Biến tấu ở Biển Đông

30 Tháng Tư 202010:24 SA(Xem: 5348)

VĂN HÓA ONLINE - ĐIỂM NÓNG A - THỨ BẨY 30 APRIL 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  vaamacali@gmail.com (VănHóa Online-California)


Đường đi bí ẩn của HD-8 (Kỳ 3)


Mưu sâu của "Chiến khu miền Nam"


image002

Lý Kiến Trúc

VĂN HÓA ONLINE

CALIFORNIA

30/4/2020

Kỳ 3 (bổ túc)


Vài hàng phi lộ


image004

Căn cứ Len Đao-Việt Nam, trung tâm quần đảo Trường Sa, tiền đồn chống giữ cái gọi là "chiến khu miền Nam".


image005

Nhìn từ căn cứ Len Đao-Việt Nam, xa xa là đảo nhân tạo Gạc Ma - Trung cộng trung tâm quần đảo Trường Sa là một trong 7 căn cứ lớn thuộc "chiến khu miền Nam". Ảnh Thiềm Thừ.


Danh từ sặc mùi chiến tranh "Chiến khu miền Nam" bỗng nhiên nổi lên trong những ngày qua do lời tuyên bố của Li Huamin, một đại tá của cái gọi là "Chiến khu miền Nam" vào hôm 28/4/2020.


"Chiến khu miền Nam" tức là biển nam Trung Hoa, biển South China Sea, Google phổ biến bấy lâu nay trên bản đồ thế giới. Từ một vùng biển bình thường bỗng trở thành một "chiến khu", nó không còn bình thường nữa. Nó đã là một "mặt trận". Dưới con mắt của Bắc Kinh, biển nam Trung Hoa là một mặt trận đang có khói súng.


Thế nhưng, một viên Đại tá của Hải quân Hoa Kỳ lại viết trong bức thư "kêu cứu" gởi Ngũ giác đài có câu: "Chúng ta không đang trong tình trạng chiến tranh".


Trong buổi họp báo ngày 02/04/2020, đại diện Hải Quân Mỹ Thomas Modly giải thích quyết định "cách chức" Đại tá Brett Crozier, Hạm trưởng Hàng không Mẫu hạm nguyên tử Theodore Roosevelt; ông Thomas Modly nói "có thể chúng ta không trong thời chiến theo đúng nghĩa, nhưng chúng ta cũng không hoàn toàn yên bình".


Kể từ năm 1945 chấm dứt Đại chiến Thế giới lần II đến nay là 75 năm, Hải quân Hoa Kỳ chưa trực tiếp tham dự trận đánh với nước nào trên mặt biển, có chăng trong chiến cuộc Vietnam War khoảng 9 năm (3/1965-1/1973), Đệ thất Hạm đội chỉ là hạm đội yểm trợ ở ngoài khơi biển Đông Việt Nam. (ct: Hạm đội 7 không đóng quân ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa mà gần bờ biển miền trung Việt Nam để dễ dàng yểm trợ phi-pháo và thực hiện các phi vụ ném bom ngoài Bắc Việt).


Sau khi "xài hết" các chủng loại vũ khí bộ binh, không hải quân thời Đại chiến thứ II ở chiến trường Việt Nam, Hải quân Mỹ sản xuất các chủng loại vũ khí hải quân tối tân hơn. Các hạm đội Mỹ dàn trải khắp năm châu, chứng minh sự hiện diện của hải quân Mỹ trong thời bình nhưng vẫn ứng chiến trong các tình huống khủng hoảng, nhưng suốt gần ba thập niên, hạm đội 7 vắng bóng ở biển nam Trung Hoa.


Sau Hiệp định Paris 1973 dứt điểm chiến trường Đông Dương III, Hạm đội 7 chịu trách nhiệm vùng biển Đông Nam Á và tây Thái bình dương gần như phủ bạt đại pháo, hóng gió và ... đánh bài cho đỡ buồn (kinh nghiệm vụ Khu trục hạm McCain bị tàu dầu đâm lủng ở vịnh Singapore).


