Hun Sen và Lãnh tụ Đối lập Sam Rainsy hòagiải hòahợp

24 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 20744)

Chấm dứt bế tắc chính trị Campuchia

BBC - thứ tư, 23 tháng 7, 2014

the-gioi-25-7-2014-1

Thủ tướng Hun Sen gọi thỏa thuận đạt được là 'thành công'

Đảng đối lập chính và đảng cầm quyền ở Campuchia vừa đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị kéo dài một năm qua.

Sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Hun Sen của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) và ông Sam Rainsy, lãnh đạo đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP), kéo dài cả buổi sáng hôm 22/7, phe đối lập đã đồng ý chấm dứt tẩy chay Quốc hội để đổi lấy thay đổi thành phần Ủy ban bầu cử.

Sau cuộc bầu cử hồi tháng Bảy năm ngoái, CNRP cáo buộc gian lận và không chịu tham gia nghị trường, gây bế tắc chính trị trong nước.

Các báo ở Campuchia cho hay theo thỏa thuận đạt được, CNRP sẽ nhận 55 ghế trong Quốc hội, tuy không rõ bắt đầu từ khi nào.

Thông cáo chung đưa ra sau cuộc họp nói: "Hai đảng thống nhất sẽ hợp tác với nhau tại Quốc hội nhằm tìm giải pháp cho các vấn đề của quốc gia theo tinh thần dân chủ và pháp lý".

Cũng theo thỏa thuận giữa hai bên, Ủy ban Bầu cử Quốc gia mới sẽ có chín thành viên: bốn do CPP chỉ định, bốn là của CNRP và thành viên thứ chín sẽ do các dân biểu bầu ra.

Quốc hội vẫn sẽ do đảng cầm quyền chủ trì, đảng này còn giữ bảy ghế trong số 13 ghế của ủy ban thường vụ.

Hai bên cũng đồng ý trả tự do cho bảy dân biểu CNRP và một nhà hoạt động cũng thuộc đảng này, vốn bị bắt sau các cuộc biểu tình phản đối chính phủ hôm 15/6.

Giải pháp chính trị

Kết quả chính thức của cuộc bầu cử được công bố cho thấy đảng của ông Hun Sen nắm 68 ghế trong Quốc hội và đảng của ông Sam Rainsy nắm 55 ghế, một mức tăng mạnh mẽ từ 29 ghế mà phe đối lập đã giành được trong cuộc bầu cử trước đó.

Tuy nhiên, CNRP vẫn cho rằng kết quả này đã bị gian lận vì ủng hộ dành cho đảng cao hơn rất nhiều.

Thỏa thuận mới sẽ phải được Quốc vương Norodom Sihamoni chuẩn thuận trước khi các dân biểu có thể vào nghị viện.

Các quốc gia láng giềng nhất là Việt Nam và Trung Quốc đang theo dõi tiến trình chính trị ở Campuchia một cách chặt chẽ.

Việt Nam là nước đồng minh truyền thống của chính phủ Hun Sen, trong khi Trung Quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở quốc gia này.

Bất đồng chính trị đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình ở Campuchia, trong đó một số cuộc nhắm tới cộng đồng người Việt ở quốc gia này./

++++++++++++++++++++

Sam Rainsy: 'Trung Quốc là tương lai'

Hồng Nga

Phnom Penh, Campuchia

BBC - thứ hai, 20 tháng 1, 2014

Quan hệ Việt Nam – Campuchia lần nữa lại vào tâm điểm chú ý của báo chí và giới quan sát sau các chuyến thăm lẫn nhau của thủ tướng Campuchia và Việt Nam.

Mới đây, đặc phái viên nhân quyền của Liên Hiệp Quốc phát biểu quan ngại về các ngôn từ bài Việt Nam của lãnh đạo đối lập Campuchia. Chiêu bài chống Việt Nam thực ra đã được các đảng phái ở nước này sử dụng nhiều lần.

Hồng Nga của BBC vừa có chuyến đi Campuchia và phỏng vấn riêng lãnh đạo đảng Cứu nguy Dân tộc đối lập Sam Rainsy.

BBC: Nay công viên Tự do đã bị giải tỏa, chương trình của đảng ông trong thời gian tới sẽ là gì? Sẽ có thêm biểu tình hay thay đổi chiến thuật ạ?

Chúng tôi đòi khôi phục quyền tự do của người dân như hiến định. Các quyền tự do này đang bị đình chỉ, nhưng hy vọng là chỉ tạm thời. Tình hình sẽ trở lại bình thường trong thời gian sắp tới, và chúng tôi sẽ lại tiếp tục lên tiếng trình bày các yêu cầu của chúng tôi thông qua biểu tình hòa bình.

BBC: Ông có nói đảng của ông không chủ trương ủng hộ bạo lực trong bất kỳ hình thức nào. Ông có biết trường hợp một cơ sở do người Việt Nam làm chủ đã bị cướp phá ngay gần nơi xảy ra biểu tình không, thưa ông?

Việc này không có liên quan gì tới đảng của tôi. Chúng tôi tổ chức các cuộc biểu tình lớn tại công viên Tự do, còn các công nhân và công đoàn của họ tổ chức biểu tình gần nơi làm việc. Chúng tôi không tham gia các cuộc biểu tình này.

