Người hùng Lê Anh Tuấn và mặt trận Tuyên Nhơn

28 Tháng Tư 20218:11 SA(Xem: 5104)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN VĂN HÓA - THỨ TƯ 28 APRIL 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Người hùng Lê Anh Tuấn và mặt trận Tuyên Nhơn


image013Phóng đồ các đơn vị hải quân Việt-Mỹ hoạt động tại Tuyên Nhơn, Mộc Hóa, Hiệp Hòa, Bến Lức và Tân An của phái bộ cố vấn hải quân Hoa Kỳ (RAID-70 và RAID 71 là giang đoàn 70 và 71 thủy bộ HQVNCH).

image011

ĐIỆP MỸ LINH


Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 – dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu-Tá Đoàn Quan Vũ – đóng cạnh Chi-Khu Tuyên-Nhơn, gồm có hai đơn vị sau đây:

Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận, dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn.

Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám, dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu-Tá T.M.H.

Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 chịu trách nhiệm những vùng sông rạch thuộc tỉnh Kiến-Tường (Mộc-Hóa) và Định-Tường.


Là một chướng ngại đáng kể đối với những đơn vị cộng sản Việt Nam (csVN) lâm le muốn đưa quân vào Long-An bằng đường thủy, Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 luôn luôn sẵn sàng chấp nhận những trận thư hùng đẩm máu. Trong tất cả những trận đụng độ, phải kể đến những cuộc tấn công quy mô do Trung-Đoàn E1 của csVN tấn công vào Tuyên-Nhơn vào cuối năm 1974.


Đêm 6 tháng 12 năm 1974, csVN tấn công dữ dội/dai dẳng/điên cuồng, chiếm được chợ Tuyên-Nhơn và nhiều đồn. Nhưng csVN cũng vẫn không thể xâm nhập vòng đai đơn vị Hải-Quân và Chi-Khu Tuyên-Nhơn; vì Chi-Khu đóng cạnh Bộ-Chỉ-Huy Hải-Quân.


Thời điểm này, Chỉ-Huy-Trưởng Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1, Hải-Quân Thiếu-Tá Đoàn Quan Vũ và Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám đều về Đồng-Tâm hội. Chỉ-Huy-Phó Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1, Hải-Quân Thiếu-Tá Phạm Văn Tạo, phải túc trực tại Bộ-Chỉ-Huy Sư-Đoàn 9 Bộ-Binh để điều hợp hành quân. Chỉ còn Hải-Quân Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn – Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận – là sĩ quan thâm niên hiện diện tại đơn vị.


Hải-Quân Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn sinh ngày 12 tháng 12 năm 1943; xuất thân trường trung học Chu-Văn-An. Ông học hết năm thứ ba Đại-Học Luật-Khoa thì gia nhập khóa 14 sĩ-quan Hải-Quân Nha-Trang.


Là người em út của một vị Tướng đầy uy quyền – Trung Tướng Lê Nguyên Khang – nhưng Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn không xin phục vụ tại những đơn vị ít nguy hiểm mà Ông lại tình nguyện về các đơn vị tác chiến. Đơn vị cuối cùng do Ông chỉ huy là Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận, đóng tại Tuyên-Nhơn


Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn điều động và chỉ huy phản công. CsVN rút lui, bỏ lại hơn 20 xác!


Đêm 7 tháng 12 năm 1974, để rửa hận, csVN lại tấn công tàn bạo hơn, quyết dứt điểm Hải-Quân để tiến chiếm Chi-Khu Tuyên-Nhơn; nhưng vẫn bị Hải-Quân chống trả mãnh liệt. CsVN lại rút lui, bỏ lại 11 xác!


Sau đó, biết không thể dứt nổi Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1, csVN vẫn cố giữ những địa điểm đã chiếm; đồng thời pháo kích dai dẳng vào đơn vị Hải-Quân và Chi-Khu Tuyên-Nhơn.


Không-Quân Việt-Nam được điều động đến yểm trợ và Sư-Đoàn 9 Bộ-Binh cũng tham chiến, chận đường tiến quân của địch.


Ngày 11 tháng 12 năm 1974, trên đường viện binh, một Chinook chở một đại đội Trinh-Sát thuộc Sư-Đoàn 9 bị csVN dùng SA7 bắn hạ. Rất nhiều thương vong!


Kể từ thời điểm này cho đến tháng 3 năm 1975, đơn vị Hải-Quân và Chi-Khu Tuyên-Nhơn luôn luôn bị áp lực của địch rất nặng nề.


Ngày 26 tháng 3 năm 1975, csVN lại tấn công hết sức quy mô và tàn bạo vào Chi-Khu Tuyên-Nhơn. Hải-Quân và quân bạn chống trả rất mãnh liệt. Cuối cùng, csVN phải rút lui, để lại trận địa khoảng 200 xác! Vũ khí của địch bị tịch thu phải chuyển vận bằng GMC.


Sau chiến thắng tại Tuyên-Nhơn, Hải-Quân Thiếu-Tá Lê-Anh-Tuấn được đề nghị thăng Trung-Tá tại mặt trận.


