Rừng Bị Thảm Sát, Gỗ Lậu Về Đâu?

01 Tháng Tư 202010:51 SA(Xem: 7017)

VĂN HÓA ONLINE - VIỆT NAM - THỨ TƯ 01 APRIL 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  vaamacali@gmail.com (VănHóa Online-California)


image051


NHÓM PV TÂY NGUYÊN - NAM KHÁNH - THIẾT KẾ: THANH HẰNG25/03/2020 15:18


TPO - Rừng ở Tây Nguyên vẫn bị tàn sát từng ngày bất chấp lệnh “đóng cửa” (rừng) của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thông tin về chuyện phá rừng có lẽ đã trở nên vô cảm, khi chính ngay trụ sở cơ quan công quyền, nhà nhiều quan chức và các đại gia phố núi sừng sững những công trình hoặc đồ nội thất bằng gỗ rừng quý nguyên khối...


image052


Thời gian qua, Tiền Phong đã phản ánh nhiều điểm nóng về phá rừng ở Gia Lai, hàng loạt cán bộ liên quan bị xử lý. Điển hình như vụ lâm tặc khoét núi phá nát cánh rừng giáp ranh giữa hai huyện Chư Păh và Đắk Đoa; hàng chục héc ta rừng bị thiêu rụi để trồng keo lai ở xã Lơ Ku, huyện Kbang; những điểm nóng phá rừng tại huyện Mang Yang; hàng loạt thân gỗ quý ở huyện Ia Pa bị cắt hạ; hay việc lực lượng chức năng bắt vụ vận chuyển 70m3 gỗ lậu, hàng chục đối tượng tấn công kiểm lâm cướp tang vật trên địa bàn huyện Ia Grai…


Sự việc bức bách đến nỗi, chính Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang cũng đã lên tiếng để giữ rừng. Tuy nhiên, rừng ở Gia Lai vẫn bị mất từng ngày. Mới đây, phóng viên Tiền Phong tiếp tục nhận tin báo cánh rừng phòng hộ đầu nguồn ở gần UBND xã Sró, huyện Kông Chro đang bị lâm tặc chặt phá tan hoang.


Ở Gia Lai nổi tiếng với căn nhà gỗ của ông Hà Xuân Mạnh -  Bí thư xã Uar (huyện Krông Pa, Gia Lai) mọc sừng sững giữa những ngôi nhà cấp 4 lụp xụp. Được biết, ngôi nhà này được làm vào khoảng năm 2015. Theo người dân, vị cán bộ này thuê thợ đục từ Huế vào chạm trổ hoa văn, không gian. Tổng giá trị căn nhà gỗ “khủng” này ước tính 7 tỷ đồng với thiết kế 2 tầng, 5 gian. Bên trong được bài trí bằng những vật dụng, tượng gỗ quý hiếm.


Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, hàng trăm cơ sở bán sản phẩm từ gỗ hoạt động nhộn nhịp ở phố núi Pleiku. Ngay tại đường Phạm Văn Đồng có  khoảng 20 cơ sở .Con đường này được người dân gọi là “chợ gỗ”. Ghé vào cơ sở H.N, bất cứ ai cũng ngỡ ngàng trước không gian chừng 1 nghìn m2 được sắp xếp chật kín sản phẩm chế tác từ gỗ.


Qua quan sát, hàng chục bộ sập có giá dao động từ 100 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng, tùy kích thước, loại gỗ. Nhiều bộ bàn ghế có giá trên dưới 300 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở này còn bày bán la liệt lục bình, tượng gỗ, giường, tủ…Việc buôn bán ở đây diễn ra tấp nập, cứ vài phút lại có người đến hỏi mua. Người quản lý nói có thể chở gỗ đi bất kỳ đâu trên cả nước. Không biết, gỗ có nguồn gốc hay không, nhưng cứ nhìn gỗ lại nghĩ tới những cánh rừng rỗng ruột.


image053


Sừng sững không kém bên trong trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai là một toà nhà dựng bằng các trụ gỗ quý, nổi danh cả nước. Ngay phòng khách của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng có bộ bàn ghế gỗ nặng hàng tấn được tạo tác rồng phượng, sánh cùng bộ sưu tập gỗ quý có một không hai.


