Châu Mỹ: TT Trump công bố dự án phòng thủ hỏa tiễn “Vòm Vàng”. Châu Á: Vũ khí Đông-Tây không chiến Ấn Độ - Pakistan

22 Tháng Năm 20259:12 SA(Xem: 1067)

VĂN HÓA ONLINE – ĐIỂM NÓNG - THỨ NĂM 22 MAY 2025


Châu Mỹ: TT Trump công bố dự án phòng thủ hỏa tiễn “Vòm Vàng” trên quỹ đạo. Châu Á: Vũ khí Đông-Tây không chiến Ấn Độ - Pakistan


image003Ảnh trên: Tổng thống Donald Trump (T) và hai thượng nghị sĩ nghe bộ trưởng Quốc Phòng Pete Hegseth trình bày về hệ thống lá chắn hỏa tiễn "Vòm Vàng" tại Phòng Bầu Dục, Washington DC, ngày 20/05/2025. AP - Alex Brandon. Ảnh giữa: Binh sĩ Ấn Độ tuần tra tại Kashmir 23/4/2025. (AP). Ảnh dưới: Chiến đấu cơ Rafale (ảnh minh họa) do Pháp sản xuất bị trúng tên lửa PL-15 trang bị cho chiến đấu cơ J-10C do Trung Quốc chế tạo cấp cho Pakistan.


VĂN HÓA ONLINE

22/5/2025


*


TT Trump công bố dự án phòng thủ hỏa tiễn “Vòm Vàng” trên quỹ đạo


Tổng thống Donald Trump, hôm qua 20/05/2025, thông báo Hoa Kỳ sẽ xây dựng một lá chắn hỏa tiễn quy mô lớn mang tên "Vòm Vàng", có khả năng đánh chặn mọi loại tên lửa, bao gồm cả những tên lửa được phóng từ bên kia bán cầu hoặc thậm chí từ không gian.


RFI 21/05/2025


Phan Minh


TT Trump khẳng định hệ thống này sẽ được hoàn thành trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ và sẽ có tổng chi phí khoảng 175 tỷ đô la. Về phần mình, Trung Quốc đã lên án lá chắn này là một dự án "mang tính tấn công mạnh mẽ" và là yếu tố có thể thúc đẩy quá trình quân sự hóa không gian, làm rối loạn cân bằng chiến lược toàn cầu và làm mất sự ổn định trên thế giới.


Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình:


Đó là một giấc mơ xưa cũ của Mỹ, bảo vệ đất nước khỏi mọi mối đe dọa tên lửa từ bên ngoài. Để thực hiện điều đó, Hoa Kỳ sẽ xây dựng một mạng lưới cảm biến phát hiện và bệ phóng tên lửa đặt trên quỹ đạo, và Donald Trump khẳng định hệ thống này gần như bất khả xâm phạm.


Tổng thống Mỹ tuyên bố: "Một khi hoàn thành, ‘Vòm Vàng’ sẽ có khả năng đánh chặn tên lửa, ngay cả khi chúng được phóng từ phía bên kia bán cầu hoặc thậm chí từ không gian. Chúng ta sẽ có hệ thống phòng thủ tốt nhất chưa từng được xây dựng. Chúng ta đã giúp Israel xây dựng hệ thống của họ và nó hoạt động rất tốt, và bây giờ công nghệ của chúng ta còn tân tiến hơn nữa. Dù đó là tên lửa siêu thanh, tên lửa đạn đạo hay tên lửa hành trình, tất cả sẽ bị loại bỏ khỏi bầu trời của chúng ta. Chúng ta sẽ thực sự hoàn thành công việc mà tổng thống Reagan đã khởi xướng cách đây 40 năm, chấm dứt vĩnh viễn mối đe dọa tên lửa đối với lãnh thổ Hoa Kỳ, và tính hiệu quả của hệ thống này đạt gần 100%, thực sự đáng kinh ngạc."


