Ukraine: Pháp và Đức hối thúc Putin "thương lượng" với Zelensky; Nga từng thuyết phục Kyiv

03 Tháng Sáu 20229:34 SA(Xem: 8359)

Ukraine: Pháp và Đức hối thúc Putin "thương lượng" với Zelensky; Nga từng thuyết phục Kyiv


29/5/2022


image023Nguồn hình ảnh, EPA. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm kéo dài 80 phút với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz


Hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã kêu gọi Tổng thống Nga Putin có "các cuộc thương lượng trực tiếp [và] nghiêm túc" với Tổng thống Ukraine, theo tuyên bố từ văn phòng Thủ tướng Đức.


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có cuộc điện đàm kéo dài 80 phút với ông Putin.


Hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức "giữ vững quan điểm về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và Nga rút quân", văn phòng Thủ tướng Đức cho biết.


Tổng thống Putin cho biết Moscow cũng để mở khả năng bắt đầu đối thoại lại với Kyiv, theo Điện Kremlin.


Tuy nhiên, Điện Kremlin không đề cập đến khả năng hội đàm trực tiếp giữa ông Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.


Tổng thống Ukraine trước đó nói ông không "hào hứng" đàm phán, nhưng cho biết thêm có thể nếu như điều này cần thiết để chấm dứt cuộc xung đột.


Các phái đoàn Nga và Ukraine đã tổ chức nhiều vòng đàm phán từ xa và gặp trực tiếp kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/02, thế nhưng các nỗ lực đã bị chững lại gần đây.


Pháp và Đức cũng kêu gọi ông Putin thả 2.500 binh sĩ Ukraine tại khu phức hợp thép Azovstal tại thành phố cảng Mariupol, vốn đã bị giữ làm tù nhân chiến tranh.


Nhà máy thép lớn này đã là thành trì cuối cùng của các chiến binh Ukraine ở Mariupol, nơi gánh chịu các đợt ném bom không khoan nhượng từ quân đội Nga và hiện đã thành đống đổ nát.


Hồi đầu tháng này, giới chức Moscow nói rằng các chiến binh cuối cùng bảo vệ nhà máy thép đã đầu hàng, trong khi Tổng thống Zelensky nói rằng họ đã được phép rời khỏi Azovstal.


Nga trước đó tuyên bố rằng hơn 900 binh sĩ Ukraine đã được chuyển đến một khu nhà tù được mở lại ở làng Olenivka, bị Nga chiếm đóng tại vùng Donetsk. Một số bị thương nặng đã được chuyển đến một bệnh viện ở thị trấn Novoazovsk, cũng ở Donetsk.


Ukraine hy vọng họ sẽ được thả, một phần trong hình thức trao đổi tù nhân - nhưng Nga đã chưa xác nhận điều này. Một số nhà lập pháp Nga lập luận rằng những binh sĩ Ukraine này nên bị xét xử hay thậm chí xử tử.


image026Nguồn hình ảnh, Reuters. Ukraine muốn các binh sĩ bảo vệ nhà máy thép Azovstal sẽ là một phần trong việc trao đổi tù nhân nhưng phía Nga chưa đưa ra cam kết nào


Cũng trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức cũng yêu cầu ông Putin dỡ bỏ việc chặn cảng Odessa, cho phép xuất khẩu ngũ cốc.


Điện Kremlin nói rằng ông Putin đã đề nghị xem xét các lựa chọn để giải quyết nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu - nhưng yêu cầu Phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.


Nga cũng cảnh báo Pháp và Đức về việc gia tăng viện trợ vũ khí cho Ukraine, và nói rằng điều này có thể khiến bất ổn thêm gia tăng.


Cuộc chiến này đã tạo nên các thực tế đan xen


Phân tích của Joe Inwood, Phóng viên tại Ukraine của BBC News


Đọc tường thuật của Điện Kremlin về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Pháp Macron, và Thủ tướng Đức Scholz, thì Nga đang tham gia vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Ukraine. Các hành động ở thành phố cảng miền nam Mariupol - thành phố đã bị tàn phá nghiêm trọng - tất cả đều để "thiết lập một cuộc sống hòa bình" và "giải phóng".


Trong một sự tương phản gay gắt với những thông tin từ các đồng minh EU - cho rằng trọng tâm là tình trạng thể chất và tinh thần của 2.500 tù nhân chiến tranh Ukraine đã đầu hàng - cùng bằng chứng từ tất cả nhà quan sát độc lập. Có nhiều thông tin đáng tin cậy về những tội ác chiến tranh của lực lượng quân đội Nga.


Mặc cho những điều này, việc hai nhà lãnh đạo hàng đầu của EU có các cuộc hội đàm trực tiếp với Tổng thống Nga mang ý nghĩa rất quan trọng.


