Đọc Ngô Thì Nhậm: Không Phật, Không Người, Không Ta

27 Tháng Năm 20258:15 SA(Xem: 441)

VĂN HÓA ONLINE - VĂN HỌC NGHỆ THUẬT 4 - THỨ BA 27 MAY 2025


Đọc Ngô Thì Nhậm: Không Phật, Không Người, Không Ta


image003Danh sĩ Ngô Thì Nhậm (1746 1803). Một danh sĩ thời Hậu Lê, văn võ song toàn, làm quan đại thần thời Lê Trịnh và nhà Tây Sơn. Ông đỗ Tiến sĩ (1775) khi mới 29 tuổi. Khi Trịnh Khải cướp ngôi phủ chúa Trịnh Sâm là vị Chúa nổi tiếng văn võ kiệt liệt thời nhà Trịnh; Nhậm chán ngán về quê ở ẩn, đi tu, ngao du thiên hạ, khi đó ông mới 36 tuổi.

Khi ‘giặc’ Tây Sơn nổi dậy, ông một lòng theo phò tá Vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Sử kể rằng năm 1788, Quang Trung và Ngô Thì Nhậm đã có cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa nhà danh sĩ lỗi lạc Bắc Hà và người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ (khi đó ông 42 tuổi). Quang Trung phong chức cho Nhậm làm Tả thị lang bộ lại (phụ trách nhân sự trong nội phủ triều đình). Trời bắt Hoàng đế Quang Trung mất sớm, Nhậm vẫn theo giúp vua Quang Toản, nhưng biết rằng triều đình Tây Sơn đã tới lúc suy vi.

Danh sĩ Ngô Thì Nhậm đã soạn: Chiếu Cầu Hiền để chiêu hiền mộ lệnh cho thần dân hiền tài ra giúp nước.

Khi Gia Long đánh bại Nhà Tây Sơn, ông bị Nguyễn Ánh bắt cùng với Phan Huy Ích, Nguyễn Gia Phan đưa ra Văn Miếu đánh. Đặng Trần Thường, một vị quan lòng dạ nhỏ mọn theo phò Gia Long, ghen tài kỵ đức rắp tâm thù vặt Nhậm bèn tẩm thuốc độc vào roi đánh Nhậm chết.


Ngô Thì Nhậm để lại lịch sử trong câu đối mắng Đặng Trần Thường như sau:

Thường ra vế đối:

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai?

Nhậm đối lại chan chát:

Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế nào cũng thế!

Thường bắt Nhậm phải sửa lại vế đối là:

“Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời theo thế”.

Ngô Thì Nhậm vẫn hiên ngang giữ trọn khí tiết, nhất quyết không sửa lại vế đối.  (VHO/lkt)

image005

NGUYÊN GIÁC


image007Hình một phần của các trang 331-332.


Bài viết này sẽ phân tích lời dạy của sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh về ý chỉ Thiền Tông: qua sông, bỏ bè, thấy thường trực không Phật, không ta, không người. Sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh là một tác phẩm về Thiền Tông Việt Nam xuất bản lần đầu vào năm 1796. Tác phẩm này được in trong Ngô Thì Nhậm Toàn Tập - Tập V, ấn hành năm 2006 tại Hà Nội, do nhiều tác giả trong Viện Nghiên Cứu Hán Nôm biên dịch.


Những lời dạy trong sách này mang phong cách Thiền Tông Việt Nam, vì ngài Ngô Thì Nhậm (1746-1803) khi rời quan trường đã xuất gia, trở thành vị sư có tên là Hải Lượng Thiền Sư, và được nhiều vị sư tôn vinh là vị Tổ Thứ Tư của Dòng Thiền Trúc Lâm. Tất cả các vị sư khác trong sách đều nói trong tông phong này.


