Chủ nghĩa dân túy bùng phát là do văn hóa hay kinh tế?

09 Tháng Bảy 20199:35 CH(Xem: 7865)
VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN - THỨ TƯ 11 JULY 2019

Chủ nghĩa dân túy bùng phát là do văn hóa hay kinh tế?

Nguồn: Dani Rodrik, “What’s Driving Populism?”, Project Syndicate, 09/07/2019.
Nguồn: Dani Rodrik, “What’s Driving Populism?”, Project Syndicate, 09/07/2019.


Biên dịch: Phan Nguyên

Nguyên nhân là vì văn hóa hay kinh tế? Câu hỏi đó tạo ra nhiều tranh luận về chủ nghĩa dân túy đương đại. Liệu nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, Brexit, và sự trỗi dậy của các đảng chính trị cánh hữu theo chủ nghĩa bản địa ở châu Âu có phải là hậu quả của sự rạn nứt sâu sắc về giá trị giữa những người bảo thủ và những người tự do, với việc những người bảo thủ quay sang ủng hộ các chính trị gia chuyên chế, bài ngoại theo chủ nghĩa dân tộc – sắc tộc hay không? Hay các hiện tượng này phản ánh sự lo lắng, bất an về kinh tế của các cử  tri, được thúc đẩy bởi khủng hoảng tài chính, chính sách thắt lưng buộc bụng và toàn cầu hóa?

Phần lớn phụ thuộc vào câu trả lời. Nếu chủ nghĩa dân túy độc đoán bắt nguồn từ gốc rễ kinh tế, thì biện pháp giải quyết thích hợp là một  hình thức chủ nghĩa dân túy khác – nhắm vào sự bất bình đẳng thu nhập và phát triển kinh tế bao trùm, nhưng đa nguyên trong chính trị và không nhất thiết gây tổn hại cho nền dân chủ. Tuy nhiên, nếu nó bắt nguồn từ yếu tố văn hóa và giá trị thì số giải pháp là ít hơn. Dân chủ tự do có thể bị hủy hoại bởi những động lực và mâu thuẫn nội bộ của chính nó.

Một số phiên bản của lập luận dựa trên yếu tố văn hóa có thể được loại bỏ ngay. Chẳng hạn, nhiều nhà bình luận ở Hoa Kỳ đã tập trung vào sức hút dựa trên chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của Trump. Nhưng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc dưới hình thức này hay hình thức khác đã là một đặc điểm lâu dài của xã hội Hoa Kỳ và không thể giải thích tại sao việc Trump thao túng nó lại giúp ông ta trở nên được lòng dân như vậy. Một hằng số không thể giải thích được sự thay đổi.

Các cách giải thích khác phức tạp hơn. Một cách giải thích kỹ lưỡng và tham vọng nhất dựa trên yếu  tố văn hóa đã được đưa ra bởi đồng nghiệp của tôi tại trường Harvard Kennedy, Pippa Norris, và Ronald Inglehart của Đại học Michigan. Trong một cuốn sách gần đây, họ cho rằng chủ nghĩa dân túy chuyên chế là hậu quả của một sự thay đổi dài hạn về các giá trị.

Khi các thế hệ trẻ trở nên giàu có hơn, có học thức hơn và an toàn hơn, họ đã lựa chọn các giá trị “hậu vật chất”, nhấn mạnh chủ nghĩa thế tục, tự chủ cá nhân và sự đa dạng, qua đó làm giảm tầm quan trọng của tôn giáo, cấu trúc gia đình truyền thống và sự tuân phục. Các thế hệ lớn tuổi đã trở nên bị xa lánh – thực sự đã trở thành “những người xa lạ trên vùng đất của họ”. Dù những người theo chủ nghĩa truyền thống hiện nay về mặt con số là nhóm nhỏ hơn, nhưng họ đi bỏ phiếu với số lượng lớn hơn và tích cực hoạt động chính trị hơn.

Will Wilkinson từ Trung tâm Niskanen gần đây cũng đưa ra một lập luận tương tự, tập trung vào vai trò của đô thị hóa. Wilkinson lập luận rằng đô thị hóa là một quá trình sắp xếp không gian vốn phân chia xã hội không chỉ về mặt thu nhập kinh tế, mà còn cả về các giá trị văn hóa. Nó tạo ra các khu vực mật độ dân cư cao, đa văn hóa, phát triển thịnh vượng nơi các giá trị tự do xã hội chiếm ưu thế. Và nó để lại phía sau các khu vực nông thôn và các trung tâm đô thị nhỏ hơn đang ngày càng thống nhất theo hướng chủ nghĩa bảo thủ xã hội và ác cảm với sự đa dạng.

Hơn nữa, quá trình này mang tính tự củng cố: thành công kinh tế ở các thành phố lớn giúp khẳng định các giá trị đô thị, trong khi việc người dân tự chọn di cư ra khỏi các khu vực tụt hậu càng làm tăng sự phân cực hơn nữa. Ở châu Âu và Hoa Kỳ, các khu vực đồng nhất, bảo thủ về mặt xã hội tạo thành cứ điểm ủng hộ cho những người theo chủ nghĩa dân túy bản địa.

