“Ukraine War” sẽ trả giá bao nhiêu cho dàn nhạc Brussels và Moscow?

31 Tháng Ba 20227:41 SA(Xem: 4734)

VĂN HÓA ONLINE – ĐIỂM NÓNG A - THỨ NĂM 31 MAR 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


NGA ĐÁNH UKRAINE HAY ĐÁNH MỸ VÀ NATO? (Kỳ 4/phần 2)


“Ukraine War” sẽ trả giá bao nhiêu cho dàn nhạc Brussels và Moscow?

image001image003

Lý Kiến Trúc

VĂN HÓA ONLINE

31/3/2022

(Kỳ 4/phần 2 - hết)


“Để nhớ về Vietnam War và tháng Tư đen”.

“Đây không phải là loại chiến tranh mà Kyiv có thể thua dễ dàng”. (Wesley Clark, cựu Tư Lệnh NATO).

Viễn ảnh về “Bức tường Bá Linh 2” ở Ukraine không có gì là không thể. (LKT)


Sàigon và Kyiv


Khi Nga đưa quân xâm lăng vào Ukraine ngày 24/2/2022, hình ảnh Vietnam War chập chờn trong ký ức. Tổng thống Richard Nixon, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có vẻ như nhuốm sắc màu vào Zelensky mặc áo trận đi ủy lạo binh sĩ dưới chiến hào thủ đô Kyiv.


Mặt trận Ukraine bùng nổ tuy chưa có bóng dáng quân ngoại quốc, nhưng vũ khí ngoại và đôla tràn ngập, đích thị là “Ukraine War” rồi.


Bản chất hai cuộc chiến Vietnam War - Ukraine War khác nhau xa về thời gian và không gian. Nhưng cố tìm tòi trong lịch sử chiến cuộc thường có những “yếu huyệt” lập lại - có chỗ giống chỗ khác.


Ví dụ như về cách thức chiến lược và chiến thuật trong âm mưu “thôn tính” Ukraine của Mạc Tư Khoa na ná như những năm 1960-1975 thời Vietnam War, Quốc Hội Mỹ trao quyền cho Tổng thống có quyền điều binh sĩ tới chống lại chủ nghĩa xâm lược ở những vùng đất làm biến đổi nền trật tự thế giới; ví dụ như phương Tây dưới bộ áo “Thế giới Tự do” chống lại “Chủ nghĩa chuyên chế độc tài và làn sóng đỏ cộng sản” (bây giờ cải thành xã hội chủ nghĩa); ví dụ vũ khí quân trang quân dụng ào ào viện trợ cho quân đội địa phương; ví dụ như dưới danh nghĩa một cuộc chiến tranh ý thức hệ, một cuộc chiến tranh ủy nhiệm; ví dụ như hệ thống truyền thông quốc tế dựng lên trang nhất tin ‘hot”, vân vân và vân vân.


Tuy giống và khác, “Ukraine War” ở đầu thế kỷ 21 ly kỳ không kém gì Vietnam War. Chiến tranh Việt Nam kéo dài 20 năm, nay đã lùi về quá khứ 50 năm. Chiến tranh Ukraine sẽ kéo dài bao lâu/ Người ta hoảng hốt vì Tổng thống Joe Biden đã lên tiếng ở Warsaw-Ba Lan hôm 26/3/2022 “cuộc chiến phía trước ở Ukraine sẽ lâu dài”.


Ngoài ra, trong những màn đấu khẩu ngoại giao, ông Biden còn nặng lời “rủa” thẳng và mặt Vladimir Putin là tên “war criminal”, tên tội phạm chiến tranh.


Ngày xưa trong chiến tranh Việt Nam, coi vậy chứ chưa nghe Tt Richard Nixon “rủa” đích danh Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh, nhưng đối với Saigon thì vào đoạn kết của cuộc chiến, Herry Kissinger “rủa” “sao nó (Saigon) không chết phứt đi cho rồi” và nếu cần thì “cắt cái đầu nó đi” nếu nó bướng bỉnh không ký hiệp định. (1).


Trò chơi ở Ukraine War với các tay chơi quốc tế: Putin, Biden và Zelensky


8 tháng 3, 1965: Mỹ khai mạc Vietnam War khai chiến với Hà Nội chống lưng là Trung cộng; 24 tháng 3, 2022: Mỹ và 30 nguyên thủ nguyên thủ Châu Âu khai mạc ở Brussels, khai chiến Russia, chống lưng là NATO và EU?


*


Vietnam War, “Thay đổi màu da trên xác chết” - như cái bóng ma ám ảnh không ngừng ở viễn đông. Cái bóng ma ngôn ngữ ngoại giao chính trị bóng gió về một cuộc “khủng hoảng an ninh lớn- Jens Stoltenberg” sắp tới ở Châu Âu-Đông Âu còn kinh khủng hơn nhiều. Khủng hoảng Ukraine có dấu hiệu mầm mống Thế chiến III.


Lịch sử Vietnam War thật ra đã có cái mầm từ thời Tổng thống Truman, nhưng đến thời John F. Kennedy và Tổng thống Ngô Đình Diệm, Hoa Kỳ muốn nhẩy vào Đông Dương nhưng còn đợi thời cơ, cho đến khi Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu nắm được quyền hành số 1 ở Saigon thì ắt có và đủ.


Chính phủ ông Ngô Đình Diệm không thuận quân nước ngoài nện gót giầy đinh vào nước nhà. Ngày 1 tháng 11, 1963 phải tới, ngày kết liễu sinh mạng hai anh em ông Diệm-Nhu.


Ngày 2-4/8/1964, chiến hạm USS Maddox ở vịnh Bắc Việt bị tấn công; Tổng thống Lyndon B. Johnson gửi cố vấn quân đội Mỹ đến Việt Nam.


