Triển lãm Chagall nhân 800 năm Nhà thờ Metz

03 Tháng Sáu 20217:34 SA(Xem: 3829)

VĂN HÓA ONLINE – VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THỨ NĂM 13 JUNE 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Triển lãm Chagall nhân 800 năm Nhà thờ Metz


03/06/2021


image014Họa sĩ Marc Chagall trong xưởng vẽ của ông ở Saint-Paul-de-Vence, miền nam Pháp, ngày 19/11/1969. ASSOCIATED PRESS


Tuấn Thảo


Nổi tiếng trên khắp châu Âu nhờ vào bộ cửa sổ với kính màu khổng lồ, Nhà thờ Saint-Étienne tại Metz (miền Đông nước Pháp) đáng lẽ ra tổ chức trọng thể trong năm qua lễ kỷ niệm 800 năm ngày thành lập, do viên gạch đầu tiên đã được đặt vào năm 1220. Thà trễ còn hơn không, hội đồng thành phố Metz dành một cuộc triển lãm trong năm 2021để nói về quan hệ giữa danh họa Chagall với Vương cung thánh đường Metz.


Quảng cáo


Từ đây cho tới cuối tháng 08/2021, cuộc triển lãm được tổ chức tại Trung tâm văn hóa Pompidou-Metz, nguyên là chi nhánh của Bảo tàng đương đại trực thuộc trung tâm Pompidou tại Paris. Nét độc đáo của Nhà thờ Metz là bên trong thánh đường cổ kính này với tuổi đời đã hơn 800, vẫn có nhiều tác phẩm nghệ thuật đương đại.


Bộ kính màu nhà thờ Metz rộng tới 6.500 mét vuông


Với diện tích thuộc vào hàng lớn nhất thế giới, bộ kính màu rộng 6.500 mét vuông của nhà thờ Metz đã được hình thành trong vòng 7 thế kỷ liên tục, với sự đóng góp của khá nhiều nghệ nhân nổi tiếng của từng thời, trong đó có nhiều nghệ sĩ thành danh trong thế kỷ XX. Với tựa đề ''Chagall, le Passeur de lumière'' (Chagall, Người truyền ánh sáng) cuộc triển lãm chủ yếu tập trung khai thác quá trình sáng tạo bộ kính màu cho nhà thờ Metz của danh họa Marc Chagall (1887-1985), người gốc Do Thái.


Sinh trưởng tại Belarus, ông tên thật là Moïche Zakharovitch Chagalov và cũng như Pablo Picasso, ông đã đến Paris lập nghiệp từ những năm 1910 và nhập tịch Pháp vào năm 1937. Theo cô Elia Biezunski, trưởng ban tổ chức triển lãm, thập niên 1950 là giai đoạn sáng tạo dồi dào của Chagall, từ hội họa chuyển sang nghệ thuật kính màu. Chagall đã bắt đầu thử nghiệm và trau dồi tài năng trong lãnh vực này với công trình trang trí nhà nguyện tại thánh đường Notre Dame de Toute-Grâce tại vùng Haute-Savoie.


Tuy mất gần 7 năm, từ 1950 đến 1957, để hoàn tất toàn bộ công trình, nhưng danh họa Chagall đã khám phá một niềm đam mê mới. Qua việc trao đổi với các thợ có tay nghề cao trong lãnh vực chế tạo thủy tinh, danh họa Chagall đi tìm một cách diễn đạt khác trong cách sử dụng ánh sáng xuyên qua kính màu để làm nổi bật tất cả những sắc thái cực kỳ tinh tế, điều mà con mắt khó thể cảm nhận được hết khi chỉ nhìn màu sắc dưới ánh sáng trên mặt tranh hai chiều.


Publicité


Kính màu gợi hứng từ bộ tranh ba tấm Chagall


Chính tại nhà thờ thành phố Metz, tài năng vẽ kính màu của Chagall mới được công nhận vào năm 1959. Trong số các danh họa có dự án tham gia vào việc nâng cấp nhà thờ sau thời kỳ chiến tranh, rốt cuộc thành phố Metz đã chọn Marc Chagall thay vì Jean Cocteau.


Tại đây ông đã thực hiện một bộ tranh màu gồm ba tác phẩm : bức tranh ''Résistance'' (Kháng Cự với gam màu đỏ chủ đạo), ''Résurection'' (Phục Sinh với gam màu xanh dương) và ''Libération'' (Giải Thoát với gam màu vàng). Mỗi tác phẩm có thể được xem riêng, nhưng khi đặt bên cạnh nhau, bộ tranh lại toát lên một sức mạnh kỳ lạ khác thường. Bên trong nhà thờ Metz, bộ tranh này được đặt ở gian trong, bên trái chính điện, màu sắc lộng lẫy khi có ánh sáng xuyên qua cho dù được đặt ở một độ quá cao so với tầm nhìn cho nên khách tham quan nhà thờ có thể nhìn được hết mọi chi tiết. Cuộc triễn lãm này chính là dịp để xem tác phẩm gần sát hơn.


