Ngoại trưởng John Kerry họp báo tại Manila: “Trung Quốc đừng lập ADIZ trên biển Đông”

19 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 15123)

Kerry: ‘TQ đừng lập ADIZ trên Biển Đông’

BBC - thứ tư, 18 tháng 12, 2013

image009

Trọng tâm trong chuyến đi đông nam Á này của Kerry là an ninh trên Biển Đông

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm thứ Ba ngày 17/12 đã cảnh báo Trung Quốc không nên thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông trong khi ông đang ở Manila, hãng tin Pháp AFP cho hay.

Kerry cũng chỉ trích Trung Quốc áp đặt vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông bao trùm các hòn đảo hiện có tranh chấp với Nhật Bản.

Ngoại trưởng Mỹ, hiện đang có chuyến thăm hai ngày đến Philippines, loan báo Washington cam kết viện trợ cho quốc gia đông nam Á này 40 triệu đô la Mỹ để giúp họ nâng cao năng lực phòng vệ trên biển.

Hai nước cũng đang ở trong giai đoạn cuối của quá trình đàm phán một thỏa thuận cho phép Mỹ đưa thêm binh lính, phi cơ và tàu chiến đi qua lãnh thổ Philippines, nơi mà Mỹ đã đóng cửa căn cứ cuối cùng hồi năm 1992.

Ủng hộ Manila

“Hôm nay, tôi nêu lên quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc tuyên bố thành lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông,” Kerry phát biểu sau cuộc gặp với người tương nhiệm của nước chủ nhà Albert del Rosario.

“Vùng phòng không này không nên được thực thi và Trung Quốc nên kiềm chế không có hành động đơn phương tương tự ở những nơi khác trong khu vực, nhất là ở Biển Đông,” ông phát biểu trong cuộc họp báo.

“Tôi nói với ngoại trưởng Philippines rằng Mỹ không công nhận vùng phòng không đó và không chấp nhận nó.”

"Hoa Kỳ cam kết làm việc với Philippines để đối phó với những thách thức an ninh cấp bách của họ."

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Hồi tháng trước, Manila đã nói rằng việc Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Hoa Đông dẫn tới khả năng nước này sẽ làm tương tự trên Biển Đông.

Bắc Kinh yêu cầu các máy bay đi vào vùng nhận dạng phòng không mà họ áp đặt phải thông báo lịch trình bay, báo quốc tịch và duy trì liên lạc hai chiều qua radio nếu không sẽ hứng chịu ‘các biện pháp phòng vệ khẩn cấp’.

Ngoại trưởng Kerry cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Manila và gọi nước này là ‘đồng minh có hiệp ước chủ chốt’.

“Hoa Kỳ cam kết làm việc với Philippines để đối phó với những thách thức an ninh cấp bách của họ,” ông nói.

“Đó là lý do vì sao chúng tôi đang đàm phán một thỏa thuận khung mạnh mẽ và bền vững giúp tăng cường hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ liên minh giữa hai nước, trong đó bao gồm tăng cường sự hiện diện luân phiên ở Philippines,” ông nói thêm.

Vào tối thứ Ba ngày 17/12, Kerry đã được Tổng thống Benigno Aquino tiếp. Hôm nay 18/12, ông đi thăm Tacloban, thành phố bị bão Haiyan tàn phá nặng nề hồi tháng trước với hơn 6.000 người chết và hơn bốn triệu người mất nhà cửa.

Kerry nói Mỹ sẵn sàng giúp Philippines trên hành trình dài tái thiết lại khu vực. Trước đó, Washington đã triển khai chiến dịch cứu trợ nhân đạo rộng lớn ở Philippines với một hàng không mẫu hạm và 1.000 lính thủy quân lục chiến./

Mỹ cảnh cáo ý đồ Trung Quốc lập vùng phòng không ở Biển Đông

image031

Tổng thống Philippines Benigno Aquino (P) tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Phủ Tổng thống Malacanang, Manila, 17/12/2013

REUTERS/Brian Snyder

Tú Anh RFI

Sau ba ngày thămViệt Nam, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Philippines vào hôm nay 17/12/2013. Trong bối cảnh tham vọng của Trung Quốc lấn chiếm biển đảo, Ngoại trưởng Mỹ ủng hộ Manila cảnh cáo Bắc Kinh về ý đồ lập vùng phòng không tại biển Đông Nam Á mà Bắc Kinh gọi là Hoa Nam.