Quan niệm "không đang trong tình trạng chiến tranh" của ông Đại tá Brett Crozier bộc lộ sau khi Mẫu hạm USS Roosevelt do ông chỉ huy dừng chân ở vịnh Đà Nẵng ngày 05/3/2020 trở về Guam thì ông phát hiện "CôVi" đã "tuyên chiến" với lính của ông, ông hốt hoảng nhưng vẫn không nghĩ rằng "CôVi" là mũi tên chiến tranh, dẫn tới việc Ngũ giác đài bối rối, lung lay cả hệ thống hiện diện của hàng ngũ hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ trên khắp thế giới.


Ai không nói là cuộc tấn công vô hình của cái gọi là "Khí công virus Vũ Hán" là vũ khí tấn công của thế kỷ 21. Có thể lắm chứ. Thắng lợi bước đầu của "Khí công virus Vũ Hán" bắn tới nước Mỹ đã tiêu diệt gần 60 ngàn người vô tội.


Nhưng Bắc Kinh vẫn lên giọng đạo đức giả lấp liếm tội ác của mình, nói với Thời báo Hoàn cầu, đại tá Li Huamin - người phát ngôn Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc mạnh miệng chỉ trích Mỹ, kêu gọi Mỹ lo tập trung vào cuộc chiến chống COVID-19 thay vì đi gây rối. (PLO 29/4/2020).


Tiếc thay, có lẽ trong cuộc đời binh nghiệp của ông Đại tá Hạm trưởng Mẫu hạm USS Roosevelt chưa hít mùi khói súng hải chiến bao giờ nên ông không ngửi được mùi chiến tranh đã bốc lên ở Trung Nam Hải, ở "chiến khu miền Nam", tức là ở ngay cái chỗ mà ông vừa ngừng chân vịt tọa độ 16°01′55″B 108°13′14″Đ


Các ông chủ Trung Nam Hải phương Đông biết rất rõ vì sao Mỹ tháo chạy ở chiến trường Việt Nam, cái đuôi của Châu á phương đông. Thanh niên - tài sản đáng tin cậy của nước Mỹ chết như rạ ở miền nam Việt Nam, dân Mỹ đùng đùng phản chiến. Mỹ không thể thắng ở cái chiến trường mà bọn đầu lãnh coi mạng người như cỏ, lấy xác người làm bia vinh quang; nhưng quan trọng nhất, cuộc chiến lì lợm kéo dài, Mỹ chán nản cái xứ Đông Dương, Việt Nam kể cả Biển Đông, nó không mang lợi ích gì cho Mỹ thời hậu chiến tranh lạnh, chỉ tốn người tốn của, vậy thì tiếc làm gì cái vùng biển xa xôi cỏn con so với Đại tây dương và Thái bình dương, thả nổi cho nó vô chủ - suốt 30 năm.


Nhưng từ năm 1988, vùng biển cỏn con này không còn vô chủ nữa. Nó đã rơi vào tình trạng "Mạnh ai nấy chiếm - Hồn ai nấy giữ" (tựa một bài viết cùng tác giả trên Văn Hóa Online). Bắc Kinh hỗn hào coi nó là "cái ao nhà" của Trung Quốc.


Ngày 4 tháng 11 năm 2002, hội nghị ASEAN+China ở Nam Vang mở ra cái gọi là Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Nam Trung Hoa  (DOC - Declaration on Conduct of the Parties in the South China Sea), dưới sự điều động tối cao của ông chủ Bắc Kinh.


Trong nội dung DOC, một trong những điểm các bên cam kết và tuyên bố là: - 5. Các bên liên quan cam kết tự kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng các tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, kể cả không tiến hành các hoạt động đưa người đến sinh sống trên các đảo, bãi đá ngầm, bãi cát ngầm, dải đá ngầm và những cấu trúc khác hiện chưa có người sinh sống và xử lý các bất đồng một cách xây dựng; - b. Nghiên cứu khoa học biển; ...