Ngày 23 tháng 4, 1975 Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn về Saigon họp. Khi trở lại đơn vị, trên đường từ Cai-Lậy vào Mộc-Hóa để vào Tuyên-Nhơn, Thiếu-Tá Tuấn xử dụng GMC và bị csVN pháo kích liên tục. Thiếu-Tá Tuấn liên lạc truyền tin với người bạn cùng khóa – Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận – xin tiếp viện. Nhưng ăng-ten bị gãy, cuộc điện đàm đứt đoạn.


Tối 24 tháng 4 Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn về đến Tuyên-Nhơn.


Ngày 26 tháng 4, csVN dốc toàn lực tấn công Tuyên-Nhơn. Chỉ-Huy-Trưởng Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 đi phép. Lực-Lượng Hải-Quân tại Tuyên-Nhơn bị pháo kích nặng nề. Tất cả hệ thống truyền tin bị hư hại. Thiếu-Tá Tuấn cố gắng liên lạc với Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám. Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám cho Thiếu-Tá Tuấn biết rằng Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám cũng đang bị địch pháo kích dữ dội. Và, với giọng thất vọng, Ông nói với Thiếu-Tá Tuấn:


-Thôi, mày báo cáo chi nữa. Hai đứa mình chịu trận cho đến chết thôi!


Cuộc điện đàm vừa đến đó, bỗng, một tiếng nổ lớn, mọi tần số liên lạc truyền tin đều bất khiển dụng. Cùng lúc đó, csVN đứng thẳng người, vừa tràn vào phòng tuyến của quân Việt-Nam Cộng-Hòa (VNCH) vừa bắn chứ không còn ẩn núp nữa!


Tuy trận chiến khốc liệt như vậy, nhưng Tuyên-Nhơn vẫn đứng vững như tinh thần chiến đấu kiên cường của Người Lính VNCH.


Sau khi không phá vỡ được phòng tuyến Tuyên-Nhơn, Trung-Đoàn E1 của csVN phong tỏa Tuyên-Nhơn bằng một hệ thống phòng không dày đặc và thả thủy lôi trên mọi thủy trình dẫn đến Tuyên-Nhơn. Sự tiếp tế cho Chi-Khu và Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 vô cùng khó khăn.


Tối 29 tháng 4, Tư-Lệnh-Phó Lực-Lượng Trung-Ương – Hải-Quân Đại-Tá Vũ Xuân An – từ Đồng-Tâm, liên lạc được với Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn và ra lệnh Thiếu-Tá Tuấn, bằng mọi cách, phải đưa đơn vị rời Tuyên-Nhơn.


Là một sĩ quan nặng tinh thần kỹ luật, Thiếu-Tá Tuấn triệu tập ngay cuộc họp khẩn cấp. Tất cả sĩ quan chỉ mới tề tựu được mấy phút thì csVN tiến vào và dừng lại cách vòng đai căn cứ Hải-Quân một khoảng ngắn. Hai bên không nổ súng. Thiếu-Tá Tuấn liên lạc, hỏi Đại-Tá An:


-Có đi được không, Commandant?


Đến lúc đó Đại-Tá Vũ Xuân An mới cho Thiếu-Tá Tuấn biết là đã rã ngũ! Thiếu-Tá Tuấn lại liên lạc với Chỉ-Huy-Phó Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 – Hải-Quân Thiếu-Tá Phạm Văn Tạo – để được xác nhận. Hiểu rõ tình hình, Thiếu-Tá Lê-Anh-Tuấn nhân danh Tư-Lệnh Hải-Quân, tuyên bố giải nhiệm những đơn vị Hải-Quân trong vùng trách nhiệm; rồi Ông mở đường máu, đưa đoàn chiến đỉnh về Bến-Lức.


Khi đoàn chiến đỉnh vừa rời nơi đồn trú khoảng một cây số thì bị csVN tấn công. Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận và Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám vừa phản công vừa xuôi theo sông Vàm-Cỏ.


Tối 30 tháng 4, khoảng nửa đêm, đoàn giang đỉnh về gần đến kinh Thủ-Thừa, csVN bắn chỉ thiên, gọi đoàn giang đỉnh lại. Để tránh đổ máu, Thiếu-Tá Lê-Anh-Tuấn ra lệnh đoàn chiến đỉnh cứ tiến, không được bắn trả, trừ trường hợp csVN cố tình tiêu diệt mình thì mình mới tự vệ.


Thấy đoàn chiến đỉnh vẫn tiếp tục di chuyển, chiến xa csVN hạ nòng súng bắn trực xạ. Nhiều nhân viên Giang-Đoàn chết và bị thương. Tức tốc, đoàn chiến đỉnh bắn trả.


Khi bắt được tần số truyền tin nội bộ của Hải-Quân, csVN kêu gọi Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn cho chiến đỉnh ủi bãi, lên bờ trình diện.


Quá phẫn uất, Thiếu-Tá Lê-Anh-Tuấn đưa nòng súng “ru-lô” lên…


Khuya 30 tháng 4, rạng ngày 1 tháng 5 năm 1975, trên sông Vàm-Cỏ-Tây, Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận – Hải-Quân Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn – “đi” vào lịch sử!