Nơi đây, chúng ta ghi lại từ hai trang 331, 332 trong Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh (Ngô Thì Nhậm Toàn Tập - Tập V). Nguyên văn chép lại như sau, trích:


Hoà thượng Hải Âu nói: Cái nơm cái đó dùng để bắt con cá con thỏ, đã bắt được con cá con thỏ rồi thì hãy quên cái nơm cái đó ấy đi. Cái thuyền cái mảng dùng để qua sông, đã qua sông đến bờ rồi thì hãy quên cái thuyền cái mảng đó.


Cái Đạo của Phật là "hư vô tịch diệt," là "minh tâm kiến tính." Biết được Phật thì mình đã đạt đến cái Đạo ấy, đạt đến rồi thì quên người quên ta. Ân oán thù hận là bình đẳng, đến ta còn không biết thì hâm mộ ở chỗ nào? Kẻ đã không biết Phật, dù có đàm kinh thuyết kệ, gắng sức kiếm tìm cũng không thể biết được. Tịnh Thổ, Liên Đài,* chỉ là chăm chỉ ở chỗ không có gì, chép một chữ "mộ" không thôi, thì càng tỏ ra không biết Phật. Cho nên Thiền gia nói 'tuyệt học," Huyền môn nói "tuyệt thánh," đều có cái nghĩa không mộ Phật vậy. Phật không tự mộ, há cầu chúng sinh mộ? Chúng sinh muốn thành Phật, cho nên phải mộ Phật. Kẻ nào mộ Phật tức không phải là Phật. Xương Lê nói: "Bắt tăng nhân trở lại làm dân, gieo sách Phật vào đống lửa, biến chùa chiền thành nhà tranh," đó là sự thể hiện không kính mộ Phật. So với bọn tăng ni chạy trên đàn, hay ngồi lì thiền định thì Xương Lê lại giải thoát được "Kiến trọc."


Nhưng Phật không có người, không có sách, cũng không có chỗ trú, vậy thì nói "người của Phật, sách của Phật, nhà của Phật" là còn mang nặng một tầng chướng ngại. Thế thì mộ Phật cố nhiên là không biết Phật, còn bài Phật cũng sao có thể biết được Phật? Cho nên Thầy bảo Hàn Xương Lê còn ở dưới bậc ba, bậc bốn. Hoặc có người hỏi: Thế nào gọi là Phù đồ bậc nhất? Xin có bài kệ rằng:


Quan Âm là Quan Âm,

Hòà thượng là hòa thượng.

Ta, ngươi đều dửng dưng,

Đều không người biết ta.” (hết trích)


Bất kỳ ai ngộ nhập được ý chỉ Thiền Tông nêu trên, sẽ tự biết cách an tâm. Trước tiên là chuyện qua sông, thì không cần vác cái bè nữa. Có nghĩa là, nếu tâm mình tự khế hiệp được, tự tương ưng được, không còn khởi dậy tham sân si nữa, thì không cần tới các phương tiện để làm lắng đọng mặt hồ tâm để không còn dậy bọt sóng. Bởi vì, khi mặt hồ đã tĩnh lặng, mà còn khởi tâm làm gì nữa, thì chỉ tự mình gây ra các đợt sóng mới.


Trong Kinh MN 22, Đức Phật dạy rằng bè là để qua sông, lên bờ rồi thì không cần bè, và Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống là phi pháp, trích bản dịch của Thầy Minh Châu:


Chư Tỷ-kheo, người đó phải làm thế nào cho đúng sở dụng của chiếc bè? Ở đây, chư Tỷ-kheo, người đó sau khi vượt qua bờ bên kia, có thể suy nghĩ: “Chiếc bè này lợi ích nhiều cho ta. Nhờ chiếc bè này, ta tinh tấn dùng tay chân đã vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Nay ta hãy kéo chiếc bè này lên trên bờ đất khô, hay nhận chìm xuống nước, và đi đến chỗ nào ta muốn”. Chư Tỷ-kheo, làm như vậy, người đó làm đúng sở dụng chiếc bè ấy. Cũng vậy, này chư Tỷ-kheo, Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy. Chư Tỷ-kheo, các Ông cần hiểu ví dụ cái bè. Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp.”


