VĂN HÓA ONLINE – NHÂN VĂN - THỨ SÁU NOEL 24 DEC 2021
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Vài nét về Thần khúc Dante
Văn Hóa Online
Noel 24/12/2021
(tổng hợp)
Tập “Thần khúc của những người tù cải tạo 1975”.
Điêu khắc Dante Alighieri được thực hiện bởi Enrico Pazzi tại Florence. Ảnh: Vincenzo Pinto / AFP / Getty Images.
Thần khúc Dante
Thần khúc (tiếng Ý: Divina Commedia [diˈviːna komˈmɛːdja], nghĩa đen: "Vở hài kịch của thánh thần") là một trường ca của nhà thơ Ý thời Trung cổ Dante Alighieri (1265-1321), là một trong số những nhà thơ kiệt xuất nhất của nước Ý và thế giới. Tác phẩm được sáng tác trong thời gian Dante bị trục xuất khỏi quê hương Florence, từ khoảng năm 1308 đến 1320, một năm trước khi ông mất vào năm 1321, được chia làm ba phần: Hỏa ngục (Inferno), Luyện ngục (Purgatorio) và Thiên đường (Paradiso). Tác phẩm được xếp vào hàng những bản trường ca ưu việt của nền văn học Ý[1] và vĩ đại nhất của thế giới[2].
Sức tưởng tượng và tính ẩn dụ về hình ảnh thế giới bên kia trong thế giới quan Thiên chúa giáo là đỉnh điểm sự phát triển nhãn quan về thế giới của Nhà thờ Thiên chúa giáo Tây Âu. Tác phẩm này cũng góp phần vào sự phát triển của thổ âm vùng Tuscany, trong vở kịch được sử dụng như ngôn ngữ Ý tiêu chuẩn[3].
Ở bề ngoài, tác phẩm kể lại chuyến đi của Dante qua Hoả ngục (Inferno), Luyện ngục (Purgatorio) và Thiên đường (Paradiso);[4] nhưng ở một tầng sâu hơn, nó đại diện, một cách ngụ ngôn hoá, hành trình của linh hồn hướng về Thiên Chúa.[5] Ở tầng nghĩa này, Dante được khắc hoạ dựa trên thần học và triết học Thiên Chúa giáo thời trung cổ, nổi bật trong đó là Triết học Thomas và Summa Theologica của Thomas Aquinas.[6] Do đó, Thần khúc cũng được gọi là "phiên bản theo chương hồi của Summa" (""the Summa in verse"").[7]
Tác phẩm ban đầu chỉ được đặt tên đơn giản là Comedìa, và từ Divina được thêm vào bởi Giovanni Boccaccio. Bản in đầu tiên được thêm từ divina vào tiêu đề là bản của triết gia chủ nghĩa nhân văn Phục hưng người Veneto Lodovico Dolce,[8], được xuất bản vào năm 1555 bởi Gabriele Giolito de' Ferrari. (theo wikipedia).
Trường ca Thần khúc được chia thành ba phần, ghi lại hành trình của một người hành hương qua hỏa ngục, luyện ngục, thiên đường, được viết bằng tiếng Tuscan bản địa để dễ tiếp cận với quần chúng, thay vì tiếng Latin. Lựa chọn của ông có tác động lớn đến các nhà văn vào thời điểm đó, phương ngữ Tuscan đã góp phần hình thành nền tảng cho tiếng Italy hiện đại, do đó nhà thơ được gọi là “cha đẻ của tiếng Italy”.
Trong Thần khúc, Dante đã khắc hoạ một cách chính xác những cảnh trừng phạt đầy sống động và ghê rợn: những tên buôn thần bán thánh bị đốt chân trong lửa; những kẻ cầm quyền ngang ngược bị nhúng trong đầm phân; kẻ hung ác bị luộc chín trong dòng sông sôi máu nóng, người tâm địa xấu xa bị nhấn chìm trong băng… Hơn 700 năm qua, Dante không có đối thủ trong những trang viết đề cập đến nỗi kinh hoàng nơi chín tầng địa ngục ở một thế giới khác.
