Tổ chức rình rang “Ngày chiến thắng”, Putin muốn làm quên đi sự sa lầy ở Ukraina

12 Tháng Năm 20258:57 SA(Xem: 1628)

VĂN HÓA ONLINE – THẾ GIỚI - VIỆT NAM - THỨ HAI 12 MAY 2025


Tổ chức rình rang “Ngày chiến thắng”, Putin muốn làm quên đi sự sa lầy ở Ukraina


image034Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tt Nga Putin ở quãng trường đỏ Thứ Sáu 09/5/2025. (Yuri Kochetkov/Pool Photo qua AP)


image037Đội “Lịch sử cờ đỏ Cs VN” diễn hành trên quãng trường Đỏ Moscow trong « Ngày chiến thắng » nhân kỷ niệm 80 năm Đệ nhị Thế chiến kết thúc, ngày 09/05/2025. via REUTERS - Alexander Vilf


image039Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm trong một cuộc họp tại Moscow, Nga ngày 10 tháng 5 năm 2025. (Reuters)


RFI 11/05/2025


Một số sự kiện đáng chú ý trong tuần qua:


- Putin tưng bừng kỷ niệm 80 năm kết thúc Đệ nhị Thế chiến, giành hết công trạng cho người Nga đồng thời chứng tỏ không bị cô lập vì xâm lăng Ukraina.


- Tại Vatican, Mật nghị Hồng y tạo bất ngờ khi bầu ra tân Giáo hoàng người Mỹ Lêô XIV. - Donald Trump nói rằng đang làm điều tốt đẹp cho nhân loại.


- Căng thẳng giữa hai quốc gia có vũ khí nguyên tử Ấn Độ và Pakistan.


Thụy My


Mời « các nước anh em » để chứng tỏ không bị cô lập


Le Figaro cuối tuần cho rằng Putin làm rầm rộ ngày kỷ niệm 80 năm chiến thắng Đức quốc xã để chứng tỏ không còn bị cô lập, với sự hiện diện của khoảng 20 nhà lãnh đạo và quân đội một số nước tham gia diễu hành. Vladimir Putin không hề có một lời nào nói đến khả năng kết thúc chiến tranh ở Ukraina, cũng như lời đề nghị cởi mở của Donald Trump.


Ông chủ điện Kremlin khẳng định « đất nước, xã hội và toàn thể nhân dân ủng hộ những người tham gia ‘’chiến dịch quân sự đặc biệt’’ » - từ ngữ hoa mỹ dùng để chỉ cuộc xâm lăng Ukraina kéo dài đã ba năm qua, làm mấy trăm ngàn người chết và bị thương. Khoảng 1.500 người lính đã chiến đấu ở Ukraina nằm trong số 11.000 lính diễu hành ở trung tâm Matxcơva - được giữ an ninh nghiêm ngặt sau những vụ tấn công những ngày gần đây.


Putin tuyên bố Nga luôn là « rào cản vững chắc chống lại chủ nghĩa quốc xã, nạn bài Nga, bài Do Thái » - những lý lẽ Matxcơva thường dùng để cáo buộc chính quyền Kiev. Khách mời số một là Tập Cận Bình đứng dậy chào đoàn quân Trung Quốc diễu hành qua lễ đài, những quân nhân Việt Nam, Lào, Miến Điện, Azerbaijan, Uzbekistan, Ai Cập cũng được lãnh đạo nước mình chào mừng khi đi qua quảng trường Đỏ. Sau buổi lễ, Putin còn trao đổi thân mật với các sĩ quan Bắc Triều Tiên. Đó là các chỉ huy của lực lượng tăng viện cho mặt trận Kursk được Kim Jong Un gởi đến, mà từ nhiều tháng qua Matxcơva vẫn giữ im lặng.


Bên cạnh lãnh đạo các nước « anh em », còn có thủ tướng Slovakia - ông Robert Fico bất chấp khuyến cáo của Liên hiệp châu Âu. Tổng thống Serbia, Aleksandar Vucic và tổng thống Cộng Hòa Serbia thuộc Bosnia (Srprka), Milorad Dodik, bị tư pháp Bosnia truy lùng, cũng có mặt trên quảng trường Đỏ. Một danh sách khách mời mà Kremlin muốn nhân đó chứng tỏ không bị cô lập ngoại giao.