Tháng 4 năm 1965, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- Hà Nội ký hiệp định với Trung Quốc đưa một bộ phận quân đội Trung Quốc vào miền Bắc Việt Nam bắt đầu từ tháng 6 năm 1965. Tổng số quân Trung Quốc đã có mặt tại miền Bắc từ tháng 6-1965 đến tháng 3-1973 là gần 320.000 người. (2) theo wikipedia.


Ngày 8 tháng 3 năm 1965, sư đoàn Thủ quân Lục chiến đổ bộ vào bãi biển Sơn Trà Đà Nẵng. Vietnam War chính thức mở màn.


Từ 1963-1965, người Mỹ để yên cho giới loạn tướng bát nháo chính trường nam VN; sau cùng, người được Mỹ chấm điểm là tướng Nguyễn Văn Thiệu. Ông Thiệu, tổng thống Saigon OK quân Mỹ đổ vào VN, truyền thông rầm rộ ca ngợi tình đồng minh. Đại tướng lừng danh William Westmoreland tổng tư lệnh chiến trường.


Từ 1965-1968 là giai đoạn ác liệt nhất của chiến tranh Việt Nam giữa quân Mỹ và quân Bắc Việt. Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn trực chiến. Quân đội Saigon phòng ngự, đánh nhau với phe nổi loạn MTDTGPMN, đôi khi đụng trận lớn với bộ đội chính quy từ miền Bắc, (đều là anh em một nhà). (3)


Sau ba năm thử lửa tốn hàng ngàn tỉ đôla (3/1965-5/1968), không có dấu hiệu khả quan trên chiến trường về mặt chiến lược chứng tỏ người Mỹ đạt được chiến thắng. Mỹ dò đường tìm “Hành lang ngưng chiến và rút quân trong danh dự”. Hòa đàm Ba Lê mở ra. Hà Nội mừng hết lớn. Đấu tranh chính trị khoa trương.


Thật ra, chuẩn bị cho chiến tranh của cái gọi là “giải phóng miền Nam”, từ năm 1959, Hà Nội đã mở con đường rừng chiến lược 559 Hồ Chí Minh dọc theo dãy Trường Sơn từ Bắc xuống Nam, xuyên qua biên giới Lào-Miên. Đây là điểm cốt tử về địa dư mà Hà nội tận dụng được, trong lúc quân đội Mỹ bó tay vì Quốc Hội không cho phép tướng Westmoreland vượt qua biên giới.


Các sư đoàn chính quy, vũ khí, săng dầu … tuồn vào miền Nam suốt ngày đêm, thiết lập các căn cứ hậu cần bí mật nằm trên đất Miên đất Lào sát biên giới Việt. Bộ đội quần thảo xa luân chiến với các đơn vị chủ lực Mỹ - tấn công các căn cứ hỏa lực phòng thủ biên giới, giao chiến trực tiếp với các đơn vị di động thiện chiến “tìm và diệt” của Đại tướng Westmoreland. Từ bên kia biên giới, đại pháo Cs 130 ly bắn xa 27km nã vào quân ta và các căn cứ hỏa lực, đại bác Mỹ 175 ly chỉ bắn xa 17km. Quân trú phòng gồng mình chịu đựng hàng tháng. Thiệt hại sinh lực vô kể.


Bên cạnh các trận ác chiến, chiến thuật “vừa đánh vừa đàm” là sở trường của miệng lưỡi Hà Nội. Khẩu hiệu nếu cần “đốt cháy cả dẫy Trường Sơn” hy sinh đến người cuối cùng nhằm kéo dài thời gian chiến tranh làm hao mòn tinh thần chiến đấu của binh sĩ Hoa Kỳ. “Chiến dịch “tìm và diệt” cùng với hỏa lực khủng khiếp của B-52 (Cố vấn John Paul Vann tư lệnh khét tiếng về B-52 ở Vùng II VN) có thể tiêu diệt hàng trăm ngàn lính chính quy Bắc Việt ở các măt trận, nhưng Ngũ giác Đài và tướng Westmoreland quên rằng không thể giết hết người ở miền Bắc VN, cái lò sản xuất người cầm súng. Hà Nội còn giật dây các phong trào phản chiến trong ruột nước Mỹ, rầm rộ biểu tình đòi đưa các chú GI về nhà. Các cuộc biểu tình phản chiến tác động rất lớn đến “ngai vàng” bầu cử tổng thống Mỹ, nội bộ hai đảng cầm quyền Hoa Kỳ chia rẽ, và tất nhiên, người dân Mỹ chán nản chiến tranh kéo dài lê thê. Một cuộc chiến bị bó tay. bế tắc và sa lầy. Báo chí thời đó có vẻ khoái hai chữ sa lầy.


(Chú thích thêm: Hai chữ “sa lầy” đang được một số truyền thông mô tả quân Nga ở Ukraine).


Ánh sáng cuối con đường Thế giới Tự do ở nam Việt Nam mờ mịt. Tháng 5 năm 1968, Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội bắt tay nhau ngồi vào bàn ở Ba Lê.  


Ngày 8 tháng 6 năm 1969, Tổng thống Richard Nixon bắt đầu cho rút quân dần khỏi nam Việt Nam, cam kết cùng quốc dân Hoa Kỳ sẽ chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình.


Năm 1969-1972, kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” từ Ngũ giác Đài chuyển dần chiến trường cho quân lực VNCH, Đại tướng Creighton Abrams thay thế Đại tướng William Westmoreland - báo chí Saigon gọi là “thay đổi màu da trên xác chết”.