BBC: Có cáo buộc rằng người biểu tình đã làm dấy lên hiện tượng bài ngoại ở trong nước. Ông nghĩ thế nào về cáo buộc này?

Điều đó không đúng. Người biểu tình chỉ phản đối những vấn đề chính như tham nhũng, bất công trong xã hội, chính quyền yếu kém. Chúng tôi tìm cách giải quyết các vấn đề đó và đó là công việc người Campuchia giải quyết với nhau.

the-gioi-25-7-2014-2

Thủ tướng Việt Nam vừa có chuyến thăm Campuchia ba ngày vào tháng 1/2014

BBC: Ông chắc cũng biết việc ông Hun Sen vừa đi thăm Hà Nội (tháng 12/2013) và tuần rồi ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam, cũng có mặt ở Phnom Penh. Việc đó có liên quan gì tới đợt biểu tình vừa bị dập tắt mới rồi hay không?

Đối với chúng tôi, những chuyến đi đó không có ý nghĩa gì hết. Chúng tôi có các quan tâm của mình nên không có để ý tới các chuyến đi này.

BBC: Tôi có đọc các bản tường trình về đợt đi vận động của ông mới đây. Tại Siem Reap ông đã lên tiếng cổ suý cho quan hệ giữa Campuchia và Trung Quốc. Ông nghĩ gì về Trung Quốc?

Chúng tôi muốn làm bạn với tất cả các nước, đó là điều cần thiết cho một quốc gia nhỏ và yếu như Campuchia. Chúng tôi cần làm sao để đối trọng với bất cứ nước nào muốn giành ảnh hưởng, làm sao để không có nước nào thống trị và các nước đều bình đẳng.

BBC: Trung Quốc có thể giúp Campuchia đối trọng như thế nào?

Chúng tôi noi gương cố Quốc vương [Norodom Sihanouk], người ngay từ những năm 1950 đã xây dựng quan hệ rất tốt với Trung Quốc. Trung Quốc là một cường quốc, không ai có thể bỏ qua. Trung Quốc là tương lai.

Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ giúp Campuchia bảo vệ chủ quyền cũng như giúp phát triển, thí dụ trong đầu tư, công nghệ...

BBC: Tôi xin dẫn lời ông nói tại Siem Reap rằng ông ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Campuchia tại sao lại liên quan tới Biển Đông? Ông có thể nói rõ hơn không?

Chúng tôi đang gặp vấn đề về biên giới với một số nước láng giềng. Trung Quốc thì không có biên giới với Campuchia và lịch sử cho thấy nhiều thế kỷ qua Trung Quốc đã giúp Campuchia bảo vệ lãnh thổ trước sự bành trướng của các nước láng giềng.

Campuchia giống như Ba Lan, người Ba Lan lúc nào cũng lo sợ ảnh hưởng của Đức và Nga. Chúng tôi phải bảo vệ chủ quyền trước hết là bằng bảo vệ bản sắc dân tộc của mình.

Nhìn vào lịch sử, thì ai cũng thấy nhiều thế kỷ Campuchia bị kẹt giữa hai láng giềng mạnh hơn: Thái Lan ở phía Tây còn Việt Nam ở phía Đông. Chúng tôi luôn phải tìm cách cân bằng ảnh hưởng của các nước này với trợ giúp của một nước thứ ba. Trung Quốc trong vai trò nước thứ ba này có thể giúp Campuchia đối trọng lại ảnh hưởng của hai nước láng giềng kia.

the-gioi-25-7-2014-3

Trung Quốc vừa tăng hỗ trợ quân sự cho Campuchia hồi tháng 11/2013

BBC: Trong cuộc diễn thuyết ở Siem Reap, ông còn gọi Việt Nam là ‘yuon’ nhiều lần.

Từ ‘yuon’ được dùng khoảng 100 năm nay. Chúng tôi gọi người Thái là Xiêm, còn ‘yuon’ là bắt nguồn từ chữ Yunan (Vân Nam), miền Nam Trung Quốc chỉ những ai có hình dáng giống người dân vùng đó. Từ ‘yuon’ đối với tôi không xấu.

BBC: Ông nhiều lần nói rằng kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta. Vậy đối với ông ai là kẻ thù, ai là bạn?

Đó chỉ là những câu nói chung chung thôi. Trong lịch sử, điều đó có thể đúng trong các ngữ cảnh nhất thời. Nhưng ngữ cảnh có thể thay đổi. Thí dụ như Việt Nam đã giúp Campuchia thoát quân Khmer Đỏ, nhưng sau họ lại ở lại cả chục năm.

Chúng tôi không chủ trương chống bất cứ quốc gia nào hay dân tộc nào, mà chỉ chống chính sách nào đó của chính phủ nào đó vào một thời điểm nào đó. Nhưng mọi việc đều có thể thay đổi, chính sách thay đổi, chính phủ ra đi…

BBC: Vào thời điểm này thì rõ ràng ông ngả về Trung Quốc trong lĩnh vực biển đảo với Việt Nam?

Chúng tôi biết ơn Trung Quốc vì họ giúp chúng tôi rất nhiều mà không đòi hỏi gì ngược lại.

BBC: Nhưng nếu ông dựa vào họ, thì làm sao có độc lập?

Đó là việc của tôi./

21 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1297)
16 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1457)
BIDEN – TẬP ‘BÀN’ VỚI NHAU NHỮNG GÌ?