Ngược lại, không có đại diện nào của Hoa Kỳ tham dự, dù trước đó theo tin đồn là sẽ có một nhà đàm phán của Donald Trump thậm chí ngoại trưởng Marco Rubio đến. Một sự vắng mặt chứng tỏ tiến trình thương lượng đang sa lầy. Vladimir Putin tiếp tục dùng những từ ngữ đao to búa lớn để ca ngợi vai trò chủ chốt của Liên Xô trong Đệ nhị Thế chiến. Le Figaro cũng nhận thấy lần đầu tiên có sự xuất hiện của các drone, bên cạnh các hỏa tiễn chiến lược có thể mang đầu đạn nguyên tử.


Hòa bình kiểu Stalin: Một đại dương nước mắt!


Nhưng Le Point cho biết châu Âu không để cho Putin tự trao cho mình mọi thành quả của chiến thắng. Cùng ngày, Pháp và Ba Lan ký kết một hiệp ước hữu nghị, và chính tại Kiev mà ngoại trưởng các nước châu Âu kỷ niệm 75 năm tuyên bố ngày 09/05/1950 của Robert Schuman, thành lập Cộng đồng than thép châu Âu, tiền thân của Liên Hiệp Châu Âu ngày nay. Quay lại với lịch sử, tuần báo nói về « Hòa bình theo kiểu Stalin ».


Cách đây đúng 80 năm


Sau khi đài phát thanh Matxcơva loan tin Đức quốc xã đã đầu hàng, khắp nơi từ nhà máy đến nông trường đều có những diễn đàn ca ngợi « cha già dân tộc ». Tại Kremlin, Stalin ký một văn bản quan trọng, liên quan đến 1 triệu người lính Liên Xô bị Đức bắt làm tù binh, trong đó một số được đồng minh trao trả. Khoảng 100 trại thanh lọc, mỗi trại chứa 10.000 người được thành lập. Sau khi thẩm vấn, những ai từng phục vụ trong công cuộc diệt chủng người Do Thái hay quản giáo ở trại tập trung đều bị hành quyết, số khác tống vào các gu-lắc.


Theo nhà sử học Marie Moutier-Bitan, chỉ 20 % được quay lại với đời sống dân sự. Trong số những người lính bị xử tử có các đơn vị của quân đội Vlassov, đã chạy trốn khỏi Praha và đầu hàng người Mỹ, ngỡ rằng đã thoát nạn nhưng lại bị trao trả cho Hồng quân. Không xa điện Kremlin, một sĩ quan 26 tuổi từ nhiều tháng đã bị giam giữ Alexandre Soljenitsyne. Viên đại úy pháo binh bị bắt vì chỉ trích Stalin thanh trừng quân đội Liên Xô và liên minh với Hitler. Người sĩ quan trẻ bị lãnh án 8 năm cải tạo lao động, sau đó đã cho ra đời tác phẩm « Quần đảo ngục tù » làm rung chuyển toàn bộ Liên Xô.


Trong The Day the War Ended (Ngày chiến tranh kết thúc), nhà sử học Martin Gilbert dẫn ra lời chứng về không khí thực sự lúc đó ở Liên Xô : « Ở tiền tuyến, một đại dương vodka và hàng loạt phát súng chỉ thiên. Trong thẳm sâu của đất nước, là một đại dương nước mắt. Hầu như mỗi gia đình đều mất đi một thành viên ».


Hai cách diễn giải khác nhau về Đệ nhị Thế chiến


Nga kỷ niệm ngày 09/05, theo giờ Matxcơva khi Đức đầu hàng lần thứ hai trước Liên Xô sau khi đã hàng với đồng minh phương Tây. Kremlin gọi đây là « Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại », giành trọn vinh quang cho người Nga. Tuy nhiên lại lờ đi giai đoạn trước đó, nhất là sự đồng lõa của Stalin với Hitler, và việc Nga thông đồng với Đức quốc xã để chiếm các nước Baltic, một phần ba Ba Lan, một phần Rumani và Phần Lan. Sách sử chính thức cũng xóa hẳn nguồn viện trợ vô cùng lớn lao của Hoa Kỳ, cứ như là người Nga tự mình làm được tất cả.