Điều này có thể làm thay đổi cán cân chiến lược toàn cầu. Toàn bộ dự án được Tòa Bạch Ốc ước tính có chi phí lên tới 175 tỷ đô la, và Hoa Kỳ dự định chia sẻ hệ thống này với Canada mà theo Washington cũng quan tâm đến "Vòm Vàng". Donald Trump cho rằng có thể hoàn thành dự án này trong vòng chưa đầy 3 năm.


https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20250521-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-m%E1%BB%B9-c%C3%B4ng-b%E1%BB%91-d%E1%BB%B1-%C3%A1n-ph%C3%B2ng-th%E1%BB%A7-t%C3%AAn-l%E1%BB%ADa-v%C3%B2m-v%C3%A0ng


**


Các báo cáo gần đây từ Associated Press (AP) cho thấy sự leo thang đáng kể căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, lên đến đỉnh điểm là các cuộc tấn công quân sự (07/05/2025) và lệnh ngừng bắn tiềm tàng. Cuộc xung đột bắt nguồn từ một cuộc tấn công ở Kashmir do Ấn Độ quản lý, nơi du khách Ấn Độ đã thiệt mạng. Ấn Độ đổ lỗi cho Pakistan về vụ tấn công và trả đũa bằng các cuộc tấn công tên lửa vào lãnh thổ Pakistan. Pakistan cũng đáp trả bằng các cuộc tấn công của riêng mình. Các cuộc đàm phán do Hoa Kỳ dẫn đầu đã dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn, nhưng căng thẳng vẫn ở mức cao và cả hai quốc gia đã cáo buộc lẫn nhau về việc vi phạm lệnh ngừng bắn.


AP https://www.google.com/search?client=firefox-b-1


Không chiến Ấn Độ - Pakistan: Cuộc thử nghiệm vũ khí Trung Quốc & phương Tây


Đêm ngày 06 rạng sáng ngày 07/05/2025, Ấn Độ tiến hành chiến dịch quân sự Sindoor, không kích nhiều mục tiêu « khủng bố » trên lãnh thổ Pakistan nhằm trả đũa vụ tấn công khủng bố tại vùng Kashmir làm thiệt mạng 26 du khách Ấn Độ. Nhưng đợt giao tranh lần này, cuộc không chiến lớn nhất giữa hai cường quốc Nam Á có vũ khí nguyên tử, còn là một cuộc « đọ sức » giữa vũ khí phương Tây và Trung Quốc.


RFI 20/05/2025


image005Ảnh minh họa: Chiến đấu cơ Rafale của Pháp diễn tập tại căn cứ hải quân Landivisiau, Saint-Servais, miền tây nước Pháp, ngày 16/04/2025. AFP - FRED TANNEAU


Minh Anh


Không chiến quy mô lớn chưa từng có


Theo trang Armée.com, cuộc không chiến giữa Ấn Độ và Pakistan huy động tổng cộng 125 chiến đấu cơ. Không quân Ấn Độ chủ yếu sử dụng các loại máy bay chiến đấu do Pháp và Nga sản xuất như Rafale, Mirage hay Su-30MKI và Mig-29. Còn phía Pakistan thì dùng đến các tiêm kích F-16 (Mỹ) và JF-17, J-10C của Trung Quốc. Ngoài ra, còn phải kể đến các loại trang thiết bị quân sự khác như hệ thống phòng không S-400 (thời Xô Viết) cũng như các loại drone Harop (Israel) được phía Ấn Độ dùng đến, hay như hệ thống tên lửa địa đối không HQ-9 của Trung Quốc bên phía Pakistan.


Ngay trong đêm đầu tiên giao chiến, không quân Ấn Độ khẳng định đã phá hủy nhiều mục tiêu, còn không quân Pakistan loan báo đã bắn hạ được 5 chiến đấu cơ của Ấn Độ, trong đó có ba chiếc Rafale do Pháp sản xuất. Trang mạng Armée nêu rõ, các đợt nã tên lửa lẫn nhau được tiến hành từ xa, đôi khi lên đến 160 km và không một chiếc tiêm kích nào vượt qua biên giới giữa hai nước.


