Albert Camus : Sinh nhật lần thứ một trăm rất trầm lắng

12 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 10317)

 image022

Albert Camus, chợ trời Paris, 1959, một năm trước khi qua đời.

AFP

Trọng Thành

Mùng 7 tháng 11 năm 2013 là dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 100 của nhà văn Albert Camus. Cho dù ông là một trong các nhà văn Pháp được đọc nhiều nhất và được dịch nhiều nhất, tại Pháp không hề có một nghi lễ chính thức nào được cử hành vào dịp này. Với người Pháp, tác giả của « Kẻ xa lạ » tiếp tục gợi nên những quan điểm đối kháng. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Albert Camus, đài France 24 có bài viết mang tên « Alber Camus, một trăm năm ngày sinh rất trầm lắng ».

« Hôm nay mẹ chết. Cũng có thể là hôm qua, tôi không biết nữa ». Những lời đầu tiên của cuốn tiểu thuyết « Kẻ xa lạ » đưa người đọc vào trong cái phi lý của một thế giới thờ ơ đến da diết. Ở tuổi 29, Albert Camus cùng với cuốn tiểu thuyết, đi vào cõi bất tử của điện Panthéon cao quý của nền văn học Pháp. Chúng ta biết Camus ra đời cách đây 100 năm. Và ông không phải là người xa lạ với ai hay gần như là thế. Nhận giải Nobel Văn chương vào lúc chỉ mới 44 tuổi, Camus rất có thể là một trong số các tác giả Pháp được đọc nhiều nhất và được dịch nhiều nhất.

Tuy nhiên, đã không có một cuộc tưởng niệm chính thức nào tại Pháp, không có cuộc vinh danh quốc gia nào vào ngày sinh nhật lần thứ 100 của tác giả cuốn « L’Homme révolté » (Người nổi dậy) hay « Mythe de Sisyphe » (Huyền thoại Sisyphe). Trong khi, khắp nơi trên thế giới - từ Ấn Độ, Jordani, Mêhicô, Achentina hay Chilê – tổ chức sinh nhật Camus 100 tuổi, thì nước Pháp lại hờn dỗi.

Algeri : Trung tâm của cuộc tranh luận

Trung tâm văn hóa George Pompidou và Thư viện Quốc gia đã từ chối tiếp nhận bất cứ hoạt động nào. Và cuộc trưng bày vinh danh « Albert Camus : con người nổi dậy » (Albert Camus : l’homme révolté), đáng là đã trở thành một sự kiện sáng ngời trong chương trình Marseilles-Provence Thủ đô văn hóa Châu Âu 2013, cuối cùng bị hủy bỏ, sau các tranh chấp chính trị-văn hóa trở đi trở lại trong thời gian ba năm chuẩn bị. Sau khi nhà sử học Benjamin Stora bị loại khỏi chương trình và nhà triết học Michel Onfray bỏ cuộc, Nobel Văn chương 1957 phải vui vẻ với một cuộc triểm lãm quy mô nhỏ hơn, mang tên « Albert Camus, công dân thế giới », do một nhóm các nhà khoa học, sử gia và triết gia nhận tổ chức.

Việc chương trình kể trên bị hủy bỏ là tiêu biểu cho « nỗi bất an » (le malaise) Camus. Thành phố Aix-en-Provence đã vấp phải một cuộc luận chiến dữ dội xung quanh vấn đề vị trí của nhà văn trong thời gian chiến tranh tại Algeri, mảnh đất nơi ông chào đời ngày 7/11/1913. Sinh thời Albert Camus luôn từ chối ý tưởng về một Algeri độc lập, bởi ông cho rằng kỷ nguyên của chủ nghĩa dân tộc đã lùi xa. Tuy nhiên, ông cũng lên án những bất công mà người Hồi giáo Algeri phải chịu đựng, cũng như các định kiến về người Pieds-Noir (tức người Pháp và người Châu Âu nói chung sống tại Algeri). Ông muốn chấm dứt chế độ thực dân tại Algeri, nhưng cho rằng Algeri vẫn cần thuộc về liên hiệp Pháp.

Trong một bài viết cho tờ Huffington Post, sử gia Benjamin Sotora, chuyên gia về chiến tranh Algeri, soi sáng lập trường gây tranh luận của Albert Camus, như sau : « Ông [Camus] không phải là một ‘‘nhà tranh đấu vì độc lập’’ của Algeri, bởi vì ông không chấp nhận cái tương lai có thể bị từ chối đối với những người thân thiết của ông (…). Alber Camus từ chối nền độc lập, cũng có nghĩa là từ chối sự chia cắt. Ông là người nỗ lực dựng lên những cây cầu (…) Nhưng với cuộc chiến tranh Algeri, lịch sử đã tăng tốc, mệnh lệnh chính trị khẩn thiết xung đột với nỗ lực của Camus muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và sự hòa giải [giữa hai bờ Địa Trung Hải – ndr] ».

