo.

- LKT: Sau đó thì ra sao ?

- VHL: Sau đó thì khi tàu 604 bị chìm thì chúng tôi cũng bắt đầu nhổ neo và cơ động để mà tránh đạn của đối phương. Khi mà 604 chìm thì đối phương quay nòng súng sang bắn chúng tôi ngay (tàu 505), bắn cấp tập tất cả 2 pháo của 2 chiến hạm của đối phương bắn cấp tập vào tàu tôi, và toàn bộ cái mạn bên phải của tàu bị trúng đạn, đài chỉ huy trúng đạn, rồi phòng thuyền trưởng trúng đạn, phòng báo vụ VTD cũng trúng đạn, anh em bị thương nhiều, tàu bốc cháy ngùn ngụt, cháy rất dữ dội, thế rồi tất cả đạn 85 li, 100 li của đối phương bắn dưới vạch mức nước, thủng nhiều, tàu tôi bị thủng nhiều.

- LKT: Lúc đó ông là hạm trưởng của tàu 604?

- VHL: Không, tôi là hạm trưởng tàu 505, tức là đối phương bắn chìm tàu 604 xong thì quay nòng súng sang bắn tàu 505 của chúng tôi

- LKT: Hạm trưởng của tàu 604 là ai?

- VHL: Tàu 604 là đồng chí Vũ Huy Trừ, lúc đó đã hy sinh.

- LKT: Hy sinh tại chỗ?

- VHL: Vâng, tàu chìm, chìm theo tàu, cho nên là anh em ở trên đấy bị trôi dạt trên biển rất nhiều, chúng tôi phát hiện là nhìn qua bên đảo Gạc Ma là nhìn rõ là thấy người lố nhố ở trên biển, rất nhiều, và tàu tôi bị đối phương bắn trúng như vậy thì toàn bộ hệ thống điện của tàu bị mất cho nên không cơ động được, lái thì phải sử dụng bằng điện, thế là bây giờ mất điện rồi nên lái không thể điều khiển được, thế tôi mới lệnh cho anh em là phải xuống hầm lái để chuyển lái điện sang lái cơ để mình có thể mình cơ động, lúc đó anh em mò mẫm mãi không xuống được thì lại một quả pháo 85 li nó bắn trúng vào hầm lái mở ra được một cái lỗ rộng khoảng gần 1 mét vuông, ánh sáng mặt trời chiếu vào hầm lái thì anh em mới xuống được và chuyển từ lái điện sang lái cơ được, khi chuyển xong rồi anh em báo cáo lên là đã chuyển sáng lái cơ xong thì sử dụng được, thì lúc đó lại một quả pháo nữa lại bắn trúng vào trục lái của chúng tôi làm lái kẹt cứng không tài nào điều khiển được nữa.

- LKT: Thế như vậy thì cách nào mà cứu được anh em bên tàu 604?

- VHL: Vâng để tôi kể tiếp, tức là khi đó máy chính của 2 tàu tôi cũng bị hỏng, không nổ máy, bình nén khí bị trúng đạn nên xì hơi không điều khiển được máy chính, thế mà lúc đó thì gió mùa đông bắc thổi, tàu càng bị trôi ra xa đảo, ra xa đảo hơn cây số, mà ở đấy có độ sâu khoảng độ 1000 m, độ sâu rất sâu như thế, thế nên tôi nghĩ rằng nếu như mà là tàu chìm ở đây, tức là nước nó đã vào rồi đấy, dầu trôi ra lênh láng rồi, tàu bị nghiêng rồi, thế là khả năng tàu sẽ bị chìm, cho nên tôi nghĩ là tàu chìm ở đây thì toàn bộ, toàn thể cán bộ chiến sĩ ở trên tàu sẽ phải hy sinh hết, mà mình mất tàu, thế rồi mất đảo, không giữ được đảo, cho nên là bằng mọi giá mình phải sửa chữa máy để đưa tàu lên bãi cạn, xong rồi dùng súng bộ binh để mà đánh trả nếu như đối phương đưa quân lên đảo hoặc là đưa quân lên chiếm, đánh tàu chúng tôi, cho nên phải dùng súng bộ binh để đánh. Được anh em đồng ý anh em lao xuống các vị trí chiến đấu để chỉ đạo, các đồng chí trong ban chỉ huy tàu xuống các vị trí chỉ đạo cho anh em sửa chữa máy, rùi bịt vòi chống đấm, động viên bộ đội, động viên anh em để mà quyết tâm ...