Nhưng điều dễ hiểu là ở chỗ, thiên trường ca trung cổ về tội ác và sự cứu rỗi của Dante sẽ là nguồn sáng khai trí cho những con người đang trong cuộc hành trình hướng thiện. Gần đây, Jeffrey Archer, một tù nhân người Anh, đã viết 3 tập Nhật ký ngồi tù với lối kết cấu 3 phần hệt như Thần khúc của Dante: Địa Ngục, Luyện ngục (còn được dịch là Tĩnh ngục) và Thiên đường.
Bài thơ được viết theo ngôi thứ nhất: tôi, kể lại cuộc du hành của Dante qua ba thế giới bên kia, diễn ra tại thời điểm Ba ngày lễ Phục sinh thiêng liêng mùa xuân năm 1300.
Nhà thơ La Mã Virgil dẫn ông đi qua Hỏa Ngục và Luyện Ngục;
trong khi nàng Beatrice, người phụ nữ mà Dante coi là lý tưởng, dẫn ông qua Thiên đường.
Beatrice là người phụ nữ thành Florence, người mà ông biết đến từ thời thơ ấu, và mang lòng ái mộ, theo hình mẫu tình yêu thuần khiết thời thượng truyền thống, được tô điểm trong tác phẩm La Vita Nuova của ông.
Phần thứ nhất: Inferno (Hỏa ngục)
Tranh khắc gỗ của Gustave Doré: Charon, người lái đò huyền thoại, chuyên chở linh hồn sang thế giới bên kia, Khổ 3, Hỏa ngục
Chín tầng địa ngục
Tầng một - Limbo (U Minh)
Tranh khắc của Gustave Doré Khổ 5, dòng 4: vua Minos phán xử các linh hồn.
Tầng hai - Lust (Nhục Dục)
Tầng thứ hai của Địa Ngục, đây là ngục phạt thứ nhất của Địa Ngục. Nơi đây giam giữ những linh hồn khi còn sống đã bị chi phối bởi dục vọng làm ảnh hưởng đến tính minh mẫn của lý trí. Họ là "những kẻ đã phạm tội xác thịt" và họ là những kẻ đầu tiên bị trừng phạt trong Địa Ngục. Hình phạt của họ, theo như Dante miêu tả, là luôn phải bị thổi cuốn bay đi liên tục bởi những cơn cuồng phong vĩnh hằng, chúng tượng trưng cho sự ham muốn mất kiểm soát đã lôi kéo họ rời khỏi con đường ngay thẳng. Ở đây Dante đã gặp những người nổi tiếng trong truyền thuyết như công chúa Helen, tướng Paris của thành Troy, Achilles, nữ hoàng Cleopatra hay hiệp sĩ Lancelot, công chúa Guinevere trong truyền thuyết về các Hiệp sĩ Bàn Tròn của vua Arthur ....
Tầng ba - Gluttony (Phàm Ăn)
Tranh khắc của Gustave Doré, Dante gặp Ciacco
Chó ngao ba đầu Cerberus canh giữ những kẻ phàm ăn tục uống, buộc họ phải nằm trên một đống bùn ghê tởm tạo bởi những trận mưa lạnh buốt, tuyết đen bẩn thỉu và mưa đá. Đây là biểu tượng của những thứ rác rưởi mà những kẻ phàm ăn tục uống tạo ra khi họ còn sống, làm nô lệ cho thức ăn và cái dạ dày của mình. Cũng tại đây, Dante đàm thoại với một người xứ Florentine đương thời gọi là Ciacco ("con lợn" — có lẽ là biệt danh) về cuộc đấu đá diễn ra tại Florence và số phận của những nhân vật tiếng tăm xứ Florentine (Khổ 6).
