Hà Văn Thùy: Vai trò Hoàng Đế trong Lịch sử phương Đông

09 Tháng Sáu 20218:41 SA(Xem: 5195)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN VĂN HÓA - THỨ TƯ 09 JUNE 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Vai trò Hoàng Đế trong Lịch sử phương Đông

image010

Hà Văn Thùy


Hoàng Đế là nhân vật được tôn sùng nhất, được phong tặng nhiều thành tựu văn hóa nhất trong các nhân vật nổi tiếng phương Đông. Nhưng đến nay ông vẫn như con rồng ngũ sắc vần vụ trên mây mà chỉ có thể nhìn thấy từng khúc một khiến cho người ta hiểu về ông như nhân vật hoang đường. Có thể nói, không hiểu Hoàng Đế không hiểu lịch sử phương Đông. Bài viết này là một cách giải mã huyền thoại, đưa Hoàng Đế trở về vai trò lịch sử đích thực của ông.


I.Hoàng Đế trong huyền thoại.


Có lẽ cách tốt nhất là chép lại Wikipedia (25.5.2021):


“Hoàng Đế có họ là Công Tôn thị (公孫氏), do sống ở gò tên gọi Hiên Viên (軒轅) nên từ đó ông được gọi là Công Tôn Hiên Viên (公孫軒轅), là con của Thiếu Điển và con gái bộ tộc Hữu Kiểu là Phù Bửu (附寶). Mẹ ông đã nằm mơ thấy sao Bắc Đẩu rớt vào mình mà thụ thai sinh ra ông.


Thuở nhỏ, ông rất thông minh, có tính thần linh, dáng vẻ ngoài rất kỳ dị, khi còn bọc trong tã đã biết nói, lớn lên cần cù hiểu biết sáng suốt, thường khuyên người đồng thời lo làm lành và tu ngũ đức, được bầu làm tù trưởng bộ lạc Hữu Hùng (有熊氏) [7].


Bộ lạc Thiếu Điển, do Hoàng Đế làm thủ lĩnh, ban đầu sống ở vùng Cơ Thuỷ thuộc tây bắc Trung Quốc lấy tên sông làm họ Cơ (), sau dời tới vùng Trác Lộc bắt đầu định cư, phát triển chăn nuôi và trồng trọt. Viêm Đế Thần Nông Thị là thủ lĩnh một bộ lạc khác đồng thời với Hoàng Đế, cư trú tại vùng Khương Thuỷ ở tây bắc Trung Quốc. Theo truyền thuyết Trung Hoa thì Viêm Đế có họ hàng thân tộc với Hoàng Đế. Còn Xi Vưu là thủ lĩnh bộ tộc Cửu Lê. Họ chế tạo ra các loại vũ khí như đao, kích, cung, nỏ, thường dẫn bộ lạc đi xâm chiếm, cướp phá các bộ lạc khác. Có lần, Xi Vưu xâm chiếm vùng đất của Viêm Đế. Viêm Đế đem quân chống lại nhưng thất bại. Viêm Đế đành chạy đến Trác Lộc, xin Hoàng Đế giúp đỡ. Hoàng Đế liên kết các bộ lạc, chuẩn bị lương thực, vũ khí, triển khai một trận quyết chiến với Xi Vưu trên cánh đồng Trác Lộc. Về trận đại chiến này, đã có nhiều truyền thuyết hoang đường, khi quân của Hoàng Đế thừa thắng đuổi theo quân của Xi Vưu, trời bỗng nổi cuồng phong, là do Xi Vưu đã được sự giúp đỡ của thần gió, thần mưa. Hoàng Đế cũng nhờ Thiên Nữ giúp đỡ. Cuối cùng, Xi Vưu bại vong.[7] Những truyền thuyết trên chỉ có tính chất phản ánh sự khốc liệt của cuộc chiến. Từ đó, Hoàng Đế được nhiều bộ lạc ủng hộ. Nhưng sau đó 2 bộ lạc của Hoàng Đế và Viêm Đế lại nảy ra xung đột, hai bên đánh nhau một trận ở Phản Tuyền, Viêm Đế thất bại. Từ đó Hoàng Đế trở thành thủ lĩnh của liên minh bộ lạc các vùng Trung Nguyên.