Theo như khẳng định từ bộ Ngoại Giao Pakistan với phái bộ ngoại giao Trung Quốc tại Islamabad, vào lúc 4 giờ sáng ngày 07/05, ba chiếc Rafale của Pháp đã trúng tên lửa PL-15 trang bị cho tiêm kích J-10C do Trung Quốc chế tạo và cấp cho Pakistan.


Cho đến hiện tại Ấn Độ không xác nhận cũng không phủ nhận các thông tin trên. Hãng Dassault, nhà sản xuất chiến đấu Rafale cũng không trả lời yêu cầu bình luận của kênh truyền hình quốc tế France 24. Tuy nhiên, hãng tin Anh Reuters dẫn một phân tích từ Washington Post, do ba chuyên gia về vũ khí tiến hành, đã khẳng định rằng các hình ảnh được thẩm định từ điểm rơi máy bay cho thấy những mảnh vỡ đó « tương thích với ít nhất hai chiến đấu cơ do Pháp sản xuất cho không quân Ấn Độ - một Rafale và một Mirage ».


“Đọ sức” giữa Rafale Pháp và J-10C Trung Quốc


Nếu như thông tin được khẳng định, đây có lẽ là lần đầu tiên một chiếc Rafale chính thức bị bắn hạ trong chiến đấu. Khả năng tên lửa Trung Quốc bắn rơi Rafale làm dấy lên một câu hỏi lớn : Phải chăng Bắc Kinh đã vượt qua được công nghệ Pháp trên phương diện chiến đấu cơ ?


Theo trang GEO, về mặt kỹ thuật, chiến đấu cơ Rafale, do hãng Dassault Aviation của Pháp chế tạo, được coi là mẫu máy bay chủ lực của ngành hàng không quân sự. Là loại máy bay chiến đấu đa năng, Rafale vượt trội về chiếm ưu thế trên không, tấn công trên bộ, trinh sát, tấn công hạt nhân và hỗ trợ tầm gần. Ấn Độ được cho là khách hàng chính của hãng, hiện sở hữu đến 62 chiếc Rafale, trong đó, 36 chiếc cho không quân và 26 chiếc cho thủy quân lục chiến, tăng cường đáng kể năng lực không quân.


Liên quan đến chiếc J-10C, còn có biệt danh là Vigorous Dragon, là do tập đoàn hàng không Thành Đô thiết kế, thể hiện tham vọng của Bắc Kinh như là một giải pháp thay thế đáng tin cậy đối với nhiều loại tiêm kích của phương Tây như F-16 của Mỹ. Trang Armée.com cho biết, J-10C được cho là có khả năng tàng hình, được trang bị ra-đa AESA, hệ thống tác chiến điện tử tích hợp, và tên lửa tầm xa PL-15.


Tuy nhiên, không giống như F-16 của Mỹ hay Rafale của Pháp, được thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu thực tế, các tính năng của J-10C chỉ được thể hiện trong các cuộc triển lãm hàng không hoặc tập trận chung được lên kịch bản, trong những điều kiện mà ở đó các mối đe dọa được mô phỏng một cách thuận lợi. Một điểm khác đáng chú ý là trong cuộc không chiến này, giới chuyên gia nghi ngờ Pakistan sử dụng loại tên lửa PL-15 không xuất khẩu có tầm bắn đến 300 km thay vì là 140, loại vũ khí xuất khẩu.


Trung Quốc rút ngắn cách biệt công nghệ


Thông báo của Pakistan về việc bắn hạ được ba chiến đấu cơ Rafale của Pháp, « sẽ là một thắng lợi lớn cho Trung Quốc trên phương diện hình ảnh, nhất là đối với một nước, về mặt lý thuyết, chưa tiến hành một cuộc chiến nào kể từ sau chiến tranh Việt Nam 1979 và do vậy vũ khí chưa có cùng tiếng tăm như vũ khí Pháp hay Mỹ », theo như đánh giá từ Carlotta Rinaudo, chuyên gia về Trung Quốc tại International Team for the Study of Security Verona (ITSS) với France 24.