Tại nhà thờ thành phố Metz, Chagall đã cho thấy tài năng sử dụng màu sắc lộng lẫy rực rỡ mà vẫn không chói mắt, các khối màu khi nhìn gần rất đậm đặc nét tương phản nhưng khi nhìn tổng thể vẫn giữ được sự hài hòa nhờ cách sắp đặt bố cục tài tình khéo léo. Sau khi thành công tại Metz, Chagall sẽ phát huy tài nghệ sáng tạo kính màu của ông tại nhiều nhà thờ khác, trong đó có nhà thờ chính tòa Reims, thánh đường Jérusalem hay là nhà thờ các thành phố Zurich, Chicago, Mayence…


Theo bà Chiara Parisi, giám đốc Trung tâm Pompidou Metz, cuộc triển lãm lần này trưng bày khoảng 250 tác phẩm đủ loại kể cả bản phác họa, tranh tô màu, bức điêu khắc, ảnh cắt ghép, nghiên cứu họa tiết cũng như bố cục cho thấy là danh họa Chagall đã dày công tìm tòi trước khi thực hiện bộ kính màu. Ông được mệnh danh là kẻ ''bên lề'' do hấp thụ ảnh hưởng của rất nhiều trường phái như dã thú, lập thể, tượng trưng, tuyệt đỉnh… nhưng vẫn không nghiêng theo một phía nào cả, mà lại chọn ra một lối sáng tác riêng, đậm chất ''Chagall''.


Nhãn quan Chagall giúp đổi mới cách tạo hình thiêng liêng


Sinh trưởng trong một gia đình Do Thái, Chagall có một mối quan hệ khá phức tạp với tôn giáo. Ông tuyên bố không theo đạo nào nhưng vẫn coi trọng thế giới tâm linh, thiêng liêng huyền bí. Kể từ những năm 1930, ông đã bắt đầu quan tâm đến các loại hình nghệ thuật trong tôn giáo, cuộc triển lãm còn lưu lại những tác phẩm đầu tiên trong lãnh vực này, khi Chagall đã tìm cách minh họa các sự tích bắt nguồn từ bộ kinh thánh Tanakh.


Đến những năm 1950, khi bắt đầu sáng tạo kính màu cho các nhà thờ Công Giáo, Chagall đã đem lại một góc nhìn mới, ông dùng những màu sắc của thời trước, nhưng lại khá tự do phóng khoáng trong cách dùng biểu tượng, có thể nói là các hình ảnh phổ quát do ông sử dụng phản ánh cho nỗi đau khổ của toàn nhân loại chứ không còn đơn thuần là biểu tượng của chiếc mão gai trên đầu của Đức Chúa.


Nhãn quan này đã góp phần đổi mới nghệ thuật tạo hình thiêng liêng tại Pháp cũng như tại châu Âu. Hình ảnh tượng trưng không còn nhất thiết được gắn liền với văn bản. Nét hiện đại ấy giúp cho nhà thờ Metz thu hút đông đảo khách hành hương đến đây chiêm ngưỡng các bộ kính màu xuyên qua nhiều thời đại.


Được xếp vào hàng kiệt tác, bộ kính màu này đã bắt đầu từ thế kỷ XIII, nổi tiếng nhờ sự đóng góp của nhiều bậc thầy, trong đó có bộ kính ‘‘hoa hồng’’ do Hermann de Munster dựng vào năm 1384, hay là Théobald de Lixheim và Valentin Bousch vào thế kỷ XVI. Quan trọng không kém là giai đoạn trùng tu giữa thế kỷ XVI cho tới các nghệ sĩ đương đại lừng danh thế kỷ XX, ngoài Marc Chagall còn có sự đóng góp của Jacques Villon (anh trai của nghệ sĩ Marcel Duchamp), tác phẩm của ông cũng gây ấn tượng nhờ bộ kính màu 5 tấm.


Cho dù toàn bộ các cửa sổ kính màu của nhà thờ Metz đã được thực hiện trong vòng 7 thế kỷ, do vậy phản ánh rất nhiều thời kỳ nghệ thuật khác nhau, nhưng trong cách tạo dựng và ghép màu, các nghệ sĩ tuy mỗi người một nét, nhưng vẫn tạo ra được một ‘‘bức tranh tổng thể’’ khổng lồ. Do được chiếu sáng tự nhiên tứ bề với ánh nắng ban này, cho nên quang cảnh nhà thờ Metz càng lung linh sáng ngời, được xếp vào hàng kỳ quan thế giới, xứng đáng với danh hiệu "Ngọn đèn rực sáng của Chúa Trời".
19 Tháng Hai 2024(Xem: 245)
20 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 490)
19 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 424)