Biến đổi khí hậu từ Âu sang Á: Sông Dương Tử rút lộ tượng Phật cổ; Danube rút lộ xác chiến hạm Đức; Rhine cạn dần

23 Tháng Tám 20229:21 SA(Xem: 1750)

VĂN HÓA ONLINE - ĐỊA LÝ NHÂN VĂN - THỨ BA 23 AUG 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Biến đổi khí hậu từ Âu sang Á: Sông Dương Tử rút lộ tượng Phật cổ; Danube rút lộ xác chiến hạm Đức; Rhine cạn dần  


Khánh An

21/08/2022 Thanh Niên Online


Tượng Phật cổ lộ ra trên một cồn đá giữa sông Dương Tử do mực nước rút trong lúc thời tiết nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng tại Trung Quốc.


image011Nước sông Dương Tử ở Trung Quốc rút để lộ 3 bức tượng Phật cổ. Các tượng Phật được cho là có niên đại khoảng 600 năm. afp


Reuters đưa tin ngày 21/8/2022, mực nước thấp ở sông Trương Giang (sông Dương Tử) đã làm lộ một cù lao bằng đá giữa sông tại thành phố Trùng Khánh phía tây nam Trung Quốc, với 3 tượng Phật được cho là có niên đại 600 năm.


Các tượng Phật nằm trên phần cao nhất của cù lao Phật Gia Lương, được xây vào các triều đại nhà Minh và nhà Thanh, trong số đó có một bức tượng ngồi theo thế hoa sen.


Mực nước sông Dương Tử đã rút nhanh do hạn hán và nắng nóng tại vùng tây nam Trung Quốc. Từ tháng 7, lượng mưa tại lưu vực dòng sông thấp hơn 45% so với mức trung bình trước đây, trong khi nhiệt độ cao dự báo sẽ kéo dài ít nhất 1 tuần nữa.


image013Tượng Phật nằm ở vị trí cao nhất trên một cù lao ở Trường Giang. Afp


Có đến 66 con sông tại Trùng Khánh đang cạn dần. Theo CNN, cơ quan chức năng Trung Quốc lần đầu cảnh báo hạn hán trên cả nước trong 9 năm qua, do nắng nóng và ít mưa.


Mức cảnh báo vàng được đưa ra vào ngày 19.8 và chỉ dưới mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo 4 mức. Ít nhất 244 thành phố trên dự báo sẽ ghi nhận nhiệt độ trên 40 độ C, trong khi 407 thành phố khác có nhiệt độ trên 37 độ C.


Tính đến ngày 17.8, hạn hán đã ảnh hưởng nguồn cung cấp nước của khoảng 830.000 người tại 6 tỉnh, theo Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc. Hơn 300.000 người tạm thời gặp khó khăn về tiếp cận nước uống.


Những tỉnh ở miền trung và miền nam Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là các tỉnh dọc Trường Giang như Giang Tô, Hồ Bắc và Tứ Xuyên.


Giới chức địa phương được khuyến cáo cần giữ nguồn cung nước cho địa phương và giảm sử dụng trong nông nghiệp, thương mại và công nghiệp. Cơ quan chức năng cũng cố gắng tạo mưa nhân tạo. Hạn hán đã ảnh hưởng hơn 800.000 ha đất nông nghiệp tại 6 tỉnh, theo một quan chức Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc.


Sông Dương Tử cạn trơ đáy, hạn hán có thể kéo dài đến tháng 9


18/08/2022


TTO - Trung Quốc cảnh báo hạn hán ở sông Dương Tử có thể kéo dài đến tháng 9-2022, các chính quyền địa phương đang tìm các nguồn nước mới và nỗ lực cứu vụ mùa.


image015Lòng sông Dương Tử cạn trơ đáy ở thành phố Trùng Khánh ngày 17-8 - Ảnh: REUTERS


"Dự kiến ​​trong tháng 9-2022, lượng nước đổ vào ở trung và hạ lưu sông Dương Tử sẽ vẫn ở mức thấp, và hạn hán ở An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam và Giang Tây có thể tiếp tục trầm trọng hơn", ông Liu Zhiyu, quan chức của Bộ Tài nguyên nước, cảnh báo tình hình tại 4 tỉnh ở vùng trung lưu con sông.