Trong đoạn tiếp theo, sách Tông Chỉ viết rằng Đạo của Phật là "hư vô tịch diệt," là "minh tâm kiến tính"... Chúng ta ghi rõ rằng ý chỉ ở đây rất minh bạch, khi tóm tắt cho dễ hiểu thì: hư vô tịch diệt là nói mặt của Không, minh tâm kiến tính là nói mặt của Có. Người nào sống mà không dính vào Có, không dính vào Không, thì đó là bất nhị, và lìa được nghiệp lực của cõi này.


Thiền Tông Việt Nam có bài kệ của Thiền sư Tông Diễn (1640-1711), trích: “Hữu vô câu bất lập, nhật cảnh bổn đương bô” (có và không đều không lập, mặt trời trí tuệ sẽ lên cao).


Chúng ta có thể lấy hình ảnh này: mặt gương của tâm vì là Không, nên mới hiện vô lượng ảnh của Có. Nếu khởi tâm chụp lấy Có, thì sẽ làm bể gương; nếu chụp lấy Không, thì vô vọng.


Tương tự, chúng ta lấy hình ảnh mặt hồ tĩnh lặng cho tâm: khi tâm bình lặng, thì hồ nước hiện ra ánh trăng. Thò tay chụp cái Có trăng thì tâm sẽ loạn, nếu nghĩ rằng chụp cái Không trăng thì sẽ mất dụng của hồ tâm bình lặng.


Tiếp theo, sách Tông Chỉ nói rằng "đạt đến rồi thì quên người quên ta. Ân oán thù hận là bình đẳng, đến ta còn không biết thì hâm mộ ở chỗ nào?" Điều này chỉ đơn giản là thấy được Đạo rồi, tức là, thấy được Pháp rồi, thì quên người, quên ta. Chỗ này nên nhớ rằng các cụ sử dụng văn phong xưa, nên ý chỉ là đã thấy người là vô ngã, đã thấy ta là vô ngã, thì không còn dính vào các  cái nhìn chấp là có ngã, chấp ta với người nữa. Vì thấy vô ngã như thế, nên hiểu được tất cả các pháp đều bình đẳng.


Kinh Phật ghi rằng, ai thấy được Pháp, tức là thấy Như Lai. Kinh Kim Cang ghi lời Phật dạy rằng: Nếu lấy sắc mà thấy ta, Lấy âm thanh mà cầu ta, Người đó theo đạo tà, Không thể thấy Như-lai.


Chỗ này có thể giải thích nhiều cách để nhận ra pháp ấn vô ngã. Và thấy vô ngã, là sẽ thấy không Phật, thấy không ta, thấy không người. Thấy thường trực như thế là chứng tuệ giải thoát, không cần ngồi tu gì khác (Kinh SN 12.70).


Có thể nhìn từ pháp ấn vô thường để nhận ra vô ngã: từ nhỏ tới lớn, chúng ta có vô lượng thân và vô lượng tâm, do vậy y hệt như gương sáng hiện ra vô lượng thân tâm đó, và do vậy là vô ngã, vì nếu có cái ngã nào thì không còn vô thường và gương không còn là gương.


