"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA" THỨ HAI 28 NOV 2016
Cuba hỏa thiêu ngay nhà Cách mạng vô sản Fidel Castro
Cựu chủ tịch Cuba Fidel Castro qua đời
Cha đẻ của Cách mạng Cuba, cựu chủ tịch Fidel Castro vừa qua đời tối hôm qua, 25/11/2016, tại La Habana, hưởng thọ 90 tuổi. Chính người em của ông là Raul Castro, đương kim chủ tịch Cuba, đã thông báo tin này trên đài truyền hình quốc gia. Theo lời ông Raoul Castro, người được mệnh danh là “ Lider Maximo” đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 22 giờ 29 phút, nhưng không nói rõ nguyên nhân của cái chết.
Chủ tịch Cuba cho biết là theo nguyện vọng của "đồng chí Fidel", thi hài của người quá cố sẽ được hỏa thiêu ngay sáng hôm nay và việc tổ chức tang lễ cho người anh Fidel sẽ được thông báo chi tiết sau. Ông Raul Castro kết thúc bài phát biểu ngắn bằng khẩu hiệu mà Fidel Castro trước đây vẫn hô vào cuối mỗi bài diễn văn của ông :” Hasta la victoria, siempre” ( Luôn hướng đến ngày chiến thắng ).
Chính phủ Cuba cũng vừa thông báo để quốc tang trong 9 ngày từ hôm nay cho đến Chủ nhật 04/12. Lễ tang ông Fidel Castro sẽ được tổ chức ngày 04/12 tại Santiago de Cuba.
Sau khi Cách mạng Cuba thành công năm 1959, ông Fidel Catro đã lãnh đạo đảo quốc này với một bàn tay sắt, đương đầu với siêu cường quốc Hoa Kỳ trong hơn nữa thế kỷ, trước khi nhường quyền lại cho Raul Castro vào năm 2006 và đến năm 2011 thì từ bỏ mọi chức vụ chính thức cuối cùng, giao chức bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba cho người em.
Ông Fidel Castro đã biến mất hoàn toàn khỏi màn ảnh truyền hình Cuba trong khoảng thời gian từ tháng 02/1014 đến tháng 04/2015, gây ra nhiều lời đồn đoán về tình trạng sức khỏe của ông. Nhưng từ khoảng một năm rưỡi trở lại đây, tuy rất ít khi di chuyển, cựu lãnh tụ Cuba lại bắt đầu cho đăng những “suy nghĩ” của ông và tiếp các quan khách ngoại quốc.
Nhưng ông Fidel Castro đã khiến mọi người ngạc nhiên khi đã không tiếp thủ tướng Canada Justin Trudeau, mặc dù ông rất thân với bố của lãnh đạo chính phủ Canada là Pierre-Elliot Trudeau. Thế mà, hôm trước, cựu lãnh tụ Cuba đã tiếp chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang./( theo RFI 26-11-2016)
Ngày 15/11/2016, trong dịp đến thăm Cu Ba, ông Trần Đại Quang và vợ là bà Nguyễn Thị Hiền chụp hình kỷ niệm với Fidel Castro. Ngày 25 tháng 11,2016, Chủ tịch CuBa Raul Castro thông báo tr6en hệ thống Truyền hình Cuba, Chủ tịch Fidel Castro từ trần ở La Havana, thọ 90 tuổi. Thông báo không nói rõ lý do chi tiết ông Fidel mất. (AP Photo/Alex Castro)
++++++++++++++++++++++++++++++++++
Tóm vài thời điểm Fidel Castro hoạt động
(GDVN) - Fidel Castro trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất ở Mỹ Latinh năm 32 tuổi. Trong nhiều thập kỷ, ông là nguồn cảm hứng và hỗ trợ cho cách mạng từ Mỹ Latinh đến...
Lãnh tụ Fidel Castro sinh năm 1926 tại tỉnh Oriente, Đông Nam Cuba. Năm 1953 ông bị chính quyền độc tài Batista bỏ tù sau khi dẫn đầu một cuộc tấn công vào Pháo đài Moncada nhưng thất bại.
Năm 1956 ông cùng nhà cách mạng Che Guevara bắt đầu cuộc chiến tranh du kích chống lại chính quyền độc tài Batista. Năm 1959 Cách mạng Cuba thành công, Fidel Castro làm Thủ tướng Cuba.
Fidel Castro trong cuộc trả lời phỏng vấn AP năm 1985, ảnh: AP
Năm 1965, Fidel Castro trở thành Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, năm 1976 ông trở thành Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cuba.