(Chú thích thêm: Cụm từ “thay đổi màu da …” khiến chúng ta liên tưởng tới thông tin Ukraine và Nga đang có kế hoặch mướn lính đánh thuê quốc tế).


Từ mùa hè 1972, chiến tranh Việt Nam bước sang giai đoạn mới, nhưng kiệt quệ về quân trang quân dụng và vũ khí. Máy bay, xe tăng nhiều hằng hà nhưng không đủ săng, đại bác vô số nhưng không có đạn. Chiến hạm bị tháo cả sonar. Từ thua tới thua. Tức tối.  “Mãnh hổ nan địch quần hùng”, mặc dù quân ta tạo ra các chiến thắng lừng lẫy ở các mặt trận lớn như An Lộc, Kontum, Quảng Trị, rốt cuộc tan hàng ở mặt trận Cao nguyên (Phước Long, Quảng Đức, Ban Mê Thuột), rồi đau khổ di tản, kéo theo sự sụp đổ quân lực ở vùng địa đầu hỏa tuyến. Tháng Tư đen không chóng thì chày ắt phải đến.


Nhìn lại 20 năm chiến tranh ở Việt Nam, thắng hay bại - đó là “cuộc nội chiến diệt chủng từ trong trứng lịch sử nước Việt”. Chỉ có những con buôn súng thắng lớn.


Chân dung chiến tranh Ukraine War


Ukraine War; ngày 24/2/2022, phát súng lệnh từ Mạc Từ Khoa, Tổng thống Vladimir Putin điều gần 200,000 quân (tương đương 20 sư đoàn) cùng với hàng ngàn xe tăng, đại pháo, hỏa tiễn … bao vây biên giới phía đông Ukraine. 


Trước đó ba ngày, chuẩn bị dư luận cho hành động xâm lăng, tối 21/2/2022, ông Putin có bài phát biểu một giờ trước quốc dân Nga, giải thích các luận điểm của Nga về khủng hoảng Ukraine. Cùng ngày, Tt Putin ký sắc lệnh công nhận hai vùng Donetsk và Luhansk ly khai ở miền đông Ukraine là hai nước cộng hòa độc lập.


Thượng đỉnh Brussels


Ngày 24/3/2022, Thượng đỉnh Brussels tập hợp 30 nguyên thủ các nước trong khối Liên Hiệp Châu Âu (EU) dưới ngọn cờ NATO. Tổng thống Joe Biden từ Tòa Bạch Ốc đến Brussels khai mạc hội nghị. Đó là một ngày lịch sử của Châu Âu. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và các nguyên thủ EU chào đón Tt Biden như một vị cứu tinh.


image005Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đón Tổng thống Joe Biden bước vào hội nghị thượng đỉnh NATO. Tổng hành dinh ở thủ đô Brussels, Belgium ngày 24/3/2022. Reuters.


image007“Dàn nhạc Brussels”- Bức ảnh lịch sử ở thượng đỉnh NATO-Brussels gồm 30 nguyên thủ EU; Tổng thống Joe Biden là người thứ 31 và cũng là nhân vật số 1 đứng giữa Thủ tướng Anh Borris Johnson, TTK Jens Stoltenberg và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 24/3/2022. Nguồn Reuters. Tt Biden đến gõ trống khai mạc “dàn nhạc Brussels” “khai chiến” với Russia.


Thượng đỉnh chỉ diễn ra một ngày. “Dàn nhạc Brussels” khởi động đưa ra những mấu chốt quan trọng:


-          NATO tăng cường sự hiện diện của họ ở các đường biên giới phía Đông của khối, nhóm tác chiến khoảng 40.000 quân trải dài từ vùng Baltic đến Biển Đen.


-          EU đồng thuận giữ mức chi phí quốc phòng cho NATO 2%.


-          NATO tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine.


-          Nguồn cung cấp năng lượng của Châu Âu tương lai sẽ không phụ thuộc Nga, sẽ dựa vào nguồn Khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) của Mỹ, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới.


Joe Biden đến Ba Lan, Tổng hành dinh thứ 2 của NATO


Ngày 25/3/2022, Chiếc Air Force One chở Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hạ cánh xuống phi trường quân sự Rzeszow, Ba Lan.


Ba Lan, quốc gia sát biên giới Ukraine ở phía Tây. Ba Lan - cái nôi cách mạng Đông Âu năm 1989. Cách mạng kéo theo Sự sụp đổ của phe chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Trước đây vào thời kỳ chiến tranh lạnh, Ba Lan là một thành viên trong khối Warszawa (Liên sô cũ), gia nhập vào khối NATO năm 1999, thành viên của EU. Vị trí địa dư của Ba Lan là cửa ngõ nhìn từ phương Đông tiến vào Châu Âu thông qua lãnh thổ Ukraine. Không có gì ngạc nhiên khi NATO đặt bộ tổng hành dinh thứ hai ở Warsaw.


Ngoài việc ủy lạo tinh thần những nạn nhân chiến cuộc Ukraine chạy trốn từ đất nước của họ đến tỵ nạn ở Ba Lan, Tt Biden cũng đến thăm các binh sĩ Sư đoàn Dù 82 Lục quân Hoa Kỳ đóng quân tại Warsaw, một đơn vị tác chiến trong chuỗi quân lực bảo vệ sườn đông của liên minh NATO.


Vào thứ Bảy 26/3/2022, tại Cung điện Hoàng gia Warsaw, Tt Joe Biden đọc một bài diễn văn nảy lửa. " Nhân danh “thế giới tự do”, ông kêu gọi Châu Âu đoàn kết chống lại chủ nghĩa bá quyền xâm lược của Putin. Một lần nữa ông nhấn mạnh sẽ bảo vệ "từng centimet" lãnh thổ trong vùng kiểm soát của NATO, vì Chúa, Vladimir Putin không thể tiếp tục nắm quyền.