Trung Quốc không được đơn phương thành lập một vùng (phòng không) tại biển Đông như đã làm tại một nơi khác trong khu vực. Trên đây là lời cảnh cáo của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc họp báo vào hôm nay tại Manila.

Trong chuyến công du đầu tiên tại Philippines kể từ khi nhậm chức, Ngoại trưởng John Kerry đã công khai ủng hộ quốc đảo Đông Nam Á này, được xem là « đồng minh then chốt » đối đầu với tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.

Trong chương trình thăm viếng hai ngày, ông John Kerry sẽ đi thăm nạn nhân cơn bão Haiyan mà Hoa Kỳ đã hỗ trợ hơn 20 triệu đôla cùng một đội hùng hậu có cả hàng không mẫu hạm, tuần dương hạm và một lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến.

Ngược lại, Trung Quốc lúc đầu chỉ thông báo viện trợ cho nạn nhân Philippines 100.000 đôla và chỉ miễn cưỡng tăng lên 2 triệu, sau khi Bắc Kinh bị công luận trong và ngoài nước chế nhạo.

Theo giới phân tích, thái độ khiêu khích của Trung Quốc với vùng phòng không tại Hoa Đông và mưu toan tương tự ở biển Đông Nam Á làm cho Manila vừa bất bình vừa lo ngại. Người ta chờ đợi Mỹ và Philippines nhanh chóng đạt thỏa thuận mới về hợp tác quân sự ,cho phép quân đội Mỹ đồn trú đông đảo hơn và thường xuyên hơn tại Philippines. Một hình thức để Washington trấn an các nước khu vực là lúc nào cũng có Hoa Kỳ bên cạnh.

Bản đồ 9 đoạn của Trung Quốc mà Việt Nam gọi là « lưỡi bò » lấn chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, gần như là tất cả biển và đảo của Philippines và Việt Nam.

 

VOA Thứ Tư, 11/12/2013

Chuyên gia quân sự TQ đề nghị đưa tàu sân bay Liêu Ninh tới Biển Đông

image032
Chuyên gia quân sự Trung Quốc nói cần bố trí tàu sân bay ở Biển Đông vì Bắc Kinh đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng trong khu vực này.

VOA 11.12.2013

Chuyên gia quân sự Trung Quốc đề nghị nên điều động tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc tới Biển Đông để củng cố tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại đây.

Nhật báo thân Trung Quốc Wen Wei Po xuất bản ở Hong Kong ngày 11/12 dẫn lời học giả Song Zhongping nói Biển Đông là nơi tốt nhất để nhóm chiến đấu của tàu Liêu Ninh chứng tỏ năng lực của mình.

Chuyên gia quân sự này lý luận sở dĩ Trung Quốc cần bố trí một tàu sân bay ở Biển Đông vì Bắc Kinh đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng trong khu vực.

Ông Song nói vì một số đảo ở Biển Đông nằm cách xa Trung Hoa lục địa nên Bắc Kinh cần phải đưa tổ chiến đấu tàu sân bay tới khu vực để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền của mình tại đây, nếu làm được như vậy, Trung Quốc có thể mở rộng sự hiện diện quân sự trong vùng.

Vẫn theo chuyên gia này, khi Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông trong tương lai, toàn bộ không phận này cần phải thông thoáng và dễ kiểm soát và điều động tàu sân bay đến Biển Đông là bước quan trọng để Trung Quốc đạt được mục tiêu đó.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đang được 4 tàu chiến hộ tống trong nhiệm vụ huấn luyện và thử nghiệm đầu tiên ở Biển Đông.

Nguồn: Focus Taiwan, CNA