Sau một cuộc phẫu thuật, Fidel Castro đã chuyển giao các chức vụ của mình cho Phó Chủ tịch thứ nhất Raul Castro ngày 31/7/2016. Ngày 19/2/2008, năm ngày trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Fidel Castro thông báo không tiếp tục tranh cử./ (theo Hồng Thủy 26/11/16)
Nguồn:
Tháng 9 năm 1973, Fidel Castro qua thăm Hà Nội sau khi Bắc Việt xua quân qua sông Thạch Hãn tổng tấn công miền Nam VN. Trong trận "Mùa hè đỏ lửa 1972", Hà nội đã "nướng" hàng trăm nghìn chiến binh ở Quảng Trị. Bên phải là TBT Lê Duẩn, Trường Chinh và Phạm Văn Đồng.
Fidel Castro, biểu tượng lớn cuối cùng của Cộng sản quốc tế
Huyền thoại của những người Cộng sản Cuba và Mỹ La tinh đã đi vào cõi vĩnh hằng. Sống 90 năm trên cõi đời trong đó 47 năm độc chiếm quyền lực lãnh đạo đất nước, đương đầu với 11 đời tổng thống của Mỹ, luôn sẵn sàng hy sinh tất cả đưa Cuba trên tuyến đầu thách thức người láng giềng hùng mạnh và cả thế giới phương Tây tư bản chủ nghĩa, Fidel Castro thực sự là một gương mặt lớn cuối cùng của chủ nghĩa Cộng sản quốc tế.
Ngay từ ngững ngày đầu tiến hành thành công cuộc Cách mạng Cuba năm 1959, Fidel Castro đã trở thành biểu tượng cho hy vọng của Thế giới thứ ba và các phong trào giải phóng dân tộc ở khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng, hình ảnh một chỉ huy trong bộ đồ lính chiến màu xanh ô liu cũng nhanh chóng chuyển thành một nhà lãnh đạo chuyên quyền, độc đoán, từ chối mọi chia sẻ quyền lực, thẳng tay trấn áp đối kháng.
Là con trai của một chủ đồn điền gốc Tây Ban Nha, Fidel Castro Ruz sinh ngày 13/08/1926 tại Biran thuộc tỉnh Oriente (phía đông). Được gia đình cho theo học ở trường dòng Tên, Fidel Castro kết thúc sự nghiệp đèn sách của mình bằng tấm bằng cử nhân luật tại Đại học La Habana.
Ngay khi xảy ra cuộc đảo chính của tướng Fulgencio Batista năm 1952, Fidel cùng với người em Raul quyết định nhảy vào vòng binh lửa để giành quyền lực, tổ chức đấu tranh vũ trang. Ngày 26/07/1953, Fidel chỉ huy một đội quân tấn công trại lính Moncada ở Santiago de Cuba, nhưng không thành. Ông bị bắt và bị kết án 15 năm tù, nhưng chỉ 2 năm sau được ân xá.
Được tự do, Fidel sang Mehico lưu vong, lập căn cứ chuẩn bị lực lượng. Tháng 12 năm 1956, Fidel Castro lãnh đạo một đội quân gồm 81 người, trong đó có nhân vật nổi tiếng người Achentina Ernesto Che Guevara, đổ bộ vào bờ biển phía nam Cuba. Lại một lần nữa thất bại, lãnh đạo Cách mạng Cuba cùng với một nhóm quân còn lại rút vào vùng đồi núi Sierra Maestra lập căn cứ kháng chiến.
Đội quân du kích của Fidel đã kiểm soát được một phần tỉnh Oriente để rồi đến tháng 8 năm 1958 phát động cuộc tổng tấn công nổi dậy mà cuối cùng đã dẫn đến lật đổ chế độc tài Batista ngày 1 tháng Giêng năm 1959.
Chỉ sau đó 7 ngày, cùng với người em Raul, Che Guevara và nhân vật khá nổi danh Camilo Cienfuegos, Fidel Castro về thủ đô La Habana giành chính quyền. Tháng 2/1959, Fidel nắm chức vụ thủ tướng. Đến năm 1961 Fidel đã tuyên bố Cách mạng Cuba đi theo con đường Chủ nghĩa Xã hội. Năm 1965, ông thành thành lập ra đảng Cộng sản Cuba mới, nắm chức vụ chủ tịch nước và bí thư thứ nhất đảng.
Thập niên 1960 đánh dấu Cuba trở thành tiền đồn của chủ nghĩa Cộng sản chống chủ nghĩa Tư bản đế quốc ở phía tây bán cầu. Fidel Castro cho Liên Xô triển khai tên lửa hạt nhân ở Cuba cách bờ đông nước Mỹ có 200 km.