ĐIỆP MỸ LINH


https://www.diepmylinh.com/


(Trích Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975)


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:

Căn cứ Tuyên Nhơn

Trần Lý


image013Phóng đồ các đơn vị hải quân Việt-Mỹ hoạt động tại Tuyên Nhơn, Mộc Hóa, Hiệp Hòa, Bến Lức và Tân An của phái bộ cố vấn hải quân Hoa Kỳ (RAID-70 và RAID 71 là giang đoàn 70 và 71 thủy bộ HQVNCH).


Từ Lực lượng Đặc biệt Mỹ-Việt đến Hải Quân VNCH


Tuyên Nhơn, một quận của Tỉnh Kiến Tường, là một chiến trường nơi xảy ra nhiều trận đánh tại Vùng 4 Chiến Thuật VNCH. (xin đọc phần đã viết về Mộc Hóa- Kiến Tường). Tuyên Nhơn giữ một vị trí quan trọng trong việc ngăn chặn các cuộc chuyển quân và tiếp liệu của CSBV hoạt động trong Khu vực Đồng Tháp mười..


Từ Tuyên Nhơn có thể dùng LTL 29 để đến Kiến Bình và về Mộc Hóa


  • Vài Đặc điểm Địa lý :


Từ Quận Tuyên Nhơn ra QL 4 có 3 phương tiện :


  • đường thủy : dùng tắc ráng thường chỉ phụ nữ và dân địa phương sử dụng.
  • đường bộ : xe khách chỉ có một chiếc vài ngày có một chuyến..
  • trực thăng quân sự..


Chi khu Tuyên Nhơn được nối với Chợ Quận bằng một cầu sắt do Công binh VNCH  xây dựng..


  • Trại Lực lượng Đặc biệt Tuyên Nhơn :


Ngày 1 tháng 4 năm 1965, Toán Tiền phương LLĐB HK A-5/213 thiết lập Trại Dân Sinh tại Tuyên Nhơn. Trại sau đó được đạt là A-415 . Trại Tuyên Nhơn được đặt trong Quận Tuyên Nhơn (Kiến Tường) cách Chi khu khoảng 2 km. Chi khu Tuyên Nhơn có một toán Cố vấn Quận hoạt động.


image014Trại Tuyên Nhơn A-415, lực lượng biệt kích CIDG (Ảnh của Shelby Stanton).


Trại Tuyên Nhơn là nơi trú đóng của một lực lượng CIDG gần 400 người , gồm 3 đại đội chiến đấu (402, 403 và 404), một toán an ninh-phòng thủ doanh trại Nùng, do một toán 12 quân nhân SF Mỹ vả một toán 10 quân nhân LLĐB VN chỉ huy. Trại có  giữ nhiệm vụ canh phòng biên giới..Tại đây còn có thêm một toán ‘tăng cường’ từ B-57 LLĐB. Trại còn đặt một Căn cứ Tiền phương (FOB) (Hội đồng Chiểu) bên ngoài cách Trại chính khoảng 10km bên bờ Bắc của sông Vàm cỏ Tây : căn cứ này do một đại đội luân phiên trấn giữ và từ FOB , nhiều toán 6 CIDG được bung ra, thám kích..


  • Vài trận đụng độ :


Ngay từ ngày Trại được thành lập, gây những khó khăn cho việc chuyển quân và tiếp vận của CQ qua vùng biên giới bằng các cuộc phục kích nên CQ  đã tìm cách tấn công, quyết san bằng..‘xóa sổ’ Trại..Trung đoàn Đồng Tháp VC với các TĐ cơ hữu 261, 267 và 269 luôn luôn phá rối, pháo kích vào Trại..


  • Ngày 27 tháng Giêng 1966


CIDG sửa soạn hành quân nên rút hết các toán tiền tiêu về Trại và cuộc hành quân dự trù cho ngày 29 bị hủy bỏ do tin tình báo cho biết CQ sắp tấn công ..chưa biết sẽ đánh vào Trại hay vào CC tiền tiêu. Tại FOB, ĐĐ 403 CIDG (104 quân) cùng 2 SQ LLĐB Mỹ và 2 LLĐB Việt nhận thêm tiếp liệu từ trực thăng, tuần tiễu suốt ngày 29 nhưng không tìm thấy CQ, và rút lại về Vị trí vào  lúc 1 giờ sáng 30-1. Vào 4 giờ sáng CQ pháo kích vào vị trí phòng thủ của FOB từ hướng Bắc bằng cối 60, 82 , SKZ 57 và cả súng máy .50..Trại Tuyên Nhơn được báo động và yêu cầu xin không trợ.. TĐ 269 CSBV mở cuộc tấn công..CIDG tại FOB chở sẵn với trung liên BAR và ..bazooka (!).. 4 giờ 30 sáng, phi cơ quan sát vào vùng và 5 giờ AC-47 xuất hiện, yểm trợ..CQ không vượt nổi hàng rào phòng thủ.. đành rút chạy khi trời sáng bỏ lại quanh rào 46 xác cùng 12 vũ khí. Trực thăng vũ trang theo dấu CQ  tiếp tục truy kích..


Tổng kết thiệt hại : 78 CQ bị hạ, 2 bị bắt , tịch thu 18 vũ khí ; bên CIDG có 1 chết, 2 bị thương . (trong số vũ khí có cả 5 AK, 8 súng trường Nga (bá đỏ), lựu đạn Trung cộng..)


