Canh bạc Biển Đông: "Chiến lược diệu pháp" của Mỹ trước"Chiến thuật dọa nạt, bắt nạt, lũng đoạn" của Tầu; VN đứng ở đâu?

11 Tháng Tám 20208:02 SA(Xem: 3529)

VĂN HÓA ONLINE - ĐIỂM NÓNG A - THỨ HAI 10 AUG 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Hậu ASEAN-36


Canh bạc Biển Đông: "Chiến lược diệu pháp" của Mỹ trước"Chiến thuật dọa nạt, bắt nạt, lũng đoạn" của Tầu; VN đứng ở đâu?


image001image003

Lý Kiến Trúc

VĂN HÓA ONLINE

CALIFORNIA

10/8/2020

Kỳ 2


Long vỹ Xà đầu khởi chiến tranh.

Xuất Chiêu Chiến Hạm Nộ Kình Ngư,

Thủy Chiến Phong Ba Mãn Đình Hồng.


Trước khi tiếp tục đề cập đến nhận định của hai nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa và Ngô Nhân Dụng về Có hay Không chiến tranh ở Biển Đông; chúng tôi xin đề cập đến tuyên bố của các chính khách, bên cạnh là những sự kiện "thật" đã và đang diễn ra ở biển nam Trung Hoa và Biển Đông. 


Chiến lược Diệu pháp của Mỹ: "Tổng công kích" mùa Hè


Ngoại giao và Quân sự như bóng với hình:


- Ngày 19/2/2020, trong cuộc họp báo tại California, trả lời hai câu hỏi của bổn báo Văn Hóa, một, Sự kiện diễn ra ở khu vực biển bãi Tư Chính (Vanguard Bank, hai, Chính phủ Hoa Kỳ không ký vào bản Công ước Liên Hiệp Quốc United Nations Convention on Law of the Sea (UNCLOS) ra đời vào năm 1982; Đại sứ Daniel Kritenbrink nói:


Phỏng vấn Đại sứ Daniel J. Kritenbrink tại California về South China Sea


Đại sứ Daniel J, Kritenbrink trả lời phỏng vấn Văn Hóa Online-California


-  Ngày 17/4/2020, Trung Quốc gửi lên LHQ một công hàm cáo buộc Việt Nam xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc và chiếm đóng trái phép biển, đảo của Trung Quốc ở khu vực.


Bắc Kinh gửi kèm lên LHQ các bằng chứng ủng hộ chủ quyền của mình tại Hoàng Sa, Trường Sa, trong đó có bản công hàm từ năm 1958 của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phạm Văn Đồng, gửi người đồng cấp Chu Ân Lai, Thủ tướng Quốc vụ Viện CHND Trung Hoa như một viện dẫn.


- Ngày 02/7/2020, đánh dấu 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt, Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Daniel Kritenbrink đã có cuộc gặp với báo chí Việt Nam; ông nhấn mạnh đến mối quan hệ thực chất không lệ thuộc vào các danh từ mà ngôn từ Việt Nam trong nước ưa thích (nổ như sấm) gọi là quan hệ "đối tác toàn diện" hay là "đối tác chiến lược". Báo Thanh Niên dẫn lời Đại sứ Kritenbrink nói: "Chúng tôi tin rằng quan hệ Việt - Mỹ đang ở mức tốt nhất và mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Sự hợp tác này sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn nữa bất kể chúng ta gọi tên mối quan hệ đó là gì".


- Cùng ngày 02/7/2020, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng nói: "Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, sẵn sàng làm bạn và đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia trên thế giới".


Về mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, bà Hằng nói: "Sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, sáu năm thiết lập và triển khai quan hệ đối tác toàn diện, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ chứng kiến những bước phát triển tích cực, thực chất trên tất cả các lĩnh vực và trên cả bình diện song phương và đa phương trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.


"Hai bên duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc song phương và trao đổi đoàn các cấp, duy trì các cơ chế đối thoại, tăng cường thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, khắc phục hậu quả chiến tranh, an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, hợp tác trên các vấn đề khu vực và quốc tế".  (theo BBC 03/7/2020)


Đại sứ Mỹ tại VN ‘kịch liệt’ phản đối và lên án Trung Quốc


- Ngày 03/7/2020, Ngoại trưởng Mike Pompeo đăng lại trên Twitter phát biểu phản đối Trung Quốc của bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam.


