Trần Anh Tuấn: Một tác phẩm mới về trống đồng Đông Sơn

18 Tháng Bảy 20196:50 CH(Xem: 6992)
VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA - THỨ SÁU 19 JULY 2019

Trần Anh Tuấn: Một tác phẩm mới về trống đồng Đông Sơn
image011 
TRẦN ANH TUẤN

Trống đồng Đông Sơn là di vật của người xưa và niềm tự hào của người Việt ngày nay, được phát hiện nhiều nhất ở miền Bắc Việt Nam. Không những nhiều nhất, mà còn nguyên vẹn nhất và đẹp nhất đến độ giới khảo cổ học quốc tế mệnh danh tất cả trống đồng cổ phát hiện tại các nước Đông Nam Á (Ai Lao, Cam Bốt, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương...) và phiá Nam nước Tầu là "trống đồng Đông Sơn," tức lấy một địa danh ở Việt Nam mà đặt tên chung cho loại cổ vật này. Đông Sơn là tên một địa phương ở tỉnh Thanh Hoá, tỉnh cực bắc của miền Trung nước Việt, nơi phát hiện nhiều trống đồng.

Công cuộc nghiên cứu trống đồng dưới thời Pháp thuộc khá hiếm hoi. Điều đáng nói lại là chuyện ăn cướp trống đồng.

Nguyên một Phó Công Sứ tỉnh Hoà Bình thời Pháp thuộc tên là Moulié biết có trống đồng đặc biệt ở nhà một quả phụ quan lang người Mường vùng sông Đà thuộc tỉnh Hoà Bình nên sai người đến lấy. Chiếc trống sau đó được đem sang Pháp trưng bầy trong cuộc đấu xảo quốc tế (danh từ bây giờ là triển lãm) ở Paris năm 1889. Sau cuộc đấu xảo, người Pháp giữ luôn trống. Hiện chiếc trống này là một cổ vật Á Châu quý hiếm tại viện bảo tàng Guimet (tên đầy đủ là Musée National des Arts Asiatiques-Guimet), Paris với tên là Trống Moulié hay Trống Sông Đà. Trống khá lớn, đường kính mặt trống 78cm, cao 61cm và còn nguyên vẹn. Hoa văn rất đẹp, đúc cảnh sinh hoạt xã hội của người đương thời, có cả thuyền cùng thú vật. Một vòng quanh mặt trống đúc 16 chim bay cùng 2 chim đứng.

Về cái trống này, sách ảnh Dong Son Drums in Viet Nam (Phạm Huy Thông chủ biên, Hà Nội, 1990, 282 trang khổ lớn 27cmx37cm), ghi nguyên văn nơi trang 11 như sau: "Cuối thế kỷ XIX. Phát hiện tại vùng sông Đà, tỉnh Hà Sơn Bình... Nơi lưu trữ: Bảo tàng Guimet, Paris (Pháp)."

Thử hỏi Phát hiện tại vùng sông Đà thì ai phát hiện và phát hiện cách nào? Thử hỏi Nơi lưu trữ: Bảo tàng Guimet, Paris thì lý do gì trống của Việt Nam phải lưu lạc sang tận Paris? Tài liệu văn khố hiện còn đầy đủ và chuyện đã rõ như thế, không biết trong bao nhiêu năm khi nước Việt Nam đã giành được độc lập, thì chính phủ Việt Nam Cộng Hoà trước đây và Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bây giờ, có giới chức văn hoá nào nghĩ đến chuyện chính thức yêu cầu chính phủ Pháp hoàn trả bảo vật quốc gia của Việt Nam theo công pháp quốc tế hay theo đường lối ngoại giao chưa?

Trở về trong nước, kể từ thập niên 1960 đến nay, càng ngày càng nhiều tác giả chú tâm đến đề tài trống đồng Đông Sơn, tỷ lệ thuận với sự phát hiện phong phú số trống trong lòng đất. Tính đến năm 2011, theo thông báo của tác giả Hoàng Xuân Chinh trong Đồ Đồng Văn Hoá Đông Sơn. The Bronze Artifacts of Dong Son Culture (Tp Hồ Chí Minh, nxb Văn Hoá Thông Tin, 2012, tr. 11), đã có tới 120 di tích đồ đồng Đông Sơn được phát hiện ở vùng lưu vực các sông Hồng, sông Mã, và sông Cả.