Trong các truyền thuyết cổ đại Trung Quốc, Hoàng Đế rất được tôn sùng. Người đời sau đều cho rằng Hoàng Đế là thuỷ tổ của người Hoa Hạ (tức dân tộc Hán ngày nay) và coi mình là con cháu của Hoàng Đế. Viêm Đế và Hoàng Đế vốn thân thuộc nên sau này hai bộ lạc lại hoà hợp, nên người Trung Quốc thường tự xưng mình là con cháu Viêm-Hoàng, họ tự gọi mình là Viêm Hoàng tử tôn (炎黃子孫).


Thời Hoàng Đế có nhiều phát minh sáng tạo (trong truyền thuyết) của nhiều người nhưng được quy chung cho Hoàng Đế như làm nhà, đóng xe thuyền, may được quần áo ngũ sắc, chế kim chỉ nam, làm lịch, y thuật (Hoàng Đế nội kinh tương truyền là của Hoàng Đế và Kỳ Bá) [7]. Lịch cổ Trung Quốc lấy mốc bắt đầu từ Hoàng Đế. Hoàng Đế còn có một sử quan tên là Thương Hiệt, đã sáng tạo ra chữ viết cổ. Tuy nhiên, người ta chưa được thấy chữ viết thời đó nên không có cách gì chứng minh cho việc này.[7]”


Nhận xét:


1. Với đoạn dẫn trên, ta thấy truyền thuyết có mâu thuẫn. Nhiều tài liệu cho rằng, Thần Nông sinh khoảng 3220 TCN còn Hoàng Đế sinh năm 2717 TCN như vậy Thần Nông sống trước Hoàng Đế 500 năm. Đương nhiên hai người không thể cùng thời đại và cùng bộ lạc.


2. Những truyền thuyết khác cho rằng, Thần Nông là dân Cửu Lê thuộc phương nam viêm nhiệt nên mang tên Viêm Đế. Si Vưu cũng thuộc tộc Cửu Lê và là hậu duệ 500 năm của Viêm Đế.


3. Do gốc gác như vậy nên không có chuyện Viêm Đế với Hoàng Đế thân thuộc, cùng sinh ra người Hoa Hạ.


II. Đi tìm Hoàng Đế lịch sử.


Trong bài viết Sự mở đầu của nền văn minh nông nghiệp ở Trung Quốc: Sự khác biệt giữa khám phá khảo cổ học với hồ sơ tài liệu và lời giải thích của nó (The Rise of Agricultural Civilization in China: The Disparity between Archeological Discovery and the Documentary Record and Its Explanation. SINO-PLATONIC PAPERS Number 175 December, 2006,) học giả Trung Quốc Zhou Jixu cho rằng: “Văn minh Trung Quốc đã trải qua những xung đột văn hóa trong thời cổ xưa. Những người châu Âu từ thảo nguyên phía tây Trung Á đã mang những thành phần văn hóa mới đến thung lũng Hoàng Hà khoảng 2300 năm TCN. Họ đã kết hợp kỹ thuật tiên tiến của mình, như luyện kim đồng đỏ, những công cụ kim loại, vũ khí, xe ngựa và thuần hóa ngựa, với văn hóa nông nghiệp phát triển bản địa trong lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử. Sự phối hợp này tạo nên văn minh lộng lẫy của thời Hạ, Thương, Chu.”


“Các bộ lạc của Hoàng Đế (trong đó có bộ lạc Chu) là những cư dân du mục. Khi di cư vào khu vực Hoàng Hà, họ đã chịu ảnh hưởng của lối sống nông nghiệp tiên tiến của người dân bản địa, mặc dù đó là một bước tiến dài từ du mục để chuyển sang lối sống mới. Những thay đổi triệt để từ du mục sang trồng trọt đã thay đổi cuộc sống xã hội Chu…”


“Khoảng 2300 TCN, quốc gia của Hoàng Đế đã chiến thắng và thống trị các khu vực của sông Hoàng Hà. Đây còn là thời gian sớm nhất mà truyền thuyết, lịch sử Trung Quốc trong các tài liệu cổ xưa ghi lại. Vì vậy, theo các tài liệu sớm nhất ghi lại những thành quả này, Hoàng Đế và các quốc gia hậu thế của ông giữ vai trò hàng đầu.”