- LKT: Thế đại tá có nghĩ rằng tàu 505, 604 đã lọt vào ổ phục kích của Trung Cộng hay không?

- VHL: Tôi thì tôi nghĩ rằng không phải là ổ phục kích bởi vì nhiệm vụ của chúng tôi là đến đảo hoạt động bình thường, làm các hoạt động rất bình thường vì đảo của chúng tôi cho nên chúng tôi hoạt động hoạt động rất bình thường. Đối phương tự nhiên đến đánh tàu 604 xong lại đánh tàu của tôi thì cái đó thì chúng tôi...

- LKT: Tức là 2 tàu vận tải 505-604 hoàn toàn không biết gì về chiến hạm của Trung Cộng cả?

- VHL: Buổi chiều hôm trước là chúng tôi đã biết trước, khi chúng tôi thấy rằng có cái hiện tượng có thể là ngày mai hoặc đêm nay là họ chiếm đảo của mình, cho nên mình bằng mọi cách mình phải nêu cao tinh thần cảnh giác, quan sát thật là chắc chắn, thế rồi đêm hôm ấy chúng tôi cho người lên cắm cờ trên bãi cạn đó để giữ chủ quyền của mình, vì đây là đất của Việt Nam cho nên mình phải cắm cái cờ Việt Nam lên đấy để giữ cái chủ quyền của mình ở trên đảo.

- LKT: Đứng về phương diện quân sự, đại tá cho rằng những khu vực đảo Gạc Ma, Cô Lin thì khu vực đó quan trọng như thế nào đối với quần đảo Trường Sa?

- VHL: Thực ra thì về mặt quân sự thì nó một điểm mấu chốt để quan sát được mặt biển, các hoạt động của các tàu đi trên mặt biển, cái thứ 2 về mặt kinh tế thì ví dụ như là sau này mình xây dựng các cây đèn biển với các thứ thì mình cũng có thể quan sát được các hoạt động của các tàu nước ngoài đi trong khu vực của mình.

- LKT: Như vậy có thể là một trong các yếu tố mà Trung Cộng họ tàn sát các tàu 505-604 đó là có phải là do lý do về quân sự không ?

- VHL: Cái đó thì tôi cũng hiểu nó chưa thật là sâu sắc, thế nhưng tôi nghĩ rằng cái chính của họ là muốn chiếm quần đảo Trường Sa của chúng tôi để họ làm ví dụ như xây dựng kinh tế hoặc là quân sự, cái đó ý đồ của họ là họ muốn chiếm các đảo.

- LKT: Ý đồ chiếm Gạc Ma và Cô Lin là những trận chiến đầu tiên để thực hiện kế hoạch chiếm toàn bộ Trường Sa?

- VHL: Vâng Vâng ...

- LKT: Vậy tại sao họ không đánh chiếm nốt?

- VHL: Bởi vì là ngoài việc sử dụng các loại vũ khí mà họ muốn chiếm ấy mà thì còn có cái sự thỏa thuận, rồi xây dựng cái mối hòa giải giữa nước mình với nước bạn, để mà mình cố gắng làm sao để mà không xảy ra xung đột giữa 2 nước thì cái đó là cái cố gắng.

- LKT: Thì thưa đại tá tối hôm qua trong cái buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ đại tá có nhớ là đại tá ngồi bên cạnh một người phụ nữ đó, đại tá có biết người đó là ai không ?

- VHL: Tôi cũng chỉ biết đấy là quả phụ của một anh, một người ở chế độ cũ, đến đây để tham gia văn hóa văn nghệ và đi thăm đảo Trường Sa của chúng ta.