Tầng bốn - Greed (Tham Lam)
Những người mà quan điểm của họ khi còn sống lệch lạc so với chuẩn mực cho phép, chỉ hướng về tiền tài và vật chất sẽ bị trừng phạt ở đây. Họ bao gồm 2 nhóm người: những người tham lam và hà tiện thích tích trữ tài sản và những người tiêu xài tài sản một cách hoang phí. 2 nhóm trên đều được cai quản bởi 1 nhân vật được Dante đặt tên là Pluto, nhưng không nói rõ rằng đây là Pluto, vua địa ngục hay là Plutus, thần của cải trong Hy Lạp, nhưng dù là ai đi nữa thì Virgil cũng bảo vệ Dante khỏi nhân vật này. 2 nhóm người trên đều bị phạt bằng hình phạt phải đẩy những khối nặng như vũ khí đâm vào nhau như khi đang đấu ngựa, với Dante miêu tả lại rằng: "Tôi thấy họ rất đông xung quanh tôi, tiếng rên của họ rất to trong khi phải đẩy những khối nặng. Họ đâm sầm vào nhau, và khi đó, họ quay lại và đẩy ngược những khối nặng về lại chỗ cũ, trong khi rên lên: Vì sao tôi đã hà tiện? Vì sao tôi đã hoang phí?".
Tầng năm - Wrath (Thịnh Nộ)
Trong làn nước lầy lội như đầm lầy của con sông Styx, những linh hồn giận dữ đánh nhau trên mặt nước, những kẻ rầu rĩ và uể oải phải nằm xuống dưới dòng nước đen, nơi mà họ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc trong Chúa, những người còn lại hay trong chính bản thân vũ trụ. Phlegyas miễn cưỡng đưa Dante và Virgil qua sông trên chiếc thuyền nhỏ của mình. Các phần phía dưới của địa ngục nằm trong các bức tường của thành phố Dis, một thành phố nằm ở trung tâm đầm lầy. Bị trừng phạt ở phía trong Dis là những phạm nhân được cho là "hoàn toàn có đầy đủ ý thức và chủ ý phạm tội". Các bức tường của thành phố được canh gác bởi các thiên thần sa ngã, và Virgil không thể thuyết phục họ mở cửa để cho ông và Dante vào. Nhưng 1 thiên thần được phái xuống từ Thiên Đường đã đến để dẫn các ông qua ải an toàn, và thiên thần đã bắt chúng mở cửa thành cũng như quở trách tất cả những ai chống đối Dante.
Tầng sáu - Heresy (Dị Giáo)
Đây là nơi trừng phạt những người lan truyền và tin theo dị giáo, ví dụ như niềm tin "Linh hồn sẽ chết cùng với thể xác" của những người tin theo thuyết Epicurus. Họ sẽ bị chôn trong những nấm mồ cháy rực lửa. Tiếp tục cuộc hành trình, cả hai dừng lại trước khi bước xuống những bậc thềm dẫn xuống tầng thứ 7 bốc mùi hôi thối, với Virgil giải thích về nguồn gốc của những tầng đáy Địa Ngục: đây là những nơi mà những tội kịch liệt và hiểm độc nhất sẽ bị trừng trị, và để ví dụ, ông đã nói chỉ có 2 nguồn sinh của cải hợp pháp duy nhất, đó là từ tài nguyên của thiên nhiên và hoạt động con người, và vì thế cho vay mượn nặng lãi là 1 tội do là việc làm giàu không thuộc 2 nguồn trên, và vì thế sẽ bị trừng phạt ở tầng tiếp theo.