  • Ngày 9 tháng 4 năm 1966


CQ quyết tâm phục hận cho thảm bại ngày 27-1, tập trung quân của 2 Tiểu đoàn 261 và 267 tấn công Chi khu Tuyên Nhơn và FOB ( cũng có thể cả vào Trại chính ). FOB lúc này do ĐĐ 402 trấn giữ, cùng 2SF Mỹ và 1 LLĐB Việt)


11 giờ đêm 9 tháng 4 , toán đặc công CQ bò vào sát hàng rào phía Bắc của FOB, và vị CIDG canh phòng phát giác..nổ súng.. CQ liền tấn công mạnh vào hướng Đông-Nam rồi từ mọi phía, pháo kích đủ loại từ cối 60, 82, bắn SKZ 57, 76 ly và súng máy 12.7 vào Căn cứ..CQ cũng nổ súng quấy rối Chi khu, Trại chính.. FOB xin không yểm..Ngay 11 giờ 30 AC-47 và FAC đã đến bao vùng và thả hỏa châu soi sáng..


0 giờ 30 sáng, toán cảm tử CQ, 15 tên vượt được rào phía Tây-Bắc lọt vào bên trong FOB dùng súng phun lửa phá hủy Trung tâm truyền tin và vài dãy nhà : SQ LLĐB Việt, nhân viên truyền tin và Đại đội phó CIDG đều tử trận.. Tuy nhiên đội cảm tử VC bị đẩy lui khỏi FOB, bỏ lại 4 xác..3 CIDG mất tích (có thể là nội tuyến).. 0 giờ 40 các khu trục F-100 đến bắn phá các đợt tấn công của CQ : 2 đợt oanh kích của khu trục đã tạm đẩy lui CQ. CQ tái tấn kích lúc 2 giờ 10 sáng, dùng bộc phá phá các tường rào phía Bắc và Đông-Nam nhưng không vào được FOB, đành lui quân lúc 4 giờ sáng..


Trực thăng vũ trang và quân tiếp viện từ Trại chính đã đến ngay từ 4 giờ sáng..và lực lượng truy kích , tăng cường các ĐĐ CIDG của các Trại Mộc Hóa, Mike Force tử Tân Cần có trực thăng yểm trợ truy đuổi theo quân CS đang rút chạy..Cuộc truy kích kéo dài đến 4 giờ chiều.. 188 CQ bị hạ


image015Các chiến sĩ biệt kích CIDG trong một cuộc hành quân (Ảnh của specialforcesa).


Ngày 11 tháng 4 một cuộc hành quân tảo thanh trở lại khu vực giao chiến nhưng không đụng độ với CQ..


Trận đánh được ghi nhận: Vai trò của KQ là yếu tố chiến thắng quan trọng. LL KQ tham dự gồm 24 trực thăng vũ trang và chuyển vận, 2 Chinook, 6 phi tuần F-100, 2 AC-47, chưa kể 2 Mohawk và 1 Beaver FAC..


Tổn thất : 1 SF, 3 LLĐB Việt, 23 CIDG tử trận ; Bị thương : 3 Mỹ, 15 CIDG


CQ : 93 bị hạ tại quanh FOB; 168 khi bị truy kích, ước lương thêm 100 khi rút chạy


Vũ khí tịch thu : 3 AK-47; 3 K-50 (Nga); 1 súng phun lửa TC; 1 súng phóng lựu TC, loại 56; 6 khối chất nổ 10kg/khối ; 6 khối bộc phá  15 kg/ khối; 40 lựu đạn..


  • Mùa nước lụt 1966 : (17 tháng 9 đến tháng 11-1968)


LLĐB tại Vùng 4 được trang bị các xuồng máy, ghe chèo để thực hiện các cuộc hành quân phục kích CQ .. Khu vực Tuyên nhơn, các hoạt động của CQ xuống thấp.. CIDG từ Tuyên Nhơn chỉ còn các đụng độ nhỏ..Do nước dâng cao, những vụ bị mìn bẫy của CQ giảm thiểu. Nước lụt khiến CQ phải bỏ các vị trí ẩn nấp, các ghe xuồng phân tán.. Trực thăng vũ trang trở thành vũ khí hữu hiệu nhất. Tất cả các vị trí pháo binh của Quân VNCH đều phải di chuyển..ra Quốc lộ 4. Các ‘ sàn súng cối ‘của các Trại cũng không thể hoạt động..


Cùng sự ‘nhập trận của HQHK đưa các PBR đến , phối hợp yểm trợ cho các thuyền máy của LLĐB, Tuyên Nhơn cũng được chọn làm nơi thử nghiệm Xuồng bay (Airboat) [Xin xem bài Mộc Hóa]…6 xuồng bay được đặt tại Tuyên Nhơn


Trận tiêu biểu trong mùa lụt : Ngày 16 tháng 10 : 3 ĐĐ CIDG, cùng 1 Tr đội ĐPQ hành quân hu vực Kinh Lagrange có PBR yểm trợ đưa đến kết quả : 15 CQ bị hạ ( khoảng 50 bị chết chìm), 18 bị bắt sống, tịch thu 87 súng cá nhân, 2 trung liên BAR.. 124 xuồng bị phá hủy, 56 nhà, 40 hầm và 58 trâu cũng bị hủy..


image016Xuồng bay Hurricane Aircat hành quân thử nghiệm trên sông rạch (Ảnh của wikiwand).