Rất tiếc, các nước trong khối ASEAN thời bấy giờ chưa thấy, hoặc thấy mà thua trước áp lực chiến lược "xâm lược mềm" Biển của Bắc Kinh, đành phải "hội nghị"! Một thời gian dài, tâm lý của ASEAN lan man tư tưởng: Mỹ đã bỏ rơi Đông Nam Á. Nixon đã thua Mao Trạch Đông.


DOC PhnomPenh: Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông.


 Bắc Kinh (từ thời Mao đến Đặng đến Tập Cận Bình) nắm được ngay thời cơ bằng vàng. Họ Tập phát động giấc mộng Trung Hoa vĩ đại vươn ra đại dương xanh. Trong khoàng ba thập niên, giấc mộng trở thành hiện thực. Lính hải quân Trung Nam Hải được chính ủy Bắc Kinh dạy thao trường biển Nam Hải chính là chiến trường để bảo vệ "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc. Muốn lên gân lính Trung Quốc thỏa mãn lòng tự ái dân tộc, chính ủy Bắc Kinh đặt tên cho cái ao sặc mùi chiến tranh: "Chiến khu miền Nam".


37 năm sau (1973-2010), ngày 23/7/2010, tại Hội nghị Ngoại trưởng Diễn đàn khu vực khối ASEAN (ARF) ở Hà Nội, cựu ngoại trưởng Mỹ - Bà Hilary Clinton tuyên bố biển South China Sea là "lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ”. 37 năm lợi ích muộn màng.


Tác giả bài viết này còn nhớ hai câu nhận định của bà cựu ngoại trưởng, một là biển "tây Thái bình dương còn đủ rộng", hai là Việt Nam hiện đang có giai cấp trung lưu. Câu trên quả là câu hớ hênh chiến lược mở đường cho Bắc Kinh thao túng biển nam Trung Hoa tiến ra biển tây Thái bình dương, câu sau dường như bà "ngạc nhiên" trước cảnh thay đổi hào nhoáng của Hà Nội và Sàigon, chợ búa tập nập, buyn đinh, vi la biệt phủ hoành tráng, bà cho rằng "giai cấp trung lưu" đã xuất hiện ở xã hội Việt Nam, bà không cần "thắc mắc" những ông bà chủ giai cấp trung lưu đó tiền ở đâu mà lắm thế! con cháu của những ai?


Được thể, từ Nguyễn Minh Triết đến Nguyễn Tấn Dũng đều xin Mỹ (thời TT Obama) công nhận Việt Nam là một nước có nền kinh tế thị trường. Nhưng đến thời Donald Trump thì ông tổng thống này huỵt toạt ra cái gọi là chủ nghĩa xã hội chỉ mang lại bất công nghèo đói giai cấp bóc lột và lạc hậu.


Xưa nay, trong chiến tranh, mấy chú GI tây phương ngây ngô ngố nghế chỉ quen thượng cẳng chân hạ cẳng tay công khai trên võ đài, không quen lối đánh lén (du kích) của mấy anh đông phương thâm hiểm (khí công virus Vũ Hán có đánh lén không?); âu cũng là chuyện thông cảm cho ông đại tá hạm trưởng "chưa có súng nổ chưa có chiến tranh".


Đề nghị ông hạm trưởng đọc chưởng Kim Dung để biết thế nào là Khí Công.


Ngược dòng quá khứ Obama' FONOPs


Các cuộc hành quân ở biển nam Trung Hoa của Mỹ gọi chung là chiến dịch FONOPs During the Obama Adminimistration (FONOP - Freedom Of Navigation Operation). Văn Hóa Online gọi tắt chiến dịch thời Tổng thống Obama là Obama's FONOPs để phân biệt sau này với chiến dịch Trump's FONOPs.