Tầng bảy - Violence (Bạo Lực)
Tầng thứ bảy Địa Ngục giam giữ những kẻ bạo lực, lối vào của nó được canh giữ bởi nhân ngưu Minotaur và nó được chia thành 3 vòng: - Vòng ngoài cùng: Giam giữ những người đã cưỡng bức người khác và tài sản. Họ sẽ phải bị nhúng chìm vào Phlegethon, 1 dòng sông của máu đun sôi và lửa, đến 1 độ sâu tương ứng với tội của họ. Ở trên bờ sông có những con nhân mã, do Chiron và Pholus chỉ huy, liên tục tuần tra ven sông và bắn tên vào những ai cố ngoi lên cao hơn mức nước quy định. Nhân mã Nessus là người đã dẫn đường Dante và Virgil đi ven theo dòng sông và lội qua đoạn nông nhất của dòng sông. - Vòng ở giữa: Giam giữ những người đã tự tử và người hoang phí tiền của. Những người đã tự tử, hay đã bạo lực với bản thân, sẽ bị trừng phạt bằng cách bị biến thành những bụi cây xương xẩu, và trở thành thức ăn yêu thích của các điểu nhân Harpy. Dante cũng nói thêm rằng những người đã tự tử cũng sẽ không được hồi sinh thân xác vào Ngày Phán Xét, vì họ đã từ chối thân xác của họ qua việc tự tử, và vì thế họ sẽ luôn mang hình hài của 1 bụi cây với thân xác gốc của họ treo lủng lẳng trên các cành cây. Những cư dân còn lại của nơi này đó là những người hoang phí của cải, những người đã tự tàn phá nguồn nuôi sự sống thế gian của họ. Họ vĩnh viễn phải bị săn đuổi và đánh đập bởi những con chó hung tợn. - Vòng trong cùng: Là nơi giam giữ những người đã lăng mạ Thiên Chúa và những ai đã đi trái tự nhiên (người đồng tính, và như đã giải thích ở trên, người cho vay nặng lãi). Tất cả đều bị giam trong 1 sa mạc đầy cát nóng rực cháy với mưa lửa đổ tù trời xuống. Kẻ lăng mạ phải nằm, kẻ cho vay nặng lãi phải ngồi và những người đồng tính phải lang thang trên cát thành các nhóm.
Tầng tám - Fraud (Gian Trá)
Tầng thứ tám và thứ chín của Địa Ngục trừng phạt những tội liên quan đến sự giả dối và phản bội có ý thức, và chỉ có thể tiếp cận được bằng cách trượt xuống 1 vách đá rộng từ trên lưng của Geryon, 1 quái vật có cánh thường được mô tả là có 3 đầu, 1 của người, 1 của thú và 1 của bò sát. Những người giả dối - những ai hoàn toàn có nhận thức về điều ác và cố ý phạm tội - đều được giam trong 1 nhà ngục có tên là Malebolge, nó được chia thành 10 Bolgie, hay những rãnh đá, với những cây cầu trải dài rộng khắp các rãnh. ---- Bolgia 1: Là nơi giam giữ những người mai mối bất chính và những người khiêu dâm. Họ phải xếp thành các hàng và bước đều bước trong khi bị các con quỷ quất roi. Cũng như khi còn sống họ đã dùng tình cảm để cám dỗ sai khiến người khác, họ bây giờ cũng sẽ bị sai khiến bước đi theo sự chỉ dẫn của những con quỷ cầm roi. ---- Bolgia 2: Là nơi giam giữ những người chuyên nịnh bợ. Họ bị trừng phạt bằng cách bị chôn trong những đống phân người, tượng trưng cho những lời nói nịnh bợ mà họ nói ra. ---- Bolgia 3: Là nơi giam giữ những người buôn