Ngày 2 tháng 11 năm 1966 : 6 chiếc xuồng bay đã được dùng làm lực lượng bảo vệ sườn cho cuộc hành quân của 4 Đại Đội CIDG (phối hợp từ hai Trại Mộc Hóa và Tuyên Nhơn), tảo thanh khu vực Vàm cỏ Tây, kết quả cuộc hành quân tuy không đáng kể  vỉ CQ chạy thoát nhưng giúp cải thiện cách dùng xuồng bay cho thích hợp với các điều kiện của vùng Đồng tháp..


Ngày 14 tháng 11 : Tại khu vực quanh Tuyên Nhơn, đơn vị Xuồng bay (6 chiếc) Giant Slingshot cùng 1 ĐĐ Mike Force hạ được 6 CQ, tịch thu được 1 cối 60 ly nhưng 2 SF và 6 Mike tử trận, mất một thuyền gắn máy (máy 40hp của thuyển này thu lại được sau đó, trong cuộc hành quân tại Mộc Hóa ngày 22/11)


Ngày 24 tháng 11, nước rút : 3 ĐĐ CIDG của Tuyên Nhơn, hành quân phối hợp cùng trực thăng, Xuồng bay và cả PACV đã chặn đánh 1 trung đội VC đang di chuyển  từ Tuyên Nhơn về biên giới Miên, trú ẩn tại một điểm dưỡng quân.. 9 VC bị hạ, 3 bị bắt..78 cơ sở, 8 trâu, 11 ghe và một binh xưởng in bị phá hủy..


Vài trận đụng độ của CIDG Tuyên Nhơn 1968-69


  • 15 tháng 4-1968 : một Trung đội CIDG phục kích toán VC khoảng 1 ĐĐ từ Mộc Hóa di chuyển về cách Trại khoảng 20km về phía Đông : VC bị bất ngờ bỏ chạy về phía Nam để lại 14 xác, khoảng 18 có lẽ kéo đi..
  • 10 tháng 5-1968 : Hành quân phối hợp CIDG của hai Trại Mỹ Điền (A-416) và Tuyên Nhơn (A-415) : 5 ĐĐ CIDG của 2 Trại, tăng cường 2 ĐĐ Mike Force, các cuộc đụng độ diễn ra suốt ngày trong khu vực giữa hai Trại, bao vây khoảng 2 Trung đội CQ.. CIDG có không trợ.. CQ tháo chạy để lại 26 xác, 6 bị bắt..7 vũ khí bị tịch thu.. Phía CIDG có 3 chết, 1 SF bị thương..
  • Thành tích quan trọng nhất trong năm 1968 là cuộc hành quân của các Toán Thám sát CIDG A-415 có sự trợ giúp của SĐ9 BB Hoa Kỳ ngày 1 tháng 6-1968, tấn công một lực lượng CQ khoảng 1 TĐ ..CQ rút để lại 7 xác nhưng nhiều vũ khí bị tịch thu gồm cả 1 cối 60, máy truyền tin, 18 vũ khí cá nhân, nhiều đạn cối, B40..và ngày 28 tháng 6 , CIDG Tuyên Nhơn đã khám phá được một kho vũ khí tại XS-?593.. gồm 4 hầm lớn. Vũ khí tịch thu lên đến 300 súng kể cả cối 60 và 82, súng không giật ; 300 ngàn đạn AK, 7 tấn trang thiết bị linh tinh..


Trong năm 1969


Tình hình hoạt động của CQ giảm rất nhiều quanh Tuyên Nhơn, và tập trung nhiều hơn  vào Trại Mộc Hóa . Trại chỉ ghi lại vài đụng độ nhỏ :


  • 12 tháng 8 : phục kích tại 10km Đông- Đông/Bắc Trại : hạ 4 VC, bắt sống 1 VC
  • 13 tháng 8 : khám phá nợ chôn giấu vũ khí của CQ tại 12km Đông-Đông/Bắc thu được 18 súng nhỏ..


Trại Tuyên Nhơn được chuyển cho VNCH ngày 2 tháng 10-1970 . Số nhân viên CIDG tại đây gồm 302 người được cải tuyển thành TĐ 75 BĐQ Biên Phòng; TĐ sau đó trực thuộc Liên Đoàn 41 BĐQ (1970) và TĐ này giải tán khi LL BĐQ cải tổ lại..


  • HQ Hoa Kỳ và Tuyên Nhơn :


Trong khuôn khổ Chiến dịch SEALORDS (Southeast Asia Lake, Ocean, River and Delta Strategy)- Sep 1968, HQ HK đã thực hiện nhiều cuộc hành quân trong đó có cuộc Hành quân Giant Slingshot để ngăn chặn việc xâm nhập của CQ từ vùng Mỏ Vẹt bên đất Miên sang khu vực Đồng tháp mười bên trong lãnh thổ VNCH. Khu vực này nằm giữa 2 nhánh sông Vàm cỏ (Đông và Tây). Nhánh Vàm cỏ Tây chảy qua Mộc Hóa và Tuyên Nhơn…Để yểm trợ cho các hoạt động của Lực lượng Sông ngòi của HQ (Chiến đoàn 194.9) HK đã cho thiết lập nhiều Căn cứ yểm trợ và tiếp vận , trên bờ và căn cứ nổi..quan trọng trên nhánh Vàm cỏ Đông..và trên Sông Mekong..


image017Ảnh minh họa hải quân Hoa Kỳ hành quân OPERATION “GIANT SLINGSHOT của voiceofthevet.