Ông Pompeo bình luận: "Trên biển nam Trung Hoa (South China Sea) và ở bất cứ nơi đâu, mọi quốc gia cần ủng hộ một trật tự tự do và cởi mở dựa trên luật pháp, truy trì quyền chủ quyền của tất cả các nước bất kể quy mô, quyền lực và khả năng quân sự."


- Ngày 14/7/2020, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố về các tuyên bố của Trung Quốc về tài nguyên ngoài khơi trên Biển Đông là "hoàn toàn bất hợp pháp", cũng nhắc lại phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 và cho rằng đây là "phán quyết cuối cùng" và "mang tính ràng buộc về pháp lý với cả hai bên" (Trung Quốc và Philippines).


Lập trường của Hoa Kỳ gồm 3 điểm:


image005

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp báo tại bộ Ngoại Giao ở Washington, ngày 15/07/2020. REUTERS - POOL / nguồn ảnh RFI.


1/ Trung Quốc không thể khẳng định một cách hợp pháp một yêu sách hàng hải - bao gồm bất cứ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nào từ Bãi Scarborough và Quần đảo Trường Sa. Hành động quấy rối của Bắc Kinh đối với các hoạt động đánh bắt cá và phát triển năng lượng ngoài khơi của Philippines trong các khu vực đó, cũng như bất cứ hành động đơn phương nào của Trung Quốc nhằm khai thác các nguồn tài nguyên này, là bất hợp pháp. Theo phán quyết có tính ràng buộc về pháp lý của Tòa Trọng tài, Trung Quốc không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp nào đối với Đá Vành Khăn hay Bãi Cỏ Mây, cả hai nằm hoàn toàn trong quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines, và Bắc Kinh cũng không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải nào được tạo ra từ những cấu trúc này.


2/ Do Bắc Kinh không thể đưa ra một yêu sách hàng hải hợp pháp, rõ ràng tại Biển Đông, Hoa Kỳ bác bỏ bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đối với các vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà Trung Quốc đưa ra yêu sách tại Quần đảo Trường Sa (mà không phương hại đến yêu sách chủ quyền của các quốc gia khác đối với các đảo đó). Bao gồm: vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Cụm bãi Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc EEZ của Brunei và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia). Bất cứ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy rối hoạt động đánh bắt cá hay phát triển dầu khí của các quốc gia khác trong những vùng biển này - hay đơn phương thực hiện các hành động đó - đều là bất hợp pháp.


3/ Trung Quốc không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp nào đối với (hay bắt nguồn từ) Bãi ngầm James, một cấu trúc chìm hoàn toàn cách Malaysia chỉ 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc khoảng 1.000 hải lý. Bãi ngầm James thường được nhắc đến trong hoạt động tuyên truyền của CHND Trung Hoa là "lãnh thổ cực nam của Trung Quốc". Luật pháp quốc tế rất rõ ràng: một cấu trúc dưới nước như Bãi ngầm James không thể được bất cứ quốc gia nào tuyên bố chủ quyền và không thể tạo ra các vùng hàng hải. Bãi ngầm James (nằm cách mặt nước khoảng 20 mét) không phải và chưa bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc, và Bắc Kinh không thể khẳng định bất cứ quyền hàng hải hợp pháp nào từ đó.


- Ngày 22/7/2020, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ Jim Risch tố cáo đích danh về các hành động của đảng CS Trung cộng. Ông nói: Chúng ta bây giờ mới biết những quyết định và hành động của CCP (đảng Cộng sản Trung Quốc) ảnh hưởng trực tiếp tới các công dân Mỹ, đồng minh và đối tác của chúng ta và toàn thế giới nhiều đến mức nào. Và bây giờ chúng ta biết rằng thậm chí một đại dịch toàn cầu sẽ không ngăn chặn hành vi hung hăng của Trung Quốc-dù là ở Hồng Kông, biển Nam Trung Hoa hay dọc biên giới Ấn Độ”. Bài phát biểu được đăng trên website của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. (theo TNO 23/7/2020)


Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cảnh báo về hành động của đảng CS Trung cộng


image007

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Jim Risch. Getty Images


- Ngày 05/8/2020, Trong cuộc Đối Thoại ASEAN-Mỹ lần thứ 33 cấp thứ trưởng ngoại giao, đồng chủ tọa của trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell và thứ trưởng ngoại giao Lào Thongphane Savanphet, và có sự tham dự của thứ trưởng ngoại giao các thành viên khác của ASEAN thông qua video;


Về biển nam Trung Hoa, thông cáo về cuộc họp trên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết: “Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết hợp tác với ASEAN trong việc đảm bảo an ninh cho khu vực dựa trên các luật lệ rõ ràng và minh bạch, và củng cố kiến trúc an ninh khu vực lấy ASEAN làm trung tâm”. “Các bên tham gia đối thoại khẳng định sự cần thiết phải giải quyết trong hòa bình cuộc tranh chấp ở Biển Đông theo Luật pháp Quốc tế như được phản ánh trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và phán quyết của Tòa Trọng Tài năm 2016”. (theo RFI 06/8/2020)


Như vậy, theo tinh thần của bản thông cáo, vấn đề giải quyết biển nam Trung Hoa phải dựa trên ba yếu tố: 1/ Luật pháp Quốc tế, 2/ Công ước UNCLOS 1982 và 3/ Phán quyết PCA 2016.


Trong ba yếu tố này, yếu tố thứ ba được Hoa Kỳ đề cập tới như một biện pháp "cập nhật thời sự biến chuyển" quan trọng không kém gì 2 yếu tố trên. Trong lúc đó, tại hội nghị ASEAN-36, Thủ tướng Việt Nam, chủ tịch ASEAN đưa ra các lời tuyên bố khẳng định COC + China là con đường giải quyết khủng hoảng ở biển nam Trung Hoa và biển Đông, ông không nhắc tới một chữ về tòa Trọng Tài Thường Trực PCA 12/7/2016 tại La Haye (Hà Lan).


Qua dữ kiện này, dường như lập trường của ông Phúc, thay mặt cho Bộ chính trị đảng CSVN có vẻ nghiêng về cán cân Bắc Kinh trong "Canh bạc Biển Đông". Bắc Kinh luôn phủ nhận phán quyết PCA 2016 và chủ trương giải quyết khủng hoảng trên căn bản DOC và Công ước UNCLOS 1982.


- Ngày 06/8/2020, phát biểu tại Nhà máy chế tạo máy giặt của Tập đoàn Whirlpool ở tiểu bang Ohio, TT Trump nói rằng ông “rất thích các lãnh đạo” Việt Nam vì “họ rất tốt với chúng ta”, dù hồi năm ngoái ông gọi Việt Nam là một kẻ “lạm dụng thương mại tồi tệ nhất”. “Thái Lan và Việt Nam, hai nơi mà tôi rất thích các lãnh đạo. (theo VOA)


Đối với ông Trump, lúc này Việt Nam rất "tốt" với Hoa Kỳ, biết cách làm ăn hai chiều với Mỹ. Ông không nhắc gì tới cơn "giông tố" ngoại giao và quân sự đang bập bùng ở biển nam Trung Hoa.


- Cùng ngày 6/8/2020, theo thông tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa có cuộc trao đổi "online" với ông Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Ông Mike Pompeo nhấn mạnh sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với các quốc gia ven biển tại Đông Nam Á trong việc bảo vệ các quyền chủ quyền và lợi ích của mình theo luật pháp quốc tế và tầm quan trọng của một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.


Ông Phạm Bình Minh cũng nhìn nhận rằng "quan hệ Việt Nam - Mỹ ngày càng phát triển sâu rộng và thực chất trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng đến khoa học - công nghệ, giao lưu nhân dân".


Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói: "Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới". (theoBBC 07/8/2020)


Phải chăng, dưới mắt các chính trị gia Hoa Kỳ, nhân vật Phạm Bình Minh sẽ là ngôi sao sáng trong kỳ đại hội XIII của đảng CSVN. Tất nhiên, không điều gì không thể xẩy ra, dù ai cũng thừa biết áp lực chính trị của Bắc Kinh còn "đè" lên Hà Nội rất lớn, nhất là vấn đề nhân sự.


image009

Nguồn hình ảnh, LUONG THAI LINH/Getty Images. Chụp lại hình ảnh, Ông Mike Pompeo và ông Phạm Bình Minh trước thềm thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn lần hai tại Việt Nam năm 2019.