thần bán thánh. Họ bị trừng phạt bằng cách bị đặt chổng ngược đầu vào những lỗ trong đá, với lửa thiêu cháy bàn chân của họ. ---- Bolgia 4: Pháp sư, phù thuỷ, những nhà chiêm tinh và thầy bói đều bị giam giữ ở đây. Họ bị trừng phạt bằng cách đều bị vặn ngược đầu lại sao cho họ phải bước đi ngược lại và thứ duy nhất họ có thể thấy đó là quá khứ phía sau, bởi lẽ khi còn sống họ đã phạm tội cố ý thử nhìn trước tương lai. ---- Bolgia 5: Nơi giam giữ những nhà chính trị gia mục nát. Họ bị nhấn chìm vào những chiếc hồ lửa sôi sục đầy hắc ín. Rãnh đá này được canh gác bởi các Malebranche (móng vuốt tội lỗi), 1 lũ quỷ với những trò châm biếm đầy man rợ, với thủ lĩnh của chúng là Malacoda. Hắn hứa sẽ hộ tống 2 nhà thơ đến cây cầu tới Bolgia 6 an toàn và cử ra 1 nhóm Malebranche để dẫn đường 2 nhà thơ, nhưng lời hứa của lũ quỷ hoá ra lại có giới hạn, và 2 nhà thơ bị buộc phải tiếp tục bằng cách tự trườn xuống vách đá chia cắt Rãnh 5 và 6. ---- Bolgia 6: Giam giữ những kẻ mang đạo đức giả. Hình phạt của họ là phải lang thang phêu bạt trong khi phải mang những chiếc áo choàng bằng chì, tượng trưng cho sự giả dối ẩn dưới lớp hình thức bên ngoài, sự giả dối mà sức nặng của nó đã khiến họ thờ ơ trước những hoạt động tâm linh. ---- Bolgia 7: Nơi trừng phạt tội trộm cắp, và được canh giữ bởi Cacus, quái vật có một con rồng phun lửa đậu trên vai và các con rắn phủ đầy lưng. Những tên trộm sẽ bị săn đuổi và cắn bởi các con rắn và thằn lằn, nhưng đó mới chỉ là khởi đầu của hình phạt thật sự của họ. Cũng như họ đã ăn trộm nguồn sống của người khác khi còn sống, danh tính của chính bản thân họ trở thành thứ sẽ bị đánh cắp ở đây, khi những vết cắn sẽ khiến họ trải qua những sự biến đổi đau đớn, ví dụ như Vanni Fucci bị cháy thành than, hay Agnello bị biến thành một con thằn lằn 6 chân,.... ---- Bolgia 8: Là nơi giam giữ những cố vấn gian dối hay những người đưa ra những lời khuyên giả dối. Họ không phải là người đưa ra những lời khuyên sai trái, nhưng là những người đã lợi dụng chức vụ khuyên người khác cùng phạm tội giả dối. Họ bị trừng phạt bằng cách trở nên những ngọn đuốc sống khi liên tục bị thiêu cháy bởi lửa Địa Ngục. ---- Bolgia 9: Ở rãnh đá thứ 9 tồn tại một con quỷ cầm gươm, kẻ sẽ vung gươm chém mạnh vào những người gieo rắc bất đồng, những phạm nhân nơi đây. Cũng như khi họ còn sống đã gieo rắc bất đồng chia rẽ đoàn kết, con quỷ sẽ chém nát thân xác họ ra, và cứ thế họ xếp hàng đi thành 1 vòng tròn để lành vết thương, chỉ để cho con quỷ chém nát lần nữa. ---- Bolgia 10: Là nơi giam giữ những người giả dối còn lại không thuộc vào 9 Rãnh trên. Họ bao gồm nhiều loại, ví dụ như những nhà giả kim, những người thất hứa, mạo danh hay buôn tiền giả ... Cũng như khi còn sống họ là dịch bệnh cho xã hội, ở đây họ bị trừng phạt bằng cách liên tục mắc nhiều loại bệnh khác nhau.
