"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ HAI 03 AUG 2015
KHAI MẠCVŨ ĐÀI BIỂN ĐÔNG
Ảnh trên: Trung Quốc đã cải tạo, xây dựng bãi đá Chứ Thập thành đảo nổi nhân tạo trở nên một căn cứ hỏa lực lớn nhất thuộc khu vực biển quần đảo Trường Sa, với sân bay quân sự dài trên 3km, hải cảng, kho tiếp liệu, đài ra đa, pháo binh ... nó là bộ não liên hợp với các căn cứ đảo nhân tạo khác. Theo các chuyên gia nghiên cứu biển Đông, căn cứ Chữ Thập sẽ là bộ tổng chỉ huy vùng phòng không (ADIZ) sớm muộn gì Trung Quốc cũng lập ra trong vòng 2 năm tới. Tất cả các hoạt động hải không quân kể cả thương thuyền vận tải băng ngang qua biển Đông đều phải "thông báo trước" cho căn cứ Chữ Thập.
Ảnh dưới: Các chấm đỏ trên hải đồ là vị trí 7 bãi đá Trung Quốc chiếm giữ nay biến thành 7 căn cứ hỏa lực. (1. Bãi Ga Ven (Gaven Reefs) 2. Bãi Chữ Thập (Fiery Cross Reef) 3. Bãi Gạc Ma (Johnson South Reef) 4. Bãi Tư Nghĩa (Hughes Reef) 5. Bãi Châu Viên (Cuarteron Reef) 6. Bãi Vành Khăn (Mischief Reef) 7. Bãi Xu Bi (Subi Reef). Các chấm đen là vị trí bãi đá, đảo có vị trí chiến lược, đặc biệt đối với an ninh Philippines. Trung Quốc đang nhắm tới như bãi Cỏ Mây, bãi Cỏ Rong, bãi Trăng Khuyết, bãi Scarborough. Ảnh: Đồ họa không gian khu vực biển quần đảo Trường Sa - Văn Hóa map.
++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Cảnh báo: Trung Quốc sớm muộn cũng lập ADIZ trên Biển Đông
Trên Hoa Đông, Trung Quốc đã không cho một máy bay dân dụng vào ADIZ nước này đơn phương ấn định, còn trên Biển Đông, việc thiết lập vùng này dường như chỉ còn là vấn đề thời gian.
Chiến đấu cơ Su-27 của Trung Quốc bay áp sát máy bay của lực lượng phòng vệ Nhật Bản trên biển Hoa Đông tháng 6/2014. Ảnh: AP |
Trung Quốc ráo riết cải tạo, bồi đắp và xây đảo nhân tạo ở Biển Đông trong năm qua. Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cho rằng việc xây đảo mới chỉ là bước đầu. Bước tiếp theo của Trung Quốc sẽ là quân sự hóa các đảo này và tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông, nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền tại đây, ông McCain nói.
"Họ đã xây dựng đường băng, họ sẽ chuyển vũ khí đến đó. Sau đó, khi một máy bay Mỹ bay qua, dù là chuyến bay thương mại hay loại nào khác, họ cũng sẽ đòi phải 'khai báo'", Thượng nghị sĩ McCain tuần trước phát biểu tại Viện Hudson, có trụ sở tại Washington.
ADIZ là vùng trời trên biển hoặc đất liền mà quốc gia thiết lập đòi hỏi phi cơ tiến vào phải nhận dạng, đồng thời có quyền kiểm soát đường bay của phi cơ đó vì lợi ích an ninh quốc gia. ADIZ vượt ra ngoài không phận của một nước, giúp họ có nhiều thời gian hơn để đối phó với máy bay có thể có hành vi thù địch.
Trung Quốc năm 2013 đơn phương thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật. Tháng 11/2014, nước này ra thông báo yêu cầu tất cả các máy bay đi qua khu vực này phải gửi trước kế hoạch bay và các thông tin khác.