Đó cũng là lý do để Mỹ áp đặt lệnh cấm vận bao vây phong tỏa mọi mặt hòn đảo tự do này cho đến tận giờ. Cuba của Fidel Castro ở những thập niên tiếp sau đó sẵn sàng đưa quân sang châu Phi, tới Mỹ La tinh hay châu Á, để hỗ trợ cho bất kỳ cuộc chiến nào của những người cộng sản chống lại chủ nghĩa tư bản.
Năm 1991, Liên Xô cùng cả khối Cộng sản Đông Âu tan rã, chiến tranh lạnh đã chấm dứt nhưng ở bên kia bán cầu, Fidel vẫn kiên định con đường chủ nghĩa xã hội. Mọi nguồn tài trợ của các nước cộng sản anh em bị cắt đứt nhưng Fidel Castro từ chối mọi sự thay đổi, tiếp tục lãnh đạo đất nước cầm cự trong đói nghèo để đương đầu với « đế quốc Mỹ », với chủ nghĩa tư bản.
Ngày 31/07/2006, tức là khi đã bước vào tuổi 80, sau một ca đại phẫu, sức khỏe suy yếu, Fidel Castro mới tạm thời nhường lại quyền hành cho người em Raul Castro, khi đó đương chức bộ trưởng Quốc phòng. Phải đợi đến 4 năm sau, quyền hành của Raul được người anh trao lại mới được chính thức hóa và cũng phải đợi đến tháng 4/ 2011, Fidel Castro mới chính thức rời bỏ chức vụ bí thư thứ nhất đảng Cộng sản Cuba.
Cho đến tận những ngày cuối cuộc đời, được chứng kiến tiến trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Fidel Castro vẫn tỏ ra dửng dưng trước sự kiện lịch sử, vẫn hoài nghi về thiện chí của tổng thống Barack Obama và có lẽ trong đó có cả nỗi lo cuộc Cách mạng Cuba của ông sẽ bị người Mỹ phá hỏng./ (theoAnh Vũ 26-11-2016)
Fidel Castro ra đi, lịch sử Cuba sang trang
Với việc cha đẻ của Cách mạng Cuba Fidel Castro qua đời hôm qua, 25/11/2016, Cuba lật qua một trang sử mới, bởi vì lần đầu tiên chủ tịch Raul Castro thật sự nắm quyền một mình. Theo lời chủ tịch Quốc hội Cuba Ricardo Alarçon nói vào cuối năm 2011, kể từ khi được chỉ định làm chủ tịch Cuba năm 2006, ông Raul Castro vẫn tham khảo ý kiến của người anh trước khi ra những quyết định quan trọng.
Tuy vậy, ông Raul Castro, năm nay 85 tuổi, từ 10 năm nay đã âm thầm thúc đẩy tiến trình xích lại gần Hoa Kỳ, được chính thức thông báo vào tháng 12 năm ngoái, cho thấy ông có một đường lối rất thực dụng, khác hẳn với tư tưởng chống Mỹ đến cùng của người anh Fidel.
Theo nhận định của ông Michael Shifter, chủ tịch trung tâm Inter-American Dialogue, nói với hãng tin AFP hôm nay, 26/11/2016, sau cái chết của Fidel, tình hình kinh tế và chính trị của Cuba sẽ được cởi mở hơn. Nó sẽ trút đi một gánh nặng cho ông Raul Castro. Kể từ nay ông không còn sợ nói trái ý người anh nữa.
Tuy nhiên ông Shiffer cảnh báo rằng cái chết của Fidel chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều xung đột, đấu đá giữa những người đang nắm quyền ở Cuba: “ Raul sẽ rộng tay hành động hơn, nhưng các đối thủ chính trị của ông cũng vậy.”
Chuyên gia về Cuba thuộc đại học Texas Arturo Lopez Levy thì không tin vào ảnh hưởng của ông Raul, người đã tuyên bố là sẽ rút lui vào năm 2018. Ông Levy dự đoán, sau cái chết của Fidel, việc mở cửa cho kinh tế thị trường và bãi bỏ những trói buộc của những quy định Cộng sản sẽ được thúc đẩy. Không còn sức hấp dẫn của Fidel nữa, tính chính đáng của Đảng Cộng sản Cuba sẽ chỉ còn dựa trên thành quả kinh tế. Tuy vậy, tác động lên nhịp độ và bản chất các cải tổ của Raul Castro sẽ rất hạn chế.
Đối với nhà đối lập ôn hòa Miriam Leyvan, cái chết của Fidel Castro có thể giúp gạt sang một bên những thành phần thủ cựu của chế độ, vốn chống lại những thay đổi. Bà Leyvan tin rằng đây là cơ hội để Cuba mở cửa xã hội hơn nữa và tiến nhanh hơn trên con đường cải tổ./(theoThanh Phương 26-11-2016)