Còn Ai Đoái Thương Dân Tị Nạn?

21 Tháng Giêng 20205:54 SA(Xem: 6151)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN - THỨ TƯ 22 JAN 2020

Bài vở vui lòng gởi về Email: vaamacali@gmail.com


image006

 

CÒN AI ĐOÁI THƯƠNG DÂN TỊ NẠN?


Mai Loan Nguyễn Anh Tuấn


Vào thứ Bảy cuối tuần qua, cơ quan truyền thông NBC News có đăng một bài viết có tựa đề hơi dài là “Blindsiding Trump, most Republican governors have agreed to accept refugees”, có thể tạm dịch là “Tấn công chớp nhoáng TT Trump, hầu hết các thống đốc thuộc phe Cộng Hoà đều đồng ý đón nhận người tị nạn”.


Hai nhà báo tác giả bài viết này là Laura Strickler và Dan De Luce nhận định rằng cả hai khối ủng hộ hoặc chống đối chính sách của Toà Bạch Ốc (trên hồ sơ này) đều cho rằng sự ủng hộ bất ngờ đối với dân tị nạn trong vụ này có lẽ bắt nguồn từ ảnh hưởng của những tổ chức tôn giáo, đặc biệt là thành phần các mục sư lãnh đạo các hội thánh thuộc khối bảo thủ giáo điều (Evangelical).


Bài viết bắt đầu tường thuật việc ông Greg Abbott, Thống đốc Texas thuộc phe Cộng Hoà vừa loan báo vào chiều thứ Sáu hôm trước quyết định chính quyền của ông từ nay sẽ không đồng ý chấp thuận việc đón nhận những người tị nạn đến định cư tại Texas. Đây là tiểu bang đầu tiên đưa ra quyết định không tham dự vào chương trình liên bang này, vốn từ trước tới nay vẫn thường luôn giang tay đón nhận các đợt dân tị nạn mới đến định cư tại Hoa Kỳ.


Tuy nhiên, bài báo cũng nói thêm liền sau đó rằng ngay cả trong nội bộ đảng Cộng Hoà, quyết định của ông Abbott cũng nằm trong thiểu số lẻ loi. Bởi vì cho đến nay, có đến 42 tiểu bang, trong đó có cả 18 tiểu bang trong số 26 nơi dưới quyền của các thống đốc phe Cộng Hoà như Oklahoma, North & South Dakota, Arkansas, Idaho, Tennessee, đều đã lên tiếng xác nhận việc tiếp tục đón nhận các đợt định cư của người tị nạn mới đến. Và điều này đã gây kinh ngạc không ít cho các viên chức cao cấp trong chính quyền Trump.


Tưởng cũng nên nhắc lại, vào ngày 26 tháng 9 vừa qua, TT Trump đã ban hành một sắc lệnh hành pháp để giảm bớt số người tị nạn có thể được nhận vào Hoa Kỳ xuống mức thấp kỷ lục từ trước tới nay là tối đa chỉ có 18,000 cho tài khoá năm 2020. Con số này tự nó cũng đã bị cắt giảm xuống từ mức 30,000 cho tài khoá năm 2019. Nên nhớ, trước đó mỗi năm Hoa Kỳ đón nhận một số lượng dân tị nạn cao hơn gấp đôi, có lúc lên đến khoảng 102,000 người mỗi năm được nhận tị nạn vào nước Mỹ như trong thời thập niên 1980.


Cũng trong sắc lệnh này, TT Trump đã cho phép các chính quyền cấp tiểu bang và thành phố lần đầu tiên có được quyền xin tách rời khỏi chương trình trợ giúp để định cư những người tị nạn mới đến. (Trước đó, chính quyền liên bang có toàn quyền quyết định trong việc đưa các khối dân tị nạn đến bất cứ nơi nào trên lãnh thổ nước Mỹ). Nếu như các chính quyền tiểu bang và địa phương không lên tiếng trước hạn chót là ngày 21 tháng Giêng năm nay, ngân sách trợ giúp từ chính quyền liên bang sẽ bị cúp, có nghĩa là những chương trình giúp định cư cho người tị nạn tại các nơi này coi như sẽ chấm dứt.


