VOA Thứ sáu, 07/02/2014
Châu Á đổ tiền mua vũ khí vì sức mạnh quân sự của Trung Quốc
Tàu Tuần duyên của Nhật Bản và tàu Hải giám của Trung Quốc chạy gần nhóm đảo đang tranh chấp
Ngân sách Quốc phòng của một số Quốc gia năm 2013:
- Hoa Kỳ: 582.424 triệu đôla
- Trung Quốc: 139.203 triệu đôla
- Nga 68.887: triệu đôla
- Anh: 58.854 triệu đôla
- Nhật Bản: 56.842 triệu đôla
- Pháp: 53.091 triệu đôla
- Ấn Độ: 46.183 triệu đôla
- Đức: 44.688 triệu đôla
- Ả Rập Saudi: 42.858 triệu đôla
- Nam Triều Tiên: 31.561 triệu đôla
Một nghiên cứu cho biết sức mạnh quân sự ngày càng tăng của
Trung Quốc đang buộc các nước láng giềng tăng chi tiêu quốc phòng, nhưng sẽ mất
nhiều thập niên nữa nước này mới bắt kịp được Mỹ trong tư cách một siêu cường
quân sự.
Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS cho biết đã tiến hành cuộc nghiên cứu
thường niên về khả năng quân sự toàn cầu và chi tiêu quân sự. IISS nói chi tiêu
quân sự của Trung Quốc có thể ngang bằng Mỹ vào những năm 2030.
Tuy nhiên, khả năng chuyên môn và khả năng triển khai sức mạnh ngang tầm của
Trung Quốc sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có thể bắt kịp, các chuyên gia của
Viện cho biết.
Mỹ vẫn là nước có chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới với ngân sách 600,4 tỉ
USD trong năm 2013, theo sau là Trung Quốc (112,2 tỉ) và Nga (68,2 tỉ).
Tại châu Á, chi tiêu quốc phòng trong năm 2013 cao hơn 11,6% so với năm 2010.
Những khoảng tăng lớn nhất trong năm qua tập trung là ở vùng Đông Á với Trung
Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm hơn một nửa.
Trung Quốc hiện chi nhiều gấp ba lần so với Ấn Độ về quốc phòng, và còn hơn các
nước láng giềng Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam cộng lại.
Chuyên gia an ninh hàng hải Christian Le Miere khẳng định tranh chấp lãnh thổ,
đặc biệt là tranh chấp lãnh hải “chắn chắn là yếu tố thúc đẩy việc gia tăng mua
vũ khí cạnh tranh ở châu Á.”
Ông nói cách tiếp cận của Trung Quốc đối với những yêu sách chủ quyền mang tính
“giải quyết tranh chấp hơn là tìm giải pháp cho cuộc tranh chấp.”
Tổng giám đốc IISS John Chipman cho biết ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, “tốc
độ tăng cường khả năng quân sự nhanh chóng và tiềm năng xung đột vô tình xảy ra
và leo thang sẽ tiếp tục còn gây quan ngại.”
IISS cho biết căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã gia tăng đáng kể và họ
cần những cuộc tham vấn liên quân đội để giảm thiểu nguy cơ đối đầu tác chiến
hay một cuộc khủng hoảng chiến lược.
Nguồn: AFP / defensenews.com/
RFI Chủ nhật 09 Tháng Hai 2014
Mỹ-Nhật ngăn Trung Quốc mở vùng phòng không trên Biển Đông
Ảnh chỉ mang tính minh họa.
REUTERS/Yuya Shino
Trọng Nghĩa
Khả năng Trung Quốc thiết lập thêm một vùng nhận dạng phòng không mới trên Biển Đông tiếp tục gây lo ngại. Hôm 07/02/2014 vừa qua, hai Ngoại trưởng Mỹ và Nhật đã nhất trí với nhau là sẽ nỗ lực ngăn cản, không cho Trung Quốc mở rộng vùng phòng không mà Bắc Kinh đã thiết lập trên Biển Hoa Đông qua các vùng biển khác, có thể là trên Biển Đông.
Theo báo chí Nhật Bản, nhân cuộc tiếp xúc tại Washington, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida và đồng nhiệm Mỹ John Kerry đã chia sẻ quan điểm theo đó Nhật Bản và Hoa Kỳ đều không chấp nhận vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Hoa Đông, bao trùm lên vùng quần đảo Senkaku đang do Nhật Bản quản lý.
Bên cạnh đó, hai Ngoại trưởng đã khẳng định rằng Washington và Tokyo sẽ phối hợp với các quốc gia khác hiện đang quan ngại trước hành động của Bắc Kinh, để đối phó với khả năng Trung Quốc mở rộng vùng phòng không của họ để bao trùm lên những khu vực tại Biển Đông, nơi Trung Quốc cũng đang tranh giành chủ quyền với các láng giềng Đông Nam Á.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nhật Kishida nhấn mạnh rằng mặc dù nước ông không hề thay đổi lập trường xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc theo hướng hai bên cùng có lợi, thế nhưng Nhật Bản không thể chấp nhận vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố trên Biển Hoa Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng xác nhận rằng Hoa Kỳ phản đối vùng phòng không đó của Trung Quốc, và nhắc lại rằng lập trường của Hoa Kỳ vẫn là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi áp dụng của hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, trong đó có quy định nghĩa vụ của Hoa Kỳ phải bảo vệ Nhật Bản.
Ngoài hồ sơ Biển Đông và Biển Hoa Đông, hai Ngoại trưởng Mỹ và Nhật đã đồng ý tăng tốc độ đàm phán về Thỏa thuận tự do mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương đang trong vòng đúc kết, với sự tham gia của Mỹ, Nhật cùng nhiều nước khác trong đó có Việt Nam./