Theo quan chức này, sẽ mất vài tháng để sông Dương Tử khôi phục lưu lượng nước bình thường và lượng mưa dự kiến ​​sẽ duy trì ở mức thấp cho đến cuối tháng này và sau đó nữa.


Đợt nắng nóng khắc nghiệt trên lưu vực của con sông dài nhất Trung Quốc đến nay đã kéo dài hơn hai tháng, làm gián đoạn nguồn thủy điện và làm khô cạn một khu vực đất canh tác lớn.


Lượng mưa ở lưu vực sông Dương Tử thấp hơn khoảng 45% so với bình thường kể từ tháng 7-2022 và theo dự báo, nhiệt độ cao có thể sẽ tiếp diễn trong ít nhất một tuần nữa.


Các cơ quan chức năng tại khu vực cũng cảnh báo rằng nhiệt độ sẽ tiếp tục ở mức trên 40 độ C vào ngày 18-8, với các khu vực ở Trùng Khánh có thể vượt quá 44 độ C, gây thêm áp lực lên nguồn cung cấp điện trong bối cảnh sử dụng máy điều hòa tăng mạnh.


Mực nước trên dòng chính của sông Dương Tử đổ vào các hồ quan trọng là Động Đình và Bà Dương hiện thấp hơn ít nhất 4,85 mét so với bình thường. Đây là mực nước thấp kỷ lục của giai đoạn này trong năm.


Ngày 17-8, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc Liu Weiping cảnh báo rằng lúa và các cây trồng mùa thu khác đang ở thời kỳ tưới tiêu quan trọng.


Ông cho biết khoảng 820.000 hecta đất canh tác từ Tứ Xuyên đến An Huy bị thiệt hại, ảnh hưởng đến 830.000 người cũng như 160.000 gia súc, chủ yếu ở các khu vực sống dựa vào các hồ chứa nhỏ hoặc suối trên núi để tưới tiêu.


Theo ông Liu, các hồ chứa ở thượng nguồn đã mở cửa để bổ sung lượng nước chứa tại đập Tam Hiệp và dự kiến đập sẽ xả 830 triệu mét khối xuống hạ lưu trong những ngày tới.


Các chính quyền địa phương cũng yêu cầu đảm bảo đủ nguồn nước dự trữ để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và tận dụng các nguồn nước bổ sung, bao gồm cả suối và suối trên núi.


Biến đổi khí hậu: Sông Danube rút lộ xác chiến hạm Đức


19/08/2022


TTO - Đợt hạn hán tồi tệ nhất 500 năm qua khiến mực nước sông Danube xuống thấp, làm lộ thiên hàng chục xác tàu chiến của Đức Quốc xã bị đánh chìm trong Thế chiến thứ II.


image017Xác một chiến hạm của Đức Quốc xã phơi bày sau khi nước sông Danube xuống thấp - Ảnh: REUTERS


Hàng trăm tàu thuộc một hạm đội của Đức Quốc xã đã bị đánh đắm dọc sông Danube vào năm 1944 khi trên đường rút lui để tránh các đợt tấn công của Hồng quân Liên Xô.


Trong đợt hạn hán năm nay, được các nhà khoa học coi là hậu quả của biến đổi khí hậu và có thể tồi tệ nhất 500 năm qua, hơn 20 xác chiến hạm trên một đoạn sông Danube gần Prahovo ở miền đông Serbia đã lộ thiên.


Theo Hãng tin Reuters, nhiều xác tàu vẫn còn nguyên vũ khí, đạn dược và chất nổ đe dọa an toàn cho tàu bè qua lại.


Ngoài chứa vật liệu chưa nổ, một số tàu vẫn còn nguyên tháp chỉ huy và các cấu trúc khác đe dọa làm vỡ thuyền của ngư dân hoặc tàu bè khi nước xuống thấp.