Về căn nhà gỗ lớn trong trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, trao đổi qua điện thoại, ông Dương Văn Trang - Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai giải thích: Cách đây tầm chục năm, thời điểm Binh đoàn 15 ở thời kỳ "hoàng kim" về cao su, anh "Tám" Dũng (ông Phạm Thế Dũng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai) và một số lãnh đạo khác đã "đặt vấn đề". Từ thời điểm đó, Binh đoàn 15 tặng căn nhà này, chứ không phải tiền ngân sách của tỉnh.


image054


Liên quan trong nhà ông Phạm Thế Dũng có bộ sưu tập gỗ quý và nội thất gỗ đắt giá, ông Dương Văn Trang nói: “Thì bàn ghế, giường tược, tủ thôi”.


Ông Dương Hoàng Nguyện, Trưởng phòng Thanh tra-Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai) cho biết, từ năm 2019 đến nay, Chi cục chưa bắt được vụ việc nào liên quan đến cây cảnh “khủng”, nhà, hay sản phẩm từ gỗ không có nguồn gốc. Việc kiểm tra nhà gỗ, sản phẩm từ gỗ gặp nhiều khó khăn. Bởi các đối tượng thường “lách” bằng việc mua một bộ hồ sơ hợp pháp, sau đó “thế” gỗ lậu vào.


image055


Điều tra của phóng viên Tiền Phong trên đường Phạm Văn Đồng (thành phố Pleiku, Gia Lai) có rất nhiều vườn bán “cây cảnh”. Những “cây cảnh” không phải thông thường, mà là trắc, giáng hương, bằng lăng…trăm tuổi, đường kính có khi vài người ôm mới hết.


Trong vai người mua, phóng viên đến vườn cây N.G, chủ vườn cho biết các đại gia hiện nay có sở thích trồng cây cổ thụ thuộc nhóm gỗ quý trong vườn nhà. Người này tiết lộ, những cây bằng lăng tại vườn đều được đào có rễ từ rừng. Sau nhiều công đoạn chăm sóc, cây sống nứt mầm sẽ thực hiện ghép nhánh cây hoa bằng lăng tím, vài tháng sẽ bán được.


image056

Qua quan sát, hàng chục cây bằng lăng cổ thụ ở vườn N.G được chăm sóc kỹ lưỡng trong các chậu khổng lồ, nhiều cây đẹp giá hơn 100 triệu đồng. Việc chở đi sẽ do chủ vườn lo liệu, tiền công người mua phải trả.


image057


Cuối đường Trường Chinh (thành phố Pleiku), đoạn sát chân núi Hàm Rồng cũng có một vườn bán “cây cảnh” rộng khoảng 1 ha. Vào bên trong, chúng tôi choáng với bộ sưu tập “cây cảnh”  với đủ loại cây khổng lồ, nhưng đa phần là bằng lăng. Một cây sung nặng chừng 5 tấn (đường kính gốc khoảng 6 mét, cao 5 mét) như bức tường chặn đường chúng tôi.


“Cây này tôi vừa lấy từ khe suối ở xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, Gia Lai có dáng con khủng long rất đẹp. Tổng chi phí hơn 250 triệu đồng. Chắc chắn nó sống, nếu gặp khách bán cả tỷ bạc vẫn rẻ vì nó thuộc top đầu cả nước”- chủ vườn giới thiệu nhưng im lặng trước câu hỏi sử dụng phương tiện gì để mang cây sung về.


Một lâm tặc chuyên bứng cây đã giải nghệ thông tin cho phóng viên Tiền Phong, việc bứng cây lớn đòi hỏi công phu, mọi công đoạn đều được thực hiện cẩn thận. Như cáp tời phải bằng vải để tránh cây bị trầy vỏ, đào đất phải nhẹ nhàng để tạo bầu nhưng vẫn giữ lại được rễ. Vậy nên họ thường chọn các vị trí rừng có đường đi thuận lợi, hoặc rẫy của đồng bào thiểu số ngay sát rừng. 


image058

Nhà của Bí thư xã Uar (huyện Krông Pa, Gia Lai)