Miền Bắc là nơi khai quật được nhiều trống, nên các cơ quan bảo tàng miền Bắc khai thác hiện vật qua khiá cạnh mô tả, xếp loại và chụp hình, tạo thành những tác phẩm gọi là sách ảnh. Đó là loại sách thường có bìa cứng, giấy láng, khổ lớn bề thế, đầy mầu sắc, lại không tốn công nghiên cứu. Chẳng hạn như Dong Son Drums in Viet Nam kể trên, rồi Cổ Vật Việt Nam. Vietnamese Antiquities (Lưu Trần Tiêu chủ biên, Hà Nội, 2003, 383 tr.), và Cổ Vật Phú Thọ (Sở Văn Hoá Thông Tin Tỉnh chỉ đạo, Nguyễn Anh Tuấn và Trịnh Sinh tác giả, Phú Thọ, 2005, 217 tr.).

Về cá nhân, nhiều nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo Cổ Học, Viện Dân Tộc Học, Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam, Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học, Trung Tâm Tiền Sử Đông Nam Á, các bảo tàng tỉnh, giới giáo sư đại học... như Hoàng Xuân Chinh, Nguyễn Lân Cường, Tạ Đức, Diệp Đình Hoa, Nguyễn Văn Huyên, Phạm Minh Huyền, Hán Văn Khẩn, Phạm Đức Mạnh, Hà Văn Phùng, Trịnh Sinh, Phạm Thanh Sơn, Lê Đình Sử,  Hà Văn Tấn, Chử Văn Tần, Trần Quý Thịnh, Phạm Huy Thông, Trần Quốc Vượng... đều có những thiên nghiên cứu về trống đồng Đông Sơn.

Nội dung tạp chí Viện Khảo Cổ cũng có nhiều bài về trống, nhưng thường chỉ là thông tin về những phát hiện đơn lẻ tại địa phương của tác giả, như Trình Năng Chung, Hà Thị Quyết, Lý Thị Tiêu (trống phát hiện ở Cao Bằng), Trịnh Căn, Nguyễn Dấn, Lò Giàng Páo, Lê Đình Phụng, Hà Văn Thắng (ở Hà Sơn Bình), Nguyễn Tiến Chinh, Nguyễn Văn Đoàn, Nguyễn Văn Hưng, Phạm Duy Khương, Bùi Văn Mạnh, Lù Thị Thăng, Nguyễn Thành Trai (ở Sơn La), Hoàng Thị Chiến, Đỗ Chung, Trần Thanh Đào, Phạm Hổ Đấu, Phạm Văn Đấu, Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Thanh Hiên, Vũ Quốc Hiền, Đường Ngọc Hoá, Lê Thị Sáu, Lê Hồng Sử, Nguyễn Thành Tấn, Nguyễn Duy Trịnh (ở Thanh Hoá)...  

Trước năm 1975, hầu như miền Nam không phát hiện được trống Đông Sơn, trừ loại trống đồng khác của các sắc tộc thiểu số ở cao nguyên Trung Phần. Vì thế, các tác giả miền Nam có khuynh hướng "giải mã." Nghĩa là căn cứ vào hình ảnh trong sách báo hay vài chuyến thăm viện bảo tàng mà phân tích, nhận định, và kết luận về ý nghĩa trống đồng. Như hai tác giả Lương Kim Định (1914-1997) và Nguyễn Xuân Quang (1941-...).

Kim Định là linh mục-tác giả cho phát hành lần lượt các tựa đề Sứ Điệp Trống Đồng (Hoa Kỳ, 1984, 431 trang) và Văn Lang Vũ Bộ (Hoa Kỳ, 251 trang, không ghi năm xuất bản).

Còn Nguyễn Xuân Quang cho xuất bản Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt (Hoa Kỳ, 620 trang) năm 1999. Riêng về trống Đông Sơn, Nguyễn Xuân Quang cho biết ông đã bỏ ra 30 năm nghiên cứu để viết sách có tựa đề Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc Âm Dương Đông Nam Á.

Mới đây nhất, một tác giả tại hải ngoại rất đặc biệt xuất hiện. Ông có một bộ sưu tập đồ đồng Đông Sơn mà số lượng có thể nói ít có viện bảo tàng nào sánh bằng.