Thành công này dường như cho thấy Trung Quốc đang rút ngắn cách biệt kỹ thuật với phương Tây trong một số lĩnh vực, đặc biệt là « tích hợp các hệ thống » và chiến tranh điện tử. Theo bà Carlotta Rinaudo, cuộc không chiến giữa Ấn Độ và Pakistan buộc phương Tây phải thay đổi cách nhìn về vũ khí Trung Quốc thường bị đánh giá thấp : « Ngày nay Trung Quốc bán nhiều vũ khí hiện đại và tinh vi hơn, được cho là rất hiệu quả. Bài học rút ra ở đây là chớ nên xem vũ khí Trung Quốc kém hơn vũ khí phương Tây ».


Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã cải thiện đáng kể các năng lực của ngành công nghiệp vũ khí. Trung Quốc những năm gần đây đã bắt đầu gia tăng mức xuất khẩu vũ khí sang các nước phương Nam Toàn Cầu, châu Phi, châu Mỹ Latinh và cả châu Á. Vũ khí Trung Quốc còn tạo sự khác biệt so với phương Tây là có giá cả phải chăng. Trong bối cảnh Donald Trump đe dọa toàn cầu với các biện pháp thuế quan, Trung Quốc có nhiều cơ may mở rộng thị phần bên cạnh những nước nào có mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung vũ khí.


Sự việc cũng khiến các cường quốc vũ khí phương Tây lo lắng. Theo quan điểm của ông Fabrice Wolf trên trang Meta Defense, thất bại này làm sứt mẻ độ tin cậy của các loại vũ khí phương Tây (Eurofighter, Gripen, Super Hornet…). Việc một chiếc Rafale bị bắn hạ trong chiến đấu là đòn đau cho Dassault nói riêng và Pháp nói chung, vốn đã ký kết được gần 20 hợp đồng xuất khẩu trong 10 năm. Ngay khi có thông tin mất một chiếc Rafale, giá cổ phiếu của Dassault đã bị rớt đến 10%, bằng chứng cho thấy sự cố có tác động đến tâm lý các nhà đầu tư.


Tuy nhiên, trong vụ việc này, bên đáng lo nhất có lẽ là Đài Loan. Theo France 24, Đài Loan theo dõi sát sao cuộc xung đột, thể hiện rõ tính năng của vũ khí tiên tiến Trung Quốc so với những thiết bị quân sự mà các nước thành viên NATO đang sử dụng. Những năm gần đây, Trung Quốc thường xuyên điều chiến đấu cơ J-10C xâm nhập vào eo biển Đài Loan nhằm phô trương sức mạnh quân sự!


***


XEM THÊM:


Ấn Độ và Pakistan đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới. Dưới đây là cái nhìn về lịch sử xung đột vũ trang của họ


image007image009Địa hình thung lũng Kashmir, với dãy Pir Panjal (bên trái) và dãy Great Himalaya (bên phải). Ở trung tâm là Srinagar, thành phố lớn nhất và là thủ phủ mùa hè của Jammu và Kashmir. Ảnh: kk & Google Earth. Nơi đây đã diễn ra vụ thảm sát 26 khách du lịch ở Kashmir do Ấn Độ kiểm soát vào tháng trước.


May 12, 2025


https://apnews.com/article/india-pakistan-kashmir-pahlagam-loc-c657a7c7ad14440b03f5f75887922b0b


NEW DELHI (AP) — Sau nhiều ngày đấu súng dữ dội, chính quyền Ấn Độ và Pakistan hôm thứ Hai cho biết không có vụ nổ súng nào được báo cáo trong đêm dọc theo khu vực quân sự hóa nghiêm trọng giữa hai nước, lần đầu tiên trong những ngày gần đây hai nước không nổ súng vào nhau. Ấn Độ và Pakistan hôm thứ Bảy đã đạt được thỏa thuận ngừng mọi hành động quân sự trên bộ, trên không và trên biển, trong lệnh ngừng bắn do Hoa Kỳ làm trung gian nhằm ngăn chặn tình trạng thù địch leo thang giữa hai đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân đe dọa đến hòa bình khu vực.


Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau thông báo ngừng bắn, quân đội ở cả hai nước đã cáo buộc nhau vi phạm, làm dấy lên lo ngại về việc thỏa thuận có được thực hiện hay không. Quân đội Ấn Độ và Pakistan đã tham gia vào một trong những cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ kể từ thứ Tư tuần trước, khi Ấn Độ tấn công các mục tiêu bên trong Pakistan mà họ cho là có liên quan đến các chiến binh chịu trách nhiệm cho vụ thảm sát 26 khách du lịch ở Kashmir do Ấn Độ kiểm soát vào tháng trước.


Pakistan phủ nhận mọi vai trò trong việc hậu thuẫn cho các chiến binh thực hiện vụ thảm sát. Vụ việc đầu tiên dẫn đến một cuộc đấu khẩu về các biện pháp ngoại giao ăn miếng trả miếng của cả hai quốc gia, khiến quan hệ song phương của họ xuống mức thấp gần như lịch sử.


Hai bên trục xuất các nhà ngoại giao của nhau, đóng cửa không phận, biên giới trên bộ và đình chỉ một hiệp ước quan trọng về nước.


Sau các cuộc không kích của Ấn Độ vào Pakistan hôm thứ Tư, cả hai bên đã trao đổi hỏa lực dữ dội dọc theo biên giới thực tế của họ ở khu vực Kashmir bất ổn, sau đó là các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào lãnh thổ của nhau, chủ yếu nhắm vào các cơ sở quân sự và căn cứ không quân.


Các quan chức quân sự cấp cao của Ấn Độ và Pakistan sẽ nói chuyện qua điện thoại vào cuối ngày thứ Hai để đánh giá tình hình ngừng bắn. Trong khi thế giới đang chờ đợi những diễn biến tiếp theo, sau đây là cái nhìn về nhiều cuộc xung đột giữa hai quốc gia kể từ khi phân chia đẫm máu vào năm 1947:


1947 — Vài tháng sau khi Ấn Độ thuộc Anh bị chia cắt thành Ấn Độ chủ yếu theo đạo Hindu và Pakistan chủ yếu theo đạo Hồi, hai quốc gia trẻ này đã tiến hành cuộc chiến đầu tiên để giành quyền kiểm soát Kashmir chủ yếu theo đạo Hồi, sau đó là một vương quốc do một quốc vương theo đạo Hindu cai trị. Cuộc chiến đã giết chết hàng nghìn người trước khi kết thúc vào năm 1948.


1949 — Một đường ranh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc làm trung gian khiến Kashmir bị chia cắt giữa Ấn Độ và Pakistan, với lời hứa về một cuộc bỏ phiếu do Liên Hợp Quốc bảo trợ sẽ cho phép người dân trong khu vực quyết định trở thành một phần của Pakistan hay Ấn Độ. Cuộc bỏ phiếu đó chưa bao giờ được tổ chức.


1965 — Hai bên đối địch tiến hành cuộc chiến thứ hai vì Kashmir. Hàng nghìn người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh không có hồi kết trước khi Liên Xô và Hoa Kỳ làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn. Các cuộc đàm phán ở Tashkent kéo dài cho đến tháng 1 năm 1966, kết thúc bằng việc cả hai bên trả lại các vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm giữ trong chiến tranh và rút quân đội của mình.


1971 — Ấn Độ can thiệp vào một cuộc chiến giành độc lập của Đông Pakistan, kết thúc bằng việc vùng lãnh thổ này tách ra thành quốc gia mới Bangladesh. Người ta ước tính có khoảng 3 triệu người thiệt mạng trong cuộc xung đột.