Ngược lại, các lãnh tụ điều hành chính quyền tiểu bang và địa phương cần phải ký bằng văn bản đồng ý chấp nhận những người tị nạn thì họ mới được quyền đến định cư và nhận được những chương trình trợ giúp trong bước đầu hội nhập. Những từ ngữ được sử dụng trong sắc lệnh hành pháp này coi như nhằm tạo áp lực lên các chính trị gia địa phương phải lên tiếng ủng hộ cho một quyết định thân thiện đối với người di dân, nhưng đồng thời có thể gây bực tức cho khối dân bản xứ thuộc thành phần bảo thủ và kỳ thị sắc tộc.


Tuy nhiên, thay vì lên tiếng từ chối, hầu hết các viên chức chính quyền cấp tiểu bang và thành phố đều sẵn sàng chấp nhận tham gia trong chương trình đón nhận người tị nạn, và điều này đã khiến cho chính quyền Trump phải ngỡ ngàng bối rối, theo như lời tiết lộ của hai cựu viên chức rành rẽ trong hồ sơ này.


Tưởng cũng nên nhớ lại là trong kỳ bầu cử năm 2016, sau khi ứng cứ viên Donald Trump đã hứa hẹn là ông sẽ siết chặt hơn nữa vấn đề di dân và chính sách đón nhận người tị nạn, đặc biệt là dân tị nạn gốc Hồi-giáo, ông đã nhận được lá phiếu từ nhiều nơi với tỉ lệ đa số rất cao để giúp ông thắng cử; nhưng lần này chính quyền tại những nơi đó vẫn lên tiếng đồng ý tiếp tục chương trình đón người tị nạn.


Hiện nay ngoài 18 vị thống đốc phe Cộng Hoà lên tiếng đón nhận người tị nạn, cũng còn có 7 thống đốc khác cũng thuộc phe Cộng Hoà, trong đó có hai vị tại Georgia và Florida, chưa chính thức loan báo quyết định. Theo một bài báo được đăng trên tạp chí The New Yorker, sau khi nhiều vị thống đốc phe Cộng Hoà lên tiếng nói là họ vẫn giữ chính sách mở cửa đón nhận người tị nạn, Toà Bạch Ốc đã vội thực hiện một cuộc họp qua điện thoại với nhiều thống đốc khác vào tháng 11 vừa qua để giải thích rõ hơn về sắc lệnh này, và qua đó nhắc lại lần nữa cho các vị thống đốc này biết là họ không cần phải lên tiếng gì cả (ngầm hiểu là mặc nhiên ủng hộ chính sách từ chối chấp nhận đón người tị nạn của TT Trump). Một trong những viên chức có mặt trong cuộc họp này là ông Andrew Veprek, viên chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đặc trách về chính sách tị nạn. Cả Toà Bạch Ốc lẫn Bộ Ngoại Giao đã từ chối đưa ra lời bình luận nào sau khi được giới truyền thông yêu cầu.


Theo nhận định của một cựu viên chức cao cấp xin được giấu tên để trả lời trung thực cho nhà báo, “chính quyền Trump nghĩ rằng họ đưa ra đề tài này là nhằm nhữ mồi để thu hút sự ủng hộ từ khối cử tri bảo thủ cứng rắn. Nhưng không ai ngờ là họ đã bị nó quật lại một cú mạnh mẽ như vậy.” Viên chức này đã kết luận: “Đây là một sai lầm của họ trong suy nghĩ rằng khi một lời nói hay chính sách nào đó được phát ra và gây sự khích động ủng hộ trong những cuộc tập họp quần chúng của TT Trump thì điều đó sẽ tạo ra một phản ứng tương tự đối với người dân trong cộng đồng.”


image008

Những di dân mới tuyên thệ nhập tịch Hoa Kỳ (hình NBC News)