Đó là Kiều Quang Chẩn, riêng tổng số trống đồng Đông Sơn hiện có là 86 chiếc. Chiếc thứ 86 ông mới sưu tập ngày 16.6.2019, trong một cuộc đấu giá cổ vật quốc tế tại thành phố Oakland, tiểu bang California. Ông lựa chọn một số trong bộ sưu tập đồ đồng Đông Sơn để chính thức giới thiệu qua tác phẩm Vang Vọng Từ Trống Đông Sơn (Hà Nội, nxb Thế Giới, 2018, 288 trang khổ lớn 22cmx32cm).

Kiều Quang Chẩn là nhân vật duy nhất từ trước năm 1975 đến nay xuất xứ từ Việt Nam Cộng Hoà hội được hai điều kiện đặc biệt.

Thứ nhất là bộ sưu tập trống đồng của gia đình ông. Số lượng trống Đông Sơn nhiều đến hoa mắt, chưa kể các loại trống Mường, trống chuông, và trống hai mặt.

Số trống đó có kích thước to nhỏ cao thấp thay đổi khôn cùng, từ 12.5cm đến 105cm đường kính mặt. Tia mặt trời thay đổi từng buổi, 10 tia, 14 tia, 16 tia đều có. Chim bay số ít số nhiều đều hiện diện, từ trống 4 chim cho đến trống cả bầy 54 con. Chim bay thuận hay bay ngược chiều kim đồng hồ đều có. Vành ngoài mặt trống không có tượng cóc và có tượng cóc đều có. Hình người trên trống đúc lối hiện thực và cách điệu đều có. Mặt trống và thân trống đều có. Trống lành trống bể đều có. Cuối cùng, trống cổ trống tân không thiếu loại nào.

image012
Vì thế, phần Phụ Lục gần 200 trang của sách với hình ảnh rõ đẹp và rất chi tiết do các nhiếp ảnh gia nhà nghề chụp trống cùng rất nhiều đồ đồng Đông Sơn khác, từ trang 93 đến trang 281, chính là một viện bảo tàng hình ảnh.

Đó là đóng góp cụ thể nhất và giá trị nhất của tác giả họ Kiều.

Thứ hai, cả tác giả và người bạn đời đều là những người say mê cổ vật Việt và ham học hỏi. Đầu tác phẩm là Lời Cám Ơn những người thầy về trống đồng của tác giả, là Trịnh Cao Tưởng, Nguyễn Việt, Tạ Đức ở Việt Nam, và Pieter Meyer, Emma Bunker, Anna Bennet ở Hoa Kỳ. Cuối tác phẩm là danh sách tham khảo không dưới 150 tựa đề bao gồm tác phẩm chuyên ngành, tạp chí chuyên môn, tổng kết hội thảo, và trao đổi riêng qua ba ngôn ngữ, là Việt ngữ, Anh  ngữ, Pháp ngữ, và có thể cả Đức ngữ.

Do đó, tác giả đã có đủ tự tin để trình bầy những vấn đề rất lớn về trống Đông Sơn. Đó là những trang đầu của Vang Vọng Từ Trống Đông Sơn trước phần Phụ Lục.

Trong phần đầu này, tác giả hiến một số chi tiết mới mẻ cũng đồng thời là những thông tin hữu ích cho độc giả như hiện tượng đầu lâu trên mặt trống Đông Sơn và kỹ thuật đúc đồng hiện nay tại Việt Nam. Hay giải thích "phiá Bắc gọi sông là Hà, phiá Nam gọi sông là Giang" nơi trang 82 là một nhận xét nhỏ nhưng tinh tế. Việc giới thiệu những bộ sưu tập trống Đông Sơn quan trọng hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới cũng giúp những độc giả hữu tâm biết những địa điểm du lịch khi muốn tìm về nguồn cội. Tại Việt Nam, đó là Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam tại Hà Nội, Bảo Tàng Thanh Hoá và các sưu tập tư nhân của Hoàng Long ở Thanh Hoá, của Nguyễn Đình Sử và nhà hàng Trống Đồng ở Hà Nội. Trên thế giới, đó là các Bảo Tàng Barbier-Mueller ở Genève (Thụy Sỹ), Bảo Tàng Lịch Sử Nghệ Thuật Hoàng Gia tại Brussel (Bỉ), và các bảo tàng Guimet, Cernuschi ở Paris (Pháp).

