Chiến hạm Ấn, Đức sắp kéo tới Biển Đông

13 Tháng Tám 202110:16 SA(Xem: 1235)

VĂN HÓA ONLINE – CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG - THỨ SÁU 13 AUGUST 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Chiến hạm Ấn, Đức sắp kéo tới Biển Đông


Thực thi chính sách ‘Hành động hướng Đông’, Ấn Độ triển khai tàu chiến đến Biển Đông


 


04/08/2021


image046Chiến hạm của hải quân Ấn Độ.


Các quan chức Ấn Độ hôm 4/8 cho biết sẽ cử một lực lượng đặc nhiệm hải quân đến Biển Đông để mở rộng quan hệ an ninh với các quốc gia thân hữu, báo hiệu ý định đóng một vai trò lớn hơn trong các nỗ lực của khu vực nhằm chống lại Trung Quốc, Reuters dẫn lời các quan chức cho biết.


Quân đội Ấn Độ lâu nay vốn cảnh giác với việc đối đầu với Trung Quốc nhưng tình hình đã trở nên căng thẳng sau các cuộc đụng độ giữa binh sĩ hai bên ở biên giới đất liền vào năm ngoái. Chính phủ Ấn Độ kể từ đó đã xích lại gần Hoa Kỳ hơn trong nỗ lực đẩy lùi Trung Quốc.


Hải quân Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố rằng sẽ có bốn tàu, bao gồm một tàu khu trục tên lửa dẫn đường và một tàu khu trục tên lửa, được triển khai trong thời gian hai tháng tới ở Đông Nam Á, Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.


“Việc triển khai các tàu Hải quân Ấn Độ nhằm nhấn mạnh tầm hoạt động, sự hiện diện hòa bình và tình đoàn kết với các quốc gia thân hữu nhằm đảm bảo trật tự tốt đẹp trong lĩnh vực hàng hải...”, tuyên bố của hải quân Ấn nói.


Biển Đông đã trở thành một trong nhiều điểm nhấn trong mối quan hệ đầy căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, khi Washington bác bỏ “yêu sách chủ quyền phi pháp” của Bắc Kinh ở vùng biển giàu tài nguyên.


Vào tháng 6, một nhóm hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ, do hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan dẫn đầu, đã đi vào Biển Đông như một phần của nhiệm vụ thường lệ, và một nhóm hàng không mẫu hạm của Anh cũng sẽ thực hiện các cuộc tập trận ở Biển Philippines trong tháng này.


Hải quân cho biết các tàu của Ấn Độ sẽ tham gia các cuộc tập trận chung hàng năm với sự tham gia của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia ở ngoài khơi đảo Guam.


Bốn quốc gia trên đã tạo thành Bộ Tứ, một nhóm không chính thức mà chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang quảng bá như một cách để chống lại một Trung Quốc hung hãn.


“Các sáng kiến hàng hải này nâng cao sức mạnh tổng hợp và phối hợp giữa Hải quân Ấn Độ và các quốc gia thân hữu, dựa trên lợi ích hàng hải chung và cam kết hướng tới tự do hàng hải trên biển”, hải quân Ấn Độ nói trong tuyên bố.


Trước đây, Trung Quốc từng chỉ trích các cuộc diễn tập quân sự đa phương là gây bất ổn cho khu vực. (VOA)


+++++++++++++++++++++++++++++++


Đức gia nhập nhóm các nước phương Tây gửi tàu chiến tới Biển Đông


9/8/2021


image047Nguồn hình ảnh, Getty Images. Chiến hạm Bayern đang có hành trình dự kiến kéo dài sáu tháng tới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương


Với việc cử tàu frigate Bayern tới Biển Đông, Berlin gửi ra tín hiệu cho thấy nước này đang gánh vác trách nhiệm duy trì trật tự quốc tế, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói.


Đây là lần đầu tiên Berlin gửi tàu chiến tới Biển Đông trong gần 20 năm qua, đưa Đức vào cùng vị thế với các quốc gia phương Tây trong việc mở rộng sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực.


Tàu Bayern hôm 2/8/2021 khởi hành từ căn cứ hải quân Wilhelmshaven ở tây bắc Đức.


Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer trong một thông cáo nói rằng chuyến đi của tàu Bayern là nhằm đảm bảo quyền 'tự do đi lại' trên vùng biển quốc tế, và cũng nhằm bảo vệ 'các xã hội cởi mở', đồng thời nhấn mạnh tới việc ủng hộ các đối tác trong khu vực 'cùng chia sẻ những giá trị Đức'.


Báo chí Đức gọi chuyến đi là sự dịch chuyển đối trọng quyền lực về phía Đông, nhằm đánh dấu sự hiện diện của mình tại vùng Biển Đông có tranh chấp.


Tuy nhiên, trong mắt Trung Quốc thì đây chỉ là hành động "nhằm làm vừa lòng các đồng minh phương Tây" của họ, South China Morning Post bình luận, vào thời điểm kỷ nguyên cầm quyền của bà Thủ tướng Angela Merkel dần tới hồi kết.


Phép thử trong quan hệ Đức - Trung


Tuy không phải là tin mới - tuyên bố về việc đưa một tàu chiến tới vùng Châu Á - Thái Bình Dương trong nửa cuối năm nay đã được Đức công bố ra từ 9/2020 - nhưng việc khởi hành của tàu Bayern đã ngay lập tức nhận được phản ứng từ Bắc Kinh.


Theo kế hoạch, tàu frigate Bayern với hơn 200 quân nhân trên khoang sẽ có hành trình kéo dài sáu tháng, và sẽ cập cảng tại nhiều nơi, trong đó có Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Nam Hàn và Việt Nam.