Quân sự:


- Ngày 02/7/2020, trong cuộc gặp gỡ báo chí Việt Nam, Đại sứ Kritenbrink cho biết Mỹ tiếp tục các hoạt động tuần tra quân sự  ở bất cứ nơi nào mà Luật Pháp Quốc Tế cho phép". Ông thông báo ba Hàng không Mẫu hạm Mỹ đang hiện diện tại Thái Bình Dương.


- Ngày 21/7/2020, Phát biểu tại một hội thảo Online về an ninh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper mô tả hoạt động của quân đội Trung Quốc trong khu vực là "gây bất ổn", và rằng Trung Quốc đang "tiếp tục hành vi hung hăng ở khu vực phía Đông và trên biển nam Trung Hoa" (theo NDTV).


Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố:"Ở biển nam Trung Hoa, các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải hành xử theo Luật pháp Quốc tế, đưa ra các tuyên bố chủ quyền dựa trên luật pháp quốc tế. Các quốc gia lớn hơn không thể bắt nạt hay đe dọa các quốc gia nhỏ hơn. Chúng tôi tin tưởng vào các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, tin tưởng vào quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông".


image010

Nguồn hình ảnh, MANDEL NGAN/Getty Images. Chụp lại hình ảnh,  Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper


Ông nói: "Trung Quốc đã bắt nạt các quốc gia ASEAN để buộc các nước này phải ngưng các hoạt động phát triển dầu khí tiềm năng ngoài khơi trị giá khoảng 2,6 nghìn tỷ đôla, đồng thời ngăn cản các nước này đánh bắt cá tại ngư trường quan trọng của họ.


Chính sách của Hoa Kỳ về biển nam Trung Hoa là "bảo vệ một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở," và nói rõ rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không có quyền biến vùng biển quốc tế thành một khu vực độc quyền hoặc đế chế hàng hải của riêng mình."


"Chúng ta phải duy trì một hệ thống tự do và cởi mở, bảo đảm hòa bình và thịnh vượng cho hàng triệu người: tôn trọng chủ quyền, giải quyết tranh chấp bằng hòa bình; tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế; thúc đẩy thương mại tự do, công bằng", "Chúng tôi đang khuyến khích các quốc gia Ấn Độ-Thái Bình Dương mở rộng các mối quan hệ an ninh nội khối và mạng lưới các đối tác cùng chí hướng" (theo BBC 22/7/2020)


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper: 'TQ không có quyền biến Biển Đông thành đế chế hàng hải'


image011

Ảnh trên: 3 Hàng không Mẫu hạm Hoa Kỳ hiện diện ở biển South China Sea và biển Đông Việt Nam. Ảnh dưới: Hàng không Mẫu hạm cải tiến Liêu Ninh của Trung cộng. Ảnh minh họa.


Lạm bàn thêm: Hôm 7/7/2020, ông tướng 3 sao CSVN Nguyễn Chí Vinh: Mối quan hệ giữa các nước lớn đó là việc của các nước lớn, chúng tôi tôn trọng mối quan hệ đó nếu nó tuân thủ luật pháp quốc tế, nó đem lại lợi ích hoà bình cho khu vực và sự tôn trọng các nước nhỏ trong khối ASEAN,” tướng Vịnh nói. (theo VOA 08/7/2020).


Hôm 08/7/2020, ông tướng 3 sao CSVN Võ TiếnTrung nói về các hoạt động quân sự  đang diễn ra "thật" với cường độ cao áp ở biển nam Trung Hoa, ông "ảo giác" phản ảnh: "động thái tập trận của Mỹ và Trung Quốc nhằm “diễu võ, giương oai”. Tuy nhiên, hai quốc gia này đã gây ra sự bất ổn và căng thẳng tại Biển Đông." (theo Dân Việt 08/7/2020).


Xin để ý, ông Trung nói tại Biển Đông chứ không nói tại biển nam Trung Hoa (South China Sea). Phải chăng ông Trung chỉ chú ý tới các động thái gây ra bất ổn và căng thẳng trong vùng biển EEZ Việt Nam mà không nói tới vùng biển nam Trung Hoa tức là vùng biển Quốc tế? (Hiện nay vẫn còn nhiều cây bút, tiếng nói vẫn ở trạng thái lập lờ giữa "biển Đông" và biển Quốc tế"). Hầu hết các phát biểu của giới chức Mỹ không dùng chữ biển Đông (Vietnam East Sea), họ chỉ dùng chữ South China Sea. Còn Trung cộng thì khỏi nói, biển Hoa Nam của Trung Nam Hải là vùng biển chiếm 80% diện tích vùng biển Quốc tế Đông nam Á thể hiện qua đường lưỡi bò 9 đoạn?