Bên nhánh Vàm cỏ Tây, HQHK cho lập 2 ATSB (Advanced Tactical Support Base) : một tại Mộc Hóa (xem bài Mộc Hóa) và một tại Tuyên Nhơn.


Vị trí ATSB Tuyên Nhơn (XS-273-773): dọc kinh LaGrange, cách Sông Vàm cỏ Tây 2km về phía Tây ; cách Saigon 50 km về phía Tây-Tây/Bắc.


ATSB Tuyên Nhơn được Công binh HQ (Seabees) xây dựng vào đầu năm 1969, dùng vật liệu chuyển vận từ Đà Nẵng vào, gồm một Trung tâm Hành quân, các bunkers phòng thủ, một xe trang bị hệ thống viễn thông, kho đạn dược-xăng dầu, bãi đáp trực thăng, máy phát điện, khu câu lạc bộ sinh hoạt.., nơi trú ngụ cho nhân viên..


(HQ VNCH tiếp nhận Căn cứ này vào năm 1971)


Hoạt động của HQHK, ngay từ tháng Giêng 1969, Lực lượng River Patrol 553 (căn cứ tại Long An), đến tập trung tại Tuyên Nhơn để tuần tra trên các Kinh LaGrange ( còn gọi là Kinh Cùng, Kinh Ông Lớn)) ,  nối liền Tuyên Nhơn đến An Long (Trại Cái Cai)


Khi ATSB Tuyên Nhơn hoàn tất, RAD 153 đã đặt căn cứ tại đây..


Hành quân Barrier Reef được tổ chức như một thành phần bổ túc cho Hành quân  Great Slingshot , bắt đầu từ 28 tháng 12 năm 1968..Khu vực hành quân là vùng Kinh LaGrange-Ông Lớn (nối sông Mekong từ An Long sang Sông Vàm cỏ Tây tại Tuyên Nhơn). Vùng trách nhiệm được chia thành 2 vùng tuần tiễu  chia bằng Kinh Cộng Hòa : Vùng Đông (Barrier Reef East ) do lực lượng Tuyên Nhơn trách nhiệm và Vùng Tây (B. Reef West) do một biệt đội PBR tại An Long ..LLĐB Hoa Kỳ nhận cung cấp quân bộ chiến, từ các Trại và từ Lực lượng Xung kích Mike..


Các cuộc tuần tiễu khởi động từ 2 tháng Giêng 1969 .. CQ chỉ thăm dò và phản ứng sau đó bằng gài mìn, thả trôi theo thủy lộ.. Các chiến đỉnh vớt mìn MSB được đưa vào sử dụng cùng các PBR và xuồng Boston Whaler (Xem bài Cửa Việt của Trần Lý).


Chiến công đặc biệt nhất của Barrier Reef được chính Quân sử CSBV ghi :


Khoảng cuối năm 1968, CSBV tổ chức Đại đội súng nặng 528 VC tại bên lãnh thổ Miên, trang bị 12 ống phóng hỏa tiễn 107 ly loại mới của Trung cộng. Đại đội thuộc toán pháo binh kinh nghiệm từ Bắc xâm nhập. Ngày 10 tháng Giêng 1969, Đội 528 được 1 TĐ địa phương VC 300 quân bảo vệ dẫn đường, vượt biên giới Miên để vào VN đi theo các rạch nhỏ. CQ được cán binh nằm vùng thông báo về hoạt động của các PBR trên Kinh Ông Lớn (Lagrange) : 2 chiếc tuần tra thì 2 chiếc nghỉ..Toán CQ hộ tống dàn trận phục kích PBR, để đoàn 528 vượt sông.. Nhưng tình báo VN nhận được tin về cuộc phục kích này nên ém sẵn 1 Trung đội ĐPQ trong đêm 11/1 chờ.. Đợi. Tr đội ĐPQ có 6 PBR yểm trợ đẩy lui CQ về phía Bắc.. CQ toan vượt Kinh trong suốt ngày 12 đều bị PBR chặn bắn nhưng sau đó  TĐ hộ tống này qua được Kinh, bỏ lại Đoàn 528 bên kia Kinh lạc mất các giao liên dẫn đường ! Sáng 14 tháng Giêng, đoàn 528 này bị phi cơ trinh sát tìm thấy dấu vết tại một con rạch nhỏ nối với Kinh Lagrange. Trực thăng vũ trang vào vùng xạ kích, PBR đổ quân bao vây : 46 CQ bị giết, 16 bị bắt sống và 12 ống phóng 107 ly cùng 45 quả đạn bị tịch thu toàn bộ (From the Rivers to the Sea của R Schreadley, trang 201)


Một thành quả quan trọng về mặt kinh tế mà HQ Hoa Kỳ đã thực hiện hiện vào đầu năm 1970 là kết nối hai con Kinh Lagrange và Kinh Gẫy


Đây là Operation “Deep Channel II” khởi sự trong tháng 2-1970. Ngày 8 tháng 2 năm 1970, khối chất nổ cuối cùng được châm ngòi.. và hai con kinh được kết nối rút ngắn sự di chuyển từ Tuyên Nhơn đến Trà Cú (Hậu Nghĩa) đến 80%.


