Trung Quốc - Philippines đàm phán song phương có ảnh hưởng gì đến Việt Nam?

16 Tháng Tám 20165:20 CH(Xem: 12487)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA"  THỨ  TƯ 17  AUGUST 2016


Trung Quốc - Philippines đàm phán song phương có ảnh hưởng gì đến Việt Nam?


Ts Trần Công Trục


16/08/16


 (GDVN) - Các biện pháp "gác tranh chấp, cùng khai thác" chỉ có thể áp dụng cho "vùng chồng lấn" được tạo ra bởi các vùng biển thành lập theo UNCLOS 1982.


LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, chuyên gia hàng đầu về UNCLOS 1982 và biên giới lãnh thổ gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích.


Bài viết thể hiện góc nhìn của ông xung quanh sự kiện, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phái đặc sứ đi Hồng Kông tìm cách khơi thông đàm phán với Trung Quốc về Biển Đông. Xin trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài viết này.


Sự kiện cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos được đương kim Tổng thống Rodrigo Duterte ủy thác làm nhiệm vụ mở đường "phá băng" quan hệ Trung Quốc - Philippines trở thành tâm điểm chú ý của dư luận tuần qua.


Một số hãng truyền thông Việt ngữ ở hải ngoại quan tâm và đặt câu hỏi với cá nhân tôi rằng, liệu sự kiện Philippines chủ động tìm cách đàm phán song phương, trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông có tác động, ảnh hưởng gì đến Việt Nam hay không.


Cá nhân tôi cho rằng, đây có lẽ cũng là mối quan tâm chung của dư luận đang theo dõi sát sao những diễn biến của tình hình Biển Đông. 


image021

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh: VOV


Từ góc độ pháp lý quốc tế, cụ thể là các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), cá nhân tôi xin đưa ra một vài phân tích, ngõ hầu cung cấp thêm cho bạn đọc một góc nhìn pháp lý xung quanh sự kiện này, qua đó bạn đọc có thể tự tìm cho mình câu trả lời về "tác động, ảnh hưởng" đối với Việt Nam.


Philippines đề xuất những gì với Trung Quốc trong chuyến đi phá băng của ông Fidel Ramos?


Theo thông cáo báo chí của Philippines ngày 12/8 được phát hành sau cuộc tiếp xúc không chính thức với Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đã đưa ra 7 kiến nghị đàm phán với Trung Quốc về quan hệ song phương cũng như vấn đề Biển Đông, cụ thể:


- Khuyến khích giữ nguyên hiện trạng vùng biển.


- Tránh căng thẳng và thúc đẩy hợp tác nghề cá.


- Hợp tác chống ma túy, chống buôn lậu.


- Hợp tác chống tội phạm và phòng chống tham nhũng.


- Cải thiện hợp tác du lịch.


- Khuyến khích hợp tác thương mại và tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư.


- Khuyến khích trao đổi qua kênh phi chính thức (học giả, tổ chức nghiên cứu) về các vấn đề có liên quan mà hai bên cùng quan tâm (biên giới lãnh thổ và phân định biển). [1]


Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói với báo giới, việc còn lại là Philippines sẽ chờ đợi đến khi nào Trung Quốc sẵn sàng đàm phán. Manila sẵn sàng chờ đợi, không có áp lực nào khiến các nhà chức trách nước này phải vội. [2]


Trung Quốc và Philippines nên tập trung đàm phán phân định biển trên cơ sở UNCLOS 1982 trước tiên


Theo phản ánh của South China Morning Post ngày 12/7, đại diện phía Trung Quốc là bà Phó Oánh - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội chỉ "ghi nhận" những kiến nghị này của Philippines và sẽ báo cáo lại với Trung Nam Hải. Bắc Kinh chưa chính thức có ý kiến về việc này. [3]


Tuy nhiên ngày 16/8, Giáo sư Lý Lệnh Hoa, một nhà nghiên cứu UNCLOS 1982 nổi tiếng cương trực và thượng tôn pháp luật người Trung Quốc bình luận trên trang cá nhân, theo ông tốt nhất là 2 đoàn đàm phán Trung Quốc và Philippines khi gặp nhau thì việc đầu tiên nên bàn là đàm phán phân định biển. [4]


Theo Giáo sư Lý Lệnh Hoa, trên thực tế có rất nhiều ví dụ về việc các nước thành viên UNCLOS 1982 có bờ biển liền kề hoặc đối diện nhau, do không xác định mục tiêu đàm phán phân định biển từ đầu đã xúc tiến đàm phán "gác tranh chấp, cùng hợp tác" cuối cùng đều không đi đến đâu.


Hơn nữa lập trường về phân định biển giữa Philippines và Trung Quốc đối chọi nhau nghiêm trọng, nên chỉ có cách tháo gỡ và dần làm rõ việc phân định biển, hai bên mới có thể chung sống hòa bình và cùng hợp tác, khai thác lâu dài.


image023

Giáo sư Lý Lệnh Hoa, ảnh: Baidu / 163.com


Quan trọng hơn nữa theo Giáo sư Lý Lệnh Hoa, các biện pháp "gác tranh chấp, cùng khai thác" chỉ có thể áp dụng cho "vùng chồng lấn" được tạo ra bởi các vùng biển thành lập theo UNCLOS 1982 giữa 2 quốc gia có bờ biển liền kề hoặc đối diện nhau.