Trước tiên, nói về những gì chúng ta nghe (âm thanh) đêu là vô ngã. Kinh SN 35.246 nói rằng sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là vô ngã, thí dụ như tiếng đàn do nhiều duyên, nên cái được nghe là Không, và là vô ngã. Kinh SN 35.246, theo bản dịch Thầy Minh Châu, trích:


"Ví như, này các Tỷ-kheo, một vị vua hay đại thần của vua từ trước chưa từng được nghe tiếng đàn tỳ bà, nay được nghe tiếng đàn tỳ bà, vị ấy nói: “Này Bạn, tiếng ấy là tiếng gì, khả ái như vậy, khả lạc như vậy, mê ly như vậy, say đắm như vậy, hấp dẫn như vậy?” Họ nói với vị ấy: “Thưa Tôn giả, đây là đàn tỳ bà, với tiếng khả ái như vậy, mê ly như vậy, khả lạc như vậy, say đắm như vậy, hấp dẫn như vậy”. Vị ấy nói như sau: “Hãy đi và đem đàn tỳ bà ấy về cho ta”. Họ đem đàn tỳ bà về cho vị ấy, và nói như sau: “Thưa Tôn giả, đàn tỳ bà này với tiếng khả ái như vậy, khả lạc như vậy, mê ly như vậy, say đắm như vậy, hấp dẫn như vậy”. Vị ấy bèn nói: “Thôi vừa rồi đối với ta về đàn tỳ bà này. Hãy đem tiếng lại cho ta”. Họ thưa với vị ấy: “Thưa Tôn giả, cái này được gọi là đàn tỳ bà, gồm có nhiều thành phần, gồm có số lớn thành phần. Nhờ nhiều thành phần này nên đàn phát âm. Như duyên cái bầu, duyên cái da, duyên cái cán, duyên cái đầu, duyên cái dây, duyên cái cung, duyên nỗ lực thích nghi của người. Như vậy, thưa Tôn giả, cái này gọi là đàn tỳ bà, gồm có nhiều thành phần, gồm có số lớn thành phần. Nhờ gồm nhiều thành phần này nên đàn phát âm”. Rồi vua ấy đập đàn tỳ bà ấy ra thành 10 mảnh, 100 mảnh; sau khi đập bể đàn tỳ bà ấy ra thành 10 mảnh, 100 mảnh, vị ấy chẻ thành từng miếng nhỏ; sau khi chẻ thành từng miếng nhỏ, vị ấy lấy lửa đốt; sau khi lấy lửa đốt, vị ấy vun lại thành đống tro; sau khi vun lại thành đống tro, vị ấy đem quạt đống tro lớn ấy trước làn gió mạnh, hay để chúng trôi theo dòng nước sông chảy mạnh." (hết trích)


Tiếp theo, chúng ta nói về những cái được thấy cũng chính là Không, và là vô ngã. Thí dụ, cỗ xe là cái được thấy, thực sự cũng là Không, và là vô ngã. Kinh Na Tiên Tỳ Kheo ghi rằng, thân tâm người cũng như cỗ xe, không chỉ ra được cái gì là ta, cũng vậy, không chỉ ra được chỗ nào trên xe là xe: gọng xe, trục xe, bánh xe, thùng xe, thanh chống xe, ách xe, dây cương xe, gậy thúc xe đều không gọi là cỗ xe. Do vậy, cỗ xe không phải là cỗ xe.


Cái được nghe, cái được thấy đều thấy là vô ngã như thế, tự nhiên tâm sẽ không còn lưu luyến gì, và cũng không có tà kiến nào lôi kéo được người tu nữa. Đó là thấy không Phật, thấy không ta, thấy không người. Thấy trong Tánh Không như thế, là sẽ thấy vạn pháp bình đẳng. Ngay cả ngôi chùa trước mắt, ngọn núi trước mắt... đều hiển lộ trong cái Không mà Có như thế, thì chỗ nào cho tham sân si khởi dậy.


Đoạn trên có nói về Tịnh Thổ, chữ bây giờ chúng ta thường gọi là Tịnh Độ, tức là cõi trong sạch, thanh tịnh. Chữ Liên Đài là đài sen, nói ý chỉ là nơi những người tu Tịnh Độ sinh ra nơi đài sen. Nơi đây, quý ngài trong sách Tông Chỉ Nguyên Thanh nói rõ rằng pháp tu Tịnh Độ là "chỉ là chăm chỉ ở chỗ không có gì, chép một chữ "mộ" không thôi, thì càng tỏ ra không biết Phật."