Tuy nhiên, phát biểu của ông tướng họ Võ biểu hiện sự nhận thức (có thể là giới tướng lãnh bảo thủ VN hoặc có khuynh hướng "thân tả") có vẻ không "vui" về cường độ hiện diện của Mẫu hạm và các chiến hạm Hoa Kỳ thường trụ tại biển Đông và các thương hải cảng Saigon, Cam Ranh, Đà Nẵng, họ đến và đi như nhà của mình. Sự hiện diện của "đế quốc chiến hạm" này không ở trạng thái "diễu võ giương oai" mà nó mang một ý nghĩa quân sự chính trị khác thường, điều mà cánh thân Tàu trong Trung ương đảng CSVN hay giới tướng lãnh "bảo thủ" không muốn.


Do đó, phát biểu của họ Võ phản ánh phần nào tư duy đối ngoại và chiến lược Biển của Việt Nam.


Về phía Mỹ, rõ ràng về "Chiến lược Biển", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói chính sách của Hoa Kỳ về biển nam Trung Hoa "bảo vệ một Ấn Độ-Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và cởi mở, và nói rõ rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không có quyền biến vùng biển quốc tế thành một khu vực độc quyền hoặc đế chế hàng hải của riêng mình.


Mới đây hôm 06/8/2020, trong cuộc trò chuyện online giữa hai ngoại trưởng Mike Pompeo và Phạm Bình Minh, phát ngôn nhân Lê Thị Thu Hằng mô tả: "Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ".


Người ta hy vọng Hoa Kỳ và cánh hữu Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác sâu hơn nữa về an ninh quốc phòng, chuyển hóa bàn cờ đỏ "Canh bạc Biển Đông" hợp ý với lời TT Trump phát biểu ở Đà Nẵng APEC 2017:"Thật vinh dự khi được có mặt tại Việt Nam - ngay trung tâm của Ấn Độ - Thái Bình Dương..."


Không có gì ngạc nhiên, biển nam Trung Hoa, biển Đông và mảnh đất Việt Nam đã trở thành địa bàn trọng điểm cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc Hoa Kỳ Trung cộng.


Nhân đây, VHO xin nhắc lại, ngoài các vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước ven biển như Việt Nam, Trung cộng, Philippines, Brunei, Malaysia, còn lại là vùng biển Quốc Tế Đông Nam Á. (Gs Phạm Cao Dương đề nghị đổi South China Sea là biển Đông Nam Á; báo Văn Hóa Online đề nghị là biển Quốc Tế Đông Nam Á).


image013

Lưỡi bò 9 đoạn gẫy khúc Trung cộng tự vẽ chạy bao quanh các vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước ven biển.  Nguồn ảnh: The Wall Street Journal. Tham vọng của Trung cộng muốn vẽ lại một số đoạn này có lợi ích về chiến lược kinh tế và quân sự.


XEM THÊM: Sứ mạng tối mật của HD-8: "Vẽ lại đường chữ U mới"


Trước đây khá lâu, (Văn Hóa Online 31/7/2016), có một ý kiến của Gs Ngô Vĩnh Long trả lời phỏng vấn nhận xét trên RFI: Đối với Việt Nam, một nước cũng có yêu sách chủ quyền rất rộng tại Biển Đông, trên cả quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa, phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye được cho là có tác dụng phản bác một số tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với rất nhiều thực thể địa lý tại Trường Sa, nhưng lại nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Philippines hoặc Malaysia, hay là trong các vùng biển quốc tế.


Theo đó, Gs Long: Việt Nam không thể bắt chước Trung Quốc trong việc đòi hỏi chủ quyền trên toàn bộ Trường Sa, đặc biệt là đối với các thực thể trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và Malaysia, Việt Nam không nên tiếp tục đòi chủ quyền (trên các thực thể quá nhỏ) bởi vì làm như vậy, Việt Nam sẽ tạo cớ cho Trung Quốc tiếp tục đòi chủ quyền.