Tháng 3 rồi, Chính phủ Serbia đã mở thầu trục vớt xác các tàu này và xử lý vật liệu chưa nổ. Chi phí của hoạt động ước tính khoảng 29 triệu euro.


Powered by GliaStudio


Ông Velimir Trajilovic (74 tuổi, người về hưu sống tại Prahovo) gọi xác các tàu chiến của Đức Quốc xã là một mối đe dọa. Và ông dành hẳn thời gian để tìm hiểu, viết một quyển sách về những xác tàu này.


Sông Danube là sông dài thứ hai châu Âu, chảy qua hàng loạt quốc gia và được mô tả là dòng sông hùng vĩ bậc nhất lục địa già. Tuy nhiên, những tháng hạn hán và nắng nóng liên tiếp đã khiến con sông bị thu hẹp diện tích đáng kể.


Ở Serbia, nhà chức trách đã dùng đến biện pháp nạo vét để giữ các tuyến giao thông thủy trên sông Danube được thông thoáng.


Tại Prahovo, một số xác tàu đã thu hẹp phần thông thuyền trên đoạn sông Danube này, từ 180m còn 100m. BẢO DUY


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++


Hạn hán 500 năm đe dọa kinh tế châu Âu


15/08/2022


TTO - Trên khắp châu Âu, hạn hán đang khiến các con sông chính từng cuồn cuộn chảy giờ trông như những con suối. Hạn hán 500 năm có một này dự báo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng với các ngành sản xuất, vận tải hàng hóa, năng lượng, sản xuất lương thực.


image019Một tàu chở hàng trên sông Rhine đi qua đoạn sông bắt đầu cạn dần vào ngày 12-8 - Ảnh: AFP


Sông Loire, con sông dài nhất của Pháp, giờ đây có thể băng qua ở nhiều đoạn chỉ bằng cách... đi bộ. Nước sông Rhine ở Đức đang ở mức thấp đến độ không đủ an toàn cho các sà lan chở hàng. Ở Ý, con sông Po thấp hơn bình thường 2m. Còn tại Serbia, người ta đang cố gắng nạo vét sông Danube để dòng chảy thêm mạnh.


Tác động của biến đổi khí hậu


Châu Âu đã trải qua một mùa đông và mùa xuân khô hạn bất thường, sau đó là cái nóng kỷ lục trong mùa hè và các đợt nắng nóng lặp đi lặp lại. Những tác động của tự nhiên đã khiến các tuyến đường thủy huyết mạch của châu Âu ngày càng trở nên chật hẹp hoặc không thể sử dụng vì mực nước thấp.


Không có lượng mưa đáng kể nào được ghi nhận trong gần 2 tháng qua trên khắp tây, trung và nam châu Âu. Chính phủ Anh hôm 12-8 đã chính thức tuyên bố hạn hán trên cả xứ England sau nhiều tháng chứng kiến lượng mưa thấp kỷ lục và nhiệt độ cao chưa từng có. Nhà chức trách giải thích việc tuyên bố tình trạng hạn hán dựa trên đánh giá các yếu tố như lượng mưa, dòng chảy của sông, mực nước ngầm và hồ chứa cũng như tác động của chúng đối với nguồn cung cấp nước công cộng.


Nông dân luôn là những người chịu tác động đầu tiên của hạn hán. Tại Pháp, những đợt nắng nóng khắc nghiệt vào mùa hè này đã đẩy nhanh quá trình sinh trưởng của nho dùng để ủ rượu vang. Điều đó có nghĩa việc thu hoạch phải bắt đầu sớm hơn từ một đến ba tuần so với bình thường, thậm chí có nơi đã thu hoạch từ cuối tháng 7 rồi. Việc thu hoạch sớm ảnh hưởng đến chất lượng nho và kế đó là chất lượng rượu vang.


