VĂN HÓA ONLINE – VĂN HÓA - THỨ BA 14 JUNE 2022
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Nghĩa quân Đề Thám: 30 năm hùm thiêng Yên Thế
Việt Nam những chuyển biến đầu thế kỷ 20:
Cụ Phan Châu Trinh hội kiến với Đề Thám
01/06/2022 Thanh Niên
Vào nửa sau thế kỷ 19, hầu hết những cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra rời rạc ở khắp các vùng miền, dễ dàng bị giặc thanh toán từng khu vực một như người ta bẻ gãy từng chiếc đũa trong bó đũa.
Sang thế kỷ 20, trình độ dân trí của người Việt đã có những tiến bộ nhất định, công cuộc kháng Pháp cũng chuyển sang những hình thái mới phù hợp hơn với điều kiện xã hội trong và ngoài nước lúc bấy giờ.
“Linh hồn” của phong trào Đông du
Những năm đầu thế kỷ 20, với sự vận động, cổ xúy của các nhân sĩ, trí thức, nhiều phong trào cách mạng bùng lên, lấy mục tiêu khai dân trí và đấu tranh chính trị làm phương châm, nhất là trong điều kiện mà sự liên kết giữa nước này với nước khác đang ngày càng trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn. Dù chưa đạt được những thắng lợi quan trọng, các biến động chính trị và xã hội tại VN vào thời kỳ này đã dự báo nhiều thuận lợi cho các phong trào cách mạng về sau.
Nhà cách mạng Phan Bội Châu (1867 – 1940). Ảnh tài liệu
Ngay khi vừa chiếm xong 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) vào năm 1862, thực dân Pháp đã bắt đầu thiết lập một hệ thống cai trị bền vững nhằm từng bước thuộc địa hóa dần những phần đất còn lại. Để đạt được hiệu quả cao trong việc này, họ phải sử dụng một số người Việt có hiểu biết để vừa giúp họ điều hành một đất nước còn khá xa lạ, vừa làm chiếc cầu nối giữa các quan chức Pháp và hầu hết những người dân thuộc địa còn sống trong cảnh nghèo khó và lạc hậu.
Các viên chức người Việt cộng tác cùng bộ máy cai trị của Pháp với nhiều cương vị khác nhau, từ các đốc phủ sứ, phủ, huyện, đến các thông ngôn, ký lục…, ngoài việc thực hiện công việc do các tham biện Pháp (administrateurs des services civils) giao phó, họ còn vận dụng số kiến thức thu thập được qua việc tiếp cận với nền văn hóa phương Tây để quảng bá trong công chúng. Thập niên 1880, tờ Gia Định Báo với sự đóng góp của các cây bút Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của… đã phổ biến nhiều bài viết nhằm nâng cao dân trí như núi lửa hoạt động ra sao, hiện tượng động đất như thế nào, cách “ở ăn cho được mạnh khỏe”…
Nhà cách mạng Phan Châu Trinh (1872 – 1926). Ảnh tài liệu.
Hoạt động vì xã hội của thành phần nhân sĩ trí thức vào nửa sau thế kỷ 19 đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành một tầng lớp trí thức mới đầu thế kỷ 20, tạo ra những chuyển biến thuận lợi cho công cuộc giành lại nền độc lập đã mất. Đi đầu trong các phong trào yêu nước vào giai đoạn này là hai cụ Phan Bội Châu (1867 - 1940) và cụ Phan Châu Trinh (1872 - 1926). Người trước là linh hồn của phong trào Đông Du, cổ xúy việc đưa thanh niên VN sang Nhật Bản học hỏi những cái mới lạ của một đất nước châu Á đang phát triển mạnh mẽ. Người sau cùng một số đồng chí phát động phong trào Duy Tân nhằm nâng cao dân trí, “mở mang mọi phương diện nông, công, thương, học kỹ thuật, khoa học của Âu Tây”, thành lập Đông Kinh nghĩa thục, một trung tâm giáo dục quan trọng lúc bấy giờ (Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân - Phong trào Duy Tân - NXB Đà Nẵng - 2002, trang 679).
Để phong trào đạt được những kết quả đề ra, không thể tách rời hai yếu tố chính trị - xã hội với quân sự. Vào đầu thế kỷ 20, phần lớn các cuộc kháng chiến lẻ tẻ trước đó đã bị Pháp vô hiệu hóa, chỉ còn cuộc khởi nghĩa Yên Thế của “hùm thiêng” Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) có đủ thực lực để buộc giặc phải mất ăn mất ngủ.