Trong ý nghĩa tổng thể, chiến dịch Obama's FONOPs chính là "khắc tinh" của lưỡi bò 9 đoạn, phản công lại Trung Quốc đã và đang bày binh bố trận "Vạn lý Trường thành" kiên cố ở biển nam Trung Hoa. Giới quan sát cho rằng mưu soái chủ biển South China Sea nhằm mục đích tối hậu là hất cẳng Mỹ ra khỏi khu vực biển này. 


image007

Ảnh trên từ trái: Chiến dịch Obama FONOPs, cácThủy sư Đô đốc Hoa Kỳ, Admiral Scott H. Swift, Admiral Samuel J. Locklear, III, Admiral Harry B. Harris, Jr. Ảnh dưới trái: năm 2003, Khu trục hạm USS Vandegrift 48 thuộc Hạm đội 7 lần đầu tiên đã ghé bến cảng Sàigon mở đầu chương trình "Ngoại giao Chiến hạm" sau 30 năm Mỹ rút quân chấm dứt chiến tranh Việt Nam (1973-2003). Ảnh phải: năm 2016 cũng là năm cuối nhiệm kỳ 2 của TT Obama, Khu trục hạm USS Decatur 73 hoàn thành sứ mạng FONOPs. 


Ngày 07/11/2009, Khu trục hạm USS Lassen DDG 82 do Trung tá Hạm trưởng Lê Bá Hùng (người Mỹ gốc Việt) chỉ huy, lần đầu tiên đến quân cảng Đà Nẵng-Việt Nam. Đây là mũi chiến dịch hành quân tuần tra tiêu biểu của Obama's FONOPs đo lường phản ứng của Bắc Kinh.


image008

Hải quân Trung tá hạm trưởng Lê Bá Hùng chỉ huy Khu trục hạm USS Lassen (DDG 82) và USS Blue Ridge (LCC 19) Hải quân Hoa Kỳ đến thăm Đà Nẵng ngày 07/11/2009. Ảnh: HC. Sau chuyến thăm này ông được vinh thăng Đại tá, sau này lên cấp Tướng. Bức ảnh cho thấy các sĩ quan hải quân Việt Nam niềm nở tươi cười đón ông sĩ quan hải quân người Mỹ gốc Việt, trong lúc ông Hùng không nở nụ cười, bắt tay hờ hững. Reuters.


Ngày 23/7/2010, tại Hội nghị Ngoại trưởng Diễn đàn khu vực khối ASEAN (ARF) ở Hà Nội, cựu ngoại trưởng Hilary Clinton tuyên bố “Biển Đông là lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ”. Trong chiến lược "Xoay trục về Châu á" (chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình ), Mỹ khởi động các hoạt động quân sự hải quân trên toàn lãnh thổ biển Nam Trung Hoa (South China Sea), biển Đông (East Sea Việt Nam) và biển tây Philippines (West Sea Philippines).


image009

Ngày 22 tháng 7 năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton đến Hà Nội tham dự các sự kiện đánh dấu 15 năm kỷ niệm bình thường hóa quan hệ 2 nước Việt - Mỹ; sau đó Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton (phải) họp báo chung với Phó Thủ tướng Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm tại nhà khách Chính phủ Hà Nội. 


Về phương diện quân sự chiếm lĩnh diện địa, đại chiến dịch "Vạn lý Trường thành" của Bắc Kinh đầu tiên là bồi đắp 7 bãi đá san hô chìm dưới mặt nước (diện tích của các đảo san hô này khá lớn, có bãi rộng dài vài chục km) thành đảo nổi, gọi là đảo nhân tạo nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa. Vì sao Bắc Kinh chọn vùng biển Trường Sa bổi đắp 7 đảo nhân tạo? Mời quý bạn đọc trên www.nhatbaovanhoa.com


Yếu tố cực kỳ quan trọng để tiến hành chiến dịch bồi đắp bãi đá ngầm là phải biết vị trí của nó nằm ở tọa độ nào, khu vực nào. Phương tiện kỹ thuật nào và những ai làm công việc khảo sát, dò tìm? Chính là tàu Hải dương địa chất 8 (HD-8), trên con tàu đó tập trung các bộ óc khoa học gia, hải dương học, chuyên gia có nhiệm vụ thực hiện chiến lược của Bắc Kinh.