Khi khan hiếm nước, cây nho sẽ tự bảo vệ mình bằng cách rụng lá và không còn cung cấp chất dinh dưỡng cho nho làm chất lượng quả giảm rõ rệt. Chỉ 10% các khu đất trồng nho của Pháp sử dụng hệ thống tưới tiêu nhân tạo do kỹ thuật phức tạp hoặc quá đắt đỏ để lắp đặt.


Không có sự kiện nào trong 500 năm qua tương tự như hạn hán năm 2018. Nhưng năm nay, tôi nghĩ còn tồi tệ hơn.


Andrea Toreti (Trung tâm Nghiên cứu tổng hợp của Ủy ban châu Âu) nói với báo The Guardian


Thiệt hại kinh tế lớn


Powered by GliaStudio


Chất lượng nho và rượu vang chỉ là một trong nhiều ví dụ ảnh hưởng của hạn hán đến sinh kế người dân và nền kinh tế của một vùng, một quốc gia. Sông Rhine là một ví dụ cho thấy tác động của hạn hán ở quy mô xuyên quốc gia. Con sông dài hơn 1.200km từ lâu đã là một phần quan trọng của nền kinh tế khu vực tây bắc châu Âu suốt nhiều thế kỷ, khi chảy từ Thụy Sĩ qua trung tâm công nghiệp của Đức trước khi đổ ra biển Bắc.


Nước sông Rhine không chỉ sử dụng cho vận chuyển hàng hóa mà còn cho tưới tiêu, sản xuất hàng hóa, sản xuất điện và cả nước uống. Theo Viện Thủy văn liên bang Đức (BfG), mực nước sông Rhine sẽ tiếp tục giảm trong tuần này làm dấy lên lo ngại con tàu kinh tế số 1 châu Âu là Đức có thể "mắc cạn".


Hôm 12-8, mực nước tại trạm đo Kaub trên sông Rhine (cách Mainz 50km về phía hạ lưu) cho thấy nước đã thấp hơn 40cm so với bình thường. Trạm này phục vụ việc đo lường mực nước để bảo đảm di chuyển an toàn của tàu bè trên sông. BfG cho biết nó có thể giảm xuống gần 30cm trong vài ngày tới.


Giới kinh doanh tính toán rất kỹ đến từng yếu tố nhỏ nhất, không chỉ dừng lại ở lợi nhuận hay con người mà còn cả yếu tố tự nhiên. Theo báo The Guardian, với mực nước thấp như vậy, nhiều hãng tàu có thể sẽ ngừng hoặc giảm vận chuyển trên sông Rhine vì không có lợi ích kinh tế trong bối cảnh giá nhiên liệu vẫn đang cao.


Thực tế trên đã diễn ra từ mấy tuần trước, theo tờ báo của Anh. Nhiều sà lan chở than cho các nhà máy điện và nguyên liệu thô quan trọng cho các công ty công nghiệp khổng lồ như nhà sản xuất thép Thyssen và Tập đoàn hóa chất BASF, đang chở hàng hóa chỉ bằng 25% công suất thiết kế. Việc này là để giảm lượng choán nước của tàu, tránh bị mắc cạn do nước đã rút xuống thấp hơn trước. Tuy nhiên, vô hình trung điều này lại làm tăng chi phí vận chuyển lên gấp 5 lần do hàng hóa chở thì ít nhưng quãng đường di chuyển như trước.


Cho đến thời điểm hiện tại, Đức vẫn chưa áp lệnh hạn chế giao thông trên sông Rhine. Tuy nhiên, các chuyên gia ước tính nếu điều đó xảy ra thì thiệt hại có thể lên tới hàng tỉ euro và làm giảm tăng trưởng kinh tế của nước này. Vào năm 2018, khi Đức đình chỉ giao thông trên sông Rhine khoảng 6 tháng, nước này đã chịu thiệt hại hơn 5 tỉ euro.


Đức hiện đang nỗ lực chuyển hướng vận chuyển hàng hóa sang đường sắt và đường bộ, nhưng điều này có thể đi ngược lại định hướng phát triển xanh của Liên minh châu Âu. Theo tính toán, cần phải có từ 40 đến 100 xe tải mới có thể chở được lượng hàng hóa và nguyên liệu thô tương đương một sà lan tiêu chuẩn.


Ảnh hưởng điện hạt nhân của Pháp


Các con sông của Pháp có thể không phải là huyết mạch vận chuyển hàng hóa quan trọng như sông Rhine ở Đức nhưng tác động với nền kinh tế khi chúng cạn đi cũng không hề kém cạnh.


Những con sông này cung cấp nguồn nước để làm mát cho các nhà máy điện hạt nhân vốn chiếm khoảng 70% nguồn cung năng lượng quốc gia. Thiếu nước sẽ buộc các nhà máy này phải giảm công suất, từ đó đẩy giá điện lên mức cao hơn nữa và tác động đến hàng loạt mặt khác của ngành sản xuất. DUY LINH


Trung Quốc: Báo động hạn hán trên toàn quốc, tác động tai hại cho kinh tế


RFI 20/08/2022


image021Trung Quốc báo động vì mực nước sông Dương Tử xuống thấp. Hạn hán hoành hành tại Vũ Hán. Ảnh ngày 15/08/2022 VIA REUTERS - CHINA DAILY


Thùy Dương


Không chỉ châu Âu phải hứng chịu nạn khô hạn, nắng nóng cao đến mức kỷ lục, Trung Quốc cũng trong cảnh tương tự. Nhiệt độ cao tới hơn 40 độ C, nhiều con sông cạn nước, điện thường xuyên bị cúp. Tình hình nghiêm trọng đến mức Trung Quốc, lần đầu tiên trong năm 2022, phải báo động toàn quốc về hạn hán.


Quảng cáo


Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên đã buộc phải ban bố những biện pháp hà khắc để tiết kiệm điện. Nạn nhân đầu tiên là các nhà máy và doanh nghiệp, kéo theo đó là những hậu quả cho nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu.


Từ Trung Quốc, ngày 20/08/2022, thông tín viên Liu Zhifan gửi về bài phóng sự :


Tại Thành Đô, đường phố chìm trong bóng tối mù mờ. Lối đi trong các ga tàu điện ngầm cũng vậy. Biển hiệu của các cửa hàng và các bảng hiệu quảng cáo khác vẫn bị tắt, theo lệnh của nhà chức trách. Mục đích là tiết kiệm năng lượng và tránh tình trạng cắt điện ngày càng gia tăng trong vùng và đang khiến cuộc sống của dân chúng bị ảnh hưởng nặng nề.


Một người phụ nữ nói : « Đó là tình hình hiện tại ở Tứ Xuyên. Nhiệt độ lên tới 40 độ C và bóng tối bao trùm. Tòa nhà này đã bị cúp điện, tòa nhà kia cũng vậy, mọi người đều ra ngoài ».


Hơn 80% sản lượng điện trong vùng lệ thuộc vào các đập thủy điện. Tuy nhiên, Trung Quốc đang hứng chịu đợt nắng nóng chưa từng có và các con sông đều khô cạn, như sông Dương Tử chẳng hạn. Chưa bao giờ mực nước của con sông lớn nhất cả nước lại ở mức thấp đến như vậy.


Một người đàn ông cho biết : « Năm nay thời tiết thật khác thường. Thật không thể tưởng tượng nổi. Chúng tôi đã quen với việc vào thời điểm này trong năm lũ lụt thường xảy ra. Năm ngoái, chúng tôi còn bị cấm đến gần bờ sông do nước dâng cao ».


Tứ Xuyên cấp điện theo hạn định cho các nhà máy và doanh nghiệp trong tỉnh. Các tỉnh tập trung sản xuất công nghiệp như Chiết Giang và Giang Tô, vốn được cung cấp điện từ Tứ Xuyên, cũng có thể sẽ phải làm tương tự. Đó là một đòn mới giáng mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã bị tổn hại do chính sách Zero Covid ».
13 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 553)