30/4/1975: Di sản Đại tướng Big Minh

28 Tháng Tư 20161:12 SA(Xem: 19181)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  SÁU & BẨY  29 - 30  APRIL 2016

30/4/1975: Di sản Đại tướng Big Minh

image004
N
ói đến di sản của Đại tướng Dương Văn Minh không thể không nhắc đến tình hình VNCH thời gian trước đó không lâu, khi ông quyết định nhận lời bàn giao chức vụ Tổng thống từ ông Trần Văn Hương làm tổng thống đúng một tuần.

Hiệp định Paris ký ngày 23 tháng Giêng năm 1973, hầu như chiến trường Việt Nam coi như đứt gánh nghiêng về phía Bắc Việt. Hoa kỳ triệt thoái từng đợt số lượng lớn quân lực về nước.

Ngày 27 tháng Giêng năm 1974, một lệnh lạc vớ vẩn từ Saigon gởi đến Bộ tư lệnh Vùng 1 Hải quân ra lệnh rút các chiến hạm về Đà Nẵng bỏ Hoàng Sa trong lúc trận hải chiến bất phân thắng bại. Lệnh này từ đâu? chưa ai trả lời được. Ai ra lệnh rút bỏ Hoàng Sa? Chưa bạch hóa hồ sơ.

Ngày 10 tháng Ba 1975, mặt trận Ban Mê Thuột thất thủ rơi vào tay quân Bắc Việt. Cuộc di tản chiến thuật khổng lồ vỡ ra như bầy ong vở tổ. Ai ra lệnh rút bỏ Ban Mê Thuột và cao nguyên?  kéo đến sự sụp đổ nhanh chóng của VNCH.

4 giờ 30 sáng ngày thứ Hai 21 tháng Tư năm 1975, phát đạn hỏa tiễn 122 ly đầu tiên bắn vào Saigon.

Đúng 19 giờ 30 ngày 21 tháng 4 năm 1975, tại phòng khánh tiết Dinh Độc Lập, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên đài Truyền hình số 9 và trực tiếp trên đài truyển thanh tuyên bố từ chức sau hơn 2 tiếng chửi bới Mỹ.

Lúc 17 giờ chiều ngày 28 tháng 4 năm 1975.  Tổng thống Trần Văn Hương với sự chuẩn chấp của Quốc Hội lưỡng viện, sẽ trao quyền thổng thống Việt Nam Cộng Hòa cho đại tướng Dương Văn Minh.  Ông Trần Văn Hương nhậm chức tổng thống từ ngày 21 đến ngày 28 tháng Tư năm 1975 được đúng bẩy ngày.

image005image007

Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa biểu quyết yêu cầu Tổng thống Trần Văn Hương nhượng quyền lại cho tướng Dương Văn Minh. Hình: AP Photo/Errington.

 

Từ 5 giờ chiều ngày 28 tháng Tư đến 12 giờ trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975, Đại tướng Dương Văn Minh làm tổng thống được 43 tiếng đồng hồ. Một thời gian bi thảm nhất trong cuộc đời làm tướng, làm chính trị của ông.

Phát đạn hỏa tiễn 122 ly đầu tiên bắn vào Sàigon

image008

Sài Gòn vào lúc 4 giờ 30 sáng ngày 21 tháng Tư, 1975, trái đạn hỏa tiễn đầu tiên bắn vào khu dân cư trung tâm Sàigon phá hủy cả trăm căn nhà khiến 14 người chết hơn 40 người bị thương. Trái đạn hỏa tiễn này làm rung rinh cả Dinh Độc Lập. Bình luận về trái hỏa tiễn này, giới chính trị gia cho rằng đó là trái pháo lệnh gởi thông điệp trực tiếp đến Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu mau mau trao quyền hành lại cho người khác. Hình của Jacques Pavlovsky / Sygma / Corbis.

Lời tuyên bố từ chức của TT Nguyễn Văn Thiệu

image010

Sau phát đạn hỏa tiễn 122 ly bắn vào Saigon lúc 4 giờ 30 sáng 21/4/75, buổi sáng hôm đó tại Quốc hội, TT Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ nhiệm trước Quốc hội và trao lại quyền hành cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương.

Đúng 19 giờ 30 ngày 21/4/1975, ông Thiệu xuất hiện trên đài truyền hình, truyền thanh tuyên bố từ chức trong cuộc nói chuyện dài gần 2 tiếng. Giới chính trị gia bình luận rằng phát đạn 122 ly đã nhắc khéo ông Thiệu.

Cũng trong buổi sáng ngày 21 tháng Tư 1975, nguyên Phó tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ họp dân ở Tân sa châu Gò Vấp tuyên bố "tử thủ Sàigon cho đến giọt máu cuối cùng".

image012

Trưa ngày 29 tháng tư, 1975, Tướng Kỳ "di tản chiến thuật" bằng chiếc trực thăng của ông ra hạm đội Bẩy ngoài khơi Biển Đông.

12 giờ trưa ngày 30 tháng Tư 1975, xe tăng T 54 số 390 húc sập cổng sắt trước Dinh Độc Lập, một bộ đội tăng chạy lên nóc Dinh cắm cờ MTGPMN trong lúc Đ/t Big Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ngồi chờ "bàn giao chính quyền cho quân cách mạng".

"NHẬT BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ TƯ 29 APRIL 2015

Dinh Độc Lập linh thiêng?: Chiếc xe tăng T54 đầu tiên khi húc vào cổng chính bị hất sang một bên!

* Xe tăng T-54 đầu tiên mang số hiệu nào (số 843, 846  hay số 390) húc đổ cánh cổng chính của Dinh Độc Lập?

*Phóng viên nào chụp bức ảnh chiếc xe tăng đầu tiên?