Câu tuyên bố của ông Biden ở Ba Lan gây ấn tượng mạnh, báo chí tốn nhiều giấy mực: Vladimir Putin "không thể tiếp tục nắm quyền". Câu này nghĩa là gì?


Phải chăng ông Biden hàm ý nói rằng Putin không thể tiếp tục làm mưa làm gió ở Ukraine. Nếu chiến tranh làn rộng ở Đông Âu và Châu Âu, đấy là lúc “tôi hiện hữu tức tôi tư duy” - Hoa Kỳ, một quốc gia có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các giải pháp đi tới hoà bình và giải quyết chiến tranh.


Theo VOA/Reuters, “cũng có khả năng Ba Lan sẽ nêu lên ý tưởng về một sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế bao gồm cả việc đưa quân đến trú đóng ở Ukraine, một ý tưởng được lãnh đạo đảng cầm quyền Jaroslaw Kaczynski đề xuất lần đầu khi vị này công du tới Kyiv”.


Reuters bỏ quên Jerusalem và Istanbul. Nơi mà Zelensky thường nhắc tới về vai trò trung gian hòa giải.


“Trên đường tới Ba Lan, trên chiếc Không lực Một, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã họp báo với các phóng viên. Khi được hỏi liệu Nga có ném bom các đoàn xe chở hàng tiếp tế tới Ukraine bằng đường bộ đi qua các nước NATO hay không?


Ông Sullivan nói: “Chúng tôi đang lên kế hoạch đề phòng khả năng Nga đi đến chỗ tấn công lãnh thổ NATO trong bối cảnh như thế hoặc trong bất kỳ bối cảnh nào khác”. (VOA 25/3/2022).


Xin nhắc lại cụm từ “trong bối cảnh như thế hoặc trong bất kỳ bối cảnh nào khác”, ông Sullivan không trả lời thẳng vào câu hỏi của phóng viên, ông lái qua việc đề phòng khả năng Nga đi đến chỗ tấn công lãnh thổ NATO. Tạm diễn theo ý ông Sullivan, Nga tấn công các đoàn xe vận tải là tấn công NATO.


Các đoàn xe vận tải tiếp tế cho Ukraine phải đi từ Ba Lan. Moscow tuyên bố họ sẽ oanh tạc các đoàn xe này khi nó di chuyển bên trong lãnh thổ Ukraine. Nó đồng nghĩa với việc bom Nga không đánh tới NATO, gần nhất là Ba Lan, nơi Tổng thống Mỹ đứng nói chuyện.    


Theo RFI, sáng 26/3/2022, trong ngày công du thứ hai ở Ba Lan, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự buổi họp giữa hai bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Mỹ và Ukraina. Đây là cuộc gặp đầu tiên của Joe Biden với các quan chức cấp cao Ukraina kể từ cuộc xâm lăng của Nga. Chiều cùng ngày, ông Biden đọc bài diễn văn trước cung điện hoàng gia Vacxava để kêu gọi “thế giới tự do” chống Nga xâm lược Ukraina, cũng như kêu gọi các nền kinh tế lớn ngăn cản tổng thống Putin.


Bài diễn văn nảy lửa của Tt Biden ở Warsaw thể hiện vai trò của Mỹ trong việc thúc đẩy các giải pháp đi tới hoà bình và chiến tranh. Ông nói về cuộc chiến hiện nay ở Ukraine (Đông Âu) diễn ra là giữa Chủ nghĩa tự do và Chủ nghĩa độc tài chuyên chế, tức là cuộc chiến tranh ý thức hệ. Nó không thuần túy là một Chiến dịch quân sự đặc biệt như tuyên bố của Putin hay Chiến dịch “giải phóng” đất đai, sắc tộc, hay đề xuất của hai nước cộng hòa tự trị Luhansk, Donetsk sẽ tổ chức trưng cầu dân ý hội nhập vào nước Nga.


Tuy nhiên, người ta tự hỏi, đến lúc nào thì Mỹ và NATO đưa quân vào Ukraine? Ý tưởng này có lẽ Moscow không hảo hảo lắm. Đó là điều Nga muốn tránh và không thể tạo điều kiện cho Mỹ nhẩy vào Ukraine. Nga không muốn mở rộng chiến tranh tầm quốc tế.


Thế nhưng Tổng thống Zelensky đã bật đèn xanh (?): “Để cứu người dân và các thành phố của chúng tôi, Ukraine cần hỗ trợ quân sự - không có giới hạn”. Không có giới hạn nghĩa là thế nào?


(Chú thích thêm: Để cứu người dân và các thành phố, ông Zelensky năm 2022 giống như ông Thiệu năm 1965).


Vladimir Putin ở Điện Cẩm Linh


image009Tối 21/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu một giờ trước quốc dân, giải thích các luận điểm của Nga về khủng hoảng Ukraine. Nguồn: EPA.


*


Khi Tổng thống Biden gọi đích danh Putin là "war criminal", tội phạm chiến tranh, con quỷ khát máu phải tống cổ đi, v.v… Lửa đã cháy mà lại đổ thêm dầu thì không biết chiến tranh sẽ kéo dài đến khi nào. Tuy rằng ba cuộc đàm phán ở Belarus vừa qua mờ mờ ảo ảo.


Putin cũng không vừa - ông ta khoa trương ngôn ngữ khẩu chiến, Putin gọi Biden là kẻ dối trá.