Ở mặt còn lại của cuộc tranh luận, các nhà kinh tế đã tạo ra một số nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa sự ủng hộ chính trị dành cho những người theo chủ nghĩa dân túy với các cú sốc kinh tế. Trong nghiên cứu có lẽ là nổi tiếng nhất trong số này, David Autor, David Dorn, Gordon Hanson và Kaveh Majlesi – đến từ MIT, Đại học Zurich, Đại học California tại San Diego và Đại học Lund, đã chỉ ra rằng việc người dân bỏ phiếu cho Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 trên khắp các cộng đồng người Mỹ có mối tương quan mạnh mẽ với mức độ nghiêm trọng từ các cú sốc thương mại với Trung Quốc. Nếu các điều kiện khác không đổi, tình trạng mất việc làm càng nhiều do nhập khẩu từ Trung Quốc gia tăng, thì sự ủng hộ dành cho Trump càng cao.

Thật vậy, theo Autor, Dorn, Hanson và Majlesi, cú sốc thương mại với Trung Quốc có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chiến thắng của Trump năm 2016. Ước tính của họ cho thấy nếu tỷ lệ thâm nhập nhập khẩu thấp hơn 50% so với tỷ lệ thực tế trong giai đoạn 2002-2014 , một ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ sẽ giành chiến thắng tại các bang quan trọng như Michigan, Wisconsin và Pennsylvania, khiến Hillary Clinton sẽ trở thành người chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Các nghiên cứu thực nghiệm khác đã tạo ra kết quả tương tự cho Tây Âu. Sự thâm nhập cao hơn của hàng nhập khẩu Trung Quốc đã được phát hiện có liên quan đến việc ủng hộ Brexit ở Anh và sự gia tăng của các đảng dân tộc cực hữu ở lục địa châu Âu. Các chính sách thắt lưng buộc bụng và các biện gây ất an ninh kinh tế nói chung đã được chứng minh cũng đóng một vai trò có ý nghĩa về mặt thống kê. Và tại Thụy Điển, sự bất an trên thị trường lao động gia tăng đã được phát hiện có liên quan về mặt thực nghiệm với sự trỗi dậy của Đảng Dân chủ Thụy Điển cực hữu.

Các lập luận về văn hóa và kinh tế dường như đang mâu thuẫn – nếu không nói là hoàn toàn không tương thích – với nhau. Nhưng, nếu nghiền ngẫm kỹ, người ta có thể nhận ra một sự chia sẻ giữa hai lập luận. Bởi vì các xu hướng văn hóa – chẳng hạn như chủ nghĩa hậu vật chất và các giá trị được thúc đẩy bởi đô thị hóa – mang bản chất lâu dài, nên chúng không giải thích đầy đủ được cho thời điểm xảy ra phản ứng dân túy. (Norris và Inglehart gợi ý một điểm bùng phát mà ở đó các nhóm bảo thủ xã hội dù trở thành thiểu số nhưng vẫn có quyền lực chính trị lớn hơn.) Và những người ủng hộ các giải thích dựa trên văn hóa thực tế vẫn không loại bỏ vai trò của các cú sốc kinh tế. Họ cho rằng những cú sốc này làm trầm trọng thêm sự chia rẽ văn hóa, mang lại thêm cho những người theo chủ nghĩa dân túy chuyên chế một lực đẩy mà họ cần.

Ví dụ, Norris và Inglehart lập luận rằng “điều kiện kinh tế trong trung hạn và sự gia tăng tính đa dạng xã hội” đã đẩy nhanh phản ứng văn hóa, và chứng minh qua nghiên cứu thực nghiệm của họ rằng các yếu tố kinh tế có đóng vai trò thúc đẩy các đảng dân túy. Tương tự, Wilkinson nhấn mạnh rằng “sự lo lắng về chủng tộc” và “sự bất an về kinh tế” không phải là những giả thuyết loại trừ lẫn nhau, bởi vì những cú sốc kinh tế đã làm tăng đáng kể sự phân cực văn hóa do đô thị hóa. Về phần mình, những ai cho rằng nguyên nhân kinh tế là quyết định nên nhận ra rằng các yếu tố như các cú sốc thương mại với Trung Quốc không xảy ra trong tình trạng chân không, mà trong bối cảnh sự phân cực xã hội đã tồn tại từ trước dọc theo các đứt gãy văn hóa – xã hội.

Cuối cùng, việc phân tích chính xác các nguyên nhân đằng sau sự gia tăng chủ nghĩa dân túy chuyên chế có thể ít quan trọng hơn các bài học chính sách được rút ra từ đó. Có rất ít tranh luận về vấn đề này. Các giải pháp kinh tế cho sự bất bình đẳng và bất an kinh tế có vai trò tối quan trọng.

Dani Rodrik là giáo sư ngành kinh tế chính trị quốc tế tại Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ông là tác giả cuốn The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy, và gần đây nhất là cuốn Economics Rules: The Rights and Wrongs of the Dismal Science.

15 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 7548)