Trích từ các nguồn tư liệu vài hình ảnh dưới đây:

* Xe tăng T54 (843) khi húc sập cổng chính Dinh Độc Lập đã bị hất đầu sang một bên chân cổng chính, chết máy. Đại đội trưởng Đại đội 4 Bùi Quang Thận, chỉ huy xe tăng 843, nhảy ra khỏi xe và chạy vội về tiền đường Dinh tìm lối cắm cờ trên nóc.

* Ít phút sau đó xe tăng khác (có lẽ là 390) mới tiến đến cổng Dinh, húc đổ cánh cổng phụ tiến vào sân. Tiếp theo các xe tăng khác và bộ binh đồng thời tiến vào.

* Báo trong nước viết xe tăng số 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975? Dư luận nghi ngờ chiếc tăng này được quay ra đường rồi chạy vào cổng chính đã sập để chụp ảnh!
image013
Báo trong nước viết chiếc tăng T54 mang số hiệu 390 là chiếc tăng đầu tiên húc sập cánh cổng chính? (cổng phụ bên trái vẫn còn nguyên).


image014image015

Ảnh giữa: Chiếc tăng T54 mang số hiệu 843 đã húc sập đổ cánh cổng chính, nhưng lại bị chết máy và đầu xe bị hất sang một bên chân cổng chính. Sau đó tài xế cho xe nổ máy lại, lùi lại một chút cho ngay rồi tiến vào Dinh. Bụi đất và khói xe tăng mù mịt.  Ảnh tư liệu.

Theo lời kể: Xe tăng T-54 843 bị chết máy lúc vừa húc đổ cánh cổng chính, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã giật lá cờ MTDTGPMN cắm trên xe tăng chạy vào tiền đình Dinh Độc Lập hỏi thăm lối lên nóc dinh để cắm cờ; sau đó, chiếc tăng này nổ máy lại thì vừa lúc đó chiếc tăng không rõ số hiệu cũng đến cổng Dinh Độc Lập húc đổ cánh cửa phụ bên phải (nhìn từ trong Dinh ra ngoài).

image016
Xe tăng T54 số 390 và các xe tăng khác tràn ngập trong Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.

 

image018

Người ngồi bên trái nói chuyện tươi cười với Đ/t Minh dường như là Tướng Trần Văn Trà.

image019

Đại tướng Dương Văn Minh được dắt tới đài phát thanh Saigon tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

image021
Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu trên đường đến Đài Phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng trưa ngày 30/4/1975.

 image023

Tướng Dương Văn Minh chuẩn bị tuyên bố đầu hàng tại đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975. Nhà báo B.Gallasch (ngồi bên trái) giúp quân giải phóng ghi âm lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh (ngồi bên phải) tại Đài Phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975. (Ảnh của Kỳ Sơn - hãng AP)

image025

Lời tuyên bố đầu hàng của ông Dương Văn Minh và lời chấp nhận đầu hàng của đại điện QĐNDVN.

+++++++++++++++++++++++++++++++++

Giao Chỉ: Vòng hoa cho niên trưởng Big Minh

(trích)

Nhờ ông Minh người Mỹ có thể ra đi trong trật tự và kéo theo 130,000 dân di tản đợt đầu.

Và từ đó lịch sử mở tiếp các trang mới đầy đau thương cho đến gần 40 năm sau. Trải qua 20 năm dài với thuyền nhân trên bể khổ để rồi gần 1 triệu dân được định cư. Trải qua những năm dài với tù đày lao cải, trên 400 ngàn HO và gia đình đã định cư. Các đợt thuyền nhân và HO kéo theo đoàn tụ ODP, con lai để rồi chúng ta có 1 triệu 700 ngàn trên miền đất hứa Hiệp Chủng Quốc. Ta vui mừng trở thành công dân của chính quốc gia đã phản bội chúng ta trong chiến tranh Việt Nam.

Nếu chúng ta bằng lòng với cuộc sống hiện nay, chúng ta không thể nguyền rủa ông Dương Văn Minh. Nếu chúng ta bất mãn với cuộc sống hiện nay, chúng ta cũng phải trút oán hờn vào nơi khác. Niên trưởng Dương Văn Minh với công việc làm tổng thống miền Nam trong hai ngày cuối cùng chỉ là ông tướng trên bàn cờ thảm bại đóng vai tốt đen, làm con chốt thí. Dứt khoát là ông đã cứu Sài Gòn với hàng chục ngàn cái chết hoàn toàn vô ích trong những ngày cuối cùng của miền Nam Việt Nam. Trong niềm cảm thông sâu xa với vai trò bẽ bàng đau khổ của niên trưởng Dương Văn Minh tôi xin viết bài này gửi ông một vòng hoa tưởng niệm. Bài viết khi ông chết năm 2001, phổ biến năm 2005 và được bổ túc lại vào dịp 38 năm của ngày 30 tháng 4 oan trái.

Trong số các niên trưởng quân đội, tôi nghĩ rằng tướng Dương Văn Minh là người đã gặp nhiều oan trái nhất. Có thể do lỗi của chính ông. Tuy nhiên, thực ra nguyên nhân đã đến từ nhiều phía. Trong một niềm riêng, tôi viết bài này cho Đại tướng, một cấp bậc mà ông không chấp nhận, ông cũng không bao giờ đeo lon đại tướng từ lúc được thăng cấp cho đến khi ông qua đời. Đây không phải là một vòng hoa rực rỡ cho người anh hùng mà là một vòng hoa tang lạnh lẽo cho vị niên trưởng đã ra đi lần cuối tháng 8-2001.

Bao năm qua, ông Dương Văn Minh là người bị phê bình và oán trách khá nhiều, nhưng ông lại là người ít lên tiếng để biện minh. Trong chỗ riêng tư và qua người con rể là đại tá Nguyễn Hồng Đài, ông đã nói như sau: "Viết để bào chữa cho mình thì tôi không làm, viết để kể xấu người khác thì tôi càng không muốn."? Ông đã nhận chức tổng thống VNCH trong hai ngày cuối cùng, cô đơn giữa một nội các khập khiễng và hoàn toàn không nắm vững tình thế. Các giới chức hải quân VNCH trước khi lên đường có ngỏ ý sẵn sàng chở tướng Minh đi vào đêm 29 tháng 4-1975.