Như vậy là, tách Hoàng Đế khỏi truyền thuyết, Zhou Jixu cho rằng, Hiên viên là người Châu Âu từ Trung Á xâm nhập Nam Hoàng Hà tạo nên nhà nước Hoàng Đế.


Tuy nhiên, từ thực trạng dân cư phía Bắc Trung Quốc và mã gen của người Hoa Hạ cho thấy, Hoàng Đế và người của ông thuộc chủng Mongoloid phương Bắc, từ lâu sống trên đất Mông Cổ. Về nguồn gốc, chủng Mongoloid là một trong hai đại tộc người châu Phi di cư tới Việt Nam 70.000 năm trước. Trong khi đa số gặp gỡ hòa huyết với đại tộc Australoid, sinh ra người Việt cổ thì có số ít nhóm Mongoloid đi lên Tây Bắc Đông Dương, sống biệt lập trong vùng lạnh giá. 40.000 nặm trước, nhờ khí hậu được cải thiện, người Việt cố đi lên khai phá Hoa lục còn người Mongoloid theo hành lang Ba Thục đi lên đất Mông Cổ. Do giữ được bộ gen thuần nên được nhân học gọi là người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid). Họ sống săn bắt hái lượm trên đất Bắc Á. Khoảng 10.000 năm trước, khi Kỷ Băng Hà chấm dứt, vùng Bắc Hoàng Hà thành đồng cỏ xanh, họ thuần hóa gia súc và chuyển sang lối sống du mục. Nhờ được nuôi bằng thịt và sữa nên người du mục rất cao lớn và là những chiến binh dũng mãnh. Họ thuần hóa được ngựa, chế tạo xe ngựa làm phương tiện vận chuyển và chiến tranh hữu hiệu.


Vào thời điểm này, tình hình phía Bắc Hoa lục như sau: khoảng năm 2879 TCN, nước Xích Quỷ thành lập ở lưu vực Dương Tử. Ở lưu vực Hoàng Hà là nhà nước của Đế Lai. Tất cả là người Việt thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Bờ Bắc Hoàng Hà là dân Mông Cổ vừa du mục vừa trồng kê. Người Mông Cổ luôn nhòm ngó, cướp phá phía Nam. Khoảng năm 2698 TCN, quân Mông Cổ do thi tộc Hiên Viên dẫn đầu tấn công vào Trác Lộc bờ Nam. Người Việt thua trận, Đế Du Võng (con hay cháu Đế Lai) cùng dũng tướng Si Vưu tử trận. Hiên Viên chiếm đất của người Việt ở miền Trung Hoàng Hà, lập nhà nước Hoàng Đế.


Thắng trận nhưng do số dân ít, lại bị người Việt quá đông kháng cự mãnh liệt. Vì vậy, Hoàng Đế áp dụng chính sách khoan dung, không tiêu diệt hay bắt người làm nô lệ mà dùng văn hóa Việt để thu phục. Về kinh tế, cho người Việt cày cấy trên đất của mình, đóng thuế nhẹ, chịu đi lính và lao động công ích. Dân ở đâu cũng vậy, coi miếng ăn là trời nên khi đời sống được dễ dàng đã hết phản kháng.


Do sống chung đụng, xảy ra hôn phối giữa dân Mông Cổ và Việt. Một lớp con lai Mông-Việt ra đời, tự nhận là Hoa Hạ. Thực chất đây không phải là chủng tộc mới mà cũng là người Mongoloid phương Nam. Xét phả hệ của Hoàng Đế, ta thấy: Chuyên Húc là con, Thiếu Hạo cháu ông còn là người Mông Cổ. Nhưng chắt ông Để Khốc đã thành người Việt với nước da đen của con chim Cốc (biến âm thành Khốc) và tước Đế đặt trước tên riêng. Con của Khốc là Nghiêu lại càng Việt hơn. Từ đó suy ra toàn xã hội, chỉ khoảng 50 năm sau cuộc xâm lăng, trên vương quốc Hoàng Đế toàn là người Việt.