Tầng chín - Traitors (Phản Bội)
Những kẻ phản bội được phân biệt với giả dối thông thường bằng việc hành động của họ có liên quan đến phản bội 1 mối quan hệ đặc biệt nào đó. Ở đây tồn tại 4 khu vực tương ứng với mức độ nghiêm trọng của phản bội. Ngược với hình ảnh rực lửa của Địa Ngục thì những kẻ phản bội sẽ bị đóng băng dưới 1 chiếc hồ băng giá có tên là Cocytus, với mỗi nhóm sẽ bị đóng băng xuống 1 độ sâu nhất định. ---- Round 1: Được đặt tên là Caina, theo tên của Cain, người đã giết chết em mình. Kẻ phản bội máu mủ nơi đây sẽ bị đóng băng đến cằm. ---- Round 2: Được đặt tên Antenora, theo tên của Antenor thành Troy, người được tin rằng đã phản bội thành phố của mình khi đồng minh với người Hy Lạp. Kẻ phản bội cộng đồng đều được tìm thấy ở đây, và có chung hình phạt với nhóm ở Caina. ---- Round 3: Được đặt tên Ptolomaea, theo tên của Ptolemaios, con trai của Abubus, người đã mời Simon Maccabaeus và những người con trai của ông đến dự tiệc và giết họ. Kẻ phản bội khách của họ đều bị trừng phạt ở đây, khi họ phải nằm ngửa trên băng và bị đóng băng hết trừ mặt của họ ra. Lý do họ bị trừng phạt nặng hơn 2 nhóm trên, đó là vì mối quan hệ với khách là 1 mối quan hệ hoàn toàn tự nguyện. ---- Round 4: Được đặt tên Judecca, theo tên của Judas Iscariot, kẻ phản bội Jesus. Nơi đây giam giữ những kẻ phản bội với lãnh chúa và ân nhân của họ. Phạm nhân hoàn toàn bị đóng băng cứng, vặn vẹo biến dạng với đủ mọi kiểu dáng. Ở trung tâm của khu vực này, cũng như là trung tâm của Địa Ngục, là phạm nhân đã bị kết án phạm tội hệ trọng và tột cùng nhất, tội phản bội lại Thiên Chúa tối cao, đó chính là Satan. Satan được miêu tả là một con quái vật khổng lồ và hung tợn với 3 mặt, 1 đỏ, 1 đen và 1 vàng nhạt. Satan bị chôn vùi sâu trong băng, khóc thút thít qua sáu con mắt của nó, và đập cánh cố thoát khỏi nhà ngục, nhưng cánh của hắn càng đập thì lượng băng trong hồ càng dày hơn. Mỗi cái miệng trên ba cái mặt của nó đều đang gặm nhai 1 kẻ phản bội nổi tiếng trong truyền thuyết: Brutus và Cassius ở 2 miệng 2 bên, còn miệng ở giữa là dành cho Judas Iscariot. Hắn phải chịu hình phạt nặng hơn 2 người còn lại: hắn bị Satan gặm đầu so với 2 người kia là chân, và lưng của hắn vĩnh viễn bị móng vuốt của Satan lột da.
Hai nhà thơ trốn thoát khỏi Địa Ngục bằng cách leo xuống từ lông của Satan. Họ đi qua trung tâm của Trái Đất và đến Luyện Ngục (Purgatorio) ngay vào thời điểm bình minh của Chúa Nhật Phục Sinh ....
Phần thứ hai: Purgatorio (Luyện ngục – hay Tĩnh ngục)
Là tên một ngọn núi nằm ở cực Nam của Trái Đất có bảy tầng, tượng trưng cho bảy trọng tội theo quan niệm của Cơ Đốc giáo. Ở đây thể hiện một không khí trầm lặng trong sự suy tư sám hối chứ không khủng khiếp, náo động như ở Địa ngục: những kẻ kiêu căng phải vác một khối đồ vật nặng trên vai khiến mặt cúi gằm xuống; còn bọn có tính xấu ghen tị, thèm khát thì mắt nhằm nghiền không trông thấy gì; lũ lười biếng cứ phải luôn chân đi đi lại lại, nói chung là những gì ngược với bản tính của chúng trước kia. Trong một cuộc trao đổi trò chuyện, Dante đã nguyền rủa "nước Ý nô lệ, nơi trú ngụ của những đau thương, không còn là bà chúa của những dân tộc mà là một nơi xấu xa".
Sau khi cầu khẩn Thiên đường, Dante ngủ say. Khi tỉnh dậy nhà thơ thấy mình cùng với Virgil đứng trước lối đi vào trong Purgatorio. Hai nhà thơ lần lượt leo qua bảy tầng ở đây. Linh hồn ở đây còn phải chịu hình phạt, song đã có được niềm hy vọng. Thêm nhà thơ La Mã Statius đến với Virgil và Dante. Ba nhà thơ đồng hành lên đỉnh cao của ngọn núi, đó chính là Thiên đường với rừng cây đẹp đẽ, suối nước mát trong, hoa thơm cỏ lạ. Dante say sưa ngắm cảnh các thiên thần hiện hình. Cuối cùng Beatrice từ Thiên đường xuống trong ánh hào quang rực rỡ và hoa thơm ngào ngạt, đón Dante. Còn Virgil thì biến mất vì ông là người dị giáo.
