Biển Đông: “Do thám trên không; Do thám dưới biển”

18 Tháng Mười 20223:33 CH(Xem: 3024)

VĂN HÓA ONLINE - BIỂN ĐÔNG- HOA ĐÔNG – THỨ BA 18 OCT 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


image031“Chúng tôi thật sự xem khu vực là một mặt trận thống nhất và lo ngại về hành vi quyết đoán và chèn ép (của Trung Quốc) kéo dài từ biển Hoa Đông qua eo biển Đài Loan, Biển Đông, xuyên qua các đảo quốc Thái Bình Dương và đến Ấn Độ Dương”.


Trung Quốc nói Mỹ giảm do thám quân sự ở Biển Đông


Khánh An


06/10/2022


Một tổ chức ở Trung Quốc ghi nhận số chuyến bay do thám của Mỹ ở Biển Đông trong tháng 9 đã giảm xuống khoảng phân nửa so với tháng 8.


image033Một chuyên gia Trung Quốc cho rằng Mỹ giảm do thám do nhận thấy ít có sự khiêu khích hơn trong khu vực, đồng thời muốn xuống thang căng thẳng với Trung Quốc.


Tờ South China Morning Post ngày 5.10 đưa tin tổ chức Sáng kiến thăm dò tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại Học Bắc Kinh (Trung Quốc) cho rằng số chuyến bay do thám của Mỹ ở Biển Đông trong tháng 9 đã giảm xuống khoảng phân nửa so với tháng 8.


Dữ liệu tháng của SCSPI cho thấy các máy bay do thám từ đất liền đã thực hiện 28 chuyến bay trong tháng 9 so với 46 chuyến trong tháng 8 khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan.


Chuyến thăm khiến Trung Quốc tăng cường tập trận quanh hòn đảo, dẫn đến việc Mỹ điều động nhóm tác chiến tàu sân bay đến gần hơn trong khu vực.


Ngày 5.8, tức một ngày sau khi Trung Quốc phóng thử 11 tên lửa, là ngày có nhiều chuyến bay do thám của Mỹ nhất trong tháng. Có 4 máy bay do thám được điều động, trong đó có 3 chuyến là máy bay P-8A và một chuyến là máy bay RC-135V.


Trước đó, Mỹ thực hiện 67 chuyến bay do thám trong tháng 7. SCSPI cho hay con số này liên quan những hoạt động tiến hành trong khu vực của tàu khu trục USS Benfold và tàu sân bay USS Ronald Reagan.


Trong tháng 7.2021, Mỹ thực hiện 27 chuyến bay do thám trong khu vực, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2020, có thể do mùa bão.


image035Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói gì về khả năng hành động của Trung Quốc đối với Đài Loan.


Giáo sư Trương Minh Lượng tại Đại học Tế Nam (Trung Quốc), cho rằng số tần suất bay do thám giảm của Mỹ trong tháng qua có thể không phải do bão, bởi vì những máy bay quân sự của Mỹ có thể bay trong thời tiết xấu.


Ông cho rằng nguyên nhân do ít có sự khiêu khích hoặc mối đe dọa trong khu vực. Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng Mỹ có thể tìm cách giảm căng thẳng do mối quan hệ với Bắc Kinh trở nên xấu đi sau chuyến công du của bà Pelosi. (theoTNO 06/10/2022)


+++++++++++++++++++++++++++++++++


Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động tàu ngầm ở Biển Đông


Hoàng Đình


Tại Biển Đông, không chỉ đẩy mạnh năng lực chống ngầm mà TQ liên tục tăng cường khả năng hoạt động cho tàu ngầm nước này.


Từ tăng cường năng lực chống ngầm


Website của Bộ Quốc phòng TQ vừa công bố hình ảnh máy bay săn ngầm thuộc dòng Thiểm Tây Y-8 tham gia cuộc tập trận diễn ra hồi giữa tháng 9. Nội dung công bố không nêu rõ vị trí cuộc tập trận, nhưng cho biết máy bay tham gia tập trận thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu nam bộ của quân đội Trung Quốc (PLA). Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Chiến khu nam bộ vốn phụ trách các hoạt động của PLA ở Biển Đông.


Thực tế, hồi tháng 5, tờ Hoàn Cầu thời báo cũng thông tin PLA đang nối lại các hoạt động của máy bay săn ngầm Thiểm Tây Y-8 ở khu vực Biển Đông. Những động thái này được đánh giá là Trung Quốc đang tăng cường khả năng kiểm soát hoạt động của tàu ngầm ở vùng biển này.


image037Tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc có thể mang tên lửa đạn đạo. Reuters


Đến mở rộng hoạt động của tàu ngầm


Trong khi đó, PLA cũng đang ra sức tăng cường hoạt động của tàu ngầm ở Biển Đông. Ngày 23.9, tờ South China Morning Post dẫn các hình ảnh vệ tinh được chụp gần đây cho thấy Trung Quốc đã mở rộng căn cứ quân sự Du Lâm ở tỉnh Hải Nam. Theo đó, 2 cầu tàu mới dài khoảng 240 m đang được xây dựng tại căn cứ Du Lâm và quá trình xây dựng được tiến hành từ tháng 3 - 7 vừa qua.