Từ năm 2016 đến tháng 11/2019, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã  thanh tra tại 17 đơn vị, trong đó có 3 công ty lâm nghiệp, 1 khu bảo tồn thiên nhiên và 13 ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo đó, tổng diện tích đất mà UBND tỉnh Gia Lai giao cho 17 đơn vị quản lý, bảo vệ  hơn 193 nghìn ha đất lâm nghiệp. Cơ quan thanh tra phát hiện diện tích đất lâm nghiệp bị mất và lấn chiếm  là hơn 9,4 nghìn ha, trong đó diện tích đất có rừng là hơn 5,5 nghìn ha. Tổng số tiền sai phạm bị phát hiện hơn 26,7 tỷ đồng.


image059


Trao đổi với Tiền Phong liên quan tình trạng để mất rừng, lấn chiếm, tranh chấp đất rừng ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở Tây Nguyên, ông Phạm Quốc Doanh, nguyên Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của Chính phủ cho rằng, đây là vấn đề nhức nhối lâu nay, ngoài việc buông lỏng quản lý, có cả chuyện tiêu cực, lợi ích nhóm.


Theo ông Doanh, vấn đề lấn chiếm, tranh chấp, chồng lấn, để mất đất rừng…ở Tây Nguyên cũng như nhiều địa phương là thực trạng nhức nhối lâu nay, nhất là thời điểm trước khi ra đời Nghị quyết 30 (tháng 3/2014) của Bộ Chính trị và Nghị định 118 (tháng 12/2014) về sắp xếp, đổi mới, nông lâm trường.


Ông Doanh cho biết, thống kê, rà soát lại sau khi Nghị quyết 30 và Nghị định 118 ra đời, có khoảng 20-30% diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng. “Tuy nhiên, thực chất, những khoảnh đất đó đều có chủ, và trồng loại cây khác, chứ không phải không có cây… Có những công ty có tới 5-7 nghìn ha nằm trong diện đó”, ông Doanh nói.


Ông Doanh cho rằng, có tình trạng trên do buông lỏng quản lý quá lâu, khiến đất rừng bị lấn chiếm, kể cả dân tại chỗ và dân di cư. Bởi, khi hình thành các nông lâm trường chúng ta chỉ dựa trên “một tờ A4”, rồi khoanh vẽ trên bản đồ, chứ chưa đo đạc cắm mốc đất đai, tức là giao đất rừng trên giấy…Do vậy, khi Nghị quyết 30, Nghị định 118 yêu cầu làm rõ mọi thứ mới “trật lất”.


image060


Cũng theo ông Doanh, tại Gia Lai, Đắk Lắk…hay các tỉnh Tây Nguyên, các con số về diện tích đất rừng đều đã có trên biểu bảng, nhưng vấn đề phải đo đạc thực địa để đối chiếu, xem đất rừng còn bao nhiêu, có như trong giấy tờ báo cáo hay không.  


Ông Doanh cũng cho biết, Nghị quyết 30  ra đời từ năm 2014, nhưng đến nay, các địa phương vẫn chưa xử lý được nhiều những vướng mắc trên.


“Cần thống kê, cắm mốc, đo đạc, đưa vào bản đồ dải thửa…xem thực tế đất rừng còn bao nhiêu và chấp nhận sự thật, chứ không nên thống kê trên giấy. Cùng đó, cần làm rõ các đối tượng đang sử dụng đất là ai, nhận khoán, giao đất, cho thuê, hay cho mượn đất… thế nào, từ đó để xử lý”, ông Doanh nói.


Liên quan đến tình trạng để mất rừng, tranh chấp đất rừng, ông Doanh cho rằng, ngoài vấn đề buông lỏng quản lý, còn có  tiêu cực, nhóm lợi ích. “Có lần đi thực tế ở Đắk Lắk, tôi biết cán bộ lâm trường đã gọi các công ty khác vào để liên kết, lấy danh nghĩa công ty 2 thành viên, dù thời đó chưa có quy định, để chuyển đổi ồ ạt  đất rừng sang đất trồng cao su. Thậm chí, vì tư lợi, nên có tình trạng cán bộ cho những người thân tín mượn đất, cho thuê đất…chiếm những vị trí đất đẹp”, ông Doanh nói.


Trong khi đó, liên quan đến bài báo: “Những cánh rừng rỗng ruột”, đăng trên báo Tiền Phong số ra ngày 17/3, trao đổi phóng viên Tiền Phong, ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục Trưởng Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Chúng tôi sẽ nắm các vấn đề mà báo Tiền Phong phản ánh, đồng thời cũng yêu cầu các đơn vị trong hệ thống và địa phương báo cáo cụ thể”, ông Công nói.