Tàu Bayern cũng muốn có chuyến cập cảng hữu nghị vào Thượng Hải.


Yêu cầu được đưa ra vào phút chót, trước khi tàu khởi hành, và Bắc Kinh đã có động thái gây ngạc nhiên khi đòi Đức phải làm rõ ý định của mình trong việc cho tàu tiến vào Biển Đông.


image048Nguồn hình ảnh, Getty Images. Trong thời gian cầm quyền, bà Merkel cho tới trước đại dịch Covid thường có các chuyến thăm Trung Quốc ít nhất mỗi năm một lần. Trong hình là chuyến đi của bà hồi 5/2018


Trong suốt 16 năm cầm quyền của bà Merkel, Berlin dường như luôn có quan điểm mềm mỏng với Bắc Kinh.


Nhìn lại thời gian nắm quyền của bà thủ tướng, The Diplomat nói rằng mãi cho đến khi xảy ra đại dịch Covid-19 khiến phần lớn các nước trên thế giới phải phong tỏa và việc đi lại toàn cầu bị hạn chế, bà Merkel tới thăm Trung Quốc ít nhất mỗi lần một năm, thường được tháp tùng bởi phái đoàn doanh nhân Đức hùng hậu.


The Diplomat bình luận rằng tuy do áp lực công chúng mà lãnh đạo cấp cao của Đức vài năm qua cũng lên tiếng trước các vấn đề bị cho là vi phạm nghiêm trọng của Trung Quốc, từ lĩnh vực nhân quyền cho tới các tuyên bố chủ quyền vô lý ở Biển Đông, nhưng chỉ luôn dừng ở mức độ không khiến cho giới lãnh đạo ở Bắc Kinh tức giận.


Tuy nhiên, các đảng phái chính trị khác ở Đức, như đảng Xanh, đảng Dân chủ Xã hội, đảng Dân chủ Tự do, đều có lập trường rõ ràng rằng cần có hành động trừng phạt Trung Quốc do các vi phạm nhân quyền.


Hoàn Cầu Thời báo nói rằng quyết định cuối cùng của Bắc Kinh về việc cho tàu Bayern ghé Thượng Hải hay không có thể sẽ được trì hoãn cho tới sau kỳ bầu cử tại Đức vào tháng Chín tới đây, là sự kiện sẽ quyết định dàn lãnh đạo mới của Đức trong nhiệm kỳ tới.


Căng thẳng ở Biển Đông


Trang the Diplomat nhắc lại chuyện hồi tháng Ba, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng tuy Biển Đông chịu sự điều chỉnh của luật pháp quốc tế nhưng chính phủ các nước cần phải nhìn nhận thực tế để "không làm xói mòn chủ quyền và an ninh của các nước liên quan".


Mới đây, Hoàn Cầu Thời báo, tờ báo nặng chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, tiếp tục khẳng định rằng Bắc Kinh không cản trở quyền tự do đi lại trên biển ở Biển Đông, và nếu như tàu chiến Đức tôn trọng luật quốc tế và tránh "có hành động cố ý" tại vùng biển này thì sẽ không có tổn hại ngoại giao gì với Trung Quốc.


Tuy nhiên, tổng biên tập báo này, ông Hồ Tích Tiến nói: "Trung Quốc không sợ bất kỳ kẻ khiêu khích nào. Cả Anh lẫn Đức đều không có sức mạnh để đánh nhau với Trung Quốc tại Biển Hoa Nam (cách Trung Quốc gọi Biển Đông). Tôi tin rằng họ hiểu rõ điều này."


Trong lịch sử, nước Đức qua các thời đế chế đã từng hiện diện ở Thái Bình Dương và có cả thuộc địa ở Trung Quốc, các đảo gần New Zealand.


Tuy thế, vì là quốc gia bại trận ở cả Thế Chiến I và II, Đức mất hết các lãnh thổ hải ngoại và hải quân CHLB Đức chỉ còn hoạt động ở vùng biển gần nhà.


image049Nguồn hình ảnh, PA Media. Đội tác chiến tàu sân bay tiến vào Biển Đông của Anh do Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth chỉ huy


Tuyên bố của ông Hồ Tích Tiến được đưa ra trong bối cảnh chỉ trước khi tàu chiến Đức khởi hành ít lâu, truyền thông Anh đưa tin hàng không mẫu hạm Anh HMS Queen Elizabeth và nhóm tàu tấn công đi kèm đã tiến vào Biển Đông.


Căng thẳng đã âm ỉ từ lâu trong khu vực, với việc nhiều nước cáo buộc Bắc Kinh sử dụng vùng biển nhiều tài nguyên này làm vũ khí đe dọa họ.


Đây là nơi mà hải quân Mỹ trong nhiều năm qua thường cho tàu vào để thực thi quyền 'tự do đi lại' trên biển, bất chấp những phản ứng mạnh từ Bắc Kinh, nhưng sự tham dự của các quốc gia đồng minh mới chỉ bắt đầu trong thời gian gần đây.


Các tàu chiến của Hải quân Mỹ và Anh gần đây đã thách thức những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông thông qua việc di chuyển qua khu vực một cách có chủ đích.


Trung Quốc tiến hành tuần tra trên biển và trên không tại đây, cảnh cáo và xua đuổi tàu thuyền nước khác ra khỏi nơi mà Bắc Kinh tuyên bố là thuộc chủ quyền của Trung Quốc - chiếm phần lớn diện tích Biển Đông, nơi các nước khác trong khu vực trong đó có Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. (BBC)