Ngoài ra, những vấn đề nghiêm trọng mà tác giả đưa ra như sắp xếp trình tự tiến hoá của trống, giải quyết ai là người đúc trống đầu tiên, bàn về kỹ thuật đúc trống, xác định niên đại trống... là những vấn đề lớn lao và phức tạp xảy ra trước đây mấy ngàn năm nên tính khoa học và sự chính xác không thể giải quyết qua cách phân tích và kết luận riêng của một cá nhân.

Hãy kể vài luận điểm của tác giả để minh chứng cho phần này. Như kết luận "Bộ tộc Katu đã tách khỏi dòng chính của người Đông Sơn..." (trang 61) tuy theo ý của Tạ Đức, một chuyên viên về Dân Tộc Học tại Hà Nội, nhưng tác giả lập lại thì thật can đảm. Hay kết luận Đào Duy Anh là "học giả hàng đầu của Việt Nam" (trang 64) thì thật võ đoán. Hay kết luận "có thể đoán tuổi của Trọng Thủy dựa vào năm Âu Lạc mất (khoảng 179-180 tcn). Khi  đó, Thủy đã là một trang thanh niên gửi rể An Dương Vương. Từ đó đến năm 137 tcn là trên 40 năm, Thái tử Thủy phải trên 60 tuổi và có thể đã chết" (trang 71) thì có hơi hướm phong thần diễn nghĩa. Hay kết luận sự phát hiện nhiều ngôi mộ cổ ở Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Như Xuân thuộc tỉnh Thanh Hoá củng cố giả thuyết cho rằng chủ nhân những khu mộ này có thể liên quan đến "tàn quân khởi nghĩa Hai Bà Trưng" (trang 84) thì thật giầu trí tưởng tượng.

Với một tác phẩm mà tác giả chỉnh sửa nhiều năm, trước đó đã say mê bỏ thì giờ và tiền bạc chu du thế giới từ Âu Châu đến Đông Á, từ Thái Lan đến Nam Dương, từ Singapore đến Mã Lai Á, từ Hà Nội đến Sài Gòn, từ Thanh Hoá đến Quảng Nam, từ Đà Lạt đến cao nguyên Trung Phần... để sưu tầm cổ vật Đông Sơn, tôi ngạc nhiên đến độ bất ngờ về cách biên tập của sách.

Chỉ hơn 90 trang trong phần dẫn giải và phần Thư Mục, sách đã có những lỗi điển hình. Lỗi chính tả, lỗi tên người tên đất, lỗi kỹ thuật viết thư tịch... đều có.  

Thêm nữa, phần thứ hai trong sách không được tác giả ghi nhận theo danh từ thông dụng, là phần Phụ Lục (Appendix), hay chính xác hơn, là phần Bản Ảnh (Plates). Tác giả mệnh danh phần này theo một danh từ ngoại ngữ, là "Catalog." Phải chăng tác giả theo gương nhà nghiên cứu Nguyễn Việt nơi Lời Giới Thiệu và trong sách Art Ancien du Viêt Nam. Bronzes et Céramiques (Genève, Collections Baur, 2008, 136 tr.) trong đó Nguyễn Việt là một tác giả? Lại ngay trong phần này, hình ảnh không được đánh số, trừ trống đồng được đánh số từ Trống 1 đến Trống 52, sẽ gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu tương lai khi tham khảo tác phẩm này.

Điều đáng tiếc nhất trong nội dung của sách là tác giả hầu như không chia sẻ nguồn gốc của các trống và đồ đồng trong bộ sưu tập hùng hậu của tác giả. Độc giả không biết có bao nhiêu trống được tác giả sưu tầm ở Việt Nam, và bao nhiêu ở các nước khác, kể cả ở Tàu và ở Hoa Kỳ, để rộng đường dư luận về xuất xứ và chi tiết khảo cổ học của cổ vật Việt Nam nói chung, nhất là chi tiết chuyên môn về trống đồng Đông Sơn nói riêng.