Lãnh tụ kháng chiến Hoàng Hoa Thám (1836 - 1913) - Ảnh chụp năm 1903 của báo Illustration số 3214. Tài liệu của Lê Nguyễn.
Trong tình hình đó, cả hai cụ Phan cùng mưu tính kết hợp các cuộc vận động chính trị và xã hội của họ với thực lực quân sự của họ Hoàng. Cuối năm 1902, cụ Phan Bội Châu thân hành đến đồn điền Phồn Xương thuộc chiến khu Yên Thế để tương kiến với Hoàng Hoa Thám, chẳng may gặp lúc vị lãnh tụ nghĩa quân đang đau nặng nên tiếp cụ chỉ có người con trai cả của ông là Cả Trọng và một số đồng chí tại Phồn Xương (Phan Bội Châu - Phan Bội Châu niên biểu - NXB Văn nghệ TP.HCM 2001, trang 63 - 64).
Mãi đến gần 4 năm sau (1906) mới có cuộc hội kiến thực sự giữa cụ Phan Bội Châu và Đề Thám. Cụ Phan đã lưu trú tại Phồn Xương hơn 10 ngày và hai bên đạt được những thỏa thuận quan trọng trong chiều hướng kết hợp giữa chính trị và quân sự:
- Đề Thám gia nhập Duy Tân hội với hội chủ là Kỳ Ngoại Hầu Cường Để sẽ ứng viện khi người dân Trung kỳ xướng nghĩa, đồng thời dung nạp những nghĩa sĩ miền Trung bị Pháp truy nã.
- Duy Tân hội phụ trách công tác ngoại giao chung và miền Trung sẽ chi viện khi Phồn Xương cần (Phan Bội Châu - sđd - trang 136 - 137; G.Marr - Vietnamese Anticolonialism - Berkeley 1971 - trang 134).
Sự kiện Hà thành đầu độc năm 1908 là kết quả những thỏa thuận giữa hai bên trên tinh thần này. Cụ Phan Châu Trinh cũng có cuộc hội kiến với Đề Thám vào khoảng năm 1907, song kết quả cuộc gặp là một thất bại, sau khi cụ Phan đưa ra mấy đề nghị, trong đó có việc Phồn Xương nên mở mang công thương nghiệp, tránh cho dân phải đóng góp quá nhiều; mặt khác cần cấm chỉ việc hút á phiện trong hàng ngũ nghĩa quân… mà không nhận được sự đồng tình của phía họ Hoàng (Tôn Quang Phiệt - Tìm hiểu Hoàng Hoa Thám - Hà Bắc 1984, trang 76). (còn tiếp)
++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Việt Nam những chuyển biến đầu thế kỷ 20: Phút sa cơ của hùm thiêng Yên Thế
07/06/2022 Thanh Niên
Theo nhiều tư liệu khác nhau thì Hoàng Hoa Thám, thường được gọi là Đề Thám (Đề đốc Thám), sinh năm 1836 và tham gia kháng Pháp từ thập niên 1870.
Song phải đến năm 1892, ông mới trở thành một lãnh tụ kháng chiến nổi tiếng của phong trào Cần Vương. Cứ địa của ông là huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang và chiến thuật du kích của ông khiến quân đội Pháp nhiều phen bở vía.
Thanh thế của ông buộc bọn thực dân và một quan đại thần thân Pháp là quyền Tổng đốc Ninh Thái Lê Hoan phải nghĩ tới một thủ đoạn mới là tổ chức mưu sát ông vào tháng 2.1894. Vụ mưu sát được kể lại với nhiều chi tiết không trùng khớp nhau, từ tác phẩm Le vieux Tonkin (Đất Bắc kỳ xưa) của Claude Bourrin, quyển Hoàng Thám, pirate (Hoàng Thám, tên thổ phỉ) của Paul Shack, đến bộ Histoire militaire de l’Indochine (Lịch sử quân sự xứ Đông Dương), Tìm hiểu Hoàng Hoa Thám của Tôn Quang Phiệt…
Song những khác biệt chỉ về mặt tiểu tiết, về đại thể, có những điểm trùng hợp giữa các nguồn tư liệu, như: Người trực tiếp thực hiện cuộc mưu sát là Bá Phức, cha nuôi của Đề Thám, vừa ra hàng giặc ngày 15.2.1894; Vụ mưu sát diễn ra vào cuối tháng 4.1894 song thất bại, Đề Thám không bị nguy hiểm đến tính mạng.