- LKT Theo chúng tôi được biết thì bà quả phụ đó là vợ của cố Hải quân Trung tá Ngụy Văn Thà, ông ta là hạm trưởng chiếc HQ10, ông đó là hạm trưởng chỉ huy trận chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974, đại tá nghĩ thế nào về cái trận chiến Hoàng Sa, nó có liên quan với trận chiến Gạc Ma năm 88 hay không ?

- VHL: Tôi thì tôi nghĩ rằng cái âm ưu độc chiếm biển Đông của đối phương là họ rất là sâu sắc trong cái đầu óc của họ rồi, họ không nghĩ rằng là đất đó là của Việt Nam mà chúng tôi thì khẳng định hằng bao nhiêu đời đây là cái đất Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam mình, cho nên là không thể không phải như thế được, cho nên khi mà nghe được cái lệnh đi bảo vệ quần đảo Trường Sa là chúng tôi cũng rất là phấn khởi, rất là tin tưởng vào cái sự bảo vệ đó của nhà nước mình.

- LKT: Đại tá nghĩ như thế nào về sự hy sinh của 74 chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa tại trận Hoàng Sa?

- VHL: Tôi nghĩ rằng là anh em Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ Hoàng Sa cũng là bảo vệ đất nước của mình, bảo vệ đất nước của Việt Nam mình, cho nên là dù có phải hy sinh đến người cuối cùng nhưng mà mình giữ được cái đảo Hoàng Sa, cái quần đảo Hoàng Sa hoặc là Trường Sa thì mình cũng vẫn phải tôn vinh họ lên trở thành những người anh hùng những người giữ đảo giữ đất nước của Việt Nam mình, đấy thì tôi cũng nghĩ như thế.

- LKT: Vâng, tối hôm qua cũng do sự bố trí của ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, đại tá đã ngồi gần vợ một người anh hùng của Việt Nam Cộng Hòa và đại tá cũng là một anh hùng hải quân của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thì ông nghĩ thế nào về sự bố trí do 2 người anh hùng đó của 2 miền gặp nhau trong tối hôm qua?

- VHL: Tôi thì tôi nghĩ rằng đây là cái sự hòa hợp, chúng ta luôn luôn mong muốn sự hòa hợp thống nhất giữa, không thể nói là miền Nam riêng, miền Bắc riêng được mà nó là sự hòa hợp giữa người dân tộc Việt Nam mình nói chung để giữ mảnh đất thiêng liêng của mình, dù là nhỏ bé đến đâu đi chăng nữa, mình cũng phải quyết tâm giữ cho bằng được, dù là anh ở chế độ nào đi chăng nữa, anh đã thấm nhuần được cái đất nước của ta, cái mảnh đất đó là của Việt Nam thì bằng mọi giá phải giữ, cho nên phải hy sinh, cả nước mình vẫn phải tôn vinh họ là những người giữ đất nước, giữ đất, giữ nước của tổ quốc Việt Nam.

- LKT: Vâng cảm ơn đại tá câu hỏi cuối cùng là: thưa ông với cái lời lẻ của ông rất là lịch sự đối với những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, nhưng mà chúng tôi nhận thấy là trong một số báo chí và ngôn từ hiện nay ở trong nước vẫn còn dùng những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa là chữ "Ngụy", ngụy quân ngụy quyền, cái điều đó có làm ông cảm nhận có sự khác biệt nào không ?

- VHL: Theo tôi thì cách sử dụng các từ đấy thì có thể về phía tôi thì tôi nghĩ rằng là mình cũng không sử dụng như thế nữa và từ nay trở đi ta nên sử dụng đó là một người Việt Nam bảo vệ đất nước Việt Nam mình của cái thời trước, theo tôi nghĩ thì như thế.

- LKT: Xin cảm ơn đại tá , thay mặt cho một cơ quan báo chí ở hải ngoại, ở nước Mỹ, chúng tôi vô cũng hân hạnh được tiếp xúc với đại tá trong buổi hôm nay và xin chúc đại tá sức khỏe dồi dào.

- VHL: Vâng, không có chi ạ./

VĂN HÓA-CALIFORNIA  23 Tháng Sáu 2014

Trung Quốc đưa kẻ cướp Gạc Ma trở lại Biển Đông để làm gì?