Do vậy, ý chỉ Thiền Tông là thấy vô ngã, thấy không Phật, thấy không ta, thấy không người, và vì vậy nên mới là không còn gì để học. Do vậy, người thấu suốt ý chỉ Thiền Tông thì thấy thường trực không có Phật, không có người, không có sách (kinh vô tự), cũng không có chỗ trú (ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm).


Trong đoạn văn dẫn trên có nói về Hàn Xương Lê, tức Hàn Dũ (768 - 824) người đời Đường, có chủ trương bài đạo Phật. Nơi đây, chúng ta chỉ bàn về ý chỉ Thiền Tông, không bàn về cuộc tranh luận khi các nhà Nho bài bác Phật giáo.


Cón bốn dòng kệ "Quan Âm là Quan Âm / Hòà thượng là hòa thượng / Ta, ngươi đều dửng dưng / Đều không người biết ta" chỉ đơn giản là: Phật là Phật, sư là sư, ta và người đều không thấy có chỗ bận tâm, và người tu chân chính là người sống thường trực với tâm không biết. Vì bất kỳ cái biết nào cũng là có cái được biết, và là những dựng lập về một quá khứ của tôi, ta, người.


Do vậy, ngài Bồ Đề Đạt Ma mới nói là "Không biết" và đó là thường trực gương sáng.


Hãy đọc lại chỗ Vua Lương Vũ Đế hỏi Bồ Đề Đạt Ma:


- Nghĩa tối cao của thánh đế là gì?


- Một khi tỉnh rõ, thông suốt rồi thì không có gì là thánh.


- Ai đang đối diện với trẫm đây?


- Không biết.


Do vậy, ý chỉ Thiền Tông là tỉnh thức thường trực với tâm không biết, và tâm tỉnh thức thường trực với không biết chính là gương sáng không bụi. Nơi đó sẽ thấy không ta, không người.


THAM KHẢO:


. Kinh MN 22: Ví dụ cái bè, chánh pháp còn phải bỏ, huống nữa là phi pháp.

https://suttacentral.net/mn22/vi/minh_chau


. Kinh SN 12.70: chỉ cần chứng ngộ vô ngã, không cần tu gì khác.

https://suttacentral.net/sn12.70/vi/minh_chau


. Kinh SN 35.246: tiếng đàn do nhiều duyên, nên là vô ngã.

https://suttacentral.net/sn35.246/vi/minh_chau


(1)              XEM THÊM:


Danh sĩ Ngô Thì Nhậm


Ngô Thì Nhậm là người làng Tả Thanh Oai (dân gian gọi là làng Tó, nay vẫn còn cầu Tó bắc qua sông Tô Lịch đoạn chảy qua làng này), trước kia thuộc phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng, nay thuộc huyện Thanh Trì (Hà Nội). Cha của Ngô Thì Nhậm là Ngô Thì Sĩ, vốn là nhà văn, nhà thơ, nhà sử học nổi tiếng hồi thế kỷ XVIII.

image008

Từ nhỏ, Ngô Thì Nhậm đã sống dưới thời vua Lê – chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Bấy giờ, ông được Tĩnh đô vương Trịnh Sâm nhận xét là “Tài học không ở dưới người”. Ông được Trịnh Sâm cất nhắc làm Hiếu sát phó sứ Hải Dương, rồi thăng chức cho ông lần lượt lên Hộ hoa cấp sự trung, Giám sát ngự sử đạo Sơn Nam, Đốc đồng Kinh Bắc kiêm Đốc đồng Thái Nguyên, Đông các hiệu thư… Không phụ lòng tin yêu của Tĩnh đô vương, Ngô Thì Nhậm dâng nhiều kế sách hay trong đạo trị nước, trong đó có các bài biểu nổi tiếng như Giáo nghị, Pháp nghị và Chính nghị. Tuy nhiên, do triều đại Lê – Trịnh đang ở vào thời suy vi, nên dù rất khen kế sách của ông, Trịnh Sâm cũng không thể áp dụng nó vào thực tế. Khi Trịnh Khải tiếm ngôi vương của Trịnh Sâm, Ngô Thì Nhậm chán ngán thế sự, bèn bỏ quan đi ngao du.


