"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA" THỨ TƯ 29 MAR 2017
Mở cửa thị trường tranh Việt Nam thế nào?
LĐ - 66 MINH THI 25/03/2017
Nhà phê bình Nguyễn Quân và nhà báo Lý Đợi giao lưu cùng họa sĩ và độc giả tại tọa đàm về tranh Việt. Ảnh: M.T
Dù manh nha hình thành, song thị trường tranh Việt vẫn lâm vào cảnh tự trói chân mình. Nhiều năm qua, tranh Việt vẫn nhạt nhòa trên thị trường tranh thế giới. Dòng tranh hiện đại quý hiếm thì đã bị chảy máu ở thị trường quốc tế, còn thị trường nội địa thì u ám và chưa có viễn cảnh sáng sủa.
Bắt đầu từ giá trị của họa sĩ
Có thể nói, trong giới họa sĩ đương đại, Lê Kinh Tài là một trong những họa sĩ tài năng và có mức bán giá tranh khá cao. Còn nhớ, năm 2009, bức tranh của họa sĩ Lê Kinh Tài được bán với giá 4,9 tỉ đồng đã thực sự gây chấn động thị trường tranh mỹ thuật trong nước. Từ đó đến nay, anh vẫn duy trì được giá trị và mức giá tranh của mình.
Theo họa sĩ Lê Kinh Tài, “những cuộc triển lãm tranh cá nhân chỉ là nơi họa sĩ trình diễn sản phẩm của mình nhưng đó không phải là con đường bước vào thị trường tranh thế giới. Nhiều năm qua, tranh Việt Nam vẫn nhạt nhòa trên thị trường quốc tế”.
Có một câu chuyện mà nhiều nhà phê bình dùng để lý giải giá cả khác nhau của từng họa sĩ nổi tiếng trên thị trường tranh Việt. Cách đây 20 năm, người ta thường nhắc đến bộ tứ họa sĩ Việt Nam sống tại Paris thời đó gồm: Họa sĩ Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ và Lê Thị Lựu. Giá tranh của 4 họa sĩ này thời đó giống nhau, có xuất phát giống nhau, kỹ thuật giống nhau. Nhưng bây giờ tranh của Lê Phổ có thể đắt hơn tranh của 3 người còn lại tới 5 lần, thậm chí 10 lần. Là vì Lê Phổ tham gia thị trường tập trung hơn, tranh của ông vẽ nhiều, có nhiều yếu tố Tây phương hơn nên họ dễ sưu tập hơn. Còn 3 người kia khi bán được tranh thì lập tức chuyển hướng, làm một cái xưởng, đem tác phẩm mình ra in để bán. Vì vậy, người ta mua tranh nguyên bản của Lê Phổ nhiều hơn. Còn 3 người còn lại chủ yếu được mua tranh in nhiều hơn. Chính vì động thái đó mà tranh của 3 họa sĩ còn lại không lên giá nhanh bằng tranh Lê Phổ.
Giữa lúc này, sự xuất hiện của các sàn đấu giá mỹ thuật và những phiên chợ nghệ thuật đầu tiên ở Việt Nam như đã tạo ra sinh khí mới cho thị trường. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ai định giá, căn cứ vào đâu để biết tranh thật, tranh giả? Vụ 17 bức tranh giả của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đưa ra triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã là một vấn nạn nhức nhối trên thị trường tranh Việt. Rồi ngay cả bức tranh của Bùi Xuân Phái bán đấu giá được 102.000USD cũng bị tố là giả, hư hư thực thực, mà chỉ người trong cuộc biết rõ.
Cần hoàn thiện hành lang pháp lý
Hội chợ nghệ thuật Domino Art vừa được tổ chức bởi RealArt tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã góp phần khuấy động thị trường tranh nghệ thuật. Bên cạnh đó, đáng nói đến là sự xuất hiện đêm đấu giá vì nghệ thuật đầu tiên tại TPHCM do Công ty Lý Thị tổ chức. Bà Lý Thị Bích Ngọc - nhà sáng lập Lythi’s Auction - chia sẻ: “Ở Việt Nam chưa có nhiều nhà đấu giá, chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Tác phẩm nghệ thuật là loại hàng hóa đặc biệt, hàng hóa tương lai. Sàn đấu giá chỉ mới khởi động những bước đi đầu tiên trong thị trường tranh mỹ thuật, hy vọng có thể tạo nên mặt bằng giá tốt cho tranh nghệ thuật”. Theo nghệ sĩ, giám tuyển Như Huy, “các sàn đấu giá công khai và các hội chợ sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường nghệ thuật”.
Nhiều năm nay, thị trường tranh Việt Nam đã quá nhiều vụ kiện tụng vi phạm bản quyền, tác quyền làm xôn xao làng mỹ thuật trong nước, song chưa có vụ nào được giải quyết rốt ráo.
Theo nhà sưu tập Phan Minh Thông, “tranh nghệ thuật ở các nước được hỗ trợ bởi đội ngũ doanh nhân và nhiều ngân hàng. Như Singapore thì Ngân hàng OCBC và UOB đã có quỹ hỗ trợ tranh, họ mua và đẩy giá tranh của Singapore và thậm chí các nước khác lên rất cao. Với họ, nghệ thuật là khoản đầu tư rất đáng giá”.
Cũng theo ông, ở Việt Nam, doanh nhân ít chơi tranh và ít khi bỏ tiền lớn mua tranh, hơn nữa tranh giả không được xử lý dứt điểm, làm mất lòng tin của người chơi tranh. Nhiều người mua tranh do niềm tin, do nhìn thấy họa sĩ, nhưng có những phiên đấu giá, những cuộc triển lãm mà khi báo chí đưa tin có tranh giả, thậm chí toàn bộ đều giả thì cũng làm cho người chơi tranh không dám mua để chơi chứ chưa nói để kinh doanh.
Theo nghệ sĩ Nguyễn Như Huy, đừng sợ những sự vụ đang phát lộ. Chính ở vào giai đoạn lộn xộn dữ dội này, thị trường nghệ thuật Việt Nam đang dần hình thành. Trên tiến trình cân bằng giữa giá trị và giá cả, rất cần xuất hiện các nhà đấu giá, cần định chế pháp luật, hoàn thiện hành lang pháp lý./