Thực ra, phán quyết của Tòa Án PCA có lợi nhất cho Việt Nam. Cho nên tôi (Gs Long) nghĩ là đối với những thực thể nào quá nhỏ ở Trường Sa, Việt Nam không nên tiếp tục đòi chủ quyền, mà nên đàm phán thiết lập cơ chế bảo vệ sinh thái trong quần đảo Trường Sa nói riêng, và trên toàn bộ Biển Đông nói chung. Đây là việc có lợi cho tất cả và đặc biệt là có lợi cho Việt Nam.


Nhận định của GS Ngô Vĩnh Long có thể gây bất ngờ cho giới chính trị Việt Nam vào thời điểm 2016, nhưng đến nay, ánh sáng lờ mờ của "Canh bạc Biển Đông" sắp chấm dứt đã hé lộ nhiều dấu hiệu chuyển biến khác thường liên quan đến tiềm năng quân sự và kinh tế Biển ở các điểm đóng quân của các nước ven biển. "Canh bạc Biển Đông" kết thúc sẽ làm thay đổi diện mạo biển nam Trung Hoa nói chung và các vùng biển EEZ của các nước ven biển.


XEM THÊM:


Ts Ngô Vĩnh Long: "VN không nên tiếp tục đòi chủ quyền".


Nhà báo Lý Kiến Trúc tường trình Hội nghị Biển ở Manila (Bài 4) "Biển Đông, Biển Đông Nam Á hay Biển Việt Nam-Trung Quốc?"


Đối với các thực thể trên vùng biển Trường Sa, người ta không quên sự kiện "trận Gạc Ma 14/3/1988". Thật ra, khó thể nói rằng, Gạc Ma là "trận" hay không là trận hải chiến. Mặt trái của nó là trận hải chiến chính trị trong tham vọng quyền chủ quyền, quyền bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trước một đối thủ lớn rất mạnh về hải quân.


Rút kinh nghiệm sau khi bị mất toàn bộ quần đảo Hoàng Sa tháng 1/1974 vào tay Trung cộng, (một trong các lý do giới phân tích cho rằng VNCH đã nổ súng trước, không kềm chế được sự khiêu khích hùng hổ của chiến hạm Trung cộng); kể ra, Việt Nam đã "làm chủ" một dịện tích Biển rộng lớn ở Trường Sa trước tay Trung cộng khá lâu.


Ta biết rằng, sau trận Gạc Ma, ngày đêm,Việt Nam đã huy động công binh và hải quân đi chiếm lĩnh các thực thể nổi, chìm, nửa nổi nửa chìm nhỏ xíu dàn trải ở các tọa độ chiến lược. Năm 1993, Việt Nam đã kiểm soát 24 đảo, đá ngầm ở quần đảo Trường Sa, quân đồn trú chỉ 600 người, đến năm 2002, Việt Nam đã quản lý 29 đảo, đá ngầm, quân đồn trú tăng lên 2.020 người (nay có thể tăng lên cấp số quân và hỏa lực tối tân). Sân bay đảo Nam Yết, sân bay đảo Trường Sa Lớn lần lượt hoàn thành. (Năm nay, đã khác nhiều).


Nhân đây, xin nhắc lại câu chuyện ngày 16/3/1988, Bộ chính trị sau khi nghe báo cáo tình hình, trong đó có cả thông tin về mệnh lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Đại tướng Lê Đức Anh không cho nổ súng, với lý do sợ bị mắc mưu “khiêu khích” của phía Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã đứng lên đập bàn hết sức giận dữ hỏi: "Ai đã ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng?". Ông Lê Đức Anh trả lời: Tôi. Ông Thạch nói đại ý:  đang không có gì, anh lại tạo cho nó chỗ đứng ở Trường Sa, làm thay đổi hẳn bàn cờ chiến lược, hình thành thế xôi đỗ rất nguy hiểm. Hầu như không ai lên tiếng ủng hộ ông Thạch.