Con tàu HD-8 mang lại cho Bắc Kinh kết quả các cuộc khảo sát địa chất, môi trường và vị trí chiến thuật, nó chấm những tọa độ chìm có vị trí quan trọng về chiến thuật trong toàn vùng biển Trường Sa. Giai đoạn 2, điều động hàng sư đoàn công binh hàng chục tầu hút cát, ngày đêm hút cát bơm vào bãi đá san hô chìm nâng lên mặt biển, đó là đảo nhân tạo. Cao điểm của giai đoạn này là khoảng đầu năm 2014, Bắc Kinh tìm cách che dấu thế giới bằng cách điều giàn khoan HD-981 tới phá phách vùng biển EEZ của Việt Nam ở gần đảo Lý Sơn Quảng Ngãi hầu đánh lừa dư luận. Người ta nghi rằng - hoặc Nguyễn Tấn Dũng tiếp tay trong cú lừa này, - hoặc Dũng nhân cơ hội này đánh bóng uy thế chính trị của mình trong tương lai.


Một yếu tố chính trị ngoại giao kiểu cướp nước hiện đại là Bắc Kinh không cần mang quân đi đánh chiếm các đảo nổi quan trọng của Việt Nam hay của Philippins (rút kinh nghiệm vụ Gạc Ma năm 1988 mang tiếng là quân xâm lược, quân cướp biển lớn nhất thế kỷ). Sau khi đảo tân tạo hoàn thành cơ bản, từ từ chúng trở thành các cứ điểm quân sự, có sân bay lớn, dài, có âu tầu hải cảng sâu, có cơ sở hạ tầng, có hải đăng, có trại gia binh, v.v..., chúng trở thành là các cứ điểm liên hợp một mạng lưới hỏa lực phòng thủ lẫn tấn công, trực tiếp kiểm soát lượng tàu bè vận tải lưu thông qua lại trên hải lộ quốc tế từ eo biển Malacca đến eo biển Luzon-Cao Hùng, (hải lộ này mang lại 3,5 tỉ đô la hàng năm).


Chuỗi đảo/căn cứ hỏa lực "Vạn lý trường thành"


- Năm 2011, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố ủng hộ quyết định của Philippines đưa tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế La Haye.


- Ngày 18/10/2011, Bà Clinton nói Hoa Kỳ vẫn là cường quốc ở Châu Á Thái Bình Dương và trong cả thập kỷ nữa, Hoa Kỳ vẫn đóng vai trò quan trọng ở đó, Hoa Kỳ cần can dự vào nhiều nơi trên thế giới, nhất là Châu Á Thái Bình Dương từ Philippines, Thái Lan cho đến Indonesia và Singapore. Dường như bà cũng nói: "biển Tây Thái bình dương" còn đủ rộng.


image011

Chiến lược "Xoay trục về Châu á - Thái bình dương" thời Tổng thống Barack Obama. Hải đồ minh họa.


Ngày 25/9/2012, Trung Quốc mua từ Ukraine chiếc Hàng không Mẫu hạm rỉ sét (bỏ phế) kéo về Qingdao (Quảng Đảo) tân trang và đặt tên là Mẫu hạm Liaoning (Liêu Ninh). Từ Liêu Ninh, TQ đổ hàng tỉ đôla hiện đại hóa lực lượng hải quân và ra sức chế tạo hàng loạt chiến hạm tân tiến.