Để giải thích sự kiện ủng hộ khá bất ngờ của đại đa số các thống đốc tiểu bang trên toàn quốc trên hồ sơ đón nhận người tị nạn là nhờ vào ảnh hưởng và sự ủng hộ của các lãnh tụ tôn giáo theo trường phái bảo thủ giáo điều, dù rằng có đa số cử tri theo khuynh hướng bảo thủ trong các hội thánh, nhưng đã vận động chống lại chính sách ngăn cản người tị nạn, bài báo của NBC News đã ghi lại lời nhận định của ông Dan Darling là phó chủ tịch của một uỷ ban đạo đức tôn giáo thuộc Giáo hội Liên hiệp các Hội thánh Báp-tít có tên là Southern Baptist Convention: “Giáo hội liên hiệp này có một lịch sử vững mạnh lâu đời về vấn đề giúp định cư cho người tị nạn. Một số lớn các nhà thờ trong Giáo hội đã hoạt động rất tích cực trong việc chăm sóc cho các gia đình người tị nạn.


Đây là giáo hội những người theo hệ phái Báp-tít lớn nhất trên thế giới, đồng thời cũng là hệ phái Tin-lành lớn nhất tại Hoa Kỳ với khoảng 15 triệu giáo dân, và cũng là hội thánh Ky-tô-giáo lớn thứ nhì tại Hoa Kỳ, chỉ đứng sau Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ. Giáo hội Southern Baptist Convention được xem như là rất có ảnh hưởng ngay tại vùng đất được xem là thành trì của đảng Cộng Hoà tại đa số các tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ.


SỐ NGƯỜI TỊ NẠN ĐƯỢC NHẬN VÀO MỸ ĐANG Ở MỨC THẤP NHẤT


Trong văn thư gửi cho Ngoại Trưởng Mike Pompeo để biện minh cho quyết định của mình, Thống đốc Abbott nói rằng kể từ năm 2010, tiểu bang Texas là nơi đã đón nhận số người tị nạn đến định cư nhiều nhất so với các tiểu bang khác. Và cứ trong 10 người tị nạn là có 1 người đến định cư tại Texas. Cùng lúc đó, tiểu bang này cũng đã trở thành trung tâm chú ý của khối di dân từ biên giới phía nam nhắm đến nhiều nhất. Ông Abbott cũng đổ lỗi cho Quốc Hội liên bang là đã không giải quyết hồ sơ di dân và để lại một chính sách về di trú đổ vỡ, và than thở thêm rằng chính quyền Texas cũng như các tổ chức thiện nguyện khác còn phải có trách nhiệm dồn những tài nguyên còn lại để giúp đỡ cho mọi thành phần dân chúng khác, kể cả những người vô gia cư.


Ở thời cao điểm nhất vào tháng 5 vừa qua, đã có hơn 144,000 người, phần lớn là các gia đình dân chúng các nước Trung Mỹ đi cùng với trẻ em, đã bị bắt giữ hoặc tự nguyện trình diện với các nhân viên của Tổng Nha Biên Phòng Hoa Kỳ để xin được quyền tị nạn ngay tại các cửa khẩu biên giới. Tuy nhiên con số này sau đó đã tụt giảm dần và hiện nay chỉ còn vào khoảng 40,600 người sau khi chính quyền Trump áp đặt một chính sách mới buộc những người di dân này phải ngồi chờ đợi kết quả đơn xin tị nạn ở bên kia biên giới thuộc về Mễ Tây Cơ, thay vì được tạm thời nương náu trên nội địa nước Mỹ như truyền thống trước đó).


Hầu hết các cơ quan giúp đỡ người tị nạn đều sững sờ trước quyết định này của Thống đốc Abbott. Theo lời của bà Jen Smyers, giám đốc đặc trách về chính sách của tổ chức Church World Service, một trong 9 cơ quan giúp đỡ định cư cho người tị nạn trên toàn nước Mỹ, quyết định của ông Abbott là một hành động “bóp nghẹt gan ruột”. Bà giải thích thêm rằng quyết định đó của ông Abbott đồng nghĩa với việc chúng ta đã “thoái thác tất cả những gì mà người dân Texas thường tự hào tranh đấu cho: tự do có cơ hội, tự do tôn giáo.”