"Tôi" đã để cho lính Trung cộng tàn sát 64 lính hải quân Việt Nam tay không. "Tôi" đã khiến cho thế giới giận dữ, kinh hoàng trước dã tâm bành trướng bá quyền của Bắc Kinh. "Tôi" vẫn không ngăn chận được Bắc Kinh từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển bằng đủ cách tinh vi, xảo quyệt. Con hổ biển tạm "ngủ". 25 năm sau (1988-2013), Tập Cận Bình ra lệnh cho công binh bồi đắp xây dựng lên 7 đảo nhân tạo là 7 pháo đài quân sự nổi khổng lồ giữa trung tâm vùng biển Trường Sa.


Một ý kiến về hải quân Việt Nam, trong nhiều thập niên, lực lượng và nhân sự hải quân Việt Nam không đầu tư phát triển ít ra cũng tương xứng với lực lượng hải quân Trung cộng để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải. Người ta ví von, hải quân VN chỉ là con châu chấu trước những con voi chiến hạm khổng lồ của Bắc Kinh.


Trận Gạc Ma 1988: Bộ chính trị CSVN quyết định hy sinh 3 con tàu già nua và thủy thủ đoàn để giữ Trường Sa?


Ngày 11/10/2011, Hà Nội và Bắc Kinh đã ký hiệp ước "Thỏa thuận Việt Nam - Trung Quốc" nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên Biển (biển South China Sea), Từ Nghị quyết số 03-NQ/TW của Bộ chính trị 06/5/1993; Chỉ thị số 20-CT/TW 22/9/1997; Nghị quyết 09-NQ/TW 09/2/2007 cho thấy chiến lược Biển của Việt Nam đến năm 2020.


Chiến lược Biển của Việt Nam đến năm 2020 đã chấm dứt, đại hội lần thứ XIII của đảng CSVN sắp diễn ra, liệu chiến lược Biển của Việt Nam sẽ như thế nào trên bàn cờ tranh giành thế và lực của hai cường quốc Mỹ - Hoa.


image014


Một thực thể chìm cách mặt nước độ 0,5- 1 mét, được xây dựng thành tiền đồn là đảo Đá Nam, cách đảo Song Tử Tây 3,5 hải lý. Nhà báo Lý Kiến Trúc đã dừng chân ở đây và tìm hiểu đời sống của 1 tiểu đội hải quân 8 thanh niên quyết tử. Ảnh LKT 19/4/2014.


image016


Ụ bê tông chiến đấu bố trí súng phòng khôngtrên đảo Đá Nam. Ảnh LKT.


Một ý kiến của bổn báo Văn Hóa trong dịp đi thăm Trường Sa tháng Tư năm 2014, Việt Nam nên tận dụng 5 hòn đảo lớn có vị trí chiến lược do VNCH quản lý từ tháng 4/1956- 3/4/1975 gồm đảo Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca và Sinh Tồn. Ngày 30/4/1975, hải quân Việt Nam tiếp tiếp thu và quản lý. Trong 5 hòn đảo lớn này, không nói về mặt quân sự, về mặt tuyến đường lưu thông hàng hải, vị trí của đảo Trường Sa lớn và Song Tử Tây (có giếng nước ngọt) khá tốt cho các thương thuyền tạm dừng, nghỉ ngơi. Có thể đầu tư xây dựng ở hai đảo lớn này âu thuyền sâu, sân bay lớn, làng chài đánh cá, kho chứa cá, khách sạn, dịch vụ du lịch, v,v... tiềm năng kinh tế không nhỏ.  


image018


Ông Nguyễn Thanh Sơn, người dẫn đầu phái đoàn đi thăm Trường Sơn (cùng với Đại tá Đỗ Minh Thái, tham mưu trưởng hải quân vùng 5 (bây giờ lên tướng 1 sao) đang đón chiếc trực thăng chở tư lệnh hải quân đến quan sát sân bay Trường Sa lớn có kế hoạch mở rộng dài hơn 1km, tương lai tiếp nhận hàng không dân dụng chở khách du lịch. Từ Sàigon hoặc Vũng Tàu ra Trường Sa lớn khoảng 660km. Ảnh LKT 23/4/2014.


image020


Âu thuyền Trường Sa (bãi neo đậu sâu có thể chứa tàu lớn cập bến). Ảnh cho thấy vận tải hạm HQ-571 neo tại cảng Trường Sa dẫn vào trung tâm đảo. Ảnh LKT 23/4/2014.


image022


Bồi đắp xây dựng mở rộng âu thuyền trên đảo Song Tử Tây. Ảnh LKT 19/4/2014.