+++++++++++++++++++++++++++++++++

XEM THÊM:

Di sản Đ/t Big Minh

30 tháng tư, 41 năm sau, xin được phủ cờ        

Giao Chỉ, San Jose.                        

Mộng ước sau cùng

 Đầu tháng tư năm nay 2016, cháu Oanh từ Úc Châu gọi cho chúng tôi. Thưa bác, bố con đã yếu lắm rồi. Vẫn còn ở Sacramento, thủ đô California. Không biết sẽ đi lúc nào. Con thì ở nơi xa xôi. Chuẩn bị sẵn sàng, có tin là con bay về. Gia đình bên bên CA cũng đã chuẩn bị. Bố còn ở bên đó không giao thiệp nhiều, nên cũng không quen biết ai. Con muốn khi bố con ra đi sẽ được hưởng chút nghi lễ của quân đội. Tôi hỏi lại rằng con muốn nghi lễ ra sao. Cháu Oanh trả lời rằng bố con là quân nhân nhảy dù, sau qua cảnh sát. Xin mời các chiến hữu tham dự tang lễ. Xin được phủ cờ. Vậy cháu gửi cho bác tất cả các giấy tờ liên quan đến tiểu sử của ba, bác sẽ thu xếp giới thiệu với các quân nhân và cộng đồng tại địa phương. Giữa tháng tư, cháu bay từ Úc qua Hoa Kỳ, sau khi thăm ông già ở Sacto, trên đường về quận Cam đã ghé San Jose để gặp chúng tôi xin lễ phủ cờ cho người cha thân yêu. Đọc hết hồ sơ quân vụ, những giấy ra trại, ra tù. Những lá thư từ trại tù gửi về cho vợ con. Chúng tôi hết sức sao xuyến bồi hồi, xin kể lại câu chuyện cho các chiến hữu và xin vui lòng giúp cho cháu Oanh một cái lễ phủ cờ.  

Thu ngắn chuyện dài.    

 Các bạn chắc vẫn không biết rõ cháu Oanh là ai, bố cô tên tuổi ra sao mà khi sắp ra đi gia đình lại muốn xin làm lễ nghi quân cách dù quân đội đã rã ngũ tan hàng trên 40 năm. Chuyện dài xin kể ngắn lại như sau. Bằng hữu hẳn còn nhớ, mấy năm trước cô tác giả Carina Hoàng Oanh chủ biên cuốn sách Anh ngữ Boat People. Tôi được dịp xem qua và giới thiệu tác phẩm vì quả thực tuyển tập rất có giá trị và trình bày ấn loát tuyệt vời. Cuốn sách này mới lại được in bản Việt Ngữ đã phát hành. Tôi phải thú nhận là chính mình nhân danh Viet Museum về thuyền nhân mà không có được tác phẩm như thế, thực là xấu hổ. Bài giới thiệu và cuốn sách phố biến đã bị công kích và lên án tác giả Carina vì đã từng về Việt Nam làm ăn với Việt Cộng. Khốn nạn hơn nữa là thiên hạ lên án Carina là con ác điểu Kên Kên chuyên đi tìm ăn thịt xác chết Thuyền Nhân. Chúng tôi đơn thuần chỉ đọc và giới thiệu tác phẩm. Quả thực không biết về đời tư tác giả. Bèn yêu cầu cháu Carina Hoàng Oanh cho gặp thân phụ là trung tá Hoàng Tích Hữu Ái. Tôi muốn biết rõ mọi chuyện. Và chúng tôi đã gặp nhau trong một buổi chiều mấy năm về trước. Ông Hữu Ái mang dòng họ Hoàng Tích đã kể lể về chuyện lính chuyện tù. Tôi bị quyến rũ về cách ông tâm sự cũng như phê phán cuộc đời. Gần như cà buổi, ông nói một mình. Xin trích lại để các bạn cùng thưởng thức.

Một thời oanh liệt                                                                   

Từ Sacramento, Carina Hoàng Oanh đem được thân phụ cô là Phượng Hoàng 74 tuổi tên là Hoàng Tích Hữu Ái xuống núi. Ngày xưa sinh viên sĩ quan họ Hoàng thuộc khóa 5 trừ bị Vì Dân, học tại Đà Lạt. Cùng khóa với đại tá Nguyễn Mạnh Tường. Anh thanh niên Hà Nội dòng họ Hoàng Tích mang cấp bậc trung tá QLVNCH vào những năm 70 làm cảnh sát trưởng Hậu Nghĩa, Bình Long, rồi cuối cùng là Tây Ninh. Các bạn chắc có nghe đến chiến dịch Phượng Hoàng đã được coi là kẻ thù số một của cộng sản. Trưởng ty cảnh sát Tây Ninh lại là nơi trực diện cùng địa bàn hoạt động với cục R. Đây là lần đầu tiên tôi gặp trung tá Hoàng. Ông người cao lớn và xem ra tính tình cũng cao ngạo. Trải qua 14 năm tù, nhưng lưng vẫn thẳng. Dù chống gậy đi chậm chạp nhưng tiếng nói mạnh mẽ. Tóc bạc trắng, mặt rất có hồn với đôi mắt tinh anh. Tôi tưởng rằng ông có thể vào vai Thành Cát Tư Hãn trong kịch của Vũ khắc Khoan. Chúng tôi ngồi nói chuyện binh đoàn, chuyện núi Bà Đen, chuyện bị cộng sản bắt, chuyện tù đày và sau cùng là chuyện con "kên kên."