Bênh vực cho Putin, tờ New York Times hôm 21/3/2022 có một bài báo cố gắng giải thích cho độc giả lý do tại sao quân đội Nga lại có những hành động xâm lăng tàn bạo ở Ukraine. Ông Alexei Arbatov, một chiến lược gia quân sự nổi tiếng của Nga, đồng thời là nhà lập pháp liên bang, viết vào năm 2000, trong cuộc chiến của Nga ở Chechnya vào năm 2000: “Việc sử dụng vũ lực là cách giải quyết vấn đề hiệu quả nhất, nếu được áp dụng một cách dứt khoát và đại trà”.


(Trích đoạn) - Trong cuộc chiến ở Serbia năm 1999, việc sử dụng máy bay và tên lửa của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chống lại Serbia vào ngày 24 tháng 3 năm 1999 đã kết thúc giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh của các vấn đề quốc tế. Người Serbia đã tiến hành thanh lọc sắc tộc chống lại người Albania trên quy mô chưa từng có, nhưng những cuộc tấn công này đã leo thang sau khi NATO bắt đầu chiến dịch không kích. Cuộc tấn công vào Serbia bất ngờ xóa bỏ điều cấm kỵ của Nga đối với việc sử dụng vũ lực quân sự sau cuộc chiến đầu tiên ở Chechnya 1994–1996. Hành động quân sự của NATO là một sự sỉ nhục cuối cùng và là "vết nhổ vào mặt" đối với Nga, điều này hơn bao giờ hết thể hiện sự kiêu ngạo về quyền lực của phương Tây và sự sẵn sàng phớt lờ lợi ích của Nga. Nga đã học được nhiều bài học từ Kosovo. Trên tất cả, phần cuối biện minh cho phương tiện. Sử dụng vũ lực là cách giải quyết vấn đề hiệu quả nhất, nếu được áp dụng một cách dứt khoát và đồng loạt. Các cuộc đàm phán có giá trị không rõ ràng và nên được sử dụng như một vỏ bọc cho các hành động quân sự. Luật quốc tế và sự đau khổ của con người có ý nghĩa thứ yếu trong việc đạt được mục tiêu. Có thể chấp nhận được sự tàn phá lớn và tử vong hàng loạt đối với dân thường để hạn chế thương vong của chính một người. Dư luận nước ngoài và vị thế của các chính phủ phương Tây sẽ bị giảm giá nếu lợi ích của Nga bị đe dọa.


“Điều mà ông Alexei Arbatov muốn nói là việc NATO coi thường luật pháp quốc tế và nhân quyền đã khiến Nga kết luận rằng chỉ có “vũ lực là cách giải quyết vấn đề hiệu quả nhất”, và thói đạo đức giả của phương Tây đã khiến các nhà lãnh đạo Nga nghĩ rằng họ không có lý do gì để quan tâm đến dư luận của phương Tây”. (Nathan J. Robinson filed 21 March 2022 in International). (4)


**


Chiến thuật mới


Ngày 27/3/2022, Hãng thông tấn TASS đưa tin ông Sergei Rudskoy, một chỉ huy thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, ngày 25.3 tuyên bố chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đang diễn ra theo đúng kế hoạch và gần hoàn thành giai đoạn 1. Ông Rudskoy nói nhiệm vụ tiếp theo của lực lượng Nga là “kiểm soát” hoàn toàn vùng Donbass ở miền đông Ukraine. Theo Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng ly khai đã kiểm soát 93% vùng Luhansk và 54% vùng Donetsk. (5)


(Chú thích thêm: Theo VHO, từ ngữ “kiểm soát” nói Nga dùng để chỉ vào hoạt động của Luhansk, Donetsk ở Donbass khiến ta liên tưởng tới từ “giải phóng” của MTDTGPMN (gọi tắt là VC) để chỉ các mật khu và một số đất đai làng xã của họ đã được “giải phóng” ở vùng Nam bộ và Đông nam bộ VN thời 1965-1975, tiếc rằng thủ đô của VC đánh mãi mà chưa tìm ra. Phe Saigon gọi vùng VC tạm chiếm là vùng “xôi đậu”, nó gợi lên hình ảnh về một cuộc tranh chấp phức tạp nhuốm mùi không khí chính trị nhiều hơn về địa dư và nhân số.


Có lẽ trên thế giới này không có một dân tộc nào sống trong cảnh “xôi đậu” như ở nam Việt Nam. Dân chúng xôi đậu sống bình thường đến độ chai lỳ trước cuộc chiến Quốc-Cộng. Cái chết vì súng đạn hai bên xẩy ra như cơm bữa. Ban ngày họ vui vẻ với quân đội quốc gia, ban đêm họ “giao liên thân mật” với quân giải phóng.


Việt Nam trở thành bài học kinh điển về chiến tranh cách mạng, chiến tranh xâm lược và chiến tranh quy mô. Có lẽ Moscow đã học tập tốt để biến hóa “cách thức chiến tranh của Nga” áp dụng ở Ukraine, và ngay cả Kyiv cũng học tập tốt để tổ chức các đội dân quân phòng thủ, phản công và kháng chiến).


Ngày 29/3/2022, Tổng thống Valdimir Putin thay đổi chiến thuật hành quân và ngoại giao chính trị. Ông gia giảm áp lực quân sự vây hãm thủ đô Kyiv nhưng gia tăng tấn công, phong tỏa một số thành phố lớn ở miền đông và miền nam Ukraine, đặc biệt là thành phố cảng Mariupol đông nam Ukraine.


Điện đàm với Tổng thống Pháp Macron, ông Putin đòi quân đội Ukraine ở Mariupol phải buông súng đầu hàng.