Các viên chức của các tổ chức này cũng cho rằng lập luận của ông Abbott nói rằng tiểu bang Texas đã cạn kiệt tài nguyên và mệt mỏi vì lượng người tị nạn đổ về trong thời gian qua là điều phi lý bởi vì số lượng người tị nạn được cho phép nhập cư đã xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử. Thật vậy, trong năm 2019, chỉ có 2,500 người tị nạn được định cư tại Texas, tức là giảm xuống 70% từ con số 7,800 dân tị nạn được đến Texas trong năm 2016 là năm chót dưới thời TT Obama. Bắt đầu từ tháng 10 của tài khoá năm nay, cả tiểu bang Texas chỉ đón nhận thêm có 259 người tị nạn, trong đó có hơn phân nửa đến từ hai nước Miến Điện và Congo.


Tưởng cũng nên nhắc lại là vào năm 1980, chính phủ Mỹ đã ban hành Đạo luật về Tị Nạn, và chính thức thiết lập một chương trình giúp định cư cho người tị nạn, và từ đó đã đón nhận mỗi năm hàng ngàn dân tị nạn trốn chạy các chế độ đàn áp tôn giáo và chính trị. Trong khuôn khổ của chương trình này, chính quyền liên bang phối hợp với các cơ quan thiện nguyện tư nhân và các chính quyền địa phương để đề ra các chương trình tái định cư cho người tị nạn tại nhiều vùng đất khác nhau trên toàn nước Mỹ.


Tuy nhiên, đến thời chính quyền Trump, con số những người tị nạn có thể được nhận vào Hoa Kỳ mỗi năm mỗi bị cắt giảm, và đã giảm xuống thật nhiều. Từ con số khoảng 100,000 người mỗi năm trong thập niên 1980, con số này đã tụt nhanh xuống chỉ còn có 45,000 cho tài khoá 2018, rồi sau đó tụt xuống còn có 30,000 trong tài khoá 2019, và giờ đây chỉ còn có 18,000 người cho tài khoá 2020. Theo bảng thống kê của cơ quan nghiên cứu Pew Research, nếu tính tỉ lệ trung bình trên dân số, Hoa Kỳ có tỉ lệ đón nhận khoảng 102 người cho mỗi một triệu cư dân, còn thua xa các nước khác như Gia Nã Đại (726 người), Úc Đại Lợi (618 người) và Na Uy (528 người).


Tất cả các cơ quan định cư người tị nạn lớn nhất tại Hoa Kỳ đều là những tổ chức được thiết lập bởi các cơ quan tôn giáo, và nhiều cơ quan này đã cùng nộp đơn thưa kiện để chống lại sắc lệnh hành pháp của TT Trump tại Toà Sơ Thẩm liên bang ở tiểu bang Maryland. Nếu như vị thẩm phán của toà này ra phán quyết tạm đình chỉ sắc lệnh hành pháp này, coi như tất cả các quyết định của các chính quyền tiểu bang và địa phương coi như không còn hiệu lực hoặc cần thiết nữa.


Ngoài ra, cũng có khoảng 1,600 các vị mục sư thuộc đủ các hội thánh trên toàn quốc đã vận động với các viên chức chính quyền cấp tiểu bang và địa phương trong việc tiếp tục đón nhận người tị nạn. Theo lời của ông Dan Darling thuộc Giáo hội Southern Baptist Convention, nhiều người rất ngạc nhiên trước phản ứng ủng hộ người tị nạn đang lan truyền rộng rãi và nhanh chóng trong khối những chính trị gia và các vị dân cử thuộc phe Cộng Hoà trên toàn quốc. Ông cho rằng điều đó là một “điều tích cực trong việc bớt gây chia rẽ phân cực trên hồ sơ người tị nạn”.