Với tư tưởng lấy trung làm đầu, khi Nguyễn Huệ mang quân ra đất Bắc, Ngô Thì Nhậm đã từng gọi Nguyễn Huệ là giặc, từ bỏ đất kinh kì đi “lánh nạn”, hưởng thú vui “nhắm rượu với cua béo”. Tuy vậy, chính trong 5 năm đi “lánh nạn”, Ngô Thì Nhậm đã nhận ra chất anh hùng của Nguyễn Huệ và sự ươn hèn, bạc nhược của Lê Chiêu Thống. Khi ấy, lòng dân cũng hướng theo người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Theo lòng dân, Ngô Thì Nhậm tìm về với Nguyễn Huệ – Quang Trung và rất được vua áo vải tin dùng. Khi Ngô Thì Nhậm tìm đến, vị vua Tây Sơn sung sướng thốt lên: “Có lẽ, đây là ý trời muốn để dành người tài cho ta dùng”.


Sau này, vua Quang Trung phong cho Ngô Thì Nhậm nhiều chức quan trọng yếu, như Thị lang Bộ Lại (quản lý công tác tổ chức quan lại của triều đình), Thượng thư Bộ Binh (cai quản việc quân), Tổng tài Quốc sử quán (điều hành việc viết lịch sử nước nhà). Dù làm quan ở lĩnh vực nào, ông cũng đều hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vua giao phó, đóng góp nhiều công lao cho sự nghiệp của hoàng đế Quang Trung. Chính bởi vậy, vị hoàng đế áo vải cờ đào rất mực quý trọng ông, coi ông “vừa là bề tôi, vừa là khách”.


Sau này, khi Quang Toản lên nối ngôi cha cũng rất mực tin dùng Ngô Thì Nhậm, giao cho ông thảo nhiều chiếu dụ về những chính sự trọng đại của đất nước. Tuy vậy, dưới thời Quang Toản, triều đại Tây Sơn nhanh chóng suy yếu. Lúc này, nhiều vị quan Tây Sơn tỏ ra hoang mang, thậm chí bỏ Tây Sơn để theo các thế lực khác. Tuy nhiên, Ngô Thì Nhậm vẫn giữ lòng trung với triều đình Tây Sơn. Dẫu biết rằng nhà Tây Sơn sẽ khó duy trì được lâu, nhưng với niềm tin đấy là lực lượng hợp đạo lý nhất, Ngô Thì Nhậm vẫn trung thành tới cùng. Ông từng nói: “Khi bước đi của ta hợp với đạo lý thì dù có xéo lên đuôi hổ cũng không sao cả” là vì thế.


Quang Toản nắm quyền bính không bao lâu thì triều Tây Sơn bị đánh bại. Gia Long lấy được quyền bính, lập ra triều đại nhà Nguyễn. Bấy giờ, vừa không ưa Ngô Thì Nhậm vì ông đã ra sức ủng hộ Tây Sơn, cản bước tiến của nhà Nguyễn, lại vừa muốn mượn việc “trị tội” ông để dằn mặt những kẻ sĩ khác có tư tưởng chống lại nhà Nguyễn, vua Gia Long bèn bắt Ngô Thì Nhậm cùng Phan Huy Ích, Nguyễn Gia Phan ra đánh đòn tại Văn Miếu (Thăng Long) để trị “tội” bất trung với nhà Lê.