(Chú thích thêm: Lại nhớ tới chuyện ông Dương Văn Minh ở Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975).


image011Thành phố cảng Mariupol trước và sau. “Các quan chức Pháp từ Điện Elyseé gọi tình hình ở thành phố là "thảm họa" và nói thêm rằng "thường dân phải được bảo vệ và rời khỏi thành phố nếu họ muốn. Họ phải được tiếp cận viện trợ lương thực và thuốc men mà họ cần". (BBC 30/3/2022)


Zelensky và Kyiv


Hình ảnh một Zelensky áo giáp trận tới tận chiến hào chia sẻ sống chết với lính, một Zelensky phong phanh cánh áo pull màu ô liu, màu lính, trước diễn đàn Quốc Hội Hoa Kỳ, trước ống kính truyền hình nói chuyện với bàng dân thiên hạ ở các nước Châu Âu - đã chinh phục hàng triệu con tim hướng về tự do và lòng quả cảm.


Ông Zelensky quả là bậc thầy về ngành tâm lý chiến.


image013Một cách chắc nịch về tình hình nguy cấp của Ukraine, Tổng thống Zelensky bật đèn xanh: “Để cứu người dân và các thành phố của chúng tôi, Ukraine cần hỗ trợ quân sự - không có giới hạn”.


Zelensky chơi canh bạc lớn với Putin. Ông ta muốn ủy thác cuộc xâm lược của Nga cho EU bằng cách nộp đơn xin nhập vào EU, nhưng EU còn chần chừ, và thậm chí nhá nhem muốn vào cả NATO nhưng hiến pháp không cho phép. Ông ta muốn biến cuộc chiến Ukraine thành cuộc chiến do quốc tế sáng tạo, một cuộc chiến tranh ủy nhiệm - quốc tế hóa Ukraine.


(Chú thích thêm: Ông Thiệu Ok cho quân Mỹ vào nam VN tham chiến, Mỹ kéo thêm các đồng minh là Đại Hàn, Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan, Philippines. Để cứu người dân và các thành phố, ông Zelensky tử thủ ở thủ đô Kyiv trong lúc quân Nga cách thủ đô khoảng 25km, khác với ông Thiệu năm 1975 ở Saigon bỏ của bỏ lính chạy lấy người trong lúc quân CS cách thủ đô 20 phút). (6)


image015Xe tăng T-72 của Nga bị bắn cháy ở một làng thuộc miền Đông Ukraine. Reuters


image017Xe tăng Nga bị bắn cháy bay cả pháo tháp. Có khả năng những quả đạn pháo trong xe nổ tung khiến pháo tháp tung ra khỏi sườn xe tăng.


Với thái độ hòa hoãn từ đầu cuộc chiến, Tổng thống Zelensky chứng tỏ ông là một người yêu nước. Tuy là người gốc Do Thái, nhưng ông nói tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ. Ông nói chuyện bằng tiếng Nga với người gốc Nga ở Ukraine và với hai người anh em cùng cha khác mẹ cùng mẹ khác cha Luhansky và Donetsky.


Tử thủ ở Kyiv, ông Zelensky chứng tỏ rằng ông là ngôi sao cho quân đội Ukraine dũng mãnh đối đầu với quân Nga ở các mặt trận. Ông mặc áo trận đi ủy lạo chiến sĩ ở chiến hào.


Người ta không hiểu ông Zelensky tính toán chuyện sẽ ngả hẳn về phương Tây qua hành động ông đã nộp đơn xin gia nhập vào Liên Âu và nhá nhem cả chuyện gia nhập vào NATO. Chẳng qua đó là cách “hù dọa” Moscow thôi. Như ta đã thấy, EU lưng chừng chưa quyết. Nhập vào Liên Âu có thể mang lại những điều có lợi cho Ukraine, nhưng quyết định nhập vào NATO là một thảm họa cho đất nước Ukraine. Zelensky nhìn thấy rõ điều đó.


Qua video trực tuyến hội nghị thượng đỉnh Brussels hôm 24/3/2022, ông Zelensky nói: “Tại ba hội nghị thượng đỉnh này, chúng tôi sẽ biết ai là bạn của chúng tôi, ai là đối tác của chúng tôi và ai đã bán đứng chúng tôi và phản bội chúng tôi”.


Vì sao lại là Donbass?


Vào năm 2014 và 2015, phe ly khai chính phủ Kyiv (được Nga yểm trợ) tấn công và chiếm đóng khu vực Donbass miền đông Ukraine sát biên giới Nga.


Lãnh thổ Donbass không rộng lớn lắm, nhưng về mặt địa dư nó là trái đệm an toàn khu cho một phần biên giới Nga phía nam, nối liền Biển Azoz và Biển Đen. Donbass đối với Nga như hình với bóng.


Hôm 7/3/2022, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho hay Ukraine hiện sẵn sàng “thảo luận” về tình trạng của Crimea và hai vùng ly khai ở Donbass.


Nga lờ đi và còn ra nghị quyết công nhận hai nhà nước tự trị Luhansk và Donetsk trở thành hai nhà nước Cộng hòa độc lập (24/3/2022).


Đối với Nga, Dobass là con bài tẩy xì dách trong các cuộc thương thảo với Kyiv.


image019Vị trí Donbass.


image021Người anh em của Zelensky: Thủ tướng tự trị Donetsk - Alexander Ananchenko


image023Người anh em của Zelensky: Thủ tướng Luhansk - Igor Plotnitksy


XEM THÊM


Vì sao lại là Donbass? “Đại đế Putin” và giấc mơ phục sinh Xô viết


Istanbul: Nga và Ukraine mặt đối mặt đàm phán lần thứ tư


CNN, 29/3/2022 có bài của nhà báo AJ Willingham viết, trích đoạn: “Một vòng đàm phán hòa bình mới giữa Nga và Ukraine đang được tiến hành tại Istanbul hôm nay. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số các quốc gia - bao gồm Israel, Trung Quốc và Ấn Độ - đã thể hiện sự quan tâm đến việc làm trung gian giải quyết cuộc xâm lược của Nga.