Ngày 15/11/2012, Sau khi kiện toàn bộ Bộ chính trị mới và nắm và chức Tổng bí thư đảng CS Trung Quốc , mùa xuân 2013, Tập Cận Bình mở đại chiến dịch chiếm 7 bãi đá san hô ngầm ở trung tâm quần đảo Trường Sa.


image001

Hải đồ minh họa "Thế trận biển Đông Nam Á" thời TT Obama. VĂN HÓA Map.


1.Chấm xanh: Chuỗi hỏa lực của Mỹ bao vây từ Subic-Manila tới Kota Kinabalu, Bintulu (Malaysia), Natuna (Indonesia), Singapore.


2. Chấm trắng viền đỏ: Các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp, xây dựng thành căn cứ hỏa lực gồm: Su Bi (Subi Reef), Chữ Thập (Fiery Cross reef), Ga Ven (Gaven reef), Tư Nghĩa (Hughes reef), Châu Viên (Cuarteron reef), Gạc Ma (Johnson South reef), Vành Khăn (Mischief reef).


Ngoài ra, các bãi Hoa Lau (Swallow reef), bãi Ca Bố Riềng (Scarborough reef), bãi Tư Chính (Vanguard bank), bãi Kiêu Ngựa (tiếng Anh: Ardasier Bank; tiếng Mã Lai: Permatang Ubi), bãi Cỏ Mây (Tiếng Anh: Second Thomas Shoal; tiếng Filipino: Ayungin), bãi Cỏ Rong (tiếng Anh: Reed Bank), đó là những bãi san hô chìm không sâu lắm dưới mặt biển tiếm tàng tài nguyên chưa khai thác; gần đây đã có những ký kết khai thác chung giữa Philippines và Trung Quốc; mưu sâu của Trung Quốc đang lộ dần lượn theo vành đai lửa chữ U.


- Ngày 28/3/2014, Trong chuyến đi ngoại giao Châu âu của Chủ tịch Tập Cận Bình, dừng chân ở thủ đô Bá Linh, Chủ tịch Tập được bà Angela Merkel Thủ tướng Đức quốc tặng ông một bức bản đồ cổ do nhà Địa lý kiêm nhà Bản đồ Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville (sinh tại Paris năm 1782) vẽ vào thế kỷ 18; bức bản đồ này vẽ lãnh thổ Trung Quốc nhưng không có các vùng Tibet (Tây Tạng), Xinjiang (Tân Cương) và Manchuria (Mãn Châu Lý).


image012

Bà Thủ tướng Angela Merkel tặng bức bản đồ do nhà Địa lý Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville (Pháp) vẽ vào thế kỷ 18 cho Chủ tịh Tập Cận Bình. Bức bản đồ này không có các vùng Tibet (Tây Tạng), Xinjiang (Tân Cương) và Manchuria (Mãn Châu Lý hôm 28/3/2014..


Rấr tiếc, bà Thủ tướng Đức không tặng thêm ông Tập bức bản đồ nước An Nam Đại Việt, trong tấm bản đồ này có vẽ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Đại Việt.


image014

Bức bản đồ cổ vẽ hình Vương quốc Đại Việt và các quần đảo của Đại Việt ngoài khơi Đông Hải do Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville vẽ năm 1752. Nguồn Internet.


- Ngày 01/5/2014, giàn khoan HD-981 của Trung Quốc âm thầm kéo đến với dàn quân hải cảnh hộ vệ hùng hổ cắm trụ trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Việt Nam, cách đảo lý Sơn khoảng 120 hải lý. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "hô hào" toàn dân trong-ngoài nước nổi dậy, biểu tình rầm rộ khắp nơi đả đảo bọn xâm lược Bắc Kinh.


image016image018

Ngày 18/6/2014, sau vụ giàn khoan HD-981 kéo đến phá phách lãnh hải Việt Nam (02/5/2014), Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (phải) bắt tay Ngoại trưởng Dương Khiết Trì sau lên chức Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc tại nhà khách Chính phủ Hà Nội với cặp mắt "nảy lửa căm hờn", trong lúc mặt Dương Khiết Trì tỉnh bơ.