Lời kêu gọi của họ về một giải pháp ngoại giao - thậm chí trong bối cảnh lực lượng Nga tiến công vào vùng Donbas - lại không được tất cả đồng minh Phương Tây ủng hộ, những người vốn lo ngại giải pháp này có thể gây áp lực lên Ukraine phải nhượng lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.


Tất cả xuất hiện trong tình hình Nga tuyên bố đã chiếm lấy thành phố Lyman, nơi giữ vị trí cửa ngõ quan trọng - và tiếp tục cuộc tấn công tại thành phố Severodonetsk. Thành phố công nghiệp này đã bị Nga bao vây trong những ngày qua - có thông tin Ukraine có thể ra lệnh rút quân chiến lược.


Còn quá sớm để nói rằng các nỗ lực ngoại giao hiện nay cho thấy một liên minh Phương Tây bị chia rẽ... nhưng các lập trường khác nhau đang bắt đầu xuất hiện.


Giới chức Ukraine nói có giao tranh trên đường phố tại thành phố Severodonetsk, miền đông Ukraine, nơi cực đông này vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.


Thống đốc vùng Luhansk, Serhiy Haidai nói rằng Nga đã bắn phá ác liệt vào thành phố, mặc dù lực lượng của Nga cũng chịu tổn thất đáng kể.


Vào ngày 27/05, giới chức Ukraine cho biết Nga đã bao vây 2/3 phạm vi thành phố.


Ông Haidai nói rằng binh sĩ Ukraine có thể rút khỏi Severodonetsk, nhận định rằng: "Có thể để không bị bao vây, họ sẽ phải rời đi."


Trong một bình luận với BBC ngày 28/05, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal nói rằng cuộc xâm lược của Nga đã phá hủy hơn 25.000 km đường xá, hàng trăm cây cầu và 12 sân bay.


Hơn 100 cơ sở giáo dục, hơn 500 cơ sở y tế và 200 nhà máy cũng bị phá hủy hay hư hại, ông cho biết.


Ông Denys Shmyhal cũng yêu cầu Nga phải bị buộc chi trả cho "những tổn thất đã gây ra", và cho biết các tài sản đóng băng của Nga nên được chuyển đến Ukraine để phục vụ cho công tác tái thiết.


image030Nguồn hình ảnh, Getty Images. Các phiến quân thân Nga phóng tên lửa vào lực lượng Ukraine gần thành phố Avdiivka ở vùng Donetsk hôm 28/05/2022


Nga từng thuyết phục Donetsk và Luhansk từ bỏ chủ quyền lãnh thổ


image032Ảnh tài liệu: Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) trong một lần gặp Ngoại Trưởng Nga Sergey Lavrov. (Photo: Jonathan Nackstrand/Pool/AFP via Getty Images)


Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình TF1 của Pháp, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết tại một số thời điểm, Nga đã thuyết phục các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk (DPR và LPR) từ bỏ chủ quyền của họ nếu chính quyền Kiev thực hiện thỏa thuận Minsk.


Theo ông Lavrov, khi Donetsk và Luhansk tuyên bố độc lập và trở thành hai nước cộng hòa tự xưng hồi năm 2014, chính quyền Kiev đã gửi quân đội và máy bay ném bom hai tỉnh này.


“Trong nhiều tháng dài, chúng tôi đã cố gắng ngăn chặn xung đột. Chúng tôi đã thuyết phục Donetsk và Luhansk từ bỏ chủ quyền của họ nếu các thỏa thuận Minsk được thực hiện. Tất cả những gì chính quyền Kiev cần làm là cấp trạng thái đặc biệt cho những lãnh thổ đó" - ông nói.


Ông Lavrov cho biết Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài việc công nhận sự độc lập của Donetsk và Luhansk.


"Đối với chúng tôi, đây là một hoạt động quân sự theo yêu cầu chính thức từ các quốc gia có chủ quyền DPR và LPR, phù hợp với Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong đó có quyền phòng vệ cá nhân và tập thể. Chúng tôi đang bảo vệ những khu vực đó và giúp họ khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ” - ông nói thêm.


Trong buổi phỏng vấn, ông cũng nói về các lệnh trừng phạt gần đây của phương Tây đối với Moscow. Ông nhận định phương Tây đã lên kế hoạch trừng phạt Nga từ lâu và khó có thể dỡ bỏ chúng.


“Tốc độ và phạm vi của của các lệnh trừng phạt từ phương Tây chứng minh rằng chúng không được lập ra chỉ sau một đêm. Chúng đã được lên kế hoạch từ khá lâu trước đây” - ông nói.


Ngoại trưởng Nga lưu ý rằng Mỹ, dù không công khai, đang nói với đồng minh của họ rằng “khi mọi thứ kết thúc, các lệnh trừng phạt sẽ được giữ nguyên", đồng thời nhấn mạnh rằng phương Tây đang dùng Ukraine như một “con bài mặc cả" để kìm chế Nga, hãng thông tấn TASS đưa tin. (theo PLO 30/5/2022)
24 Tháng Mười Một 2024(Xem: 361)