Các chuyên viên của hai toán UDT (Underwater Demolition Team) 12 và 22 đã dùng chất nổ MK-8 để phá đất, tạo kinh, mất 40 ngày làm việc và chi phí 500 ngàn đô la.


Sau khi nối kết hai con kinh, các chuyên viên  phá nổ của HK tiếp tục công tác cho đến 24 tháng 2 để mở rộng bề ngang con kinh đến 10m và độ sâu 1.5 m ; mở thêm các trạm (cách nhau 1km) để hai chiến đỉnh tránh nhau khi cần quay vòng.. Chiều dài của con kinh nối mới này khoảng 10 km.


Con kinh mới này tuy còn ‘thô’ vì hai bờ chưa be đắp, dễ sụt lở nhưng giúp sự lưu thông ghe thuyền nhỏ dễ hơn và việc tuần tiễu canh phòng vào mùa mưa thêm hữu hiệu..


Căn cứ HQ MỸ tại Tuyên Nhơn thường bị CQ quấy nhiễu, tìm cách phá hoại :


  • Ngày 1 tháng 4-1970 , 2 chiếc LCM của Lục quân chở đạn tiếp liệu, neo tại ATSB đã bị đặc công nước CQ gài mìn, mìn đặt giữa 2 tàu, nổ gây chìm cả hai tàu,  tuy các PBR đã cố giúp bơm nước ra. Khối chất nổ khoảng 25kg C-4 đã gây các lỗ to 60cm x 1m nơi  thành tàu của các LCM. May mắn nhất cho Căn cứ là đạn trên LCM không phát nổ ! Hai LCM được trục vớt ngay hôm sau, các lỗ thủng được tạm vá và 2 chiếc được kéo về SaiGon..
  • Hai ngày sau đó, một chiến đỉnh của HQVN thả neo cách ATSB 10km về phía Đông, phát giác một quả mìn cột theo tàu (!). Nhân viên HQVN khéo léo cắt dây và kéo khối chất nổ ra xa để các chuyên viên phá gỡ..Khối C-4 này tương tự như khối chất nổ ngày 1 tháng 4..
  • Trong suốt các tháng của năm 1970, các PBR của Tuyên Nhơn ít đụng độ với CQ hơn các PBR tại An Long..


Từ tháng 5-1970,  Chương trình chuyển giao việc điều hành các ATSB tại VN cho HQ VNCH bắt đầu.. Các đơn vị  HQHQ thay đổi nhiệm vụ : River Division 594 đến Tuyên Nhơn hoán đổi cho RAD 153 để đơn vị này chuyển về Trà Cú..


Sau cùng Căn cứ Tuyên Nhơn đã giao lại cho HQVNCH vào tháng Tư năm 1971.


  • Căn cứ HQ VNCH :


Theo Hải sử Tuyển tập, trang 441, Căn cứ HQ Tuyên Nhơn, (1974) trực thuộc Liên đoàn Đặc Nhiệm Trung ương 214.1 , là nơi trú đóng của các:


  • Giang đoàn 56 Tuần Thám (HQ Thiếu tá Đoàn Quang Vũ)


(Mỗi GĐ Tuần Thám  được trang bị 20 chiến đỉnh PBR)


  • Giang đoàn 45 Ngăn Chặn (HQ Thiếu tá Lê Anh Tuấn)


(GĐ 45 Ngăn chặn trang bị 15 giang đỉnh gồm 1 Soái đỉnh, hay chiến đỉnh chỉ huy=CCB (Command Control Boat = Commandement), 2 thiết giáp đỉnh, 8 Quân vận/Trợ chiến đỉnh= ATC (Armored Troop Carrier , hay Tango) và 1 Chiến đỉnh phun lửa=Zippo)


image018Các chiến sĩ của một Giang đoàn ngăn chận HQVNCH chào quốc kỳ (Ảnh của Naval History and Heritage Command).


Tác giả Phan lạc Tiếp, trang 449, mô tả Căn cứ Tuyên Nhơn :


“ Căn cứ HQ Tuyên Nhơn nằm ở bờ Nam Kinh Đồng Tiến, cách ngã ba chợ Tuyên nhơn độ 3 km. Trước mặt là bờ kinh, làm bãi ủi cho các Chiến đỉnh. Mặt kinh rộng độ 100m. Bên kia, bờ Bắc là một bức tường đất, trên có một hàng rào sắt, kết lại bằng các mặt lưới chống B-40, ngoài hàng rào là bãi mìn..Từ hàng rào về phía Bắc là rừng tràm-đước.. Căn cứ nằm dọc theo mé kinh bờ Nam, dài độ 200m , sâu không quá 100m. Phía mặt và phía sau cũng là những bãi mìn.. Sát hàng rào, phía trái là bãi đáp trực thăng.. Kế cận là Chi khu Tuyên Nhơn- Quận đường ; sau Quận là nơi trú đóng của Chi đội Pháo binh Quận với 2 khẩu 105..”