Bên cạnh thủ đoạn trên, thực dân Pháp còn chủ trương hòa hoãn với lực lượng kháng chiến của Đề Thám, qua hai lần giảng hòa, lần thứ nhất vào tháng 10.1894, sau vụ mưu sát bất thành, lần thứ hai vào cuối năm 1897 và kéo dài đến cuối thập niên 1900. Trong thời gian này, Đề Thám củng cố lại lực lượng, mở rộng địa bàn hoạt động và vụ Hà thành đầu độc vào tháng 6.1908 được Pháp xem là sự bội ước của Kháng chiến quân Yên Thế. Họ tập trung lực lượng nhằm xóa sổ căn cứ địa Yên Thế của Đề Thám.
Đề Thám cùng các tùy tướng. Ảnh tài liệu Lê Nguyễn.
Đề Thám bị giết khi đang say ngủ
Cuộc tổng tấn công của Pháp diễn ra trong hai giai đoạn khác nhau, giai đoạn đầu từ ngày 29.1 đến 1.5.1909; giai đoạn hai từ 5.7.1909 đến 28.2.1910 (Histoire militaire de l’Indochine française - Tome 2 - Hanoi-Haiphong 1931, trang 203). Về phía triều đình Việt Nam, ngày 30.7.1909, Tổng đốc Hải Dương Lê Hoan được cử làm Khâm sai đại thần, có trong tay 400 lính bản xứ làm nhiệm vụ truy tầm các mối liên lạc giữa nghĩa quân với nhau. Trong khoảng thời gian hơn một năm, nhiều cuộc giao tranh liên tiếp nổ ra, tổn thất của cả hai bên rất to lớn. Cả Trọng, người con cả của Hoàng Hoa Thám, đồng thời cũng là cánh tay mặt của ông trong lãnh đạo kháng chiến, bị thương nặng và qua đời; một người con nuôi của ông là Cả Rinh (có tài liệu ghi: Cả Dinh) bị truy đuổi và bị thương ở Núi Lạng, đã dẫn 8 tay súng thuộc hạ ra hàng Lê Hoan ngày 24.10.1909 (Histoire militaire … - sđd, trang 210 - Tôn Quang Phiệt - sđd, trang 111).
Cuộc tổng tấn công của Pháp vào cứ địa Yên Thế kết thúc ngày 28.2.1910, với sự tan rã hoàn toàn của nghĩa quân dưới quyền Hoàng Hoa Thám. Về phần hùm thiêng Yên Thế, ông đã phải rút vào rừng sâu cùng vài thủ hạ thân tín trong sự truy tìm liên tục của thực dân Pháp.
Về cái chết của ông vào tháng 2.1913, nhiều tài liệu cho là do bàn tay của Lương Tam Kỳ, một người từng kháng chiến chống Pháp, sau quy hàng và cộng tác với giặc. Lương Tam Kỳ từng ở trong tổ chức Thái Bình Thiên Quốc chống lại nhà Thanh, sau là một thuộc tướng của Lưu Vĩnh Phúc. Năm 1885, khi hòa ước Thiên Tân được ký giữa Pháp và nhà Thanh, Lưu Vĩnh Phúc bỏ về Tàu, Lương Tam Kỳ tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp với một thế lực khá mạnh. Tuy nhiên, đến năm 1889, Lương Tam Kỳ chịu ngưng chiến sau khi Pháp đồng ý cho ông ta làm chủ hoàn toàn 4 tổng gần khu vực chợ Chu (Thái Nguyên) và hưởng một khoản tiền lớn mỗi năm.
Tình trạng của Lương Tam Kỳ cứ thế kéo dài cho đến cuối năm 1912 thì được thực dân Pháp tiếp xúc và bàn việc bắt sống Đề Thám. Họ Lương nhận lời, giao cho người con nuôi là Lương Văn Phúc thực hiện kế hoạch đã tính. Phúc sắp xếp ba thủ hạ giả làm những người khách Tàu, mang theo 4 khẩu súng, tiếp cận với Đề Thám, tất nhiên với một kịch bản tinh vi để không làm họ Hoàng nghi ngờ.