Washington mừng chiến thắng của các nền dân chủ, tuy đã để lại phân nửa châu Âu dưới sự chiếm đóng của Liên Xô, nhờ đó Matxcơva áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên Đông Âu. Phải chờ đến khi Liên Xô tự sụp đổ, các nước này mới tìm lại được chủ quyền. Đó là lý do vì sao người Ukraina bỏ phiếu chọn độc lập năm 1991 và các quốc gia Đông Âu vội vã xin gia nhập NATO. Hoa Kỳ có xu hướng coi chiến tranh là cuộc chiến đạo đức, chỉ có thể kết thúc bằng chiến thắng toàn diện và tương đối nhanh. Theo Le Figaro, việc bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa năm 1975 và Afghanistan năm 2021 nằm trong logic này. Cuộc xâm lăng Ukraina hiện nay, được cho là không thể thắng hoàn toàn, cũng có cùng một lối suy nghĩ.


Kiev cần được chuyển giao nhanh vũ khí


Về phía Ukraina, đặc phái viên Le Point ghi nhận chuyến thăm Kiev của bộ tứ lãnh đạo Pháp, Đức, Anh, Ba Lan là nguồn động viên đáng kể cho Ukraina. Họ bí mật đến nơi bằng xe lửa, trong bầu không khí rất bất thường ở thủ đô Ukraina : không có còi báo động vì Putin ngưng bắn ba ngày. 


Chuyến thăm diễn ra vào lúc Nga đang yếu hẳn đi dù tổ chức cuộc duyệt binh hoành tráng trên quảng trường Đỏ. Ngoài chiến trường, từ nhiều tháng qua quân Nga không chiếm nổi thành phố Pokrovsk nhỏ bé ở miền đông Ukraina dù đã hy sinh rất nhiều mạng lính. Về chính trị, Hoa Kỳ tỏ ra bực tức vì những yêu sách quá đáng của Vladimir Putin. Còn về kinh tế, giá dầu thô giảm mạnh và các biện pháp trừng phạt mới của châu Âu khiến Kremlin mất một nguồn thu khá lớn.


Kiev rất hoan nghênh sự thức tỉnh của châu Âu, nhưng tiếc rằng hành động quá chậm chạp. Một cố vấn tổng thống Volodymyr Zelensky giải thích : « Các chiến binh của chúng tôi phải trả giá cho việc chuyển giao vũ khí quá chậm ». Dân biểu Oleksiy Gontcharenko nói thêm : « Với nhịp độ này, Ukraina sẽ bị xóa tên trên bản đồ trước khi toán quân đầu tiên của châu Âu đến nơi. Vì vậy chúng tôi mới cần đến người Mỹ ».


Dân biểu Pháp Anne Genetet nhấn mạnh châu Âu cần có chủ trương cứng rắn về an ninh, không thể nhượng bộ Vladimir Putin và Donald Trump. Thông điệp do phái đoàn châu Âu mang đến là Nga phải chấp nhận ngưng bắn vô điều kiện trong 30 ngày. Bà Genetet hy vọng công thức Weimar + (Pháp, Đức, Ba Lan, Anh) sẽ giúp bảo đảm việc triển khai « Liên minh tình nguyện » : lực lượng Kiev trên tiền tuyến, đồng minh bảo vệ cơ sở hạ tầng chiến lược của Ukraina.


Thương vong quá nhiều, Putin biến « chiến dịch quân sự đặc biệt » thành cuộc chiến chống phương Tây  


« Putin muốn gì và làm thế nào châu Âu có thể ngăn chận » - đó là vấn đề được The Economist đưa ra, với ảnh chân dung Vladimir Putin chiếm hẳn trang bìa của tuần báo. The Economist cho rằng số lính tử trận ở Ukraina càng tăng lên, thì Putin càng gia tăng mục đích chiến tranh để biện minh cho số thương vong.


Một « chiến dịch quân sự đặc biệt » đã được tuyên truyền thành cuộc đấu tranh sinh tồn của Nga trước các kẻ thù từ xa. Đây là một thay đổi sâu sắc, có nghĩa là tương lai của Ukraina phụ thuộc vào tham vọng của Putin thay vì ngoại giao nặng phần trình diễn của Donald Trump. Và cũng có nghĩa là nhiều người châu Âu đang đồng lõa với mối đe dọa Nga, không biết làm cách nào đối phó.