Tờ báo dẫn lời nhà phân tích quân sự Chu Thần Minh, ở Bắc Kinh, cho rằng với việc bổ sung thêm 2 cầu tàu mới, Du Lâm sẽ được dùng để triển khai các loại tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân là Type 094 và Type 093. Trong đó, tàu Type 094 có thể phóng tên lửa đạn đạo và được xem như một phương tiện răn đe hạt nhân của Bắc Kinh.


Trước đó, tờ South China Morning Post ngày 17.9 cũng đã đưa tin Trung Quốc vừa thử nghiệm thành công công nghệ liên lạc dưới nước ở Biển Đông cho phép tàu ngầm và thiết bị không người lái duy trì liên lạc trên diện tích hơn 30.000 km2. Cuộc thử nghiệm diễn ra tại khu vực biển sâu 3.800 m nằm giữa quần đảo Đông Sa (Pratas) hiện do Đài Loan kiểm soát và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN. Trả lời Thanh Niên về diễn biến , TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định: “Khi xây dựng thành công một hệ thống liên lạc dưới nước hiệu quả, Trung Quốc có thể che giấu tầu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo ở Biển Đông”.


image039Máy bay săn ngầm Thiểm Tây Y-8 tham gia cuộc tập trận vừa qua. Chinamil.com.cn


Không dừng lại ở đó, tờ South China Morning Post cũng thông tin Trung Quốc đang xúc tiến kế hoạch phát triển căn cứ trong biển sâu ở Biển Đông để cập cảng, nạp năng lượng cho các thiết bị lặn không người lái (UUV - tạm hiểu như một dạng tàu ngầm không người lái và dự kiến đi vào hoạt động trong vài năm tới. Kèm theo đó, Bắc Kinh cũng đang phát triển vũ khí thông minh có thể được triển khai trong lòng biển để sẵn sàng tham chiến bất ngờ.


Thực tế, việc tăng cường năng lực hoạt động của tàu ngầm ở Biển Đông đã được Trung Quốc triển khai theo một lộ trình lâu dài, nhiều tầng bước. Hồi tháng 9.2019, Cục Nam Hải thuộc Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho biết đã triển khai mạng lưới thiết bị bay không người lái (UAV) ở Biển Đông để theo dõi, giám sát những thực thể và vùng biển xa bờ. Trả lời Thanh Niên xung quanh diễn biến này khi đó, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) lo ngại UAV có thể giúp Trung Quốc thu thập các thông tin về địa hình trong lòng biển, độ sâu, dòng chảy... “Đó là những cơ sở quan trọng để Bắc Kinh triển khai các phương tiện, thiết bị dưới mặt nước để kiểm soát khu vực. Qua đó, Trung Quốc có thể triển khai và đẩy mạnh hoạt động tàu ngầm”, ông Nagy đặt vấn đề. Kèm theo đó, Bắc Kinh cũng công bố nhiều hoạt động “nghiên cứu khoa học” về hải dương ở Biển Đông mà giới chuyên gia cảnh báo là nhằm hỗ trợ thông tin để hoạt động tàu ngầm.


Mỹ - Philippines đối thoại thắt chặt quan hệ an ninh, quân sự


Ngày 29.9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp người đồng cấp Jose Faustino Jr của Philippines tại Hawaii (Mỹ), bàn về những quan ngại chung của cả hai nước. Theo báo Financial Times, đây là lần đầu tiên hai nước tiến hành đối thoại ở cấp này trong hoạt động thảo luận song phương thường niên.


Chúng tôi thật sự xem khu vực là một mặt trận thống nhất và lo ngại về hành vi quyết đoán và chèn ép (của Trung Quốc) kéo dài từ biển Hoa Đông qua eo biển Đài Loan, Biển Đông, xuyên qua các đảo quốc Thái Bình Dương và đến Ấn Độ Dương”, một quan chức Mỹ cho biết. Quân đội hai nước cũng lên kế hoạch tăng gấp đôi quy mô của cuộc diễn tập quân sự chung vào năm sau và mở rộng hợp tác an ninh hàng hải. H.G


Mỹ lên án hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông


Khi phát biểu trước các binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại căn cứ Yokosuka (Nhật Bản) vào ngày 28.9, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã lên án những hành vi “đáng lo ngại” của Trung Quốc.


“Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế của mình để ép buộc và đe dọa các nước láng giềng. Chúng ta đã chứng kiến những hành vi đáng lo ngại ở Biển Đông và biển Hoa Đông, và gần đây nhất là những hành động khiêu khích ở eo biển Đài Loan”, Reuters trích dẫn phát biểu của bà Harris, căn cứ lớn nhất của hải quân Mỹ ở nước ngoài.


Bà cáo buộc Bắc Kinh “phá hoại các yếu tố quan trọng tạo nên trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, đồng thời cho biết lực lượng Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tại khu vực “mà không hề nao núng hay sợ hãi”. Cũng theo bà Harris, Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Bắc tự vệ theo chính sách lâu nay, cũng như làm sâu sắc hơn quan hệ hai bên. Sau Nhật Bản, bà Harris sẽ ghé thăm Nam Hàn, một đồng minh khác của Mỹ tại châu Á. (theo TNO 29/09/2022)