Trong khoảng 2000 năm, từ 2300 tới 300 năm TCN, các triều đại Nghiêu, Thuấn, Hạ, Thương, Chu làm nên thời kỳ Hoàng Kim trong lịch sử phương Đông. Sử sách cũng như truyền thuyết đã nói nhiều về thành tựu rực rỡ của thời kỳ này nhưng chưa có công trình nào phân tích nguyên nhân làm nên những thành tựu đó.


Lịch sử cho thấy, do lối sống cơ động, luôn đối mặt với hiểm nguy nên người du mục rất nhậy bén, năng động, quyết đoán đến mức tàn bạo. Do vai trò của đàn ông, của thủ lĩnh được đề cao nên sớm hình thành thể chế phụ quyền. Trong lịch sử thế giới từng xảy ra những cuộc xâm lăng diệt chủng tàn khốc của người du mục đối với dân Ấn Độ, Hy Lạp, Tây Âu… Tuy nhiên, cuộc xâm lăng của Hoàng Đế là một ngoại lệ, có thể nói là cuộc xâm lăng tốt đẹp nhất trong lịch sử. Do chính sách khoan dung, đời sống được đảm bảo nên người Việt ủng hộ chính quyền và đem hết tâm lực xây dựng vương quốc. Nhờ hòa hợp dân tộc mà lớp con lai Hoa Hạ ra đời. Đó là lớp người Việt không chỉ mang hai dòng máu mà còn hài hòa hai văn hóa Mông-Việt, kết tinh những phẩm chất tốt đẹp nhất của hai văn hóa. Khi thay thế cha ông Mông Cổ lãnh đạo xã hội, lớp người này tạo nên thời Hoàng Kim trong lịch sử phương Đông.


Nhìn vào bản chất của thời kỳ này về mặt triết học, học giả Kim Định cho rằng, nó đã dung hợp được sự năng động, quyết đoán, quả cảm của văn minh du mục với tinh thần nhân bản khoan dung của văn hóa nông nghiệp Việt tộc, đưa xã hội vận hành theo tỷ lệ “tham thiên lưỡng địa,” với nội dung cuộc sống tích cực, đi lên, là Dương. Nhưng Dương không quá lấn át Âm mà trong khi dành 3 phần cho Cha năng động quyết đoán thì cũng giữ 2 phần cho Mẹ nhân hậu, cưu mang. Trong khi cuộc sống của người Việt trước đó định cư, trọng Âm nên vận hành theo tỷ lệ “Ba Âm hai Dương” tuy nhân bản, khoan dung, hòa thuận nhưng chậm chạp thậm chí trì trệ.


Chưa có tài liệu nào đúc kết những cái hay cái đẹp của thời kỳ này nên nay ta chỉ có thể nói theo truyền thuyết được ghi trong sách cổ là “Thời chúa thánh tôi hiền, ra đường không nhặt của rơi, đêm ngủ không đóng cổng.” Nhưng ta biết rằng, thời kỳ này cũng là lần duy nhất xuất hiện những con người khổng lồ như Lão Tử, Khổng Từ cùng bách gia chư tử, tạo dựng nền văn hóa vĩ đại tỏa ánh sáng cho muôn đời sau.


III Kết luận


Nay, tri thức khảo cổ, di truyền học cho thấy, Hoa Hạ chỉ là lớp con lai Mông-Việt sinh ra sau sự xâm nhập của người du mục và là thiểu số giữa người Việt đông đảo. Nhưng một câu hỏi cần được trả lời là vì sao, hầu hết dân Trung Quốc cùng nhận là Hoa Hạ? Ta cũng biết, Hoàng Đế xuất hiện sau Thần Nông Viêm Đế 500 năm nhưng vì lẽ gì, truyền thuyết nói “Viêm Đế Hoàng Đế cùng một bộ lạc,” “người Trung Hoa là Viêm Hoàng tử tôn?” Nay lịch sử cho hay, thủ lĩnh tộc Hiên Viên chỉ là tay võ biền chăn cừu chăn dê chuyên cưỡi ngựa bắn cung nhưng khi rời đồng cỏ xuống đồng bằng lại được phong tặng nhiều công tích đến vậy, kể cả điều dù hết sức tưởng tượng cũng không có được là tác giả của sách Hoàng Đế nội kinh?!