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông mong đợi "kết quả vững chắc" từ các cuộc đàm phán và muốn ngừng bắn ngay lập tức.


Các lực lượng Nga phần lớn đã bị đình trệ trên bộ ở các vùng của Ukraine, nhưng các cuộc sơ tán đang được tiến hành ở thành phố cảng Mariupol, nơi viên Thị trưởng cho biết Nga kiểm soát hầu hết các điểm xuất cảnh.


Theo Liên Hợp Quốc, hơn 3,8 triệu người đã chạy khỏi Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu - và một nửa trong số đó là trẻ em. Câu hỏi về vũ khí hạt nhân, người phát ngôn của Điện Kremlin đã bác bỏ việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, nói rằng Moscow sẽ chỉ sử dụng chúng nếu có mối đe dọa đối với sự tồn tại của đất nước Nga”.


image025Hai phái đoàn Nga và Ukraine gặp nhau tại Văn phòng Tổng thống Dolmabahce trong cuộc đàm phán hòa bình ở Istanbul, Turkiye vào ngày 29 tháng 3 năm 2022. (Ảnh của Arda Kucukkaya / Cơ quan Anadolu qua Getty Images )


Tờ The Times of Isarel viết ngày 29/3/2022 - Khi cuộc đàm phán hòa bình Ukraine-Nga bắt đầu ở Istanbul, Tổng thống Erdogan kêu gọi 'chấm dứt ngay thảm kịch' sau hai ngày đàm phán theo kế hoạch.


Hai phái đoàn dự kiến ​​tổ chức hai ngày hội đàm tại một tòa nhà chính phủ liền kề với cung điện của Ottoman thế kỷ 19, Dolmabahce, trên bờ Bosporus.


Trước đó, vào ngày 10 tháng 3, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức cuộc họp đầu tiên giữa ngoại trưởng Ukraine và Nga sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine ngày 24 tháng 2.


Trong bài phát biểu trước khi bắt đầu cuộc đàm phán, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói tiến triển trong các cuộc đàm phán có thể mở đường cho một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo của hai nước. “Chúng tôi tin rằng sẽ không có kẻ thua cuộc trong một nền hòa bình công bằng. Ông nói. “Là thành viên của các phái đoàn, bạn đã đảm nhận một trách nhiệm lịch sử. Cả thế giới đang chờ đợi tin vui sẽ đến từ bạn”.


“Hai bên có những lo ngại chính đáng, có thể đạt được một giải pháp được cộng đồng quốc tế chấp nhận”, Erdogan nói.


Ông nhấn mạnh: “Hai bên chấm dứt bi kịch này là tùy thuộc vào hai bên và nói thêm rằng “việc kéo dài xung đột không vì lợi ích của ai cả ”.


Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng gặp phái đoàn Ukraine và Nga vào Thứ Ba. Các cuộc đàm phán trước đó giữa các bên, được tổ chức trực tiếp tại Belarus hoặc qua video, đã không đạt được tiến bộ trong việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài hàng thángvà  đã giết chết hàng nghìn người, khiến hơn 10 triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa - trong đó có gần 4 triệu người từ đất nước của họ.


Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có chung bờ Biển Đen với cả Nga và Ukraine, đang tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả hai và đã đề nghị làm trung gian kể từ khi bắt đầu chiến tranh.


Một điểm son của Nga và Ukraine, Putin và Zelensky đồng thuận chọn Instanbul thay vì Belarus (thân Nga) hay Jerusalem (thân Mỹ).


image026Trong ảnh, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, (đứng giữa hai lá cờ Thổ Nhĩ Kỳ), bên phải ông là cờ Russia, bên trái là cờ Ukraine, ông đang phát biểu chào mừng hai phái đoàn đàm phán; Nga (cánh trái) và Ukraine (cánh phải) trước khi cuộc hội đàm bắt đầu tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 29 tháng 3 năm 2022. Cuộc hội đàm của hai bên diễn ra hai ngày. (Nguồn: VP Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ qua AP)


image028Hai em bé gái nhìn ra từ hàng rào khi cha mẹ của em xếp hàng chờ đợi ở cửa khẩu biên giới ở Medyka, đông nam Ba Lan, sau khi chạy trốn khỏi Ukraine. Ảnh: Sergei Grits / AP


Theo tin RFI, phía Ukraine đề xuất 4 điểm chính, trích:


1/ Yêu cầu quan trọng đầu tiên là phải có « mt tha thun quc tế » bảo đảm an ninh cho Ukraina, « trong đó các nước bo lãnh s hành động theo cách tương t như điu 5 ca NATO » (có nghĩa là tấn công một thành viên của NATO đồng nghĩa với tấn công vào toàn khối). Các nước bảo trợ ký kết thỏa thuận này sẽ gồm bốn thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh), cùng với 5 nước thành viên NATO (Đức, Ý, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada) và Israel.


2/ Ukraina chấp nhận điều mà Nga yêu cầu từ lâu: đó là « quy chế trung lp và phi ht nhân », nhưng với điều kiện « nhng cam kết v an ninh được bo đảm ». Như vậy, Ukraina sẽ từ bỏ ý định gia nhập NATO dù điều này được ghi trong Hiến pháp.


3/ Ukraina « s không trin khai trên lãnh th (ca h) bt k căn c quân s nước ngoài nào ». Đề xuất này được nhà đàm phán Olexandre Tchaly nêu trong cuộc họp. Tuy nhiên, các cuộc tập trận vẫn có thể được tổ chức ở Ukraina sau khi được các nước bảo trợ chấp nhận.