Thứ hai, 14/03/2016, 22:44 (GMT+7)

- Một trong số những kẻ đã tấn công và tàn sát dã man những người lính Việt Nam trên đảo Gạc Ma 28 năm trước vừa trở thành chỉ huy Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc.

Kẻ cướp Gạc Ma trở lại biển Đông

Trong số nhiều tướng lĩnh, sĩ quan chỉ huy, binh sĩ của Trung Quốc tham gia cuộc xâm lược ở Trường Sa năm 1988, có một cái tên mà mới đây đã được Bắc Kinh đưa trở lại biển Đông và rêu rao với danh nghĩa “anh hùng chiến đấu”: Dương Chí Lượng.

Đầu năm 2016, quân đội Trung Quốc rầm rộ tuyên truyền cho chuyến “trở lại Gạc Ma” của Dương Chí Lượng và dùng đủ thứ ngôn từ hoa mỹ để “làm sống dậy” một cách lố bịch cái gọi là “ký ức gìn giữ chủ quyền biển đảo hào hùng” mà thực chất là một cuộc xâm lược.

Trước đó, tháng 11/2015, báo chí Trung Quốc đồng loạt đưa tin, Đại tá Dương Chí Lượng đã trở thành Phó chủ nhiệm Cục chính trị Hạm đội Nam Hải, thuộc Hải quân Trung Quốc. Trước đó, Dương là Phó chính ủy Hàng không binh thuộc Hạm đội Bắc Hải.

1

Ảnh chụp Dương Chí Lượng năm 2013. (Nguồn: CNR)

Hạm đội Nam Hải là Hạm đội đặc trách Biển Đông. Theo Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI), Trung Quốc đang muốn xây dựng Nam Hải thành hạm đội mạnh nhất của hải quân nước này phục vụ cho tham vọng của họ ở châu Á-Thái Bình Dương mà trước mắt là độc chiếm Biển Đông.

Đây là lực lượng đã sử dụng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và chiếm giữ trái phép cho đến ngày nay.

Các chiến hạm của Trung Quốc trực tiếp thực hiện cuộc xâm lược đánh chiếm bất hợp pháp đá Gạc Ma của Việt Nam năm 1988 cũng thuộc biên chế Hạm đội này.

Dương Chí Lượng: Công cụ tuyên truyền của Bắc Kinh

Về Dương Chí Lượng, sự nghiệp trong quân đội của ông ta suốt gần 30 năm sau trận hải chiến Trường Sa không có gì nổi bật.

Chi tiết khơi dậy sự chú ý của dư luận đối với nhân vật này cho đến nay chỉ là cái gọi là “danh hiệu Vệ sĩ Nam Sa (Nam Sa là tên gọi vô giá trị mà Trung Quốc tự đặt cho quần đảo Trường Sa của Việt Nam)”.

Trong tư liệu công khai, lý lịch công tác của Dương được giới thiệu đơn giản: Nhập ngũ năm 1981, thi vào Học viện tàu chiến hải quân Đại Liên năm 1983, từng công tác trên tàu nổi, cơ quan hải quân, tàu ngầm, hậu cần…

Trong báo cáo về việc thăng chức của Dương Chí Lượng, truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh: “Anh dũng chiến đấu và bị thương trong trận hải chiến đá Gạc Ma 14/3, vinh dự lập chiến công hạng nhất”.

Cái gọi là “chiến công” đó là gì?

Trong một bài phỏng vấn hiếm hoi được đăng trên website của Đài tiếng nói trung ương Trung Quốc (CNR) vào tháng 9/2013, Dương Chí Lượng đã nói về sự kiện 14/3/1988.

Dương đã thừa nhận hành động quân sự bài bản và chuẩn bị kỹ lưỡng của quân Trung Quốc xâm lược : “Sau khi tổ của tôi lên (đá Gạc Ma) thì tập hợp với tổ đầu tiên, sau đó lực lượng phía sau lần lượt đổ bộ lên đảo.