Khả năng lập ADIZ
Theo ông Peter Jennings, Giám đốc điều hành của Viện Chính sách Chiến lược Australia, Trung Quốc sẽ thiết lập một ADIZ tương tự ở Biển Đông. Bắc Kinh có thể tạm thời trì hoãn việc này cho đến sau chuyến công du Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 9 tới.
"Sau thời gian đó, Mỹ sẽ bận bịu với các chiến dịch tranh cử tổng thống, Trung Quốc có thể tiến hành bước này để gia tăng kiểm soát trong khu vực", ông Jennings nói tại một hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức. Nhiều học giả cũng chia sẻ mối lo ngại này với ông.
Giáo sư Andrew Erickson, từ Đại học Hải chiến Mỹ, tin rằng Trung Quốc sẽ thiết lập ADIZ trên Biển Đông trong vòng 2 năm tới.
Những cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đang xây dựng trên Biển Đông gồm một đường băng dài 3000 m trên đá Chữ Thập. Rất có thể Trung Quốc sẽ dùng đường băng này để hỗ trợ việc thiết lập và hoạt động của ADIZ trong tương lai gần, ông Erickson nhận định.
Washington khẳng định rằng việc đơn phương thành lập ADIZ trên Biển Đông sẽ ảnh hưởng lớn đến tự do đi lại, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh đừng làm việc này. Trước đó, Mỹ cũng phản ứng mạnh mẽ khi Trung Quốc thành lập ADIZ trên biển Hoa Đông. Washington điều phi cơ quân sự bay qua để thể hiện Mỹ không công nhận vùng này.
Theo Erickson, không có quy định quốc tế nào cấm Trung Quốc thành lập ADIZ, điều quan trọng là nước này sẽ quản lý như thế nào.
"Có thể thấy từ cách họ sử dụng ADIZ ở biển Hoa Đông", ông nhận xét. "Quân đội Trung Quốc tuyên bố sẽ sử dụng các biện pháp phòng vệ khẩn cấp nếu máy bay đi vào vùng này không tuân theo yêu cầu của họ. Việc này "rõ ràng đi ngược lại các nguyên tắc của luật pháp quốc tế", ông Erickson nói thêm.
Máy bay chở khách của Lào đang trên đường tới Vientiane hôm 25/7 phải quay về điểm xuất phát, sau khi không được Trung Quốc cho phép vào ADIZ Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh buộc máy bay dân dụng quay đầu vì lý do này.
Bắc Kinh nói rằng nước này có quyền lập ADIZ ở gần lãnh thổ, nhưng hiện dường như chưa phải lúc để làm điều này trên Biển Đông. Wu Shicun, chủ tịch Viện nghiên cứu Biển Đông ở Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh sẽ tránh việc đơn phương lập ADIZ trên Biển Đông, để tránh leo thang căng thẳng trong khu vực và khiến hợp tác quân sự Mỹ - Trung rơi vào bế tắc.
Tại một hội thảo của CSIS, ông Wu cho rằng Trung Quốc cần đảm bảo tự do đi lại trên Biển Đông, đẩy nhanh quá trình hoàn thành Quy tắc Ứng xử (COC) với các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và đảm bảo các đảo nhân tạo được xây dựng chỉ phục vụ mục đích dân sự.
Dù vậy, ông Wu cho rằng tình hình có thể thay đổi nếu Tokyo tham gia. "Nhật muốn cùng Mỹ tuần tra chung trên Biển Đông, nước này gần đây cũng chỉ trích hoạt động cải tạo, bồi đắp của Trung Quốc trong khu vực", ông Wu nói.
"Nếu một ngày nào đó, Nhật cùng Mỹ thực hiện các chuyến bay trinh sát, thì Trung Quốc sẽ đáp trả điều đó", ông Wu nhận định./
Trọng Nghĩa (theo VOA) 30/7/2015