Ba tuần lễ trôi qua, sáng ngày 10.2.1913, khi Đề Thám đang say ngủ, các thủ hạ của Lương Văn Phúc dùng cuốc sát hại ông rồi cắt đầu mang đến viên Đại lý (Pháp) Nhã Nam. Đầu của ông và hai thủ hạ tâm phúc khác bị bêu ở Nhã Nam 3 ngày liền. Bộ “Histoire militaire…” đã ghi lại như sau: “Uy thế của Đề Thám đã mất hẳn, song mặc dầu cái đầu của ông đã được treo giá từ đầu năm 1909, mà mãi đến tháng 2.1913, nó mới được trưng bày ở chợ Nhã Nam, từ tay hai người Tàu bị cám dỗ bởi phần thưởng được hứa, họ đã thành công trong việc tranh thủ được sự tín nhiệm của vị lãnh tụ già để sát hại ông một cách dễ dàng” (sđd, trang 211 - LN lược dịch).
Có tài liệu cho rằng đó không phải là đầu của Hoàng Hoa Thám, song điều ấy không quan trọng, vì dù bằng cách nào thì hùm thiêng lừng lẫy ở Yên Thế cũng đã thực sự ngã xuống vĩnh viễn rồi. (còn tiếp)
+++++++++++++++++++++++++++++
Ái nữ cụ Đề Thám làm diễn viên điện ảnh Pháp
02/11/2020 Thanh Niên
Trong phong trào Cần vương chống Pháp đầu thế kỷ 20, Hoàng Hoa Thám (1846 - 1913) là một thủ lĩnh kiệt hiệt nhất.
Hoàng Hoa Thám và các con (Hoàng Thị Thế đứng bên phải ông). PIERRE DIEULEFILS
Ngót 30 năm lãnh đạo nghĩa quân Yên Thế (1884 - 1913), ông là nỗi khiếp đảm cho thực dân Pháp, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề... Ít ai biết được người con gái của “hùm thiêng Yên Thế” lại có một số phận kỳ lạ.
Người con gái đó có tên Hoàng Thị Thế (1901 - 1988), là con của cụ Đề Thám với bà vợ thứ ba tên Đặng Thị Nho (còn gọi là bà Ba Cẩn). Đề Thám hơn bà Nho 18 tuổi, ông lấy bà khi bà chưa đầy đôi mươi. Bà là con dòng dõi nhà nho, tài sắc vẹn toàn, biết cưỡi ngựa và sử dụng vũ khí. Sau này bà trở thành nữ tướng trong nghĩa quân Yên Thế, một chỗ dựa vững chắc của Đề Thám. Bà sinh hạ cho ông ngoài cô con gái tên Thế còn có một người con trai tên Hoàng Văn Vi (còn gọi là Phồn, sinh năm 1908).
Những bức ảnh thời thơ ấu
Đầu thế kỷ 20, nhà nhiếp ảnh Pháp Pierre Dieulefils có cơ hội đi chụp ảnh nhiều nơi. Trong số 4.800 tấm bưu ảnh ông chụp về đề tài Đông Dương, có một loạt ảnh về cuộc khởi nghĩa Yên Thế được đánh số từ 3300 - 3354 (tức 54 bức ảnh). Trong loạt ảnh này, cô Hoàng Thị Thế có mặt trong 4 bức. Bức đầu tiên (mã số 3300, chụp ở Phồn Xương, Bắc Giang), cô bé Thế đứng bên phải cha (Hoàng Hoa Thám), ông ôm nhẹ vai cô trong tư thế đầy yêu thương, che chở. Trong ảnh, ngoài cô bé Thế còn có 3 người con của Cả Trọng (con đầu của Hoàng Hoa Thám với vợ lớn) cùng với một lính cai. Ở bức ảnh thứ hai (mã số 3341, chụp ở Nhã Nam, Bắc Giang), cô bé Thế đứng ở hàng đầu cùng với các thủ lĩnh Cả Rinh, Cai Sơn (2 con nuôi của Đề Thám) và khoảng hơn 40 nghĩa quân đứng xếp hàng trướng một ngôi nhà lớn lợp ngói. Tư thế của cô bé Thế (nhỏ nhất trong hàng quân) rất hiên ngang, kiêu hãnh - đáng mặt ái nữ của thủ lĩnh nghĩa quân. Ở 2 bức ảnh khác (mã số 3334 và 3354), cô bé Thế (8 tuổi) cùng với mẹ là bà Đặng Thị Nho bị quân Pháp bắt được ở 2 nơi khác nhau, và đưa về Nhã Nam chụp hình chung vào ngày 1.12.1909.