Có thể Nga không xâm lăng tiếp các vùng đất khác của châu Âu, nhưng sẽ tạo ảnh hưởng bằng vô số vụ tấn công tin học, lũng đoạn, ám sát, phá hoại. Nếu nhận ra một điểm yếu nào đó, Putin có thể tìm cách chia rẽ NATO, chiếm một mảnh đất nho nhỏ, đặt đồng minh trước thách thức trả đũa. Việc này có thể xảy ra trong hai đến năm năm tới, nghe có vẻ lâu, nhưng trong kế hoạch quân sự, chỉ là một cái chớp mắt. 


Nhiều người ở Hoa Kỳ và Nam Âu sẽ cho rằng dự báo trên đây là hoang tưởng, đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff khẳng định có thể tin vào Vladimir Putin. Những người khác dù đủ khôn ngoan để không đặt niềm tin vào một người đã khởi động năm cuộc chiến tranh trong vòng 25 năm qua, vẫn cho rằng Nga quá yếu để có thể là mối đe dọa thực sự.


Châu Âu đủ giàu mạnh để đấu với Nga, chỉ thiếu đoàn kết


Tại Ukraina, Nga phải chịu đựng đến 1 triệu thương vong, và ngoài số đất chiếm được trong những tuần lễ đầu, quân Nga đến nay chỉ giành được thêm 1 % lãnh thổ của Ukraina. Một nền hòa bình tạm bợ áp đặt cho Ukraina sẽ chỉ là bước đệm để Putin tiến hành một cuộc chiến tranh mới. Tuy nhiên ông chủ điện Kremlin đã 72 tuổi, The Economist cho rằng cần nghĩ đến những gì sẽ diễn ra sau triều đại Vladimir Putin.


Sau ba năm, cuộc chiến tranh đã nhuộm màu ý thức hệ. Trước đó 60 % người Nga nói rằng ưu tiên của chính quyền phải là cải thiện mức sống, ngày nay tỉ lệ này chỉ còn 41 %. Thay vào đó, 55 % muốn Nga thành đại cường quốc tế. Putin đặt cả nước vào thời chiến, kỹ nghệ quốc phòng tạo ra việc làm, trợ cấp hào phóng cho lính và gia đình quân nhân chiếm 1,5 % GDP, đàn áp mạnh mẽ hơn và dân Nga bị cô lập hơn với phương Tây.


Châu Âu đang mua nhiều vũ khí hơn. Các số liệu từ tổ chức SIPRI của Thụy Điển cho thấy các nước NATO, không bao gồm Hoa Kỳ, đã tăng chi quốc phòng 68 tỉ đô la, tương đương 19 %, trong năm 2022-2023. Châu Âu đủ giàu có và sức mạnh kỹ nghệ để đối phó với Putin, có khả năng hòa giải được với người kế nhiệm ông ta. Khi những người lính Nga diễu hành qua Quảng trường Đỏ, câu hỏi đặt ra là liệu châu Âu có thể vượt qua những chia rẽ của mình để cứu được Ukraine và tự vệ hay không.


Đức giáo hoàng Lêô XIV : Bất ngờ thú vị từ mật nghị Hồng y


Về nhà lãnh đạo mới của giáo hội Công giáo, trả lời Le Nouvel Obs, bà Christine Pedotti, chủ biên tạp chí Chứng nhân Cơ Đốc nhận định, « Chọn lựa Giáo hoàng Lêô XIV cũng độc đáo như bầu lên một người Ba Lan làm Giáo hoàng năm 1978 ! ». Sự xuất hiện của Hồng y Robert Francis Devost trên balcon Đại giáo đường Thánh Phêrô ngỡ như chỉ có trong tiểu thuyết.


Đành rằng ngài là một người Mỹ sinh ở Chicago, nhưng có cha người Pháp gốc Ý và mẹ người Tây Ban Nha, mang hai quốc tịch Mỹ-Pêru, một chiếc cầu nối giữa các quốc gia. Phong cách của Đức giáo hoàng Lêô XIV cổ điển hơn, và như vậy có thể thuyết phục được những người bảo thủ. Từ balcon, Lêô XIV đã nhấn mạnh ngay đến hòa bình, một điều tuyệt vời. Lời cảm ơn dành cho Đức giáo hoàng Phanxicô cho thấy ông sẽ không từ bỏ di sản của người tiền nhiệm.