Ông kể rằng vào những ngày cuối, cảnh sát Tây Ninh tan hàng. Trung tá quân đội trở về với lính trung đoàn tại địa phương. Tiếp tục chiến đấu. Tìm đường chạy qua Cam bốt nhưng không thoát, khi bị bắt vẫn còn vũ khí. Ông bị giam riêng ở cục R. Chuyện chấp pháp hỏi cung ông vẫn còn nhớ như mới xảy ra hôm qua.

Cán bộ chỉ xuống bàn chân tật nguyền của chính anh ta mà hỏi rằng:

- Chân này ai bắn anh có biết không ?

Trung tá cảnh sát đáp rằng:

- Tôi bắn chứ ai.

- Ngon, muốn làm anh hùng phải không ?

- Không, đó chỉ là bổn phận thôi.

- Anh đi lính Sài Gòn bao lâu ?

- Lâu lắm, 20 năm.

- Đánh bao nhiêu trận, càn bao nhiêu lần ?

- Nhiều lắm không nhớ hết.

- Được bao nhiêu huy chương?

- Nhiều lắm không nhớ hết. Chiến thương năm sáu lần, anh dũng mười mấy cái.

- Anh giết bao nhiêu chiến sĩ cách mạng?

- Nhiều lắm, không nhớ hết, thanh toán toàn cán bộ.

Phượng Hoàng độc thoại

Rồi chuyện gì đã xảy ra? Còn chuyện gì nữa. Chúng nó đập cho tơi tả. Thương tích đầy người. Một bên tai điếc hoàn toàn. Một bên chỉ còn nghe được 20%. Đầu óc cũng thương tích.  Rồi đem ra bắn.

Phượng Hoàng bắt đầu độc thoại. Ông nói một mình. Cháu Oanh ngồi nghe nhưng có vẻ lo lắng sợ ông bố kể chuyện lang bang. Ông tiếp tục nói: Hôm tôi bị đem ra bắn nhưng không phải một mình. Chừng năm sáu anh em. Chẳng biết bao nhiêu. Bịt mắt từ trong tù. Đầu óc tôi chưa tỉnh. Có đọc bản án từng người. Rất dài. Bắn được hai người. Chưa đến người thứ ba thì chợt có lệnh ngưng. Tôi là trung tá ác ôn nhất nên sẽ bắn sau cùng. Vì thế nên chưa đến lượt. Ông nói sao? Nó bắn mình có nghe tiếng súng chứ. Tiếng đạn tác chiến khác. Đạn này bắn rất gần xuyên ngay vào thịt. Vẫn bịt mắt, chúng dẫn về trại tù. Giam giữ thêm hai năm tại R. Bị đánh đập thẩm vấn nhiều lần rồi mới đưa ra Bắc.

Ông muốn biết gia phả họ Hoàng? Ông biết cánh Hoàng Cơ Minh, Hoàng Cơ Lân không? Hoàng Cơ là chi trên, Hoàng Tích là chi dưới. Tôi ở chi dưới nhưng lại là hàng trên. Tôi gọi Hoàng Cơ Bình là chú. Chú Bình là thân phụ các anh chị em bên Hoàng Cơ... Cánh nhà tôi quen biết với Lý Bá Sơ khá nhiều. Ông tôi, bác tôi đều bị cộng sản cắt cổ.

Ông hỏi chuyện ở tù ngoài Bắc ra sao? Tôi không kêu than đói rét. Cả nước đều đói rét cả, có gì mà than. Tôi buồn vì không có tổ quốc. Không còn Saigon. Mc.Cain bị tù, nhưng còn cả nước Mỹ. Ra tù vẫn còn nguyên tổ quốc. Tù miền Nam ra tù không còn tổ quốc.

Muốn nói chuyện thơ văn, cho ông biết tôi cũng làm thơ tù. Ca ngợi chế độ đấy nhé. Chúng nó...Đỉnh cao trí tuệ uyên thâm. Khi vươn cao thì vừa bàn tay với, khi thâm sâu thì ngang mắt cá chân. Khi anh em chôn tù chết, những năm đầu còn gỗ tạp đóng quan tài nhỏ bé. Cũng làm thơ tiễn biệt anh em. Gặp thằng cao thì xác chết co chân. Đứa to ngang cho nó nằm nghiêng. Một thằng tù chết, mất bốn thằng khiêng. Chết tù không tiếc, tiếc bốn ngày công.

Ông biết không, Tạ Tỵ nằm cùng buồng nói rằng: Thằng Phượng Hoàng gẫy cánh, mày đừng làm thơ nữa. Thơ mày làm như nứa cứa vào da, tao chịu không nổi.

Đó thơ văn như vậy. Nghe được không ?

Ông hỏi trong tù có kỷ niệm nào đặc biệt, có đấy chứ. Một lần cán bộ gọi lên nói chuyện. Địa phương báo cáo con gái Hoàng Oanh của mày ở thành phố cực kỳ phản động ngoan cố. Trả lời rằng nó còn bé làm gì mà phản động. Được nói rằng con gái bị cô giáo báo cáo phản động. Xin cán bộ cho nó vào tù để tôi dạy dỗ nó. Cán bộ lắc đầu bảo rằng nó vượt biên rồi.

Đó là ngày vui nhất của tôi.