MỘT ĐỀ TÀI DỄ GÂY KHÍCH ĐỘNG VỀ CHÍNH TRỊ


Mới đây, Thống đốc Mike Dunleavy của tiểu bang Alaska trở thành vị thống đốc thứ 18 của phe Cộng Hoà đã quyết định lựa chọn tiếp tục đón nhận người tị nạn, dù rằng ông quyết định một cách âm thầm, không hề đưa ra một thông cáo báo chí hoặc là một mẩu thông tin ngắn trên mạng Twitter.


Tất cả 24 vị thống đốc thuộc phe Dân Chủ có lẽ đều sẽ ủng hộ việc tiếp tục nhận người tị nạn. Hiện nay cũng còn một vài vị thống đốc phe Cộng Hoà còn giữ kín quyết định cho đến giờ chót như trường hợp tại Georgia, Florida và South Carolina. Một phát ngôn viên của Thống đốc Kay Ivey của tiểu bang Alabama cho biết là bà Ivey sẽ hoãn quyết định này cho đến tháng 5 sắp tới. Văn phòng thống đốc của các tiểu bang Vermont và Mississippi đều không trả lời những câu hỏi của giới truyền thông.


Việc quyết định chấp nhận hay từ chối nhận người tị nạn trở thành một đề tài nhức nhối cho nhiều vị thống đốc phe Cộng Hoà, nhất là họ có thể bị công kích bởi những phần tử bảo thủ cực đoan với chủ trương thiếu thiện cảm với khối di dân và người tị nạn. Đó là trường hợp của Thống đốc Bill Lee tại tiểu bang Tennessee, dù rằng những người thân cận với ông đều biết rằng cả hai vợ chồng ông đều rất tích cực trong các hoạt động cứu giúp người tị nạn tại thành phố Nashville cũng như tại các trại tạm cư của người tị nạn ở vùng Kurd tại Iraq.


Khi gặp sự chống đối của một số người tại địa phương, ông Lee đã đưa ra lời cảnh báo về một chiến dịch gọi là tung tin thất thiệt để hướng dẫn quần chúng một cách sai lệch được bắn ra từ những tay bảo thủ cực hữu nhằm gây hoang mang cho cử tri. Thống đốc Lee nói rằng tiểu bang Tennessee và nước Mỹ luôn là “một ngọn đuốc soi đường sáng rực về tinh thần tự do và tạo cơ hội đồng đều cho những người dân đã bị đàn áp, đặc biệt là những người đã phải cam chịu những áp bức về tôn giáo.” Ông Lee nói rằng quyết tâm của ông muốn giúp đỡ người tị nạn vì nó dựa trên nền tảng niềm tin về Ky-tô-giáo của ông.


Mục sư Tim Moore thuộc Hội thánh First Baptist ở thị xã Leander nói rằng ông rất thất vọng khi thấy Thống đốc Abbott đã sai lầm khi đồng hoá những vấn đề khác nhau như hồ sơ an ninh biên giới, di dân lậu và tái định cư cho người tị nạn: “Khi quý vị kết nối lại các sự kiện trong lịch sử gần đây như vấn đề di dân và hồ sơ những người di dân lậu hoặc không có giấy tờ hợp lệ phần lớn đến nước Mỹ qua ngã biên giới phía nam cùng với hồ sơ tái định cư người tị nạn như là một vấn đề duy nhất, quý vị sẽ thấy là các hồ sơ đó không hề liên hệ gì với nhau cả.


Vị mục sư này cũng nhắc lại cho mọi người biết là những ai được chấp nhận đến tị nạn tại Hoa Kỳ đều là những người đã phải trải qua một trong những tiến trình thanh lọc gắt gao nhất, xuyên qua rất nhiều giai đoạn điều tra và phỏng vấn nghiêm ngặt nhất được thực hiện bởi những cơ quan an ninh và tình báo như FBI và Cơ quan Trung ương Chống Khủng Bố. Và tiến trình kiểm tra này có thể kéo dài đến gần 3 năm trước khi người nộp đơn xin tị nạn mới có thể đặt chân đến nước Mỹ.