1972 — Ấn Độ và Pakistan ký hiệp định hòa bình, đổi tên đường ngừng bắn ở Kashmir thành Đường kiểm soát. Cả hai bên đều triển khai thêm quân dọc biên giới, biến nó thành một khu vực tiền đồn quân sự được củng cố nghiêm ngặt.


1989 — Những người bất đồng chính kiến ​​Kashmir, với sự hỗ trợ của Pakistan, đã phát động một cuộc nổi loạn đẫm máu chống lại sự cai trị của Ấn Độ. Quân đội Ấn Độ đáp trả bằng các biện pháp tàn bạo, làm gia tăng các cuộc giao tranh ngoại giao và quân sự giữa New Delhi và Islamabad.


1999 — Binh lính Pakistan và chiến binh Kashmir chiếm giữ một số đỉnh núi Himalaya ở phía Ấn Độ. Ấn Độ đáp trả bằng các cuộc ném bom trên không và pháo binh. Ít nhất 1.000 chiến binh đã thiệt mạng trong 10 tuần và thế giới lo ngại rằng cuộc giao tranh có thể leo thang thành xung đột hạt nhân. Cuối cùng, Hoa Kỳ đã vào cuộc để làm trung gian, chấm dứt cuộc giao tranh.


2016 — Những kẻ khủng bố lẻn vào một căn cứ quân đội ở Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, giết chết ít nhất 18 binh sĩ. Ấn Độ đáp trả bằng cách gửi lực lượng đặc nhiệm vào bên trong lãnh thổ do Pakistan kiểm soát, sau đó tuyên bố đã giết chết nhiều phiến quân bị tình nghi trong các "cuộc tấn công phẫu thuật". Pakistan phủ nhận các cuộc tấn công đã diễn ra, nhưng nó dẫn đến nhiều ngày giao tranh lớn ở biên giới. Những người tham chiến và thường dân ở cả hai bên đều thiệt mạng.


2019 — Hai bên một lần nữa tiến gần đến chiến tranh sau khi một phiến quân Kashmir đâm một chiếc ô tô chứa đầy thuốc nổ vào một chiếc xe buýt chở binh lính Ấn Độ, khiến 40 người thiệt mạng. Ấn Độ tiến hành các cuộc không kích trên lãnh thổ Pakistan và tuyên bố đã tấn công một cơ sở huấn luyện phiến quân. Sau đó, Pakistan bắn hạ một máy bay chiến đấu của Ấn Độ và bắt giữ một phi công. Sau đó, anh ta được thả, làm giảm căng thẳng.


2025 — Những kẻ phiến quân tấn công khách du lịch Ấn Độ tại thị trấn nghỉ dưỡng Pahalgam của khu vực và giết chết 26 người đàn ông, hầu hết là người theo đạo Hindu. Ấn Độ đổ lỗi cho Pakistan, nhưng nước này phủ nhận điều đó. Ấn Độ thề trả thù những kẻ tấn công khi căng thẳng lên đến đỉnh điểm kể từ năm 2019. Cả hai nước đều hủy thị thực cho công dân của nhau, triệu hồi các nhà ngoại giao, đóng cửa khẩu biên giới đất liền duy nhất của họ và đóng cửa không phận của họ với nhau. New Delhi cũng đình chỉ một hiệp ước chia sẻ nguồn nước quan trọng.


Vài ngày sau, Ấn Độ tấn công vào những gì họ gọi là chín nơi ẩn náu của khủng bố trên khắp Pakistan và Kashmir do Pakistan kiểm soát bằng tên lửa chính xác.


Islamabad trả đũa và bắn tên lửa và đàn máy bay không người lái trên nhiều thành phố phía bắc và phía tây Ấn Độ, nhắm vào các cơ sở quân sự và căn cứ không quân.


Sau đó, Ấn Độ nhắm vào nhiều căn cứ không quân, hệ thống radar và cơ sở quân sự của Pakistan. Khi tình hình trở nên căng thẳng hơn, Hoa Kỳ đã đàm phán với giới lãnh đạo của hai nước và Tổng thống Donald Trump tuyên bố đã đạt được lệnh ngừng bắn.