Đến khi ra tù sau 13 hay 14 năm gì đó, tôi cũng tìm đường ra đi. Lại bị bắt thêm vài năm tù trong Nam. Rồi bây giờ ngồi ở đây. Tổ quốc ở đâu.

image027image029

                Hình ảnh  trước và sau của trung tá Hoàng Tích Hữu Ái             

Ông muốn hỏi thêm chuyện gì nữa. Ông có biết chúng xử bắn bằng súng gì không. Tôi bị bịt mắt, làm sao biết được nhưng bắn gần lắm. Phát súng đầu tiên cũng là phát súng ân huệ cuối cùng. Nó bắn bằng súng lục.Tôi không bị bắn nhưng sao bây giờ dường như vẫn có viên đạn trong đầu.Bây giờ muốn nói chuyện con Oanh Oanh, nói chuyện Thuyền nhân hay sao. Con gái tôi mới hơn 10 tuổi, cha đã đi tù. Ở nhà anh em nó vượt biên. Chuyện tù đày là chuyện của tôi. Chúng nó không cứu được tôi. Chuyện vượt biên là chuyện của các con. Tôi không cứu được chúng nó. Con tôi tôi biết, nếu nó là cộng sản tôi sẽ xử nó. Không khiến đến anh em. Nếu nó không phải là cộng sản, anh em tính sao với tôi đây. Tôi là thằng tù bị bắn không chết. Một thằng tù chết, bốn thằng tù khiêng. Tù chết không tiếc, tiếc bốn ngày công. Tôi là chiến binh tôi thương chiến binh. Tôi là thằng tù. Tôi thương thằng tù. Con tôi nó là thuyền nhân nó thương thuyền nhân. Nó là người đầu tiên về lại biển Đông tìm mộ thuyền nhân. Nó không phải là con kên kên tìm về ăn thịt xác chết. Nó là con tôi, tôi phải biết. Nó chỉ đi tìm ngôi mộ của thằng anh nó chôn ở hoang đảo Mã Lai. Đó là mộ thằng con trai tôi. Trong 40 câu chuyện thuyền nhân, chỉ có một chuyện mà nó không kể ra. Đó là chuyện đi tìm mộ thằng anh của nó. Con tôi, tôi biết, nó giỏi lắm ông ạ. Cha mẹ sinh ra nhưng không nuôi dưỡng các con. Nó thân lập thân, một mình xoay trở để thành người. Nó không phải là kên kên. Nó là cộng sản tôi sẽ xử nó. Không đến lượt các ông. Cha nó ở tù, không nuôi con được một ngày cơm. Nhưng nó chịu khó học hành. Đậu đủ các bằng cấp. Làm cho hãng Mỹ. Làm cho hãng Úc. Làm cho lãnh sự Mỹ. Chế ra túi cấp cứu để bán cho dân Sài Gòn. Nó cộng sản ở chỗ nào. Sao lại bảo nó là kên kên. Rồi hô hào đi bắn kên kên. Ông biết chúng nó bắn tôi bằng súng gì không. Súng lục đấy. Nó tha tôi mà sao vẫn còn viên đạn trong đầu. Chẳng còn tỉnh táo đâu. Trong lúc ở tù tôi nghĩ đã có lúc nằm trong quan tài. Chúng nó khiêng tôi, bốn người không nổi. Tôi phải co chân nằm nghiêng. Cần phải sáu người. Tù chết không tiếc, tiếc sáu ngày công. Đó là cộng sản.

Ông có muốn xem tờ giấy ra trại của tôi không. Tên trung tá Ngụy cực kỳ phản động, cực kỳ ác ôn. Không thể cải tạo được.

Cộng sản độc tài gọi cha là Phượng Hoàng nợ máu nhân dân, cộng hòa tự do gọi con là Kên Kên ăn thịt thuyền nhân. Tôi thật tiếc cho các ông.

Trung tá Hoàng Tích Hữu Ái đứng lên từ biệt. Tay cầm gậy, mũ đội trên đầu, lưng thẳng. Ông nói thêm: Thưa niên trưởng, chuyện thuyền nhân để cháu nó lo được rồi. Mình là lính bại trận, bây giờ mấy thằng trốn lính nó nói sao cũng có người tin. Chiến hữu rơi rụng cả rồi. Chiều nay tôi lại đi thêm một đám nữa. Chào Colonel để cháu đưa tôi về.

Xem lại hồ sơ.

image031

Tướng Nguyễn Khánh gắn huy chương cho đại úy mũ đỏ Hữu Ái.

Ông trung tá nhảy dù với chức vụ trưởng ty cánh sát Tây Ninh bắt tay từ giã tôi để về lại Sacramento. Đã mấy năm qua không có dịp liên lạc. Vâng chính cái anh chàng cùng học trường Võ bị Liên Quan Đà Lạt 1954 khóa 5 Phụ. Khóa Tư Phụ chúng tôi ra trường thì đến lượt Hoàng Tích Hữu Ái trình diện. Khi từ giã tại San Jose anh hứa gửi cho Viện Bảo tàng những giấy tờ hết sức lạ lùng. Nhưng đến nay tôi mới có dịp đọc được hồ sơ đầy thành tích được cộng sản tuyên dương qua giấy tịch thu tài sản vì can tội không chịu đầu hàng. Nguyên văn trong giấy tờ của cộng sản ghi rằng tên Ái ngoan cố không chịu đầu hàng. Không chịu trình diện chính quyền địa phương, đã bị bắt tại Gò Dầu. Không giao nộp vũ khí như các sĩ quan khác. Giấy Ra Trại cấp năm 1988 sau 13 năm tù tập trung. Vừa được thả là tìm đường xuống miền Tây vượt biên nên bị bắt . Trên giấy Thả tù về tội Xuất cảnh trái phép. Sự thực chính là tù vượt biên. Trong hồ sơ của Hoàng Tích Hữu Ái có những bức thư từ trại tù Hà Nam Ninh gửi cho Mẹ, gửi cho vợ và thư gửi cho các con. Những lá thư mỗi năm một lá của người tù Hoàng Tích Hữu Ái đội 7 khu C Trại Z 30 từ Hàm Tân Thuận Hải gửi đi từ 1 tháng 6 năm 1983. Đến ngày 1 tháng 5- 1984 mới có thêm một lá. Người tù từ miền núi rừng Bắc Việt viết về chuyện thương nhớ vợ con.