Theo bà Kathleen Newland thuộc viện nghiên cứu Migration Policy Institute, kể từ sau biến cố 9/11 năm 2001, Hoa Kỳ đã nhận cho khoảng 784,000 người tị nạn được định cư tại nước Mỹ. Và trong một tổng số lớn như vậy, kể từ đó đến nay chỉ có 3 người đã bị bắt giữ vì đã có âm mưu khủng bố: đó là hai người gốc Iraq bị bắt tại Kentucky và một người gốc Uzbek tại Idaho. Tỉ lệ nhỏ nhoi này cho thấy những lời kết luận rằng người tị nạn là một mầm mống nguy hại về an ninh cho đời sống của người dân Mỹ là một điều được thổi phồng quá lố vì hậu ý chính trị đầy lòng kỳ thị.


Một vị thống đốc khác thuộc phe Cộng Hoà cũng gặp sự chống đối vì quyết định ủng hộ việc đón nhận người tị nạn là Mike Parson, thống đốc tiểu bang Missouri. Nhưng ông Parson đã biện minh về quyết định của mình khi nhận định về người tị nạn rằng: “Họ không phải là những thành phần di dân lậu, họ cũng không phải là những kẻ tội phạm.


TRƯỜNG HỢP CỦA TEXAS


Trở về với trường hợp của tiểu bang Texas, quyết định của Thống đốc Abbott không có nghĩa là những người tị nạn không được quyền đặt chân đến nơi đây. Họ vẫn có thể chọn lựa đến nơi này, nhưng phải tự lực cánh sinh ngay trong những ngày đầu chứ không được nhận những sự trợ giúp từ các cơ quan thiện nguyện và các chương trình hỗ trợ của chính quyền địa phương như truyền thống đã có từ lâu để có thể sớm hội nhập vào đời sống mới một cách dễ dàng và có hiệu quả hơn.


Theo nhận định của giáo sư Mark Jones, chuyên giảng dạy về chính-trị-học tại Đại học Rice, quyết định của ông Abbott có thể dựa trên những tính toán về chính trị nhằm lấy lòng những cử tri bảo thủ muốn thấy chính phủ không nên bỏ tiền và công sức để giúp đỡ cho những người tị nạn mới đến. Đó là chưa kể số lớn những cử tri này cũng dễ có sẵn đầu óc kỳ thị hoặc nghi kỵ đối với di dân nói chung vì sợ khác biệt về văn hoá và tôn giáo. Tuy nhiên, giáo sư Jones cho rằng chính sách này có thể tạo ra “phản ứng ngược” vì nó có thể khiến cho các ứng cử viên phe Cộng Hoà sẽ dễ mất phiếu nhiều hơn trong các cộng đồng cử tri gốc Latinô và Á châu.


Đó cũng là nhận định của Giáo sư Brandon Rottinghaus thuộc Đại học Houston khi cho rằng quyết định của Thống đốc Abbott có thể dẫn đến cái nhìn và kết luận của nhiều người cho rằng đảng Cộng Hoà đã thiếu lòng bao dung, không chịu chấp nhận nhiều người khác nhau thuộc mọi sắc tộc, tôn giáo và văn hoá đa dạng. Và điều này có thể cũng sẽ khiến cho những cử tri thuộc khối trung dung hay độc lập sẽ khó lòng ủng hộ cho đảng Cộng Hoà trong kỳ bầu cử năm 2020. Tuy nhiên ông Rottinghaus cho rằng hai đề tài về di dân và bảo vệ an ninh biên giới thường là những chủ đề quan trọng đối với đa số cử tri phe Cộng Hoà. Và do đó việc kích động khối cử tri trung kiên này trước cuộc bầu cử sắp tới có thể là điều cần thiết để thu hút những người này chịu khó đến thùng phiếu để ủng hộ cho các ứng viên phe Cộng Hoà, nhất là trong những cuộc bầu cử ngang ngửa.