- Ngày 26-27/8/2014, Đại tướng Lê Hồng Anh, đặc phái viên của TBT Nguyễn Phú Trọng qua Bắc Kinh ký kết các hiệp ước tối quan trọng đối với biển nam Trung Hoa (South China Sea) và biển Đông Việt Nam qua các "Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước Trung-Việt"; Ba điểm này được công bố vào sáng 27/8/2014 khi ông Lê Hồng Anh gặp ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và "báo cáo" với TBT Tập Cận Bình trước khi ông Anh ra về Việt Nam.


Thông Tấn Xã Việt Nam nói về ba nội dung này là:


1. Lãnh đạo hai Đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo trực tiếp đối với quan hệ hai Đảng, hai nước, thúc đẩy quan hệ Việt-Trung không ngừng phát triển lành mạnh, ổn định.


2. Hai bên tăng cường giao lưu giữa hai Đảng, hai nước; khôi phục và tăng cường hợp tác giữa hai bên trên mọi lĩnh vực như chính trị ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, thực thi pháp luật, nhân văn...


3. Hai bên tuân thủ các nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc,” sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc; tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, đồng thời tích cực nghiên cứu và bàn bạc các giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, kể cả vấn đề hợp tác cùng phát triển; kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; duy trì đại cục quan hệ Việt-Trung và hòa bình, ổn định trên Biển Đông.


- Ngày 31/3/2015, Báo The Wall St. Journal tường thuật rằng trong một phát biểu công khai, trực tiếp chỉ trích các công trình xây cất của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, Tư Lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, Đô Đốc Harry Harris Jr., nói Bắc Kinh đang xây một "vạn lý trường thành” trên vùng biển đang trong vòng tranh chấp.


Đô Đốc Harris nói rằng: “Khi xét toàn diện các hành động khiêu khích của Trung Quốc đối với các nước giành chủ quyền nhỏ hơn, sự thiếu minh bạch của cái đường 9 đoạn và tình trạng bất cân xứng giữa khả năng của Trung Quốc so với các nước láng giềng nhỏ - thì thật không đáng ngạc nhiên là quy mô của các công trình xây các đảo nhân tạo đặt ra những nghi vấn nghiêm trọng về ý đồ của Trung Quốc.”

Ông cho rằng cái đường 9 đoạn mà Trung Quốc vạch ra để đòi chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, không phù hợp với luật quốc tế.


Tư Lệnh lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định chính sách tái cân bằng lực lượng sang khu vực Thái Bình Dương của chính phủ Mỹ đang đi đúng hướng trong mục tiêu chuyển 60% lực lượng sang Á Châu-Thái Bình Dương trước năm 2020.


Khi nghe Đô Đốc Harry Harris Jr., nói Bắc Kinh đang xây một "vạn lý trường thành” trên vùng biển đang trong vòng tranh chấp, tác giả bài viết này chợt nhớ đến những căn cứ hỏa lực, đồn bót phòng thủ diện địa của quân đội Hoa Kỳ và quân đội Sàigon, xây dựng trên toàn cõi miền nam Việt Nam trong thời kỳ cuộc chiến diễn ra đẫm máu nhất từ năm 1965-1973-1975.


Khi lữ đoàn đầu tiên Thủy quân Lục chiến Mỹ đổ bộ vào bãi biển Sơn Trà Đà Nẵng tháng 3 năm 1965, việc đầu tiên của Mỹ là cho xây dựng ngay các căn cứ quân sự làm Bộ chỉ huy, đầu não xuất phát các cuộc hành quân (tảo thanh và trực chiến), vừa là hậu cứ tiếp liệu; ví dụ như các căn cứ nổi tiếng trong chiến sử bốn vùng chiến thuật: Đà Nẵng, Chu Lai, Lai Khê, An Khê, Cam Ranh, Phan Rang, Biên Hòa (và Tân Sơn Nhất), Bình Dương, Cần Thơ, v,v... Theo đà chiến cuộc leo thang, hàng trăm căn cứ quân sự lớn nhỏ khác mọc rải rác khắp lãnh thổ miền nam Việt Nam; ví dụ như các căn cứ hỏa lực lừng danh dọc theo biên giới Việt - Miên như Khe Sanh, Lang Vei, Dakto, Chư Prong, Tu Mơ Rông, A Shau, Ben Het, Ia Drang, Doris, Núi Lửa, Dak Song, Đức Lập, Buprang, Bubong, Phước Long, Đồng Xoài, Bình Long, Trảng Lớn, v,v ... 