Ngày nay chính ông Phượng Hoàng của núi Bà đen đó đang nằm chờ những ngày cuối cùng. Cháu Carana Hoàng Oanh biết rõ bố cháu hiện đã không còn tỉnh táo về tinh thần mà thân xác cũng đã chẳng còn hồi phục được. Người anh hùng Mũ đỏ một thời ngang dọc hiện hết sức cô đơn.Con gái của ông biết rõ người cha luôn luôn sống trong tình chiến hữu. Cháu mong rằng vào ngày tang lễ sắp tới sẽ có các bạn tù, các bạn nhảy dù, các bạn võ bị, các bạn cảnh sát đến với bố cháu. 

Đúng như vậy, đây là một bài báo hay là một lá thư thỉnh nguyện. Các chiến hữu của chúng tôi tại Sacramento, xin vui lòng chờ một tin buồn . Hãy đến với anh bạn Hoàng Tích Hữu Ái chúng tôi một lần. Anh đã không cô đơn trong 20 năm quân ngũ. Đã không cô đơn trong 13 năm ngục tù tập trung lao cải, Hoàng Tích Hữu Ái sẽ không cô đơn trong chuyến đi về miền vinh cửu./

 

+++++++++++++++++++++++++++++++++++++

41 năm 'ngược dòng lịch sử'

Nguyễn Viện Viết từ TP. HCM, Việt Nam
image032

Image copyright Getty Trong tháng 4/2016, người dân đón nhận ít nhất hai thông tin chính thức: thứ nhất công an ở Hà Nội nhổ nước bọt vào mặt một cô gái, thứ hai công an ở thành phố Hồ Chí Minh đánh anh bán hàng rong "chấn thương sọ não".

Một thông tin không chính thức khác, lực lượng an ninh đánh tơi tả chị Trần Thị Hồng (vợ Mục sư Nguyễn Công Chính đang ở tù) tại Gia Lai.

Trong mấy năm qua, theo báo cáo chính thức, đã có hàng trăm người chết trong đồn công an. Không kể biết bao vụ đàn áp đánh đập những người bất đồng chính kiến.

Có lẽ cũng chẳng cần phải tìm hiểu nguyên nhân lý giải gì về hiện tượng “còn Đảng còn mình” đang trở nên bình thường này.

Tháng 4, dù để vui hay buồn, tung hô hay oán hận, cũng thường là dịp để người dân nhìn lại một mốc lịch sử. Ngày giải phóng, năm 1975.

'Sống như cừu, nói như vẹt'

Tôi chỉ muốn kể những chuyện hài (ra nước mắt).

Trước 30/4/1975 ít ngày, Tướng Nguyễn Cao Kỳ về Xóm Mới (Gò Vấp) đăng đàn nói chuyện với dân chúng “Bắc kỳ di cư Công giáo” tại sân nhà thờ Thái Bình (ngay trước cửa nhà tôi, hồi ấy) về việc ăn mắm tôm chống Cộng đến cùng.

Rút cục ông tướng này chống Cộng đến đâu, chắc ai cũng biết. Người dân nói chung, ở đâu cũng chỉ là đám đông cho các nhà chính trị “xúi trẻ con ăn cứt gà”.

Ông Kỳ chạy kịp, người dân miền Nam ở lại, không ít người bị “phỏng giái”.

Bài học đầu tiên của tôi về cách mạng là hãy sống như cừu và nói như vẹt.

Theo Wikipedia: “Sau năm 1975 ở miền Nam có hơn 1.000.000 người thuộc diện phải ra trình diện. Riêng ở Sài Gòn có 443.360 người ra trình diện, trong số đó có 28 viên tướng, 362 đại tá, 1.806 trung tá, 3.978 thiếu tá, 39.304 sĩ quan cấp uý, 35.564 cảnh sát, 1.932 nhân viên tình báo, 1.469 viên chức cao cấp trong chính quyền, và 9.306 người trong các đảng phái “phản động”.

Theo Phạm Văn Đồng, con số người phải trải qua giam giữ sau ngày 30/4/1975 là hơn 200.000 trong tổng số 1 triệu người ra trình diện. Tính đến năm 1980 thì chính phủ Việt Nam xác nhận có 26.000 người vẫn còn giam trong trại.

Tuy nhiên một số quan sát viên ngoại quốc được trích dẫn trên Wikipedia, ước tính khoảng 100.000 đến 300.000 vẫn bị giam. Ước tính của Hoa Kỳ cho rằng khoảng 165.000 người đã chết trong khi bị giam.”

Bản thân tôi cũng bị học tập cải tạo ba ngày tại cơ quan (vì lúc ấy tôi chỉ là một công chức hạng bét). Điều đáng nói ở đây, cho dù là một y tá, bác sĩ, nhà giáo hay một công nhân lao động chân tay… ai cũng phải nhận mình có tội với cách mạng. Một sự sỉ nhục quá mức cần thiết.Nói chung, tất cả những ai phục vụ trong chế độ cũ, bất kể địa vị, ngành nghề đều là kẻ có tội và phải học tập cải tạo ít nhất từ ba ngày đến trên 10 năm.

Bài học đầu tiên của tôi về cách mạng là hãy sống như cừu và nói như vẹt.

'Kinh tế mới'

Sau học tập cải tạo là đánh “tư sản mại bản”: Tất cả mọi chủ doanh nghiệp sản xuất hay thương mại đều bị cho là có tội với nhân dân. Tài sản của họ vì thế bị tịch thu hoặc trưng mua, tất cả nhà cửa và hàng hóa.

Cùng lúc, nhiều gia đình bị ép buộc đi “kinh tế mới”.

Hậu quả của chính sách triệt tiêu sản xuất và thương mại tư nhân của nhà nước cách mạng là đẩy nền kinh tế quốc gia đến vực thẳm. Dân chúng thiếu đói từ hạt muối đến nắm cơm. Nông thôn hay thành thị, toàn dân phải ăn độn.