Hiện nay, phe Dân Chủ tại Texas đang mong hất cẳng được 9 vị dân biểu thuộc phe Cộng Hoà trong kỳ bầu cử vào cuối năm nay để có thể giành lại đa số nắm quyền tại Hạ Viện. Trong kỳ bầu cử này cũng sẽ có những cuộc tranh tài ngang ngửa và gay cấn cho các chức vụ dân biểu liên bang cũng như dân biểu tiểu bang tại các thành phố lớn đông dân như San Antonio, Dallas và Houston. Đặc biệt là tại tỉnh hạt Fort Bend với thành phố Sugar Land thuộc ngoại ô phía tây nam của Houston, từ lâu nay được xem là một vùng đất thuộc phe Cộng Hoà nhưng giờ đây đã trở thành một trong những địa hạt đa dạng nhất về sắc tộc và có thể chuyển hướng sang phe Dân Chủ nếu như làn sóng xanh có thể tiếp tục thổi mạnh như đã xảy ra vào năm 2018.


Ở cấp thành phố, tất cả các thị trưởng những thành phố lớn nhất như Houston, San Antonio, Dallas và Austin đều gửi những văn thư lên văn phòng thống đốc để nói lên sự lựa chọn của họ muốn tiếp tục đón nhận người tị nạn. Tuy nhiên quyết định của Thống đốc Abbott sẽ vượt lên trên tất cả những ước muốn của các vị thị trưởng này.


Trong một thông cáo báo chí được loan ra, Thị trưởng Sylvester Turner của Houston đã dẫn lời trong Kinh Thánh về sách Xuất Hành (Exodus), Chương 22, Câu 21: “Hãy đừng bạc đãi hay đàn áp một người ngoại quốc, bởi vì ngươi cũng đã từng là một kẻ ngoại quốc sinh sống nơi này” để nói rằng ông rất lấy làm tiếc trước quyết định của Thống đốc Abbott và đã thỉnh cầu ông hãy xét lại quyết định này.


Trong bài diễn văn ăn mừng chiến thắng tái đắc cử vào giữa tháng Chạp vừa qua, ông Turner đã nêu lên những thành tích và chủ trương theo khuynh hướng cởi mở và cấp tiến của ông trong nhiệm kỳ đầu tiên, và kêu gọi sự hợp tác giữa các viên chức chính quyền và cư dân, cùng với sự chấp nhận mọi thành phần di dân hội nhập vào thành phố. Ông nói rằng dù bạn là một người có giấy tờ hoặc không có giấy tờ, bạn cũng vẫn có quyền được sinh sống tại thành phố này.


Xem vậy, người ta vẫn có quyền lạc quan để thấy rằng trong bầu không khí nghi kỵ hoặc thiếu thân thiện với người di dân và tị nạn đang được khích động tại nhiều nơi, vẫn còn có nhiều tổ chức, cá nhân và các vị dân cử sẵn lòng lên tiếng chấp nhận việc giang tay đón nhận những người tị nạn đã lựa chọn Hoa Kỳ là nơi chốn dung thân cho họ, như truyền thống tốt đẹp đã có từ lâu ở quốc gia này.


MAI LOAN


Houston, Texas, ngày 14 tháng Giêng/2020


Tái bút: Vào ngày 15/1/2020, Thẩm phán Peter Messitte thuộc Toà Sơ Thẩm liên bang ở Maryland đã ra phán quyết tạm thời đình chỉ sắc lệnh hành pháp của TT Trump cho phép các chính quyền tiểu bang và địa phương có quyền từ chối việc đón nhận người tị nạn. Quyết định này có nghĩa là đơn kiện của các nguyên đơn chính gồm có 3 tổ chức chăm sóc người tị nạn là HIAS, Church World Service và Cơ quan Chăm sóc Tị nạn của Hội Thánh Lutheran sẽ được đưa ra xét xử tại toà án liên bang để đòi chính quyền Trump phải rút lại sắc lệnh hành pháp này. Trong phán quyết dài 31 trang của mình, thẩm phán Messitte nói rằng ông phải ra phán quyết đình chỉ tạm thời này vì ông nghĩ rằng đơn kiện của các nguyên đơn nhiều phần là sẽ thắng kiện.
15 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 6065)