Ngày 27 tháng Giêng năm 1973, Hiệp định Paris ký kết chấm dứt chiến tranh Việt Nam, Mỹ rút toàn bộ quân lực về nước, các căn cứ hỏa lực của Mỹ lần lượt bàn giao cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Hàng trăm chủng loại súng ống, vũ khí hải lục không quân Mỹ đang sử dụng giao hết cho Sàigon, nhưng chiến phí giảm dần. Nếu chiến phí dành cho quân đội Mỹ lên hàng tỉ đô la hàng năm thì chiến phí của quân đội Sàigon không bằng một nửa; đạn không đủ, săng không đủ phục vụ cho nhu cầu chiến trường, viện trợ quân sự cho Sàigon kém hẳn so với viện trợ quân sự của phe xã hội chủ nghĩa cho Hà Nội; từ năm 1973, tình hình chính trị ngày đêm diễn ra cảnh "cắm cờ giành dân chiếm đất", nhiều chỗ ban ngày cắm cờ VNCH, ban đêm du kích nhổ đi cắm cờ Mặt Trận, sáng ra quân VNCH lại nhổ cắm cờ Vàng, cứ thế.


Cảnh "cắm cờ giành dân chiếm đất" thời chiến tranh Việt Nam lùi xa nhưng vẫn còn là bài học xương máu, quan sát toàn cảnh mặt trận biển nam Trung Hoa, biển Đông lấy các dấu mốc quan trọng năm 1974 (vụ Hoàng Sa), năm 1988 (vụ Gạc Ma), năm 2014 (vụ HD-981), toàn cảnh đang diễn ra tương tự như trên đất Việt, bổn báo gọi là "Giành biển chiếm đảo, đá, san hô ngầm và cắm cờ dầu khí".


Trận chiến Biển Đông đã bước vào giai đoạn quốc tế hóa, trực tiếp đối đầu giữa hai đại cường Mỹ - Hoa, tuy chưa có tiếng súng chìm tàu chết lính ngoài khơi, cán cân mạnh yếu đang diễn ra khốc liệt ở vùng biển mắt xích nối liền Indo-Pacific, ai thắng ai, chưa biết, nhưng đến tháng 11 năm nay, 2020, Tổng thống Donald Trump phải thắng.


Biển Đông, Đông Nam Á, sẽ đậm dấu vào biên bản ghi nhớ cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ./


Lý Kiến Trúc


(Xem tiếp Kỳ 4 số báo tới)
30 Tháng Giêng 2021(Xem: 2504)
01 Tháng Sáu 2020(Xem: 4378)
Quanh lời trực tuyến của bà Bonnie Glaser
06 Tháng Năm 2020(Xem: 5718)
Mưu sâu của "Chiến khu miền Nam" (Kỳ 4)
04 Tháng Sáu 2017(Xem: 7238)
Mỹ đã lật bài ngửa về Biển Đông tại Đối thoại An ninh Shangri-la
09 Tháng Ba 2017(Xem: 6206)
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển United Nations Convention on Law of the Sea - UNCLOS), quy định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước nằm trong phạm vi 200 hải lý, tính từ đường cơ sở lãnh hải cho quốc gia sở hữu quyền chủ quyền, quyền tài phán,và khai thác tài nguyên.