Phía Ukraina yêu cầu « thỏa thuận quốc tế » nêu trên không cấm nước này gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, đồng thời các nước bảo trợ cam kết đóng góp vào quá trình này.


4/ Cuối cùng, bán đảo Crimée và vùng Donbass « tm thi được loi khi » thỏa thuận lần này để các bảo đảm có thể sớm có hiệu lực. Chính quyền Kiev đề xuất thời hạn « 15 năm » để hai nước đàm phán và trong thời gian này « không s dng lc lượng vũ trang để gii quyết vn đề » đặc biệt của bán đảo Crimée, bị Nga sáp nhập năm 2014. (7)


Giải pháp Trung lập, Donbass sẽ gia nhập Nga và Viễn ảnh chia đôi Ukraine


Bàn cờ Quy chế Trung lập xoay hẳn một độ nghiêng Ukraine làm chao đảo các phe trực tiếp và bán trực tiếp tham chiến. Chưa hết, bàn cờ Trưng cầu dân ý ở Donbass xoay chiều chiến sự làm choáng váng phương Tây và hai phe đàm phán ở Istanbul. 


Có nhiều góp ý về quy chế trung lập trên thế giới và nếu xẩy ra ở Ukraine.


Giải pháp Trung lập ở Ukraine chưa hẳn là giấc mơ của “Đại đế” Putin. Tuy nhiên, gợi đến giải pháp Trung lập không thể không nhắc đến Công Ước Hague 1907 và kinh nghiệm trung lập ở các nước như Áo, Thụy Điển, v.v…


(Chú thích thêm: Trong chiến tranh Đông Dương, quy chế Trung lập đã xuất hiện ở Lào và Cam Bốt. Kết quả của nền trung lập này như thế nào thì Vietnam War đã chứng minh rõ ràng). 


Ngày 27/3/2022, Cộng hòa Nhân dân Luhansk và Donetsk thông báo sẽ có thể có trưng cầu dân ý ở lãnh thổ Donbass về việc hai nước cộng hòa này gia nhập vào Nga.


Sẽ có thể có, nghĩa là sắp có? Nhiều triển vọng.


Một lần nữa, mô hình Crimea “gia nhập vào Nga” lại rập khuôn ở Donbass. Nếu sự kiện này thành hiện thực, Nga tạo được bước thắng lợi lớn ở mặt trận miền Đông Ukraine. Đồng thời nếu thực sự làm chủ được thành phố cảng Mariupol - nối con đường huyết mạch với bán đảo Crimea (đã thuộc về Nga năm 2014), không bõ Moscow đã bỏ xương máu, súng đạn, xe tăng phơi thây trên chiến địa Ukraine hơn một tháng qua.


Viễn ảnh về cuộc khủng hoảng ở Ukraine có khả năng dẫn đến một hội nghị thượng đỉnh quốc tế được chấp nhận để chấm dứt chiến tranh, chấm dứt xung đột tiềm tàng ở Châu Âu-Đông Âu, mở ra một kỷ nguyên mới hậu chiến tranh lạnh - bằng cách - chia đôi lãnh thổ Ukraine.


Theo VHO, an ninh NATO-EU và an ninh Nga sẽ phân định ở vùng giới tuyến phi quân sự hai bờ Đông-Tây con sông Dnieper.


Tại sao không?


Tại sao lại là ngày 30/9/2023 khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chấm hết nhiệm kỳ bổ sung?


image030“Dàn nhạc giao hưởng Brussels”. Ảnh trên: 30 nguyên thủ Liên Hiệp Châu Âu, NATO và Tổng thống Mỹ Joe Biden (thứ 3 hàng trên) họp thượng đỉnh tại Tổng hành dinh NATO ở thủ đô Brussels-Belgium hôm 24/3/2022. Ảnh dưới: Viễn ảnh về đất nước Ukraine bị chia hai (lằn đỏ). Vùng giới tuyến phi quân sự hai miền Đông- Tây là con sông Dnieper, đầu ranh giới con sông tính từ Chernobyl kéo xuống Tp. cảng Odessa. Riêng bán đảo Crimea, Biển Đen và Biển Azov gần như thuộc quyền chủ quyền của Moscow từ năm 2014. Bản đồ minh họa của VHO.


Lý Kiến Trúc

California 31/3/2022


(1) Tài liệu của Ts. Nguyễn Tiến Hưng.

(2) theo wikipedia.

(3) theo Kim Nhật - Về R

https://www.youtube.com/watch?v=05W9R4BTJ-Y&t=308s

(4) Current Affairs/A Magazine of Politics and Culture

https://www.nytimes.com/2022/03/26/world/europe/biden-speech-putin-ukraine.html

(5) theo TNO.

https://www.currentaffairs.org/2022/03/is-russian-brutality-toward-civilians-actually-unique/Top of Form

(6) Frank Snepp:

Ngày cuối cùng của TT Nguyễn Văn Thiệu ở VN

(7) theo RFI 30/3/2022.

The Grayzone

https://thegrayzone.com/2022/03/24/us-fighting-russia-to-the-last-ukrainian-veteran-us-diplomat/

From CNN's Ramishah Maruf

https://www.cnn.com/europe/live-news/ukraine-russia-putin-news-03-27-22/h_0feb90514e8f8ee9aa4fa277a8a9f5cc

22 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 901)
24 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1351)
14 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1265)
Nov 12: Chiến sự mùa đông 2 bờ đông tây Dnipro River; Vì sao Nga ‘cố thủ’ bờ Đông