image024


Một người lính hải quân Việt Nam đang tắm giặt bằng nước ngọt trên đảo Song Tử Tây. Ảnh LKT 19/4/2014.


image026


Cây trái tốt tươi trồng trên đảo Song Tử Tây. Ảnh LKT 2014.


image028


Nhà báo Lý Kiến Trúc đang quan sát một đụn cát trắng tinh như những hạt ngọc nổi lên lấp lánh giữa biển cả Trường Sa. Ảnh do thân hữu ngồi trên bobo chụp ngày 22/2/2014.


 image030image031


Trạm Khí tượng Trường Sa Lớn cung cấp các bản tin dự báo thời tiết trên đảo Trường Sa. Bức ảnh đầu tiên trắng đen do phóng viên ảnh Vinh Quang thực hiện năm 1988 (Ct: Trạm này do VNCH xây hay CHXHCNVN xây?), và lần thứ hai của phóng viên ảnh Việt Cường năm 2013. Nguồn: https://vietnam.vnanet.vn/english/peaceful-truong-sa-islands/105937.html


image032
Photojournalists Le Phuc and Vinh Quang (left) in Truong Sa in 1988. Photo: Files


Hiện trạng quần đảo Trường Sa (21/10/2014)


Kinh tế:


Cả hai nhân vật Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper và Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Daniel Kritenbrink đều nhấn mạnh đến giá trị tiềm năng kinh tế to lớn tại vùng biển nam Trung Hoa và biển Đông.


Tại cuộc gặp với báo chí Việt Nam hôm 2/7/2020, Đại sứ Kritenbrink cho biết Hoa Kỳ "phản đối các hành động của Trung Quốc trong việc can thiệp và cản trở các quốc gia khai thác dầu khí trên biển nam Trung Hoa, trong đó có các hoạt động lâu năm của Việt Nam (ở biển Đông). Đặc biệt, chúng tôi phản đối Trung Quốc cố gắng cản trở các quốc gia ASEAN tiếp cận, khai thác nguồn tài nguyên trị giá 2.500 tỷ USD tại vùng biển này" (biển South China Sea).


Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nói: "Trung Quốc đã bắt nạt các quốc gia ASEAN để buộc các nước này phải ngưng các hoạt động phát triển dầu khí tiềm năng ngoài khơi trị giá khoảng 2,6 nghìn tỷ đôla, đồng thời ngăn cản các nước này đánh bắt cá tại ngư trường quan trọng của họ.


XEM THÊM:


Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc ngừng ngay kiểu đánh cá tận diệt, phá hủy môi trường.


Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển.


Chiến thuật dọa nạt, bắt nạt, lũng đoạn của Trung cộng, VN đứng ở đâu?


Tạm kết:


Trước "chiến thuật dọa nạt, bắt nạt, lũng đoạn" của Trung cộng bấy lâu nay, Việt Nam đứng ở đâu? Trả lời câu hỏi này, người viết xin nhường cho đảng và chính phủ Việt Nam, trong kỳ Đại hội XIII sắp tới, một cách rõ ràng nhất, công khai nhất, minh bạch nhất, phổ biến cho bàng dân thiên hạ biết. Mời quý vị đợi và nhìn./


Lý Kiến Trúc


Nam Califrnia 10/8/2020


(Xem tiếp Kỳ 3 (hết): Có đánh nhau không? Ai đánh ai? Đánh cách nào? Đánh ở đâu?)

30 Tháng Giêng 2021(Xem: 2503)
01 Tháng Sáu 2020(Xem: 4378)
Quanh lời trực tuyến của bà Bonnie Glaser
06 Tháng Năm 2020(Xem: 5718)
Mưu sâu của "Chiến khu miền Nam" (Kỳ 4)
30 Tháng Tư 2020(Xem: 5348)
04 Tháng Sáu 2017(Xem: 7238)
Mỹ đã lật bài ngửa về Biển Đông tại Đối thoại An ninh Shangri-la
09 Tháng Ba 2017(Xem: 6206)
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển United Nations Convention on Law of the Sea - UNCLOS), quy định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước nằm trong phạm vi 200 hải lý, tính từ đường cơ sở lãnh hải cho quốc gia sở hữu quyền chủ quyền, quyền tài phán,và khai thác tài nguyên.