  • Sinh hoạt tại Căn cứ HQ


Tác giả Phạm Công Nhạc, trong bài Thuở trời đất nổi cơn gió bụi  Hành trình SQHQ ‘Lưu Đày’ ghi lại ;


.. ‘Tháng 11 năm 1971, Giang đoàn 64 TT  chuyển vế hoạt động tại Tuyên Nhơn…


Buổi tối ở Tuyên Nhơn trong những ngày gần Tết, những cơn mưa không đủ thấm đất nhưng tạo thành lớp bùn, đủ để dính giày khi đi bộ ra cổng chính..Những ngọn đèn điện lù mù thảm hại..những mái tôn cũ kỹ và khu nhà toàn ván ép sơn màu xám đậm  ..’


image019Giang tốc đĩnh PBR của một Giang đoàn tuần thám HQVNCH (Ảnh của cựu chiến binh hải quân Hoa Kỳ).


Đi thẳng theo lộ  để ra quận. Quận Tuyên Nhơn  mà Chi khu nằm ngay bên cạnh Căn cứ HQ chỉ cách một hàng rào kẽm gai.. Căn cứ HQ trải dài 300 m dọc con Kinh LaGrange . Các binh sĩ ở đây chỉ có một niềm vui sau khi đi hành quân về là vào câu lạc bộ.. ăn vặt hay theo tàu ra chợ Mộc Hóa..


Cuộc sống ở đây, các SQ thay phiên nhau đi tuần. Công tác tùy theo, 2 ngày, ngoại trừ biệt phái đi Mộc Hóa, thì cả tháng mới về lại đơn vị..Khi các giang đỉnh đụng trận thì Chỉ huy trưởng sẽ đem 4 giang đỉnh đi tiếp cứu và yểm trợ, bất kể ngày đêm..


Tuần tiễu, hộ tống, yểm trợ, phục kích…


  • Vài trận đánh của Hải quân Tuyên Nhọn :


Hải sử của HQ ghi lại một số trận tiêu biểu :


  • 6 tháng 12 năm 1974


Tr Đ Z-15 CSBV tấn công Đồn ĐPQ Ba Thắng Minh cách Tuyên Nhơn 15km về hướng Bắc và sau đó tràn ngập Đồn này. HQ tiếp trợ nhưng không kịp. Ngày 8-12 sau khi đã nhổ hết các đồn bót lẻ, tiến chiếm Chợ Tuyên Nhơn, và pháo kích vào Chi khu cùng Căn cứ HQ bằng cối 82 và hỏa tiễn 122 ly, sau đó tấn công bằng bộ binh..nhưng không tiến vào nổi Chi Khu và Căn cứ HQ..Sáng 7 tháng 12 CQ tấn công tiếp, dữ dội hơn..nhưng vẫn bị đẩy lui, bỏ lại 12 xác quanh rào. Chợ bị CQ đốt


Ngày 11 tháng 12, SĐ9 BB hành quân giải tỏa ..Trung đoàn 14 đưa quân đến, một Chinook chuyển quân bị SA-7 bắn hạ..( Xin đọc chi tiết Phi vụ này trong bài Mộc Hóa của Trần Lý.. KQ ghi là bị rơi tại Mỹ Xuyên, Mộc Hóa..)


  • 26 tháng 3 năm 1975


CQ huy động 2 TĐ của Z-15 (từ hướng Bắc) và 1 TĐ Địa phương có thêm 1 ĐĐ đặc công (từ hướng Nam) cùng hợp đồng tấn công vào vòng rào Căn cứ nhưng bị phát giác ngay khi chúng chưa kịp nổ súng và bị hỏa lực của các chiến đỉnh bắn hạ.. Suốt một đêm tấn kích, CQ không vượt nổi qua kinh vì hỏa lực phòng thủ và các chiến đỉnh kịp quay về yểm trợ..CQ bỏ lại cả trăm xác , đầy trên kinh.. Bên HQ có 30 chiến sĩ chết và bị thương..


Chợ Tuyên Nhơn cách Căn cứ HQ chừng 5 km đã bị CQ chiếm từ 25 tháng 3, chặn đường ra sông Vàm cỏ của các chiến đỉnh . Một cuộc hành quân giải tỏa được Bộ TL HQ thực hiện ngày 5 tháng 4, phối hợp cùng Bộ binh..Ngày 10 tháng 4 đoàn tàu tiếp liệu đã khai thông thủy lộ đem vào căn cứ nhiên liệu và thực phẩm..


  • Sáng 30 tháng 4 năm 1975 Thiếu Tá Tuấn tự sát khi có lệnh buông súng của Dương văn Minh..
  • Xin đọc thêm các bài viết về Thiếu tá Lê Anh Tuấn trong


– Hải Sử Tuyển tập của các tác giả Phan lạc Tiếp (trang 449) ; Đoàn Quang Vũ


(trang 455)


– Hải Quân VNCH ra khơi của Điệp Mỹ Linh


– Trận chiến ở Tuyên Nhơn (dongsongcu.wordpress.com)


Trần Lý – 5/2020


Nguồn: Mr. TL chuyển