Khi đó có binh lính của 2 tàu đổ bộ lên đá Gạc Ma, nên lập thành hai đội, gây sức ép lên ‘địch’ (tức các chiến sĩ Việt Nam-PV) từ hai phía.

Tôi thấy đội hình này hết sức dày đặc, bèn dẫn tổ của mình tiến từ bên hông. Tổ của tôi là nhóm xông lên phía trước đầu tiên. Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng giao chiến cùng ‘địch’.”

“Chúng tôi từng bước thu hẹp khoảng cách với lính Việt Nam, từ 500m, 200m, 100m, 50m… cho đến khi tiếp cận vị trí Việt Nam cắm quốc kỳ và chiến đấu mặt đối mặt.”

image115

Dương Chí Lượng cùng lính Trung Quốc trên tàu khu trục 502 xâm lược quần đảo Trường Sa, đánh cướp đá Gạc Ma của Việt Nam ngày 14/3/1988. (Ảnh: 81.cn)

Trong tường thuật của mình, Dương cũng tự vạch trần tội ác của quân Trung Quốc, khi xác nhận các chiến sĩ Việt Nam chủ yếu “vận chuyển vật liệu, chuẩn bị xây dựng các công trình (một cách hợp pháp-PV)” trên đá Gạc Ma.

“Bọn họ (các chiến sĩ Việt Nam) đang tiến hành thi công, trong khi một tốp đứng phía trước để bảo vệ các binh sĩ đang xây dựng. Chúng tôi đã nhằm vào nhóm binh sĩ bảo vệ quốc kỳ Việt Nam,” Dương kể.

Sau tình huống tiếng súng đầu tiên vang lên, đạn pháo từ các tàu Trung Quốc đã nhằm thẳng vào tàu vận tải của Việt Nam cũng như các chiến sĩ của ta.

Dương Chí Lượng kể lại: “Chiến hạm của chúng ta tấn công hỏa lực vào tàu Việt Nam. Chỉ trong 8 phút, tàu vận tải của Việt Nam đã bị đánh chìm.”

Cuộc xâm lược Trường Sa của Hải quân Trung Quốc, cho đến nay vẫn là trận hải chiến gần nhất mà quân đội nước này tham chiến.

image116

“Dương Chí Lượng kể lại trận hải chiến Trường Sa cho đồng đội” – một trong nhiều hình ảnh tuyên truyền xuyên tạc của chính phủ Trung Quốc nhằm đổi trắng thay đen bản chất cuộc xâm lược quần đảo Trường Sa. (Ảnh: 81.cn)

Trong thời gian nằm viện do bị thương ở Gạc Ma, Dương Chí Lượng tiếp tục được truyền thông nhà nước Trung Quốc mang ra làm công cụ tuyên truyền cho cuộc xâm lược.

Sau khi trở lại quân đội, Dương được điều chuyển tới Hạm đội Bắc Hải và đã phục vụ ở đó cho đến khi trở lại Hạm đội Nam Hải vào năm ngoái.

Cuộc xâm lược của quân đội Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã trôi qua 28 năm, nhưng đến nay, “quân bài” Dương Chí Lượng một lần nữa được Bắc Kinh trọng dụng.

Trong bối cảnh hiện tại, dư luận quốc tế đang phản đối gay gắt các hành động bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc, cũng như các hành động hung hăng nhằm quân sự hóa ở biển Đông.

Đồng thời, khả năng lớn Bắc Kinh thua Philippines trong vụ kiện ở Tòa thường trực quốc tế (PCA) khiến nước này có thể không còn sử dụng được tuyên bố chủ quyền phi lý “đường chín đoạn” ở biển Đông.

Việc đưa Dương Chí Lượng – một nhân vật mờ nhạt suốt 28 năm qua – trở lại biển Đông rất có thể không ngoài mục đích khơi lại và tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc, nhằm duy trì sự ủng hộ trong nước đối với Bắc Kinh trước những lung lay về pháp lý ở quốc tế.

(Theo Tri Thức Trẻ)

27 Tháng Mười Một 2018(Xem: 6829)
22 Tháng Hai 2018(Xem: 8960)
10 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 7398)