Qua trao đổi riêng giữa người viết bài này và tác giả, tác giả đã ghi nhận những sơ sót trên và tôi hy vọng khi tái bản, sách sẽ được hoàn hảo.

Ngay trong ấn bản này, Vang Vọng Từ Trống Đông Sơn của tác giả Kiều Quang Chẩn đã là một đóng góp hiếm hoi và đáng quý của một cá nhân gốc Việt tại hải ngoại!

Độc giả cũng nên chú ý đến khía cạnh thuật ngữ chuyên môn hiện nay. Vì chưa có cơ quan hay tổ chức nào đủ uy tín để tiêu chuẩn hoá thuật ngữ, nên cá nhân các nhà nghiên cứu cứ tự ý căn cứ vào sự quan sát hiện vật có trong tay, có khi chỉ quan sát bằng hình ảnh, mà định danh cổ vật. Vì thế, tôi đối chiếu hai tác giả Kiều Quang Chẩn và Hoàng Xuân Chinh thì thấy có nhiều cổ vật cùng loại nhưng tên lại khác nhau. Thí dụ hai cổ vật nơi trang 165 trong Vang Vọng Từ Trống Đông Sơn, tác giả họ Kiều gọi là "chậu" và "bình" thì họ Hoàng mệnh danh là "thố" hết, nơi trang 114-115 trong Đồ Đồng Văn Hóa Đông Sơn. Xin xem hai hình ảnh dưới đây.

Chậu và bình Đông Sơn, theo tác giả Kiều Quang Chẩn, tr. 165
Chậu và bình Đông Sơn, theo tác giả Kiều Quang Chẩn, tr. 165


Các loại thố Đông Sơn theo tác giả Hoàng Xuân Chinh, tr. 114-15
Các loại thố Đông Sơn theo tác giả Hoàng Xuân Chinh, tr. 114-15

Vang Vọng Từ Trống Đông Sơn chính là hậu quả tích cực của cuộc đổi đời xuất phát từ biến cố 30.4.1975 mà cả tác giả Chẩn Kiều và người bạn đời Quỳnh Kiều có cơ hội hành nghề Y tại Hoa Kỳ, nhờ thế có phương tiện tài chánh theo đuổi niềm say mê rất tốn kém và điều kiện chu du thế giới để cung cấp cho người Việt khắp nơi một niềm hãnh diện đã đành, mà còn là một tấm gương sáng tìm về nguồn gốc dân tộc và lưu giữ di vật của tổ tiên.

Hãy nghe lời chia sẻ của tác giá Kiều Quang Chẩn khi có được cái trống đồng Đông Sơn đầu tiên nơi trang 11: "Hai tay tôi chạm vào kim loại mát lạnh mà cảm thấy hơi thở ấm áp của tiền nhân đang truyền cho con cháu. Lấy tay gõ nhẹ vào mặt trống đen bóng, âm vang của trống thấm qua thân thể. Tim tôi rung động như cũng muốn hoà nhịp với trống. Tôi nhắm mắt ôm chặt lấy trống vào lòng, cả một quá khứ huy hoàng của thời lập quốc hiện ra trong tâm trí..."

Thật là những lời vừa chân thành vừa cảm động của một tâm hồn thiết tha với cội nguồn.

Cuối cùng, bộ sưu tập cổ vật Việt của tác giả Kiều Quang Chẩn không chỉ có trống đồng và đồ đồng Đông Sơn, mà còn bao gồm nhiều thể loại khác, bằng đá, bắng gỗ, bằng gốm, bằng sành sứ, bằng giấy, bằng ngà, bằng ngọc, bằng vàng... không thiếu thứ nào, chưa kể một ngôi nhà cổ bên hồ bán nguyệt tại Nam California, Hoa Kỳ.

Tác giả là người gốc Việt đầu tiên tôi chứng kiến đã say mê thu mua -nhiều khi phải tranh đoạt trong những cuộc đấu giá quốc tế- hầu giữ cho được di vật của tổ tiên, điều mà những người gốc Tàu, gốc Nhật Bản, gốc Đại Hàn, gốc Indonesia... đã làm từ nhiều thập niên.

Kiều Quang Chẩn là người đầu tiên, nhưng tôi lạc quan tin rằng họ Kiều không phải là người duy nhất!

TRẦN ANH TUẤN
California, 15.7.2019