Đó là những "dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát, không phương hại đến hoạch định cuối cùng", đã được UNCLOS quy định tại:


Điều 74: "Hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau" và Điều 83: "Phân định thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển đối diện hoặc liền kề".


Giáo sư Lý Lệnh Hoa nhấn mạnh, Trung Quốc phải tuân thủ những nội dung này. [5]


Giáo sư Lý Lệnh Hoa thường xuyên, liên tục khẳng định đường 9 đoạn / 11 đoạn, còn gọi là đường chữ U hay đường lưỡi bò vô căn cứ, trái UNCLOS 1982 và do đó nó không có giá trị trong việc xác định "vùng biển chồng lấn" với các nước láng giềng ở Biển Đông.


Thiện chí, khách quan, cầu thị và thượng tôn pháp luật mới là chìa khóa giải quyết các vấn đề trên Biển Đông


Cá nhân tôi hoàn toàn đồng tình với những phân tích, chia sẻ của Giáo sư Lý Lệnh Hoa mà tôi vừa dẫn trên đây. Ông là tấm gương điển hình của các nhà nghiên cứu chân chính, không những am tường luật pháp quốc tế mà còn rất chính trực bảo vệ luật pháp, công lý và lẽ phải ở Trung Quốc.


Qua phân tích của Giáo sư Lý Lệnh Hoa có lẽ bạn đọc đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi: "Trung Quốc - Philippines đàm phán song phương về Biển Đông có ảnh hưởng gì đến Việt Nam?"


Cá nhân tôi cho rằng, những cuộc tiếp xúc và đàm phán song phương giữa Trung Quốc với Philippines là đáng hoan nghênh. Nó khẳng định tinh thần, thiện chí giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, trên cơ sở luật pháp quốc tế.


Phạm vi hợp tác nghề cá cụ thể trên Biển Đông mà Philippines đề xuất theo tôi biết, đó là khu vực đầm phá bãi cạn Scarborough, không liên quan gì đến quyền lợi hợp pháp của Việt Nam.


Tuy nhiên tôi xin lưu ý thêm một khía cạnh khác quan trọng không kém, đó là ý thức khách quan, cầu thị và thượng tôn pháp luật trong quan hệ quốc tế nói chung, hay trong việc giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông nói riêng.


Giáo sư Lý Lệnh Hoa không chỉ là tấm gương cho các học giả, các nhà nghiên cứu Trung Quốc. Ông còn là tấm gương sáng cho chính chúng ta soi lại mình, đặc biệt là khi Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII đã có phán quyết chính thức về vụ kiện áp dụng, giải thích UNCLOS 1982 trên Biển Đông.


Việt Nam chúng ta cũng đã từng chủ động đưa ra đề xuất đàm phán các giải pháp tạm thời tại vùng chồng lấn giữa các vùng biển thành lập theo UNCLOS 1982 với các nước láng giềng và đạt được những thỏa thuận hợp tác quan trọng với Malaysia, Indonesia, Thái Lan.


Ngay cả với Trung Quốc khi đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ, chúng ta cũng đã rất cầu thị, khách quan và thượng tôn pháp luật, điều chỉnh những khía cạnh chưa phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982 để cuối cùng tìm ra một giải pháp công bằng cho cả hai bên.


Nếu không có tinh thần cầu thị ấy mà vẫn tiếp tục giữ yêu sách đòi lấy đường chia đảo bằng kinh tuyến 108°3’ làm mốc phân định thì không bao giờ Trung Quốc chấp nhận.


Bởi 2/3 vịnh Bắc Bộ sẽ thuộc về Việt Nam nếu kéo thẳng đường chia đảo trong Công ước Pháp - Thanh 1887, nó trái với UNCLOS 1982 mà chúng ta đang ủng hộ.


Phân tích của Giáo sư Lý Lệnh Hoa trên tinh thần thượng tôn pháp luật còn cho chúng ta một bài học hết sức ý nghĩa và sâu sắc trong bối cảnh hiện nay, đó là mọi vấn đề tranh chấp đều phải được xác định rõ nguồn gốc, bản chất và cơ chế pháp lý để giải quyết nó, trước khi xem xét đến các bằng chứng, thông tin, sự kiện liên quan.


Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông là cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách cũng như giới nghiên cứu người Việt trong và ngoài nước đánh giá lại, hệ thống lại hồ sơ pháp lý của Việt Nam.


Qua đó tìm ra điểm mạnh, điểm yếu để có phương án đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam với đầy đủ căn cứ pháp lý thuyết phục, tránh hiện tượng tuyên truyền chung chung dẫn đến hiểu sai bản chất vấn đề hay "nhận cả" Biển Đông là của mình.


Tài liệu tham khảo:


[1]http://thediplomat.com/2016/08/is-china-philippines-bilateralism-on-the-south-china-sea-going-anywhere/


[2]http://www.rappler.com/nation/143109-philippines-wait-china-bilateral-talks-sea-dispute


[3]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2003044/china-philippines-fishing-deal-may-help-calm-troubled


[4]http://blog.163.com/lilinghua_cool/blog/static/140672489201671683228809/


[5]https://commondatastorage.googleapis.com/letscorp_archive/archives/106560


Ts Trần Công Trục

22 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 901)
24 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1351)
14 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1265)
Nov 12: Chiến sự mùa đông 2 bờ đông tây Dnipro River; Vì sao Nga ‘cố thủ’ bờ Đông