"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA" THỨ TƯ 30 NOV 2016
Raul Castro - người hồi sinh đất nước Cuba
Ngọc Việt
(GDVN) - Raul Castro đã hiểu được giá trị vá ý nghĩa của cách mạng chỉ có thể được khẳng định bằng bằng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của người dân.
Thiện chí của Cuba
Reuters ngày 8/12 đưa tin, một công dân Mỹ đào thoát chạy sang Cuba ngày Thứ Ba vừa qua đã bị buộc hồi hương. Đây là kẻ chạy trốn khỏi nước Mỹ vào Cuba đầu tiên trong năm nay kể từ khi hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao.
Shawn Wegmann, 38 tuổi, cư trú ở Indiana đã cố gắng thoát khỏi mạng lưới theo dõi điện tử từ tháng 10 và cố gắng vào Cuba trên một chiếc thuyền được cho là đánh cắp từ một bến du thuyền ở Florida.
Tuy nhiên, chính quyền Cuba đã bắt Wegmann và báo cho cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ, cho dù anh ta là một trong số những người Mỹ đã tìm cách bảo vệ Cuba, chỉ trích ứng xử của Mỹ với trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Cầu thủ Jose Abreu, một người Cuba đào thoát sang Mỹ sẽ được về thăm cố quốc, ảnh: Jim McIsaac / Getty Images. |
Trong một động thái khác có liên quan, báo The New York Times ngày 7/12 đưa tin, một chuyến du lịch thiện nguyện của Liên đoàn Bóng chày chuyên nghiệp Mỹ (Major League Baseball – MLB) và công đoàn các cầu thủ của mình sẽ đến Cuba vào tuần tới.
Đáng chú ý là trong đoàn có ngôi sao nổi tiếng Jose Abreu của câu lạc bộ Chicago White Sox, người đã đào thoát khỏi Cuba năm 2013 và một số người đã đào thoát những năm trước đó như Alexei Ramirez năm 2007, Brayan Pena rời Cuba khi còn là một thiếu niên vào năm 1999.
Đặc biệt, người thứ tư là một đảng viên đảng Cộng sản Cuba - Yasiel Puig - đào thoát vào năm 2012 cũng là một thành viên trong đoàn.
The New York Times nhận xét, đây là một thiện chí "chưa từng có tiền lệ" của Cuba từ trước đến nay. Chính phủ Cuba coi người đào thoát khỏi đất nước là những kẻ phản bội và cấm tái nhập cảnh vào Cuba trong thời hạn 8 năm.
Không những thế, lần này phái đoàn còn được tiếp đón bởi Antonio Castro, một người con trai của lãnh tụ Fidel Castro và cũng như một quan chức hàng đầu của làng bóng chày Cuba. Và các cầu thủ gốc Cuba cũng đã nhận được cam kết rằng họ sẽ được phép rời khỏi đảo khi tour diễn kết thúc.
Rõ ràng nhà nước Cuba đã đặt việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Ky là vấn đề sống còn của đất nước và sẽ làm tất cả những gì tốt nhất cho mối quan hệ này. Và họ cũng tin vào sự hợp tác của chính quyền Mỹ, tin Mỹ sẽ không lợi dụng sự kiện này và những sự kiện tương tự như vậy cho những toan tính làm phương hại đến bang giao giữa hai nước.
Lịch sử quan hệ Cuba – Hoa Kỳ đã bước sang một thời kỳ mới – thời kỳ của niềm tin và hợp tác - và lãnh đạo hai nước đã xem lợi ích của quốc gia, dân tộc là nền tảng cho mối bang giao. Vì vậy, họ sẽ không chấp nhận đánh đổi điều ấy cho bất kỳ toan tính sai lầm nào vì chỉ làm khổ cho người dân, hại cho đất nước mà thôi.
Đối đầu, thù địch chỉ mang lại rắc rối cho cả hai phía
Ngày 17/12 năm ngoái đã đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ Cuba – Hoa Kỳ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố khởi đầu của một quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Việc Cuba nối lại quan hệ ngoại giao với Mỹ sau hơn 50 năm gián đoạn được cả thế giới ủng hộ, nhân dân hai nước chào đón nồng nhiệt và Chủ tịch Cuba Raul Castro được xem như một người hùng trong lịch sử Cuba vì đã hành động vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự phồn thịnh cho đất nước và cuộc sống no đủ cho người dân Cuba.
Còn với Tổng thống Mỹ Obama thì việc bình thường hóa quan hệ với Cuba được xem là thành công nhất của chiến lược ngoại giao trong hai nhiệm kỳ Tổng thống của mình.
Tháng 8/1960, Cuba quốc hữu hóa toàn bộ tài sản của Hoa Kỳ tại quốc gia này. Động thái trên đã khiến chính phủ của Tổng thống Eisenhower quyết định đóng băng toàn bộ tài sản của Cuba trên lãnh thổ Hoa Kỳ, đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao và siết chặt cấm vận chống Cuba, theo History Today, 1981.
Trong hơn 50 năm qua, mặc dù cựu Chủ tịch Fidel Castro có thể thoát chết sau hàng chục âm mưu ám sát do các lực lượng đối nghịch thực hiện, nhưng đất nước và người dân Cuba thì không thể thoát nghèo, dù chính phủ Cuba đã cố gắng mang lại nhiều phúc lợi xã hội cho dân.
Theo The New York Times ngày 7/12, lệnh cấm vận thương mại của Mỹ trong hơn năm thập kỷ qua đã ngăn chặn hầu hết các mối quan hệ thương mại của thế giới với Cuba, làm cho đảo quốc này gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển đất nước.
Là người tham gia cuộc cách mạng ngay từ khi nó được phát động, Raul Castro đã hiểu được giá trị vá ý nghĩa của cách mạng chỉ có thể được khẳng định bằng bằng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của người dân.
Xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc, Chủ tịch Raul Castro đã gạt bỏ hận thù, khép lại quá khứ, cùng với Tổng thống Mỹ Barak Obama quyết định bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, góp công tạo nên một sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc Cuba mà ý nghĩa của nó không thua kém gì cuộc cách mạng mà Fidel Castro đã lãnh đạo thành công trong thế kỷ 20.
Trong hơn 50 năm đối địch, giữa Mỹ và Cuba đã xảy ra nhiều sự kiện mà trong đó có những sự kiện chỉ là những toan tính có ý nghĩa chính trị hết sức tầm thường nhưng hậu quả thì khôn lường cho người dân, cho đất nước.
Vì nghèo đói và bất đồng chính kiến mà nhiều người dân Cuba đã rời bỏ đất nước, vượt biển sang bên kia đại dương, đến với miền đất hứa. Hoa Kỳ đã đón nhận, tạo điều kiện cho họ có một cuộc sống an nhàn và sử dụng họ chống lại nhân dân, chống lại đất nước của chính họ.
Còn Cuba cũng đón nhận những người rời khỏi nước Mỹ vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả tội phạm hình sự, chỉ cần họ lên án chính quyền Mỹ và ca ngợi Cuba là họ được sử dụng cho mục đích tuyên truyền chống kẻ thù ở bên kia chiến tuyến.
Những sự kiện như vậy đã làm cho mâu thuẫn giữa Mỹ và Cuba ngày càng sâu sắc, lợi ích quốc gia, dân tộc cũng bị mất dần đi vì ảnh hưởng của những toan tính tầm thường ấy. Tuy nhiên, bây giờ mọi việc đã đổi thay. (GDVN10/12/15)
Ngọc Việt