Về trường hợp bị giặc Pháp bắt, thông tin từ hồi ký của cô Hoàng Thị Thế sau này cho biết: Ngày 17.11.1909, Đề Thám cùng tàn quân về đến Yên Thế thì quân của Tiểu đoàn trưởng Bonifacy cũng kéo đến bao vây Nhã Nam. Quân Pháp tăng cường khủng bố, làm cho sự tiếp tế bị tê liệt... Ngày 1.12, bà Ba Cẩn bị Pháp bắt được gần đồn chợ Gồ. Hôm sau, Đề Thám dẫn 5 nghĩa quân đi cứu bà thì lọt vào ổ phục kích. Một nghĩa quân hy sinh, nhưng Đề Thám chạy thoát được. Ngày 24.2.1910, bà cùng 78 nghĩa quân bị mang về giam ở Hỏa Lò rồi bị án đày sang Guyane (Nam Mỹ). Dọc đường, bà bị bệnh lao và mất ngày 25.11.1910.
Hoàng Thị Thế (đứng hàng đầu/ái nữ của cụ Đề Thám) cùng nghĩa quân Yên Thế. ẢNH: PIERRE DIEULEFILS
Người con gái duy nhất của cụ Đề Thám lúc đó mới 8 tuổi. Khi đồn Phồn Xương bị vỡ, người chị dâu (vợ Cả Huỳnh - con nuôi Đề Thám) cõng cô đi lánh nạn thì cả hai bị Pháp bắt. Cô bé được đưa ngay về Nhã Nam cho mật thám Alfred Bouchet như một món chiến lợi phẩm đáng giá.
Cái tát dành cho “cố nhân”
Vì thương con gái bé bỏng của chủ tướng mà Cai Mễ, một nghĩa quân già, đã đến gặp Bouchet xin hàng chỉ với một điều kiện là được trông nom cô Thế (Alfred Bouchet là một tên mật thám rất gian giảo, thạo tiếng Việt và chữ Hán. Sau này, trong hồi ký, cô Hoàng Thị Thế đã viết về y như sau: “Lợi dụng thời kỳ hòa hoãn, Bouchet thậm thọt ra vào chỗ chúng tôi ở để do thám. Có nhiều lần lại mang cả máy ảnh vào để chụp, nhưng chẳng bao giờ chúng chụp được ảnh mẹ tôi và anh Cả Trọng...”). Sau một thời gian được Bouchet giám hộ, cô Thế được đưa cho nhà tư sản Nguyễn Hữu Thu ở Hải Phòng chăm sóc. Albert Sarraut khi sang làm Toàn quyền Đông Dương (1911 - 1914) đã nhận cô làm con nuôi, đặt tên là Marie Beatrice Destham (do chữ Đề Thám) và đưa về Hà Nội cho đi học trường Tây. Đến năm 1917, cô Hoàng Thị Thế được đưa sang Pháp học nội trú tại trường Jeanne D’Arc.
Năm 1925, sau khi đậu tú tài 1, cô được đưa trở lại Việt Nam và làm thủ thư tại Phủ Thống sứ Bắc kỳ. Thời gian này, cô có gặp lại “cố nhân” Alfred Bouchet (lúc đó đang làm Công sứ Hải Dương) và đã có cuộc trao đổi thú vị như sau:
“Ôi, cô đúng là con gái của Đề Thám”.
“Thế ông tưởng không phải à?”.
“Ồ không! Nhưng cha cô không phải là người mánh khóe”.
“Chính vì vậy các ông mới làm hại được cha tôi, nhưng với tôi, ông không cần phải nói nhiều. Tôi đã có kinh nghiệm và những kẻ xảo trá tôi có thể đánh hơi thấy chúng từ xa...”.
Ông ta tức giận bỏ đi. Tôi khoái chí vì đã tát cho hắn một cái tát nhưng tôi còn có em trai Phồn và các cháu, tôi không muốn đi quá đà với hắn...” (trích hồi ký Kỷ niệm một thời thơ ấu). (còn tiếp)
BẢN ĐỒ YÊN BÁI YẾN THẾ