Một bi kịch khác của giải phóng mà tôi cho là điển hình của cái gọi là xã hội chủ nghĩa: ai không đói khổ cũng phải làm ra vẻ nghèo hèn cho phù hợp với cách mạng, từ cái ăn đến cái mặc. Thời ấy, tôi có người bạn đã làm giàu nhanh chóng nhờ buôn bán thuốc nhuộm vải. Tất nhiên khi có tiền, bạn tôi phải vội tìm đường vượt biên, cũng như hàng triệu người khác phải đâm đầu xuống biển tìm tự do, thà chết còn hơn sống với Cộng sản.

Không chỉ quần áo, cuộc sống con người cũng bị nhuộm đen. Từ anh trí thức đến một người thất học, không trừ một ai, đều có một nỗi sợ hãi đến hèn hạ khi làm công dân của chế độ mới.

Để tồn tại, cho đến bây giờ người ta vẫn sống hai mặt. Bởi nói một sự thật đồng nghĩa với “nói xấu chế độ”. Đi tù. Làm gì, nói gì cũng có thể đi tù.

Ngay cả ông Tây, nhà thơ Guillaume Apollinaire (1880 – 1918), tác giả của “Mùa Thu Chết” (Phạm Duy phổ nhạc) cũng bị kết án phản động kia mà.

'Ngược đường lịch sử'

Mới đây, tôi được anh Hạ Đình Nguyên kể lại việc anh bị kiểm điểm vì dám tổ chức cho đoàn viên Thanh niên nhảy đầm, trước 1980. Tôi cũng không bao quên cảnh tượng ông cán bộ sếp cơ quan tôi, đặt chiếc xe đạp mới mua lên… giường, rồi đứng nhìn ngắm.

Không thể kể hết chuyện bi hài trong những năm đầu sau giải phóng.

Lúc ấy, tôi thường tự hỏi: Tại sao người ta có thể ngu muội theo đuổi một chủ nghĩa làm bần cùng con người từ kinh tế đến nhân phẩm như thế?

Để tránh sụp đổ, năm 1986, chính sách cai trị được sửa chữa, người ta gọi là “Đổi mới”. Thật ra, “đổi mới” là gì? Có phải nó là cái gì mới có tính sáng tạo hay chỉ là tháo gỡ chính cái rào cản của “giải phóng”, “cách mạng”… mà họ đã dựng nên trói buộc cuộc sống trong giáo điều, rồi lập lại một phần cái rất cũ về kinh tế của xã hội loài người mà chính phủ miền Nam đã từng áp dụng?

Giờ đây, cái bánh vẽ “giải phóng”, “cách mạng”, “chủ nghĩa Cộng sản” có lẽ đã vỡ vụn, nhưng những kẻ mượn danh nó để trục lợi thì vẫn ngang nhiên ngược đường lịch sử, đi về phía man rợ, bất chấp mọi nguyện vọng chính đáng của người dân về một thể chế tiến bộ hơn cho quyền con người.

Sau hơn 40 năm giải phóng, thống nhất đất nước, tuy xã hội cũng đã có những người rất giàu, nhưng cũng không thiếu người đói rách.

Bên cạnh cái hào nhoáng của những kẻ hãnh tiến khoe của, người dân Việt Nam hiện nay phải mang một gánh nợ công không nhỏ, tiềm ẩn một nguy cơ phá sản toàn bộ nền kinh tế quốc gia, cùng với một nền chính trị hà khắc và một nguy cơ mất nước đang càng ngày càng rõ về tay Trung Quốc.

Tôi học được bài học thứ hai của giải phóng: Mọi chuyện cứ để Đảng và nhà nước lo.

Giờ đây, cái bánh vẽ “giải phóng”, “cách mạng”, “chủ nghĩa Cộng sản” có lẽ đã vỡ vụn, nhưng những kẻ mượn danh nó để trục lợi thì vẫn ngang nhiên ngược đường lịch sử, đi về phía man rợ, bất chấp mọi nguyện vọng chính đáng của người dân về một thể chế tiến bộ hơn cho quyền con người.

Trong mọi thứ danh xưng, tôi không thấy từ nào mỉa mai hơn hai chữ “giải phóng”. Vì chính nó là một loại kim cô “ngụy” nhất, “phản động” nhất trong lịch sử nhân loại. Nó nhốt con người vào “trại súc vật”.

Chắc chắn rằng, cuộc “giải phóng” của chủ nghĩa Cộng sản là con đường lòng vòng tốn kém xương máu nhân dân nhất, chỉ để quay lại điểm trước khi nó bắt đầu.

Đau đớn thay, người Việt Nam vẫn còn tiếp tục phải đi lòng vòng và chưa biết đến bao giờ mới quay lại được với lộ trình chính của nhân loại. Con đường hướng đến phát triển, tự do và nhân phẩm.

BBC 25 tháng 4 2016

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, đang sống tại TP. HCM, Việt Nam.

++++++++++++++++++++++++++++++++++

XEM THÊM:

Ông Kissinger nói gì việc Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc?

image033

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger.

 

AUSTIN, TEXAS—

Cựu Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố “không có thỏa thuận nào” với Trung Quốc về Hoàng Sa hơn 40 năm trước, giữa cáo buộc Mỹ làm ngơ để Bắc Kinh chiếm quần đảo này từ tay Việt Nam Cộng hòa.
 
Ông Henry Kissinger nhấn mạnh như vậy hôm 26/4 tại Hội nghị Thượng đỉnh về Chiến tranh Việt Nam ở Thư viện Tổng thống Lyndon Baines Johnson ở Austin, Texas.
 
Sau khi bị một người tham dự cáo buộc là người đã đồng ý “về mặt chiến thuật” để Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, người từng làm cố vấn an ninh cho tổng thống Mỹ nói:  “Mỹ từ trước tới nay không đưa ra quan điểm ủng hộ chủ quyền của bất kỳ nước nào đối với quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, giữa lúc xảy ra vụ Watergate và cuộc chiến ở Trung Đông, tôi có thể dám chắc với quý vị rằng Hoàng Sa không trong tâm trí của chúng tôi".