Chỉ có thể giải thích được hiện tượng này khi hiểu rằng, Hoàng Đế đạt được uy tín tối thượng trong dân Trung Quốc. Và rồi theo tập quán “công quy vu trưởng,” người dân dâng tặng những thành tựu vĩ đại nhất của cộng đồng cho lãnh tụ của mình. Không chỉ vậy, mặc dù đông đảo người Việt trong nhà nước Hoàng Đế biết đến ba vị tổ của mình là Toại Nhân làm ra lửa, Phục Hy - Nữ Oa và Thần Nông nhưng rồi cũng nhận Hoàng Đế làm tổ. Tuy để tránh thất lễ, bất hiếu, đã làm động tác “cắt ghép”đưa Thần Nông từ 500 năm trước về ngồi chung chiếu với Hoàng Đế!


Một câu hỏi khác cần được trả lời: vì sao Hoàng Đế đạt được vinh quan như vậy? Chính là vì, với cuộc xâm nhập Nam Hoàng Hà, và chính sách cai trị của mình, ông đã tạo ra thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử văn hóa phương Đông. Không thể chối bỏ rằng, Hoàng Đế là nhân vật quan trọng nhất, có ảnh hưởng lớn nhất đến lịch sử văn hóa phương Đông.


Nhận thức vai trò của Hoàng Đế nhưng chúng ta cũng cần bóc tách ông khỏi việc suy tôn quá đà của truyền thuyết để đưa ông trở lại đúng vai trò lịch sử của mình. Dòng đầu tiên của cuốn sử quan trọng nhất của Việt Nam Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Thuở Hoàng Đế dựng muôn nước” (!) Hoàn toàn không có chuyện này. Sử gia tiền bối vì nệ theo sử Trung Quốc nên đã sai. Quốc gia đầu tiên của người Việt do Thần Nông tạo dựng năm 3200 TCN, trước nhà nước của Hoàng Đế 500 năm. Cùng có tổ tiên được sinh ra tại Việt Nam, Hoàng Đế chỉ là hậu duệ nửa thiên niên kỷ sau của Viêm Đế! Do vậy Hoàng Đế không thể là người “dựng muôn nước!”


Một điều cần khẳng định, Hoàng Đế không thể là tổ tiên của người Trung Quốc. Tổ tiên trực tiếp của người Trung Quốc là chủng người Mongoloid phương Nam được sinh ra tại làng Bán Pha tỉnh Thiểm Tây 7000 năm trước, do sự hòa huyết của người Việt Cổ mã di truyền Australoid với người Mông Cổ phương Bắc sống ở bờ Bắc Hoàng Hà. Hoàng Đế ra sống vào khoảng năm 2698 TCN nên chỉ là tổ tiên một bộ phận người Trung Quốc.


Chúng ta cũng cần lược bỏ một số công tích quá hoang đường để trả lại cho Hoàng Đế vai trò thực của ông. Không hiểu Hoàng Đế không hiểu lịch sử phương Đông. Một khi hiểu tới tận cùng lịch sử phương Đông ta càng thêm hiểu vai trò vĩ đại của Hoàng Đế.


Tuy nhiên, như vậy chưa đủ mà phải đi tới tận cùng của vấn đề, theo Dịch lý là “phúc trung hữu họa!” Hoàng Đế mang phúc từ sự năng động quyết đoán tới nhưng rồi khi cái máu du mục tăng lên, đẩy xã hội vào thời Chiến Quốc khốc liệt, nhất là khi nhà Tần dân du mục nắm quyền càng tàn bạo hơn. Chất bạo liệt của văn minh du mục phát tác qua triều Nguyên, triều Thanh dẫn tới đỉnh cao cộng sản. Công việc hôm nay là làm sao cho cuộc sống trở lại vận hành hợp lý như thời Nghiêu Thuấn! Đấy là con đường duy nhất cứu thế giới!


Sài Gòn, 31.5.2021