Phần thứ ba: Paradiso (Thiên đàng)
Tranh khắc gỗ của Gustave Doré, Thiên đường, Khổ 28; Dante và Beatrice thấy Thượng đế hiển hiện như một quầng sáng chói lọi, bao quanh bởi các thiên thần.
Thiên đường gồm chín tầng, mỗi tầng dành cho một loại người đã được Thượng đế tuyển chọn. Gặp Dante, Beatrice nói cho Dante biết muốn cứu vớt linh hồn Dante, nàng phải đưa Dante đi thăm và thấy tận mắt những kẻ phạm tội. Nàng trách chàng đã phạm nhiều lỗi lầm từ khi nàng qua đời và Dante thú nhận tội lỗi của mình. Matenda đem tắm cho Dante trong con sông Lete để cho chàng quên hết mọi việc. Beatrice lần lượt dẫn Dante qua chín tầng của Thiên đường. Trong khi đi, hai người trao đổi, bàn luận với nhau về những vấn đề thần học và triết học. Họ gặp các vị anh hùng, những người tử vì đạo, các vị tiến sĩ thần học của Giáo hội v.v. Thiên đường cũng như Địa ngục chứa đựng rất nhiều chi tiết ám dụ về tình hình chính trị đương thời. Một chiếc thang vàng đưa Dante lên bầu trời đầy sao. Nhà thơ ngây ngất chiêm ngưỡng chúa Giêsu và Đức mẹ đồng trinh. Beatrice trở về vị trí của nàng, còn Dante cảm thấy lâng lâng bay bổng trong tình yêu của Thượng đế.
Về mặt cấu trúc, trong khi Hỏa ngục và Luyện ngục được kết cấu xoay quanh phân loại tội lỗi, thì Thiên đường dựa trên bốn đức hạnh chính theo quan niệm Thiên chúa giáo (Thận trọng, Công bằng, Kiềm chế, Can đảm) và ba đức hạnh theo quan niệm thần học (Đức tin, Hy vọng và Tình yêu).
Hai bản dịch trọn vẹn
Bìa sách The Divine Comedy. Ảnh: Amazon.
Sách Địa ngục - một phần của Thần khúc - do PGS Nguyễn Văn Hoàn dịch, mới được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội tái bản. Ảnh: M. P.
Theo thạc sĩ Trần Hồng Hạnh (cán bộ Đại sứ quán Italy), bản dịch tác phẩm Thần khúc ra mắt độc giả Việt Nam lần đầu năm 1978 với 30 khúc. Đây là bản do GS Lê Trí Viễn và nhà thơ Khương Hữu Dụng tuyển dịch từ 100 khúc nguyên bản. Bản lược dịch này được thực hiện với tiêu chí “lược bớt những khúc ca xét ra không cần thiết lắm, hoặc khó hiểu quá, chỉ chọn một số khúc thường được nhắc đến”.
Bản của Khương Hữu Dụng và Lê Trí Viễn dịch theo bản tiếng Pháp của Henri Longnon, do Nhà xuất bản Văn học phát hành.
Hơn 30 năm sau, PGS Nguyễn Văn Hoàn (giảng viên văn học Italy tại Đại học Sư phạm Hà Nội) đã dịch trọn vẹn tác phẩm. Là người nhận học bổng tiếng Italy, từng biên soạn cuốn Từ điển Việt - Ý (1999) và Từ điển Ý - Việt (2002), đến năm 2009, PGS Hoàn mới hoàn thành bản dịch Thần khúc. Từ khi PGS Hoàn bắt tay dịch đến khi hoàn tất tác phẩm là 30 năm.