Nguyên trước đó, khi Ngô Thì Nhậm làm quan dưới thời Tây Sơn, có người quen biết là Đặng Trần Thường đến nhờ ông tiến cử. Tuy nhiên, thấy bộ dạng khúm núm của Đặng Trần Thường, Ngô Thì Nhậm lớn tiếng mắng đuổi:


Ở đây cần dùng người tài hạnh giúp vua trị nước. Còn như muốn ra luồn vào cúi thì đi nơi khác!


Đặng Trần Thường mất mặt, tẽn tò ra về và tìm tới Nguyễn Phúc Ánh (sau này trở thành vua Gia Long), được Nguyễn Phúc Ánh nhận dùng, được bổ làm quan. Ôm mối hận trong lòng với Ngô Thì Nhậm, hắn nhận việc chủ trì đánh đòn Ngô Thì Nhậm. Muốn làm nhục lại Ngô Thì Nhậm, hắn ra vế đối:


Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai?


Tưởng làm nhục được Ngô Thì Nhậm bằng vế đối đầy móc máy, nhưng Đặng Trần Thường tím mặt khi bị Ngô Thì Nhậm đối lại chan chát:


Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế nào cũng thế!


Ý Ngô Thì Nhậm rất rõ ràng: Chuyện thời thế chẳng biết đâu mà nói trước, biết đâu ngươi lại chẳng có bận lâm vào hoàn cảnh giống ta?


Vậy nên, Thường bắt ông phải sửa lại vế đối là “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời theo thế”.


Tuy nhiên, Ngô Thì Nhậm vẫn hiên ngang giữ trọn khí tiết, nhất quyết không sửa lại vế đối.


Thường tức bầm ruột tím gan, bèn cho lấy roi tẩm thuốc độc để đánh Ngô Thì Nhậm. Bởi vậy, trong số những người bị đánh đòn tại Văn Miếu hôm ấy, chỉ mình Ngô Thì Nhậm dính thuốc độc, những người kia đều còn sống.


Biết mình bị Thường nhỏ mọn hại chết, trước khi qua đời, ông làm bài thơ gửi tặng Đặng Trần Thường:


“Ai tai Đặng Trần Thường
Chân như yến xử đường
Vị Ương cung cố sự
Diệc nhĩ thị thu trường”


Nghĩa là: Thương thay Đặng Trần Thường, giống chim yến làm tổ trong ngôi nhà sắp cháy. Chuyện trong cung Vị Ương còn đó, kết cục của ngươi rồi cũng như vậy thôi. (Chuyện trong cung Vị Ương: Chuyện Hàn Tín giúp Hán Cao tổ, rồi bị Cao tổ giết ở cung Vị Ương). Sau này, quả nhiên, lời dự báo của Ngô Thì Nhậm ứng nghiệm, Đặng Trần Thường bị chính vua Gia Long xử tử.


Do đang làm quan dưới triều Lê – Trịnh lại bỏ sang làm quan cho triều Tây Sơn, nên Ngô Thì Nhậm trở thành trung tâm đàm tiếu của những kẻ sĩ trung thành với nhà Lê – Trịnh.


Sau này, nhà Nguyễn không công nhận và có thâm thù với nhà Tây Sơn, nên Ngô Thì Nhậm cũng không được các sử gia thời nhà Nguyễn nhìn nhận đúng công sức, trái lại, còn ra sức bôi nhọ ông.


Tuy nhiên, dưới ánh sáng của lịch sử hiện đại, thanh danh của Ngô Thì Nhậm đã được trả lại, công lao của ông với nước nhà cũng được đánh giá đầy đủ hơn. Bởi vậy, tên của ông được gắn với nhiều tuyến phố ở nhiều thành phố, thị xã lớn, nhỏ trên cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội – quê hương của ông.


https://hoangthanhthanglong.vn/blog/2023/05/15/ngo-thi-nham-2/


Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội