Chiến lược bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa của vua chúa Việt

09 Tháng Tám 20168:21 CH(Xem: 10305)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA"  THỨ  TƯ 10  AUGUST 2016


Chiến lược bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa của vua chúa Việt


09/08/2016


Trong nhiều thế kỷ, các vua chúa Việt đã thực hiện nhiều biện pháp sáng suốt để khẳng định và bảo vệ chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


Vua Lê Thánh Tông khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa qua bản đồ


Theo Đại Việt sử ký toàn thư, từ năm 1467, vua Lê Thánh Tông đã ra lệnh điều tra hình thế sông núi thuộc địa phương để vẽ thành bản đồ, hai lần nhà vua giao cho bộ Hộ quy định những chi tiết do các quan địa phương tiến dâng để lập thành địa đồ toàn vẹn lãnh thổ Đại Việt.


Bộ Hồng Đức Bản Đồ được hoàn thành vào cuối năm 1469, được bổ sung nhiều lần về sau, gồm bản đồ cả nước và các địa phương, trong đó có các vùng biển, đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã ghi lại khá toàn diện hình ảnh của quốc gia Đại Việt ở cuối thế kỷ XV.


Sự hiện diện của Hoàng Sa và Trường Sa trong Hồng Đức Bản Đồ cho thấy trước đó hai quần đảo này đã thuộc chủ quyền của Đại Việt và nhà Hậu Lê sau khi chiến thắng quân Minh đã hết sức quan tâm tới việc xác lập biên giới quốc gia, khẳng định chủ quyền lãnh thổ trong đó có vùng biển, đảo.


Căn cứ vào Hồng Đức Bản Đồ, Đỗ Bá tự Công Đạo đã soạn ra bộ sách Toàn Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư (1630 – 1653), ở quyển 1 có thể hiện địa mạo phủ Quảng Ngãi, phần chú thích trên bản đồ có nói tới Bãi Cát Vàng tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay.


Các chúa Nguyễn kiểm soát Hoàng Sa, Trường Sa bằng đội “Hoàng Sa” và “Bắc Hải”


Theo nhiều cứ liệu lịch sử, vào thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong (1558 – 1783), người Việt đã thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách liên tục, hòa bình thông qua hoạt động của các đội “Hoàng Sa” và “Bắc Hải”.


image095

Chiến thuyền của thủy quân triều Nguyễn (mô phỏng)


Trong Hải Ngoại Kỷ Sự (của Trung Quốc viết năm 1696) chép rằng: thời Quốc Vương trước đã có những hoạt động của đội “Hoàng Sa”. Còn Phủ Biên Tạp Lục (viết năm 1776); Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (năm 1821); Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư (năm 1686) đều đề cập đến các hoạt động của đội “Hoàng Sa”.


Đặc biệt, trong Phủ Biên Tạp Lục, nhà bác học Lê Quý Đôn đã chép rõ rằng: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng ba nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy…”. Đây là cứ liệu lịch sử quan trọng để khẳng định, đội “Hoàng Sa” và “Bắc Hải” ra đời và thực hiện chủ quyền của người Việt đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ nửa cuối thế kỷ 17.


Theo các tài liệu, sách cổ, như: Dư Địa Chí; Đại Nam Thực Lục Tiền Biên; Đại Nam Nhất Thống Chí…, nhiệm vụ của đội “Hoàng Sa”, “Bắc Hải” rất nặng nề, không thuần túy về mặt kinh tế, khai thác tài nguyên, mà còn đảm trách việc xem xét, đo đạc thủy trình và do thám, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đứng đầu đội “Hoàng Sa” là một “cai đội” cùng những thành viên được gọi là “dân binh”. Đây là những quân nhân được Nhà nước cử làm nhiệm vụ đặc biệt ở biên ải của đất nước. Do đó, các đội “Hoàng Sa”, “Bắc Hải” là hiện thân của một tổ chức nhà nước, vừa mang tính dân sự và quân sự, vừa có chức năng kinh tế – quốc phòng ở Biển Đông thời các chúa Nguyễn.


Như vậy, với sự có mặt của các đội “Hoàng Sa”, “Bắc Hải” do Nhà nước thành lập, duy trì hoạt động có thể khẳng định, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đã là lãnh thổ của Việt Nam.


Vương triều Tây Sơn củng cố chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa


Tiếp nối thời các chúa Nguyễn, dưới thời Tây Sơn, việc bảo vệ và khai thác các vùng đảo, quần đảo xa bờ vẫn được tiến hành thường xuyên.


Sau 4 năm dựng cờ khởi nghĩa (1771) kiểm soát từ Quảng Ngãi tới Bình Thuận (trên danh nghĩa vẫn thuộc triều Lê), chính quyền Tây Sơn đã khôi phục đội Hoàng Sa để khai thác nguồn tài nguyên phong phú và làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


Dưới triều Tây Sơn, đội Hoàng Sa – lực lượng bán quân sự có tính chuyên nghiệp – được ấn định số lượng 70 suất và hoàn toàn chỉ chọn lấy người xã An Vĩnh, hàng năm cứ vào tháng 2 nhận giấy sai đi, mang đủ lương ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ ra Hoàng Sa, Trường Sa thu lượm hóa vật của các con tàu đắm, tìm kiếm hải vật và ở lại đấy đến kỳ tháng 8 thì về, vào thành Phú Xuân để nộp.


Một nét mới dưới thời Tây Sơn, vua Quang Trung và Quang Toản còn chiêu nạp một số người Hoa bị nhà Thanh truy đuổi phải phiêu bạt trên Biển Đông gọi là “Tàu ô” (qua Chiếu dụ Tàu ô của vua Quang Trung) để họ cai quản, bảo vệ an ninh vùng Biển Đông cho nhà Tây Sơn nhằm theo dõi tình hình chống lại nhà Thanh, quân của Nguyễn Ánh và hải tặc. Đây là một chính sách quan trọng và có hiệu quả cao của nhà Tây Sơn.


Triều Tây Sơn còn tăng cường sức mạnh thực thi chủ quyền bằng việc đóng những chiến hạm lớn, hỏa lực mạnh với những kỹ thuật tiên tiến nhất thời đó. Trong sách Thánh Vũ ký, Ngụy Nguyên (1794-1857) mô tả: Thuyền của Tây Sơn cao, to hơn thuyền của nhà Thanh, trên đặt nhiều súng, hoành hành lâu năm trên mặt biển và nếu quân Thanh gặp thì cũng khó có thể địch được.


Đây là một bằng chứng góp phần khẳng định lực lượng thủy quân Tây Sơn trong thực tế đã kiểm soát được các tuyến giao thông trên biển và là chủ nhân của các quần đảo trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


Vua Gia Long lần đầu tiên cho xem xét và đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa


Ngay sau khi lên ngôi hoàng đế, vào năm 1803, vua Gia Long đã cho lập lại đội Hoàng Sa, một lực lượng thực thi chủ quyền đặc biệt hiệu quả đã có từ thời các chúa Nguyễn.


Dưới thời Gia Long, đội Hoàng Sa còn đảm trách thêm một nhiệm vụ đặc biệt là xem xét, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ vùng quần đảo Hoàng Sa và do thám, canh giữ ngoài biển, trình báo về bọn cướp biển…


Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 50, trang 6, năm Gia Long thứ 14 (1815) chép: “Tháng 2, sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển”.


Năm 1816, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 52, ghi rằng vua Gia Long đã bắt đầu cho thủy binh đi công tác Hoàng Sa cùng với đội dân binh ở Quảng Ngãi, để xem xét và đo đạc thủy trình. Dân phu cùng đi chính là những dân phu giỏi hải trình đi Hoàng Sa. Và nguyên nhân vua Gia Long bắt đầu cho thuỷ binh đi Hoàng Sa vì có các sĩ quan người Phương Tây trong thời chiến tranh với Tây Sơn rất quan tâm đến vấn đề quản lý biển Đông.


Những người Pháp cộng tác với vua Gia Long, gồm: Jean Baptiste Chaigneau, Giám mục Taberd đã viết rất rõ trong các tư liệu cổ phương Tây, khẳng định hoàng đế Gia Long đã chính thức xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.


Có thể nói, chính hoạt động lần đầu tiên xem xét và đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa của thủy quân dưới triều Gia Long là dấu mốc rất quan trọng về việc tái xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này.


Vua Minh Mạng lập khu Vạn lý Hoàng Sa, tăng cường sức mạnh hải quân


Đến thời Minh Mạng trị vì, nước ta trở thành một quốc gia cường thịnh, các nước lân bang đều nể phục, các nước phương Tây xa xôi cũng nhiều lần đến xin thông hiếu. Với sức mạnh và vị thế đó, Minh Mạng đã cho lực lượng thủy quân của mình tiếp tục quản lý, khẳng định chủ quyền một cách rõ ràng trên các hải đảo, nhất là tại các khu Vạn lý Hoàng Sa (tên gọi chung và phổ biến trước đây về 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).


Dưới thời vua Minh Mạng, việc cải tiến kỹ thuật đóng thuyền cho cư dân đi biển đã được tiến hành sâu rộng. Không chỉ chú trọng gia tăng số lượng, mà nhà vua còn cho tăng chủng loại tàu thuyền. Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, năm Mậu Tý (1828) vua định ngạch các hạng thuyền (ấn định số lượng các loại thuyền cần đóng) ở các địa phương.


Quy chế thủy quân cũng được Minh Mạng cải tiến, ông định kích thước và kiểu dáng cho từng hạng thuyền, thống nhất trong phạm vi cả nước để các xưởng thuyền theo các quy thức đó mà đóng cho chuẩn. Đặc biệt, vua Minh Mạng đã cho đóng thuyền bọc đồng và tàu hơi nước theo mẫu của người Pháp.


Sự quan tâm đặc biệt của Minh Mạng với ngành đóng thuyền không chỉ phục vục mục đích kinh tế, giao thương, phát triển công nghệ mà còn nhằm xây dựng lực lượng thủy quân hùng hậu, có sức mạnh và khả năng lớn trong việc xác lập, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thậm chí vào năm 1839 ông còn ra lệnh tham khảo các tài liệu phương Tây để soạn sách dạy thủy chiến, bản đồ thủy chiến sau đó cho quân lính thao diễn, luyện tập.


Tiếp nối các hoạt động thực thi chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa từ thời Gia Long, dưới thời vua Minh Mạng việc các tàu thuyền đi tuần tiễu, khảo sát đo đạc tại Vạn lý Hoàng Sa theo lệ sẽ được tiến hành vào mùa Xuân. Theo các tư liệu khác nhau thì hoạt động này được thực hiện trong vòng 6 tháng, dù có năm do mưa gió, bão lớn nên việc khởi hành phải lùi lại nhưng nhiệm vụ của các tàu thuyền vẫn không thay đổi.


Đặc biệt, bên cạnh việc khai thác, tuần phòng trên biển, vua Minh Mạng còn cho tiến hành xây dựng nơi thờ tự (chùa, miếu), trồng cây, dựng cột, bia chủ quyền tại một số đảo vào các năm Qúy Tị (1833), Ất Mùi (1835), Bính Thân (1836)…


Ngoài hoạt động bảo vệ chủ quyền, khai thác tài nguyên biển, vua Minh Mạng còn lệnh cho thủy quân làm nhiệm vụ cứu hộ, giúp đỡ các tàu thuyền không cứ của nước nào gặp nạn trên vùng biển nước ta. Như vào năm Bính Thân (1836) đã cứu giúp một thuyền buôn của nước Anh gặp bão tại Hoàng Sa, cứu thoát hơn 90 người đưa vào bờ biển Bình Định cấp lương thực, nước uống, thuốc men cho họ rồi cho về nước…


Những điều đó cho thấy vua Minh Mạng không chỉ kế thừa mà còn phát triển chiến lược biển đảo của các triều đại trước lên một tầm cao mới, khẳng định sức mạnh quốc gia trên biển Đông, tăng cường hơn nữa vị trí và chủ quyền tại các hải đảo nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng. Nó cho thấy những vùng lãnh thổ thiêng liêng trên biển Đông đó muôn đời là của nước Việt.


(Theo Kiến Thức)

20 Tháng Giêng 2023(Xem: 1516)
10 Tháng Giêng 2023(Xem: 1439)