Sinh thời, PGS Nguyễn Văn Hoàn quyết định dịch Thần khúc từ mong ước giúp độc giả Việt Nam tiếp xúc một trong những tác phẩm quan trọng nhất trong lịch sử văn học nhân loại. Ông cũng chia sẻ dịch tác phẩm là một thử thách lớn.
Trong khoảng 10 năm gần đây, một số dịch giả khác thử sức dịch Thần khúc, đa số là lược dịch một số khúc. Thạc sĩ Trần Hồng Hạnh cho biết bản trọn vẹn duy nhất sau bản dịch của PGS Nguyễn Văn Hoàn là của Nhất Uyên.
Nhất Uyên là bút danh của tiến sĩ ngành khoa học giáo dục Phạm Trọng Chánh, đang làm việc tại Đại học Paris V, Pháp. Các bản dịch mềm này được công bố trên Internet.
PGS Nguyễn Văn Hoàn: “Tôi nghe nói đến Dante, đến Thần khúc lần đầu tiên là vào những năm đầu thập niên 50, trong thời gian học ở Trường Dự bị Đại học và Sư phạm cao cấp Liên khu IV. Giáo sư Đặng Thai Mai, Giáo sư về Bộ môn Văn học phương Tây của chúng tôi, đã dằn giọng khi đọc những câu khắc trên cửa vào Địa ngục của Dante, tất nhiên là ông đọc bằng tiếng Pháp, trong bản dịch tiếng Việt tôi đã dịch các câu đó như sau:
“Qua khỏi đây là xứ thảm sầu,
Qua khỏi đây là đau thương vĩnh viễn,
Qua khỏi đây là thế giới của bọn người vô vọng!
… Hỡi chúng sinh khi bước vào đây, hãy vứt lại mọi niềm hy vọng! (ĐN – III)
Giáo sư cho biết: Một nhà văn Pháp làm phóng sự về các nhà tù của chế độ Hít-le đã viết: Mấy câu thơ trên đây của Dante có thể đem khắc lên cửa ra vào của bất kỳ nhà tù phát xít nào, dù đó là loại nhà tù “cổ điển”, giết dần, giết mòn người tù bằng roi vọt và lao động khổ sai như Buchenwald, hoặc loại nhà tù “hiện đại” có phòng giết người hàng loạt bằng hơi ngạt như Auschwitz.
Ct: (Tất cả đều thua nhà tù “cải tạo” hiện đại – tầng địa ngục trần gian của đảng Cs ở VN – hàng trăm ngàn người ờ miền nam Việt Nam sau ngày 30/4/1975 đã bị lùa vào hàng trăm nhà tù gọi là “cải tạo” được dựng lên khắp mọi miền đất nước. Họ bị lao động khổ sai, hành hạ tinh thần và thể xác cùng cực, một số lớn chết dần mòn vì đói khát và bệnh tật, vùi xác ở những huyệt mộ vô danh. Đó là Thần khúc của những người tù cải tạo 1975).
Tầng địa ngục trần gian của đảng Cs ở VN: Các khung cảnh trong các trại tù 'cải tạo' được dựng lại trong phim "Vượt Sóng" được nhiều tù nhân 'cải tạo' nhìn nhận là trung thực 80%.
Giáo sư Hoàn cũng cho biết: Bộ từ điển Từ Hải của Trung Quốc xếp Dante vào một trong số “tứ đại thi thánh” của Văn học phương Tây, cùng với Homère, Shakespeare và Goethe. Trong tiểu luận Chủ nghĩa nhân văn dưới thời Văn hóa phục hưng xuất bản ở Thanh Hóa năm 1949 trong kháng chiến chống Pháp, giáo sư đã nhận định về Dante như sau: “Dante (1256 – 1321) là một nhà thi sĩ quý tộc đại biểu cho thời kỳ quá độ. Tập Thần khúc là tác phấm đại biểu cho luân lý Trung cổ, nhưng tác phẩm của Dante đã bao hàm nhiều yếu tố mới”. (theo Minh Phương).
Tập “Thần khúc của những người tù cải tạo 1975” cho đến nay sau gần nửa thế kỷ vẫn chưa được tập đại thành xuất bản. (VHO)