Năm nay 69 tuổi, nhiệm kỳ của ông sẽ còn kéo dài. Bà Christine Pedotti nhắc nhở, đừng quên rằng trở thành người đứng đầu Giáo hội vừa là cú sốc tâm lý, vừa là một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Nhìn lại 60 năm qua : Đức giáo hoàng Gioan XXIII được bầu sau 11 vòng bỏ phiếu tuy lúc đó chỉ có 51 Hồng y. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô I gánh trách nhiệm nặng nề đến nỗi từ trần sau 33 ngày. Gioan Phaolô II đóng trọn vai trò Giáo hoàng, trong khi Bênêdictô XVI đã phải từ nhiệm, Phanxicô thì đã dâng hiến trọn đời.


Không thể nào nói trước được một Hồng y trở thành Giáo hoàng có thể làm rạng danh như thế nào hay phải chịu đựng. Chuyên gia Pedotti nhận thấy ngay trong những lần xuất hiện đầu tiên, Giáo hoàng Lêô XIV có cái vẻ thanh thản như một người từng đóng vai trò này trong suốt cuộc đời. Đây là một khởi đầu đáng khích lệ cho triều đại Giáo hoàng.


Donald Trump : « Những gì tôi làm là tốt đẹp cho nhân loại »


Về tổng thống Hoa Kỳ, hồ sơ Courrier International tuần này dành một ngoại lệ là dịch toàn bộ bài phỏng vấn ông Donald Trump của nguyệt san Mỹ The Atlantic, một tờ báo luôn chỉ trích ông chủ mới của Nhà Trắng. Nhân kỷ niệm 100 ngày cầm quyền của tổng thống Trump, ấn phẩm này đã đăng lên mạng bài phỏng vấn rất dài của hai nhà báo xuất thân từ Washington Post về sự tái đắc cử ngoạn mục của ông, sau thất bại – mà Trump chưa bao giờ nhìn nhận - trước Joe Biden năm 2020. Ban đầu bị từ chối tiếp, nhưng rốt cuộc Nhà Trắng chấp nhận và còn mời thêm tổng biên tập The Atlantic là Jeffrey Goldberg, kẻ thù của Donald Trump, người đã tiết lộ xì-căng-đan « Signalgate » gây chấn động.


Tại Phòng Bầu dục, Donald Trump thoải mái trao đổi về mọi thứ, từ những món trang trí bằng vàng 24 carat mà ông đưa về từ Mar-a-Lago, cho đến cuộc chiến tranh mà Trump nghĩ rằng ông đang ra tay cứu giúp Ukraina. Về những lần tranh cử, Donald Trump nhấn mạnh : « Lần đầu tiên tôi chiến đấu để tồn tại và lần này để giúp đỡ đất nước mình và thế giới ». Tuần báo dùng câu nói của tổng thống Mỹ thứ 47 làm tít trang nhất : « Những gì tôi làm là tốt đẹp cho nhân loại ».


Nguy cơ chiến tranh tổng lực Ấn Độ-Pakistan


Nhìn sang châu Á, Courrier International tổng hợp báo chí Ấn Độ và Pakistan, cảnh báo nguy cơ một cuộc chiến tranh tổng lực giữa hai nước sở hữu vũ khí nguyên tử. Sau khi Ấn Độ tấn công ba căn cứ quân sự của Pakistan trong đêm, theo tờ The Express Tribune, Pakistan được cho là đã phá hủy một địa điểm lưu trữ tên lửa BrahMos ở khu vực Beas, nơi dùng để phóng tên lửa. Các nguồn tin an ninh cũng cho rằng căn cứ không quân Udhampur đã bị phá hủy và sân bay Pathankot hiện không còn được sử dụng.


Về phía New Delhi xác nhận đã hứng chịu một loạt các cuộc tấn công mới của Pakistan vào sáng thứ Bảy, bằng drone tại một số điểm dọc biên giới phía tây. New York Times nhận định Ấn Độ và Pakistan đang tiến gần một cuộc chiến quy mô, bốn ngày sau cuộc đụng độ vũ trang. Trước sự leo thang, ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đề nghị làm trung gian thương thảo, và tin giờ chót cho biết đôi bên đã chấp nhận « ngưng bắn toàn diện và ngay lập tức » - theo thông báo của tổng thống Donald Trump trên mạng Truth Social. Thế nhưng sau đó cả hai bên đều cáo buộc nhau vi phạm ngưng bắn : chuyện dài từ 80 năm qua sẽ còn tiếp diễn.