Người bị nhạo báng hết cỡ

Ngay từ khi còn sống, Albert Camus đã làm bùng lên nhiều tình cảm dữ dội. Cuộc đời ngắn ngủi của ông, chấm dứt năm 1960, trong một tai nạn xe hơi, mang theo những mối tình bốc lửa và những hận thù dai dẳng. Người đã muốn chống lại mọi hình thức bạo lực và bảo vệ việc chung sống hòa bình đã phải trả giá : nhiều người đương thời chê ông là « một cái đầu lịch thiệp nhỏ nhen ».

Trong số các đối thủ số một của ông có Sartes và tạp chí « Les Temps modernes ». Năm 1957, khi Camus đoạt Nobel, và trở thành người Pháp trẻ nhất được giải thưởng cao quý này, ông bị ghét bỏ và nhạo báng hơn bao giờ hết. (…)

Hiện nay, Camus vẫn tiếp tục làm xúc động và gây tranh luận, « chủ yếu về mối quan hệ của ông với Algeri », theo sử gia Benjamin Stora. Trả lời phỏng vấn Le Figaro (trong bài « 100 năm ngày sinh của Albert Camus chia rẽ hơn là liên hiệp »), Benjamin Stora nhận xét : « Một số người ở Algeri vẫn không thể nào tha thứ cho ông ấy vì quan điểm cho rằng Algeri nên ở lại trong một liên hiệp với nước Pháp. (…) Và người ta cũng trách cứ Albert Camus đã tỉnh táo trước mọi người, khi biết trước sự thất bại của các ý thức hệ tập thể cách mạng được sùng bái. Những người cảm thấy bị mồ côi trước sự suy tàn của các ý thức hệ này chắc chắn là ghét bỏ ông ».

Camus : Con người không phe phái nào chiếm đoạt được

Thật khó mà lấy được Albert Camus về phe mình. Đã từng có nhiều người toan tính chiếm lấy con người tự do này. (Tổng thống) Nicolas Sarkozy đã từng thất bại trong ý định đưa thi hài của ông từ nghĩa trang Lourmarin, ở Provence, về Điện Panthéon ở Paris, năm 2010. Ý định này không được hậu duệ của nhà văn đồng ý, vì e ngại « một sự thâu tóm chính trị », theo Jean Camus - con trai của nhà văn. Việc đưa một danh nhân vào Panthéon đặt ra vấn đề đồng thuận. Mà điều này lại chưa bao giờ có được.

Ngày 8 tháng 11 (Bộ trưởng Văn hóa và Truyền thông) Aurélie Filipetti đến Lourmarin, nơi chôn cất nhà văn. Trả lời phỏng vấn AFP, người có hiểu biết tinh tế về văn hào đưa ra nhận định « tôi tin rằng điều mà Camus có thể mang lại cho thế hệ trẻ, đó là những gì có thể áp dụng cho riêng mỗi người, và đồng thời mang lại một động lực mang tính tập thể ». Tuy nhiên, chính sự thúc đẩy tập thể là điều đang thiếu vắng ở đây.

*** Nguyên văn đoạn trả lời của bà Aurélie Filipetti cho câu hỏi « Phải chăng Albert Camus đang trở nên thời sự hơn bao giờ hết ? » là :

« Hoàn toàn đúng như vậy. Việc khẳng định rằng phải đối mặt với hiện thực, thay đổi nó bằng những tác động từ từ, làm việc với những gì rất gần gũi và bắt rễ trong đời sống hàng ngày của mỗi người, tất thảy điều đó là thực tiễn và tích cực, và điều đó có thể mang lại cả một khát vọng đoàn kết. Camus cũng là nhà văn của sự đoàn kết, trước hết ông là một người vì con người. Tôi tin rằng điều mà Camus có thể mang lại cho thế hệ trẻ, đó là những gì có thể áp dụng cho riêng mỗi người, và đồng thời một động lực mang tính tập thể. Tuy nhiên, ở Camus, cá nhân không biến mất đằng sau tập thể ». Phỏng vấn của AFP mang tựa đề Trăm năm Camus : "Ý nghĩa duy nhất của một thế giới phi lý, cuối cùng chính là hành động", theo Aurélie Filippeti

19 Tháng Hai 2024(Xem: 245)
20 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 490)
19 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 424)