Ông nói tiếp: "Nhưng không hề có thỏa thuận nào trao cho Trung Quốc quyền chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trung Quốc chưa từng đưa ra tuyên bố nào như vậy. Không có cuộc đàm phán cụ thể nào [về vấn đề này]”.

Giới quan sát cho rằng đây là lần đầu tiên cựu ngoại trưởng Mỹ 93 tuổi lên tiếng trực tiếp về vấn đề vẫn còn gây nhức nhối này.

image034

Ông Henry Kissinger bắt tay với Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh hồi tháng Ba năm ngoái.

Trung Quốc đã chiếm toàn bộ Hoàng Sa sau trận hải chiến làm 74 binh sĩ Việt Nam Cộng hòa thiệt mạng ngày 19/1/1974.
 
Một số người Mỹ gốc Việt cho rằng Washington có thể đã có thỏa thuận ngầm với Bắc Kinh trong vụ này vì quyền lợi của mình.
 
Ban tổ chức cho biết rằng đây có thể là lần cuối cùng ông Kissinger phát biểu về Chiến tranh Việt Nam, nên ông đã yêu cầu được trao đổi với người nghe một cách thẳng thắn và “không hạn chế”.

"Phản bội đồng minh"

Ngày phải di tản Sài Gòn là một trong những ngày đau buồn nhất cuộc đời tôi cũng như của tất cả những người đã chứng kiến sự cống hiến của người Việt Nam [Cộng hòa] cũng như các binh sĩ Mỹ chiến đấu tại Việt Nam. Tôi thực sự cảm thông.

Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger nói.

Sau khi một cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa kể lại câu chuyện phải ngồi tù nhiều năm sau Hiệp định Paris, và hỏi rằng nước Mỹ học được gì từ việc “phản bội” và “bỏ rơi” đồng minh Việt Nam Cộng hòa, ông Kissinger nói: “Tôi thực sự cảm thông với những người Việt Nam. Ngày phải di tản Sài Gòn là một trong những ngày đau buồn nhất cuộc đời tôi cũng như của tất cả những người đã chứng kiến sự cống hiến của người Việt Nam [Cộng hòa] cũng như các binh sĩ Mỹ chiến đấu tại Việt Nam. Tôi thực sự cảm thông".

Ông nói thêm: "Tôi hy vọng không một nhà lãnh đạo Mỹ nào trong thời đại này sẽ lại nhận được câu hỏi như vậy nữa. Thất bại lớn nhất, đó chính là sự chia rẽ tại đất nước chúng ta”.
 image035
Ông Kissinger có ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại Mỹ trong những năm cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970.
 
Năm 1973, ông trở thành người đầu tiên sinh ra ở nước ngoài đảm nhận cương vị ngoại trưởng Mỹ. Ông từng nắm giữ ngành ngoại giao Mỹ dưới cả thời Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford.

"Chính người Mỹ tự gây ra"

Trong một cuộc hội thảo do Bộ Ngoại giao tổ chức năm 2010 về chủ đề “Kinh nghiệm của Mỹ tại Đông Nam Á trong thời kỳ 1946 – 1975”, ông Kissinger nói rằng thất bại của Hoa Kỳ ở Việt Nam là do chính người Mỹ tự gây ra, và trước hết là đã đánh giá thấp sự kiên trì của giới lãnh đạo Bắc Việt.

Ông Kissinger nói về ông Lê Đức Thọ: “Ông ấy đã mổ xẻ chúng tôi như một bác sĩ giải phẫu với con dao mổ – với sự khéo léo vô cùng”.


Vị cựu cố vấn về chính sách an ninh của Mỹ cũng lên tiếng tán dương ông Lê Đức Thọ, đối thủ của ông trong cuộc hòa đàm Paris. Ông Kissinger nói: “Ông ấy đã mổ xẻ chúng tôi như một bác sĩ giải phẫu với con dao mổ – với sự khéo léo vô cùng”.
 
Washington và Hà Nội đã ký kết một hiệp định hòa bình vào tháng giêng năm 1973, và trong năm đó ông Kissinger và ông Lê Đức Thọ đã được trao giải Nobel Hòa bình vì vai trò của họ trong cuộc hòa đàm. Tuy nhiên, quan chức Việt Nam từ chối không nhận giải.

Trong khi đó, cũng liên quan tới vấn đề biển Đông, khi được hỏi liệu có phải yếu tố Trung Quốc đã khiến Mỹ và Việt Nam xích lại gần nhau không, ông Tom Johnson, Cựu trợ lý điều hành cho Tổng thống Lyndon B. Johnson, một trong các diễn giả của Hội nghị Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ:

“Tôi không thể nói thay cho Washington hoặc Hà Nội. Tôi biết là có người cho rằng Mỹ cần phải tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Tôi cũng biết là hiện có các quan ngại về việc Trung Quốc củng cố quốc phòng và xây dựng các đảo nhân tạo [trên biển Đông]. Nhưng tôi nghĩ rằng đôi bên cũng nhận thấy tầm quan trọng của thương mại”.
 
Ông Johnson nói ông hy vọng rằng ví dụ về sự cải thiện quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ về mặt thương mại và kinh tế sẽ tốt đẹp hơn nữa cả về mặt chính trị.

Đương kim Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh vào ngày 27/4, và dự kiến sẽ đề cập tới mối quan hệ từ thù thành bạn giữa Hà Nội và Washington.

VOA 27.04.2016

22 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 901)
24 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1351)
14 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1264)
Nov 12: Chiến sự mùa đông 2 bờ đông tây Dnipro River; Vì sao Nga ‘cố thủ’ bờ Đông